Sau những ngày mưa dầm dề Đà Lạt, trời đất buồn bã, nằm một chỗ ngóng ra ngoài màn sương giăng khắp khung cảnh ngôi trường, cuối cùng buổi cắm trại chuẩn bị cho nhóm thực tập rời trường cũng diễn ra. Sáng hôm ấy trời tạnh ráo cứ như thể ai vừa đem áo mưa to che kín trời Đà Lạt. Mặt đất ẩm ướt, bầu trời hơi xám lại nhưng cũng không ngăn được sự háo hức của hơn ba chục con người. Đồ ăn vặt, thức ăn nấu, xoong chảo, nồi niêu, tất tần tật những thứ cho công cuộc dã ngoại đều được ban điều hành huy động trong vòng vài giờ đồng hồ. Ba thầy phụ trách được cử đi cùng cũng “sung” không kém. Đôi khi nhìn những sợi bạc lấp ló trên mái đầu vẫn còn xanh của các thầy, tôi chẳng thể nào ngờ sự vất vả của nghề, của sự xa nhà, của những ánh mắt nghiêm nghị dành cho lũ trò quậy phá lại có thể giãn ra những nếp nhăn trên trán, để các thầy được trẻ lại như chúng tôi, những thanh niên 20 tuổi.
Tu Tub không muốn đi ngay từ lúc tôi thông báo tin sốt dẻo này. Cậu trầm lặng, cười trừ nói “Chưa biết được” và không giải thích lý do vắng mặt với tôi cho tới tận sáng hôm khởi hành. Mọi động thái từ phía cậu đều yên ắng đến bất ngờ, khác hoàn toàn với con người nhiệt tình, năng nổ, vui tươi mà mọi người vẫn thấy. Sáng đó, trước khi ngủ dậy tiện tay cầm điện thoại, tôi vào facebook thì chỉ thấy cậu mới đăng bức ảnh chụp trộm tôi đang ngồi vừa ăn mỳ, vừa xỏ giầy với tiêu đề “My little girl, whenever I see you I always want to laugh…” (Cô gái nhỏ của tớ, mỗi khi nhìn thấy cậu tớ luôn muốn cười thật lớn…). Mới đăng có chín tiếng trước những đã đạt lượng “Like” khủng lên tới 100 trong danh sách 210 bạn của cậu ấy. Suốt từ lúc thấy tầm hình đó và sau khi nai nịt đồ đạc vào balo nhỏ cẩn thận chuẩn bị hành trình cắm trại, tôi vẫn cứ thấy lòng lâng lâng và nhìn mãi vào dòng chữ xinh xinh ngay ngắn hiện trên trang cá nhân của mình.
Đi bộ xuống dưới con đồi nhỏ, bỏ qua ngôi trường cổ kính và con đường hơi gập ghềnh, mất mười lắm phút di chuyển tiếp bằng ô tô chúng tôi cũng tới bãi đất rộng, cây cối bạt ngàn như lạc vào rừng. Công cuộc dựng trại xong trong vòng có nửa tiếng. Vì không khí giữa tôi, Huyền, Cúc vẫn không thoải mái, nên dù có nói chuyện trao đổi vài ba câu hay xuất hiện thêm người thứ năm, thứ sáu ở đó thì vẫn cứ gượng gạo, không thật. Mỗi trại chỉ bốn người ngủ, việc dựng trại cũng không khó khăn vì lều bạt đã thành khung sẵn chỉ việc dựng lên. Lúc lăng xăng ở bên các bạn, muốn giúp đỡ nhưng không ai cần. Đưa giúp họ tấm khăn trải nền nhưng họ từ chối, tự tay lấy cái khác ngay trước mặt mình. Khi ấy, tôi mới nhận ra rằng cảm giác buồn nhất không phải là không giúp đỡ được người khác, mà là sự giúp đỡ của mình bị người khác khước từ.
Tối hôm ấy bên ánh lửa bập bùng mãi mới lên được do củi hơi ẩm ướt và chút mưa lất phất, chúng tôi ngồi bên nhau hát vang những bài truyền thống mà bất cứ thanh niên nào cũng thuộc: Nối vòng tay lớn, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, bốn phương trời,… Các bạn ngoại quốc không biết hát, chỉ ngồi múa phụ họa theo. Dưới ngọn lửa bốc cháy cao và tàn bắn ra tí tách, tôi thấy khuôn mặt ai cũng ửng hồng, mắt lấp lánh niềm vui. Bỏ qua những vụn vặt không vui, niềm tin đặt nhầm chỗ, dẫu sao đây cũng là một chuyến hành trình ngọt ngào. Hành trang mang theo chỉ là một vali quần áo, đồ ăn, sách vở… nhưng đem về lại ngập đầy trải nghiệm, tình thương. Điểm số, sự ganh đua học tập, giấy chứng nhận kết quả, dự án truyền hình… cuối cùng cũng trở thành quá khứ. Và Tu Tub…rồi cậu liệu cũng trở thành quá khứ trong tôi? Bữa ăn nhẹ sau đó khiến mọi người bắt đầu tản mát thành các nhóm nhỏ. Tôi tách biệt mình ra khỏi đó, cầm điện thoại nhắn cho Tu Tub cái tin đầu tiên trong ngày: “Không có cậu chán chết được.”, vài giây sau tin nhắn hồi đáp: “Cheer up! Mai về tớ bù mỳ tôm Yum nhé!”. Chẳng biết nhắn lại gì, tôi thoát ra màn hình chính ngắm tấm hình nền hoạt hình. Không có cậu, tớ buồn thật đấy! – Tôi nhủ thầm và thấy mắt mình dâng lên một hàng nước. Ngay lập tức điện thoại lại rung lên “You have a message”. “Rõ ràng cậu nhớ tớ hơn mà!”, tôi lại bật cười ngay được và bấm vội vào nút đọc tin nhắn “Đã cò cưa được ai chưa? Đừng để bị ốm không là hoài của đó nha!”. Một tin nhắn từ chị gái khiến tôi vừa buồn cười, vừa thấy hẫng một chút. Trả lời lại ngay sau đó nhưng máy báo lỗi không gửi được tin năm, sáu lần làm tôi phát oải. Tình trạng điện thoại và cột sóng cũng như cột pin tụt vạch thảm hại đúng là muốn trêu ngươi tôi mà.
- Cậu có muốn đi loanh quanh chút không?
Tôi giật mình khi tiếng Cúc phát ra cùng lúc cậu ngồi nhẹ nhàng xuống bên cạnh. Vạt cỏ mới nhú cao vài đốt ngay lập tức bẹp dí không kịp phản ứng.
- Ơ… Tớ không biết mình có thể đi đâu được không, có vẻ cây cối hơi nhiều. – Tôi hơi lúng túng khi Cúc bắt chuyện trước.
- Thì cũng đâu có gì, cứ đi loanh quanh cho thoáng thôi. Tớ nghĩ lần trước mình hơi quá đáng với cậu…
Tôi hơi ngập ngừng, nhưng rồi nhìn vào ánh mắt thiện chí của Cúc lại quyết định đứng lên. Làm gì có cơ hội nào tốt hơn thế nữa. Khi hai Xử Nữ dẹp bỏ lòng tự trọng để bước bên nhau, có lẽ mọi hiểu lầm và trách móc đã qua thật rồi.
Cúc và tôi bắt đầu bỏ ra xa đám đông và khi ngoái lại đằng sau thì ánh lửa đã nhỏ xíu. Thỉnh thoảng thói quen lạ lẫm và lo sợ khiến tôi cứ muốn nhìn lại phía sau lưng mình, để chắc rằng sự bảo vệ vẫn còn ở đó. Cúc có vẻ bạo dạn hơn, cậu ngập ngừng kể về chuyện bắt đầu với Huy từ bữa tiệc sinh nhật cô bạn thân và thi thoảng hứng lên còn hát khẽ “Một sớm em về tóc xanh, mây trắng theo em níu vai…”, như một sự phụ họa tuyệt đối ăn khớp với câu chuyện. Tôi nghe, mê mải trong tiếng nói nhẹ nhàng ấy và thấy mình như đang chứng kiến tận mắt sự gặp gỡ, yêu thương của hai người. Một cảm giác hơi ghen tị dâng lên, ghen tị vì mình đã không được Huy đối xử công khai như một cô bạn gái bình thường như thế, và ghen tị vì mình chưa bao giờ được trải qua nhưng cung bậc cảm xúc tình cảm đẹp như của Cúc. Chúng tôi cứ cắm cúi đi, đường không quá quang nhưng cũng không quá tối, nhưng cho đến khi giật mình ngoái lại đằng sau, tôi hốt hoảng vì không còn thấy ánh lửa sáng ấm áp nữa. Đột nhiên khu rừng trở nên hun hút và u mê. Bạn học và gia đình tôi ai cũng biết yếu điểm duy nhất khiến tôi không thực sự tự tin là khả năng nhận biết đường rất kém. Có thể vừa mới đi con đường ấy thôi, nhưng cho quay trở lại tôi đã ngay lập tức bị lạc. Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực, quay qua quay lại hoảng hốt chóng mặt và Cúc cũng hoang mang không kém. Không ngờ, câu chuyện tình yêu lại có thể dẫn chúng tôi đi xa đến thế, xa cả về nhận thức lẫn tâm tư. Cùng một lúc hai đứa cùng móc điện thoại trong túi quần ra và gọi đi. “Pin yếu” – dòng chữ liên tục hiện ra khi tôi bấm số tán loạn. Rõ là sóng quá yếu nên pin bị sụt rồi. Tôi gọi cho Tu Tub nhưng cậu không bắt máy. Ba cuộc liền chuông đều đổ những hồi dài vô cảm. Còn Cúc nhanh chóng liên lạc được với Huy, cái cách cô ấy xưng “anh-em” trong phút hoảng loạn vẫn êm dịu vô cùng.
- Đừng lo, Huy sẽ gọi cho hai thầy trưởng đoàn. Họ sẽ tìm thấy chúng mình sớm thôi.
Cúc an ủi như một người gan dạ, dù tay cậu cũng đang run lên. Tôi lo lắng đến nỗi vừa ngồi xuống một mỏm đá đã đứng dậy ngay lập tức. Ruột gan cồn cào như có người giằng xé bên trong.
- Hay mình cứ đi ngược lại? – Tôi hỏi.
- Tớ sợ lại đi vòng quanh hoặc lạc sâu hơn.
- Nhưng tớ nóng lòng quá, không yên tâm được chút nào.
- Vậy chỉ đi mười bước ngược lại, không ổn thì ta lại ngồi yên nhé! – Cúc chau mày.
Chúng tôi đi sát vào nhau, một tiếng sột soạt cũng khiến hai đứa giật thót. Ban ngày nơi cắm trại trông quang đãng và dễ nhớ hơn, chẳng ngờ đến tối mọi thứ lại âm u thế này. Trời không có sao, cũng chẳng có trăng, chỉ có những gợn mây nổi lên rồi trôi qua lặng lẽ.
- Hình như ánh lửa kia phải không? – Cúc reo khẽ.
- Đâu? Đâu?
Cúc chỉ tay về phía bên trái, hướng mười giờ.
- Tớ không chắc! – Tôi nheo mắt lại nhìn cho rõ.
- Đi, đi mau…
Nói rồi không để tôi kịp phản ứng, Cúc chạy thoăn thoắt về phía đó như lực hấp dẫn hút cậu lại. Hoảng sợ, tôi cũng chạy theo. Vài cành cây nhọn hoắt xiên ngang làm tôi đau điếng nhưng chẳng dám dừng lại vì sợ bị bỏ rơi. Thế mà cuối cùng tôi cũng bị trơ lại một mình thật. Đám lá xanh lòa xòa khiến tôi gạt tay không kịp và “ối” lên một tiếng, mở được mắt ra thì Cúc đã biến mất đâu đó như phép lạ. Không có ánh lửa nào ở bất cứ nơi đâu, tôi xoay người hoang mang tới hàng chục vòng, nước mắt bật ra sợ hãi. Điện thoại vẫn không rung lên, chẳng có ai gọi tới, chỉ còn một mình tôi. Quyết định không bước tiếp, tôi ngồi phịch xuống đất, lấy tay quệt hàng nước mắt nghẹn ngào thi nhau rơi xuống.
Tôi sợ tất cả các con vật, tôi sợ rắn, sợ các loài bò sát mà trong rừng chắc chắn không thiếu chúng. Tiếng sột soạt ở bất cứ đâu vang lên cũng khiến tôi co cụm người lại, lạnh sống lưng. Những câu chuyện kể về ngôi nhà ma, ngôi nhà bỏ hoang, chiếc bàn xoay theo ý nghĩ người ở Đà Lạt cứ thi nhau hiện về trong đầu, làm tôi muốn gào lên. Đoạn video của nhà ngoại cảm Phan Bích Hằng kể về những hồn ma nhí bị bố mẹ bỏ rơi cũng rõ mồm một nơi tâm trí. Thậm chí tôi nhớ như in giọng nói và nhà ngoại cảm ấy. Lúc sợ hãi nhất không hiểu sao những điều ám ảnh mình vây chặt lấy, nhất quyết chẳng chịu đi. Cố gắng hít thở sâu, bịt tai lại một lúc, tôi thấy tim mình đập bớt hoảng loạn hơn. “Nghĩ về bố mẹ, về chị, về bạn mình, về những bức ảnh đẹp chụp mà chưa kịp tải lên facebook, nghĩ về lũ cún nhỏ vừa cho đi…”, tôi niệm “thần chú” cho đỡ sợ hãi. Tuy hình thù của cây cối vẽ nên trên nền đen thẫm những dáng vẻ khiếp đảm, mà càng nhìn chằm chằm thì đầu óc càng tưởng tượng ra bao thứ ghê rợn, nhưng tôi vẫn gắng bóp chặt lấy chính bàn tay mình để mong nỗi đau khiến bản thân bình tâm hơn được chút.
Lúc này hình ảnh về con cún bị tật chân trong đàn cún nhỏ sáu con, mẹ cho đi trước khi tôi lên đây học làm tôi xúc động và bớt sợ hơn cả. Đó là con cún ra đời thứ năm, nhưng bị mắc kẹt một chân trong bụng mẹ. Nó ra đời chậm quá, nên con thứ sáu đã ngay lập tức trồi ra mạnh mẽ. Đợi mấy phút mà chân nó vẫn mắc lại, con mẹ đau đớn mắt đầy nước nhìn tôi cầu cứu, tôi mạnh dạn kéo hộ chiếc chân kia ra. Cuối cùng ca đẻ cũng xong. Lũ cún nhỏ thi nhau bâu vào bà mẹ nằm ẹp một chỗ vì mệt mỏi và đứa con thứ năm thì mang chiếc chân thẳng đơ đi lại khập khiễng, phải nhảy nhảy lên trông rất tội. Sau đó nó hòa đồng rất nhanh, nhà tôi ai cũng thương nó nên chú ý đặc biệt. Nhìn anh em chị em chơi đùa ngoài sân, chạy nhảy tung tăng, nó cũng góp vui sán lại nhưng chẳng bao giờ đuổi kịp. Khi giành nhau bú mẹ cũng bị đẩy ra ngoài, khó nhọc lắm mới lết được cái chân sau thẳng đơ nhào vào. Mỗi khi nhìn nó, tôi lại có động lực ình. Có chuyện bực bội, muốn khóc, chỉ cần được trông nó hớn hở chạy nhảy ngoài sân là tôi thấy an lòng, mệt mỏi dường như xịu xuống. Nhưng rồi mọi người đều bận rộn, chẳng thể chăm đàn cún lâu thêm nữa, các bác trên quê nội gọi điện xuống xin chúng về nuôi, cuối cùng mẹ tôi cũng đành đưa chúng đi. Tôi lánh sang nhà bạn vào buổi chiều hôm ấy để không phải thấy sự mừng rỡ của lũ cún nhỏ khi được đi chơi, mà thật ra là sẽ xa tôi mãi mãi. Tôi không chịu nổi cảnh chú cún thứ năm nhảy lò cò hớn hở vào chiếc thùng cát-tông mở sẵn… Khi về tới nhà, bố mẹ đang dọn khoảnh sân nhỏ phía trước. Căn nhà trống huơ trống hoác, chẳng có con cún nhỏ vác cái chân tật khó nhọc chạy ra dụi dụi đầu vào mắt cá chân tôi. Đến giờ tôi vẫn tiếc. Nếu quyết đoán một chút, có lẽ giờ đây em vẫn đang ở nhà chờ tôi hoàn thành khóa học trở về.
Tôi hết đứng rồi lại ngồi, cố gắng tối đa không gây ra tiếng động nào vì sợ côn trùng, động vật tập trung tới. Thời gian trôi qua chậm chạp, chẳng có ai ở đây, chẳng có ai cứu tôi. Có lẽ nào tôi quá mờ nhạt để người ta phát hiện ra sự thiếu vắng, quá khép kín để người khác ngại động vào? Tôi đếm từng phút một trôi qua trên mặt điện thoại, nhưng tai vẫn nghe ngóng xung quanh để rồi lại giật mình thon thót khi có bất kì tiếng động nào phát ra, rồi êm đềm khi khẽ hát, rồi mi mắt sụp xuống đòi ngủ, rồi tủi thân…cứ đan xen chiến đấu trong đầu. “Cuộc gọi cuối cùng trước khi mất hết hy vọng vào đêm nay”, tôi nghĩ thầm và cầm điện thoại lên. Ngay lập tức nó rung lên, chữ “Tu tub dễ xương” nhấp nháy gọi tới làm tôi vỡ òa.
- Ở yên đó, tớ đến ngay đây!
Câu mệnh lệnh ngắn gọn rõ ràng cất lên khi tôi còn chưa kịp nói bất cứ câu gì. Tiếng thở dốc của cậu đọng lại trong đầu khi điện thoại ngắt kết nối xoa dịu một phần sợ hãi, cô đơn trong cô gái Xử Nữ nhát cáy này. Lập cập bấm gọi lại cho cậu, máy liên tục báo “Không thể kết nối”, lúc lại “Pin yếu”, rồi có tiếng chuông thì ngay lập tức hiện “Máy bận”. Ruột gan tôi lại rối bời, thậm chí còn cồn cào hơn cả lúc trước. Thỉnh thoảng có tiếng đập cánh, tiếng gì đó như là hét văng vẳng tít đằng xa, khung cảnh sự vật đúng là hợp nhất với nhau y như những bộ phim kinh dị hù dọa mọi người, thường dán mác 16+.
Điện thoại lại đổ chuông lần nữa, tay tôi cứng đơ vì lạnh nhấn vội vào phím xanh. Giọng Tu Tub tràn về “Đừng…”, rồi ngay lập tức bị ngắt máy. Tiếp tục lại một hồi chuông nữa từ số máy của cậu nhưng giọng nói vẫn bập bùng do sóng yếu. Thành thử hai bên nói gì đều nghe không rõ, âm thanh như bị dí xuống nước, loãng loãng, ảo ảo, âm vang. Chúng tôi cứ bấm gọi cho nhau qua lại thế tới chừng chục lần thì tôi tiếp tục bật khóc trong vô vọng. Khóc vì sợ, vì lạnh, vì lo.
Khi cơn mệt mỏi thấm vào người, cộng thêm cái lạnh của vùng cao nguyên về đêm và cơn đói thắt dạ gào thét, mắt tôi bắt đầu mờ đi và dạ dày lộn lạo biểu tình chực nôn. Huyết áp thấp không quá nguy hiểm, nhưng nếu để bị đói và mệt lâu thì sẽ ngất lịm bất cứ lúc nào chẳng rõ. Bây giờ, tôi chẳng đủ sức chống lại một con vật nào nhảy xổ ra. Có lẽ, thậm chí còn chẳng thể nào hét lên vì chết khiếp trước một con thằn lằn nếu nó có vô tình đi ngang qua. Điện thoại reo rồi tắt, reo rồi tắt vài lần như thế khi tôi đang cố đấu tranh với cơn buồn nôn, và nước mắt vì chán nản thì có tiếng chân chạy tới huỳnh huỵch. Tên tôi được gọi rõ ràng, gần dần gần dần và cho tới khi tôi đứng lên được, nhảy lên được, vẫy vẫy được thì Tu Tub nhào vào ôm chặt lấy tôi. Nhịp thở gấp gáp từ cậu kéo theo tôi cũng dập dềnh cùng tới tận một lúc lâu. Chúng tôi cứ như thế, chẳng nói với nhau một câu nào. Như một bản nhạc không lời, chẳng cần bất kì dòng lời dài lê thê nào mà vẫn êm dịu, ấm áp và muốn vang lên mãi như thế. Khi “điệu nhạc” kết thúc, Tú buông người tôi ra và nói “Cảm ơn cậu, An!” với ánh mắt lấp lánh như vừa khóc xong. Tôi bật khóc dữ dội, cơn khóc ập đến không lí giải nổi, cứ khóc như mưa, như muốn trút hết ấm ức và lo sợ đi. Khóc cả đến khi leo lên tấm lưng rắn chắc của cậu và khởi hành về, mặc cho cơn buồn nôn và đói khát không lắng dịu là mấy. Khi một cô gái Xử nữ khóc trước mặt một người, chắc chắn họ phải mang đến cảm giác an toàn và tin tưởng thực sự cho cô gái ấy. Bản chất Xử nữ không yếu đuối, nhưng vẫn thường dấu kín những tâm tư tình cảm vào trong. Chất nhiều, chất đầy quá, đến một lúc cũng bung ra với người mình yêu quý.
Lán trại xôn xao khi tôi và Tu Tub về tới nơi. Mặt mày cả hai đứa lem nhem vì bẩn và nước mắt. Cúc chạy lại, đầu tóc bơ phờ mếu máo luôn miệng “Tớ xin lỗi, tớ không nên là người bắt đầu rủ cậu đi như thế, rồi lại bỏ cậu lại để chạy về… Tất cả là tớ…”. Bên cạnh cậu là Huy, chỉ yên lặng không nói. “Ừ, tớ mệt rồi. Mai nói chuyện tiếp nhé. Tớ muốn nghỉ ngơi trước…”, tôi cười khẽ, cố gắng bước về phía trại của mình. Tôi không bao giờ muốn là tâm điểm trong ánh nhìn của người khác, không muốn mọi người nghĩ mình yếu đuối nên nhất quyết chạy trốn quay đi.
Tu Tub đưa nước và bim bim cho tôi ăn tạm. Cậu ngồi trong trại cùng tôi, gương mặt vẫn lộ vẻ nhớn nhác, liên tục quệt mồ hôi trên trán.
- Tại sao cậu không đi cắm trại cùng mà vẫn tới cứu tớ? – Tôi mở lời trước.
- Tớ cũng chẳng biết nữa… Chỉ thấy tình thế nguy cấp quá, chẳng nghĩ thêm được gì, cứ lao đi thôi. Là Huy đưa tớ tới.
- Huy?
- Cúc gọi điện cho cả hai. Huy tìm thấy tớ ở cổng kí túc… Cậu ấy vẫn thích cậu, right?
Tôi nhìn chằm chằm vào Tu Tub. Mối quan hệ bí mật giữa chúng tôi làm sao cậu ấy biết?
Tu Tub nhoẻn cười, kéo khóa tấm bạt chuẩn bị bước ra ngoài:
- Ngủ đi An, mọi chuyện qua rồi!
Đọc tiếp Găng tay xanh – phần 16