Gatsby vĩ đại

Giữa đoạn đường từ West Egg đi New York, đường xe hơi bỗng ríu lại với đường sắt, chạy sát cạnh nó một phần tư dặm như muốn lẩn tránh một vùng đất thê lương. Cả một vùng thung lũng này bị chìm ngập dưới một lớp bụi dày xám như tro, trông chẳng khác nào một trang trại quái đản, nơi tro mọc lên như lúa mì, thành gò, thành đống, thành những vườn tược kì quái, nơi tro mang hình những ngôi nhà, những ống khói lò sưởi và cả làn khói toả ra từ những ống khói ấy, và cuối cùng với một cố gắng vượt bậc, nó mang hình những con người xám ngoét lờ mờ di động hoặc chỉ chực khuỵu ngã trong một bầu không khí mù mịt. Thỉnh thoảng, một đoàn tàu với những toa xe xám xịt trườn trên một con đường vô hình, phát ra một tiếng rít rùng rợn rồi dừng lại. Ngay lập tức, những con người xám ngoét kia tay cầm những chiếc xẻng chì bâu đến nhung nhúc như đàn kiến và làm bốc lên một đám mây dày đặc che kín các hoạt động mờ ám của họ.
Nhưng bên trên mảnh đất xám nhờ nhờ và những đám bụi bác thếch lềnh bềnh trôi đi không dứt trên mặt đất ấy, nếu định thần nhìn một lúc, ta sẽ nhận ra hai con mắt của bác sĩ T. J. Eckleburg. Đó là một cặp mắt xanh lơ khổng lồ, con ngươi cao đến một mét. Hai con mắt của bác sĩ T. J. Eckleburg không nằm trên một bộ mặt nào cả, mà chúng nhìn mọi người qua một cặp kính vàng kếch sù đặt trên mỗi cái mũi khuyết. Hẳn là hai con mắt ấy đã được một ông lang mắt thích đùa nào đó đặt ở đây để quảng cáo cho phòng chữa bệnh của ông ta ở quận Queens, nhưng sau đó ông bác sĩ Eckleburg đã rơi vào cảnh mù loà vĩnh viễn hay đã bỏ quên cặp mắt ấy và chuyển đi nơi khác rồi. Nhưng hai con mắt ông, đã bị phai nhạt đôi chút vì dãi dầu mưa nắng và lâu ngày không được một nước sơn, vẫn đăm chiêu nhìn xuống bãi đổ tro hoả táng mênh mông này.
Ở về một mé thung lũng tro có một mặt sông ngầu bẩn. Khi chiếc cầu cất bắt qua sông được nâng lên để thuyền bè qua lại, hành khách đi trên các đoàn tàu đỗ bên sông chờ qua cầu có thể ngắm cảnh vật sầu thảm này tới chừng nửa giờ. Tàu hoả bao giờ cũng đỗ lại ở đấy ít nhất một phút, và chính trong dịp đó, tôi đã gặp người tình của Tom Buchanan lần đầu tiên. Ở đâu Tom có người quen là ở đó người ta kháo nhau về chuyện người tình của Tom. Bạn bè anh rất khó chịu thấy anh dẫn tình nhân đến các quán ăn đông khách rồi để mặc ả ngồi một chỗ, ra chuyện trò với bất cứ người quen nào. Tuy tò mò muốn biết mặt ả nhưng tôi tuyệt nhiên không có ý muốn gặp, thế mà rút cuộc vẫn gặp. Buổi chiều hôm ấy, tôi đáp tàu đi New York cùng với Tom. Khi tàu đỗ lại cạnh mấy gò bụi tro, Tom đứng dậy, nắm lấy khuỷu tay tôi, ép tôi xuống tàu. Anh nằng nặc đòi:
- Xuống thôi. Tôi muốn anh gặp bà bạn gái của tôi.
Tôi chắc Tom đã uống khá nhiều rượu trong bữa trưa vì anh ép buộc tôi với vẻ gần như hung bạo. Hẳn anh ta hợm hĩnh cho rằng không có việc nào khác đáng làm hơn đối với tôi trong một buổi chiều chủ nhật.
Tôi theo chân Tom bước qua một cái hàng rào thấp quét vôi trắng chạy dọc theo đường sắt rồi đi ngược con đường cái dưới cặp mắt nhìn chằm chằm của bác sĩ Eckleburg. Nhìn khắp vùng chỉ thấy có mỗi một dãy nhà nhỏ xây bằng gạch vàng nằm sát rìa vùng đất hoang, nó như một “Phố chính” thu nhỏ của một tỉnh lị ở liền ngay cạnh cõi hư không. Dãy nhà có ba cửa hiệu, một hiệu đề bảng cho thuê, một hiệu là một quán ăn mở cửa suốt đêm có một con đường mòn bụi lầm dẫn đến. Cửa hiệu thứ ba là hiệu sửa chữa xe hơi, biển đề: “Sửa chữa – GEORGE B.WILSON – Mua bán xe hơi”. Tôi theo Tom vào trong hiệu.
Trong nhà nghèo nàn và xơ xác, chỉ thấy có mỗi một chiếc xe Ford đã nát hết cả, bụi phủ dày, nằm bẹp ở một góc nhà tối tăm. Tôi đang nghĩ thầm rằng cái cửa hiệu không ra hồn cửa hiệu này chắc chỉ là một cái màn che đậy bên ngoài, còn những gian phòng lộng lẫy và thơ mộng chắc được giấu kín đáo ở tầng trên thì đích thân người chủ hiệu xuất hiện ở khung cửa một phòng giấy, chùi tay vào một mảnh giẻ. Đó là một người đàn ông nhu nhược, nước da xanh rớt, tóc vàng và có đôi ba nét điển trai. Thấy chúng tôi, một ánh hi vọng ẩm ướt loé lên trong đôi mắt xanh nhạt của ông ta.
Tom vui vẻ vỗ vỗ vai người chủ hiệu:
- Thế nào, ông bạn Wilson, làm ăn ra sao?
- Không có gì phải phàn nàn, – Wilson đáp nhưng giọng nói không có lấy một chút tự tin. – Bao giờ ông mới để lại cho tôi chiếc xe ấy?
- Tuần sau. Tôi đang cho sửa.
- Sửa chậm quá, ông ạ.
- Không chậm đâu, – giọng Tom lạnh lùng. – Mà nếu ông thấy chậm, để tôi bán cho người khác vậy.
- Tôi không có ý nói thế, – Wilson vội giải thích, – tôi chỉ muốn nói là…
Giọng ông ta nhỏ dần đi, còn Tom thì đảo mắt nhìn vào phía trong, vẻ nóng ruột. Sau đó tôi nghe thấy tiếng chân bước xuống cầu thang, và một lúc sau một người phụ nữ dáng hơi đẫy che khuất ánh sáng hắt từ phòng giấy ra. Bà ta trạc ba mươi nhăm tuổi, hơi béo, nhưng mũm mĩm đa tình như thường thấy ở một số phụ nữ. Bà ta mặc một chiếc áo kếp màu xanh thẫm chấm hoa, khuôn mặt tuyệt nhiên không có nét gì gọi là đẹp, nhưng có thể nhận ra ngay sức sống hừng hực ở người bà ta, nó như làm cho các dây thần kinh trong người bà ta lúc nào cũng nóng rực. Bà ta mỉm miệng cười từ tốn, đi ngang qua mặt chồng tưởng đâu đó chỉ là một cái bóng rồi đến bắt tay Tom. Sau đó bà ta liếm môi, và không quay mặt lại, bảo chồng bằng một giọng ẽo ợt thô lỗ:
- Lấy cho mấy cái ghế nào, để ngồi chứ.
- Có ngay, có ngay, – Wilson vội vã nghe lời. Ông ta đi về phía phòng giấy nhỏ và tan biến ngay vào với màu tường xi măng. Một lớp bụi trơ mốc thếch phủ lên bộ quần áo sẫm và mớ tóc nhạt của ông ta như nó phủ lên tất cả mọi thứ ở đây, chỉ trừ có vợ của ông. Bà vợ tiến sát lại người Tom.
- Anh muốn gặp em, – Tom nói như ra lệnh. – Em đi ngay chuyến tàu tới nhé.
- Vâng.
- Anh sẽ chờ bên quầy báo ở tầng dưới nhà ga.
Bà ta gật đầu và nhích ra xa vừa lúc George Wilson ở phòng giấy bước ra với hai cái ghế.
Chúng tôi đợi bà ta ngoài đường, ở một chỗ khuất. Mấy hôm nữa là đến ngày Quốc khánh mồng Bốn tháng Bảy, một đứa trẻ con Ý khẳng khiu, da tái mét, đang đi treo một dây pháo dọc đường sắt.
- Chỗ này khiếp nhỉ! – Tom cau mày nhìn bác sĩ Eckleburg.
- Kinh khủng.
- Được sổng đi là tốt cho mụ đấy.
- Chồng bà ta không có ý kiến gì à?
- Wilson ấy à? Hắn tưởng vợ đi thăm em gái ở New York. Hắn đần độn đến nỗi không nhận ra mình tồn tại ở trên đời nữa.
Thế là tôi và Tom Buchanan với người tình của anh cùng đi tàu lên New York – nói cho đúng hơn thì không hẳn đi cùng vì bà vợ Wilson kín đáo ngồi riêng ở một toa khác. Tom đã chịu chiếu cố đến ý kiến của những người dân East Egg có thể đi cùng chuyến tàu.
Bà ta đã thay áo, mặc một chiếc áo mút-xơ-lin hoa nâu. Chiếc áo căng trên cặp mông khá đồ sộ khi Tom đỡ bà ta xuống sân ga New York. Tại quầy báo, bà ta mua một tờ “Chuyện đô thành” và một tờ tạp chí điện ảnh rồi vào cửa hàng tạp phẩm ở nhà ga mua một hộp kem thoa mặt và một lọ nước hoa nhỏ. Ra ngoài ga, bà ta chê bốn chiếc taxi, đến chiếc thứ năm mới ưng. Chiếc xe sơn màu sim, ghế đệm màu xám nhạt, đưa chúng tôi ra khỏi khu nhà ga về phía ánh nắng chói chang. Nhưng xe vừa mới lăn bánh bà ta đã nhoai người lên, đập tay vào tấm kính chắn đằng trước, giọng hối hả:
- Em muốn mua một con trong bầy chó kia. Em muốn nuôi một con. Có một con chó trong nhà thật là tuyệt.
Xe lùi lại và dừng bánh trước mặt một ông già tóc bạc phơ, trông giống John D. Rockefeller (1) đến kì cục. Trong cái giỏ treo trước ngực ông cụ lúc nhúc khoảng một chục con chó con vừa mới đẻ, không rõ thuộc giống nào.
- Giống chó nào đấy? – Bà vợ Wilson hăm hở hỏi khi cụ già bán chó đến cạnh cửa xe.
- Đủ mọi giống. Quý bà thích giống nào?
- Tôi muốn mua một con béc-giê. Chắc cụ không có?
Ông cụ nhìn vào trong giỏ với con mắt ngờ vực, thọc tay vào trong nắm gáy lôi ra một con chân đạp giãy giụa.
- Không phải là chó béc-giê. – Tom nói.
- Dạ, đúng vậy, nó không phải là giống béc-giê, – ông cụ nói với giọng thất vọng. – Nó thuộc giống Airedale nhiều hơn, – Ông cụ đưa bàn tay vuốt lưng con vật trông giống như một tấm khăn mặt nâu, – Quý ngài nhìn lông nó đây này. Lông thế mới là lông chứ! Giống chó này không bao giờ bị cảm lạnh để làm quý ngài phải vất vả vì nó.
Bà vợ Wilson hào hứng:
- Nó trông dễ thương đấy chứ. Giá bao nhiêu hả cụ?
- Con này ấy à? – Ông cụ nhìn con chó với con mắt cảm phục. – Con này, xin bà trả cho mười đôla.
Con vật đổi chủ và cuộn mình nằm gọn trong lòng bà vợ Wilson. Tổ tiên hoặc họ hàng nhà nó thế nào cũng có con thuộc giống Airedale, tuy chân nó trắng đến lạ. Bà vợ Wilson sung sướng vuốt ve bộ lông, chiếc áo khoác ngoài chống mọi thời tiết của con chó. Bà ta hỏi ra chiều tế nhị:
- Nó là trai hay gái đấy?
- Con chó này ấy à? À, nó là trai.
- Nó là một con chó cái, – giọng Tom dứt khoát. – Đây, tiền trả cho cụ đây, cầm lấy mà đi mua mười con khác.
Xe chúng tôi chạy bon bon về phía đại lộ Năm, ấm áp và êm dịu, gần như một nơi thôn dã trong buổi chiều chủ nhật mùa hè này. Chắc tôi sẽ không ngạc nhiên nếu thấy một bầy cừu trắng hiện ra ở góc phố.
- Đỗ lại một tí, – tôi nói. – Tôi xin phép chia tay ở đây.
- Không được, – Tom vội ngắt lời tôi. – Anh không lại chơi chỗ chúng tôi thì Myrtle sẽ mếch lòng lắm đấy. Có đúng không, Myrtle?
- Ông quá bộ đến chơi chỗ chúng tôi đi. – Myrtle Wilson khẩn nài. – Tôi sẽ gọi dây nói cho Catherine, cô em gái tôi, bảo nó đến nữa. Nó được những người thuộc giới sành sỏi đánh giá là rất đẹp.
- Thôi được, tôi xin đến, nhưng…
Chúng tôi đi tiếp, lại xuyên qua Công viên về khu Tây. Đến phố 158, chiếc xe dừng lại trước một dãy nhà nằm giữa những dãy nhà khác giống hệt nhau khiến nó trông như một khoanh bánh cắt ra từ một chiếc bánh trắng dài. Nhìn xung quanh với con mắt của một bà hoàng khi trở lại vương quốc mình, bà vợ Wilson ôm lấy con chó và mấy thứ đồ vừa mới mua, vênh váo bước vào nhà.
- Tôi sẽ cho gọi vợ chồng McKee lên, – bà Wilson nói trong lúc chúng tôi đi cầu thang máy. – Và tất nhiên phải gọi dây nói cho cả cô em tôi nữa.
Căn hộ nhỏ nằm ở tầng trên cùng, gồm một phòng khách nhỏ, một phòng ăn nhỏ, một phòng ngủ nhỏ và một buồng tắm. Trong phòng khách, một bộ xa-lông bọc đệm quá to so với nó được kê choán đến tận cửa thành ra đi lại trong phòng cứ luôn luôn vấp phải những cảnh phụ nữ đung đưa trên những cái đu trong khu vườn Versailles. Trên tường treo có mỗi một bức ảnh phóng to quá cỡ, trông như ảnh một con gà mái đậu trên một tảng đá mờ mờ. Nếu lùi được ra xe nhìn thì mới thấy con gà mái trở thành một cái mũ, và tảng đá là khuôn mặt một bà già béo phị, toét miệng cười nhìn xuống gian phòng. Nhiều số báo “Chuyện đô thành” cũ nằm ngổn ngang trên bàn cùng với một cuốn “Simon gọi Peter” và một vài tạp chí khổ nhỏ ở Broadway chuyên đăng những chuyện tai tiếng. Bà Wilson trước hết lo đến con chó của mình. Thằng nhỏ trông thang máy làu bàu đi kiếm một cái hộp độn đầy rơm, một ít sữa, và tự nó đem về thêm một hộp bánh bích quy, loại bánh cho chó ăn, to tướng và cứng như đá. Một chiếc bánh nằm lờ đờ chờ cho tan suốt cả buổi chiều trong đĩa sữa. Trong khi đó Tom mở khóa lấy ở một ngăn kéo bàn giấy ra một chai whisky.
Cả đời, tôi chỉ bị say có hai lần, lần thứ hai là vào chiều hôm ấy. Vì thế mọi chuyện diễn ra ở đấy, tôi thấy lờ mờ như được phủ một làn sương mù, tuy rằng cho đến tận quá tám giờ tối gian phòng vẫn còn chói chang ánh nắng. Ngồi trên lòng Tom, bà Wilson gọi điện thoại cho nhiều người. Sau đó hết thuốc lá, tôi xuống nhà đi mua tại hiệu thuốc ở góc phố. Khi tôi trở lại, họ đã biến đi đâu cả đôi. Tôi kín đáo ngồi ở phòng khách, đọc một chương trong cuốn “Simon gọi Peter”. Không biết văn chương trong cuốn sách này viết lộn xộn thế nào hay rượu whisky làm méo mó hết mọi sự, mà tôi đọc chẳng hiểu một chữ nào hết.
Đúng lúc Tom và Myrtle trở lại (sau cốc rượu đầu, bà vợ Wilson và tôi thân mật gọi nhau bằng tên riêng) thì khách khứa vừa vặn kéo đến ngoài cửa.
Cô em, Catherine, là một cô gái khoảng ba mươi tuổi, người dong dỏng, vẻ dạn dĩ, mái tóc hung cắt ngắn cuộn lại thành búp dày và chắc, da đánh phấn màu trắng ngà. Lông mày được tỉa đi rồi kẻ lại thành một đường gọn hơn, nhưng cố gắng của tự nhiên để khôi phục lại đường vạch cũ đem lại một vẻ chao mờ trên nét mặt cô. Mỗi bước cô ta đi là vang lên không ngớt những tiếng kêu lách cách của không biết bao nhiêu vòng tay bằng đất nung xô đi xô lại trên cánh tay cô. Catherine đi đứng với vẻ vội vã tự nhiên của người chủ nhà và nhìn các đồ đạc trong phòng với con mắt bà chủ, khiến tôi không biết có phải cô sống ở đây hay không. Nhưng khi tôi hỏi thì cô cười khanh khách măi, nhắc lại to câu hỏi của tôi và trả lời là cô sống với một người bạn gái ở khách sạn.
Ông McKee ở phòng dưới là một người ẻo lả, nước da tai tái. Ông ta vừa mới cạo mặt xong vì trên mặt còn sót lại một vệt bọt xà phòng trắng. Ông chào từng người trong phòng một cách rất cung kính. Ông cho tôi biết ông làm “công tác nghệ thuật”, sau đó tôi hiểu ra ông làm nghề thợ ảnh và là tác giả của bức ảnh mờ mờ ảo ảo chụp bà mẹ Myrtle Wilson đang tồn tại như một cái bóng phảng phất trên tường. Vợ ông là một người đàn bà the thé, uể oải, đỏm dáng và kinh tởm. Bà ta kiêu hãnh kể với tôi chồng bà đã chụp ảnh bà một trăm hai mươi bảy lần kể từ ngày lấy nhau.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui