Bố tôi đã lấy vợ mới, sau khi bố mẹ ly hôn, bố sống cùng người phụ nữ kia, tôi đã nghĩ mình không quan tâm.
Cho đến khi mẹ gọi điện kể với tôi, bố tổ chức đám cưới, rước vợ hai về đàng hoàng, anh em nhà nội tôi đều đến dự, có sự chứng kiến của ông bà nội, họ hàng nhà trai nhà gái đủ cả.
Ở cái tuổi của bố tôi vẫn muốn cho người vợ hai một đám cưới trọn vẹn.Biết làm sao được, ai bảo tôi là con gái? Tôi nhớ đến câu nói năm nào của bà với bác dâu: “Dù gì cũng phải có đứa chống gậy.
Con gái lấy chồng rồi cũng chỉ như bát nước hất đi.”Tôi nằm khóc sau khi đã uống viên thuốc tránh thai khẩn cấp, sợ người khác biết còn cần thận dùng lửa đốt vỏ đi.
Tôi nhớ lại tất cả những chuyện xảy ra mấy năm qua, từng chút một, khóc no nê xong, tôi bật cười: “Mày đang làm gì với đời mình thế Diễm?”Tôi lau nước mắt, đứng dậy đi tắm.Tôi đã quen với công việc hiện tại, mẹ đăng ký cho tôi học liên thông đại học hệ tại chức.
Mải mê đi làm và đi học nên số lần liên lạc ít ỏi của tôi với Ly đã thưa lại càng thưa hơn.Bẵng đi một cái đã sáu tháng trôi qua, mức lương của tôi khá tốt so với một đứa không kinh nghiệm mới ra trường.“Em phải sắp xếp lại thời gian của mình, anh không thể cho em đổi ca để đi học mãi như vầy được.” Tiếng nói nhẹ nhàng của sếp tôi cất lên.Quản lý của tôi là người miền trong, kém tôi một tuổi.
Tất cả nhân viên trong cửa hàng đều gọi sếp là anh, ngay cả người lớn tuổi nhất, hơn sếp bốn tuổi cũng gọi như vậy.Sau này tôi và mọi người biết người quản lý này kém tuổi hơn hầu như tất cả nhân viên trong cửa hàng, nhưng cũng không ai thay đổi lại cách xưng hô, bởi đây là sự tôn trọng đối với cấp trên.Ra đời rồi mỗi lúc lại học hỏi nhiều thứ hơn xưa, giữa số tuổi tượng trưng cho số năm sống trên đời và số năm kinh nghiệm làm việc, cùng khả năng cá nhân sẽ quyết định bạn là anh chị hay em.
Trừ những người có số tuổi cách nhau quá xa.Tôi hiểu ý sếp vừa nói, cho dù người ta có quý mến thông cảm với bạn bao nhiêu chăng nữa.
Bạn cũng không thể quá lạm dụng điều đó, càng được cảm thông bạn càng phải biết điều.Tôi khều tay một chị ngồi cạnh, lớp chúng tôi học liên thông nên đủ lứa tuổi, đủ nghề nghiệp khác nhau, chị Lan ngồi cạnh hơn tôi mười tuổi: “Chị ơi, em xin quản lý đổi ca đi học khó quá, chẳng biết làm thế nào giờ.”Chị Lan nhìn tôi ngẫm nghĩ: “Thuê người đi học hộ thôi.”“Thuê người học hộ được á chị?”“Em không thấy lớp mình thi thoảng lại có người lạ điểm danh cho những cái tên quen thuộc à?”Một điều tốt khi học ở lớp liên thông là bạn sẽ va chạm với rất nhiều kiểu người khác nhau, có công chức nhà nước, có người kinh doanh bận rộn, có cả bà nội trợ đơn thuần.
Kinh nghiệm sống cũng từ đây mà đúc rút ra được nhiều hơn, có thể không cần trực tiếp trải qua cũng có bài học cho chính mình.“Bà ơi, bà mua máy cho mình hay cho ai ạ?” Tôi cầm chiếc điện thoại trên tay, lắp pin mở nguồn lên hỏi người phụ nữ lớn tuổi đang ngồi đối diện.“Bà mua cho con trai, con trai bà làm giám đốc, bận rộn lắm.” Người phụ nữ cầm chiếc điện thoại tôi vừa đem đến xem.“Thế hay bà cứ về nhà hỏi con xem thích loại nào đã rồi hẵng mua ạ.” Tôi e ngại nói với người khách hàng lớn tuổi.Bà xua tay: “Ôi con bà làm giám đốc, bận lắm không đi được đâu.
Cháu lấy cho bà cái này.”“Bà ơi, mua về rồi khi đổi lại mất phí đấy ạ, hay bà cứ hỏi con mình cho chắc.” Tôi nhắc lại với bà, rồi quay sang người đàn ông trẻ đi cùng bà: “Hay anh chở bà về đưa con ra mua ạ.”“Không được, con bà nó bận lắm, làm sao mà ra đây được, cháu cứ lấy cho bà.” Người phụ nữ lớn tuổi lặp lại.Tôi thấy người đàn ông trẻ đi cùng không nói gì, có chút e ngại nhưng vẫn đóng hộp.
Nhắc lại chính sách bảo hành đổi trả một lượt, không yên tâm lại quay sang người bên cạnh nói thêm lần nữa.
Xong xuôi dẫn người phụ nữ với người đi cùng ra bàn thu ngân thanh toán, tiễn họ ra về.“Khiếp, em tư vấn gì mà lâu thế, mất hai tiếng chỉ để bán cái điện thoại hơn triệu.” Chị Tâm làm cùng ca tôi nói.“Em sợ người già không nhớ được nên nhắc lại nhiều lần, tư vấn kỹ hơn chút.” Tôi trả lời.“Thế lấy đâu ra thời gian tiếp khách khác, bán hàng ăn theo doanh số mà em dành quá nhiều thời gian cho khách hàng nhỏ thì lấy đâu ra hiệu quả?” Chị Tâm có ý tốt nên nhắc tôi.Tôi cười nói: “Tại nhà em cũng có người già nên em lo.
Chị không biết chứ bà ngoại em đợt này, vừa ăn cơm xong được mười lăm phút đã chửi ầm lên.
Con trai vừa về là chạy ra mách con dâu ngược đãi không cho ăn.”“Người già mà, có người minh mẫn khoẻ mạnh, lại có người thay đổi trái tính trái nết, chiều các cụ có mà chết mệt.” Chị Tâm nói rồi bỏ đi.Hôm nay đồng nghiệp ca tối có người xin nghỉ nên tôi làm hộ, tiện thể cuối tuần xin đổi ca đi học cho dễ dàng, tôi vẫn chưa tìm được người học hộ.“Đâu rồi, cái con bán hàng lúc sáng cho mẹ tao đâu.”“Chúng mày làm ăn thế à?”“Cả một lũ mặt giặc đi lừa bà già.”“Quản lý đâu ra đây.”Tôi nghe tiếng giật mình chạy ra, thấy bóng bà cụ ban sáng mà chột dạ.“Em chào chị ạ, có chuyện gì thế chị?”“Đứa nào bán cho mẹ tao cái điện thoại này?”“Là em ạ.” Tôi nói.“Ra là mày, mặt mũi đến nỗi nào đâu lại đi lừa bà già, con ranh con này.” Người đàn ông đi cùng ban sáng không còn, lúc này là một phụ nữ và người đàn ông khác, vừa nghe tôi nói đã tỏ ra hung dữ: “Sao mày lại bán cho mẹ tao cái máy này?”Tôi quay sang nhìn người phụ nữ lớn tuổi ban sáng, từ lúc vào cửa hàng đến giờ bà đều im lặng, tôi nói: “Em có tư vấn ký cho bà rồi ạ, bà bảo em muốn mua máy này mà.”“Bà già thì biết cái gì? Mày nịnh hót lừa mẹ tao thì có, không nói nhiều trả lại tiền đi.” Con gái bà gắt lên.Lúc này quản lý của tôi đi ăn về, đi đến tiếp chuyện hai người kia, tôi trình bày lại bị chặn họng.“Không nói nữa, trả tiền đây.” Người đàn ông đi cùng kia nói.“Anh ơi nhưng giờ trả hàng bị mất phí ạ.” Tôi cố gắng nhẹ giọng nói.Người đàn ông nghe vậy hùng hổ: “Đ*m mày, tao đ*o trả đấy, mày thích phí không?”Tôi lúc này đã run lắm rồi vẫn cố gắng: “Bà ơi ban sáng cháu có tư vấn kỹ với bà rồi phải không ạ? Cả người đi cùng bà nữa.”“Cuối cùng tao hỏi có phải mày bán cái điện thoại này cho mẹ tao không?” Người con gái cắt ngang lời tôi.”“Vâng đúng là em bán, nhưng mà…”“Được rồi, Lê làm thủ tục hoàn tiền cho anh chị đây, phí hoàn trừ vào lương của Diễm.” Quản lý đứng bên lúc này nói.Hai người kia nghe vậy lập tức thôi không hùng hổ, tôi ngớ người nhìn quản lý của mình rồi nhìn người phụ nữ mình bán hàng cho ban sáng.
Bà thấy tôi nhìn mình liền cúi đầu né tránh.“Em đi vô trỏng đi.” Quản lý nói với tôi.Tôi uất ức đi vào trong kho, nước mắt không ngừng tuôn ra, chẳng còn nghe thấy quản lý đang nói gì tiếp với hai người kia, càng không hay biết có người đứng ở lối ra vào kho và nhà vệ sinh nhìn mình.***“Bình tĩnh lại chưa?” Quản lý đợi tôi khóc xong mới lên tiếng.Tôi vẫn nghẹn lại chưa thể nói.“Em có thấy em xuống nước cái là người ta liền nhảy bổ vô hông?” Quản lý đưa giấy ăn cho tôi nói tiếp: “Hỉ mũi đi, rút kinh nghiệm lần sau nghen, mình làm dịch vụ cần tôn trọng khách hàng.
Nhưng không có nghĩa là lúc nào cũng phải nhún nhường.”“Lương em hổng có sao hết nghe chưa?”Tôi nghe xong nín khóc, yếu ớt trả lời: “Em cảm ơn ạ.”Đôi khi một số việc, cho dù mình cẩn thận cũng không thể tránh được.
Hôm nay tôi càng thấu hiểu một điều, tuổi tác và kinh nghiệm sống, cái nào cao hơn..