7. Ba Tùng Thố Trung Thố
Vừa thức giấc, tinh thần sảng khoái, phảng phất như được hồi sinh.
Hàn Hàn muốn tiếp tục đi về phía Tây đến Tingri, sau đó tới Everest; còn tôi muốn quay về Lhasa.
Tôi chào tạm biệt Hàn Hàn, cũng cảm ơn sự giúp đỡ của anh ta trong mấy ngày qua.
“Thấy bảo ra khỏi Shigatse, đường sẽ không dễ đi, hầu như toàn là đường đất với đường bùn đá”.
Tôi nắm tay anh ta, “Đi đường cẩn thận.”
“Đừng lo.” Hàn Hàn cười, “Tôi từng đoạt giải vô địch đua xe đấy.”
Hàn Hàn vẫy vẫy tay, liền chui vào xe.
“Phải đóng phim thật hay vào đấy!” Xe Hàn Hàn khởi động xong, tôi hướng về phía sau xe hét to:
“Đừng chỉ mải mê yêu đương nhé!”
“Sư huynh!” Hàn Hàn thò đầu ra ngoài cửa sổ gào lên: “Như vậy cũng là một loại chấp nhất đấy!”
Sau khi từ biệt Hàn Hàn, tôi tới đường Cống Giác Lâm bắt xe về Lhasa.
Xe bus ở Tây Tạng chỉ là xe bus mini, không phải là loại xe bus thường thấy trong thành phố.
Bởi vì chỉ có xe bus mini mới có thể chạy trên đường núi trùng điệp mấy ngàn km.
Dọc đường mấy lần nhìn thấy từng đợt khói trắng, đều đặn bay lên phía xa xa.
Đó là “Ôi Tang”, là hoạt động cúng bái phổ biến nhất ở Tây Tạng, theo từng sợi khói trắng bay lên, người ta cho rằng thân thể, lời nói, ý nghĩ cùng với nguyện vọng của bản thân, đã được truyền đạt đến thần linh.
Tôi cũng nhắm mắt cầu nguyện, mong sao có thể sắm tròn vai diễn của cuộc đời này.
Khoảng bốn giờ chiều về đến Lhasa, sau đó lại tới khách sạn đã ở ngày đầu tiên khi đến Lhasa.
Sau khi thu xếp hành lý ổn thỏa, đi thẳng đến Mã Cát A Mễ.
“Chà!” Thạch Khang mang theo một bình rượu lúa mì Thanh Khoa đến bên tôi, “Mấy ngày không gặp!”
Tôi bèn cùng Thạch Khang chuyện trò về những điều đã nghe đã thấy mấy ngày qua.
“Thì ra lam thiên thứ bạch mâu, khô liễu phi kim y có ý nghĩa này.” Thạch Khang như bừng tỉnh đại ngộ.
Tôi nói kỳ nghỉ của tôi sắp kết thúc, không có ý định đi Everest, tính ngày mai rời khỏi Tây Tạng.
Thạch Khang nói thân phận ông chủ đại diện này của anh ta cũng sẽ chấm dứt vào ngày hôm nay, ngày mai ông chủ thực sự sẽ quay về.
“Ngày mai tôi tiễn anh đến sân bay nhé.” Thạch Khang nói, “Sau đó tôi cũng muốn đi Everest.”
Hành trình đến Tây Tạng lần này đã làm quen với một vài người bạn mới, trước lúc chia tay có chút không đành lòng.
Tôi cùng Thạch Khang chụp mấy tấm ảnh ngay trong Mã Cát A Mễ, lưu lại làm kỷ niệm.
“Hả? Cái này…” Tôi nhìn mấy tấm hình trong máy ảnh kỹ thuật số, nói không nên lời.
Thạch Khang chụm đầu qua nhìn một cái, kinh ngạc nói: “Lại là vòng tròn ánh sáng!”
“Hay là tôi đi in ra nhé.” Sau một hồi chúng tôi cùng nhau trầm mặc, Thạch Khang rốt cuộc lên tiếng.
Đó là ảnh chụp chung tôi và Thạch Khang đứng trước bức tường màu vàng treo đầy những tấm ảnh cũ, vòng tròn ánh sáng xuất hiện phía trên một tấm ảnh cũ.
Lần này chỉ có một vòng tròn ánh sáng, hơn nữa lại hiện lên màu vàng, rõ ràng không giống với vòng tròn ánh sáng trên bích họa tượng Phật ở cung Potala.
Tôi không đánh cuộc với Thạch Khang là phải trở về trong vòng 20 phút nữa, chỉ lặng im ngồi chờ anh ta.
Thạch Khang cắt hình tấm ảnh cũ có chứa vòng tròn ánh sáng xuống, phóng to in ra một tờ giấy A4.
Chúng tôi ngồi suy nghĩ một lúc, lại đứng lên tới trước bức tường nghiên cứu xem tấm ảnh cũ kia có chỗ nào khác thường?
Thậm chí nghiên cứu cả của khung của tấm ảnh cũ đó.
Kết quả đều như nhau, không nhìn ra chỗ nào kỳ lạ.
Thạch Khang cầm máy ảnh kỹ thuật số lên, dùng góc độ tương tự hướng về cùng một chỗ chụp mấy tấm ảnh, tất cả ảnh chụp đều rất bình thường.
“Chẳng lẽ vẫn phải đi hỏi Lạt Ma đền Jokhang nữa sao?” Tôi cười khổ.
“Không được đâu.” Thạch Khang cũng gượng cười, “Tiếp tục hỏi nữa, Lạt Ma liền có thể kiêm cả chức giúp người phân tích hình ảnh siêu nhiên.”
“Hỏi tôi đi.”
Tôi và Thạch Khang nghe thấy tiếng bèn quay đầu lại, lại là người thần bí mặc áo đen quần đen đội mũ đen Thái Tuấn.
“Mày chắc là hiểu cái mông.” Thạch Khang nói.
“Ý anh là gì?” Thái Tuấn hỏi.
“Mày thì biết cái quái gì!” Thạch Khang to tiếng.
Thái Tuấn không thèm đếm xỉa tới Thạch Khang, trực tiếp ngồi xuống, vươn tay về phía tôi.
Tôi đưa tờ giấy A4 kia cho anh ta.
“Ừm…” Thái Tuấn trầm tư một lúc, nói: “Tôi hiểu rồi.”
“Thật à?” Tôi rất ngạc nhiên.
“Đúng vậy.” Thái Tuấn đứng lên, đột nhiên đưa tay chỉ về phía sau tôi và Thạch Khang, nói:
“Người ngoài hành tinh!”
Tôi và Thạch Khang quay đầu lại theo phản xạ, nhưng không thấy gì.
Lúc ngoảnh lại, Thái Tuấn đã cầm tờ giấy kia chạy đến đầu cầu thang.
“Thằng khốn!” Thạch Khang mắng to.
“Tôi không phải là thằng khốn, tôi là người thần bí Thái Tuấn.” Thái Tuấn chạy xuống lầu, vừa chạy vừa nói:
“Tôi đến hỏi Lạt Ma đền Jokhang.”
Giờ cơm tối chẳng mấy chốc đã đến, Thạch Khang nói tối nay dứt khoát để anh ta mời cơm.
Thịnh tình khó khước, tôi bèn ở lại ăn tối.
Đồ ăn thật phong phú, món bánh thịt bò cùng món sữa chua bò thơm nồng để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc.
Sau khi ăn cơm xong, đang chuẩn bị cáo từ, Thái Tuấn lại bất thình lình xuất hiện ở đầu cầu thang.
“Lạt Ma đã gặp được tôi.” Thái Tuấn nói.
“Nói ngược rồi đấy.” Thạch Khang nói.
“Tôi không nói ngược.” Thái Tuấn nói, “Tôi không gặp được Lạt Ma, nhưng Lạt Ma đã gặp được tôi.”
“Nghĩa là sao?” Tôi nghe mà không hiểu lắm.
Thì ra Thái Tuấn chạy vào trong đền Jokhang, ra sức dập đầu bái lạy trước tượng Đẳng Thân của Phật Tổ.
Có thể là vì miệng anh ta cắn chặt tờ giấy, thở không nổi; cũng có thể là do anh ta dập đầu quá hăng, sau một hồi dập đầu, anh ta liền ngất đi.
Đến khi anh ta tỉnh lại, Lạt Ma đã đứng bên cạnh, Lạt Ma nói đúng lúc Lạt Ma đi ngang qua thấy anh ta bất tỉnh, cũng nhìn thấy tờ giấy trong miệng anh ta.
Ngoài việc giúp anh ta rưới nước lành lên đầu, Lạt Ma còn nói một câu.
“Câu gì?” Thạch Khang hỏi.
“Lạt Ma dịch lời của Lạt Ma thành Hán ngữ, viết lên một tờ giấy đưa cho tôi.” Thái Tuấn nói.
“Tờ giấy đâu?” Thạch Khang hỏi.
Thái Tuấn không trả lời, lấy từ trong túi ra một thứ.
“Xem phi tiêu đây!” Thái Tuấn đột nhiên nói.
Chỉ thấy một thứ gì đó tròn tròn bay thẳng về phía tôi và Thạch Khang, tôi né tránh theo phản xạ.
“Ái ôi!” Thạch Khang kêu một tiếng thảm thiết.
Tôi thấy thứ tròn tròn đó nằm trên mặt đất, khom lưng xuống nhặt lên.
Đó là một tờ giấy được vò thành nắm bọc lấy một hòn đá nhỏ.
“Là đá máu gà à?”
Tôi nhìn vào vị trí màu đỏ trên hòn đá, bèn dùng ngón tay lau lau, thế mà màu lại rớt ra.
“Hả?” Tôi hoảng sợ, “là máu ư!”
“Thằng khốn!” Tay phải Thạch Khang sờ sờ gáy, sau đó nhìn lòng bàn tay, “tao chảy máu rồi!”
Thái Tuấn lại chuồn mất, Thạch Khang không ngừng chửi rửa.
Tôi mở tờ giấy ra, trên giấy viết: Ba Tùng Thố Trung Thố.
“Câu Ba Tùng Thố Trung Thố này, khiến anh nghĩ đến điều gì?” Tôi hỏi.
“Đau quá.” Thạch Khang đáp lời.
Tôi đợi Thạch Khang lau sạch miệng vết thương, rắc qua loa ít thuốc, rồi tiếp tục cùng nhau nghiên cứu về Ba Tùng Thố Trung Thố.
Tôi biết “Thố” trong tiếng Tạng có nghĩa là hồ, vậy Thố Trung Thố thì sao? Hồ trong hồ ư?
Thế này không hợp lý cho lắm.
“Tôi biết Ba Tùng Thố, đó là thánh hồ của phái Ninh Mã (Nyingma) tục gọi là Hồng giáo.” Thạch Khang nói, “Nhưng tôi cũng không hiểu Thố Trung Thố.”
Quả nhiên Thạch Khang cũng không hiểu, chúng tôi lại rơi vào trầm tư.
“Chẳng bằng ngày mai chúng ta đi Ba Tùng Thố một chuyến đi.” Thạch Khang nói.
“Có xa không?” Tôi hỏi.
“Cách Lhasa hơn 300 km, nếu lái xe cần sáu tiếng đồng hồ.”
“Ừm…”
Vốn định ngày mai rời Tây Tạng, nhưng lại rất muốn biết Ba Tùng Thố Trung Thố rốt cuộc là gì?
“Đừng chấp nhất.” Thạch Khang nói, “Ở lại thêm ngày nữa rồi hẵng đi.”
“Nói rất đúng.” Tôi cười cười.
“Tôi cũng muốn đi.” Thái Tuấn lại xuất hiện ở đầu cầu thang.
“Mày còn dám tới!”
Thạch Khang vọt lên như con mãnh thú, Thái Tuấn trốn cũng rất mau, bóng dáng hai người nhanh chóng mất hút.
Một lát sau, Thạch Khang mới quay lại.
“Đồ khốn, chạy rõ nhanh.”
Thạch Khang lấy lại hơi, nói sáng mai anh ta sẽ lái xe đến khách sạn đón tôi.
Hẹn thời gian xong xuôi, tôi liền rời Mã Cát A Mễ.
Sớm tinh mơ hôm sau, trời còn chưa sáng, chúng tôi đã lên đường đi Ba Tùng Thố.
Để tiết kiệm thời gian, Thạch Khang mang theo trên xe một ít tảm ba, thịt bò khô cùng với trà bơ, không có ý định xuống xe tìm nhà hàng món Trung.
Hành trình rất thuận lợi, khoảng một giờ rưỡi chiều đã đến Ba Tùng Thố.
Chúng tôi giẫm lên lớp tuyết đọng trên mặt đất đi dọc ven hồ, rừng cây nguyên thủy ven hồ um tùm rậm rạp.
Tôi quá đỗi kinh ngạc vì nước hồ Ba Tùng Thố có thể trong trẻo sâu thẳm đến thế.
Nước hồ trong suốt nhìn thấu đáy, những ngọn núi xung quanh in bóng trong đó, cứ như thể chốn bồng lai.
Nếu bạn đủ nhàm chán, trồng cây chuối tại chỗ cũng có thể nhìn thấy cảnh tượng tương tự.
Tôi dừng bước bên một đống đá.
“Đó là đống đá Mani.” Thạch Khang nói.
Trên những hòn đá này dù không khắc bất cứ văn tự và hình vẽ nào, nhưng sau khi được xếp thành hình kim tự tháp, chúng liền bắt đầu khác với những hòn đá thông thường, phảng phất tràn ngập linh khí.
“Mỗi một hòn đá trong đống đá Mani, đều đại biểu cho tấm lòng thành kính mà thuần khiết của người Tạng.”
Thạch Khang tiện tay nhặt một hòn đá trên mặt đất, trước tiên áp hòn đá vào trán thành kính đọc thầm lời cầu nguyện, sau đó đặt hòn đá này lên đống đá Mani.
“Anh có thể chuyển ba vòng quanh đống đá Mani, điều này sẽ mang đến cho anh sự an ủi.” Thạch Khang nói.
Tôi chuyển ba vòng quanh đống đá Mani theo chiều kim đồng hồ, chuyển xong cảm thấy bản thân tựa như nước hồ Ba Tùng Thố, đáy lòng trong sạch mà bình lặng.
Sau đó tôi thấp thoáng nhìn thấy một góc phòng trong rừng cây phía xa, trông như mái hiên điện thờ nơi chùa miếu.
Đi đến gần vừa nhìn thấy, phát hiện ra là một hòn đảo nhỏ, hơn nữa còn nối với đất liền bằng cầu phao.
Mùa hạ mực nước cao, hình dáng hòn đảo nhỏ hẳn là rất rõ rệt, có lẽ phải đi thuyền mới có thể tới đảo;
Nhưng mùa đông mực nước hạ thấp, hòn đảo nhỏ cơ hồ như sắp nối liền với đất liền, cầu phao chỉ dài khoảng 20 mét.
Xa xa nhìn lại, rất dễ lầm tưởng hòn đảo nhỏ này là một bộ phận của phần đất liền bên hồ.
Tôi và Thạch Khang không chút lưỡng lự, đi lên cầu phao tới hòn đảo nhỏ.
Trên đảo có một số kì nham quái thụ, còn có một cây đào và cây tùng sinh trưởng cùng nhau gọi là “Đào ôm tùng”.
Đi không bao lâu liền sáng tỏ, nhìn thấy một tu viện nhỏ.
Đây là cổ tự của phái Ninh Mã, hai bên cửa chính đều có tượng điêu khắc gỗ hình người nửa thân dưới của nam và nữ.
Tu viện này rất nhỏ, chủ yếu thờ phụng thuỷ tổ của phái Ninh Mã —— Đại sư Liên Hoa Sinh.
Pho tượng Phật đại sư Liên Hoa Sinh này rất đặc biệt, tạo hình vô cùng hung ác, giống như ma quỷ phẫn nộ.
Theo truyền thuyết, đại sư Liên Hoa Sinh vì để phổ độ chúng sinh, có tám hóa thân, tức Liên Sư Bát Biến.
Pho tượng Phật này hẳn là Kim Cương phẫn nộ trong số đó.
Dưới ánh đèn mờ nhạt trong tu viện, trước mặt đột nhiên đứng sừng sững một pho Kim Cương phẫn nộ như thế này, trong lòng không khỏi hoảng hốt.
Như vậy cũng tốt, nếu tôi có tâm ma, ma chướng có lẽ sẽ bị xua đuổi.
Đi ra ngoài tu viện, giơ máy ảnh lên chụp phía ngoài tu viện này.
Sau khi chụp xong, thử xem ảnh chụp, không ngờ tôi lại nhìn thấy vòng tròn ánh sáng nơi bầu trời xanh phía trên tu viện.
Trước tiên là sửng sốt, tiếp đó có cảm giác quen thuộc.
Tôi nhớ ra rồi, buổi chiều hôm ấy chuẩn bị điền nguyện vọng sau khi hoàn thành kỳ thi đại học, tôi từng nhìn thấy một thứ như quang lại như ảnh trên bầu trời phía ngoài cửa sổ, chính là loại vòng tròn ánh sáng này.
“Trát Tây Đức Lặc.”
Tôi nghe tiếng ngẩng đầu lên, chỉ thấy một vị Lạt Ma thân mặc Hồng Y tuổi chừng 60 đứng trước mặt tôi.
Trên đầu ngài còn đội một chiếc mũ lông màu trắng để chống rét.
“Trát Tây Đức Lặc.” Tôi chắp hai tay trước ngực.
“Anh đến từ thành phố?” Lạt Ma hỏi.
“Dạ.” Tôi gật đầu.
“Anh thấy thành phố và Tây Tạng có gì khác biệt?”
“Ở thành phố, đường tuy rộng, nhưng tầm nhìn chật hẹp.” Tôi trả lời, “ở Tây Tạng, đường tuy hẹp, nhưng tầm nhìn bát ngát.”
“Có chụp ra được vẻ đẹp của chùa không?” Thầy lại hỏi.
“Vẻ đẹp của chùa, căn bản không chụp ra được.” Tôi lắc đầu, “bởi vì vẻ đẹp của chùa, không nằm ở bên ngoài.”
Thầy gật đầu, lại hỏi: “Khoảng cách giữa thiên đường và địa ngục có xa lắm không?”
“Chỉ bởi nhất niệm.” Tuy khó hiểu khi thầy hỏi như vậy, nhưng tôi vẫn cung kính trả lời:
“Bởi vì nhất niệm thiên đường; nhất niệm địa ngục.”
Thầy rốt cuộc mỉm cười, nói: “Hoan nghênh đến tu viện cổ ngàn năm —— Thố Tông Tự.”
Tu viện này tên là Thố Tông Tự?
Thì ra Ba Tùng Thố Trung Thố không phải chỉ hồ trong hồ, mà là Thố Tông Tự trong hồ Ba Tùng Thố!
~**~
8. Gặp gỡ chính mình
Bởi vì kinh ngạc, tôi mãi nói không nên lời.
“Thố Tông Tự xây dựng vào những năm cuối đời Đường, đã có hơn một ngàn năm lịch sử.” Lạt Ma nói, “anh rất ngạc nhiên vì Thố Tông Tự lại có nhiều năm lịch sử như vậy ư?”
“Không ạ, con không thấy ngạc nhiên về lịch sử của Thố Tông Tự.” Tôi lấy lại tinh thần, nói: “Mà bởi vì Ba Tùng Thố Trung Thố.”
“Ba Tùng Thố Trung Thố?”
Tôi không nghĩ ngợi nhiều, trực tiếp kể cho thầy nghe nguyên do tôi nhận được thông điệp Ba Tùng Thố Trung Thố này.
Thậm chí còn kể chuyện Lam Thiên Thứ Bạch Mâu, Khô Liễu Phi Kim Y, hai câu đã khiến tôi cảm nhận được ý nghĩa đặc biệt của việc làm kỹ sư công trình thuỷ lợi trong cuộc đời này.
“Anh chấp tướng rồi.” Lạt Ma sau khi nghe xong, nói.
“Chấp tướng?” Tôi rất hoang mang.
“Phải.” Thầy gật đầu, “chấp tướng chính là ma, ly tướng mới là Phật.”
“Dạ?”
“Có thể cho tôi xem ảnh chụp không?” Thầy hỏi.
Tôi lập tức đưa cho thầy tấm ảnh chụp bích hoạ tượng Phật ở cung Potala kẹp trong giấy thông hành.
“Vòng tròn ánh sáng ở đây, có hai cái.” Tôi dùng ngón tay chỉ vào vị trí cằm tượng Phật, “Lạt Ma đền Jokhang nói, mỗi một vòng tròn ánh sáng đại diện ột pho tượng Phật.”
“Vòng tròn ánh sáng ở đâu vậy?” Thầy nói, “tôi không nhìn thấy.”
“Rõ ràng ở ngay đây mà.” Tôi lại chỉ lần nữa.
“Vẫn không nhìn thấy.” Thầy nói.
Tôi quá đỗi kinh ngạc, sững sờ tại chỗ không biết phải làm sao.
“Tâm tại Bồ Tát, tức thành Bồ Tát. Tâm tại Phật, tựu thành Phật.” Thầy mỉm cười, “Phật và Bồ Tát chỉ ở trong tâm, sao có thể ở trong ảnh chụp chứ?”
Môi tôi hé mở, dường như đã hiểu điều gì, lại giống như còn mông lung điều gì.
“Phật và Bồ Tát đều từ bi, nếu Phật và Bồ tát hữu duyên với mình, sẽ sinh lòng yêu thích, chứ không sinh tâm cố chấp và lòng vọng tưởng. Người nhà Phật hướng tới sự thanh tịnh bình đẳng, đã có sự phân biệt thì sẽ không bình đẳng, đã sinh chấp niệm hoặc vọng tưởng, thì sẽ không thanh tịnh.”
“Dạ.” Tôi chắp hai tay trước ngực, “Con đã hiểu.”
“Trong Tâm kinh có nhắc tới Ngũ uẩn giai không, coi tất cả đều là “không”, nhưng lại không câu nệ cái “không”. Đến cuối cùng ngay cả “không” cũng bỏ đi.” Thầy mỉm cười, nói tiếp:
“Đây cũng chính là điều được nhắc tới trong “Kim Cương kinh”: Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm*.”
Tôi như vừa tỉnh cơn mê, không nén nổi thốt ra:
“Sư phụ, con đã hiểu.”
* Đừng để tâm mình vướng vào bất cứ đâu.
“Quan niệm về sinh tử của người Tây Tạng rất phóng khoáng, sống và chết cũng giống như bên trong và bên ngoài của một căn phòng, mặc dù không gian khác biệt, nhưng lại thuộc cùng một thế giới. Cái gọi là sinh tử thực ra chính là đi từ trong phòng ra ngoài phòng, hoặc từ ngoài phòng đi vào trong phòng mà thôi, không cần phải chuyện bé xé ra to.”
“Dạ.” Tôi gật đầu, tỏ ý đã hiểu.
“Trong quá trình luân hồi, có lẽ ở một thời đại nào đó, một gian chùa nào đó, chúng ta đã từng cùng nhau tụng kinh, cùng nhau lễ Phật, hơn nữa anh còn là sư huynh dẫn dắt tôi.” Thầy khẽ mỉm cười, tiếp tục nói:
“Cho nên, ‘sư phụ’ cũng là ‘không’.”
Lạt Ma sau khi nói xong, gật đầu rồi bước đi.
“Trát Tây Đức Lặc.” Thầy đi vài bước, xoay người, ý tứ sâu xa nói:
“Sư huynh, đã lâu không gặp.”
Tôi bỗng nhiên có chút xúc động, viền mắt hơi nóng lên, không nói ra được lời nào.
Thầy chăm chú nhìn tôi một lúc, cười cười rồi lại xoay người rời đi.
“Vị Lạt Ma này lạ quá.” Thạch Khang đến gần bên tôi.
“Hả?” Tôi lấy lại tinh thần.
“Phật pháp ngài ấy giảng hình như là Hiển Tông, không giống Mật Tông Hồng giáo.”
“Cái gì là Hiển Tông? Mà cái gì là Mật Tông?” Tôi cười cười, nói tiếp:
“Anh Thạch, anh không chỉ chấp nhất, mà còn nảy sinh tư tưởng phân biệt đấy nhé.”
Thạch Khang cười ha hả, vỗ vỗ vai tôi.
Bí ẩn đã được giải đáp, mà quay về Lhasa còn một đoạn đường lớn, chúng tôi liền rời Ba Tùng Thố.
Trên đường về, tâm trạng tôi và Thạch Khang đều rất nhẹ nhõm, có cảm giác chiếc xe cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.
Thạch Khang mở cuốn CD, bên trong có bài “Cô nương! Khúc Cát Trác Mã”.
Cô nương Khúc Cát Trác Mã
Cô nương Khúc Cát Trác Mã
Em thuần khiết như đóa hoa sen
Em thiện lương như Độ Mẫu
Em vì yêu mà tới thế giới này
Em chưa từng đến bên tôi
Trời đã tối hẳn, trên bầu trời đêm ánh sao lấp lánh, còn cách Lhasa một tiếng đồng hồ xe chạy nữa.
Thạch Khang kêu đói bụng, trên xe còn dư một ít tảm ba cùng thịt bò khô có thể ăn tạm, liền dừng xe lại.
“Bình thuỷ này rất tốt.” Thạch Khang cười nói, “trà bơ vẫn còn nóng .”
Chúng tôi ngồi bên đường, ăn bữa tối dưới trời sao lấp lánh.
“Quay về Đài Loan rồi, anh sẽ không được thấy bầu trời sao tuyệt đẹp như thế này nữa.” Thạch Khang nói.
“Đúng vậy.” Tôi thở dài.
“Anh chấp nhất rồi.”
“Đúng vậy.” Tôi cười ha hả.
Khoảng mười giờ tối về đến Lhasa, Thạch Khang đưa tôi về khách sạn.
“Anh may thật đấy, vừa mới có điện xong.” Cô nương người Tạng ở quầy cười nói:
“Anh không cần phải nói Án Ma Ni Bát Mê Hồng nữa.”
“Vậy đêm nay không phải chịu rét rồi.” Tôi cười cười.
Tôi và vị cô nương người Tạng này đơn giản trò chuyện vài câu, nàng nói nàng tên là Trác Mã.
“Thật là khéo, tôi vừa mới nghe một bài hát có tên là “Cô nương! Khúc Cát Trác Mã”.” Tôi cười nói:
“Nhân vật chính trong bài hát ấy là cô sao?”
“Anh thử đứng trên phố hét to một tiếng: Trác Mã mà xem!” Nàng cười rất vui vẻ, “nhất định sẽ có rất nhiều cô nương người Tạng quay đầu lại.”
“Ô?”
Nàng giải thích, “Trác Mã” trong tiếng Tạng có nghĩa là “Độ Mẫu”.
Trong Phật giáo Tạng truyền có rất nhiều hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, Độ Mẫu là bậc bản tôn cứu khổ cứu nạn do Bồ Tát hóa thân.
Độ Mẫu có cả thảy hai mươi mốt Pháp Tướng, tức hai mươi mốt Độ Mẫu, thường gặp nhất là Lục Độ Mẫu và Bạch Độ Mẫu.
Độ Mẫu được dân chúng khắp đất Tây Tạng kính ngưỡng, cũng là nữ Bồ Tát gần gũi với tín đồ nhất trong tâm tưởng người Tạng.
“Cho nên cô nương tộc Tạng thường lấy tên là ‘Trác Mã’.”
“Thì ra là thế.” Tôi nói, “vậy thì các cô gái Đài Loan thường lấy tên là A Hoa.”
“A Hoa?”
“Người Đài Loan thường dùng hoa tươi cúng Phật và Bồ Tát, thực ra hoa tươi này không phải để Phật và Bồ Tát ngắm, mà dùng để nhắc nhở chính mình. Bởi vì có câu ‘đơm hoa kết quả’, cho nên ‘hoa’ nhắc nhở bản thân về sự tồn tại của nhân quả, phải gieo thiện nhân, mới có được thiện quả. Vì thế con gái Đài Loan thường có tên là A Hoa.”
“Anh nghiêm túc? Hay là giỡn chơi?”
“Cô chấp nhất rồi.” Tôi nói.
“Ngày mai rời Tây Tạng?” Trác Mã hỏi.
“Ừ.” Tôi gật đầu.
“Mai là ngày 31 tháng 12, anh trở về phải đáp ba chuyến bay, về đến Đài Loan hẳn là rạng sáng Nguyên Đán.”
Trác Mã nói, “vừa khéo là một khởi đầu mới.”
“Ừ nhỉ.” Tôi cười cười, “thật là khéo.”
Tôi nói câu chúc ngủ ngon, định bụng quay về phòng. Trác Mã ở phía sau lại nói:
“Hành trình đến Tây Tạng lần này, anh sẽ cho rằng bản thân đã mơ một giấc mộng, hơn nữa còn ở trong giấc mộng tìm thấy chân ngã, từ nay được hồi sinh.”
Tôi xoay người nhìn nét mặt của Trác Mã, thật tường hòa, giống như Bồ Tát đang lim dim đôi mắt.
“Cô không phải là cô nương Trác Mã.” Tôi chắp tay trước ngực, “cô là Độ Mẫu Trác Mã.”
Về đến phòng, tôi gọi điện thoại cho Nhiêu Tuyết Mạn, nói ngày mai tôi muốn rời Tây Tạng.
Nhiêu Tuyết Mạn nói đoàn du lịch của nàng ngày mai cũng rời đi, nàng có thể tiện đường đưa tôi đến sân bay.
Tôi nhờ nàng giúp tôi giải quyết vấn đề chỗ ngồi trên máy bay, nàng nói không thành vấn đề.
Cúp điện thoại, tôi bắt đầu thu dọn hành lý.
Thu dọn xong nằm trên giường, cẩn thận thưởng thức từng chút việc đã xảy ra trong tám ngày qua nơi cao nguyên Tuyết Vực.
Sáng sớm hôm sau, kéo hành lý đợi ở đại sảnh khách sạn.
Thạch Khang tới trước, mang đến tặng tôi hai hộp hương trầm Tây Tạng Nyêmo.
“Đây là đồ hảo hạng.” Thạch Khang cười.
“Anh còn phải đến Everest, hi vọng kim cương kết có thể bảo vệ anh dọc đường bình an.”
Tôi đưa chiếc khăn ha-đa vẫn luôn đeo trên người cho Thạch Khang.
Xe đã tới, Trác Mã hướng về phía tôi vẫy vẫy tay, lại còn nói: “Án Ma Ni Bát Mê Hồng.”
“Đây là Lục Tự Chân Ngôn đó.”
“Anh chấp nhất rồi.” Trác Mã nở nụ cười.
Tôi cũng cười, vẫy vẫy tay chào tạm biệt nàng.
Thạch Khang khăng khăng đòi lên xe tiễn tôi một đoạn đường cuối cùng.
“Đừng cố chấp nữa.” Tôi nói.
“Anh cũng đừng cố chấp không muốn tôi đi tiễn.” Thạch Khang nói.
“Anh mà lên xe là phải thu tiền.” Nhiêu Tuyết Mạn bảo Thạch Khang.
“Tôi tỉnh ngộ rồi.” Thạch Khang cười cười, vỗ vỗ vai tôi, “lên đường bình an, hẹn gặp lại.”
Sau khi xe chạy, Nhiêu Tuyết Mạn ngồi bên cạnh tôi.
“Anh khẳng định anh không cần đi Everest?” Nàng hỏi.
“Ừ.” Tôi rất quả quyết, “tôi muốn về Đài Loan, không đi Everest nữa.”
“Tại sao không đi?” Dường như nàng rất ngờ vực.
“Tại sao phải đi?” Tôi ngược lại cười cười.
“Anh tìm được chính mình rồi?” Nàng lại hỏi.
“Cứ cho là vậy đi.” Tôi nói, “với lại từ nay trở đi tôi sẽ không lạc lối, cho nên không cần phải tìm kiếm.”
“Thật vậy chăng?”
“Cô chấp nhất rồi.” Tôi cười cười.
“Chúc mừng anh.” Nhiêu Tuyết Mạn nói, “anh quả thực không cần phải đến Everest nữa.”
“Nhưng tôi vẫn không biết Thất Hỉ là ai?”
“Đừng chấp nhất.” Nàng nói, “anh biết bản thân là ai là đủ rồi.”
“Tôi có thể chấp nhất một lần cuối cùng không?”
“Sao?”
“Bảo Thất Hỉ giúp tôi chi tiền vé máy bay về Đài Loan đi.”
“Đây không phải là chấp nhất!” Nàng lớn tiếng nói: “Đây là được voi đòi tiên!”
“Đùa thôi mà.” Tôi cười cười.
Đến sân bay Lhasa Gonggar, Nhiêu Tuyết Mạn lấy một tờ giấy ra muốn đưa cho tôi.
Tôi nói chờ một chút, sau đó đeo găng tay vào trước khi nhận lấy.
Tôi đoán không lầm, quả nhiên là giấy Tây Tạng.
Trên giấy viết:
Một ngày kia, tôi nhắm mắt giữa khói hương nơi đền điện, chợt nghe thấy, câu chân ngôn trong lời tụng của người.
Một tháng ấy, tôi quay tất cả bánh xe cầu nguyện, đâu vì siêu độ, chỉ để chạm vào đầu ngón tay người.
Một năm kia, tôi phủ phục dập đầu bái lạy trên đường núi, đâu vì hướng Phật, chỉ để kề bên hơi ấm của người.
Một đời đó, tôi qua núi qua sông qua tháp Phật, đâu vì luân hồi, chỉ vì giữa đường cùng người gặp gỡ.
—— Thương Ương Gia Thố
~ End ~