Gặp Lại Chốn Hồng Trần Sâu Nhất

Có người nói, một
người quá đỗi hoài cựu, không hẳn là vì quá khứ xiết bao rực rỡ, mà là
vì anh ta không thể yên lòng với hiện trạng. Đời người rối ren, nào ai
dám khoe mình có đủ sức mạnh chặn đứng được muôn ngàn gió bụi.

Chỉ vào lúc thực sự mất đi, con người mới tưởng nhớ da diết sự tốt đẹp đã
từng có, những thước phim trước đây như hình với bóng, luôn hiện lên
trong tâm trí. Lúc này, chúng ta đều không kìm được phải hỏi bản thân,
không bỏ xuống được rốt cuộc là vì ưa hoài niệm, hay là vì quá khứ thật
sự đáng thương tiếc? Có người nói, một người quá đỗi hoài cựu, không hẳn là vì quá khứ xiết bao rực rỡ, mà là vì anh ta không thể yên lòng với
hiện trạng. Đời người rối ren, nào ai dám khoe mình có đủ sức mạnh chặn
đứng được muôn ngàn gió bụi. Khi bạn không thể tiếp nhận phong cảnh xa
lạ, không thể thích ứng cuộc sống mới mẻ, thì tất nhiên sẽ hoài niệm sự
vật đã từng quen thuộc mà ấm áp.

Một người trông có vẻ mạnh mẽ,
thực ra nội tâm anh ta lại là tường thành xây bằng băng mỏng, gặp lửa
thì tan, vừa xô liền đổ. Một người trông có vẻ mềm yếu, nội tâm anh ta
lại được xây bằng gạch ngói tỉ mỉ, đơn giản chất phác, kiên cố vững
chắc. Thế nhưng tất cả những điều này, đều bắt nguồn từ tao ngộ của đời
người, nếu dặm đường năm tháng bằng phẳng suôn sẻ, vết thương lòng ít,
chẳng đến nỗi yếu đuối không chịu nổi. Nếu vận mệnh gập ghềnh trắc trở,
trong lòng tất nhiên ngàn trăm lỗ thủng, đến lúc đó, dù bạn vá víu thế
nào, cũng không thể chắp vá nên bộ dạng ban đầu.

Thế gian này có
những việc có thể hối hận, có những việc ngay cả tư cách hối hận cũng
không có. Ví như Tsangyang Gyatso, khi hàng ngày Ngài đọc thuộc kinh văn vô vị, tay cầm tràng hạt cứng ngắc, ngửi cùng một loại đàn hương, sâu
trong nội tâm, chắc chắn Ngài sẽ hối hận vì ban đầu không làm khác đi.
Nhưng Ngài có tư cách hối hận chăng? Năm xưa Ngài được sứ giả rước vào
cung Potala, căn bản đã không có đường nào chọn lựa, vì Ngài được số
mệnh định sẵn là linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5, kiếp này chỉ có thể sống vì kiếp trước. Bất kể Ngài bằng lòng hay không, Ngài đều phải
tiếp nhận điển lễ tọa sàng, tiếp nhận vinh dự chí cao vô thượng này. Nếu Ngài cũng từng có vui sướng, đó là bởi vì chàng thiếu niên mười lăm
tuổi còn có một trái tim non nớt. Vận mệnh đột ngột thay đổi khiến Ngài
không có thời gian suy nghĩ đây rốt cuộc là một niềm vinh dự hay là một
nỗi tiếc nuối.

Đây là quà tặng ông trời ban thưởng cho Ngài, một
phần quà tặng không thể chối từ, lại nặng nề như núi. Chưa ai từng hỏi
Ngài có gánh vác nổi hay không, đến với thế gian này, Ngài định sẵn trở
thành truyền kỳ. Khi Ngài ngồi trên ngai Phật của cung Potala, đứng ngồi không yên đọc kinh, tham thiền, cõi lòng lại theo gió mát nhởn nhơ lượn ngoài cửa sổ bay đến phương xa. Làng nhỏ hẻo lánh từng gọi là quê hương ấy cho Ngài niềm vui quên hết tất cả, lại không cho nổi Ngài một chốn
về yên ổn bình dị. Chốn về của Ngài là ở đâu? Chốn về của thể xác Ngài
nhất định là cung Potala, nhưng chốn về của tâm linh, lại là làng quê
miền núi tên là Monyu ấy.

Mỗi người trong lòng đều có tín ngưỡng
thuộc về mình, tín ngưỡng này không nhất thiết là tôn giáo. Bạn có thể
tín ngưỡng một gốc cây, tín ngưỡng một ngọn cỏ, tín ngưỡng một con cừu,
còn có thể tín ngưỡng tình yêu. Nếu để Tsangyang Gyatso lựa chọn, tôi
nghĩ Ngài sẽ chọn suốt đời trông nom một gian nhà nhỏ đơn sơ, kề cận
người yêu của mình và cảnh vật thiên nhiên Ngài luôn yêu thích. Mặc dù
sâu trong nội tâm Ngài cũng tôn sùng Phật giáo, thích đọc kinh văn,
nhưng những điều này lại không thể trở thành toàn bộ cuộc sống, chỉ có
thể xem là một kiểu tô điểm. Sinh mệnh của Ngài định sẵn là không hoàn
hảo, vì Ngài bị gông xiềng dịu dàng của tình yêu trói buộc, muốn vùng
dậy thoát ra, kiếp này e rằng không thể.

Trước đó, chẳng ai nói
với Ngài, một người dân Monpa chất phác lãng mạn không thể có tình yêu.
Khi Ngài bắt đầu biết yêu, cùng cô gái làng bên ái mộ lẫn nhau, vì sao
không ai nói cho Ngài biết, kiếp này của Ngài định sẵn không có hôn nhân trọn vẹn. Vị Phật sống trong cung Potala - Tsangyang Gyatso bi ai than
thở: “Nếu đời này vĩnh viễn bị giam cầm trong tòa cung điện đẹp đẽ này,
thế thì xin giao trả cho ta kiếp trước, có lẽ ta còn có thể chọn lựa lại một lần nữa, chịu chuyển thế luân hồi một lần nữa”. Lẽ nào Ngài không
biết, chuyển thế luân hồi sớm đã viết sẵn trên đá tam sinh[1], đi qua
Vong Xuyên của năm tháng, chẳng ai có thể chọn lựa vận mệnh tương lai
cho mình.

[1] Theo tín ngưỡng Á Đông, Điện Diêm Vương thứ 10 ở
địa ngục cai quản việc chuyển tiếp đầu thai. Tại điện này có cầu Nại Hà
bắc qua sông Vong Xuyên (Sông Quên). Ven sông có một tảng đá, gọi là đá
Tam Sinh, ghi lại kiếp trước kiếp này kiếp sau của con người. Những linh hồn được đi đầu thai trở lại làm người đều phải qua Vong Đài (Đài
Quên), uống canh của Mạnh Bà để quên hết chuyện kiếp trước.

Sương trắng trên cỏ lác,

Sứ giả của gió đông.

Chính là hai kẻ ấy,

Chia cắt hoa và ong.

Thiên nga yêu hồ nước,

Muốn ở thêm một hồi.

Nhưng mặt hồ băng đọng,

Làm buốt giá tim tôi.

Mùa xuân này, mùa xuân của Lhasa, trong gió xuân dịu dàng, Tsangyang Gyatso ngửi thấy hương thơm thanh khiết thoang thoảng của cỏ xanh, nhìn thấy
mây trắng nhàn nhã lướt qua trước cửa sổ. Những cảnh vật tự nhiên này
lại gợi lên trong lòng Ngài khát vọng vô hạn đối với quê hương. Đều nói
Phật là vạn năng, có thể nhìn rõ ràng thấu suốt tất cả mọi thứ trên thế
gian, nhưng Tsangyang Gyatso giờ đây, được xưng là Phật sống, vì sao
không thể xử lý ngay cả cuộc đời của chính mình? Nỗi nhớ như cỏ dại ngập tràn nơi đáy lòng, khiến Ngài lúng túng. Không ai thật sự hiểu được tâm sự của Ngài, Ngài mong chờ hoàng hôn, mong chờ đêm đến, lúc đó, cho dù
quạnh quẽ, thời gian ngắn ngủi đó lại thật sự thuộc về bản thân.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui