Gatsby vĩ đại

Gatsby ngả người sang tôi:
- Người anh em này, tôi e rằng tôi đã làm anh bực mình lúc ở trong xe sáng nay.
Nụ cười của anh ta lại xuất hiện, nhưng lần này tôi chống lại được. Tôi đáp:
- Tôi không thích những chuyện bí mật, và tôi không hiểu tại sao anh lại không nói thẳng với tôi. Sao cứ phải đi vòng qua cô Baker mới được?
- Ồ, không có gì bí mật cả đâu. Cô Baker là một nhà thể thao cỡ lớn, anh biết đấy, và cô ấy sẽ không bao giờ dúng tay vào một điều gì không chính trực.
Đột nhiên, Gatsby nhìn đồng hồ đeo tay, vụt đứng dậy và vội chạy ra khỏi phòng, để tôi ngồi lại bàn một mình với ông Wolfshiem.
- Ông ấy phải ra gọi điện thoại, – Wolfshiem nói, mắt nhìn theo Gatsby. – Một anh chàng đáng quý, có phải không ông? Điển trai và thượng lưu hết chỗ nói.
- Quả đúng.
- Ông ta là dân Oxford đấy.
- Thế à.
- Ông ta đã được giáo dục tài trường đại học Oxford bên Anh. Ông có biết trường đại học Oxford không?
- Tôi có nghe nói.
- Đó là một trong những trường đại học nổi tiếng nhất thế giới.
Tôi hỏi:
- Ông quen Gatsby đã lâu chưa?
Wolfshiem trả lời với vẻ hài lòng:
- Từ nhiều năm nay rồi. Tôi có cái may mắn quen biết ông Gatsby ngay sau chiến tranh. Chỉ nói chuyện với nhau một giờ là tôi biết đã gặp được một người có dòng dõi. Tôi tự bảo: “Đây là loại người mà ta muốn đưa về nhà giới thiệu với mẹ và em gái ta”, – ông ta ngừng lời một lúc. – Tôi thấy là ông đang nhìn khuy tay áo của tôi.
Không phải thế, nhưng bây giờ thì tôi nhìn thật. Những cái khuy áo làm bằng những mảnh ngà nho nhỏ trông khá quen thuộc. Wolfshiem mách bảo tôi:
- Đó là những mẩu răng người đẹp nhất.
Tôi nhìn kĩ hơn.
- Ừ mà thật! Ai nghĩ ra như vậy kể khá kì khôi.
- Ờ, ờ, – Wolfshiem xắn tay áo lên trong lần áo ngoài. – Ờ, ờ, Gatsby là người hết sức cẩn thận về khoản phụ nữ. Ngay đến nhìn vợ bạn một cái, ông ta cũng không bao giờ.
Khi nhân vật được hưởng sự tin cậy bản năng ấy trở lại bàn ăn và ngồi xuống thì Wolfshiem uống một hơi cạn tách cà phê và đứng dậy.
- Bữa ăn ngon tuyệt. Nhưng hai bạn trẻ ạ, tôi phải đi đây, để khỏi lạm dụng lòng hiếu khách của các bạn.
- Đi đâu mà vội, Meyer? – Gatsby nói, giọng không có vẻ gì mặn mà.
Wolfshiem giơ tay lên như kiểu ban phước lành và nói, giọng long trọng:
- Các bạn rất lịch sự, nhưng tôi thuộc về một thế hệ khác. Các bạn ngồi đây bàn cãi về các trò thể thao của các bạn, về các bà phụ nữ trẻ của các bạn và các… – ông ta thay thế cho một danh từ tưởng tượng bằng một cái hất tay nữa. – Còn tôi, tôi đã năm mươi rồi, tôi không muốn ám các bạn lâu thêm.
Khi ông ta bắt tay và quay đi, cái mũi bi thảm của ông run run. Tôi không biết mình có nói điều gì làm mếch lòng ông không.
Gatsby giải thích:
- Đôi khi lão trở nên rất đa sầu đa cảm. Hôm nay là một trong những ngày sầu năo ấy. Lão là một kẻ có tiếng ở New York, một cư dân phố Broadway đấy.
- Ông ta làm nghề gì, diễn viên à?
- Không.
- Thợ chữa răng?
- Meyer Wolfshiem ấy à? Không phải, lão là một tay đánh cá ăn tiền, – Gatsby ngập ngừng rồi thản nhiên nói tiếp. – Chính lão đã bố trí trước trận chung kết giải quán quân bóng chày thế giới năm 1919.
- Bố trí trước trận chung kết giải quán quân bóng chày thế giới? – Tôi nhắc lại.
Câu nói ấy làm tôi sững người. Tất nhiên tôi còn nhớ trận chung kết giải quán quân thế giới về môn bóng chày năm 1919 đã bị bố trí sắp đặt từ trước, nhưng cho đến nay tôi cho rằng đó là chuyện tự nhiên xảy ra, là cái khâu cuối cùng của cả một chuỗi sự việc không thể tránh khỏi. Tôi không hề bao giờ nghĩ rằng một kẻ lại có thể lừa dối lòng tin của năm mươi triệu con người với vẻ thản nhiên của một tên ăn trộm như thế.
Một phút sau tôi mới hỏi được:
- Duyên do thế nào mà ông ta lại làm chuyện đó?
- Rất đơn giản. Lão thấy có cơ hội.
- Tại sao ông ấy không phải ngồi tù?
- Người ta không tóm cổ nổi lão, người anh em ạ. Lão láu cá lắm.
Tôi một mực đòi trả tiền. Khi người hầu bàn mang tiền thừa trả lại, tôi bỗng nhìn thấy Tom Buchanan qua đám đông, ở đầu đằng kia gian phòng. Tôi bảo Gatsby:
- Anh đi cùng với tôi ra đây một phút, tôi phải ra chào một người quen.
Thấy chúng tôi, Tom đứng bật dậy, bước khoảng năm sáu bước về phía chúng tôi. Anh sốt sắng:
- Lâu nay anh đi đâu thế? Daisy phát khùng lên vì không thấy anh gọi điện thoại.
- Đây là ông Gatsby, đây là ông Buchanan.
Hai người bắt tay nhau rất nhanh và một vẻ bối rối căng thẳng không thường thấy ở Gatsby hiện lên trên nét mặt anh.
Tom hỏi tôi:
- Dạo này anh có khoẻ không? Sao anh lại đến tận đây ăn trưa.
- Tôi ăn trưa với ông Gatsby.
Tôi quay sang Gatsby, nhưng anh không còn ở đấy nữa.
*
* *
Vào một ngày tháng Mười năm một nghìn chín trăm mười bảy…
(Chiều hôm ấy, ngồi thẳng đuỗn trên một chiếc ghế trong vườn trà khách sạn Plaza, Jordan kể với tôi).
… em đang đi dạo chơi ngoài phố, khi thì bước trên hè đường, khi thì trên bãi cỏ. Em thích đi trên cỏ hơn vì em đi giày Anh đế có những cục cao su bám lấy đất mềm. Em mặc một chiếc váy kẻ ô mới, cái váy căng phồng lên một chút khi có gió, và mỗi lần như vậy thì các lá cờ xanh, cờ trắng, cờ đỏ treo trước cửa tất cả các ngôi nhà duỗi thẳng thẳng băng và kêu tút-tút-tút như chê trách.
Lá cờ to nhất trong hàng cờ ấy và bãi cỏ rộng nhất trong tất cả các bãi cỏ ấy là của nhà Daisy Fay. Daisy vừa tròn mười tám, hơn em hai tuổi, và là cô gái được mến mộ nhất ở thành phố Louisville, bỏ xa tất cả các cô gái khác. Daisy thường mặc đồ trắng, nàng có một chiếc xe hơi nhỏ mui trần hai chỗ cũng màu trắng. Suốt ngày, chuông điện thoại reo tới tấp trong nhà Daisy: các chàng sĩ quan trẻ ở doanh trại Taylor náo nức gọi điện thoại xin được đặc ân đến tối một mình gặp riêng Daisy. “Chỉ xin một tiếng đồng hồ thôi!”.
Sáng hôm ấy, khi em qua nhà Daisy thì chiếc xe hơi trắng của Daisy đang đỗ bên bờ hè, Daisy đang ngồi trong xe với một chàng trung uý em chưa gặp bao giờ. Hai người mê mải với nhau đến nỗi em còn cách đó có năm bước Daisy mới nhìn thấy em.
- Jordan, – Daisy bất ngờ gọi, – lại đây nào.
Em thường lấy làm hãnh diện được Daisy hỏi chuyện, vì trong số tất cả các cô gái lớn tuổi hơn mình, em ngưỡng mộ Daisy nhất. Daisy hỏi em có đến Hội chữ thập đỏ làm băng cứu thương không. Em có đến. Vậy thì nhờ em báo hộ là nàng không đến được hôm đó nhé. Trong khi Daisy nói, chàng sĩ quan kia cứ nhìn nàng, nhìn với con mắt mà người con gái nào cũng mong muốn có ngày được nhìn như vậy. Em thấy cảnh ấy tình tứ đến nỗi cho đến nay em vẫn chưa quên. Tên chàng sĩ quan là Jay Gatsby. Hơn bốn năm, em không gặp lại anh ta, – đến khi gặp lại anh ta ở Long Island em cũng không nhận ra hai người là một.
Chuyện ấy diễn ra vào năm một nghìn chín trăm mười bảy. Năm sau, em cũng có một vài chàng trai theo đuổi, và em bắt đầu tham dự các giải nên không gặp được Daisy luôn. Daisy không đi chơi với mấy ai và nếu có thì thường là chơi với một nhóm người lớn tuổi hơn mình một chút. Có những tin đồn xằng bậy về nàng – người ta bảo rằng một tối mùa đông, mẹ nàng bắt gặp con gái đang chuẩn bị hành trang đi New York để tiễn một chàng sĩ quan sắp đi phục vụ ở nước ngoài. Gia đình đã kịp ngăn lại, nhưng nàng dỗi với gia đình mấy tuần. Sau đấy thì Daisy không chơi bời với giới sĩ quan nữa mà chỉ giao du với một vài anh con trai địa phương ốm o, cận thị, không vào được quân đội.
Đến mùa thu năm sau, Daisy lại vui vẻ, vui vẻ như xưa. Nàng chính thức bước chân vào xã hội sau ngày đình chiến và đến tháng Hai thì có tin nói nàng đã chính thức đính hôn với một chàng trai ở New Orleans. Nhưng đến tháng Sáu thì Daisy lấy Tom Buchanan, người Chicago. Lễ cưới cực kì sang trọng, xa hoa, cả Louisville chưa thấy bao giờ. Nhà trai đến một trăm người đi riêng bốn toa xe lửa và thuê cả một tầng khách sạn Seelbach. Trước hôm cưới một ngày, chú rể tặng cô dâu một chuỗi ngọc trai trị giá ba trăm năm mươi nghìn đôla.
Em đi phù dâu. Em vào phòng Daisy trước tiệc cưới nửa giờ, thấy nàng đang nằm dài trên giường, đẹp như một đêm tháng Sáu trong chiếc áo dài hoa, và say khướt. Một tay Daisy cầm một chai rượu vang Sauterne và tay kia cầm một bức thư.
- Khen chị đi, – Daisy nói, – chị chưa bao giờ uống rượu đâu nhé, nhưng nay uống sao ngon ghê.
- Daisy, chị làm sao thế?
Thú thật với anh là em hoảng. Em chưa bao giờ thấy một người con gái nào say đến vậy.
- Em của chị này, – Daisy mò tay vào trong chiếc sọt giấy đặt ngay cạnh người trên giường lôi ra chuỗi hạt trai, – em mang xuống dưới nhà trả nó cho chủ của nó. Bảo với mọi người là Daisy đổi ý rồi. Bảo là Daisy đổi ý rồi.
Nàng bắt đầu khóc, khóc tấm tức mãi không thôi. Em chạy đi tìm người hầu gái của mẹ nàng. Mấy người chúng em khoá cửa, xúm lại ấn Daisy vào một bồn tắm nước lạnh. Daisy vẫn không chịu buông lá thư. Nàng cầm cả lá thư vào trong bồn tắm, cứ bóp chặt lấy nó làm nó mủn ra thành một cục và chỉ đến khi thấy nó sắp tơi vụn ra như tuyết mới chịu để em vứt bỏ vào hộp xà phòng.
Nhưng Daisy không hé răng nói thêm một lời nào nữa. Mấy người chúng em cho nàng ngửi nước đái quỷ, áp đá lên trán, ép nàng mặc quần áo, và nửa giờ sau, khi bọn chúng em ở trong buồng đi ra thì chuỗi ngọc trai đã được đeo ở cổ nàng và sự việc lôi thôi vừa rồi thế là đã xong. Năm giờ chiều hôm sau, Daisy lấy Tom Buchanan, thản nhiên như không hề có chuyện gì xảy ra, và hai vợ chồng đi chơi ba tháng ở vùng Biển Nam Thái bình dương.
Em gặp lại hai vợ chồng Daisy ở Santa Barbara khi họ trở lại Mỹ. Em nghĩ chưa từng thấy người vợ nào yêu chồng say đắm đến vậy. Chồng mà đi đâu khỏi phòng một phút thôi là Daisy đã nhớn nhác nhìn quanh hỏi: “Tom đâu rồi?” và thẫn thờ cho đến khi anh ấy trở lại. Daisy thường ngồi cả giờ trên bãi cát, đặt đầu anh ấy lên lòng mình, lấy ngón tay vuốt nhẹ đôi mắt anh ấy và nhìn anh ấy với một vẻ đê mê sung sướng. Nhìn họ bên nhau như thế làm người ta phải xúc động, phải cười thầm trân trọng. Hồi ấy là vào tháng Tám. Một tuần sau ngày em rời Santa Barbara, Tom lái xe ban đêm đâm phải một chiếc xe ngựa trên đường đi Ventura, làm gãy mất một bánh trước. Cô gái ngồi trên xe cùng với anh ấy cũng bị đưa lên báo, vì cô ta bị gãy tay. Cô ta là một cô hầu phòng ở khách sạn Santa Barbara.
Tháng Tư năm sau, Daisy sinh con gái. Hai vợ chồng sang Pháp một năm. Em gặp họ vào một mùa xuân ở Cannes, ít lâu sau lại gặp ở Deauville, rồi sau đó họ trở về sống ở Chicago. Như anh biết, ở Chicago, Daisy được nhiều người yêu mến. Vợ chồng Daisy giao du với một nhóm người ăn chơi, trẻ trung, giàu có và bừa bãi, nhưng Daisy vẫn giữ trọn thanh danh. Có lẽ là vì Daisy không uống rượu. Không uống rượu là một lợi thế lớn giữa đám người uống nhiều. Ta có thể giữ mồm, và hơn nữa ta có thể làm những chuyện không đúng mực cho lắm nhưng người khác đã mờ mắt không nhìn thấy gì hết hoặc chẳng thèm để tâm đến làm gì. Có lẽ Daisy chưa bao giờ dính vào chuyện yêu đương – tuy nhiên có một cái gì đó trong giọng nàng…
Thế rồi, cách đây sáu tuần, lần đầu tiên trong nhiều năm, Daisy nghe nói đến tên Gatsby. Đó là lúc em hỏi anh – anh còn nhớ không? – em hỏi anh có biết ông Gatsby ở West Egg không. Anh đi rồi, Daisy vào phòng em đánh thức em dậy và hỏi “Gatsby nào thế?” Em đang thiu thiu ngủ nhưng cũng miêu tả ông Gatsby ấy. Nghe xong, Daisy nói bằng một giọng hết sức khác lạ rằng có lẽ đó là người nàng quen. Mãi cho đến lúc bấy giờ em mới nhận ra Gatsby chính là chàng sĩ quan ngồi trên chiếc xe hơi màu trắng của Daisy năm nào.
*
* *
Khi Jordan Baker kể xong, chúng tôi đã rời khách sạnPlaza được nửa giờ và đang ngồi trên một chiếc xe mui trần chạy qua công viên trung tâm. Vầng dương đã khuất sau những toà nhà cao chót vót của các ngôi sao màn bạc trên các đường phố Năm mươi ở khu Tây, và đám trẻ con đã tụ tập như bầy dế mèn trên bãi cỏ, tiếng hát trong trẻo của chúng vang lên trong ánh chiều chạng vạng nóng bức:
Ta là vua Araby,
Tình em phải thuộc về tay ta.
Đêm đến, khi em đã yên ngủ,
Ta bò vào thăm em của ta
- Một chuyện ngẫu nhiên kì lạ thật, – tôi nói.
- Không phải ngẫu nhiên tí nào đâu.
- Sao không phải?
- Gatsby mua toà nhà kia là để được ở cách nhà Daisy chỉ một cái vịnh nhỏ.
Ra vậy không phải Gatsby chỉ mơ tưởng đến các vì sao trên trời trong đêm tháng Sáu ấy. Anh hiện lên sống động trước mắt tôi, bất thần rũ bỏ được cái vỏ xa hoa lộng lẫy vô mục đích của anh.
Jordan nói tiếp:
- Gatsby nhờ anh mời Daisy đến chơi nhà anh vào một buổi chiều và để cho anh ấy cùng sang chơi bên anh.
Yêu cầu nhỏ bé ấy làm tôi xúc động. Gatsby đã chờ đợi đằng đẵng năm năm, đã mua cả một toà lâu đài làm nơi ban phát ánh sao cho đàn bướm đêm vô tình, chỉ để anh có thể “sang chơi” bên vườn nhà một người xa lạ một buổi chiều nào đó.
- Cần gì phải cho tôi biết tất cả đầu đuôi câu chuyện rồi anh ta mới dám hỏi một điều nhỏ mọn đến vậy.
- Anh ấy sợ, anh ấy đã chờ đợi bao nhiêu lâu rồi. Anh ấy nghĩ có thể anh bị mếch lòng. Anh thấy đấy, dưới vẻ bề ngoài kia, Gatsby chỉ là một kẻ cục mịch tầm thường.
Có một điều làm tôi băn khoăn:
- Tại sao Gatsby không nhờ cô sắp đặt cho một buổi gặp gỡ?
- Anh ấy muốn Daisy đến thăm nhà anh ấy cơ. – Jordan giải thích. – Mà nhà anh thì ở ngay cạnh nhà anh ấy.
- À.
Jordan nói tiếp:
- Em cho rằng Gatsby có lẽ đã có ý mong chờ Daisy một đêm nào đó sẽ tình cờ đến dự một trong những buổi dạ hội ở nhà anh ấy, nhưng Daisy chưa bao giờ đến. Thế là anh ấy đi hỏi hú hoạ mọi người xem có ai quen Daisy không, và em là người đầu tiên anh ấy tìm được. Chính là trong buổi tối mà Gatsby cho người đến tìm em giữa cuộc khiêu vũ. Chắc anh đã thấy anh ấy rào đón như thế nào. Cố nhiên, em đề xuất ngay một bữa ăn trưa tại New York. Nói xong, em tưởng anh ấy phát khùng:
- Tôi không muốn có chuyện gì khuất tất, – Gatsby cứ làu bàu mãi. – Tôi muốn gặp nàng ngay cạnh nhà tôi.
Khi em nói anh là bạn thân của Tom thì Gatsby đã toan huỷ bỏ dự định. Gatsby không biết gì nhiều về Tom, tuy anh ấy bảo là đã đọc một tờ báo Chicago trong mấy năm liền chỉ cốt mong sao gặp tên Daisy.
Trời bây giờ đã tối. Khi xe chúng tôi chui qua gầm một chiếc cầu nhỏ, tôi quàng tay ôm lấy đôi vai Jordan, kéo cô ta về phía tôi và ngỏ lời mời cô ta đi ăn tối. Bỗng nhiên tôi không còn nghĩ gì đến Daisy hoặc Gatsby nữa, mà chỉ nghĩ đến con người nhỏ nhắn, rắn chắc và hèn mọn này, con người hoài nghi hết thảy mọi thứ trên đời và đang nhanh nhảu ngả người vào trong vòng tay tôi.
- Với lại Daisy cũng cần được hưởng một chút gì trong đời chứ, – Jordan thì thầm với tôi.
- Nàng có muốn gặp Gatsby không?
- Không được để Daisy biết chuyện. Gatsby không muốn Daisy biết. Anh cứ coi như là chỉ mời nàng đến uống trà thôi.
Xe chúng tôi đi qua một hàng cây tối sẫm, rồi qua mặt phố Năm mươi chín, một khối ánh sáng nhợt nhạt êm dịu hắt xuống công viên. Không như Gatsby và Tom Buchanan, tôi không có một người bạn gái nào mà gương mặt lướt qua loang loáng trên các gờ mái nhà tối đen và những dòng chữ quảng cáo sáng chói, vì vậy tôi kéo về phía mình người con gái đang ngồi cạnh tôi, siết chặt vòng tay tôi. Khoé miệng uể oải và khinh khỉnh của cô ta hé nở một nụ cười và thế là tôi kéo cô ta lại gần hơn nữa, lần này sát vào mặt tôi.
Chú thích:
(1) Kênh ở thành phố Venice (Ý) làm thành đại lộ chính của thành phố này.
(2) Tức là đã sang địa phận New York.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui