Úc Trầm để lại cho Thẩm Hi Quang một căn nhà hai tầng có ba phòng ngủ, một trong ba đã được sửa lại thành phòng vẽ; một phòng khách thông với bếp; và một thư phòng cũng là phòng làm việc.
Anh từng sống ở căn nhà này hai năm trước khi bị Úc Trầm tống ra ngoài.
Sau khi các người giúp việc lần lượt xin nghỉ thì gã cũng kệ cho anh sống một mình, chỉ thuê thêm một trợ lý để mỗi ngày đúng giờ đi kiểm tra và đưa đón anh.
Có lẽ vì hồi đó từng sống ở đây một thời gian nên khi trở về, Thẩm Hi Quang cảm thấy rất thoải mái, thoải mái hơn so với về căn hộ cũ.
Hầu hết đồ đạc vẫn còn nguyên vẹn như trong trí nhớ, anh cũng không muốn thay đổi.
Anh chưa từng mở cửa thư phòng, đó là nơi Úc Trầm sinh thời luôn cấm anh bước vào.
Không phải anh tôn kính người chết hay có tình cảm mặn mà gì, chẳng qua là chưa có hứng thú, nghe nói trong đó chỉ còn lưu trữ một số tài liệu không mấy quan trọng của công ty.
Anh không bật nhiều đèn vì lười kiểm tra điện đóm, đi về phòng ngủ lấy một bộ pijama chưa từng mặc rồi trở xuống tầng.
Trong cái tranh sáng tranh tối, Thẩm Hi Quang bắt gặp Bộ Thư đang đứng dưới cầu thang nhìn lên, tóc tai rũ rượi, áo quần ướt mỏng ướt sâu không đồng đều, đúng là bị thấm tuyết tan.
Cậu không nói dối anh.
Ánh mắt anh dịu xuống, thảy quần áo cho cậu, "Phòng tắm ở cuối hành lang."
Bộ Thư nương theo vệt sáng kéo dài từ cửa sổ tìm kiếm phòng tắm.
Bên trong ấm hơn bên ngoài, thoang thoảng mùi xà phòng thơm.
Cậu mở vòi nước nóng để rửa tay, chân và khuôn mặt lạnh cóng, rồi cởi quần áo, bước vào bồn tắm đang xả nước.
Nước dâng đến đâu, cơ thể ấm đến đó.
Bộ Thư rùng mình thở ra một hơi dài.
Chuyến này cậu đúng là nhắm mắt nhắm mũi mà đi, không xem dự báo thời tiết nên mới lôi thôi lết thếch thế này.
Tàu bị hoãn vì bão, cậu chen chúc ở trạm đến mệt bã người, vừa có chuyến thì lập tức chen vào giành chỗ, bị đẩy, bị thụi, bị bão quật.
Cuộc sống đúng là gian nan.
Đành vậy, bỏ qua nguồn tài chính từ gia đình thì cậu chỉ mới ra trường, tiền giắt túi chẳng có là bao, chi phí di chuyển là cả một vấn đề.
Cậu đã đi phỏng vấn ở ba chỗ, hiện tại đang chờ kết quả.
Công việc này là do cậu tự lựa chọn chứ không nghe theo sắp đặt của bố mẹ nên cậu rất mong là sẽ được nhận.
Chính thức đi làm là sẽ thành người lớn rồi, cậu muốn giống như chị hai, sẽ có đủ lý lẽ và căn cứ để tự quyết định cách sống của mình.
Thẩm Hi Quang đọc nửa non cuốn sách mới thấy Bộ Thư ôm vai tiến vào phòng khách: "Ôi, ngoài đây lạnh hơn phòng tắm nhiều.
Sao lạ vậy anh?"
Trong phòng chỉ bật hai ngọn đèn, không gian chìm trong cái tranh sáng tranh tối như sân khấu múa rối bóng.
Bộ Thư cũng không tính bật đèn, bộ pijama mỏng này khiến cậu chẳng hơi đâu nghĩ đến đèn đóm, chỉ muốn chui vào lò sưởi ngồi thôi.
Thẩm Hi Quang quấn chặt bản thân trong chăn, dùng ngón tay đánh dấu số trang, thản nhiên nói: "Nhà tôi âm khí nặng, nhiều cô hồn, chỉ sợ không thừa chỗ cho em."
"Em không tranh với bọn họ, em chỉ xin một cái chăn." Bộ Thư ngồi xuống dưới ghế, thu mình hết cỡ, luồn hai bàn tay vào góc chăn bị dư ra của anh.
Anh vươn tay chạm vào mang tai cậu, thấy nóng rẫy, nhưng không rõ có phải là vì tay anh đang nhuốm lạnh hay không.
Bộ Thư nghiêng đầu đặt cằm lên chân đối phương, cười khì.
Anh hỏi: "Cười cái gì?"
"Em nghĩ lại rồi, không cần chăn đắp nữa, em chỉ cần dựa vào đây thôi."
Phòng khách rất yên tĩnh, ngoài tiếng kim đồng hồ và âm thanh lật sách thỉnh thoảng vang lên thì Bộ Thư không còn nghe thấy gì nữa.
Cậu dùng các ngón tay đang dần tê cóng để lột xơ quýt.
Tiếng thở của cả hai cũng rất nhẹ, mong manh, dè dặt như tuyết đang tan trên cửa kính.
"Thẩm Hi Quang." Anh không phản ứng, cậu gọi lần nữa: "Thẩm Hi Quang."
"Cái gì?"
"Ở trong căn phòng vừa tối vừa lạnh này, nếu không nhờ nghe thấy tiếng thở của chính mình thì em còn tưởng chúng ta đang ở trong nhà xác."
Anh cười ra tiếng.
Cậu bảo: "Em nói thật.
Em sắp trở thành cá đông rồi."
"Nếu ban đầu em là một con cá thì có thể em đã vào bụng tôi trước ngày nhảy lầu."
Bộ Thư ngẩn người.
Thẩm Hi Quang nhớ lại: "Hôm trước cái ngày quyết định làm tới cùng, tôi không ăn gì cả ngoài một con cá và bị hóc một mảnh xương ở cổ.
Tôi đã mất đến hai tiếng đồng hồ để làm nó trôi đi.
Em tưởng tượng được cái cảm giác bị hóc xương đấy, không dưới một lần chỉ trong hai tiếng đó tôi tưởng bản thân sẽ chết chỉ vì một mảnh xương cá chết tiệt."
Bộ Thư đặt trái quýt lên chân anh: "Vậy vì sao sau đó anh vẫn còn ý định tự sát? Nếu là em thì đã phải cảm tạ trời đất."
"Cái ý nghĩ 'chết do một mảnh xương cá' nghe rất ngu xuẩn nhưng trong thực tế, cuộc sống vận hành không quá khác biệt so với bộ não của một con khỉ: đầy rẫy những thứ ngu xuẩn tương tự.
Hầu hết con người đều không muốn chết đột ngột hoặc chết một cách ngu ngốc, và luôn nghĩ về chuyện phải sống thế nào để ra đi một cách đáng nhớ.
Vì vậy, nếu có thể chết trước ba ngàn người thì cũng xem như là được ghi danh vào lịch sử rồi." Anh tỏ ra hời hợt.
"Nói dối.
Anh không nghĩ vậy." Cậu tách một múi quýt đưa lên cho anh: "Ngọt lắm, em thử rồi."
Thẩm Hi Quang không ăn, chỉ nắm trong tay: "Viktor Frankl* nói rằng con người được tự do hoàn toàn về tâm trí trong mọi hoàn cảnh, nếu như giác ngộ ra sự sống và cái chết của bản thân là do tôi độc lập quyết định thì mọi trách nhiệm, luân lý và đạo đức được nhồi nhét vào đầu tôi hai mươi năm qua còn có nghĩa lý gì? Khi em ra đời, có ai hỏi em muốn được sinh ra hay không sao? Khi em hấp hối, có vị thần nào sẽ hỏi em muốn chết hay không sao? Vì vậy, Chúa Trời không tồn tại.
Tất cả đạo đức, luân lý, luật pháp là do con người tạo nên.
Em và tôi đều có quyền chọn sống với chúng hoặc trở nên...!điên loạn." Anh đặt múi quýt vào giữa răng, phun ra: "Tôi thích thì tôi làm."
Bộ Thư không màng đến sự xúc phạm của anh, trầm ngâm đáp: "Chúa Trời có thật hay không thì em cũng không biết.
Nhưng Einstein từng nói rằng tình yêu là thứ lực mạnh nhất để tạo nên thế giới này*, vì vậy, cho dù không ai hỏi em có muốn được sinh ra hay không thì em vẫn tin thế giới cũng đã tạo ra em và anh bằng một phần tình yêu của nó.
Cho dù sau này nó từng bỏ quên anh thì không phải bây giờ đã có em đây sao? Tình yêu không mất đi, nó chỉ chuyển từ người này sang người khác."
Thẩm Hi Quang khinh thường cười nhạt, vỗ tay lên đầu cậu: "Bức thư Einstein gửi con gái chỉ là tin vịt, bớt tin người lại."
Nói rồi anh khoác chăn đứng dậy, bỏ cậu mà đi nhanh khỏi phòng, ngáp dài: "Tôi buồn ngủ rồi."
Bộ Thư ngồi dưới ghế sững sờ, cũng không đuổi theo, lẳng lặng xé giấy nhặt múi quýt bị anh phun xuống đất và ăn hết trái quýt còn lại.
Cậu lạnh quá, bật máy sưởi rồi ngồi xuống bên cạnh nó chà xát chân tay, ôm gối nhìn tuyết rơi tiêu điều ngoài cửa sổ...
Chiêm bao một giấc, Bộ Thư thấy cổ và vai mỏi như sắp đứt ra, hấp háy mắt trước ánh nắng của ngày mới, âm thanh máy sưởi đang chạy vẫn vang 'ro, ro', trên mình phủ một tấm chăn.
"Em tỉnh rồi à?" Anh ló ra từ trong bếp, rồi bưng một cốc nước đến, áp bàn tay sờ vào dưới cổ cậu: "Người em nóng quá, chắc là sốt rồi."
"Thẩm Miên." Bộ Thư khe khẽ gọi, thấy cổ họng hơi rát: "Lâu rồi không gặp."
"Lâu rồi cũng không gặp em." Thẩm Miên kê vành ly vào môi, chậm rãi giúp cậu uống nước: "Anh đang đun nước gừng táo đỏ để giải cảm.
Em đi rửa mặt rồi lên ghế ngồi đi, cả đêm em đã ngủ thế này rồi."
Bộ Thư uống hết nước thì gật gật đầu, đi rửa mặt cho tỉnh, để ý thấy quần áo hôm qua đã được phơi lên, thọc tay vào túi áo khoác, trống không.
Thẩm Miên rót nước gừng ra cái cốc lúc nãy, ngồi đợi ở bàn trà.
Y lại tính chạm vào dưới cổ Bộ Thư để kiểm tra nhiệt độ nhưng cậu nghiêng mình tránh đi.
Cậu uống hết nước gừng rồi cảm ơn Thẩm Miên.
Y ngồi bên cạnh nhìn theo ánh mắt cậu, không nói gì.
"Em đúng là không nhìn nhầm anh Hi Quang." Một lúc sau, Bộ Thư khẽ nói: "Anh ấy cứ quay cuồng trong đầu em, em sợ nếu không viết xuống gì đó thì sẽ không thể vơi được nỗi ám ảnh này."
Thẩm Miên đứng dậy, cúi xuống áp tay vào trán cậu, trầm giọng đáp: "Em ốm thật rồi."
Tần Cố từng kể với Bộ Thư câu chuyện về một bệnh nhân của y.
Cô gái này đến gặp y vì bị hoảng loạn, nguyên nhân gây nên căng thẳng tích tụ cho cô ấy là vì chung sống với người bạn bị lưỡng cực.
"Sống chung với người có vấn đề về tâm lý có thể rất khủng hoảng.
Thực tế, không ít trường hợp gia đình và bạn bè của bệnh nhân cũng phải đi trị liệu." Y nói: "Có một hội chứng tên là Loạn thần cảm ứng, đề cập đến việc gia đình bệnh nhân hoang tưởng sẽ bắt đầu tin vào những suy nghĩ hoang tưởng của bệnh nhân và xuất hiện các triệu chứng như một đám người hoang tưởng.
Tuy nhiên, khi tách gia đình khỏi bệnh nhân thì họ sẽ dần trở lại bình thường.
"Thẩm Hi Quang cũng được chẩn đoán có dấu hiệu hoang tưởng.
Cậu ấy tin chắc rằng 'không ai thật lòng với cậu ấy' và 'ai cũng có lý do để tiếp cận cậu ấy'.
Nói cách khác là cậu Thẩm đa nghi tới mức cực đoan.
Có thể cậu Bộ đã từng nghe về giả thuyết Hitler có khả năng mắc Rối loạn nhân cách dạng đa nghi, cậu Hi Quang cũng tương tự vậy.
Tôi sẽ không đánh giá dấu hiệu của cậu ấy là nặng hay nhẹ, nhưng niềm tin sắt đá đó là thật và cậu ấy có đủ trí thông minh để lý giải mọi tình huống theo niềm tin của mình một cách logic.
Lấy ví dụ cậu Thẩm lý giải cậu như thế nào? Cậu ấy biết thích là gì và ghét là gì.
Cậu ấy không phải là không tin tình cảm của cậu Bộ là thật.
Nhưng cách lý giải của cậu ấy là: cậu tìm đến tôi chẳng qua chỉ để thỏa mãn cái 'nhu cầu được thích' – nghĩa là đối với cậu Thẩm, cậu Bộ thích cậu ấy bất quá cũng chỉ để thỏa mãn chính mình."
Mạnh Tử nói: "Nhân chi sơ tính bổn thiện", con người vốn thiện nhưng cuộc sống khó khăn khiến ta không giữ được cái thiện của mình.
Tuân Tử lại nói: "Nhân chi sơ tính bổn ác", con người vốn ích kỷ, xấu xa nhưng nhờ giáo dục, ta mới học được cái thiện.
Ở đây cũng vậy, ta sẽ tự hỏi bản chất của tình yêu là 'không điều kiện' hay con người muốn yêu để nhằm trải nghiệm cái cảm giác sung sướng trong khi yêu?
Nghĩ mãi cũng chỉ thấy càng vô vọng, càng nản lòng.
Nản tới mức chỉ muốn cùng anh nhảy xuống khỏi cành cây ba năm trước cho rồi.
Nhưng cậu không muốn từ bỏ, không muốn dừng cuộc đua này, tối qua cậu không kịp nói với anh là: 'Tại sao chúng ta không thể tin vào một lời nói dối thiện ý chứ?'
Thông thái và điên loạn chỉ cách nhau một đường chỉ tay, sự khác biệt giữa chúng bất quá là tin hay không tin mà thôi.
Bộ Thư tỉnh dậy.
Bóng chiều xâm xẩm tràn vào phòng, cậu nằm thẳng trên sofa, chăn đắp ngang ngực, thân thể dấp dính mồ hôi, đã tỉnh hơn nhiều.
Nước gừng giải cảm của Thẩm Miên hiệu quả thật (mặc dù phần lớn chắc là do cậu khỏe).
Cậu gấp chăn, xoa cái bụng đói, ra ngoài hành lang nhìn quanh quất rồi lên lầu tìm.
Căn nhà yên tĩnh đến mức cậu tưởng chỉ có mình ở đây, thử gõ cửa từng phòng và gọi: "Đàn anh ơi?"
Cánh cửa ra ngay trước mũi làm Bộ Thư giật mình.
Thẩm Hi Quang đã thay quần áo, trên trán lấm tấm giọt mồ hôi, hỏi: "Tìm tôi?"
Hơi ấm từ trong phòng tràn ra như một làn gió nồm, anh chỉnh nhiệt độ hơi cao.
Cậu xoa bụng: "Em đói quá.
Em có thể ăn cùng với anh không?"
Thẩm Hi Quang nhìn cậu giây lát rồi ra khỏi phòng: "Ừ."
Anh rót nước uống trong khi sai bảo cậu hâm nóng thức ăn được nấu sẵn.
Tối nay có rau củ hầm, trứng ngâm tương và thịt kho đậu hũ, anh vốn ăn ít nên phần ăn không nhiều lắm.
Bộ Thư lấy áo khoác, muốn đi mua thêm thức ăn.
Nhưng anh kéo cậu lại, nói: "Mới tỉnh thì đã muốn bệnh lại để tôi chăm sóc hay sao?"
"Anh đừng lo.
Em sẽ đi mua thuốc luôn ạ."
"Em biết hiệu thuốc ở chỗ nào chắc?"
"Anh chỉ cho em đi.
Em đi nhanh rồi về."
Thẩm Hi Quang im lặng.
Anh cũng không biết hiệu thuốc ở đâu vì hầu như cái gì cũng có đủ nên anh không cần ra khỏi nhà.
Bộ Thư suy nghĩ một lúc, đoạn nói anh chờ rồi đi thẳng vào trong nhà, sau đó cầm cái áo choàng tối qua anh mặc ra.
Cậu khoác áo cho anh, cài nút, sau đó cởi khăn quàng của mình quấn lên cho anh, tiếp theo đẩy anh ngồi xuống nơi bậu cửa, lấy ủng đi tuyết ở gần đó đi vào chân cho anh.
Thẩm Hi Quang ngẩn người nhìn cậu kéo mình dậy, và nói, "Vậy thì chúng ta dứt khoát ra ngoài ăn đi.
Em mời anh, xem như là anh bù lại cho em lần hẹn trước."
Bộ Thư có thể nắm gọn những ngón tay anh trong tay mình.
Cậu không đeo găng tay, anh kéo cậu lại, nói: "Găng tay của tôi nằm trong ngăn tủ trái ngay bên cạnh em."
Cậu nhận ra đôi găng tay mình tặng anh ngay lập tức, bỗng nhiên thấy ngượng khi đeo chúng vào cho anh.
Bàn tay và ngón tay của Thẩm Hi Quang đều rộng và dài, song lại có vẻ mỏng manh.
Vóc dáng anh cũng cao ráo nhưng lại gầy quá, vì ít đi ra ngoài nên da cũng trắng quá chừng; mũi anh nhỏ, không cao và thẳng như cậu, lông mày và lông mi đều đậm.
Điểm đáng chú ý nhất là đôi mắt, tròng đen to hơn người bình thường, vô hồn như hai hố đen.
Cặp mắt này nếu nhìn thoáng qua thì sẽ thấy hơi sợ nhưng nhìn càng lâu thì càng bị thu hút.
Hình như đây là lần đầu tiên hai người dùng bữa tối với nhau.
Thẩm Hi Quang rất thu mình khi ở bên ngoài.
Bộ Thư dịch ghế lại gần để anh xem thực đơn, dịu giọng hỏi anh muốn ăn gì.
Cậu gọi, anh mới chậm chạp phản ứng, mất tận hai mươi phút để gọi món.
Bộ Thư vẫn ngồi gần anh, cố gắng khiến anh thư giãn: "Từ tối qua đến giờ em đợi mãi vẫn không thấy anh hỏi em vì sao đến đây."
Anh nhíu mày uống miếng nước thứ ba, hỏi: "Tại sao em đến đây?"
"Em cãi nhau với bố ạ.
Lần đầu tiên trong đời em cãi bố.
Những năm này bố mẹ em hầu như luôn ở nước ngoài, nhưng họ vẫn chú ý đến việc học tập của em lắm.
Ba năm nay bố em có về nước hai lần, ông về để sắp xếp công việc trong nước, sau đó thì bàn đến công việc của em.
Em không muốn bị bố mẹ sắp đặt nên đã bỏ nhà ra đi đấy ạ."
Anh nhìn cậu, vẫn nhíu mày.
"Dù không tiếp xúc nhiều nhưng em hiểu bố mẹ." Bộ Thư khẽ vuốt mũi thở dài: "Anh hai không ở nhà, chị hai thì bị thúc giục đi xem mắt, rõ ràng là bố mẹ muốn giữ em lại trông nhà.
Nhưng em không muốn bị cột chân tại một chỗ, em muốn ở gần người em thích cơ.
Vì vậy, em đã nộp đơn ứng tuyển một công việc tại đây rồi."
Thẩm Hi Quang không theo kịp mạch câu chuyện, khá nghi hoặc: "Tức là em nộp CV trước rồi mới đến đây tìm tôi?"
"Chính xác."
"Vậy thì...!nơi ở?"
Cậu định đáp thì món ăn được đem lên, liền dịch ghế về chỗ.
Thẩm Hi Quang cầm nĩa, thấy hơi lợm họng nên lại đặt xuống uống miếng nước, truy hỏi: "Em tính ở đâu?"
"Anh hai em có một người bạn đang làm việc ở đây, em sẽ dọn đến thuê chung phòng với anh ấy."
Anh chậm rãi ăn, nghĩ: Thì ra cậu đã tính toán xong rồi mới đến, nhìn thái độ lạc quan thì hẳn cậu tin mình sẽ được nhận công việc đang ứng tuyển.
Đúng là không còn trẻ con nữa.
Anh đã gặp nhiều người như cậu, và họ đều rời bỏ anh.
'Chứng bệnh' của anh đã kéo dài nhiều năm, không ai biết nó có thể kéo dài thêm bao nhiêu năm, hay anh sẽ còn tái phát thêm bao nhiêu lần.
Anh đã luôn chuẩn bị cho cái chết của mình.
Anh từng nghe từ đâu đó: Khi ta đã chối bỏ sự tồn tại của chính mình thì thế gian chẳng còn gì đáng mừng, đáng buồn, đáng được thương xót...!ngoài chính bản thân ta.
Lúc cậu hỏi anh vì sao vẫn còn muốn tự sát sau khi đã nỗ lực giành lấy sự sống, đáp án đơn giản là vì anh chẳng còn gì để thương xót mình nữa.
Bây giờ, cậu đang khiến anh bắt đầu thương hại bản thân, chỉ cần nhìn vào mặt cậu, anh đã muốn hất nhào cả bàn ăn.
Tuy nhiên, làm vậy thật nông cạn.
Bộ Thư cụng ly với anh, cười nói: "Đêm giao thừa chúng ta cùng đi xem pháo hoa nhé? Cho dù không phải anh đến thì cũng không sao, ta vẫn có thể hẹn nhau vào mùa hè, mùa hè không được thì hẹn vào năm sau, năm sau nữa.
Một năm bốn mùa, từ bây giờ em sẽ hẹn cho đến khi gặp được anh."
Anh đột nhiên cười khẩy: "Nghe chán quá.
Tôi không hứng thú."
Khi rời khỏi nhà hàng, Thẩm Hi Quang bỗng khoác cánh tay cậu.
Bộ Thư ngạc nhiên nhìn anh dựa vào vai trái của mình, bảo: "Thời gian này tôi đang rảnh.
Nếu em được nhận thì chúng ta cứ thử xem."
Anh thấp hơn một chút, cần kiễng chân lên để chạm đến môi cậu.
Bộ Thư bị đẩy lùi bước, vô thức vòng tay qua lưng đối phương.
Anh nhắm mắt, lông mi rất dày, môi rất lạnh.
Cậu ôm lấy con người này, cũng nhắm mắt lại, trong đầu hiện lên ý nghĩ: 'Tại sao chúng ta không thể tin vào một lời nói dối thiện ý?'
Chú thích:
Viktor Frankl (1905 – 1997) là nhà thần kinh học và bác sĩ tâm thần người Áo.
Ông đã sống sót sau nạn diệt chủng Holocaust và viết tác phẩm "Đi tìm lẽ sống" diễn giải những trải nghiệm của bản thân trong trại tập trung Auschwitz.
Một chính đề trong lý thuyết của Frankl là "ý chí tự do", phát biểu rằng: "Dù không thể thay đổi hoàn cảnh khó khăn nhưng ta có thể lựa chọn thái độ để đối diện với nó".
"Bức thư Einstein gửi con gái" lập luận về sức mạnh tình yêu tạo nên vũ trụ từng là một hiện tượng trong thập niên 80 của Thế kỷ XX, tuy có nguồn tin đã bác bỏ tính chân thực của tác giả nhưng giá trị nhân văn của bức thư là không thể phủ nhận..