Tú đang gào khóc oán trời trách đất thì bị hàng chục ánh mắt soi mói nhìn vào, tịt cả khóc.
Hàng xóm vẫn luôn vụng trộm xem bà Cẩm và Tú cãi nhau, đến khi Đức phá cổng vào nhà thì càng lớn gan, đi thẳng vào khoảng sân nhỏ ngay sát cổng, nghe trộm Ngân và Đức vạch trần tội ác của Tú.
Chuyện Long trốn khỏi nơi cư trú và Tú được tại ngoại không hề bị lộ ra ngoài.
Hiện tại chuyện xấu của Tú lộ ra dưới ánh mắt hiếu kỳ của hàng xóm, cô ta nhục nhã đến mức nước mắt trôi ngược vào trong.
Cô ta vùng dậy muốn tống cổ hết đám người tọc mạch trước mắt.
“Cút hết đi! Ai cho các người vào nhà tôi hả? Tôi báo công an bắt các người!”
“Tôi báo công an giúp cô rồi.” Bà hàng xóm ngoa ngoắt đáp lời.
“Cái cái gì?” Tú lắp bắp, vẻ hùng hổ tan vỡ trong nháy mắt.
Bà hàng xóm chống nạnh, nhìn Tú thách thức.
“Tôi thấy chú Đức phá cổng, sợ mẹ con cô bị bắt nạt nên báo công an giúp cô.
Ai dè cô mới là người cần phải tống vào tù cho sạch xã hội.
Cô là người không có trái tim, đến đứa trẻ bảy tuổi cũng không tha.
Tâm địa cô như rắn rết thảo nào không có nổi mụn con.”
Hàng xóm đứng phía sau đồng loạt gật đầu ủng hộ lời mắng chửi sâu cay.
“Cây độc không trái, gái độc không con là có thật.”
Hàng loạt ánh mắt ghê tởm và khinh rẻ chém thẳng vào cơ thể Tú khiến cô ta khó thở.
Tức giận làm lu mờ lý trí, Tú nhảy xổ tới muốn đánh người để phát tiết toàn bộ cảm giác thua kém, thấp hèn khi đối diện Đức và Ngân.
“Cái gì mà không có con hả? Tôi có bầu ba tháng rồi.
Các người cút hết ra khỏi nhà tôi.”
Như có bàn trước, hàng xóm ồ ạt lùi lại, tách làm hai chừa ra một con đường.
Hai đồng chí côn.g an mặc áo xanh đi vào.
Tiếng còi xe cản.h sát đã réo rắt từ nãy nhưng do đầu óc Tú bận đối phó Ngân và Đức nên không nghe thấy.
Cô ta kinh hãi, lùi về sau khi thấy côn.g an.
Bà Cẩm đang ngồi suy sụp giữa sân khóc lóc vì ô nhục, thấy công an liền trợn trắng mắt, hôn mê.
Lần hôn mê này giúp bà Cẩm thoát khỏi việc bị bắt lên đồn côn.g an.
Đức đưa bà Cẩm vào bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ khẳng định sức khỏe của bà Cẩm rất tốt, chỉ là do quá kích động nên huyết áp tăng vọt, uống thuốc đều đặn và đúng liều là không có gì nguy hiểm.
Trong khi đó, Tú bị công an cảnh cáo và lấy lời khai.
Cô ta giải thích đồ đạc trong nhà bị đập phá là do đám chủ nợ đến đòi tiền vay nặn.g l.ãi của Long.
Bọn chúng không lấy đủ tiền lãi nên đập phá đồ để cảnh cáo.
Mâm cơm đổ vỡ là do bà Cẩm hất đổ.
Mẹ chồng nàng dâu đổ vấy lỗi lầm cho nhau, không tìm được tiếng nói chung.
Tú phát hiện mất nhẫn vàng nên càng có cớ ném quần áo đuổi bà Cẩm ra khỏi nhà.
Đúng lúc này Ngân và Đức về tới nơi, chứng kiến cảnh xấu hổ của bà Cẩm.
Các đồng chí công an cảnh cáo Tú, cô ta đang là đối tượng có quyết định điều tra của cơ quan Điều tra, nếu tiếp tục gây rối sẽ bị ghi thêm án.
Lời đe dọa đủ lớn làm Tú biết điều, không dám bịa đặt thêm một câu về Đức và Ngân.
Những chuyện này không ảnh hưởng Ngân.
Cô về thẳng nhà trọ.
Cô không có ý định vào bệnh viện chăm nom bà Cẩm.
Đến tối cùng ngày, bà Cẩm giãy đành đạch đòi ra viện.
Bà ta mắng Đức.
“Anh là đồ bất hiếu.
Anh nhốt tôi ở bệnh viện để giúp con Tú cướp nhà của tôi đúng không?”
“Đến nhà của mình bị mẹ ruột cưỡng ép ký giấy bán nhà trong khi đầu óc bị bệnh, con còn chưa nhắc đến một câu.
Con giúp thím Tú làm cái gì chứ?”
Quá khứ nhơ nhuốc làm bà Cẩm tự thấy nhục nhã với con trai.
“Mẹ thật sự sang tên sổ đỏ cho vợ chồng thím rồi à? Sao mẹ dại vậy?”
“Sang tên sổ đỏ rồi thì làm sao? Con Tú không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng tôi thì tôi hoàn toàn có quyền đòi lại quyền sử dụng đất đã chuyển giao cho bọn nó.
Kể cả anh, căn nhà đứng tên anh, tôi cũng có quyền lấy lại.”
“Con chưa đủ hiếu thuận với mẹ à?”
Bà Cẩm nghẹn họng, không trả lời được.
Đức ngán ngẩm lắc đầu.
“Được rồi, để con đưa mẹ về nhà, ngày mai con quay lại bệnh viện làm thủ tục xuất viện sau vậy.”
Thời điểm đứng trước cổng nhà Long, bà Cẩm nhìn cánh cửa cong vẹo, thầm sợ hãi trước sức lực to lớn của Đức.
Bà ta nghĩ lại quãng thời gian Đức bị điên, bà ta đối xử ghẻ lạnh với hắn, may mắn hắn không nổi cáu đấm bà ta.
Bà Cẩm ra lệnh cho Đức.
“Con Ngân đang ở trong nhà anh hả? Anh gọi nó sang đây đi.
Tôi muốn nói chuyện với nó.”
“Em ấy ở nhà trọ.
Mẹ muốn nói chuyện gì với em ấy?”
“Tại sao nó không ở trong nhà anh?”
“Tại vì em ấy chán ghét đặt chân vào đất nhà mình.
Nếu không vì con thì em ấy cũng không hứng thú đi vào căn nhà đầy rẫy ký ức không vui đâu.”
Bà Cẩm tức đến bốc khói lên đỉnh đầu.
Đức nhắc nhở.
“Huyết áp của mẹ rất cao.
Mẹ đừng khiến bản thân phải nhập viện lần thứ hai.”
“Hừ! Anh nhanh gọi nó về đây cho tôi.
Không phải hai anh chị muốn sống với nhau hay sao hả? Tôi là mẹ chồng, tôi muốn gặp con dâu cũng phải tự mình đi mời nó chắc.”
“Được rồi, mẹ vào nhà đi.
Con đi đón Ngân.” Đức nghiêm túc nói, giọng nặng nề hơn.
“Có chuyện này con cần nói trước với mẹ.
Tương lai Ngân sẽ là vợ của con.
Con quyết định ở bên em ấy và không ai thay đổi được quyết định này.
Con mong mẹ có sự tôn trọng đối với vợ của con.
Bởi vì em ấy xứng đáng được tôn trọng.”
Bà Cẩm đứng chết lặng trước cửa nhà, nhìn Đức đi ra đầu ngõ bắt taxi.
Cảm giác bất an đầy ứ trong lòng, giống như lần Ngân đưa Đức và Mốc về quê, bà ta cũng đứng đây nhìn theo bóng lưng Đức.
Hình như, bà ta đã đánh mất đứa con sẽ luôn bảo vệ, chăm sóc mình mất rồi.
Bà Cẩm quay người, nhìn ngôi nhà với khoảng sân rộng lớn, nhìn sang căn nhà cháy đen đã bị Ngân bán đi, nhìn tới ngôi nhà không có hơi người của Đức, cảm giác cô độc, lạc lòng từ sâu trong đáy lòng trỗi dậy, bao phủ mọi cảm xúc của bà ta.
Bà Cẩm không phải người đa sầu đa cảm, vậy nên chút yếu lòng này làm bà ta cau có, phiền muộn và trốn tránh.
Bà ta đi nhanh vào trong sân.
Thời điểm nhìn thấy Tú ngồi chễm chệ trên sô pha ăn nho, chút ủy mị kia biến mất như làn khói.
“Cô đúng là giỏi! Cô hại mẹ chồng đổ bệnh phải nhập viện mà vẫn có thể bình thản ở nhà ăn uống thư giãn.”
“Con không giỏi thì sao làm dâu của mẹ được.” Tú phun hạt nho ra tay, kênh kiệu đáp lời bằng câu ca dao chế giễu.
“Đói lòng ăn khế, ăn sung.
Trông thấy mẹ chồng thì nuốt chẳng trôi.”
Bà Cẩm tức giận thở phì phò, tay ôm ngực để tự trấn tĩnh.
Không được mắc mưu! Cô ta muốn kích thích để mình tăng huyết áp đến đột quỵ mà chết đi.
Mình không được mắc bẫy cô ta!
Hơi thở hòa hoãn hơn, bà Cẩm đi đến ngồi đối diện Tú.
Quét mắt nhìn phòng khách sạch sẽ, đống đổ vỡ bừa bộn đã biến mất.
Giọng bà Cẩm nâng cao, chứa đầy sự hài lòng.
“Ít ra cô còn biết điều dọn dẹp nhà cửa.
sạch sẽ.”
“Nhà mình, mình không dọn thì để mụ già quạ mổ về phá nát à?”
“Rầm.”
Bà Cẩm đập tay xuống bàn rồi chỉ vào mặt Tú.
“Tôi hoàn toàn có quyền đòi lại quyền sử dụng đất nếu vợ chồng cô không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng tôi.
Để tôi xem cô còn lớn lối thế nào.”
“Mẹ dám đòi nhà cửa thì con cũng dám khai báo với công an về đồng bọn đố.t nhà g.iết người.”
“Cô…” Mặt bà Cẩm trắng bệch, không còn chút máu.
“Mẹ suy nghĩ kỹ đi nhé.
Cái thân hình già nua còm cõi của mẹ liệu chịu được mấy ngày trong phòng giam hả? Con ra đầu thú là sẽ được pháp luật khoan hồng giảm tội.
Quan trọng là cháu trai của mẹ sẽ bảo vệ con ba năm.
Ai biết trong ba năm sẽ xảy ra chuyện gì, đúng không?” Tú vỗ nhẹ vào bụng, cười đắc thắng.
“Bà nội ngồi tù, bố đẻ bỏ trốn, mẹ ruột cũng ngồi tù, thử hỏi ai chăm sóc cháu nội của mẹ đây? Con biết là mẹ không nỡ để cháu trai của mẹ côi cút một mình đâu.”
Tú đâm thẳng vào điểm yếu của bà Cẩm.
Bà ta ích kỷ, tham lam nhưng bà ta thật sự yêu thích đứa cháu nội trong bụng Tú.
Bà ta đặt hết kỳ vọng vào thằng bé về chuyện nối dõi, về tương lai báo hiếu bà nội.
“Tôi… tôi nghi ngờ đứa bé trong bụng cô không phải của thằng Long.”
“Hết thằng Mốc đến đức bé này.
Bà muốn phủ nhận bao nhiêu đứa cháu trai nữa đây?” Tú lộ ngay bộ mặt thật, không mẹ con gì hết.
“Thằng… thằng Long chơi gái tối ngày, chắc chắn nó hỏng rồi… làm sao nó có con được…”
Tú ôm bụng cười chảy nước mắt, hất văng vài quả nho xuống sàn.
Cô ta nhìn bà Cẩm như nhìn một mụ điên trốn trại.
“Có người mẹ nào nói con trai mình như bà không hả bà Cẩm ơi.
Bà có cần tôi gọi anh ta về làm xét nghiệm ADN không? Tôi đảm bảo sẽ đập giấy xét nghiệm huyết thống vào mặt bà và tôi thề, bà đừng hòng chạm được một ngón tay vào người con trai tôi.”
Cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu giữa bà Cẩm và Tú bị sự xuất hiện của Đức và Ngân cắt ngang.
Tú bật dậy khỏi ghế, chiếc đĩa đựng chùm nho rơi xuống sàn, vỡ loảng xoảng.
Vẻ kiêu ngạo chiến thắng của cô biến mất, thay thế bằng sợ hãi và ghét bỏ.
“Ai cho hai người vào nhà tôi hả? Căn nhà này không chào đón hai người.” Cô ta nhìn thẳng vào Ngân, gằn giọng để che giấu sự run rẩy.
“Chị nói kiện tôi mà, vậy thì… vậy thì gặp nhau trên tòa án đi.
Chị đừng có lởn vởn quanh nhà tôi nữa.”
Ngân hừ mũi, lườm Đức.
Hắn ôm eo cô, bóp thật nhẹ thay lời xin lỗi.
Hắn nói với bà Cẩm.
“Mẹ muốn nói chuyện gì với Ngân thì nói luôn đi.
Em ấy hơi mệt, nói xong con còn đưa em ấy về nghỉ ngơi.”
Bà Cẩm tức anh ách.
Người nhập viện là bà, trong người không khỏe là bà, đứa con dâu to khỏe thế kia có chỗ nào mệt hả? Bà Cẩm phải tự dặn lòng đến chục lần là không được nổi nóng.
Nóng nảy mất khôn, dễ bị con dâu thứ lấn át.
Hiện tại Ngân muốn ở với thằng cả thì phải lụy bà, nghe lời bà.
Bà Cẩm tin chắc sớm muộn cũng nắm được Ngân nên giọng rất trịnh thượng.
“Ngồi xuống đi.
Tôi có chuyện muốn nói với anh chị.”
“Không cần.
Tôi đứng đây nghe được rồi.
Nghe xong, tôi sẽ đi ngay.”
Xưng hô xấc xược của Ngân làm bà Cẩm tức điên.
Bà ta cảm thấy mệnh mình và con dâu thứ khắc nhau, nói một câu đơn giản cũng thấy đối phương ngứa mắt.
Bà ta hắng giọng, thẳng lưng, cằm hếch lên, tạo ra tư thế của người lớn khi răn dạy con cháu trong nhà.
“Chuyện cưới xin của anh chị tính thế nào rồi? Tôi nói rõ ràng nhé.
Anh chồng lấy em dâu là chuyện trái đạo lý, hàng xóm láng giềng biết chuyện sẽ chê cười.
Vậy nên sẽ không có đám cưới, không có đội lễ bưng trầu đến xin dâu.
Nhà này không có tục lệ xin dâu hai lần ở một nhà.
Anh chị làm dăm mâm cơm đơn giản, mời hai bên họ là được…”
“Có phải bà hiểu lầm gì rồi không?” Ngân nghiêng đầu, lớn tiếng át lời bà Cẩm.
“Tôi và anh Đức cưới xin là chuyện của chúng tôi.
Tôi không có ý định mời bà dự đám cưới của vợ chồng tôi.”
“Láo toét! Cưới xin không có mẹ chồng là ý gì hả?”
“Vậy khỏi cưới.” Ngân nhún vai, hờ hững nói.
“Anh Đức cứ thế dọn đồ về nhà tôi ở.
Tôi sẽ chăm sóc anh ấy như một người vợ chăm chồng, thằng Mốc sẽ báo hiếu anh ấy như một người con hiếu thuận với cha.
Khi anh Đức nằm xuống, thằng Mốc sẽ chống gậy tiễn anh ấy.
Gia đình nhỏ của chúng tôi không cần một người mẹ chồng không có lương tâm.”
Nếu không nhờ liều thuốc đã được tiêm ở bệnh viện, bà Cẩm chắc chắc đã tức đến mức đột quỵ nhập viện.
Ngay cả Tú đứng nấp sau thành ghế cũng trợn mắt há hốc miệng nhìn Ngân như thấy quái vật.
Không viết thức ăn nước uống ở quê Ngân có thuốc tiên gì mà biến cô thành một người hoàn toàn khác.
Tú chán ghét Ngân cũng ngưỡng mộ cô.
“Đây không phải trò đùa! Cô muốn bôi tro trát trấu vào mặt tôi đấy hả? Người có quyền quyết định là thằng Đức.
Đức! Anh nghe theo lời vớ vẩn của con Ngân đấy à? Anh muốn tôi tức chết phải không?”
“Chồng nghe vợ là chuyện hiển nhiên.
Ngân có quyền quyết định mọi việc trong nhà.” Đức gật đầu, điềm tĩnh đáp lời bà Cẩm.
Ngân cho Đức một ánh mắt hài lòng.
“Con sẽ bán nhà.
Hàng tháng con sẽ chuyển tiền sinh hoạt vào tài khoản của mẹ.
Mẹ ở với thím Tú, cũng nên thay đổi tính tình đi.
Con không thể luôn bên cạnh mà đúng lúc đưa mẹ đi bệnh viện cấp cứu đâu.”
“Anh bán nhà? Bán nhà đi đâu hả? Anh đừng nói bản thân ở rể nhà con Ngân đấy nhé.”
Đức xoa cằm, chợt nhận ra hành vi theo không về nhà Ngân đúng là đi ở rể.
Hắn nhìn Ngân, tủm tỉm cười.
Đôi mắt sâu thăm thẳm luôn nghiêm túc lóe lên tia lưu manh.
Ngân sao lại không hiểu trong đầu người đàn ông cao lớn này đang nghĩ gì.
Bà Cẩm không nhận được câu trả lời liền đứng bật dậy, sốt ruột chất vấn.
“Anh không ở đây thì lúc tôi ốm đau, ai chăm sóc tôi hả? Có phải anh chê tôi già yếu nên muốn phủi tay rũ bỏ trách nhiệm với tôi không?”
“Nếu mẹ ốm, không thể tự chăm sóc bản thân thì con thuê hộ lý chăm sóc mẹ.
Bây giờ có nhiều hộ lý chuyên nghiệp, chăm sóc người già tận tâm lắm.”
“Anh thà mất tiền thuê người ngoài cũng không muốn chăm sóc mẹ ruột hả?”
“Với những gì mẹ đối xử với con trước đây, con không thể ở cùng mẹ được.”
Lời thẳng thắn thật lòng của Đức làm bà Cẩm tuyệt vọng, ngã xuống ghế.
Không ai đến đỡ bà ta.
Cũng chẳng ai lau đi giọt nước mắt già nua bi thương.
Tú đứng đối diện, sung sướng nhìn bà ta.
Ngân đứng giữa cửa nhà, không có bất cứ biểu cảm nào trên mặt.
Đức thở dài, đi đến bên ghế ngồi của bà Cầm.
Hắn đặt một xấp tiền vào bàn tay gầy nhăn nheo.
“Mẹ cầm vài đồng để ăn sáng.
Tiền cấp dưỡng sẽ bắt đầu gửi vào ngày kia, đầu tháng sau.
Mẹ phải giữ sức khỏe.
Con sẽ thường xuyên gọi điện cho mẹ.”
Bà Cẩm nắm chặt xấp tiền, nước mắt rơi lã chã để lay chuyển quyết định của Đức nhưng hắn đã nhìn sang hướng khác.
Đức nhìn xoáy vào Tú, từ tốn nói.
“Thím có biết nguyên nhân tôi và chú Công không lộ ra di chúc của bố không? Là vì anh em tôi muốn chú Long được hưởng quyền thừa kế như anh em tôi.
Căn nhà này vốn không thuộc về chú Long.
Thím sống ở đây với mẹ, thím nên biết điều, đừng tuyệt tình đến mức để tôi đưa ra pháp luật.
Lúc đấy mất cả chì lẫn chài.”
Đức đe dọa Tú và bàn giao xong bà Cẩm liền đưa Ngân rời đi.
Hắn không muốn cô không vui vì những người không xứng đáng.
Chuyện bán nhà của Đức diễn ra thuận lợi.
Thủ tục giấy tờ cần nhiều thời gian nhưng chị Diễm rất phóng khoáng, chuyển toàn bộ tiền cho Đức ngay lập tức.
Đức bàn với Ngân.
“Tôi sẽ biếu mẹ một phần năm tiền bán nhà.
Em không giận tôi chứ?”
“Giận cái gì? Báo hiếu bố mẹ là nghĩa vụ và trách nhiệm của con cái.
Anh không có hiếu thì sao làm gương cho thằng Mốc được.
Mỗi người có cách báo hiếu khác nhau.
Em tin tưởng quyết định của anh.”
Chỉ là hai người không hề biết số tiền Đức biếu bà Cẩm đã hại bà ta.
Đức đưa bà Cẩm tiền mặt và vội vàng rời đi.
Hắn muốn mở cửa hàng sửa chữa xe máy ở quê, các máy móc trong cửa hàng sẽ vận chuyển về quê ngay sau khi hắn thuê được mặt bằng.
Thời gian hắn mắc bệnh, Vương và anh em bạn bè đã trông nom cửa hàng giúp hắn.
Hắn phải đi cảm ơn từng người.
Ngân hoàn tất hết các thủ tục báo án Tú đốt nhà, án Long và Tú phá hỏng xe g.iết Công.
Chuyện còn lại giao cho bên công an.
Cô sẽ phối hợp khi có giấy mời đến hỗ trợ điều tra.
Đến trước ngày quay về quê, Đức và Ngân tạt qua nhà bà Cẩm.
Trước đó khoảng mười phút, trong nhà, bà Cẩm mệt mỏi đi từ sân vào trong nhà.
Bà Cẩm bị thấp khớp, luôn dùng lá thuốc phơi khô, xao vàng rồi quấn quanh đầu gối để giảm đau nhức.
Từ ngày cãi nhau với Tú, cô ta không giúp bà ta phơi lá thuốc.
Bà ta phải tự làm.
Lâu không làm việc khiến chân tay bà ta nhức mỏi, uể oải.
“Dâu với cả rể, chẳng được cái tích sự gì.” Bà Cẩm vừa đấm lưng vừa lẩm bẩm, đẩy mở cửa phòng.
Một bóng người đứng vụt lên khi cửa phòng bật mở.
Cọc tiền và vàng bạc trên tay rơi vãi xuống sàn.
“Mày… Mày dám trộm đồ của tao hả con kia!”
Bà Cẩm xông vào đánh Tú, mắt đỏ quạch vì giận dữ.
Tú cau mày bực bội né tránh.
Tại sao mụ dơi già này lại xong việc sớm như vậy? Cô ta đã cố tình làm ẩm lá thuốc khiến thời gian xao lá kéo dài rồi cơ mà.
Vướng bụng bầu nên Tú không dám chống trả quyết liệt.
Cô ta đá mạnh chiếc kiềng vàng to tướng, hét lên the thé.
“Bà cướp cái gì mà cướp hả? Chị Ngân bán nhà cho bà tiền.
Anh Đức bán nhà cũng cho bà tiền.
Tôi xin của bà một ít thì làm sao hả??
“Cạy tủ rồi trộm tiền vàng mà cô dám nói là cô xin hả? Dù cô xin, tôi cung không cho loại con dâu láo xược như cô.”
“Bà biết tôi lấy tiền cho ai không mà chửi bởi hả? Anh Long vào Nam chịu đói chịu rét, không có tiền trong người kìa kia.
Tôi lấy tiền gửi cho anh ấy, chứ tôi tiêu cho bản thân hồi nào mà bà quát tháo tôi?”
“Mày đừng có lôi thằng Long vào để lừa gạt tao.
Tao không tin mày!”
“Không tin mặc xác bà.
Vì gia đình bà mà nhà mẹ đẻ cắt hỗ trợ.
Chồng tôi cần tiền, bà là mẹ, bà phải biết hy sinh cho con cái.
Tiền này, tôi lấy.”
Tú và bà Cẩm tranh cướp tiền vàng.
Tiền polime chẳng thể rách, vàng chẳng thể vỡ nhưng quần áo, tóc tai của ai người nhàu nhĩ, bù xù như bà điên.
“Chát.” Tú tát trúng vai bà Cẩm.
Cái tát đầu tiên như mở ra công tắc tàn nhẫn.
Vì chút tiền mà Tú thô lỗ đánh bà Cẩm một cách tàn nhẫn.
Dù bầu bí nhưng Tú vẫn là thanh niên, sức lực rất lớn.
Bà Cẩm bị đè xuống sàn nhà, đón nhận vài cái tát tai nổ đom đóm mắt của Tú.
Nóng giận mất khôn, bà Cẩm đánh vào bụng Tú làm cô ra đau đớn khóc thét, sự kìm kẹp bà Cẩm cũng buông lỏng.
Bà Cẩm bỏ chạy ra khỏi phòng ngủ.
Nỗi ấm ức bị con dâu đánh, sự tức giận khi bị một con ranh con sỉ nhục, não bà Cẩm không còn minh mẫn, chỉ chăm chăm tìm thứ trút giận và trả thù Tú.
Can xăng để góc sân đập vào mắt.
Cảnh tượng đổ xăng tự thiêu để đổ tội cho con dâu giế.t mẹ chồng tái hiện lần thứ hai.
Tiếc là Tú không phải Ngân.
Cô ta còn bận nhặt tiền nhặt vàng để cất đi, đến khi ngoài sân vọng ra tiếng gào khóc đau đớn của bà Cẩm mới hấp tấp chạy ra khỏi phòng.
Bà Cẩm như ngọn đuốc sống lăn lộn trên sân.
Đức và Ngân chạy từ trong cổng vào với gương mặt kinh hoàng..