Dường Như Dì Đã Nói Yêu Tôi

Hôm sau, tôi bị cơn tê dại nơi cánh tay đánh thức. Bạch Nhược Lâm gối trên tay tôi ngủ như một đứa trẻ.

Chưa có ai ngủ tư thế thân mật như thế cùng tôi, kể cả dì Lạc năm ấy cũng chưa từng.

Tuy không phát sinh chuyện gì. Đúng, tôi xác định điều này, nhưng tóm lại là chúng tôi đã ngủ chung một đêm rồi.

Tôi chỉ nhớ chị nói liên miên chút chuyện, mãi đến khi mất đi tri giác.

Có lẽ tối qua chị mất ngủ trong lúc tôi đang ngủ say. Giờ tôi cũng không muốn đánh thức chị.

Tôi khe khẽ đắp chăn cho chị, rồi lập tức rón rén trở về phòng mình.

Hôm nay nhóm không có hoạt động tập thể gì, nên chị ngủ tới khi nào cũng chẳng có ai quấy rối. Tôi tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới, liền ra khỏi khách sạn.

Tôi không muốn xem bản đồ, đi lung tung không có mục đích trên con đường xa lạ. Quảng trường không quá náo nhiệt, người đi đường cũng không nhiều, còn mặt đường vẫn luôn sạch sẽ như thế.

Tôi tìm một “canteen”, ăn bát mì udon, mùi vị thơm ngon lạ thường.

Chỉ là xung quanh toàn ngôn ngữ xa lạ, cảm giác lạc lõng bi quan nảy sinh, vẫn không nên ở đây lâu.

Tôi kêu ông chủ gói một phần mì, rồi trở về khách sạn. Tôi gõ cửa phòng chị, nhưng vẫn không nghe động tĩnh gì, đang muốn xoay người rời đi, cửa liền mở ra.

Chị tóc tai bù xù đứng sau cửa, sắc mặt có vẻ hơi tiều tụy.

“Dậy rồi đó hả?”

“Bị em đánh thức đó.”

“Thật ngại quá. Đây, cho chị ăn này!”

Tôi đưa đồ đến trước mặt chị.

Chị liếc mắt nhìn, mỉm cười, “Vào đi.”

Tôi vào phòng, mở hộp mì cho chị ra, đũa cũng đã chuẩn bị xong.

“Xin mời, nữ vương bệ hạ.”

Chị ngồi xuống, vừa nhìn liền cau mày.

“Sao vậy?”

“Nhìn xong hết muốn ăn.”

Tôi ảo thuật lấy ra từ trong túi xách một cái bình nhỏ, đưa tới trước mặt chị.

“Biết chị thích ăn cay nên em bảo ông chủ gói thêm nè.”

“A, coi như em chu đáo, vậy chị bắt đầu ăn đây!” Mấy ngày ở Nhật Bản, chị cũng học theo người Nhật Bản vỗ tay trước khi ăn cơm, sau đó nói một tiếng “bắt đầu”, bộ dáng rất khả ái.

Chờ chị ăn xong thì đã gần trưa. Tôi đứng trước cửa sổ ngắm cảnh, chẳng biết mưa từ lúc nào, gió cũng hơi lớn.

“Hôm nay đi đâu đây?” Tôi quay đầu lại hỏi chị đang đứng bên cạnh.

“Bái thần đi.” Thì ra bà chị này đã sớm có dự định.

Chúng tôi ngồi tàu JR xuống ở ga Harajuku (1) đến Shibuya (2) nổi tiếng. Tokyo tập trung một phần mười dân số Nhật Bản, đường phố lúc nào cũng rộn ràng, nhộn nhịp. Thế mà cũng có chỗ yên tĩnh, chính là đền thờ Minh Trị (3) này đây.

Kỳ thực tôi cảm thấy Nhật Bản có tính dân tộc phân tách rất rõ ràng. Khi thì âm nhu vô cùng tận, lúc thì tráng vĩ vô bờ bến. Ba hồi thanh thản đáng yêu, bốn hồi tối tăm khủng bố. Một mặt là sáng tạo, một mặt là hủy diệt. Phía trước là ánh sáng thiên đường, nhưng sau lưng lại là lửa địa ngục thiêu đốt hừng hực.

Trước khi đi, tôi cho rằng nơi đây cũng tương tự chùa Linh Ẩn, khách hành tụ tập dâng hương, giao thông tắc nghẽn, nhưng đến mới phát hiện không phải như thế.

Có người nói trước lúc Thần Cung được xây dựng, nơi đây là một mảnh đất hoang vu. Sau khi Thiên Hoàng Minh Trị và Hoàng thái hậu Chiêu Hiến qua đời, người Nhật Bản vì kỷ niệm công đức của họ mà thành lập nên. Đó là một khu xanh hóa đặc biệt lớn, trồng mấy trăm loại cây, mười mấy vạn cây, mùa hè mây bay mưa bụi, toả ra mùi hương thơm ngát.

Xe cộ ở đây rất ít. Có rất nhiều người Nhật Bản tự tới chỗ này, mặc phục trang, diễn một vở kịch tôi không biết tên. Một ít du khách rối rít cầm máy quay phim, họ cũng phối hợp tạo vài tư thế.

Dọc theo cửa hàng trưng bày đá cuội trắng xóa, bóng loáng, xinh đẹp. Có người bảo đá cuội có thể loại bỏ yêu tà, khi mọi người đi bộ trên đá, linh hồn sẽ được thanh lọc.

Tôi chẳng biết linh hồn của mình có được thanh lọc không, nhưng lúc đi trên đá, cảm giác quả thực rất tốt, giống như phủi sạch trần thế, quên đi tất cả muộn phiền.

Bạch Nhược Lâm vốn mang giày cao gót, lúc này đã cởi giày xách trong tay, đi chân trần trên đá cuội, còn để tôi chụp rất nhiều ảnh. Không thể phủ nhận chị quả thật rất đẹp, đặc biệt nổi bật dưới phong cảnh mỹ lệ thế này, thoáng như tiên tử lạc trong rừng vậy.

Vào trong cung điện lại có một phong vị khác, là kiến trúc sân vườn điển hình của Nhật. Đối với kiến trúc, tôi một chữ cũng không biết, có điều để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi chính là dòng nước trong veo róc rách ở điện. Men theo dòng chảy bình lặng về bể, hoa thủy tiên đã bắt đầu nở rộ, cây xương bồ còn chưa thay lá. Có mấy người phụ nữ mặc kimono thanh nhã đi dưới hành lang, lời nói nhỏ nhẹ, từ xa nhìn lại hệt như trở về thời cổ đại. Có người nói kết hôn ở đây có thể hưởng hạnh phúc trọn đời, đáng tiếc tôi không bao giờ nhìn thấy ngày đó.

“Có muốn vào tham quan không?” Bạch Nhược lâm hỏi tôi.

“Không muốn.”

“Sao thế? Em cũng không tin thần linh à?”

“Người Nhật đã nhiều như vậy, thần phù hộ người nước ngoài chúng ta không có kịp đâu.” Kỳ thực đối với chuyện bái thần này, tôi vẫn có cấm kỵ, như Khổng Tử nói ‘kính quỷ thần mà đi chi xa’.

“Ra thế. Vậy thì thôi.” Chị đại khái cũng không muốn đi vào một mình, nghe tôi nói vậy, cũng chỉ có thể bỏ thôi.

“Chị có nguyện vọng gì hả? Nếu có thì nói em nghe chút đi.” Tôi cố ý trêu ghẹo chị.

Chị nhìn tôi thật lâu, cũng không trả lời.

Tôi đột nhiên cảm thấy trong lòng mơ hồ, cũng không dám suy đoán, lập tức nhìn trái nhìn phải hắng giọng, la hét “Đói bụng quá đi!”, liền kéo chị đi kiếm đồ ăn.

Kỳ thực tôi vẫn còn nhớ rất rõ chuyện tối qua, nhưng tôi thực sự chưa nghĩ ra nếu chị đề cập tới chuyện ấy, tôi nên trả lời thế nào bây giờ.

Nếu chị chỉ là say rượu nói bừa, vậy thì dĩ nhiên không có chuyện gì phát sinh hết, nhưng nếu không phải thì sao đây?

Được một người nói lời “thích” như vậy, người khác có chịu nổi trách nhiệm không đây? Hay vẫn có thể ngoảnh mặt làm ngơ?

Tôi không có kinh nghiệm yêu đương. Thầm mến thôi đã làm tôi mòn mỏi tâm lực cả rồi. Nhưng nếu có một tình yêu chân thành trước mắt, tôi thực sự không biết làm sao cho phải.

Trước mắt đang không biết làm sao cho tốt, hay là nên tiếp tục giả ngu đi.

(1). Harajuku: là tên của một địa điểm quanh Nhà ga Harajuku và tuyến đường ray Yamanote tại khu Shibuya của Tokyo, Nhật Bản. Địa điểm này nổi tiếng thế giới với phong cách và trào lưu thời trang đang rất thịnh hành trong giới trẻ Nhật Bản cũng như giới trẻ châu Á.

(2). Shibuya: là một trong 23 khu đặc biệt của Tokyo, Nhật Bản. Tính đến 2010, vùng này có dân số ước tính 202.880 người và mật độ là 13.430 người/km². Diện tích cả vùng là 15,11 km².

Địa danh “Shibuya” thường được biết đến qua khu thương mại sầm uất chung quanh Nhà ga Shibuya. Đây là một điểm giao thông tấp nập bậc nhất ở Tokyo. Các cửa hiệu ở Shibuya thiên về thời trang giới trẻ nên nghiễm nhiên khu vực này có tiếng là nơi tụ tập đông đảo các dịch vụ may mặc thời trang như thương xá Shibuya 109.

(3). Đền thờ Minh Trị: Meiji-Jingu là một ngôi đền thờ thiên hoàng Minh Trị và Hoàng Thái Hậu Shōken-kōtaigō. Jingu là một ngôi đền được nhiều người biết đến và chủ yếu thờ phụng tổ tiên của hoàng thất, thiên hoàng…, đây là điểm khác với những ngôi đền thông thường (“Jingu” là tên gọi tắt của “Ise-jingu”). 

Đền Meiji-Jingu được xây dựng vào năm 1920. Trong các đền thờ, đây là đền thờ được xây dựng gần đây nhất. Vào ngày lễ đầu năm Hatsumode (đi viếng thăm đền vào ngày đầu tiên của năm), mỗi năm người ta đều ghi chép số lượng người viếng thăm và nhận thấy rằng đây là ngôi đền có số lượng người viếng thăm nhiều nhất Nhật Bản. Xung quanh ngôi đền là rừng rậm rộng lớn, toàn bộ những cây trong rừng này đều là cây nhân tạo. Khi xây dựng ngôi đền này, người ta đã tập hợp nhiều cây từ khắp đất nước Nhật Bản. Nơi thu hút khách nổi tiếng là “Kiyomasa no ido”, mỗi ngày có nhiều người sếp hàng ở đây nên nếu muốn đi xem chậm nhất là phải đến trong vòng buổi sáng. Nơi đây có rất nhiều cây xanh khiến cho người ta không nghĩ nó nằm trong thành phố nên có thể tận hưởng ma lực của thiên nhiên bao quanh ngôi đền nhân tạo này. Ở mọi nơi đều treo thơ Haiku mà thiên hoàng Minh Trị đã đọc, chỉ cần tra nghĩa của chúng ta cũng cảm thấy rất thú vị (thơ được Thiên Hoàng ngâm gọi là “Gyosei”, thơ được Hoàng Thái Hậu ngâm gọi là “Kogoheika”).


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui