Vợ chồng Tom đến vào lúc hoàng hôn, và trong khi cả bọn chúng tôi đi dạo giữa hàng trăm khách khứa choáng lộn, giọng Daisy như rì rào nghịch ngợm trong cổ nàng.
- Không khí ở đây sao làm em háo hức thế. Anh Nick ơi, tối nay, bất kì lúc nào anh muốn hôn em, anh cứ báo cho em biết, em sẵn sàng thu xếp cho anh được như ý. Chỉ cần gọi tên em. Hay là giơ tay ra một tấm thiếp màu lục làm ám hiệu. Em vẫn hay phân phát các tấm thiếp màu lục...
- Bà hãy nhìn xung quanh xem kìa, – Gatsby khuyên.
- Tôi đang nhìn đây. Tôi thấy vui thích lắm...
- Bà hãy đi xem mặt nhiều người mà bà có lẽ mới nghe tiếng.
Đôi mắt ngạo mạn của Tom lướt qua đám đông:
- Chúng tôi quả là không đi ra ngoài mấy. Sự thực, tôi đang tự bảo mình không quen biết một ai ở đây.
- Có lẽ ông biết người đàn bà kia chứ? – Gatsby trỏ một phụ nữ lộng lẫy như một chùm phong lan nhiều phần hoa hơn phần người, đang ngồi bất động dưới một cây mận trắng. Tom và Daisy nhìn hồi lâu, với một cảm giác đặc biệt hư ảo thường có khi ta nhận ra một tên tuổi của màn bạc mà ta chưa thấy mặt ở ngoài đời bao giờ.
- Bà ta đáng yêu quá! – Daisy nói.
- Người đàn ông đang cúi xuống bà ta là đạo diễn của bà ta đấy.
Gatsby trịnh trọng dẫn họ đi giới thiệu với khách khứa hết nhóm này đến nhóm khác.
- Đây là bà Buchanan... và ông Buchanan, – sau mấy giây ngập ngừng, Gatsby nói thêm: - cầu thủ pôlô.
Tom phản đối ngay:
- Ồ, không phải, không phải tôi.
Nhưng hiển nhiên câu nói ấy làm Gatsby thích thú, vì Tom vẫn cứ là “cầu thủ pôlô” cho đến hết buổi dạ hội.
Daisy thốt lên:
- Tôi chưa bao giờ gặp nhiều nhân vật danh tiếng đến thế này. Tôi thích ông kia kìa... tên ông ta là gì nhỉ? Ông có cái mũi xanh ấy.
Gatsby nói tên ông khách ấy và cho biết thêm ông ta là một nhà sản xuất phim cỡ xoàng.
- Dù sao, tôi vẫn thấy ông ấy vừa mắt mình.
Tom nói đùa:
- Tôi không thích làm cầu thủ pôlô lắm đâu. Tôi thích được ngắm tất cả những nhân vật nổi tiếng kia... mà không ai biết đến mình.
Daisy và Gatsby ra nhảy với nhau. Tôi còn nhớ tôi đã kinh ngạc trước lối nhảy uyển chuyển cổ điển của Gatsby khi anh nhảy bài fox-trot, – trước đây tôi chưa nhìn thấy anh nhảy bao giờ. Rồi hai người đi tha thẩn sang bên nhà tôi, ngồi bên nhau ở bậc thềm nửa giờ đồng hồ trong khi, theo yêu cầu của Daisy, tôi đứng canh chừng ở ngoài vườn. “Phòng trường hợp xảy ra hoả hoạn hay lụt bão, – Daisy giải thích – hoặc bất kì hành động nào của Chúa”.
Tom từ trong cảnh không ai biết đến mình hiện ra khi tất cả chúng tôi ngồi vào bàn ăn. Tom nói:
- Xin lỗi nhé, tôi lại ăn với mấy người đằng kia. Có một gã kể những chuyện tức cười lắm.
- Mình cứ đi đi, – Daisy vui vẻ, – nếu mình cần ghi lại địa chỉ của ai thì cầm lấy cái bút chì vàng của em đây.
… Một lúc sau, Daisy nhìn về phía bàn Tom và bảo với tôi là cô gái kia “tầm thường nhưng mà xinh”. Tôi cảm thấy rằng không kể nửa giờ nàng ngồi riêng với Gatsby, còn thì nàng chẳng vui gì.
Chúng tôi ngồi ở một bàn mà khách khứa đặc biệt chuếnh choáng. Đó là lỗi tại tôi – Gatsby phải ra nghe điện thoại và tôi đã ngồi với chính những người này mới cách đây hai tuần. Nhưng điều bữa trước làm tôi vui thì hôm nay trở nên nặng mùi.
- Cô thấy trong người thế nào, cô Baedeker?
Cô gái được câu hỏi này đang cố ngả người vào vai tôi nhưng không ngả được. Nghe hỏi, cô ta ngồi thẳng dậy, mở mắt ra:
- Hơ-ở?
Một bà phốp pháp, vẻ lờ phờ, lúc nãy cứ đòi Daisy ngày mai đến câu lạc bộ ở địa phương đây đánh gôn với mình, đỡ lời cho cô Baedeker:
- Ồ, cô ấy bây giờ ổn rồi. Cứ uống năm sáu li cocktail vào là y như rằng cô ấy kêu lên như vậy. Tôi đã bảo cô ấy từ nay đừng có đụng đến rượu nữa.
- Tôi có đụng nữa đâu, – kẻ bị tố cáo quả quyết bằng giọng lè nhè.
- Nghe thấy cô kêu lên, tôi mới bảo bác sĩ Civet đây: “Bác sĩ ơi, có người cần nhờ đến bác sĩ đấy”.
- Cô ấy rất cảm ơn, tôi tin như thế, – một người bạn khác nói, giọng không lộ vẻ gì biết ơn, – nhưng ông đã làm cho xống áo của cô ấy ướt sũng hết cả khi nhúng đầu cô ấy vào bể nước.
- Tôi ghét nhất là nhúng đầu tôi vào bể nước, – cô Baedeker lẩm bẩm. – Ở New Jersey, có lần họ đã làm tôi suýt chết đuối.
- Vậy thì đừng cô đừng đụng đến rượu nữa, – bác sĩ Civet đập lại.
- Ông hãy tự răn mình ấy! – Cô Baedeker xỉa xói. – Tay ông run rồi kìa. Tôi không để cho ông chữa cho tôi đâu.
Cuộc vui là như vậy. Gần như điều cuối cùng mà tôi nhớ là tôi đứng cạnh Daisy ngắm nhà đạo diễn với cô đào chiếu bóng của ông ta. Hai người vẫn ở bên gốc cây mận trắng và mặt họ đã gần chạm vào nhau, còn cách nhau có một vệt ánh trăng mỏng manh. Tôi bỗng hiểu ra rằng suốt cả tối nay ông ta đã rất từ từ ngả đầu về phía cô đào chỉ cốt đi tới mức gần gũi này. Trong khi tôi nhìn, ông ta ngả thêm nốt nấc cuối cùng, đặt một cái hôn lên má cô đào.
- Cô đào trông vừa mắt em lắm, – Daisy nói, – Em thấy cô ấy đáng yêu ghê.
Nhưng những gì còn lại thì Daisy lại thấy gai mắt, – mà không cắt nghĩa được vì sao, bởi đó không phải là một cử chỉ mà là một xúc cảm. Nàng kinh hoảng West Egg, cái “địa điểm” không tiền khoáng hậu này mà Broadway đã đẻ ra ở một làng chài lưới của Long Island – kinh hoảng vì sức sống thô mộc của nơi này chọc tức người ta dưới những mĩ từ xưa cũ, và vì cái số phận quá oái ăm lùa các cư dân của nó qua một con đường tắt đi từ hư vô đến hư vô. Nàng thấy có một cái gì kinh sợ ở chính sự mộc mạc mà nàng không hiểu nổi.
Tôi ngồi ở bậc thềm cùng với vợ chồng Daisy trong lúc họ chờ xe. Ở đây, chỗ mặt trước nhà, khá tối, chỉ có khung cửa sáng hắt mười bộ vuông ánh sáng vào bóng đêm êm đềm. Có bóng ai thỉnh thoảng di động đằng sau tấm rèm buông xuống ở cửa sổ một gian buồng trên gác, rồi tiếp đến một bóng ai khác – một chuỗi nối tiếp vô tận những bóng người đến trang điểm trước một tấm gương vô hình.
- Gã Gatsby này thực ra là người thế nào? – Tom đột nhiên hỏi. – Một tay buôn rượu lậu có cỡ à?
- Anh nghe được đâu thế? – Tôi hỏi.
- Không phải nghe được, tôi tưởng tượng ra thôi. Những kẻ mới nổi này, rất nhiều đứa chỉ là những tên buôn rượu lậu, anh biết quá đi chứ.
- Gatsby thì không, – tôi nói vắn tắt.
Tom nín thinh một lát. Sỏi ở lối đi kêu lạo xạo dưới chân Tom.
- Hừm, hắn chắc phải vất vả lắm mới duy trì được gánh xiếc này.
Một ngọn gió nhè nhẹ lay động lớp tuyết lông thú xam xám trên chiếc khăn quàng của Daisy. Nàng nói một cách khó nhọc:
- Ít ra họ cũng thú vị hơn những người chúng ta quen.
- Mình trông không có vẻ thú vị lắm đâu.
- Hừm, có chứ.
Tom cả cười và quay sang tôi:
- Anh có để ý đến nét mặt Daisy khi cô gái nọ nhờ Daisy kéo cô ta đến một vòi nước lạnh không?
Daisy bắt đầu hát khe khẽ theo tiếng nhạc bằng một giọng trầm trầm, thướt tha, làm nổi nghĩa của từng lời ca như nó chưa bao giờ có và sẽ không bao giờ có nữa. Khi nét nhạc lên cao quá cữ, giọng nàng vỡ ra dịu dàng và hạ xuống nhưng vẫn theo đúng giai điệu như hát bằng một giọng nữ trầm. Cứ mỗi lần thay đổi cữ giọng, nàng lại rót vào trong không trung một chút tình người ấm áp mê hồn của mình.
- Nhiều kẻ không được mời mà vẫn cứ đến, – Daisy bỗng dưng nói. – Cô gái kia nào có ai mời. Họ cứ kéo nhau đến bừa đi và chủ nhân quá lịch sự nên không thể phản đối.
- Không biết hắn ta là người thế nào và hắn ta làm ăn gì? – Tom vẫn một mực nêu lên ý kiến của mình. – Tôi phải tìm hiểu cho ra.
- Em có thể nói với mình ngay bây giờ, – Daisy trả lời chồng. – Ông ấy là chủ một số hiệu thuốc, rất nhiều hiệu, và biết cách làm cho những hiệu ấy làm ăn phát đạt.
Chiếc xe hơi đến chậm lăn bánh vào lối đi trong vườn.
- Anh Nick, tạm biệt anh nhé, – Daisy chào.
Đôi mắt Daisy rời khỏi tôi tìm đến gian buồng sáng ánh đèn trên bậc thềm, từ đó vọng ra qua các khung cửa ngỏ bản nhạc “Ba giờ đêm”, một bản nhạc van xơ u buồn, xinh xắn nổi tiếng trong năm. Thực ra, chính sự tự nhiên phóng khoáng của các buổi dạ hội ở nhà Gatsby chứa đựng những nét lãng mạn hoàn toàn không có trong thế giới của nàng. Có cái gì vậy ở trên kia, trong bài hát, tưởng đâu như muốn vẫy gọi nàng ở lại? Sẽ diễn ra những chuyện gì bây giờ, trong khoảnh khắc bất thường này của đêm tối? Sẽ có một người khách bất ngờ nào đến chăng, một người con gái hiếm có trên đời, sắc đẹp rực rỡ mê hồn, trong giây phút kì ngộ, bằng một ánh mắt tươi mát mới lạ nhìn vào Gatsby sẽ xoá bỏ cả năm năm một lòng tôn thờ kia?
Đêm ấy tôi ở lại muộn, Gatsby yêu cầu tôi chờ anh cho đến khi anh được rảnh rang. Tôi nán lại ngoài vườn cho đến khi đám người tắm biển thường ngày, lạnh cóng và thích thú, từ dưới bãi biển đen ngòm chạy lên và các phòng ngủ của khách phía trên đều đã tắt đèn. Cuối cùng, khi Gatsby bước xuống các bậc thềm, nước da rám nắng của anh căng lên khác thường trên gương mặt, đôi mắt long lanh mệt mỏi. Anh nói ngay:
- Nàng không thích cảnh này.
- Thích chứ.
- Không, nàng không thích, nàng không được vui.
Gatsby nín lặng và tôi thầm đoán được nỗi chán chường mênh mông của anh.
- Tôi cảm thấy nàng thật là xa vời đối với tôi, – Gatsby nói tiếp. – Làm sao cho nàng hiểu được.
- Anh muốn nói về buổi khiêu vũ ư?
- Khiêu vũ? – Gatsby dẹp đi tất cả các buổi khiêu vũ mà anh đã tổ chức bằng một cái bật tay. – Người anh em ạ, buổi khiêu vũ nào có đáng kể gì.
Gatsby muốn rằng Daisy phải đến gặp Tom và nói: “Tôi chưa bao giờ yêu anh”. Sau khi nàng đã xoá bỏ bốn năm đã qua bằng câu nói ấy, hai người mới có thể quyết định những việc làm thực tế hơn. Một trong những việc sẽ phải làm là khi Daisy đã được tự do, hai người sẽ trở lại Louisville và anh sẽ cưới nàng từ nhà nàng, đúng như sự thể lẽ ra phải diễn ra cách đây năm năm.
- Nhưng nàng không hiểu, – Gatsby nói. – Trước kia nàng hiểu được cơ mà. Chúng tôi đã từng ngồi với nhau hàng giờ...
Gatsby nín bặt và đi lại trên lối đi tiêu điều, ngổn ngang các vỏ quả và những cánh hoa dập nát.
Tôi ướm lời:
- Vào địa vị anh, tôi sẽ không yêu cầu nàng quá nhiều. Anh không thể làm sống lại quá khứ.
- Không thể làm sống lại quá khứ, – Gatsby kêu lên, không tin. – Sao không làm sống lại được?
Anh ngơ ngác nhìn quanh, dường như quá khứ đang lẩn quất quanh đâu đây dưới bóng toà biệt thự của anh, ngay ngoài tầm với của anh.
- Tôi sẽ sắp xếp cho mọi chuyện trở lại y như trước kia, – Gatsby hất đầu một cách kiên quyết. – Rồi nàng sẽ thấy.
Anh nói nhiều về quá khứ, tôi đoán chừng anh muốn tìm lại một cái gì đó – một quan niệm về mình chăng – đã mất đi khi anh đem lòng yêu Daisy. Cuộc đời anh đã trở nên lộn xộn và bừa bãi từ ngày ấy, nhưng giá anh có thể dù chỉ một lần thôi trở lại một điểm xuất phát nào đấy và chầm chậm đi lại quãng đường đã qua, may ra anh sẽ tìm ra được cái đó là gì...
… Một tối mùa thu năm năm về trước, hai người sóng vai đi bên nhau trên đường phố vào lúc các hàng cây trút lá. Họ tới một nơi không có một bóng cây và hè đường lênh láng ánh trăng trắng xoá. Họ dừng lại ở đấy và ngoảnh mặt nhìn nhau. Đêm mát rượi và làm lòng người xao xuyến bởi một chất men huyền bí chỉ đến vào lúc giao mùa mỗi năm đôi lần. Ánh đèn êm ả trong các ngôi nhà mơn man bóng tối bên ngoài và có tiếng gì sột soạt xao động trên các ngôi sao trời. Liếc nhìn qua đuôi mắt, Gatsby rõ ràng nhìn thấy những tấm đá lát đường xếp dựng lên thành một cái thang vươn lên đến tận một nơi bí ẩn bên trên các hàng cây. Nếu mình anh, anh có thể trèo lên tới được chỗ ấy, và tới đó anh có thể hút lấy hương nhuỵ của cuộc sống, anh có thể uống từng ngụm lớn dòng sữa thần tiên diệu kì vô song.
Tim anh đập mỗi lúc một dồn dập hơn khi gương mặt trắng ngần của Daisy sáp lại gần mặt anh. Anh biết rằng khi anh hôm lên đôi môi người con gái này và vĩnh viễn gắn những viễn ảnh không lời nào tả xiết của mình với hơi thở dễ tàn phai của nàng thì tâm trí anh sẽ không bao giờ lại thảnh thơi được nữa như tâm trí Chúa trời. Vì thế anh nán chờ, lắng nghe thêm một lúc cái âm thoa đã được ai đó gõ vào một vì sao trên trời. Sau đó anh ôm hôn nàng. Khi được cặp môi anh chạm đến, nàng xoè ra với anh như một bông hoa và sự hoá thân thật là trọn vẹn.
Những lời anh kể, và cái cái tính uỷ mị đáng sợ của anh, làm tôi lờ mờ nhớ đến một điều – một âm điệu xa xăm, vài lời nói lõm bõm mà tôi đã nghe được ở đâu đó từ rất lâu. Có một lúc, một câu nói cố hình thành trên đôi môi tôi, và tôi hơi hé miệng mấp máy như một cuộc vật lộn chứ không chỉ là một hơi thở run rẩy. Nhưng đôi môi ấy không bật ra được một âm thanh nào và điều mà tôi suýt nhớ ra sẽ không bao giờ nói được với ai.