Gã Độc Thân Vàng Mười

Ra là Chu Minh.

Chu Minh vẫy tay với nó: “Đông Đông.”

“Chú hai ạ.” Ngải Đông Đông đứng dậy, ngạc nhiên khi thấy Chu Minh ở đây.

Chu Minh vừa đi tới vừa hỏi: “Sao con lại ở đây, chú đi tìm con khắp nơi.”

Vốn là Ngải Đông Đông đi giấu Chu Minh nên giờ đụng mặt nó cũng thấy ngại ngại: “Con đi thăm ba nuôi.”

“Thế gặp được chưa?”

Ngải Đông Đông xoa tay lắc đầu: “Họ không cho con vào, bảo là chỉ có người thân có giấy tờ mới được vào thăm.”

“Không cho thì con đi về chứ sao lại đứng ngoài cổng đợi cả buổi thế, lạnh cóng rồi phải không?”

Ngải Đông Đông xách mấy túi đồ, đứng dậy bảo: “Cũng bình thường ạ.”

“Thôi thôi lên xe đi, trông con cóng hết rồi kia kìa.” Chu Minh đỡ mấy cái túi cho nó rồi vừa đi vừa bảo: “Đến bữa cơm không thấy con đâu chú hỏi cả nhà mà không ai biết, may Chu Phóng nó bảo mấy hôm nay con nói muốn đi thăm anh cả, có khi con đi thật. Chú cũng chỉ tới hú họa thôi, thế mà tìm được con.”

Ngải Đông Đông xấu hổ bảo: “Con cứ tưởng đến là được vào ngay, chắc độ một tiếng là về nên không bảo gì với nhà, làm cả nhà phải lo cho con.”

“Lo chứ, chú cứ tưởng con đi luôn thì anh cả về chú biết ăn nói thế nào.” Chu Minh cười cười: “Sau này đi đâu cũng phải báo nhé, ít nhất là nói với một người ở nhà để mọi người biết con đi đâu chứ, ví dụ như hôm nay nếu biết con ở đây thì chú đến từ sớm, có khi vẫn kịp vào thăm anh cả.”

Ngải Đông Đông đứng phơi gió cả buổi trưa nên vừa chui vào xe nó đã hắt hơi một cái, Chu Minh bật cười, đành lấy thêm áo ấm cho nó khoác vào.

Về nhà đương nhiên là Chu Minh kể hết cho cả nhà nghe, thế là câu chuyện Ngải Đông Đông đứng đợi Chu Cương cả ngày ngoài cổng trại giam thành giai thoại ở nhà họ Chu, ai cũng bảo nó đúng là đứa có tình có nghĩa. Hành động của nó thật ra là dại dột nhưng được cái mác tuổi trẻ nông nổi kéo lại nên nó dại một tí chỉ càng chứng tỏ sự chân thành trong sáng của tuổi thiếu niên.

Người cảm động nhất đương nhiên là bà Chu, bà bảo: “Thằng bé này tốt tính quá, nhà mình không thể bạc đãi nó được.”

Ở nhà họ Chu bà Chu cũng như Giả mẫu ở Giả phủ trong Hồng Lâu Mộng, bà nói một là một, không ai dám trái lời. Ấy là vì nhà họ Chu đúng là một đại gia tộc ở huyện Cố Thành, càng làm lớn thì càng trọng sĩ diện và đương nhiên là phải giữ tròn chữ hiếu mới không bị người đời cười chê. Thêm nữa mấy anh chị em Chu Cương tuy tính tình ngổ ngáo nhưng người nào người nấy đều rất hiếu thuận với bề trên.

Chu Minh bảo: “Nếu con muốn đi thăm thì hôm khác chú sẽ đưa đi. Nhưng anh cả sắp được ra rồi, có khi con chưa kịp vào thăm thì ảnh đã về nhà rồi đấy.”

Đương nhiên Ngải Đông Đông chỉ mong Chu Cương sớm sớm trở lại, nhưng loanh quanh thế nào Chu Cương chưa về nó đã đổ bệnh.

Có thể là bị nhiễm lạnh từ hôm đứng ngoài cổng trại phơi tuyết nên mấy bữa nay nó vẫn thấy người khó ở, cũng có khi vì sống khổ quen rồi tự dưng được ăn no mặc ấm phủ phê làm bệnh ập về cũng nên.

Đầu tiên Ngải Đông Đông bị sốt, sau đó nó được truyền nước biển thì cơn sốt hạ xuống đến hơn ba bảy độ rồi cứ hâm hấp như thế riết mấy ngày trời. Người nó mệt mỏi không ăn uống được gì nên chỉ vài hôm trông nó đã gầy xọp đi.

May sao nó đang ốm thì tin vui lại đến, Chu Cương được ra tù.

Cuối cùng cũng được ra rồi.

Ngải Đông Đông đang nằm chơi điện tử trên giường thì nghe thấy Chu Phóng hỏi Chu Minh ở phòng ngoài: “Có cho Đông Đông đi không?”

Thấy nhắc tên mình Ngải Đông Đông lập tức vểnh tai hóng, nó nghe Chu Minh đáp: “Thôi, đằng nào anh cả về chẳng gặp, để nó ở nhà nghỉ đi.”

Nghe đến đó Ngải Đông Đông như tỉnh cả người, nó vội vàng nhảy xuống giường giẫm dép lê chạy ra, mừng rỡ hỏi: “Ba nuôi con sắp về ạ?”

Cả Chu Minh lẫn Chu Phóng đều giật mình vì sự xuất hiện của nó, Chu Phóng phì cười bảo: “Nhắc đến anh cả thì mày thính thế.”

“Có phải không ạ, ba nuôi em được ra rồi đúng không?”

Chu Minh gật đầu: “Sáng mai chú vào đón ảnh, con ở nhà đợi nhé.”

“Con cũng muốn đi cơ.”

“Con đã khỏi hẳn đâu mà đi.”

“Bệnh vặt thôi ăn thua gì, chú hai ơi ngày mai lúc nào đi chú phải gọi con nhé, con cũng đi!”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui