Gãy Cánh

Trời đã chuyển lạnh, cây ngô đồng trong sân trổ đầy hoa.

Thẩm Hi Quang nghịch thỏi than chì trong tay, muội than khiến lòng bàn tay anh đen nhẻm, lắng nghe âm thanh phát ra từ chiếc đài của cô gái đang ngồi ngoài sân.

Cô ta chuyển tần số liên tục, có vẻ rất bực bội vì không tìm thấy chương trình ưa thích. Radio phát ra tiếng nhiễu sóng. Cô giơ chiếc máy lên đập đập như thể làm vậy sẽ biến hóa ra cái mình muốn. Sau đó, cô ta đặt cái máy xuống bỏ đi. Nhìn đối phương đi xa, Thẩm Hi Quang liền áp sát vào cửa sổ, vươn tay ra ngoài cầm lấy chiếc máy rồi khép kín cửa.

Anh giấu radio vào dưới tấm nệm trải giường, cảm thấy rất vui vẻ. Không vì lý do gì cả, chỉ cần nghĩ một lúc sau cô ta quay lại mà không tìm thấy chiếc đài của mình thì sẽ lên cơn hoảng loạn làm ầm lên thì anh đã cao hứng.

Trong khi chờ đợi, Thẩm Hi Quang sắp xếp những bức tranh Thẩm Dã vẽ rồi lấy cuốn vở mỏng của Thẩm Miên ra xem. Anh ta có một hứng thú kỳ lạ với ngôn ngữ, hiện tại đang tự học tiếng Ai Cập. Trong vở có vẽ kim tự tháp. Hồi học tiếng Tây Ban Nha thì Thẩm Miên hay nói về Thành phố của Antoni Gaudi. Bản thân anh không hứng thú với ngoại ngữ nhưng lúc chán thì cũng học ké những ghi chép của Thẩm Miên.

Kiến thức của anh chỉ toàn những thứ lẻ tẻ, rời rạc giống như mười vạn câu hỏi vì sao, gặp thói đời nông cạn, nói được hai ba câu tiếng nước ngoài đã đủ khiến kẻ khác nể phục. Kể cũng nực cười.

Anh học ngoại ngữ đến tối, chưa có chuyện gì xảy ra.

Thẩm Hi Quang lấy làm lạ nhưng không buồn quan tâm, lấy chiếc đài ra nghịch, trong lòng có một ý tưởng ác ý là đập nát thứ này rồi ném vào phòng cô gái đó.

Anh nằm trên giường chỉnh tần số nghe vài mẩu tin tức và ca khúc rồi ngủ quên, hôm sau mới biết cô gái kia đã qua đời. Nghe nói suốt ba tháng nay, nữ bệnh nhân ấy bị mất ngủ liên tục, vỡ mạch máu não, không cấp cứu kịp nên chết vào đêm qua.

Thẩm Hi Quang có chút thất vọng. Anh không trả cái đài lại, dù sao chuyện cũng không liên quan đến mình, người ta không dùng nữa thì anh dùng. Nếu có ma thì anh còn trông chờ hồn ma của cô gái đó sẽ đến tìm mình. Anh thà chơi với ma còn hơn là học tiếng Ai Cập.

Nhưng dù Thẩm Hi Quang có mở đài suốt đêm thì cũng không có con ma nữ nào xuất hiện. Còn radio thì nhanh chóng hết pin. Anh liền nói Tần Cố mua pin cho mình.

Y nghi ngờ nhìn anh. Anh khinh thường nói: "Anh cho là tôi sẽ nuốt pin tự sát à? Tôi không ngu đến vậy."

"Tôi sẽ mua sau." Tần Cố mỉm cười: "Cậu hoàn thành bài tập đã."

'Bài tập' tại đây là những hoạt động trị liệu và các sinh hoạt trong ngày. Chức năng của bệnh viện tâm thần (hoặc 'nhà thương điên' trong cách nói dân dã) là 'giúp người bệnh tái hòa nhập cộng đồng' – nghĩa là ngoài chữa bệnh thì nơi này còn có nhiệm vụ giáo dục và hỗ trợ bệnh nhân học tập và làm việc như số đông ngoài kia. Vì vậy, các bệnh nhân sẽ được khuyến khích giao lưu và giúp đỡ nhau trong sinh hoạt thường ngày.

Khách quan mà nói, Tần Cố là một bác sĩ tương đối tận tâm, có kiên nhẫn để làm bạn với bệnh nhân hơn là đụng đâu cũng sử dụng uy quyền để sai khiến họ làm theo tiến trình được thiết lập một cách bài vở. Đối với Thẩm Hi Quang, nhiều lúc y luôn thuận theo anh với một số điều kiện hoặc bài tập được đề ra.

'Bài tập' của Thẩm Hi Quang là giúp ông lão đối diện dọn phòng. Thời trẻ lão ta là một tên bợm nhậu, về già thì bị Alzheimer* nặng, suốt ngày ngơ ngơ ngác ngác lẩm bẩm một mình, mỗi khi thấy ai lại gần thì bắt đầu hỏi: 'Cái kia là gì? Cái này là gì?'. Tính lão đần độn như trẻ nhỏ, ăn nói chậm chạp khiến người ta rất dễ mất kiên nhẫn. Lão thấy anh thì trỏ vào cái quạt trần, lầm bầm hỏi: "Kia là gì lạ quá trời?"

* Hội chứng suy giảm trí nhớ, trong đó có liên quan đến sự suy giảm trong nhận thức lẫn tư duy của người bệnh.

Thẩm Hi Quang chẳng nói chẳng rằng vơ lấy cái giẻ lau vắt trên tay ghế, định làm cho xong rồi đi. Nhưng vì lão ta cứ hỏi mãi, cái giọng léo nha léo nhéo rất khó chịu, anh tức khí vo tròn tay áo sơ mi nhét vào mồm để chặn họng lão. Lão sợ quá òa khóc, khiến điều dưỡng chạy vào.

Sau đó, Tần Cố nghe người ta tố cáo thì hết sức đau đầu. Thẩm Hi Quang khăng khăng nói là mình đã làm xong bài tập, đòi y đưa pin cho bằng được.


Thẩm Hi Quang thay pin vào đài, ngồi trên giường nghe chương trình hài độc thoại nhưng mặt mày chẳng cười lấy nửa cái. Vứt radio nói leo lẻo qua một bên, anh lại cầm cuốn vở của Thẩm Miên lên học ngoại ngữ.

Mấy năm trước lúc bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha, Thẩm Miên từng nói với anh: 'Cậu chắc chắn sẽ thích Barcelona'. Nơi đó là thủ phủ được mệnh danh là Thành phố của Antoni Gaudi* với các kiến trúc thách thức mọi ý tưởng điên rồ, thú thật thì lúc xem ảnh chụp, Thẩm Hi Quang cũng thấy thú vị. Có lẽ nếu đến đấy, anh sẽ thấy thích thật. Tuy nhiên, so ra thì anh lại thích lịch sử đẫm máu của các kim tự tháp hơn.

* Antoni Gaudí i Cornet (1852 – 1926) là kiến trúc sư thiên tài của Tây Ban Nha. Các công trình của ông đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới.

Nhưng chỉ là mơ tưởng, anh biết mình sẽ luôn ở trong 'cái hộp' này, đếm hết ngày này qua ngày khác đến dài cổ. Nhàm chán vậy nên anh mới phải tìm cách để bắt nạt người ta. Chỉ cần khiến người khác đau buồn, anh mới cảm thấy mình vẫn còn vui.

Anh lại ngủ quên mà chưa tắt radio. Đài đang phát một lateshow tạp kỹ, tiếng cười có phần nhả nhớt của host tràn ra, chất giọng ồm ồm như truyền qua ống bễ làm tim anh hồi hộp. Anh rất tức giận, vơ lấy radio ném vào tường. Chiếc máy đập mạnh, phát ra âm thanh rè rè. Tiếng cười và giọng nói đáng chết kia vẫn vang lên.

Thẩm Hi Quang càng tức hơn nữa, tuột xuống giường cầm lấy radio, tiếp tục đập máy xuống đất, vừa đập vừa không ngừng quát trong lòng: Im đi! Im đi! Im đi! Chẳng có gì vui ở đây cả! Tôi chẳng có gì đáng cười! Im đi!

Y tá ở bên ngoài nghe tiếng động, lập tức bấm chuông khẩn cấp.

Thẩm Hi Quang tỉnh dậy, bàn tay đập máy đã sưng lên được băng bó lại. Trời về hoàng hôn. Radio bị lấy đi. Sau bữa tối, Tần Cố bảo anh ra ngoài đi dạo cùng y vài vòng. Hai người nói chuyện về thời tiết, có lẽ y biết cái đài đó là của nữ bệnh nhân quá cố nhưng không nói gì.

Sang tuần sau, khi Thẩm Hi Quang đã bình tâm, Tần Cố đưa lại cho anh đài radio đã được sửa, đồng thời chỉ cho anh vài chương trình bổ ích. Anh đã bắt đầu chán cái thứ máy móc này, ném nó vào một xó rồi nằm lên giường đọc sách. Thực ra ở đây có sân thể thao nhưng anh ghét các hoạt động làm đổ mồ hôi dơ dáy người. Cuốn sách anh đang đọc là một tập thơ Tây Ban Nha, tên tiếng Anh là "Shadow of Paradise*" (Bóng tối của Địa đàng), chỗ gáy sách ghi tên tác giả đã bị ai đó dùng vật nhọn cào rách tươm, phải dán băng dính vá lại.

* Tập thơ Shadow of Paradise (1944) của nhà thơ đoạt giải Nobel Vicente Aleixandre được viết từ năm 1939, bốn tháng sau khi kết thúc nội chiến Tây Ban Nha. Nội dung diễn tả những khát vọng của con người Tây Ban Nha trong thời kỳ đen tối.

Đêm qua tuyết đầu mùa đổ, sáng dậy đã thấy từng mảng ánh sáng trắng lấp lánh đắp thành đống ngoài song cửa. Hoa ngô đồng đỏ hồng rơi trên tuyết như tấm lụa đào. Thẩm Hi Quang vừa mở cửa sổ ra thì ngẩn người trước quang cảnh này.

Trước đây chỉ mới thấy lá chuối hứng mưa dưới ánh trăng, bây giờ mới biết hoa ngô đồng rơi trên tuyết cũng là kỳ cảnh.

Ngày hôm nay anh không làm gì cả, chỉ ngồi nhìn quang cảnh này.

...

Bộ Thư quên mang khăn quàng, dựng cổ áo khoác lên để chắn bớt gió lùa vào áo trong. Bộ Chấp ngồi sau nghe điện thoại, nói toàn từ ngữ chuyên ngành khó hiểu.

Đến phòng nghiên cứu, anh hai liền móc ra hai tờ tiền giấy đưa cho cậu như bo cho tài xế xe ôm, vội vàng đi vào trong.

Bộ Thư nhìn hai tờ tiền giấy trong tay, vừa bất đắc dĩ vừa buồn cười. Đây là thói quen của Bộ Chấp, hồi xưa hễ đang chơi với cậu mà bị ai đó gọi đi thì anh sẽ cho tiền để cậu tự đi chơi. Cậu định bụng sẽ trả lại anh hai, đi loanh quanh một hồi thì ghé vào một tiệm thủ công mỹ nghệ tham quan.

Đây là một tiệm len, sản phẩm thủ công được trưng bày đều được đan móc từ len. Chất len vừa mềm vừa ấm, sợi đan đều đặn, chắc bền. Cậu sờ thấy thích không nỡ rời tay, đi qua đi lại mấy vòng thì ưng ý một chiếc áo màu nghệ, ướm thử thấy cũng vừa vặn, liền mua.

Bộ Chấp giải quyết xong việc đi ra, thấy em trai xách một chiếc túi màu hồng nhạt in thương hiệu quần áo, ngạc nhiên: "Em mua cái gì đấy?"


"Anh không cần biết." Cậu kéo cổ áo khoác, không biết nghĩ gì mà mỉm cười tủm tỉm.

...

Hoa ngô đồng đã bị gió đông quật tan tác.

Tần Cố dẫn đến một người đàn bà trên dưới bốn mươi để kiểu tóc uốn như những thập niên 85, giới thiệu với Thẩm Hi Quang: "Đây là Tiến sĩ Hà Kiều Dung, nhà trị liệu do ngài Úc tìm cho cậu. Từ giờ cô ấy sẽ hợp tác với tôi để hỗ trợ cậu."

Thẩm Hi Quang vẫn cứ nhìn cây ngô đồng ngoài sân, không mảy may phản ứng.

Tần Cố hỏi Hà Kiều Dung: "Chị xem căn phòng này có phù hợp để làm việc không?"

"Dĩ nhiên ở trong một phòng trị liệu đạt chuẩn thì sẽ tốt hơn cho tôi nhưng nếu cậu ấy thấy thoải mái hơn khi ở đây thì tôi cũng có thể bắt đầu."

Bà ấy mời Tần Cố rời khỏi, tự mình cầm giá đỡ mang vào kê trong phòng, lấy giấy vẽ trải ra lên giá rồi pha sẵn bản màu, đặt cọ vẽ, phấn màu, bút sáp... tất cả được bày ra một cách lộn xộn, đầy màu sắc hòa lẫn vào nhau. Trông như một cánh đồng hoa thu nhỏ, nhìn rất thích mắt.

"Bác sĩ Tần nói với tôi là cậu không thích bị bắt làm việc theo nguyên tắc và đồng thời là người yêu nghệ thuật. Thật may là tôi cũng đang thử một phương pháp làm việc mới, ở đây tôi sẽ không ép cậu vào một khuôn khổ gì cả, tôi sẽ không đặt câu hỏi như những nhà trị liệu khác, thậm chí tôi cũng không cần cậu nói chuyện với tôi. Có thể xem như tôi ở đây để chơi với cậu, nếu cậu không muốn chơi thì cũng không sao. Nhà tâm lý học Carl Rogers* từng nói: 'Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được là chính mình và để người khác được là chính họ'."

Cách nói chuyện của bà ấy không khác gì mấy người trước đây Thẩm Hi Quang từng gặp, kể cả tông giọng.

Anh vân vê băng cổ tay, chờ đợi bà ấy mất kiên nhẫn. Nhưng thời gian trôi qua, áng chừng đã kết thúc buổi làm việc hơn một tiếng, anh mới quay đầu lại. Không còn ai ở đó nữa, chỉ còn những họa cụ cùng với một bức tranh vẽ cây ngô đồng nở hoa ở chính giữa phòng.

...

Trước Giáng sinh hai ngày, Bộ Thư bị đau họng, không thể làm công việc phát thanh. Ở cùng phòng với cậu có hai người cùng ngành, người còn lại là một đàn anh, không rõ vì lý do gì mà hai người bạn nọ không mấy khi rủ cậu ra ngoài, chỉ có đàn anh thường thường nói chuyện tầm phào với cậu.

Nói thẳng ra thì phòng ký túc của Bộ Thư rất chán, vì vậy, cậu càng nhớ Lữ Gia hơn.

– Hôm nay có đi chơi không?

Đánh răng xong, Bộ Thư nhắn tin với cậu ấy.

Lữ Gia: Bố nói tớ trông cửa hàng, tối sẽ xin mẹ cho tiền đi chơi.


Cậu phì cười, reply: Ngoan ghê. (Xoa đầu cún con.)

Bộ Thư lấy ví tiền và di động, khoác áo, quấn khăn quàng, ngồi bệt xuống mang giày. Đàn anh giật mình dậy, cào cào tóc hỏi cậu: "Em đi đâu ớ?"

"Em đi công việc." Cậu ôm lấy chiếc túi màu hồng, đi ra ngoài.

Bộ Thư ghé qua vài hiệu sách cũ để tìm mua một món quà, nhờ người ta gói chiếc áo len trong giấy kiếng in hình nhành tầm gửi, sau đó mua một cuốn sách cũ ở nơi khác, gói trong giấy kiếng màu cam nhạt. Cậu bỏ hai món quà vào chiếc túi giấy màu hồng, đi loanh quanh trên phố mua một cái bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ kẹp thịt cừu (người bán nói vậy chứ cậu chưa từng ăn thịt cừu nên không rõ có thật chăng). Vỏ bánh giòn rụm, nước sốt đậm, ngon hết sẩy. Cậu vòng lại mua một cái nữa, vừa ăn vừa đi bộ đến ga tàu cách đây hai cây số.

Toa xe khá đông đúc, cây cối khẳng khiu hai bên đường cong xuống vì tuyết. Bộ Thư nhắn tin cho anh hai, gọi một cuộc điện thoại rồi tựa đầu vào kính, ngủ một giấc. Tỉnh dậy thì đã đến nơi, mùa đông ngày ngắn, mây chậm chạp trôi về tây. Cậu quấn lại khăn quàng, mua nước rồi bắt một chiếc taxi. Đường bị tắc, cậu ngồi nghiên cứu bao bì chai nước chán chê rồi nhìn đường.

Bộ Thư dùng ngón tay vẽ lên mặt kính bị mờ vì hơi nước. Cậu vẽ một khuôn mặt, mắt, mũi, miệng, biểu cảm khá khó chịu, rồi tự cười.

"Cháu trai là người nơi khác sao?" Bác tài bỏ cuộc với việc bấm còi, dựa vào ghế vươn vai: "Đến đây làm gì?"

"Cháu đi gặp một người quen."

"Người yêu à?" Thấy chỗ trống, bác ta dịch xe lấp vào.

Bộ Thư hơi mím môi, không trả lời.

"Hai đứa hẹn hò ở đâu?" Bác lại tọc mạch.

Cậu mỉm cười: "Đến nơi bác sẽ biết."

Tài xế taxi nhìn thấy tấm biển in dòng chữ to rõ Trung tâm Nuôi dưỡng, hỗ trợ người gặp các vấn đề về tâm thần, lập tức quay xe.

Tần Cố ra đón cậu, nghi hoặc hỏi: "Sao chiếc taxi đó lại chạy như ma đuổi vậy?"

Bộ Thư vui vẻ đáp: "Em không biết."

Y dẫn cậu vào. Bộ Thư nhìn thấy trong sân bên kia cổng sắt có vài người bệnh và điều dưỡng, y tá đang đi dạo; có hai bệnh nhân đang chơi cầu lông rất hăng say dù đập trượt liên tục; có nữ bệnh nhân đang ngồi đếm lá cây, biểu cảm khá bực dọc, đếm đi đếm lại một con số mãi.

"Cô ấy bị OCD – Rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Một rối loạn cực kỳ phiền phức. Mỗi buổi sáng, cô ấy phải cầm bàn chải lên rồi đặt xuống đúng ba mươi hai lần thì mới có thể đánh răng được. Khi nói chuyện, cô ấy phải lặp đi lặp lại một câu nhiều lần."

"Lặp từ là như thế nào?"

"Giống như nói lắp nhưng nhanh hơn. Là thế này." Tần Cố đứng lại hắng giọng, lấy hơi: "Mấy-giờ-rồi? Mấy-giờ-rồi? Mấy-giờ-rồi? Mấy-giờ-rồi? Mấy-giờ-rồi..." Với tần suất rất nhanh, nhanh đến mức ba tiếng thành một tiếng.

Hết hơi, y phải xoa xoa ngực. Vài nữ y tá che miệng cười bọn họ.

Tần Cố cũng cười: "Tôi vẫn chưa nói nhanh bằng bệnh nhân đó đâu."

"Đó là OCD." Y nói với Bộ Thư.


"Còn những người bị lo âu?"

"Người bị lo âu có tính kiểm soát rất mạnh. Họ thường là những con người trật tự, cầu toàn; họ thường tự tin vào bản thân; nhưng đôi khi có thể lên cơn hoảng loạn. Giảng viên từng nói đùa với chúng tôi rằng: các sếp rất thích nhân viên của mình bị OCD hoặc lo âu, vì những nhân viên đó luôn ôm việc vào mình và còn hoàn thành một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, những người như vậy rất khó để tận hưởng cuộc sống. Họ luôn lo lắng, làm gì cũng thấy chưa đủ, không thể cảm nghiệm được hạnh phúc đủ đầy. Nếu cậu chú ý, sẽ thấy cậu Hi Quang cũng có tính kiểm soát mạnh.

"Lừa gạt và sử dụng uy quyền trong cơn tức giận cũng là các cách để kiểm soát ai đó. Khi bệnh nhân giận dữ, chúng tôi càng phải trấn tĩnh, nếu để cuốn theo cảm xúc của bệnh nhân thì chúng tôi đã thất bại." Tần Cố đưa cậu đến phòng Thẩm Hi Quang, chỉ cho cậu chuông khẩn cấp rồi rời khỏi.

Bộ Thư đứng trước cửa phòng, đặt tay lên ngực để bình tâm lại.

Y đang nhắc nhở cậu: Phải bình tĩnh, không để Thẩm Hi Quang lôi cuốn, lừa gạt mình lần nữa.

Cậu mở cửa phòng bước vào. Đập vào mắt là một bức tranh màu đỏ căng ra trên giá đỡ. Cậu giật mình lùi lại rồi nhìn kỹ. Bức tranh đó không có nội dung, chỉ tô một màu đỏ hồng như sắc hoa đào ở chính giữa trang giấy.

"Tại sao em đến đây?" Thẩm Hi Quang không biết hôm nay cậu sẽ đến, có phần ngoài ý muốn.

Bộ Thư ngắm nhìn bức tranh: "Anh vẽ gì vậy?"

"Ngô đồng nở hoa." Anh ném radio vào góc giường, đứng dậy chỉ vào vùng giấy: "Đây là tuyết. Đây là cây ngô đồng."

"Anh vẽ cái cây đó ạ?" Cậu nhìn ra ngoài cửa sổ.

"Nó là bài tập của tôi. Tôi không biết vẽ gì, hay em vẽ thêm đi."

Bộ Thư tháo khăn quàng và áo khoác, không khách sáo cầm bảng màu và cọ lên: "Em chỉ biết vẽ hoạt hình thôi, không vẽ được cảnh tả thực như anh."

Thẩm Hi Quang dùng mũi chân đá đá chiếc túi giấy, xem cậu vẽ thêm cái gì. Cậu trực tiếp vẽ bầu trời xanh đậm đằng sau quả cầu màu hồng, điểm vài vì sao, rồi vẽ mặt đất và thân cây ngô đồng. Sau đó, cậu bắt đầu vẽ hai con người lùn tịt (vì giấy thừa không đủ) đứng dưới quả cầu hồng. Nhân vật mặc trang phục giống hai người ở hiện tại.

Bộ Thư rửa cọ rồi vẽ trên tay nhân vật giống cậu bưng một hộp quà. Nhân vật thứ hai vui vẻ nhận lấy. Cuối cùng, cậu chấm những chấm trắng làm tuyết rơi.

Ngô đồng trên tuyết, hai người bên nhau.

Bộ Thư đặt cọ vẽ xuống, cầm bút chì than viết lên khung gỗ: 25/12 là ngày gì anh có nhớ không?

Viết xong, cậu kéo túi giấy, lấy ra hộp quà in nhành tầm gửi đưa cho anh: "Giáng sinh an lành, Thẩm Hi Quang."

Rồi cậu tiếp tục lấy ra hộp quà màu cam, mỉm cười: "Và chúc mừng sinh nhật anh."

Carl Rogers (1902 – 1987) là một cái tên sáng giá trong trường phái Tâm lý học Nhân văn. Ông đã sáng lập ra liệu pháp Thân chủ trọng tâm – ngày nay, liệu pháp của ông là một trong những nguyên tắc hàng đầu của tham vấn và trị liệu tâm lý. Có một câu chuyện được kể lại trong quyển sách Nhân vị trọng tâm của Carl Rogers về chủ đề này: Một thân chủ đến gặp Rogers để tham vấn, tuy nhiên thân chủ không nói một chữ nào suốt buổi làm việc. Rogers cũng không cố gắng để giao tiếp hay bắt thân chủ nói. Ông chỉ giữ im lặng ngồi cùng thân chủ và đôi khi sẽ phản hồi bằng vài câu khi cảm thấy cần thiết. Sau khi kết thúc buổi làm việc, thân chủ đã chủ động cảm ơn Rogers và nói: 'Ông là người đầu tiên không bắt tôi phải nói mà chấp nhận tôi như thế này'.

Cùng chủ đề này, có một tích khác kể về Lão Tử: Khi nghe danh Lão Tử, Khổng Tử đã không quảng đường xa lặn lội đến gặp ông. Tuy nhiên khi Khổng Tử đến, nhìn thấy Lão Tử ngồi im. Khổng Tử thắc mắc vì sao Lão Tử không tiếp khách hay mời ông ngồi, mới hỏi ra. Lão Tử đáp rằng: 'Ta là ai mà có quyền quyết định anh đứng hay ngồi? Anh đứng hay ngồi là do anh quyết định'.

Ý nghĩa của hai câu chuyện này đều là 'tôn trọng người khác là chính họ, dù họ xấu hay tốt, ta đều chấp nhận vô điều kiện'. Đây là nguyên tắc hàng đầu của tham vấn và trị liệu tâm lý.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận