Chương một
Xưa có một lão lang thang tên là Armand, lão chẳng chịu ở đâu khác ngoài Paris. Thế nên đó chính là nơi lão sống.
Toàn bộ tài sản của mình, lão chất cả lên một chiếc xe nôi cũ kĩ không mui mà kéo đi khắp nơi, khỏi lo gì chuyện tiền nhà hay bị đào tường khoét ngạch. Toàn bộ số quần áo rách rưới mà lão có cũng đều ở cả trên người rồi nên cũng chả cần đến rương hòm hay máy giặt khô.
Với lão Armand thì chuyện chuyển từ xó này sang xó kia thật dễ ợt, thế nên buổi sáng muộn tháng chạp ấy lão nhổ giò lên đường. Trời lạnh, bầu trời xám sà xuống tận các chóp ống khói của Paris nhưng lão Armand chẳng để ý vì trong lòng lão đang nhoi nhói một cảm giác, rằng có một điều gì đó mới mẻ đầy háo hức sắp sửa xảy đến với mình hôm nay.
Lão ư ử trong mồm một giai điệu vui và đẩy xe qua chợ hoa bên hông nhà thờ Ðức Bà. Những bông hoa nhắc lão nhớ rằng rồi mùa xuân sẽ về, dù mùa đông cũng không hẳn đã tệ.
Những chậu dạ lan hương mỏng manh cùng tulip chen chúc nhau trên giá phía trước các dãy kệ. Những bông cẩm chướng và trúc đào hồng đựng trong mấy cái xô thiếc lớn. Ở đây nhiều nhất là những bó hoa nhựa ruồi chấm đỏ, những chùm tầm gửi trân châu và những cây thông non bé nhỏ, sắp Giáng sinh rồi mà.
Cặp mắt còn tinh tường của lão Armand nhận ra một đống cành gãy với hoa héo vứt lỏng chỏng gần cái kệ có đề chữ “Anabel”.
Thế là lão bèn đưa tay lên chiếc mũ bê rê đen của mình, hướng về phía người đàn bà mập mạp mặc tạp dề xanh bên ngoài áo len.
“Xin phép bà và hết sức biết ơn lòng tốt của bà, thưa bà,” lão nói với cái bà chắc hẳn tên là Anabel ấy, đoạn nhặt những cành gãy xếp lên đống đồ của mình trên chiếc xe nôi. Sau đó lão lựa một nhánh nhựa ruồi héo và luồn vào khuyết áo rách bươm của mình. Lão muốn phải trông thật tươm tất cho điều bất ngờ vui vẻ sắp đến với mình hôm nay.
Cái bà chắc hẳn tên là Anabel chỉ sầm mặt ngó lão đẩy chiếc xe nôi về hướng Rue de Corse. Lão lê bước đẩy chiếc xe qua những tòa nhà cổ, hướng ra bờ bên kia sông Seine.
Nhưng vừa ra đến quảng trường trước nhà thờ Ðức Bà thì lão đã bị một bàn tay từ phía sau túm lấy.
“Xem tương lai đi, thưa ông,” một giọng véo von cất lên. “Hôm nay ông sẽ có một chuyến phiêu lưu đấy.”
Lão Armand buông tay nắm chiếc xe nôi và quay lại giáp mặt với một phụ nữ gypsy mặc áo lông ngắn và chiếc váy hoa dài quét đất.
Lão nhe hàm răng lưa thưa cười với bà kia. “A, cô Mireli,” lão chào. “Bọn cô trở lại Paris trú đông rồi cơ à?”
Khuôn mặt đen đúa của bà gypsy sáng lên bên dưới tấm khăn choàng xanh. “Còn có người chẳng phải bao nhiêu mùa đông rồi vẫn bám lấy Paris đó sao?” bà hỏi, cứ như một mệnh phụ. “Nhưng có việc gì mà ông ra ngoài sớm thế?”
Lão Armand nhún đôi vai bên dưới chiếc áo choàng dài gần chấm gót. "Tôi lại ra chân cầu đây," lão đáp. “Chịu hết nổi mấy cái góc đường nhốn nháo với mấy con hẻm chật chội ở Place Maubert rồi. Cả trò lượm rác bán ve chai cũng phát mệt. Tôi đã sẵn sàng cho cuộc phiêu lưu mà cô hứa hẹn rồi đây.”
Bà Mireli thông cảm lắm. “Sau những chuyến đi tự do thoải mái trên những chặng đường dài quanh co thì cái sân mà bọn tôi ở đậu đúng thật chẳng khác nào cái chuồng,” bà nói, “nhưng được cái cánh đàn ông kiếm được nhiều việc để làm trong mùa đông. Một thành phố có lắm tiệm ăn như Paris thì chả thiếu gì xoong nồi cần sửa sang. Mặc dù vậy, tất nhiên, bọn trẻ chẳng nói chuyện gì khác ngoài những cánh đồng với những cánh rừng mùa xuân.”
“Tôi không tài nào chịu nổi cái bọn nhóc ấy,” lão Armand lầu bầu. “Một lũ sáo đá. Một lũ chim con ngốc nghếch, ríu rít luôn mồm.”
Bà Mireli giơ ngón tay chĩa vào lão mà lắc lắc. “Ông nghĩ mình ghét trẻ con,” bà nói, “nhưng chẳng qua là ông sợ chúng đó thôi. Ông sợ bọn nhóc láu lỉnh đó sẽ thó mất trái tim của ông nếu chúng biết ông có một trái tim.”
Lão Armand càu nhàu nắm lấy tay đẩy của chiếc xe nôi. Bà Mireli vẫy tay chào lão, nhún nhẩy đôi chân trần xỏ dép sandal màu bạc đã sờn cũ. “Nếu ông nghĩ lại về chuyện chân cầu thì cứ đến sống với chúng tôi,” bà mời. “Bọn tôi ở phía sau Halles - ngay chỗ người ta đang phá mấy cái nhà cạnh điện Thần Diệu cũ ấy mà.”
Lão Armand nặng nề lách dưới một thân cây đen thui trơ trụi và vòng qua nhà thờ về phía bờ sông mà không thèm liếc nhìn nó lấy một cái.
Trong cái công viên xanh đằng sau hàng cột chống có mấy đứa trẻ đường phố đang tha thẩn. Hai đứa trong bọn đang chơi đấu kiếm, trong khi đứa thứ ba nhỏ hơn thì nhấm nháp một quả táo đỏ ngồi xem. Hai tay kiếm lăm lăm thanh kiếm tưởng tượng mà vờn quanh nhau. Những bàn tay chém mỗi lúc một gần, rồi cả hai cùng quên luôn thanh kiếm tưởng tượng mà cứ thế thụi nhau huỳnh huỵch.
Chúng ngừng chơi lúc lão Armand đi ngang qua. “Nhìn ông già ăn mày buồn cười chưa kìa!” một trong hai kiếm sĩ hét tướng lên.
Lão Armand ngó quanh, lão cũng muốn xem cái ông già ăn mày buồn cười kia. Hẳn lại lão hề Louis với cái mũ đen cao ngất ngưởng và cái quần rộng thùng thình đây mà. Rồi thì lão nhận ra mình chính là ông già ăn mày buồn cười mà thằng bé đang nói đến.
“Liệu hồn mà ăn nói cho đàng hoàng, đồ sáo đá,” lão đe, đưa tay sờ nhánh nhựa ruồi trên ve áo. “Không ta mách lão Cha Giáng sinh bạn ta về thói hư của chúng bay bây giờ. Lúc đó đừng có kêu là không được quà gì ngoài một bó roi giống như bó trên xe ta đây.”
Bọn nhóc có vẻ hoảng. Ở bên Pháp người ta gọi Santa Claus là Cha Giáng sinh. Ông cưỡi một con lừa xám nhỏ từ phương bắc xuống và phát quà cho những trẻ ngoan.
Ðứa bé nhất chìa cho lão quả táo đang ăn dở. “Ông ơi, ông có đói không?” nó hỏi. “Ông có muốn ăn chỗ táo này không ạ?”
Nhưng thằng lớn nhất trong bọn đã đấm tay lên trời, vẻ nhạo báng. “Dào ôi!” nó dè bỉu. “Làm gì có Cha Giáng sinh. Toàn chuyện bịa.”
“Nếu không tin lời ta,” lão Armand nghiêm giọng nói, “thì cứ vào cửa hàng Louvre mà xem. Ở ngay gác lửng ấy.”
Lão nhăn nhở cười, trông như một trong những quái vật nhăn nhở trên mấy cái đầu máng xối nhà thờ Ðức Bà. Ở đó đúng là có một Cha Giáng sinh, và đó là ông bạn Camille của lão, người vẫn thường ngứa ngáy muốn làm việc mỗi khi trời trở rét.
“Cháu tin ông ạ, thưa ông,” thằng bé có quả táo nói. “Hôm qua cháu đã thấy Cha Giáng sinh bên ngoài cửa hàng. Ông ấy đang ăn hạt dẻ rang ngoài đường.
Lão Armand nhún vai rồi vội vã quay lưng rảo bước về phía cầu. Mireli nói đúng. Trái tim lão, không lo mà giấu đi cho kỹ thì lũ sáo đá sẽ thó mất. Lão chả muốn dây dưa gì với bọn chúng. Trẻ con đồng nghĩa với nhà cửa, trách nhiệm cùng một công việc ổn định... tất cả những gì lão đã quay lưng lại từ lâu. Mà lão thì đang mong phiêu lưu.
Xuôi xuống vài dãy nhà nữa là đến cây cầu nơi lão sống khi thời tiết không quá khắc nghiệt. Và nhiều người trong số những kẻ vô gia cư của Paris mà lão thường bù khú trong mùa hè đều đã xí chỗ này chỗ kia cho mình.
“Nhưng trước tiên phải ăn tối cái đã,” lão Armand tự nhủ, mắt nhìn sang nhà hàng bên kia đường. Lão liếm ngón tay cái và giơ lên trời. “Ðúng gió rồi,” lão nghĩ.
Thế là lão tấp cái xe nôi của mình vào cạnh bức tường thấp và ngồi xuống đón làn hơi thoảng đến từ phía nhà hàng. Lão hít thật đầy vào phổi tất cả hương vị của nhà bếp. “Chà, thịt bò nướng than củi,” lão thốt lên thèm thuồng. “Nước sốt cũng đúng điệu đấy. Nhưng khoai tây quá lửa mất rồi.”
Lão Armand cứ ngồi trên vỉa hè như vậy hai giờ liền để thưởng thức mùi đồ ăn, vì đó là khoảng thời gian mà một người đàn ông Pháp cho phép mình dùng để ăn trưa.
Rồi lão điệu đàng vén tay áo lau cái miệng râu ria và đứng dậy trên đôi giầy u u của mình. “Cứ giữ tiền lẻ đi, chú bồi,” lão hào phóng nói mặc dù chả có anh bồi bàn mặc đồng phục trắng nào ở đấy cả. “Chú sẽ cần để tiêu Giáng sinh đấy.”
Lão theo bậc cấp từ mặt đường dẫn xuống mép sông Seine, thả hai bánh sau chiếc xe nôi nảy tưng tưng trên mỗi bậc. “Hơi bị no,” lão tự nhủ, “nhưng giá mình cứ lấy quáo lúc nãy thì hay. Ðó sẽ là một món tráng miệng đúng điệu sau cái thứ nước sốt ngậy như vừa rồi.”
Xuống mép sông, lão đẩy chiếc xe nôi về phía vòm gầm cầu chạy dọc bờ sông. Trên bờ sỏi có một ông đang rửa xe bằng nước miễn phí của sông Seine. Một bà mặc áo lông đang cho con chó xù nòi Pháp hóng gió. Một chiếc xà lan dài bóng nhẫy như con hải cẩu đang trôi trên sông. Ðúng là như được về quê sau một thời gian dài đi xa, lão Armand nghĩ bụng. Mà dưới một cây cầu Paris lại chẳng có thiếu gì chuyện hồi hộp nữa chứ.
Khi đến gần lão mới trợn mắt vì ngạc nhiên và tức giận. Một cái lều bạt màu xám nằm chình ình ở hốc tường xưa nay vốn là của lão. Và một cái xe đẩy kiểu trong chợ dựng ngay bên cây cột.
Lão đẩy xe nôi chạy vội trên lớp sỏi đến hốc vòm. Ðến nơi, lão hùng hổ thò tay giật tung cái lều. Thế rồi hoảng hốt nhảy lui.
“Ô là la!” lão hét toáng lên. “Lũ sáo đá! Cả ổ sáo đá!”
Bởi vì có ba đứa trẻ đang khiếp vía rúc vào cái mền rách, ngước nhìn lên bằng ánh mắt thảng thốt chẳng kém gì lão. Một con bé và một thằng bé nhủi sâu trong mền. Còn con bé lớn hơn liền nhảy phắt dậy. Nó có cặp mắt xanh ngay thẳng, rất hợp với cái cằm quyết đoán, cái mũi hếch cùng mái tóc đỏ hoe.
“Ông không được bắt chúng tôi đi,” nó hét lên, nắm tay vung vẩy. “Chúng tôi sẽ ở lại với nhau vì chúng tôi là một gia đình, mà gia đình thì phải gắn bó với nhau. Mẹ chúng tôi dặn thế.”
Chương hai
Lão Armand đang nhìn bọn nhóc trừng trừng thì một con chó lông lá bờm xờm, chắc vốn có màu trắng, băng qua bờ sỏi lao đến. Nó nhảy ngay vào giữa lão lang thang và bọn trẻ, cứ nhè lão mà sủa như điên. Lão vội vàng đẩy tới đẩy lui chiếc xe nôi che chắn giữa mình và con chó.
“Nếu cái con quái này mà cắn ta,” lão kêu lên, “ta sẽ đi thưa các người và đòi bồi thường mười nghìn franc đấy.”
Con bé gọi con chó. “Lại đây. Jojo! Thôi nào, Jojo! Ông ấy không bắt mình đâu. Chỉ là một ông già ăn xin thôi mà.”
Con chó ngừng sủa và hít hít mấy cái bánh xe chiếc xe nôi.
Lão lang thang bực lắm. “Nói cho mà biết, ta không phải ông già ăn xin vớ vẩn nào hết,” lão lên tiếng. Mà đúng thế thật. “Ta không phải kẻ thân cô thế cô, và muốn làm việc gì là ta làm được ngay. Nhưng cha mẹ chúng bay đâu và chúng bay đang trốn ai ở đây? Cảnh sát hả?”
Lão nhìn kĩ bọn nhóc. Rặt tóc đỏ, cả ba đứa, quần áo chắp vá, vẻ nghèo túng không lẫn đi đâu được.
Cặp mắt con bé lớn nhất sáng bừng một màu xanh lơ sâu thẳm. “Chủ nhà đuổi chúng cháu ra vì từ khi bố mất mà nhà cháu không có đủ tiền trọ,” nó kể. “Cho nên mẹ phải mang chúng cháu ra đây vì không còn chỗ ở nữa. Mẹ dặn phải trốn sau tấm bạt để không ai thấy, không thì người ta sẽ bắt chúng cháu đem vào nhà nuôi trẻ nghèo, không được ở với mẹ. Nhưng chúng cháu là một gia đình nên chúng cháu muốn ở với nhau. Cháu là Suzy, còn đây là Paul và Evelyne."
Thằng bé cũng đã lại hồn một chút. “Cháu mà lớn hơn tí nữa thì cháu sẽ tìm chỗ mới cho cả nhà,” nó vênh váo.
“Ta thấy chúng bay đã tìm được chỗ mới rồi,” lão Armand nói, “và đó là chỗ cũ của ta. Chúng bay đuổi ta ra khỏi nhà ta cũng hệt như bà chủ nhà kia đã làm với chúng bay vậy.”
Suzy có vẻ ái ngại. Nó kéo cái xe đẩy ra và nheo một mắt áng chừng lão Armand. Rồi nó lấy cục than mềm vẽ một hình chữ nhật dài trên nền bê tông.
“Ðây là phòng của ông,” nó nói. “Ông cứ ở đây với chúng cháu.” Ngẫm nghĩ thêm một lát, nó nguệch ngoạc vẽ thêm một hình vuông nhỏ có kẻ ô phía dưới hình chữ nhật. “Ðây là cửa sổ,” nó trịnh trọng nói, “để ông còn nhìn ra ngắm sông.”
Lão Armand hậm hự trong họng, kéo áo choàng che kín ngực như thể muốn giấu đi trái tim. Chà, con bé sáo đá này đáng gờm đây. Lão phải cuốn gói sớm thì hơn. Paris thiếu gì cầu, sông Seine chẳng chảy qua Paris ngoằn ngoèo lắm đấy sao. Tìm một cây cầu khác đâu có gì khó nhọc. Nhưng đúng lúc lão dợm bước đi thì con bé đã chạy theo tóm lấy ống tay áo rách bươm của lão.
“Ông ở lại đi ạ,” nó nài. “Chúng cháu sẽ giả vờ ông là ông ngoại chúng cháu.”
Lão Armand khịt mũi. “Này, bé con,” lão nói, “thứ nhất là triệu phú, thứ nhì là ông ngoại, đó là những việc cuối cùng mà ta muốn làm trên đời.” Làu bàu thì làu bàu vậy nhưng lão cũng bắt đầu dỡ đồ ra.
Lão chụm các thân và cành cây lại rồi vun hết lá vào. Lão lôi ra một tấm bạt dơ dáy và một cái móc sắt han gỉ, đặt cái lon sắt nhọ nhem có quai cầm bên cạnh đám lá, bày ra mấy cái dao muỗng cong queo. Cuối cùng, lão lôi ra một chiếc giày cũ đã thủng đế.
“Chưa biết chừng lại sắp vớ được chiếc cùng đôi của nó cũng nên,” lão phân trần với bọn trẻ. “Mà nó cũng vừa in chân ta.”
Bọn trẻ muốn giúp lão một tay. Ôi, cái lũ sáo đá này mới khôn chứ. Chúng thật biết cách xỏ mũi một lão già. May mà lão chẳng phải ông nội ông ngoại gì của chúng cả. Tuy nhiên, lão vẫn trải tấm bạt của mình lên chỗ hình chữ nhật mà Suzy đã vẽ.
Lão Armand nhóm lửa với chỗ cành lá khô. Sau đó treo cái lon sắt to lên ngọn lửa, lão đổ vào đó các mảnh vụn đồ ăn mà lão gói sẵn trong một miếng báo.
“Vào cái thời huy hoàng ngày xưa ở Paris,” lão bảo với bọn trẻ, “người ta thường gióng chuông ở các chợ vào lúc cuối ngày để cánh ăn mày biết mà đến lượm các thứ còn thừa. Nhưng hết rồi. Nay thì cứ phải tự đi mà lo cho mình thôi.”
Bọn nhóc nhìn lão ăn. Ngay cả con chó vốn có màu trắng cũng nhìn theo từng miếng lão đút vào miệng mà nhểu nước dãi xuống mặt sàn bê tông. Lão Armand ngọ nguậy khó chịu. “Chuyện gì?” lão hỏi gằn. “Chúng bay chưa thấy ai ăn bao giờ hay sao?” Chúng lặng thinh không nói gì, nhưng cả bốn cặp mắt thì cứ dõi theo từng chuyển động của cái muỗng trên tay lão Armand. “Ta đoán là chúng bay đang đói,” lão lầu bầu. “Lũ sáo đá cứ phải ăn luôn mồm thôi. Lấy chén bát ra đây.”
Suzy lôi từ xe đẩy ra mấy cái bát nhom nhem méo mó cùng mấy cái muỗng cong queo. Lão Armand cẩn thận chia đồ ăn, thậm chí còn tính cả phần cho con chó.
Lúc mẹ bọn trẻ về thì trời đã tối. Ánh đèn của Paris đã trôi lững lờ trên sông Seine, nhưng dưới chân cầu chỉ có ánh sáng từ đống lửa nhỏ của lão Armand. Lão không nhìn thấy rõ mặt người phụ nữ nhưng cảm nhận được cái gay gắt trong giọng nói của chị.
“Ông đang làm gì ở đây?” chị hỏi lão lang thang.
Lão Armand nổi nóng. “Tôi cũng có thể hỏi cô câu đó đấy, thưa cô,” lão vặc lại. “Mẹ con cô đã chiếm khúc cầu của tôi.”
“Cầu đâu phải của riêng ai,” người phụ nữ nói. “Ðấy là chỗ trú miễn phí duy nhất ở Paris này mà.”
Suzy cố đứng ra hòa giải. “Ông là một ông già ăn xin thân thiện dễ thương lắm, mẹ ạ,” nó nói, “ông sẽ ở cùng chúng ta.”
“Ta không phải lão ăn mày thân thiện đâu nhé,” lão Armand tức tối kêu lên, “ta là lão ăn mày keo kiệt, gàn dở, ghét trẻ con, chó và cả đàn bà.”
“Ông ghét chúng cháu,” Paul nói, “thế sao lại còn cho chúng cháu ăn cùng?”
“Vì ta là một lão ăn mày ngu ngốc,” lão đáp. “Vì ta là lão ăn mày ngu ngốc có trái tim mềm yếu.” Ô là la! Chết dở rồi. Lão đã lỡ miệng để lộ là mình có trái tim. Bây giờ thì cả cái gia đình không nhà không cửa này chắc chắn sẽ rình rập nó đây.
Bà mẹ không vui tí nào khi nghe lũ con ăn chực của lão lang thang. “Nhà ta đâu phải ăn mày,” chị nhắc chúng. "Mẹ có công việc ổn định ở tiệm giặt, thế là hơn đứt ông ta rồi."
Chị lăng xăng hâm nóng súp và cắt ổ bánh mì dài vừa mang về. Lão Armand ngồi trong cái hình chữ nhật Suzy vẽ cho, nghĩ bụng rắc rối của người phụ nữ này chính là sự kiêu hãnh, mà sự kiêu hãnh với một cuộc sống dưới chân cầu thật khó có thể đi chung với nhau.
Lửa gần tàn, người phụ nữ chạy đi chạy lại đến chiếc xe đẩy lấy ra những tấm mền bị nhậy cắn thủng lỗ chỗ để trải làm chỗ nằm trên sàn bê tông. Ngay trên đầu là xe cộ rú rít, ánh đèn phả xuống cây cầu và khách bộ hành qua lại trên phía bờ cao buông tiếng cười vẳng xuống. Nhưng tất cả dường như ở cách xa nhóm người nho nhỏ dưới chân cầu cả triệu dặm.
“Cô phải đưa bọn sáo đá vào một nhà tế bần nào đó cho đến khi tìm được chỗ ở mới cho mình, cô ạ,” lão Armand đề xuất sau khi bọn trẻ đi ngủ. “Cuộc sống như thế này không phải dành cho chúng. Nghe này, cô không muốn chúng đến nông nỗi như tôi chứ, đúng không?”
“Một gia đình thì phải gắn bó với nhau cả lúc sướng cũng như lúc khổ,” người phụ nữ đáp. “Mà tôi cũng có nhiều hi vọng. Sắp tới tôi sẽ đến chỗ chị dâu tôi. Có thể chị ấy sẽ tìm một chỗ cho chúng tôi bên mạn Clichy.”
Lão Armand nằm duỗi dài trên tấm bạt, chả cần đắp gì. Lão chịu lạnh đã quen, không còn cảm thấy nó nữa. Nhưng lão biết chắc bọn nhóc tì này thể nào cũng lạnh. Nằm trên sàn cứng mà một ý nghĩ khó chịu cứ cắn rứt lão, cứ như có con chuột đang dứt dứt dây giày. Bây giờ đã lỡ làm quen với với lũ sáo đá kia rồi, cuộc đời lão sẽ không hoàn toàn là của riêng lão nữa.
Buổi sáng mờ mờ len dần vào bóng tốt dưới chân cầu, lão Armand thức giấc thì thấy người phụ nữ đã đi rồi, còn ba đứa trẻ đang cho con Jojo ăn một miếng bánh mì cũ.
“Chúng bay vẫn còn ở đây sao?” lão hỏi. “Chẳng phải hôm nay phải đi học hay gì sao?”
Suzy lắc mái tóc đỏ. “Chưa có chỗ ở thì bọn cháu chưa đi học lại được. Mẹ bảo không khéo thầy cô sẽ hỏi đến, rồi thì người ta tách mẹ con bọn cháu ra mà đưa bọn cháu vào nhà nuôi trẻ mất.”
“Mẹ chúng bay muốn có chúng bay ở bên hơn ta,” lão nói. “Nhưng con nít thì phải đi học chứ. Liệu ta có ở đây không nếu hồi nhỏ ta đi học?”
“Ồ, cháu thích đi học lắm,” Suzy nói, đôi mắt xanh lơ sáng lên. “Cháu thích đọc với thích viết. Cháu ước lớn lên làm cô giáo. Ông coi này, có một ông trên xà lan ném cho cháu mẩu than để cháu viết thay bút chì đây này. Ước gì bọn cháu sớm được đi học lại.”
“Mình khác nhau chỗ đó đấy,” lão Armand thú thực. “Ta chưa bao giờ thích đi học cả. Nhưng ban ngày chúng bay cũng phải đi đâu đó chứ. Mẹ chúng bay không thể bắt ta trông coi chúng bay được. Ta cũng có việc phải đi nữa chứ.”
“A, thế thì bọn cháu đi với ông được không?” Suzy nài. “Bé Evelyne trông thế chứ đi bộ giỏi lắm ạ. Em ấy không mệt đâu.”
“Không,” lão Armand lo lắng kêu lên. “Không đi theo ta được đâu, đừng có kèo nhèo.”
“Ði mà, ông ăn xin, cho tụi cháu đi với,” Paul năn nỉ. “Ngồi không dưới này thì lạnh đến chết mất.”
“Ðừng vô lễ thế, Paul,” Suzy nhắc. “Nếu em không xin lỗi thì ông ấy sẽ không cho mình đi đâu.”
“Nhưng biết gọi ông ấy thế nào bây giờ?” Paul hỏi lại. “Em có biết tên ông ấy đâu.”
“Ông ơi, ông tên gì?” Suzy hỏi lão.
“Armand,” lão lang thang đáp.
“Thế còn họ ạ?” Paul hỏi gặng. “Họ của bọn cháu là Calcet.”
Lão Armand nhún vai. “Ta quên rồi,” lão thú thực. “Ta nhớ hình như Pouly hay Pougy gì đó. Ðại để thế. Gọi Armand là được rồi.”
“Hay quá, thưa ông Armand,” Paul nói. “Cháu xin lỗi vì đã gọi ông là ông ăn xin. Bây giờ ông cho chúng cháu đi với chứ ạ?”
“Chắc chắn rồi,” Suzy vội nói. “Trông ông ấy bầy hầy thế chứ trái tim ông tốt lắm. Cả Jojo đi nữa, được không ông?”
Lão Armand sờ lên ngực áo choàng, chỗ che trái tim. Ôi, bọn nhóc này đúng là đang nhắm vào nó đây, chắc chắn rồi. “Ô là la!” lão kêu lên. “Ði đâu cũng kéo theo một lũ sáo đá với một con chó thế này thì còn ra thể thống gì nữa?” lão ngán ngẩm. “Bạn bè nào chịu cho mình tụt tạt với cả đám ẩm ương này chứ?” Thế rồi một nét ranh mãnh thoáng qua trên khuôn mặt phong sương của lão. Có lẽ kéo đám nhóc tì thảm hại này ra đường cũng không đến nỗi dở đâu. Không, thật thế! Lão đã có một ý cực hay. Tất nhiên đó không phải là thứ mà một bà mẹ kiêu hãnh chấp nhận. “Mấy đứa có thích lên phố gặp Cha Giáng sinh bạn ta không?” lão hỏi bọn trẻ.
Thằng Paul bàng hoàng không dám tin. “Ông quen cả Cha Giáng sinh cơ à?” nó hỏi.
“Mẹ bảo năm nay ông ấy sẽ không đem gì đến cho chúng cháu vì không biết chúng cháu ở đâu,” con bé Evelyne nói.
“Thế thì ta đến thẳng cửa hàng Louvre,” lão Armand tuyên bố. “Cứ đến thẳng đấy báo cho ông ấy biết chỗ.”