Trước 5 tiếng ra sân bay, Ngọc An cùng mẹ đi thăm họ hàng và bạn bè. Bà ngoại ôm lấy cô và dặn dò cố gắng thích nghi với môi trường bên đó để sau này tiện cho công việc. Cô gật đầu và cũng ôm lấy ngoại thật chặt. Sau đó cô vào bếp ôm lấy dì hai đang gọt táo. Dì hai có chút bất ngờ nhưng vẫn quay lại ôm cô, cũng không quên dặn dò vài câu.
Chắc chắn cô sẽ nhớ nơi này lắm.
Khi qua thăm ngoại xong, cô gọi điện thoại và hẹn chị Phương đi ăn. Cả hai cùng đến một nhà hàng Trung Quốc vì chị Phương bảo rằng nơi này làm đồ ăn rất ngon, rất đậm vị Trung Quốc, huống chi đầu bếp cũng chính là người bản xứ, không khỏi chê tay nghề.
Chị Phương nói rằng sau khi cô đi Phần Lan chị cũng vẫn sẽ làm việc ở đài truyền hình. Chị vẫn cùng các phóng viên đi thu thập thông tin, nhận thực tập sinh, học viên mới, như tất cả trở về ban đầu.
Ngọc An lấy trong túi xách ra một hộp quà, cười đưa cho chị.
“Chị Phương, đây là món quà cảm ơn của em. Trong suốt mấy năm qua chị đã giúp đỡ em rất nhiều. Chị nhận nó nhé, chị mà không nhận là em giận đó.”
“Nhỏ này, quà cáp cái gì không biết.”
Hộp quà không to nhưng được trang trí rất đẹp. Ngọc An bảo chị mở ra xem có hợp với chị hay không. Chị Phương cười cười, mở hộp quà ra xem. Bên trong là một chiếc vòng tay bạc, ở giữa vòng có đính một kim cương, kế bên còn khắc dòng chữ “Trúc Phương” như đánh dấu là vật sở hữu của riêng chị vậy. Ban đầu chị Phương có chút bất ngờ, không nghĩ cô sẽ tặng quà có giá trị lớn như vậy, còn bảo cô đem đi trả lại nữa chứ. Năn nỉ một lát, chị cũng đành thở dài:
“Thiệt tình à, mời chị đi ăn là ok rồi, cần gì quà cáp như vậy chứ.”
Căn nhà mà hai mẹ con cô đang ở vốn là nhà mướn, bởi vì bên chỗ ngoại hay nội không đủ chỗ cho ba mẹ con. Tuy nhiên, từ ngày ba đi Phần Lan, cả hai vẫn chưa trả lại căn nhà. Mỗi tháng đóng hơn 5 triệu mà bây giờ cũng đã hết hạn, thừa dịp thời điểm này mà trả lại cho chủ. Cô còn nhớ hồi nhỏ mình có một ước mơ. Ước mơ đó chính là sau này đi làm kiếm ra tiền rồi sẽ tự mình mua một căn nhà to cho gia đình ở, nhà của mình sẽ có ba, có mẹ. Cô mơ về một gia đình hạnh phúc. Và bây giờ điều đó sắp thành sự thật khi Ngọc An và mẹ sẽ đoàn tụ với ba. Chỉ là không phải ở Việt Nam.
Phúc Khang gõ cửa vài cái rồi thoải mái bước vào phòng làm việc của Thiên Mạnh. Anh ngước lên nhìn Khang, sau đó nói:
“Mình đi nước ngoài 3 năm, cậu thay chỗ mình chắc ổn chứ?”
Khang cười, vỗ vai anh:
“Giời ạ, cậu không tin mình sao? Bảo đảm 3 năm sau cậu mà về nước thì không nhận ra Vân Sơn luôn. Haha.”
Anh cười, lắc đầu không nói gì. Tuy đi giao lưu trao đổi kinh nghiệm với chi nhánh bên Phần Lan nhưng hành lí anh không cần gì nhiều. Ở Phần Lan anh còn có một người anh họ sinh sống ở bên đó, thoải mái và tiện nghi, anh như chỉ cần mang thân mình lên máy bay là đủ rồi vậy.
Ở sân bay, chị Phương đứng chụp hình kỉ niệm với hai mẹ con Ngọc An. Khi nói vài câu với nhau xong, họ ôm nhau chào tạm biệt. Đương nhiên là còn phải giữ liên lạc rồi. Khi chị Phương ra về, hai mẹ con cô mới bắt đẩu đẩy hành lí vào cổng.
Một anh chàng mặc áo sơ mi trắng, quần jeans màu đen cũng bắt đầu đi vào cổng. Anh chỉ mang theo bên mình có mỗi chiếc vali nhỏ gọn. Anh giơ tay lên nhìn đồng hồ, sau đó quay người lại lướt mắt một vòng khung cảnh xung quanh. Khang và Hạnh đứng ở đằng xa vẫy tay với anh. Thiên Mạnh cười rồi vẫy tay lại, sau đó anh đi thẳng vào cổng.
“Xin mời quý hành khách đi chuyến bay 311 Vietnam Airlines, khởi hành từ thành phố Hồ Chí Minh đến Phần Lan đi cổng số 8.”
2 năm sau.
Phần Lan nằm ở Bắc Âu và có biên giới Nga về phía đông, phía bắc Na Uy và Thụy Điển ở phía tây.
Mùa đông ở Phần Lan xuống hơn âm 5 độ. Ngọc An nhớ cái năm đầu tiên mình trải qua mùa đông ở đây, hầu như suốt một tháng cô không dám ra đường. Tuyết thì thích thật đấy, nhưng nghĩ tới chuyện phải mặc cả đống lớp áo dày ra ngoài đó, đường đi thì trơn, cô không khỏi ngán ngẩm. Ngày đầu tiên tuyết rơi, cô reo lên vì sung sướng. Vội vàng kéo tay ba ra ngoài đó cùng mình, năm phút sau cô lại là người chạy vào nhà đầu tiên. Ôi trời, sao lại lạnh đến mức cả tay cũng mất cảm giác thế này.
Nhưng có người nói, ăn kem trong lúc trời lạnh cũng là một trò khá vui.
Hôm nay ba chở hai mẹ con cô đi chợ Phần Lan chơi. Thật chất nghe từ “chợ” thì khá là bình dân. Nhưng “chợ” mà theo nghĩa Phần Lan có lẽ chính là “siêu thị”. Cô chưa bao giờ thấy cái chợ nào mà hiện đại, sạch sẽ mà còn thoáng mát như nơi này. Chợ vừa có thang máy, các mặt hàng cũng đều có bảng tên, cái đặc biệt hơn là cửa ra vào của các cửa hàng trong chợ đều được làm bằng kính, ngay cả cửa chính của chợ cũng vậy. Ở chợ Phần Lan, họ không hề có tiếng rao bán, mà thay vào đó là những quảng cáo hấp dẫn người mua.
Mà cả nhà cô hôm nay chủ yếu đi chợ là để… ăn kem.
Ba cây kem với giá vài đồng euro. Cả ba ngồi ở ghế gỗ trước cửa tiệm bán kem của chợ. Cây kem khá to, vừa ăn trong thời tiết âm độ mà cứ hít hà vì lạnh thì quả thật là một chiêu trò buồn cười nhất mà cô từng làm, hạnh phúc hơn là cùng vui với ba mẹ. Ăn kem xong, cả nhà cô cùng đi dạo một vòng chợ để mua đồ. Mẹ sắm thêm vài cái áo len, áo phao, ba thì mua được một đôi giày, còn cô thì “ngắm” được một cái vòng tay khá xinh xắn.
Đi chợ xong, ba chở mẹ đi tái khám.
Vì không quen với thời tiết lạnh khắc nghiệt này, mẹ cảm thấy nhức mỏi. Bác sĩ bảo mẹ vì thiếu các chất dinh dưỡng nên dẫn đến đau nhức xương khi trời lạnh. Cũng đúng, vỗn dĩ những ngày đầu ở đây mẹ không quen với thức ăn của Phần Lan, hầu như ngày nào cô cũng phải chịu khó đi bộ ra một nhà hàng Việt gần nhà để mua đồ ăn ẹ. Chủ nhà hàng là một người Nga gốc Việt, cô dần như trở thành khách trung thành của nhà hàng luôn rồi. Nhưng cũng kể từ đó, ba cô bắt đầu thường xuyên xắn tay áo vào bếp trổ tài.
Ba phải cùng mẹ ngồi chờ theo số thứ tự nên cô quyết định đi dạo một vòng ở bệnh viện. Khuôn viên của bệnh viên cũng khá rộng rãi và thoáng mát. Vườn hoa dường như chiếm một phần ba diện tích của bệnh viện, ở đây có rất kha khá người đi dạo. Trời lạnh đến mức cô vừa đi vừa thở ra khói.
“Petri, cậu khám giúp mình số tiếp theo nhé, mình có việc bận một chút.”
Thiên Mạnh ngước lên nhìn Tiina, gật đầu rồi vòng ống nghe vào cổ. Từ khi qua Phần Lan, cái tên Thiên Mạnh của anh người bản xứ khó mà phát âm được. Vì vậy Matti, anh họ của anh, quyết định đặt một cái tên cho anh để dễ giao tiếp.
Một đôi vợ chồng trung niên bước vào phòng, trông hai người có vẻ như là người châu Á. Người chồng gật đầu chào anh và đưa cho anh xem phiếu tái khám của người vợ, đợt trước là do Tiina đảm nhiệm. Anh chào lại và hỏi người vợ một câu bằng tiếng Phần Lan khá lưu loát:
“Hôm nay bác đã cảm thấy đỡ hơn chưa? Có còn nhức nữa không?”
Người chồng lên tiếng:
“Vợ tôi không biết tiếng Phần Lan. Bà ấy cũng đã đỡ nhiều, đợt trước bác sĩ Tiina có dặn đến tái khám để xin thêm thuốc nếu còn nhức. Tuy đã đỡ nhưng hôm qua bỗng dạo này bà ấy cảm thấy đau nhức lại.”
Thiên Mạnh gật đầu, sau đó đeo ống nghe lên khám cho người vợ. Anh tháo ống nghe để trên bàn, kí xác nhận phiếu tái khám và ghi đơn thuốc cho họ.
“Bác cầm phiếu này rồi qua bên quầy thuốc để lấy thuốc nhé.”
Cả hai gật đầu cảm ơn anh, Thiên Mạnh cũng lịch sự đứng dậy tiễn hai người ra tận cửa. Trở về ngồi xuống ghế, anh có chút suy tư. Người vợ lúc nãy trông có vẻ rất quen, hình như anh đã gặp ở đâu rồi.
Nghĩ lại thấy cũng lạ. Đã 2 năm rồi anh không thấy cô gái Ngọc An đó xuất hiện trên bản tin dự báo thời tiết nữa. Có phải cô ấy đã thôi việc không nhỉ?
Đi hết một vòng vườn hoa, cô đi thẳng ra bãi đậu xe. Vừa lúc đó ba mẹ cũng đi từ phía cửa ra vào của bệnh viện.
“Ba, bác sĩ nói má đỡ hơn chưa?”
Ba cô gật đầu, bảo cả nhà lên xe rồi bắt đầu về nhà. Hôm nay ba phải đi phỏng vấn hiệu trưởng của một trường trung học nên khi hai mẹ con cô vừa xuống xe thì ba đã lái xe thẳng đến trường quay. Thật ra ba vốn đã kết thúc hợp đồng ở đây, nhưng vì thiếu nhân sự nên ba cô được giữ lại thêm 1 năm nữa.
Không biết làm gì nên hai mẹ con cô quyết định đi nhà hàng Việt gần nhà. Anh Ken vẫn vui vẻ đón tiếp hai mẹ con cô.
“Một tô phở tái, mì sa tế tôm nha anh Ken.” Cô gọi món.
“Ok, 5 phút thôi, haha. Lâu rồi không thấy dì với An ghé nhà hàng con.”
Mẹ cô cởi áo khoác và mắc sau ghế, vui vẻ trả lời anh Ken:
“Lạnh quá dì không chịu được, ra đường lại thấy nhấc chân không nổi luôn.”
Vài phút sau, hai món ăn được bưng ra với khói bay nghi ngút, mùi thơm của phở lẫn mì liền kích thích dạ dày của cô, kêu réo hoài không thôi. Vừa đặt tô xuống, cô chén ngay lập tức, hơi nóng tỏa ra từ mì vậy mà cô vẫn ăn ngon lành.
Một anh chàng cao ráo, trên người mặc chiếc áo khoác da cổ lông thú bước vào nhà hàng. Anh Ken vui vẻ tự mình ra đón khách, có vẻ người này cũng là khách quý của anh. Ken vui vẻ mời anh chàng đó vào chỗ ngồi, chờ anh gọi món. Sau khi gọi món, anh chàng lấy điện thoại ra chơi trò chơi. Lúc này Ngọc An mới ngước lên dõi mắt xung quanh, sau đó lại tiếp tục chén món mì sa tế tôm. Vị cay từ sa tế làm cô hít hà không ngừng.
Thiên Mạnh lúc này mới để ý người phụ nữ trung niên lúc nãy cùng chồng mình đến bệnh viện khám đang ngồi ở phía đối diện. Ở trước người phụ nữ ấy là một cô gái trẻ đang ăn tô mì ngon lành. Anh nhíu mày, sao họ lại nhìn quen mắt thế nhỉ?
“Ấy, cậu bác sĩ lúc nãy kìa.” Mẹ cô ngừng ăn, ngước lên nhìn ở phía trước. Nghe mẹ nói vậy Ngọc An cũng ngừng ăn, quay đầu lại nhìn.
Không phải anh ta là người đã đưa cô vào bệnh viện sao? Là gì ấy nhỉ, tổ trưởng…
“Má, hình như anh ấy chính là người mà 2 năm trước đưa con vào bệnh viện và khám cho con, má nhớ không?”
Mẹ cô như nhận ra điều gì đó, thốt lên:
“À, đúng rồi, là người đó. Hèn gì hồi nãy đi khám thấy quen quen, cậu ta là người đã khám á.”
Đúng là có duyên.
“Chắc anh ta cũng sống gần đây nhỉ.” Cô tiếp tục ăn nốt mì.
Khi mẹ con cô ăn xong thì tản bộ về nhà. Vừa ra khỏi cửa đã chạm mặt với anh. Thiên Mạnh thấy vậy lịch sự hỏi thăm mẹ cô, nhưng anh lại nói với cô bằng thứ tiếng Phần Lan:
“Mẹ cô lúc nãy khám ở chỗ tôi, nhớ giúp mẹ cô uống thuốc đầy đủ nhé.”
Cô có chút ngạc nhiên, sau đó cười, nhưng là trả lời bằng tiếng Việt:
“Cảm ơn anh.”
Lần này người ngạc nhiên là Thiên Mạnh, nhưng anh cười, không nói gì. Sau đó, anh lên xe và lái đi.
Đọc tiếp Em đừng sợ – Chương 5