Gần đây mẹ ngày càng đi lễ nhiều hơn, thời gian cuối tuần trước kia bố mẹ hay đèo nhau đi thăm anh em họ hàng cũng dần thay thế bằng công việc của bố bận, mẹ đi lễ.
Thành ra tôi cũng ít theo chân bố mẹ đi, về nhà ông bà nội mất mười cây số, tôi hơi ngại phải đạp xe đường xa.Nhưng lâu rồi bố mẹ không về, tôi nhớ ông quá.“Mai chủ nhật bà làm gì không?” Tôi nằm bò ra bàn, nheo mắt ngắm cành phượng rung rinh ngoài ô cửa sổ, hỏi Ly đang ngồi quay xuống.“Bố mẹ đưa tôi với thằng Quân ra tỉnh chơi.” Ly đáp.“Vậy à?”“Sao gần đây thiếu sức sống thế?”“Nó mà thiếu sức sống nỗi gì, thiếu cái gì đấm vào mỏ chứ sao?” Duy ngồi bàn dưới nói lên, đi theo là một túi ổi găng mới hái.“Sao mày hiểu tao thế, đúng là tình đồng chí.” Tôi ngay lập tức ngồi thẳng dậy, tóm lấy túi ổi găng.Chọn chọn lấy quả chín nhất đưa cho Ly.“Ê, ổi mà không có súp ớt à?” Tôi phát hiện thiếu đồ, chút tình đồng chí vừa mới nói lập tức biến mất, tôi quay lại lườm Duy.Duy nhìn tôi lắc đầu, miệng phát ra tiếng chẹp, chẹp: “Mày là đồ giở mặt, đồng chí phút trước, phút sau lườm nguýt, không ăn trả lại.”Tôi giữ túi ổi, sợ Duy cướp lại, lườm thêm một cái, hi vọng cái lườm này của tôi làm nó cháy xém lông mày.
Chọn ra thêm một quả còn ương giữ lấy, ba quả khác đưa cho hai đứa bên cạnh và một đứa bàn trên.“Sắp nghỉ hè rồi, có nên đi chơi xa một chuyến không nhỉ?” Nam cúi đầu chơi cờ caro với Thực nãy giờ.
Vừa xong đã thua, ngẩng lên nói.“Ừ đấy, đi chơi đi, sang năm mười hai rồi, có ứt được đi đâu nữa.” Thực dạo này bắt đầu văng tục nhiều, nó cũng ngẩng lên nói.Tôi cau có: “Đi chơi thì đi chơi, nhưng tao đang ăn, mày văng cái gì ra đấy.” Cùng lời nói là quyển sách cuộn tròn đập vào đầu thực của tôi.“Xem lớp mình nhà ai rộng nhất thì đi được đấy.” Ly hào hứng.“Thế chỉ có nhà thằng Duy thôi, ao cá, vườn cây, đủ cả.” Thằng Đức hóng hớt từ bao giờ nói chen vào.“Ui thế phải đi cả ngày mới thích.” Thị Thanh Mai nhào đến, mắt sáng long lanh như thể muốn đi luôn, biến mất hình dáng buồn rười rượi ngày Dịu chuyển đi.Thật may, chúng tôi là học sinh, chóng buồn chóng quên.Vậy là theo kế hoạch, cả lớp tôi sẽ đi đến nhà Duy chơi, chẳng ai quan tâm hỏi ý kiến Duy một câu.
“Duy ơi chúng mình đến nhà bạn chơi nhé, được không?”Nói chung Duy không có tiếng nói trong việc này.Chúng tôi đã quyết định chủ nhật tuần tiếp theo sẽ đến nhà Duy.
Trước đấy, tôi còn cái chủ nhật tuần này, chưa biết sẽ phải làm gì?Bố tôi mới nhận công tác xa nhà bắt đầu từ năm nay, cả tuần bố sẽ ở tỉnh, cuối tuần mới về, tuần này bố tôi đã điện báo không về được do công việc đột suất.
Không có bố ở nhà, mẹ lại đi lễ, Ly cũng đi vắng, tôi tìm ai chơi cùng đây nhỉ?“Mẹ, mai con đi ra ông bà nội chơi nhé?” Tôi cắn cắn đầu đũa hỏi mẹ.“Nói bao nhiêu lần rồi, không được cắn đũa như thế.” Mẹ không trả lời tôi mà vỗ vào tay đang cầm đũa cắn của tôi.Tay mẹ xới cơm, đưa bát sang: “Đi xa như thế, con đạp xe được không? Bình thường lười như hủi ra ấy.”“Con đi được mà, con lười làm việc nhà chứ đi chơi con có lười bao giờ?” Tôi biết mẹ đồng ý, vui sướng nhận bát cơm.“Buổi sáng đi đi, ăn cơm trưa xong rồi chiều đỡ nắng là phải về, không được về muộn đâu đấy.” Mẹ nói.“Vâng ạ, con mời mẹ ăn cơm.”“Người lớn có ai nói gì thì cũng kệ, đừng nghĩ linh tinh.” Mẹ vừa ăn cơm, không hiểu sao lại nói một câu như vậy? Tôi không hiểu, vui vẻ và cơm vào mồm.Sáng nay tôi dậy thật sớm, ánh nắng bên ngoài cửa sổ đã chan hoà khắp nơi.
Tôi vui vẻ đánh răng rửa mặt lấy chiếc mini thân yêu đi ra khỏi nhà.Nhà ông bà nội cách đây khoảng bảy cây, tôi đạp xe nhanh sẽ đi hết ba mươi phút, chậm khoảng bốn mươi lăm phút.
Tôi tranh thủ đi sớm để được chơi ở nhà ông bà được nhiều hơn, mẹ đã dặn bốn giờ phải về rồi.Đường đi đến nhà ông bà nội tôi, hai bên là cánh đồng lúa.
Tôi nhớ lúc nhỏ còn là đường đất đỏ, bố chở tôi trên chiếc xe simson lúc nào cũng xóc nảy bụng lên, tôi luôn đau khổ khi phải đi qua con đường này.
Hiện giờ đã được dải nhựa, lại là con đường chính để đi ra tỉnh, nên đường rộng hơn khi xưa.
Nó đã trở thành con đường yêu thích của tôi, ngoại trừ việc bắt đầu có nhiều xe ô tô tải chạy qua nhiều hơn.“Cháu chào ông, cháu chào bà.” Tôi gặp ông bà đang ngồi trước hiên.Hiên nhà ông bà nội tôi đặt một chiếc bàn uống nước nhỏ, sẽ có một bình ủ, bên trong là ấm tích hãm nước chè xanh.
Ông bà nội tôi thường ngồi đây mỗi lúc rảnh rỗi, hai cụ nói chuyện phiếm với nhau, bà hỏi ông trả lời, luôn luôn nhà như vậy.
Có lần tôi thử ngồi bên nghe, rút cục là chẳng hiểu ông bà nói chuyện gì?“Diễm về đấy à con?” Ông bà nội thấy tôi vui vẻ hỏi.“Vâng cháu đây ạ.”“Ơ Diễm về đấy à? Tự đạp xe đi hả? Bố mẹ sao không về cùng?” Bác dâu tôi nghe tiếng ở dưới bếp đi lên.“Bố cháu tuần này không về, mẹ cháu đi lễ ạ.”“Các anh đang đi câu cá rồi đấy.” Bác nhìn tôi nói.“Vậy ạ? Cháu đi chơi đây.” Kết thúc màn chào hỏi ngắn ngủi, tôi nhanh chóng lao đi tìm mấy ông anh.Sau này tôi lớn hơn, bố mẹ đã bớt hạn chế tôi chơi cùng các anh, ngoại trừ việc không cho tôi đi cùng mấy ông ấy đến quán điện tử.
Các ông anh họ của tôi có người ở trong thị xã giống tôi, có người ở gần nhà ông bà nội.
Bác dâu vừa xong tôi chào là nhà ở gần, bác hay sang thăm ông bà, để nấu cơm quét dọn nhà cửa vì ông bà nội tôi không ở cùng người con nào.Tôi tung tăng chạy đi tìm các anh câu cá, gần trưa, trời nắng gắt chúng tôi mới trở về, tôi xách cái xô sắt dùng để đựng cá, theo bước chạy của tôi, cái xô kêu lên long cong.“Mất cả buổi mà không câu được con nào, bọn anh thật vô tích sự.” Tôi bẻ một cành đu đủ còn thấp, lấy cái lá che lên đầu.“Mày là đồ ám quẻ thì có, chạy ra làm động ao, cá sợ không dám cắn câu.” Ông anh Tùng giật cái lá của tôi.“Lần sau cấm không được ra ao.” Ông Tú lèm bèm.“Không biết câu lại đổ cho em.”“Tao hơi bị sát cá đấy mày đừng có tưởng.”“Tưởng gì? Cá đâu? Sát cá kiểu gì thế?”Ông Tú dứ nắm đấm theo, tôi chạy biến, chân hơi dừng lại, hóng chuyện.“Con bảo thím ấy viện không được thì đi cầu thầy lang, chỗ chị cơ quan con ấy, chạy chữa mãi viện xuôi viện ngược, tốn bao nhiêu tiền, giờ uống vài thang thuốc, làm cái lễ đã sắp đẻ rồi đấy.” Đây là tiếng bác dâu tôi.“Có khi không muốn đẻ nữa ấy chứ?” Bà nội tôi nói.“Ai bảo ngày trước không đẻ luôn một lèo đi, giờ thành khó.”“Mẹ ơi có cơm chưa?” Anh Tùng tôi lên tiếng.“Về rồi đấy à? Chết cha chúng mày chưa? Trời rõ nắng còn bày đặt câu với chả cá.” Bác dâu tôi nghe tiếng nói.Tôi chạy vào, thấy mắt bà nội hơi liếc bác dâu tôi.
Buồn cười lắm mà tôi vẫn phải nén lại.
Bác dâu tôi là người có sao nói vậy, nhiều khi không để ý, hay mếch lòng các cụ.
Đổi lại bác lại là người thường xuyên thăm nom ông bà nội tôi nhất..