Gia Đình Dưới Chân Cầu

Chương năm
Lão Armand cau cau có có đẩy chiếc xe nôi dọc theo bờ sông. Lão đi qua một gầm cầu nữa. Cái gầm cầu này có vẻ sâu và đầy mời gọi, lại có cả những vòng sắt rất tiện cho lão máng đồ lên. Nhưng các tàu chữa cháy của Paris lại cập ngay đấy.
“Có cháy ở đâu đó gần bờ sông là cả Paris kéo tới ngay trên đầu mình cho xem,” lão Armand lầu bầu.
Thế là lão lại lóc cóc sang nơi khác. Lão chỉ dừng lại một lần xem một ông đang kéo dây câu vì tưởng sẽ có một con cá to. Té ra chỉ là một chiếc giày ướt sũng.
“Chà, hi vọng của người ta rồi ra đều thế cả, ông ạ,” lão Armand buồn rầu bảo ông câu cá. Thế rồi lão sung sướng nhảy cẫng lên. “Cùng đôi với chiếc giày trong xe của tôi,” lão reo. “Ðúng y rồi!”
Ông câu cá gỡ chiếc giày ra và đưa nó cho lão Armand. “Ô là la, thưa ông,” lão lang thang nói, “chứng tỏ là đừng bao giờ từ bỏ hi vọng.”
Rốt cuộc lão lang thang cũng tìm được một cái gầm cầu vừa ý. Lão cẩn thận trải tấm bạt như một người đàn ông của gia đình trải tấm thảm trong ngôi nhà mới.
“Không ấm cúng bằng căn phòng con bé hoàng yến nó làm cho mình,” lão thừa nhận. “Lạ là mấy đường kẻ đen đen trên nền bê tông thế mà cũng che được gió lùa cơ đấy.”
Và đêm đó lão ngủ không yên giấc. Lão cứ nghĩ đến bọn trẻ. Chúng có đủ ấm không? Chúng có thấy cô quạnh không? Lão cố giả bộ như mình đang buồn vì cơn cớ gì khác. “Ðó là cây cầu của mình kia mà,” lão nói thành tiếng. “Cái nhà ấy không có quyền đuổi mình ra khỏi tài sản của mình. Mình phải trở lại đòi quyền của mình mới được.”
Sáng hôm sau thức giấc, lão Armand nhận thấy đêm qua tuyết nhẹ đã rơi. Lão ngồi lên, dụi mắt nhìn ra bờ sông. Chỉ qua một đêm, Paris đã chuyển thành màu trắng. Ðó là một cảnh tượng thật đẹp cho những ai đứng trong phòng ấm mà nhìn qua cửa sổ. Nhưng bọn trẻ lúc này đang làm gì? Hẳn chúng sẽ chơi trong tuyết đến chết cóng mất vì không có người lớn trông chừng.
“Mình sẽ cho họ biết,” lão hậm hự. “Mình sẽ quay lại liền bây giờ để nói cho ra nhẽ. Ðể xem có dám đuổi mình đi nữa không.”
Thế là lão hấp tấp đẩy cái xe nôi quay lại, bánh xe hằn những vệt đen ướt trên mặt tuyết. Chả có ma nào ở chỗ mấy cái tàu chữa cháy. Nhưng khi lão đến gần gầm cầu cũ thì có hai bà mặc áo lông đang đi dưới ke. Lão Armand hốt hoảng nhận thấy vết chân họ dẫn đến cái lều dựng sát tường. Lão cố bước thật nhanh. Lúc hai bà kia đi ngang, cả hai cùng ngoái sang nhìn lão.
“Một sinh linh khốn khổ đáng thương!” bà mặc áo lông đen phán một câu.
“Hẳn chúng ta có thể cứu giúp được ông ta đấy,” bà mặc áo lông nâu tiếp lời.
“Thôi thôi, đi mà cho bồ câu ăn thì có ấy,” lão Armand giễu.
Vết chân to bè của lão xóa hết dấu chân của họ trên mặt tuyết đang tan. Lão vén tấm bạt. Bọn nhóc đang khóc rưng rức.
“Có chuyện gì thế?” lão hỏi. "Vẫn còn khóc vì ta bỏ đi cơ à? Chúng bay phải biết là ta sẽ quay lại chứ."
Suzy kéo Evelyne lại gần. “Có hai bà đến đây nói chuyện với chúng cháu,” nó khóc rấm rứt. “Họ bảo đi kêu người đến.”
“Họ định đem chúng cháu bỏ vào đâu đó,” Paul quệt nước mắt nói.
“Họ còn bảo sẽ nhốt mẹ vào tù,” Suzy nức nở. “Ôi, ông Armand, ông cứu chúng cháu với. Xin ông đừng giận mẹ chúng cháu.”
Lão Armand vò vò cái mũ bê rê trên mái đầu bạc. Bây giờ thì nồi súp đã bị hắt vào bếp lửa rồi. Lão biết mấy kẻ kiểu hai bà mặc áo lông thú đó lắm chứ. Cứ nhăm nhăm cố bắt cánh lang thang phải làm việc hoặc rửa mặt rửa mũi hoặc đọc sách cơ. Giờ lại còn đi nhặt cả trẻ con nữa. Cứ phải dẹp bằng hết cái nạn bụi đời mới được cơ. Ðây thực ra không phải là việc của lão, nhưng Mireli nói đúng. Cái đám lít nhít này... Lão sụp cái mũ bê rê xuống thật chặt. Ðúng quá rồi. Mireli!
“Mấy đứa mau chất hết đồ đạc lên xe,” lão ra lệnh. “Phải chuồn khỏi đây cho nhanh. Mấy mụ kia một khi đã quyết cứu giúp những kẻ khốn cùng thì không chịu thua dễ dàng đâu.”
Rồi lão giúp bọn trẻ một tay thu dọn xoong chảo và gấp chăn mền. Lão hạ tấm bạt và trùm nó lên xe.
“Nhưng mình đi đâu bây giờ?” Suzy hỏi.
“Mẹ không biết mình ở đâu,” Paul kêu lên. “Mình không thể bỏ mẹ lại được. Mẹ là phần chính của gia đình mình mà.”
“Ta sẽ quay trở lại cho bà ấy biết mấy đứa ở đâu,” lão Armand nói. “Ta đã tìm được tổ cho chúng bay rồi.”
Lão giúp bọn trẻ kéo chiếc xe đẩy lên các bậc cấp. Rồi vì chân Evelyne bị cóng nên lão đặt nó ngồi lên trốc đống đồ của mình trên chiếc xe nôi. Lão đẩy xe qua mấy cây cầu xuống phố. Suzy và Paul đẩy chiếc xe đẩy theo sau.
“Em mà lớn,” Paul nói, “thì mấy bà đó đừng hòng hống hách như thế.”
“Mình đi đâu hả ông?” Suzy hỏi khi đã ra đến phố Rue de Rivoli. “Ðến cầu cứu Cha Giáng sinh ạ?”
Lão Armand ngoái lại. “Không cần phải nhờ đến Cha Giáng sinh,” lão nói. “Ðã có ta ở đây. Với lại ông ấy cũng đang bận lắm. Còn bốn ngày nữa là đến Giáng sinh rồi.”
“Ông sẽ báo ông ấy là chúng cháu chuyển đi chứ ạ?” Suzy lo lắng hỏi. “Nhỡ đâu ông ấy tìm được cách đem ngôi nhà đến cho chúng cháu thì sao?”
“Khỏi lo đi,” lão Armand nói. “Cứ để ta.”
Ðáng lẽ dẫn chúng đi xuôi theo phố Rue de Rivoli thì lão lại chờ xe cộ dừng và ra hiệu cho bọn trẻ đẩy xe bám sát mình. Cả bầu đoàn líu ríu băng qua đường, vừa sang đến nơi thì một chiếc taxi đã kịp té nước bẩn lên người mấy ông cháu. Nhưng họ vẫn đi, sát bên nhau.
Trước mặt họ lù lù hiện ra một nhà kho khổng lồ. Nó to bằng cả một nhà ga xe lửa, cũng đen cũng ồn ào như thế.
“Ðây là Halles,” lão Armand bảo bọn trẻ. “Ðây là chợ lớn trung tâm, nơi cung cấp toàn bộ đồ ăn cho Paris.”
Bọn trẻ rảo hẳn chân khi nghe thấy hai tiếng “đồ ăn”.
"Cháu đói," Paul nói.
“Ở Halles thì khỏi lo đói đi,” lão lang thang nói. “Ở đây mọi thứ đều bán sỉ. Nhưng một tay như ta thì đôi khi cũng xoay xở được ít đồ ăn. Ta sẽ thử xem sao.”
Bọn trẻ trông thấy cả mấy con phố ken đầy những gian kho đen xì. Giờ thì chúng phải đi đứng thật cẩn thận. Vỉa hè ngổn ngang những thùng những sọt. Còn lòng đường phủ đầy giấy rách màu đỏ, màu trắng, màu xanh.
Bọn trẻ vấp lia lịa vì cứ mải tròn mắt nhìn ngó các thứ. Những thùng trái cây và rau củ làm thành những bức tường quanh chúng. Hàng dãy dài hun hút treo đầy trên các móc những súc thịt nào bò, nào cừu, nào heo. Cánh đàn ông qua lại vác những cái sọt to đựng đầy giò heo và đầu bê.
Một ông đang nhấc một cái thùng rất to. Ông này đội một cái mũ kì dị trông chẳng khác nào một nhân vật trong hội hóa trang.
“Ai thế hả ông?” Suzy chỉ ông ta và hỏi. “Sao ông ấy lại đội cái mũ buồn cười thế ạ?”
“Ðó là một trong những người mạnh nhất,” lão Armand đáp. “Ông ta hết sức tự hào với cái mũ đó vì đội nó thì người khác biết ngay một lần ông ta vác được cả hơn hai trăm cân.”
“Ông có vác được thế không?” Paul hỏi.
Lão Armand nhún vai. “Ô là la! Chưa biết đâu,” lão nói.
Họ vội vã đi qua những chiếc xe tải đâu đuôi vào vỉa hè và các dãy bàn nơi người mua người bán đang ngã giá.
Lúc ra đến con phố phía sau Halles, lão Armand gặp rất nhiều bạn cũ. Những người đàn ông và đàn bà rách rưới đang nhặt nhạnh các thứ rau quả cũ bị vứt ra rãnh nước.
“Chào Charlot.” Lão vẫy tay chào một ông mắt mũi kèm nhèm mặc bộ đồ túm lại với nhau bằng kim băng. “Chào buổi sáng, Marguerite,” lão chào một bà mặc đồ đàn ông. “Có tìm được viên kim cương nào trong thùng rác không thế?”
Rồi lão vấp phải chiếc xe đẩy bằng sắt sáu bánh do một ông đội mũ cao và mặc quần lụng thụng đẩy qua. “Ơ kìa, có phải Louis không,” lão thốt lên. “Ðang kiếm tiền để thuê cái hầm chuột chũi ngoài Place Maubert đấy hả?”
Lão Louis cười móm mém. “Tôi có thể kiếm việc cho anh hôm nay đấy, người ta cần thêm người đẩy xe. Lúc nào cũng cần cả.”
Lão Armand đi tiếp. “Thì tôi đang đẩy đây,” lão nói. “Mà anh không thấy tôi cũng có khối đứa đẩy cùng đây à. Chào nhé.”
Bọn trẻ không muốn rời Halles tí nào. Chúng thích sự ồn ào và nhộn nhịp.
“Nhiều đồ ăn thế kia,” Suzy nói, “ông không nghĩ người ta có thể chia cho mình một ít ạ?”
Họ tiếp tục đẩy xe ngang qua nhà thờ St. Eustache rồi vào một con phố lổn ngổn toàn xe đẩy. Cứ như thể cái chợ khổng lồ đã làm chảy tràn ra con phố này những dòng quầy cá và thịt dọc hai bên vỉa hè.
Paul dừng lại, nhìn vào cửa sổ một tiệm cà phê có những con chim sặc sỡ của Nam Mỹ nhồi rơm đứng làm dáng trước các bao tải cà phê hạt để mở.
Mặt đường trải nhựa kết thúc khi phố Rue de Montorgueil nối vào phố Rue de Petits Carreaux. Giờ thì họ đi trên những viên sỏi lát đường, nhỏ đến nỗi trông cứ như tranh ghép.
Lão Armand giữ chúng lại khi đến ngang một tòa nhà có ba cái đầu Ai Cập đen trổ ra phía trước. Lão trỏ vào cái ngõ hẹp vòng vèo.
“Ðây là một phần của điện Thần Diệu cổ đấy,” lão nói. “Ở Paris ngày xưa, cánh ăn mày tụ tập hết ở đây, chả ai dám làm gì họ cả.”
Lão dẫn bọn trẻ vào một con ngõ cổ với những cửa hiệu tối tăm.
“Sao người ta lại gọi là điện Thần Diệu hả ông?” Suzy hỏi.
“Bởi vì cái cách đám ăn mày rởm ấy tối tối về đây bỏ nạng bỏ băng ra,” lão Armand giải thích, “bắt đầu mở tiệc vui chơi. Ðó chẳng phải giống điều thần diệu sao. Thậm chí họ còn bầu ra vua của mình nữa kia.”
Bọn trẻ thất vọng nhìn thấy lưng của một cái ga-ra to và một vài gian kho nhỏ tối tăm nữa ở nơi vốn là cung điện của đám ăn mày.
“Cháu cá ông sẽ là vua nếu họ còn sống ở đây,” Paul nói.
Lão Armand thở dài. “Ô là la! Những ngày xưa huy hoàng,” lão nói, cứ như chính lão đã từng sống ở đó và bây giờ hồi tưởng lại vậy.
Cả đám rời khỏi điện cùng những ký ức ngang tàng của nó. Họ đi qua lối vào của những nhà trọ đổ nát. Ở mỗi nhà họ vẫn có thể lờ mờ nhận ra vệt cầu thang nghiêng ngả, chỉ rộng vừa đủ một đứa bé chui lọt, uốn quanh lên những gian sảnh tối phía trên hoặc một gian phòng trên tháp ma thuật - biết đâu đấy? Nhìn lên một cửa sổ cao bên kia đường, họ thấy một bà già kỳ lạ đang phơi đồ trên những sợi dây căng ngang cửa sổ. Và đồ bà ta phơi là sáu chiếc quần màu đỏ cùng áu đôi găng tay dài màu đỏ, cứ như bà là vợ của Cha Giáng sinh vậy.
Cuối cùng họ ra đến một góc trống được rào lại bằng ván gỗ. Bên trên sừng sững các mảng tường của những tòa nhà đang bị phá dỡ dần từng tầng một. Những bức tường cao lởm chởm còn sót lại giống như những vách núi đá. Trên vài mảng tường người ta còn có thể nhận ra những gian phòng trước đó nhờ các ô giấy dán tường bạc phếch.
Mấy ông cháu nghe thấy tiếng đập phá ầm ầm bên kia hàng rào chứng tỏ công nhân vẫn đang bận rộn với công việc phá dỡ. Nhưng khi lão Armand dẫn bọn trẻ qua hết khoảng trống thì chúng trố mắt ngạc nhiên.
Khoảnh sân cát đầy những lều tạm. Hai chiếc xe hơi tàng tàng đang đậu lẫn trong đó. Mấy người đàn ông da sậm màu đang vây quanh một đống lửa, dùng búa gõ những cái nồi cũ. Những phụ nữ mắt đen mặc váy sặc sỡ bết cát ướt. Lũ trẻ với vẻ mặt cáo hoang nhìn họ chằm chằm. Năm con chó tiến về phía họ sủa râm ran dọa dẫm.
Chưa kịp định thần thì Jojo đã nhảy xổ vào đám chó, tạo nên một đám hỗn loạn di động những lông và tiếng gầm gừ. Thế rồi một bà gypsy cầm gậy chạy đến vụt cho đám chó một trận, không cần biết trúng đâu. Chúng thôi đánh nhau, hực lên vì đau và sợ. Lão Armand tóm lấy Jojo và kéo nó lui lại. Bà gypsy quăng gậy, nói với lũ chó bằng một giọng trầm mượt mà. Chúng rên rỉ một chút rồi hít ngửi Jojo ra chiều thân mật, như thể chúng vừa mới được giới thiệu với nhau đàng hoàng rồi vậy.
“Armand,” bà Mireli kêu lên. “Xin chào mừng ông bạn già. Có vẻ như ông định sống ở đây với bọn tôi ít lâu.” Bà nhìn sang bọn trẻ. Paul và Evelyne sợ sệt nép ra sau lưng lão lang thang. “Chào các nhóc,” bà tiếp. “Các cháu sẽ không thấy đơn độc ở đây đâu. Ta sẽ kiếm cho các cháu thứ gì đó để ăn.” Bà bế Evelyne từ trên xe nôi xuống.
“Bọn tôi cũng không đến tay không,” Lão Armand đáp lời. Lão lôi các thứ từ trên xe nôi xuống. Ðầu tiên là một mớ cần tây. Tiếp theo là mấy quả táo. Cuối cùng lão trịnh trọng giơ lên một cái đầu bê.
Lão thấy bọn trẻ nhà Calcet ngạc nhiên nhìn chỗ đồ ăn, cứ như lão là một ảo thuật gia biết lôi các thứ ra từ cái mũ. “Không hiểu làm sao mấy thứ này lại rớt vào xe nôi của ta,” lão bảo chúng. “Nhất là có cả Evelyne ngồi trên nữa mới hay chứ. Chắc ta va vào cái gì ở chợ Halles đây thôi.”
Bọn trẻ gypsy xúm lại quanh bọn trẻ nhà Calcet. Bọn con trai mặc quần dài, chả đứa nào có áo khoác. Mấy đứa con gái nhỏ thì mặc váy lòe loẹt dài sát đất bên trong những chiếc áo choàng rách rưới. Mái tóc dài của chúng xén ngang trước trán, ngay bên trên cặp mắt hạt cườm. Nhưng chúng lại nghĩ rằng bọn trẻ nhà Calcet trông mới kì cục. Chúng chỉ vào mái tóc đỏ của Evelyne. Chúng sờ chiếc áo dài vải thô màu tối của Suzy rồi lại sờ vào mớ giẻ sặc sỡ của mình.
“Quần áo các cậu sao trông buồn thế,” một con bé gypsy nói, “nhưng tóc cậu thì vui.”
Một người đàn ông gypsy buông búa và chào cả bọn cũng nhiệt tình chẳng kém gì Mireli. “Trong trại của chúng tôi không phải một mà cả mười người nữa cũng có chỗ ở,” ông ta nói. “Bác ở cùng Petro nhé, Armand. Cậu ta đang nằm trên giường trong đó. Cậu ta không ưa lạnh, thành ra cứ ngủ suốt mùa đông.”
“Cho bọn con gái ở trong xe với chúng cháu, ông nhé?” một con bé gypsy tầm tuổi Suzy hét lên. Quần áo của nó màu sáng nhất đám, nó còn đeo cả khuyên tai, nhưng đôi giày cao cổ thì kêu lộp độp như đôi bốt vì không có dây buộc.
“Còn cậu có thể ở cùng lều với bọn này,” một thằng bé cao lớn rủ Paul. “Lều của bọn này ở sát vách lò nướng bánh nên vừa ấm lại vừa thơm.”
Con bé gypsy cầm tay Suzy. “Tên tớ là Tinka,” nó nói. “Còn cậu tên gì?”
“Tinka,” Suzy lặp lại. "Tên cậu đẹp thế! Tớ là Suzy Calcet, đây là em trai tớ, Paul, và đây là em gái út của tớ, Evelyne. Bọn tớ không có nhà ở."
“Ðể tớ đưa cậu đi xem nhà bọn tớ,” Tinka đề nghị. “Cả Paul và Evelyne nữa.” Con bé dẫn mấy đứa nhà Calcet đi xuyên qua các dãy lều. Ở góc xa là nhà của Tinka. Lũ nhóc tóc đỏ nhà Calcet há hốc mồm khi trông thấy. Ðó là một ngôi nhà nhỏ có mái vòm, cửa lớn và cửa sổ màu nâu chạm khắc. Ðáng lẽ đứng trên mặt đất đất thì ngôi nhà này lại có những bánh xe.
“Ngôi nhà gypsy trên bánh xe,” Paul thốt lên. “Rồi, đó chính là loại nhà mà em muốn có.”
“Bọn tớ có thể đưa nhà của mình đi đâu tùy thích,” Tinka hãnh diện nói. “Chỉ cần móc nó vào đuôi chiếc xe của chú Nikki là xong.”
Cặp mắt Suzy sáng bừng lên như ánh lửa xanh. Nó nhéo tay Paul. “Con lừa nhỏ của Cha Giáng sinh có thể đem cái nhà trên bánh xe đến cho chúng mình rồi,” nó kêu lên. “Kéo đến là được mà.”
“Phải báo ngay cho ông Armand,” Paul nói. “Ðể ông còn nói lại cho Cha Giáng sinh biết quyết định của bọn mình.”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui