Duyên

Biết rõ ba xuân cảnh chóng già,

Thời trang đổi lấy áo cà sa.

Thương thay con gái nhà khuê các,

Một ngọn đèn xanh cạnh Phật bà.

Tào Tuyết Cần

Xưa nay vẫn cho rằng, nghe Phạn âm, đọc kinh sách, ngộ Phật pháp, phải có trải nghiệm nhất định về cuộc sống, chừng nào nếm đủ bể dâu, cất giấu hết ấm lạnh buồn vui vào một góc khuất không ai hay biết, mới lĩnh ngộ được ý cảnh cao thâm. Song rất nhiều tăng nhân và ni cô cắt tóc xuất gia chưa hẳn đã vì nhìn thấu hồng trần, ngộ được trần duyên, trong số bọn họ có những người là vận mệnh an bài, có người bất lực trước hiện thực, có người lại làm theo cảm tính. Song bất luận là gì, đều có nghĩa bọn họ có duyên với Phật, bởi thế nên trong cõi u minh, ngọn đèn hoa sen kia sẽ dẫn đường cho họ bước vào cửa Bát Nhã. Thiền là gì? Là một sớm trong lành, trông thấy ông lão hái bông nhài ngậm sương trong sân; là một chiều dằng dặc ngắm đàn kiến cần mẫn kiếm ăn dưới góc tường; là một buổi hoàng hôn, nhìn bầy chim én từ non xanh nước biếc thong thả bay về; là một đêm yên tĩnh, quan sát quá trình sáng rực rồi tối dần của ngọn đèn cô lẻ.

Nói đến ngọn đèn cô lẻ, khiến tôi nhớ đến một người con gái khác cũng kết duyên với Phật trong "Hồng Lâu Mộng". Tích Xuân, cô Tư của phủ Giả, em gái Giả Trân. Giả Kính cha cô chỉ mải mê luyện đan, những việc khác đều không quản đến. Mẹ mất sớm, cô lớn lên bên cạnh Giả mẫu ở phủ Vinh, cũng hình thành tính cách lạnh lùng cô độc. Vận mệnh của cô đã bị Tào Tuyết Cần định sẵn trong một trang giấy, giống như vở kịch nhân sinh vậy, từ nay chỉ có thể tuần tự diễn biến theo kịch bản, cho đến khi kết thúc.

Hồi thứ năm của "Hồng Lâu Mộng", trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách phần thứ bảy, có vẽ một ngôi chùa cổ, bên trong có một mỹ nhân một mình ngồi đọc kinh. "Biết rõ ba xuân cảnh chóng già, thời trang đổi lấy áo cà sa, thương thay con gái nhà khuê các, một ngọn đèn xanh cạnh Phật bà." Đây chính là chốn về trong vận mệnh Tích Xuân, rời bỏ cửa hầu nguy nga, bầu bạn với đèn xanh tượng Phật. Trong ấn tượng của tôi, Tích Xuân là một cô bé, lần đầu tiên xuất hiện, sách tả cô "vóc người còn nhỏ, chừng ít tuổi". Về sau, số lần cô xuất hiện không nhiều, dường như cũng rất mờ nhạt, luôn giấu mình trong một góc không ai chú ý. Giống như một ngọn cỏ non e mưa sợ gió, không dám ra đời, không dám bước vào cõi tục, rất có ý thức bảo hộ bản thân.

Trong những kỳ thi xã nối thơ, cô cũng không xuất chúng, dường như chỉ góp cho đủ số, theo đằng sau góp vui. Để lại ấn tượng trong lòng người là cô có tài vẽ, từng vâng lời Giả mẫu, họa bức "Cảnh vui trong vườn Đại Quan". Tuy nhiên mọi người thảo luận một hồi về những bút vẽ, thuốc màu, giấy Tuyên cho bức vẽ của cô, cuối cùng cũng không đi đến đâu cả. Nơi cô ở gọi là Ngẫu Hương tạ, nhã hiệu Ngẫu Tạ. Ngẫu, tức ngó sen, cũng như hoa sen, đều là vật có Phật tính. Tích Xuân giống như một đóa sen xanh chưa kịp nở, còn đương phong nhụy đã lìa bỏ trần thế mà đi, bỏ lại bức họa dở dang, cùng cuộc đời chưa bao giờ thực sự bắt đầu.

Trong sách miêu tả cô là người "lòng dạ lạnh lẽo, lời lẽ lạnh lùng, tàn nhẫn vô tình". Ở đoạn khám xét vườn Đại Quan, Phượng Thư dẫn theo vợ Vương Thiện Bảo cùng cả đám người tới chỗ Tích Xuân, lục thấy trong rương Nhập Họa, a hoàn của cô có "đồ cấm", cô chẳng những không xin giúp, ngược lại còn giục giã hoặc đánh, hoặc giết, hoặc bán phứt, tóm lại mau mau mang Nhập Họa đi. Cô nói: "Người xưa có câu: "Lành dữ sống chết, cha con cũng không thể giúp nhau được"... Tôi chỉ có thể giữ thân tôi thôi, quản sao được các chị." Lại nói: "Người xưa có câu: "Không làm kẻ dữ, khó gọi là trai". Tôi là một người trong trắng, sao lại chịu để liên lụy làm hỏng tôi đi!" Tuổi còn nhỏ mà đã nói ra những lời này, khiến những người ở đó nghe mà ghê sợ.

Sự lạnh lùng của Tích Xuân, chẳng lẽ là bẩm sinh? Cô hiểu rõ trong đục thế gian, một lòng cầu thanh bạch tinh khiết, không muốn bị bất cứ người hay vật nào vấy bẩn. Nói đơn giản thì cô là người nhát gan ích kỷ, sự vô tình của cô tựa hồ đã ăn vào xương tủy. Cô chỉ có thể xây một bức tường vô tình trong lòng, để bảo vệ sự hèn nhát của mình. Với bản tính yếu đuối của mình, cô không cách nào gánh vác được những chuyện đó, đành buông tay không quản. Truy cứu nguyên do, là bởi cô qua lại rất thân thiết với Diệu Ngọc. Diệu Ngọc là ni cô để tóc tu hành trong am Lũng Thúy, hơn nữa còn là một cô gái có ngộ tính và linh tính rất cao, thông tuệ thấu triệt, hiểu hết gió sương thế tình.

Thấy Tích Xuân chuộng Phật, Diệu Ngọc đã dần dần truyền dạy cho Tích Xuân tư tưởng siêu thoát của mình, khiến cô hiểu được sự bạc bẽo của cuộc đời cùng những xấu xa thế thái. Song ngộ tính của cô không bì được Diệu Ngọc, chỉ ngộ được những đạo lý nông cạn, ngỡ rằng vô tình rũ bỏ chính là siêu thoát, lại không biết rằng siêu thoát thực sự là đặt tâm trí mình ra ngoài sự vật, coi nhẹ hết thảy vinh nhục thăng trầm, nếu cô thực sự ngộ được cảnh giới thiền, hẳn phải có tấm lòng từ bi bình thản, chứ không phải đối xử vô tình với một a hoàn lớn lên từ nhỏ cùng mình như vậy.

Trong "Hồng Lâu Mộng", hai người bạn thân thiết với Tích Xuân, một là Diệu Ngọc, người nữa là tiểu ni cô Trí Năng ở am Thủy Nguyệt. Tích Xuân từng nửa đùa nửa thật nói, về sau muốn cắt tóc làm ni cô cùng Trí Năng. Có lẽ khi nói ra câu này, cô đã rắp tâm trở thành một người lạnh lùng vô tình như băng tuyết. Không phải bởi cô vốn máu lạnh, mà vì cô hiểu được, trong phủ Giả này, cô đã chẳng thể khát cầu tình cảm ấm áp mà mình muốn nữa. Nếu ngày sau bị tổn thương, chi bằng sớm trốn vào chiếc kén mình dệt nên, dùng những sợi tơ vô tình của tháng năm, giăng quấn chằng chịt, bao bọc lấy bản thân. Thà nghẹt thở mà chết trong kén cũng không để cho người khác làm tổn hại cô mảy may. Một cô bé lạnh lùng như thế, khiến người ta thấy đáng buồn, đáng than, lại cũng rất đáng thương.

Giữa độ liễu xanh đào thắm, Tích Xuân đã tự tay dập tắt thiều hoa, bởi cô biết rõ, dù đào hay hạnh, cũng không vượt qua nổi mùa thu. Trước khi phủ Giả nguy nga sụp đổ tan tành, cô lựa chọn cắt tóc xuất gia, mọi lời khuyên ngăn đều không thể thay đổi tâm ý kiên định của cô. Cô chứng kiến Giả Nguyên Xuân bị đưa vào cung, chôn vùi tuổi xuân và sinh mạng ở nơi "không được gặp ai". Cô chứng kiến Giả Nghênh Xuân bị ép gả cho phường lang sói Trung Sơn, chưa đầy một năm đã bị giày vò đến chết. Cô chứng kiến Giả Thám Xuân tài cao chí lớn, cũng không chống nổi số mệnh an bài, tựa một cánh diều đứt dây, bị đưa lên thuyền hoa, từ nay xa xứ. Quá nhiều quá nhiều bi kịch, khiến cô từ lâu đã mất hết hy vọng với cuộc đời, chỉ có một đường thoát duy nhất thông đến cửa Phật. Chỉ cánh cửa ấy trước sau vẫn rộng mở vì cô, bằng lòng đón nhận cô, cho cô một chốn nương thân để qua nốt kiếp thừa.

Cô trút gấm lụa lượt là, thay bằng áo đen, bỏ son phấn châu thoa, cắt hết ba ngàn sợi phiền não, muốn hoàn toàn trở thành ni cô. Phủ Giả sinh ra cô, nuôi dưỡng cô, đối với cô đã chẳng còn dính líu gì nữa, thậm chí trước kết cục Diệu Ngọc mất tích, cô cũng chẳng mảy may xúc động. Một mình bên đèn xanh tượng Phật, tụng kinh tu thiền, làm một tiểu ni cô lạnh lùng vô tình. Trong phần viết nối của Cao Ngạc có nói cô vào ở trong am Lũng Thúy, thế chỗ Diệu Ngọc, thay cô chăm sóc mấy gốc hồng mai, bầu bạn bên cạnh còn có a hoàn Tử Quyên đã mất chủ nhân. Song nghe đồn vận mệnh của cô còn đáng thương hơn thế, lưu lạc góc đường xin ăn, nếm đủ gió sương. Cửa Phật tuy là miền tịnh thổ, nhưng chỉ dành cho những người hoàn toàn lĩnh ngộ được cảnh thiền. Thiền là gì, là hoa nở mùa xuân, lá rụng mùa thu. Là một nụ cười giản dị, một ánh mắt ôn hòa. Là đi và đến, mở và khép, khởi và diệt.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui