Emily Trên Dải Cầu Vồng

“03 tháng Tư, 19...

“Có nhiều khi tôi chỉ mong sao mình có thể tin vào sức ảnh hưởng của những sao xấu hay tính xác thực của những ngày đen đủi. Nếu không thì làm sao những chuyện quỷ quái có thể xảy ra như nó vẫn thường xảy ra với những người thiện chí chứ? Bác Ruth chỉ vừa tỏ ra chán chẳng buồn nhắc lại cái đêm bác ấy phát hiện Perry đang hôn tôi trong phòng ăn thôi thì tôi đã lại dính phải một tình huống gian nan kỳ cục khác.

“Tôi sẽ trung thực. Không phải vì tôi làm rơi ô nên mới ra cơ sự thế, cũng không phải bởi vì thứ Bảy vừa rồi tôi làm rơi vỡ cái gương trong bếp ở Trăng Non. Chuyện thuần túy chỉ bắt nguồn từ sự bất cẩn của tôi.

“Nhà thờ Giáo hội Trưởng lão Thánh John ở Shrewsbury này đã khuyết vị trí mục sư từ hồi đầu năm và hiện đang nghe ngóng các ứng cử viên. Ngài Towers của tờ Thời đại đề nghị tôi tận dụng các ngày Chủ nhật không ở Hồ Blair để ghi chép lại các bài giảng đạo đăng trên tờ báo của ông ấy. Bài giảng đạo đầu tiên khá ổn thỏa và tôi ghi chép lại với sự thích thú. Bài thứ hai thì vô hại, rất vô hại, và tôi ghi chép lại chẳng chút đau khổ gì. Nhưng đến bài thứ ba, bài giảng tôi đã nghe vào Chủ nhật vừa rồi, lại đến là lố bịch. Trên đường từ nhà thờ về nhà, tôi nói thế với bác Ruth và bác ấy hỏi, ‘Cháu nghĩ cháu có đủ trình độ để chỉ trích một bài giảng đạo không?’

“Ái chà, có chứ, tôi có đủ trình độ đấy!

“Chưa từng thấy bài giảng đạo nào mâu thuẫn đến mức đó. Ông Wickham đã tự cãi lại mình đến gần chục lần. Ông ấy trộn nháo trộn nhào các phép ẩn dụ... câu của Shakespeare thì ông lại gán cho Thánh Paul... ông ấy gần như phạm phải hết thảy mọi tội lỗi thông thường có thể tưởng tượng được, bao gồm cả cái tội lỗi không thể tha thứ là đã biến mình thành một con người dốt nát chết người. Dẫu vậy, công việc của tôi là đưa tin về bài thuyết giảng, vậy nên tôi viết tin. Khi ấy, tôi cần phải làm gì đó để xóa bỏ tâm trạng khó chịu này, bởi vậy, tôi viết một bài phân tích cho vui. Đó là một hành động điên rồ nhưng đầy hứng thú. Tôi chỉ ra tất tật những điểm mâu thuẫn, những chỗ trích dẫn sai, những điểm yếu và sự thiếu chắc chắn của bài thuyết giảng. Tôi viết một cách hào hứng... tôi vận hết khả năng châm chọc, nhạo báng và khả năng ăn nói độc địa của mình... ái chà, tôi phải thừa nhận rằng đó là một văn bản rất cay độc.

“Rồi tôi lại gửi nhầm nó tới tờ Thời đại!

“Ông Towers chẳng buồn đọc mà gửi luôn cho nhân viên đánh máy. Ông ấy luôn dành cho tác phẩm của tôi một sự tin tưởng đáng cảm động, mà giờ thì sẽ chẳng bao giờ còn được như vậy nữa. Bài báo được đăng tải vào ngày hôm sau.

“Đến khi tỉnh lại, tôi phát hiện ra mình đã tai tiếng ngập tràn rồi.

“Tôi những tưởng ông Towers sẽ giận điên lên; ấy vậy nhưng ông ấy chỉ hơi bực bội thôi... và còn âm thầm thích thú nữa. Tất nhiên, ông Wickham vẫn chưa phải là mục sư chính thức ở đây. Chẳng ai buồn quan tâm đến ông ấy hay bài thuyết giảng của ông ấy, còn ông Towers lại là tín đồ Giáo hội Trưởng lão, vậy nên mọi người ở nhà thờ Thánh John chẳng thể quy cho ông ấy cái tội muốn sỉ nhục họ. Chính Emily Byrd Starr tội nghiệp là người phải gánh chịu toàn bộ sức nặng tội lỗi. Có vẻ như hầu hết bọn họ nghĩ rằng tôi làm thế ‘để khoe khoang’. Bác Ruth giận điên lên, bác Elizabeth phẫn nộ, bác Laura buồn rầu ủ rũ, bác Jimmy hoảng sợ. Chỉ trích bài thuyết giảng của một mục sư là một hành động tồi tệ đến mức nào kia chứ. Theo truyền thống của nhà Murray, các bài giảng của mục sư - đặc biệt là của các mục sư Giáo hội Trưởng lão - là thứ bất khả xâm phạm. Rồi sự táo tợn và thái độ tự cao tự đại của tôi sẽ hủy hoại tôi cho xem, bác Elizabeth lạnh lùng thông báo với tôi thế. Người duy nhất có vẻ hài lòng là thầy Carpenter. (Chú Dean đang ở mãi New York. Tôi biết chú ấy thể nào cũng sẽ thích nó.) Thầy Carpenter nói với tất cả mọi người rằng ‘mẩu tin’ của tôi là mẩu tin xuất sắc nhất thuộc kiểu đó thầy từng được đọc. Nhưng thầy Carpenter vốn bị ngờ là người dị giáo, vậy nên lời ngợi khen của thầy ấy cũng chẳng đạt được đến cái hiệu quả làm tôi hồi phục lại.

“Tôi cảm thấy đau khổ vô cùng trước vụ việc này. Đôi khi, những nhầm lẫn của tôi còn khiến tôi lo nghĩ nhiều hơn cả tội lỗi của tôi nữa. Tuy nhiên, sâu thẳm trong tôi, một thứ xấu xa tội lỗi nào đó đang cười ngạo trước chuyện này. Từng câu từng từ trong ‘mẩu tin’ ấy đều đúng sự thực. Và còn hơn cả sự thực - đều thích đáng. Tôi không hề trộn nháo trộn nhào các phép ẩn dụ.

“Nào, hãy để thời gian xóa nhòa câu chuyện này đi!”

“20 tháng Tư, 19...

“ ‘Nổi lên nào, gió Bắc và đến đi nào gió Nam. Hãy thổi trong vườn tôi, để mùi thơm từ đó bay ra.’[1]

[1] Trích Nhã ca 4-16

“Tối nay, tôi vừa ngân nga vừa băng qua Miền Chính Trực... chỉ có điều, tôi thay từ vườn bằng từ ‘rừng’. Vì mùa xuân đang quẩn quanh khắp nơi nơi và tôi đã quên hết mọi thứ, chỉ còn niềm hân hoan ở lại.

“Lúc sáng sớm, trời sầm sì và có mưa, nhưng đến chiều mặt trời đã lên, và tối nay, màn sương giá tháng Tư giăng nhẹ - chỉ vừa đủ khiến cho đất đai vững chắc. Đối với tôi, dường như trong đêm nay, các vị thần cổ xưa có thể gặp gỡ tại những chốn hoang vu. Nhưng tôi chẳng nhìn thấy gì ngoài một vài vật vể ranh mãnh lẩn khuất giữa những thân linh sam, nếu không phải thuần túy chỉ là những chiếc bóng thì rất có thể chúng chính là một đoàn yêu tinh.

“(Tôi không biết tại sao yêu tinh lại là một từ quyến rũ đến thế trong khi tinh linh lại là từ đáng sợ biết bao. Và tại sao bóng tối khơi gợi vẻ đẹp trọn vẹn trong khi bóng râm thì lại xấu xí thế?)

“Nhưng trong lúc leo lên đồi, tôi nghe thấy vô vàn âm thanh thần tiên và mỗi âm thanh đều khơi dậy trong tôi một niềm hân hoan thấm thía đang dần tiêu tan. Lần nào leo lên ngọn đồi, tôi cũng đều có cảm giác mãn nguyện nào đó. Và đây lại còn là ngọn đồi tôi yêu thích nữa. Khi lên đến đỉnh, tôi đứng yên lặng, để mặc cho vẻ yêu kiều của buổi đêm tuôn chảy khắp châu thân như dòng nhạc. Kia Bà Gió đang ngân nga giữa vạt bu lô quanh tôi... kìa bà đang huýt sáo giữa những ngọn cây hình răng cưa in bóng trên nền trời! Một trong mười ba vầng trăng non bàng bạc của năm đang treo lơ lửng trên bến cảng. Tôi đứng đó, ngẫm ngợi về vô vàn, vô vàn điều đẹp đẽ... về những con suối hoang dã không gì ràng buộc chạy xuyên qua những cánh đồng tháng Tư lấp lánh ánh sao... về mặt biển khoác tấm áo choàng xám mịn màng đang gợn sóng... về cây du đang duyên dáng vươn mình dưới ánh trăng... về những rễ cây đang rùng mình chuyển động trong lòng đất... những con cú cười khanh khách trong bóng đêm... một dải sóng đang tung bọt dọc bờ cát dài... một vầng trăng mới mọc đang treo phía trên một ngọn đồi thẳm tối... những cơn bão xám xịt vùng vịnh.

“Tôi chỉ có bảy mươi lăm xu trên trần thế những Thiên đường nào có mua được bằng tiền.

“Rồi tôi ngồi xuống một tảng đá mang đậm dấu ấn thời gian, cố gắng chuyển những phút giây hạnh phúc tao nhã này vào một bài thơ. Tôi cảm thấy mình nắm bắt được hình dáng của chúng khá tốt... nhưng tâm hồn chúng thì không. Nó đã trốn khỏi tầm với của tôi.

“Đến khi tôi quay về, trời khá tối và dường như toàn bộ tính cách của Miền Chính Trực đã thay đổi. Nó thật kỳ quái... gần như đầy sát khí. Nếu có đủ dũng khí thì tôi đã co chân mà chạy rồi. Cây cối, những người bạn thân thuộc của tôi, đều xa cách và kỳ lạ. Những âm thanh tôi nghe thấy không phải là những âm thanh vui vẻ thân thiện của ban ngày... cũng không phải những âm thanh thần tiên thân mật của buổi hoàng hôn... chúng lén lút và kỳ lạ, như thể đột nhiên cuộc sống của khu rừng này bỗng trở thành một thứ gì đó gần như thù địch với tôi... một thứ gì đó ít nhất cũng đầy bí mật, xa lạ và thiếu thân thiện. Tôi có thể tưởng tượng ra mình đang nghe thấy những bước chân vụng trộm vang khắp xung quanh... những đôi mắt xa lạ đang dõi theo từng bước chân tôi xuyên qua những cành cây. Khi tôi bước tới khoảng rừng trống và nhảy qua hàng rào vào sân sau nhà bác Ruth, tôi cảm thấy y như mình vừa trốn thoát khỏi một nơi chốn nào đó dẫu thú vị nhưng không hề linh thiêng - một nơi đã được sang tay cho những kẻ tà giáo và những buổi tiệc tùng say sưa của các vị thần rừng. Tôi không nghĩ rằng trong bóng tối, khu rừng hoàn toàn thuộc về đạo Cơ Đốc. Nó luôn luôn ẩn giấu một đời sống bí mật nào đó vốn không dám bộc lộ mình trước ánh mặt trời mà chỉ dám tìm về bản chất của mình dưới đêm đen.

“ ‘Với chứng ho của cháu thì đừng có ra ngoài trời hứng không khí ẩm ướt làm gì,’ bác Ruth nói.

“Nhưng đâu phải vì không khí ẩm ướt mà tôi bị tổn thương chứ... vì tôi đã bị tổn thương rồi. Chính là do tiếng huýt khẽ khàng quyến rũ của một thứ xấu xa nào đó. Tôi sợ nó... ấy vậy nhưng tôi lại yêu nó. Đem so với nó, vẻ đẹp tôi yêu trên đỉnh đồi dường như đột ngột trở nên vô vị. Tôi ngồi trong phòng viết một bài thơ nữa. Khi viết bài thơ ấy, tôi cảm thấy như thể mình đã yểm trừ một thứ gì đó ra khỏi tâm hồn mình, và dường như Emily – trong – gương không còn là người xa lạ với tôi nữa.

“Bác Ruth vừa mang một cốc sữa nóng pha với ớt bột cay để chữa bệnh ho cho tôi. Nó đang nằm trên bàn trước mặt tôi, tôi phải uống nó, và nó khiến cho cả thiên đường lẫn vùng đất tà giáo dường như đều trở nên vô cùng ngu ngốc và không thực!”

“25 tháng Năm, 19...

“Thứ Sáu vừa rồi chú Dean từ New York trở về nhà và tối đó hai chú cháu đã tản bộ trò chuyện trong khu vườn Trăng Non dưới ánh hoàng hôn kỳ lạ, huyền bí sau cả một ngày mưa. Tôi mặc một chiếc váy sáng màu và lúc bước trên con đường mòn, chú Dean bảo,

“ ‘Lần đầu tiên nhìn thấy cháu, ta cứ nghĩ cháu chính là một cây anh đào dại trắng tinh... giống như cái cây kia kìa’ - và chú ấy chỉ về một cây anh đào đang nghiêng nghiêng vẫy gọi như một bóng ma dưới ánh trời chạng vạng, giữa rừng cây bụi nhà ông John Ngạo Mạn.

“Cái cây ấy đẹp đến nổi chỉ cần được so sánh xa xa với nó thôi cũng khiến tôi cảm thấy vô cùng mãn nguyện với bản thân, và thật dễ chịu xiết bao khi chú Deal già yêu dấu đã quay trở lại. Vậy là chúng tôi đã có một buổi tối vui vẻ, hái được cả một ôm to hoa bướm của bác Jimmy, ngắm nhìn những đám mây dông xám xịt tụ lại với nhau thành một khối màu tím phía đằng Đông, bỏ lại bầu trời đằng Tây quang đãng không một bóng mây và lắc rắc những vì sao.

“ ‘Mỗi khi được bầu bạn cùng cháu,’ chú Dean nói, ‘luôn có điều gì đó khiến cho các vì sao dường như sáng lấp lánh hơn, những bông hoa bướm dường như tím hơn.’

“Chẳng phải chú ấy thật tốt lắm sao! Ý kiến của chú ấy về tôi và ý kiến của bác Ruth về tôi sao mà khác xa nhau đến vậy chứ?

“Chú ấy kẹp dưới cánh tay một cái gói nhỏ mỏng, và lúc chào tạm biệt, chú ấy đưa nó cho tôi.

“ ‘Ta mang cho cháu cái này để giảm bớt sức ảnh hưởng của ngày Byron,’ chú ấy nói.

“Đó là một bức tranh lồng khung ‘Chân dung Giovanna Degli Albizzi, vợ của Lorenzo Tornabuoni Ghirlanjo’ - một phu nhân của thời kỳ văn hóa nghệ thuật Quatro Cento. Tôi mang nó về Shrewsbury treo trong phòng ngủ. Tôi rất thích nhìn phu nhân Giovanna - người phụ nữ trẻ mảnh mai xinh đẹp với búi tóc bóng mượt màu vàng nhạt và những lọn tóc xoăn nhỏ gọn gàng với nét mặt nhìn nghiêng thanh tú, cao quý( liệu họa sĩ có tâng bốc bà ấy lên không?) và cần cổ trắng ngần, vầng trán để trần không vướng chút bóng mờ, và phủ trùm lên tất cả là một bầu không khí mơ hồ đượm vẻ thiêng liêng, xa cách và nhuốm màu định mệnh, vì phu nhân Giovanna đã qua đời khi còn trẻ.

“Và hai bên tay áo nhung thêu của bà ấy nữa, được xẻ khía và bồng lên, vô cùng đẹp đẽ và ôm vừa khít cánh tay. Phu nhân Giovanna ắt hẳn phải có một người may trang phục tài ba, và, dẫu từ bà toát lên vẻ thánh thiện như thế, người ta vẫn đoán chắc bà ý thức khá rõ thực tế. Tôi luôn ước mong sao bà quay đầu lại, để tôi nhìn được trọn vẹn khuôn mặt bà.

“Bác Ruth cho rằng bà ấy trông khá kỳ dị và rõ ràng bác ấy thấy nghi ngờ tính phù hợp của việc trong cùng một căn phòng lại có sự hiện diện của cả bà ấy lẫn bức tranh thạch bản lộng lẫy có hình nữ hoàng Alexandra.

“Chính tôi cũng thấy nghi ngờ điều đó.

“10 tháng Sáu, 19...

“Dạo này, mọi bài tập đều được tôi hoàn thành bên bờ hồ trong Miền Chính Trực, giữa những thân cây cao mảnh dẻ tuyệt vời ấy. Tôi là một nữ tư tế trong khu rừng, tôi quan tâm đến cây cối bằng một thứ tình cảm còn vượt lên trên cả tình yêu... sự tôn thờ.

“Và rồi, cây cối, không giống với bao nhiêu con người khác, luôn luôn trở nên thân thiết hơn theo thời gian. Cho dù lúc đầu ta yêu quý chúng đến mức nào thì cũng vậy thôi, chắc chắn càng lúc ta sẽ càng yêu quý chúng hơn, và may mắn nhất là khi bạn quen biết chúng trong suốt nhiều năm và được giao thiệp với chúng suốt cả bốn mùa. Giờ đây, tôi đã biết được hàng trăm điều mến yêu ở những cây cối giữa Miền Chính Trực mà tôi chưa hề biết khi đến đây hồi hai năm trước.

“Cây cối cũng có những đặc điểm riêng biệt như con người. Chẳng cây vân sam nào giống cây vân sam nào. Bao giờ cũng vậy, luôn có một nút xoắn, một đường cong hay một chỗ nổi trên cành để phân biệt một cái cây với bạn bè nó. Một vài cây thích sinh trưởng cùng nhau trong bầu không khí chan hòa, cành lá của nó quấn quít, như Ilse và tôi khoác tay nhau, thì thầm không dứt những bí mật của chúng. Rồi còn có những nhóm riêng biệt hơn gồm bốn năm cây Murray; lại có những cây ẩn dật chọn cách đứng tách biệt trong cô độc, chỉ bầu bạn với những ngọn gió chốn thiên đường. Tuy nhiên, những cây này thường lại đáng được tìm hiểu nhất. Giành được sự tin tưởng của chúng là một chiến thắng khiến người ta cảm thấy vẻ vang hơn nhiều so với chiếm được tình cảm của những cây dễ tính. Tối nay, tôi bất chợt nhìn thấy một vì sao lớn phập phồng nhịp thở, đang nghỉ ngơi chính trên ngọn cây linh sam khổng lồ đứng cô độc ở góc rừng phía Đông, và tôi chợt nảy sinh cảm giác đây chính là cuộc tụ họp của hai vị vua, một cuộc tụ họp sẽ khiến tôi vương vấn suốt nhiều ngày và bỏ bùa lên hết thảy mọi thứ - thậm chí đến cả lề thói trong lớp học, chuyện rửa bát đĩa và việc dọn vệ sinh ngày thứ Bảy của bác Ruth.

“25 tháng Sáu, 19...

“Hôm nay chúng tôi có bài kiểm tra môn Lịch sử - về triều đại Tudor. Tôi thấy nó rất thú vị, nhưng phần lớn là vì những chuyện ngoài lề chứ không phải những thứ nằm trong các bài học lịch sử. Chúng không... chúng không thể kể cho bạn nghe những điều bạn thực lòng muốn biết. Hoàng hậu Jane Seymour đã nghĩ gì khi tỉnh dậy trong bóng tối? Còn cả hoàng hậu Anne đã bị giết kia, hay hoàng hậu Katherien nhợt nhạt bị bỏ rơi kia? Hay đơn giản là về phong cách thời trang cổ áo xếp nếp mới mẻ của bà? Bà ấy có bao giờ nghĩ rằng bà ấy đã phải trả giá quá đắt cho chiếc vương miện, hay bà ấy thỏa mãn với thỏa thuận của mình? Và liệu bà ấy có hạnh phúc trong mấy tiếng đồng hồ ngắn ngủi sau khi đứa con trai bé bỏng của bà ấy chào đời... hay bà ấy liệu có nhìn thấy một đoàn bóng ma đang vẫy gọi bà ấy tiến về phía trước cùng họ? Liệu tiểu thư Jane Gray có được bạn bè coi là ‘Janie” hay không, liệu bà ấy có khi nào giận dữ hay không? Vợ của Shakespeare thật lòng nghĩ gì về ông ấy? Và liệu có bất cứ người đàn ông nào từng thực tâm yêu nữ hoàng Elizabeth không? Tôi luôn hỏi những câu hỏi kiểu này mỗi khi học về cái thời đại hoành tráng với các vị vua, các nữ hoàng, các thiên tài và con rối chính trị vốn được nhắc đến trong chương trình giảng dạy ở trường dưới cái tên ‘Triều đại Tudor’.”

“7 tháng Bảy, 19...

“Hai năm trung học đã kết thúc. Kết quả kỳ thi của tôi đủ sức làm hài lòng ngay cả bác Ruth, khiến bác ấy phải hạ cố nhận xét rằng bác ấy vẫn luôn biết rõ tôi có thể học hành ra trò nếu chịu khó để tâm. Nói một cách ngắn gọn, tôi đã dẫn đầu lớp. Và tôi lấy làm hài lòng. Nhưng tôi bắt đầu hiểu được ý của chú Dean khi chú ấy nói rằng sự giáo dục đích thực là những thứ ta tự mình khai thác được từ đời sống. Xét cho cùng, trong hai năm vừa rồi, những thứ dạy cho tôi nhiều điều nhất chính là những chuyến lang thang trong Miền Chính Trực, là cái đêm trên đống cỏ khô, là phu nhân Giovanna và bà cụ đã đét mông đức vua, là việc cố gắng không viết gì ngoài thực tế, và những thứ đại loại thế. Ngay cả những bài viết bị loại bỏ và nỗi căm ghét dành cho Evelyn Blake cũng đã dạy cho tôi một điều gì đó. Nhân nhắc đến Evelyn - cô ta đã thi trượt và phải học lại năm thứ hai. Tôi thực lòng lấy làm tiếc.

“Nói như thế thì cứ như thể tôi là một kẻ thân thiện độ lượng nhất trần đời vậy. Để tôi nói một cách chân thành nhất nhé. Tôi lấy làm tiếc vì cô ta đã thi trượt, bởi vì nếu thi đỗ, năm sau cô ta sẽ không có mặt ở trường nữa.”

“20 tháng Bảy, 19...

“Dạo này, ngày nào Ilse và tôi cũng đi tắm biển. Bác Laura luôn rất cẩn thận xem xét xem liệu chúng tôi có mang quần áo tắm phù hợp không. Tôi không biết liệu bác ấy có bao giờ phong thanh nghe thấy bất kỳ lời đồn thổi xa xăm nào về vụ mặc váy lót tắm dưới trăng của chúng tôi không.

“Nhưng tính đến nay thì những chuyến đi tắm của chúng tôi đều diễn ra vào buổi chiều. Và sau đó chúng tôi hân hoan đắm mình dưới ánh mặt trời ấm áp, với cát vàng óng ánh, với những đụn cát mỏng đằng sau lưng trải dài tới tận bến cảng, và biển xanh biếng lười trước mắt, lấm chấm những cánh buồn đang lấp lánh vảy bạc nhờ phép thuật của ánh mặt trời. Ôi, cuộc sống thật dễ chịu... dễ chịu... dễ chịu. Ngay cả ba thông báo từ chối đăng bài vừa đến cũng chẳng nhằm nhò gì. Rồi sẽ có một ngày chính những tòa soạn này phải xin tôi gửi tác phẩm đến! Trong lúc đó, bác Laura vẫn dạy tôi cách làm một loại bánh sô cô la béo ngậy phức tạp theo một công thức được một người bạn của bác ấy ở Virginia gửi cho từ ba mươi năm trước. Chưa có bất kỳ cư dân Hồ Blair nào lấy được công thức này, và bác Laura đã bắt tôi phải trang trọng hứa sẽ không bao giờ tiết lộ nó.

“Loại bánh này thực ra có tên là Thức ăn của quỷ, nhưng bác Elizabeth sẽ không cho phép gọi nó bằng cái tên đó đâu.”

“2 tháng Tám, 19...

“Tối nay tôi đã xuống gặp thầy Carpenter. Thầy đang bị bệnh thấp khớp hành hạ, và ai cũng có thể nhìn ra thầy đang mỗi ngày một già đi. Năm ngoái thầy thường xuyên cáu bẳn với học trò và đã có một vài ý kiến phản đối, không cho thầy tiếp tục dạy học, nhưng chuyện đã qua rồi. Hầu hết dân làng Hồ Blair đều đủ khôn ngoan để nhận ra rằng dẫu có gàn dở đến thế nào chăng nữa, thấy Carpenter vẫn là một người thầy có đốt đuốc cũng chẳng dễ tìm ra được.

“ ‘Làm thế nào mà hòa nhã được khi dạy dỗ bọn ngốc chứ,’ thầy gầm gừ khi ban quản trị trường cho biết người ta đang phàn nàn về tính khắt khe của thầy.

“Có lẽ tại thầy mắc bệnh thấp khớp nên mỗi khi tôi nhờ thầy đánh giá các bài thơ của tôi, thầy lại nhận xét có phần cộc cằn. Lúc đọc bài thơ tôi sáng tác về buổi tối tháng Tư trên đỉnh đồi, thày bèn ném toẹt nó lại cho tôi - ‘một thứ khá hời hợt,’ thầy nói.

“Ấy vậy mà tôi còn thực lòng đinh ninh bài thơ đó đã lột tả được ở một mức độ nào đó sự mê hoặc của buổi tối hôm ấy. Tôi mới sai lầm đến mức nào kia chứ!

“Sau đó tôi đưa cho thầy xem bài thơ tôi viết khi trở về tối hôm đó. Thầy đọc một hai lần, rồi dứt khoát xé nó thành từng mảnh.

“ ‘Kìa... sao vậy ạ?’ tôi hỏi, hơi bực mình. ‘Bài thơ ấy có gì không ổn đâu chứ, thầy Carpenter.’

“ ‘Bề ngoài thì không,’ thầy nói. ‘Mỗi một dòng thơ, đứng một cách độc lập, đều có thể được đọc trong trường giáo lý. Nhưng linh hồn của nó kìa... trò đã viết bài thơ đó bằng tâm trạng nào vậy hả?’

“ ‘Tâm trạng của Thời đại Vàng ạ,’ tôi nói.

“ ‘Không hề... của một thời đại trước nó xa lắc xa lơ ấy chứ. Bài thơ đó đặc sệt chất tà giáo, cô gái ạ, mặc dù ta không nghĩ là trò ý thức được điều đó. Chắc chắn, xét theo quan điểm văn chương, nó đáng giá giá bằng cả nghìn bài ca hay ho của trò. Đồng thời, nguy hiểm lại cũng từ đó mà ra. Tốt hơn hết hãy bám chắc vào thời đại của trò. Trò là một phần của nó và có thể chiếm hữu nó chứ không để nó chiếm hữu trò. Emily, bài thơ đó toát lên sắc thái ma quái. Nó đủ đậm nét để ta có thể tin chắc rằng các nhà thơ đã bị truyền cảm hứng... bởi những linh hồn nào đó không thuộc về họ. Khi viết bài thơ ấy, trò không cảm thấy trò đã bị chiếm hữu linh hồn ư?’

“ ‘Có ạ,’ tôi nói, thầm nhớ lại. Tôi lấy làm mừng vì thầy Carpenter đã xé nát bài thơ. Tôi chẳng bao giờ có thể tự mình hành động như thế. Tôi đã phá hủy vô số bài thơ mặc dù do tôi sáng tác nhưng sau này đọc lại, tôi thấy chúng chỉ là đồ rác rưởi, nhưng bài thơ này dường như chẳng bao giờ đi theo chiều hướng ấy và lần nào cũng vậy, nó luôn mang vẻ quyến rũ kỳ lạ cũng như sự kinh hoàng của chuyến đi đó quay trở lại. Nhưng thầy Carpenter nói đúng... tôi cảm nhận được điều đó.

“Thầy ấy còn mắng cho tôi một trận vì tôi tình cờ nhắc đến chuyện tôi đang đọc thơ của bà Hemans. Bác Laura có một tập thơ yêu thích bọc bìa màu vàng và màu xanh dương đã phai màu, có kèm lời đề tặng từ một người hâm mộ. Hồi bác Laura còn trẻ, một tập thơ chính là món quà sinh nhật ấn tượng dành tặng cho cô gái mình ngưỡng mộ. Những điều thầy Carpenter nói về bà Hemans không thích hợp để viết vào trong nhật ký của một cô thiếu nữ. Tôi cho là về cơ bản thầy ấy đúng... dẫu thế tôi vẫn thích một vài bài thơ của bà ấy. Rải rác đây đó, lại có một câu hay một khổ thơ ám ảnh tôi suốt nhiều ngày, một cách sung sướng.

“ ‘Đoàn quân diễu hành khi vua Alaric băng hà’

là một câu như thế, mặc dù tôi không thể đưa ra bất kỳ lý do nào lý giải được vì sao tôi thích nó, người ta chẳng bao giờ có thể đưa ra lý do cho sự say mê, và một ví dụ khác nữa,

“ ‘m thanh của biển, âm thanh của đêm

Bao bọc nàng Clotilde đang quỳ gối cầu nguyện

Trong nhà thờ nhỏ nơi an nghỉ những con người vĩ đại

Trên bờ biển Provence cổ xưa.’

“Bài thơ không thuộc dạng xuất sắc, nhưng dẫu vậy nó vẫn phảng phất một ma lực nào đó... tập trung ở dòng cuối cùng, tôi nghĩ thế. Từ trước tới giờ, mỗi khi đọc bài thơ này, tôi lại cảm thấy tôi chính là Clotilde, đang quỳ ở đó - ‘trên bờ biển Provence cổ xưa’ - trên đầu phấp phới những ngọn cờ của bao cuộc chiến tranh đã chìm vào quên lãng.

“Thầy Carpenter chế nhạo tôi ‘thích những thứ cặn bã’ và bảo tôi hãy đọc sách của Elsie đi! Nhưng đến lúc tôi ra về, lần đầu tiên trong đời thầy cho tôi một lời khen ngợi riêng tư,

“ ‘Ta thích cái váy xanh trò đang mặc. Và trò biết cách mặc nó đấy. Tốt lắm. Ta không thể chịu nổi nếu phải nhìn thấy một người phụ nữ ăn mặc xấu xí. Điều đó thật khiến ta đau lòng... và ắt hẳn đến cả đấng Sáng tạo cũng đau lòng ấy chứ. Ta không sao ưa nổi những người ăn mặc nhếch nhác, và ta dám chắc Ngài cũng vậy. Xét cho cùng, nếu trò biết cách ăn mặc thì trò có thích bà Hemans cũng chẳng sao cả.’

“Trên đường về nhà tôi đã gặp Già Kelly, ông ấy dừng lại, cho tôi một túi kẹo và nhờ tôi gửi ‘lòng kính trọng tới cậu trai kia’.”

“15 tháng Tám, 19...

“Năm nay là một năm tuyệt vời đối với loài hoa lâu đẩu. Vườn cây ăn quả cũ tràn ngập hoa lâu đẩu; cả vườn hoa đắm chìm trong sắc trắng sắc đỏ thẫm đáng yêu, trong màu xanh thần tiên và màu hồng mơ màng. Những bông lâu đẩu có phần hoang dã và bởi thế mà thấm đẫm một nét quyến rũ mà không có bất kỳ loại hoa vườn thuần hóa nào sở hữu được. Lại còn cái tên nữa chứ, tự cái tên lâu đẩu ấy cũng nên thơ xiết bao. Những cái tên hoa thông dụng mới đáng yêu biết bao so với những cái tên Latin mà các nhà trồng hoa ấn định cho chúng trong danh mục. Hoa bướm dại, sứ điệp hỏa tiễn, hồng thảo, mõm chó, cỏ chua, cúc ngân diệp, trúc mai, baby, tình yêu trong sương... ôi chao, tôi yêu hết thảy những loài hoa này.”

“1 tháng Chín, 19...

“Hôm nay đã xảy ra hai chuyện. Một là bà cô Nancy gửi thư cho bác Elizabeth. Bà Nancy chưa từng để tâm đến sự tồn tại của tôi kể từ hồi tôi đến thăm Ao Linh Mục bốn năm về trước. Nhưng bà vẫn sống, chín mươi tư tuổi, và xét từ mọi nguồn tin thu thập được, bà vẫn còn tràn đầy sinh lực. Trong bức thư, bà Nancy viết một số câu châm chích, về cả tôi lẫn bác Elizabeth, nhưng bà kết thúc bằng việc đề nghị sẽ chi trả toàn bộ chi phí của tôi tại Shrewsbury trong năm tới, bao gồm cả chi phí sinh hoạt của tôi tại nhà bác Ruth.

“Tôi rất vui. Bất chấp thái độ mỉa mai giễu cợt của bà Nancy, tôi không có cảm giác áy náy mắc nợ bà. Bà chưa bao giờ chì chiết hay ra vẻ kể cả với tôi... hay làm bất cứ điều gì cho tôi bởi vì bà cảm thấy đó là ‘nghĩa vụ’ của bà. ‘Bỏ qua vấn đề nghĩa vụ đi,’ cụ nói trong thư. ‘Ta làm thế này cốt để chọc tức một vài kẻ nhà Priest, và bởi vì Wallace đang vênh vang thái quá vì “đang hỗ trợ giáo dục Emily”. Ta đoán chắc chị vẫn cho rằng chị đã làm tốt rồi. Bảo Emily quay lại Shrewsbury và có thể học được gì thì học hết đi... nhưng che giấu điều đó đi và trưng hai cái mắt cá chân ra.’ Đọc xong mà bác Elizabeth hết cả hồn và không chịu cho tôi xem bức thư. Nhưng bác Jimmy đã kể cho tôi biết nội dung.

“Chuyện thứ hai đó là bác Elizabeth thông báo với tôi rằng, bởi vì bà Nancy đã trả chi phí cho tôi nên bác ấy, bác Elizabeth, cảm thấy không có quyền bắt tôi giữ lời hứa liên quan đến việc sáng tác truyện nữa. Tôi, bác ấy bảo thế, được tự do muốn làm gì thì làm trong vấn đề này.

“ ‘Dẫu vậy, ta sẽ không bao giờ tán thành cháu viết truyện,’ bác ấy nghiêm trang nói. ‘Ít nhất thì ta hy vọng cháu sẽ không lơ là chuyện học tập.’

“Ôi, không đâu, bác Elizabeth yêu dấu, cháu sẽ không lơ là chuyện học tập. Nhưng tôi cảm thấy mình chẳng khác gì một tù nhân vừa được phóng thích. Ngón tay tôi vẫn luôn ngứa ngáy khát khao được siết chặt cây bút, trong óc tôi ngồn ngộn những cốt truyện. Tôi có hàng tá nhân vật tưởng tượng thú vị mà tôi muốn viết. Ôi chao, giá như không cáo cái vực sâu thẳm đến thế giữa nhìn thấy một sự vật sự việc với viết nó lên trang giấy!

“ ‘Từ lúc cháu nhận được tấm séc nhuận bút viết truyện hồi mùa đông vừa rồi, chị Elizabeth cứ băn khoăn mãi không biết có nên để cháu viết lách không,’ bác Jimmy bảo tôi. ‘Nhưng chị ấy không thể tự mình nhượng bộ cho tới khi tìm được cái cớ nhờ bức thư của cụ Nancy. Có tiền thì mua cả Murray cũng được, Emily ạ. Cháu muốn có thêm mấy cái tem Hoa Kỳ nữa không?”

“Bà Kent đã bảo Teddy rằng cậu ấy có thể đi thêm một năm nữa. Còn về sau đó thì cậu ấy cũng chẳng biết rồi sẽ có chuyện gì. Vậy nên tất cả chúng tôi đều trở lại trường và tôi quá hạnh phúc đến nỗi chỉ muốn viết nghiêng những từ đó.”

“10 tháng Chín, 19...

“Năm nay, tôi đã được bầu làm lớp trưởng lớp cuối cấp. Và hội Đầu lâu và Cú đã gửi thông báo cho tôi biết tôi đã được chọn làm thành viên hội từ tháng Tám mà không qua nộp đơn đăng ký như bình thường.

“Nhân tiện, dạo này, Evelyn Blake đang bị sưng a mi đan!

“Tôi đồng ý làm lớp trưởng; nhưng tôi gửi thư cho Đầu lâu và Cú, từ chối tư cách thành viên với một thái độ lịch sự kinh khủng khiếp.

“Sau khi đã loại tôi hồi năm ngoái sao, thật tình!”

“07 tháng Mười, 19...

“Hôm nay cả lớp vô cùng phấn khích khi nghe được một thông báo chắc chắn từ tiến sĩ Hardy. Bác của Kathleen Darcy, vốn là một giáo sư trường McGill, đang ghé thăm thị trấn, và ông ấy nảy sinh ý tưởng trao giải thưởng cho bài thơ đặc sắc nhất, được viết bởi một học sinh trường trung học Shrewsbury - nghe nói giải thưởng là một bộ tổng tập Parkman. Các bài thơ phải được nộp vào ngày 1 tháng Mười một, và ‘không ngắn dưới hai mươi dòng, không dài quá sáu mươi dòng’. Nghe như thể độ dài là điều kiện tiên quyết vậy. Tối nay tôi đã sục sạo khắp lượt các cuốn sổ Jimmy vào quyết định gửi bài Nho dại. Đây là bài thơ đặc sắc thứ nhì của tôi. Bài ca về đồng sáu xu là bài thơ đặc sắc nhất, nhưng nó chỉ dài có mười lăm dòng và nếu thêm bất kỳ dòng nào thì sẽ chỉ làm hỏng nó mà thôi. Tôi nghĩ tôi có thể trau chuốt thêm chút nữa cho bài Nho dại. Trong bài thơ có đôi ba từ vẫn luôn khiến tôi cảm thấy không chắc chắn. Chúng không diễn tả chính xác, đầy đủ suy nghĩ của tôi, tuy nhiên tôi cũng chẳng thể tìm ra bất kỳ cách diễn đạt nào khác. Giá như người ta có thể sáng tạo từ ngữ, giống như tôi vẫn làm từ hồi xưa khi viết thư cho cha, cứ thế mà sáng tạo từ mới bất cứ khi nào tôi muốn. Tuy nhiên, cha ắt hẳn sẽ hiểu những từ ấy một khi cha đọc thư, trong khi tôi e là ban giám khảo cuộc thi sẽ chẳng hiểu được đâu.

“Nho dại xứng đáng giành giải thưởng. Tôi nói thế này không phải do tự cao tự đại, mơ mộng hão huyền hay suy đoán lung tung. Mà chỉ đơn giản là biết thế thôi. Nếu đây là giải thưởng Toán học thì Kath Darcy hẳn sẽ giành được giải. Nếu là giải thưởng về nhan sắc thì ắt hẳn Hazel Ellis sẽ thắng cuộc. Còn nếu là về sự đa tài, ắt hẳn là Perry Miller; về tài năng diễn thuyết, Ilse; về hội họa, Teddy. Nhưng vì đây là cuộc thi thơ, người đó hẳn phải là Emily Byrd Starr!

“Năm nay, trong chương trình văn học lớp Hai, chúng tôi nghiên cứu Tennyson và Keats. Tôi thích Tennyson nhưng có nhiều khi ông ấy khiến tôi phát điên. Ông ấy thật đẹp; không quá đẹp giống như Keats; một Nghệ sĩ Hoàn hảo. Nhưng ông ấy không bao giờ để chúng ta quên mất người nghệ sĩ; chúng ta luôn luôn ý thức được điều đó; ông ấy không bao giờ bị gạt hẳn sang một bên bởi một cơn lũ cảm xúc cuồn cuộn tuôn trào nào đó. Ông ấy không như vậy; ông ấy bình thản chảy trôi giữa những bờ nước gọn gàng và những khu vườn được bố trí cẩn thận chu đáo. Và bất kể có yêu một khu vườn đến đâu chăng nữa, người ta cũng không muốn lúc nào cũng bị giam cầm trong đó; người ta vẫn mong muốn thỉnh thoảng được ngao du vào chốn hoang dã. Ít nhất Emily Byrd Starr là người như vậy; trước nỗi phiền muộn của họ hàng.

“Keats quả thực quá dồi dào vẻ đẹp. Khi đọc thơ của ông ấy, tôi gần như ngạt thở vì hoa hồng và chỉ khát khao một luồng không khí giá lạnh hay sự khắc khổ của một đỉnh núi rét căm căm. Nhưng, ôi chà, ông ấy có một vài câu thơ...

“ ‘Khung cửa sổ nhiệm mầu đang mở toang trên bọt sóng của đại dương tầng tầng nguy hiểm, giữa mảnh đất thần tiên hoang vắng...’

“Mỗi khi đọc những câu này, tôi đều cảm thấy một nỗi tuyệt vọng nào đó! Rốt cuộc, có ích lợi gì khi cứ cố gắng thực hiện điều vốn đã được thực hiện rồi?

“Nhưng tôi vẫn tìm thấy một vài câu thơ khác khơi nguồn cảm hứng cho mình; tôi đã chép lại những câu này vào trang chỉ mục của cuốn sổ Jimmy mới.

“ ‘Anh ta không bao giờ được ban cho sự bất tử

E sợ không dám đi theo

Sự dẫn dắt của những giọng nói từ trên cao.’

“Ôi chao, đúng vậy. Chúng ta phải đi theo ‘những giọng nói từ trên cao’, đi theo chúng băng qua hết thảy mọi hèn nhát, ngờ vực, hoài nghi, cho tới khi chúng dẫn ta đến với Thành phố Mãn nguyện, bất kể nó ở đâu cũng vậy.

“Hôm nay, tôi nhận được bốn thư từ chối, khàn giọng gào lên báo cho tôi tin thất bại. Những Giọng Nói Từ Trên Cao nhạt nhòa dần giữa bầu không khí ồn ào nhường ấy. Nhưng tôi rồi sẽ lại nghe thấy chúng thôi. Và tôi sẽ đi theo; tôi sẽ không hèn nhát. Nhiều năm về trước tôi từng viết một ‘lời thề’; hôm nọ tôi đã tìm thấy nó trong một gói đồ cũ cất trong tủ của tôi; rằng tôi sẽ ‘leo lên Đường Alps và đề tên mình lên bảng danh vọng’.

“Tôi sẽ tiếp tục leo lên!”

“20 tháng Mười, 19...

“Hôm nọ, tôi đã thức thâu đêm đọc tác phẩm Biên niên sử một khu vườn lâu năm do tôi sáng tác. Tôi thấy giờ đây, khi bác Elizabeth đã bãi bỏ lệnh cấm vận, hẳn là tôi có thể trau chuốt ra trò cho nó. Tôi muốn thầy Carpenter đọc nó, nhưng thầy ấy bảo,

“ ‘Chúa ôi, cô gái này, làm sao ta có thể trầy trật đọc cho hết cái thứ đó được chứ. Mắt ta kém lắm. Nó là cái gì vậy... một cuốn sách à? Ngọc Bích ạ, phải mười năm nữa mới đến lúc trò viết sách.’

“ ‘Con phải thực hành chứ ạ,’ tôi phẫn nộ nói.

“ ‘Ôi chà, thực hành đi; cứ thực hành đi; nhưng đừng có tìm kiếm đáp án ở ta. Ta già quá rồi; ta già thật rồi, Ngọc Bích ạ. Ta không phiền nếu đọc một truyện ngắn... rất ngắn... thỉnh thoảng thôi... nhưng hãy để lão già tội nghiệp tránh xa đám sách nhé.’

“Tôi có thể hỏi xem chú Dean nghĩ gì về nó. Nhưng chú Dean giờ đây lại bật cười trước những tham vọng của tôi - một cách rất thận trọng và tử tế - nhưng chú ấy đã cười. Còn Teddy thì cho rằng tất cả những gì tôi viết đều hoàn hào, vậy nên chẳng ích lợi gì nếu nhờ cậu ấy làm người phê bình. Tôi băn khoăn mãi... tôi băn khoăn mãi không biết liệu có bất kỳ nhà xuất bản nào chấp nhận Biên niên sử không? Tôi dám chắc đã thấy nhiều cuốn sách tương tự cũng chẳng xuất sắc hơn nhiều lắm.”

“11 tháng Mười một, 19...

“Tối nay, tôi đã dành thời gian giúp ông Towers ‘cắt gọt’ một cuốn tiểu thuyết. Hồi tháng Tám, khi ông Towers đi nghỉ, phó tổng biên tập, ông Grady, đã bắt đầu cho đăng tải trên tờ Thời đại loạt bài Trái tim đẫm máu. Thay vì đăng bài viết khoa học trình bày đúng chuẩn, giống như ông Towers luôn làm vậy, ông Grady chỉ đơn giản mua ở hiệu sách một bản sách in lại của cuốn tiểu thuyết tiếng Anh vô cùng sướt mướt giật gân và bắt đầu đăng tải nó. Cuốn tiểu thuyết rất dài và mới chỉ được trình làng một nửa. Ông Towers nhận thấy nếu cứ để nguyên theo hình thức hiện thời thì sẽ phải mất cả mùa đông mới đăng hết truyện. Vậy nên ông ấy thuê tôi xem xét cắt ‘tất tật những thứ không cần thiết’. Tôi tuân thủ lời chỉ dẫn này một cách không hề khoan nhượng; ‘cắt bỏ’ phần lớn cảnh hôn hít ôm ấp, cắt hai phần ba cảnh yêu đương ân ái và tất tật những đoạn miêu tả, dẫn đến một kết quả đáng vui mừng là tôi đã rút gọn nó xuống chỉ còn bằng một phần tư độ dài ban đầu; và tôi chỉ có thể nói rằng hẳn Chúa đã ban phúc cho người thợ sắp xếp chữ phải trình bày nó trong tình trạng đã bị cắt xén hiện thời.

“Mùa hè và mùa thu đã trôi qua. Tôi cứ có cảm giác dường như chúng tôi đi nhanh hơn thường lệ. Cúc hoàng anh đã chuyển màu trắng xóa trong những ngóc ngách của Miền Chính Trực, và sáng sáng sương giá như một tấm khăn choàng màu bạc phủ trên mặt đất. Những ngọn gió đêm tung tăng ‘réo rắt khắp thung lũng hoang dại’ là những nhà tìm kiếm đau khổ đang tìm kiếm những thứ được yêu thương và đã mất, vô vọng kêu gọi yêu tinh và tiên nữ. Vì trong những câu chuyện thần tiên, nếu họ không trốn biệt về tít tận miền Nam thì ắn hẳn đang cuộn mình ngủ say trong tim những cây linh sam hoặc giữa rễ cây dương xỉ.

“Và tối nào cũng vậy, hoàng hôn đỏ ối đốt cháy cả bến cảng trong sắc đỏ thẫm sương khói, còn trên bầu trời, một vì sao như một linh hồn cứu rỗi hướng đôi mắt tràn ngập xót thương chằm chằm nhìn vào những vực sâu đau khổ, nơi bao linh hồn tội lỗi đang gột rửa những vết nhơ từ chuyến hành hương nơi trần thế.

“Liệu tôi có dám cho thầy Carpenter nhìn thấy câu trên không? Hẳn là không rồi. Bởi vậy, nó không ổn một cách đáng sợ. Nó được ‘viết một cách cầu kỳ’. Tuy nhiên, đó đúng là cảm giác nảy sinh trong tôi khi tôi đứng trên ngọn đồi phía bên kia Miền Chính Trực tối nay và nhìn bao quát bến cảng. Và ai thèm quan tâm cái cuốn nhật ký cũ rích này nghĩ gì cơ chứ?”

“02 tháng Mười hai, 19...

“Hôm nay, người ta đã công bố kết quả cuộc thi thơ. Evelyn Blake đã giành chiến thắng với bài thơ được đặt tên Huyền thoại Abegweit.

“Chẳng có gì để nói nữa... vậy nên tôi nói thế thôi.

“Thêm nữa, bác Ruth đã nói hết cả rồi!”

“15 tháng Mười hai, 19...

“Bài thơ đoạt giải của Evelyn được đăng tải trên tờ Thời đại số ra tuần này, kèm theo bức ảnh chân dung và trích tiểu sử của cô ta. Bộ Parkman được bày trong tủ trưng bày ở hiệu sách.

“Huyền thoại Abegweit quả là một bài thơ khá hay. Nó được viết theo phong cách ballad, và vần nhịp đều chuẩn; một điều tôi không thể dùng để nói về bất kỳ bài thơ nào khác tôi từng được đọc của Evelyn.

“Hễ thấy tôi có bất kỳ tác phẩm nào được xuất bản là thể nào Evelyn Blake cũng bảo cô ta chắc chắn tôi đã sao chép nó từ đâu đó. Tôi không thích bắt chước cô ta; nhưng tôi biết thừa cô ta không bao giờ viết được bài thơ đó. Nó không thể hiện bất kỳ biểu cảm nào của cô ta. Cô ta dễ có khả năng bắt chước chữ viết tay của tiến sĩ Hardy mà tự nhận là của cô ta lắm. Lối viết hoa mỹ đều nét của cô ta giống với lối viết tháu mạnh mẽ của tiến sĩ Hardy cũng ngang với bài thơ ấy giống như bài thơ của cô ta vậy.

“Ngoài ra, mặc dù Huyền thoại Abegweit cũng khá hay nhưng nó không đặc sắc bằng Nho dại.

“Tôi sẽ không nói thế với bất cứ ai mà chỉ viết vào cuốn nhật ký này thôi. Bởi vì nó là sự thật.”

“20 tháng Mười hai, 19...

“Tôi đưa cho thầy Carpenter đọc Huyền thoại Abegweit và Nho dại. Đọc xong cả hai bài thơ rồi, thầy hỏi, ‘Ban giám khảo gồm những ai?’.

“Tôi nói cho thầy biết.

“ ‘Trò hãy gửi lời thăm hỏi của ta tới họ nhé, và nói cho họ biết họ chỉ là một lũ lừa,’ thầy nói.

“Tôi thấy dễ chịu hẳn. Tôi sẽ không nói với ban giám khảo - hay bất kỳ ai - rằng họ là một lũ lừa. Nhưng biết được điều đó cũng khiến tôi được an ủi nhiều.

“Lạ một điều, bác Elizabeth muốn đọc Nho dại, và đọc xong rồi, bác ấy bảo,

“ ‘Tất nhiên ta không phải giám khảo thơ, nhưng theo ta thấy thì bài thơ của cháu xứng đáng được xếp hạng cao hơn.’”

“04 tháng Một, 19...

“Tôi đã trải qua tuần Giáng sinh ở nhà bác Oliver. Tôi không thích kỳ nghỉ này. Nó quá ồn ào. Nhiều năm về trước thì tôi thích thế thật, nhưng hồi đó họ có bao giờ hỏi ý kiến tôi đâu. Tôi phải ăn khi chẳng hề đói bụng; không thích mà vẫn phải chơi trò cá ngựa; trò chuyện trong khi chỉ muốn lặng im. Suốt thời gian ở đó, tôi chẳng bao giờ có giây phút nào được ở một mình. Thêm nữa, Andrew càng ngày càng trở nên khó chịu không tả nổi. Còn bác Addie thì ra cái vẻ tử tế tràn đầy tình mẫu tử đến là đáng ghét. Lúc nào cũng vậy, tôi chí có độc một cảm giác mình giống như con mèo miễn cưỡng bị giữ trong lòng người ta và được vuốt ve nhẹ nhàng, kiên quyết. Tôi phải ngủ cùng Jen, bà chị họ ngang tuổi luôn thầm nghĩ tôi quá kém cỏi không xứng đáng với Andrew nhưng dẫu vậy, dưới sự ban phước của Chúa, sẽ cố gắng vui vẻ chấp nhận. Jen là cô gái tử tế, nhạy cảm, và chúng tôi đã trở thành bạn bè chút chút. Đây là một khái niệm do tôi sáng tạo ra. Jen và tôi thân thiết hơn so với mối quan hệ họ hàng thuần túy, nhưng vẫn chưa đích thực là bạn bè của nhau. Chúng tôi sẽ luôn luôn là bạn bè chút chút. Chúng tôi không tìm được tiếng nói chung.

“Khi trở về mái nhà Trăng Non yêu dấu, tôi leo lên phòng, đóng cửa lại và hân hoan chìm trong sự cô độc.

“Hôm qua trường đã vào học kỳ mới. Hôm nay, ở hiệu sách, tôi đã được cười thầm một trận. Bà Rodney và bà Elder đang tìm mấy cuốn sách, rồi bà Elder bảo,

“ ‘Cái câu chuyện trên tờ Thời đại ấy - Trái tim đẫm máu - là câu chuyện kỳ lạ nhất tôi từng được đọc. Nó cứ lan ma lan man, hết chương này đến chương khác, hết tuần này sang tuần khác, dường như chẳng bao giờ dẫn đến đâu cả, thế rồi đùng một cái nó kết thúc sau tám chương. Tôi không tài nào hiểu nổi nó.’

“Lẽ ra tôi đã có thể vén màn bí mật cho bà ấy nhưng tôi đã không làm thế.”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui