Chương chín
Chị Calcet là người sửng sốt hơn cả khi nghe nói lão Armand tính kiếm công việc ổn định.
“Tôi không thể để ông làm thế được,” chị nói. “Như vậy bất công quá.”
Trong mấy giây lão Armand đã nhất trí với chị về điểm đó. Ô là la! Tự dưng nhảy ra đi làm sau chừng ấy năm lè phè! Nhưng còn lũ trẻ với ánh mắt khẩn cầu kia nữa.
“Đó là điều công bằng nhất Paris này,” lão Armand cãi, phần nào là với chính mình. “Ta sẽ chung tiền thuê nhà, còn lại thì để ăn. Cô nấu cho tôi ăn và dành cho tôi một xó để ở. Bảo Suzy nó vẽ trên sàn ấy.”
“Nhưng ông không phải giúp chúng tôi,” chị Calcet nói. “Chúng tôi chả phải bà con họ hàng gì của ông cả.”
Bọn trẻ lại nghĩ khác.
“Ông ấy là ông của bọn con mà,” Suzy kêu lên.
“Bọn con chỉ có mỗi ông ấy là ông thôi,” Paul nói.
“Ông ơi, ông ơi,” Evelyne ngâm nga.
“Tôi có phải đi xin cho bọn cháu tôi nữa không đây?” Lão Armand hỏi chị Calcet. “Nói thật với cô, tôi đã bắt đầu thấy xấu hổ với trò xin xỏ rồi. Nó làm người ta mất đi lòng tự trọng.”
Chị Calcet đành phải chịu thua. Có quá nhiều thứ chống lại chị.
Và một khi đã chịu rồi thì chị trở nên rất thực tế.
“Nếu ông định đi tìm việc,” chị nói, “thì ông phải trông thật đàng hoàng đĩnh đạc. Người đi xin việc là phải trông hết xảy mới được.”
“Nhưng tôi biết làm thế nào bây giờ?” lão Armand hỏi lại.
“Trước tiên ông phải đi tắm,” chị bảo.
“Đi tắm!” lão Armand hoảng hốt kêu lên. “Trời này mà tắm hả?”
“Ở trong lều sẽ đủ ấm vì nó nằm sát vách lò nướng bánh,” chị nói. “Tôi sẽ nhóm lửa đun nước cho ông. Rồi ông tự dội lấy mà tắm.”
“Thế này thì ta phong thấp đến chết mất,” lão cằn nhằn.
“Ông sẽ trở thành một người mới,” chị hứa hẹn. Ngay cả trong lúc lão tìm hết cớ này đến cớ khác để thoái thác, chị vẫn nhóm lửa và ra vòi nước ngoài phố xách nước về. “Nào, xong rồi,” chị nói khi nước đã sôi. “Đây là lúc ông dùng bánh xà bông hồng rồi đấy. Tôi tặng ông không phải để ăn đâu.”
Thế là lão Armand đành phải xách nước vào lều, miệng vẫn càu nhàu không ngớt. “Lại đây, Jojo,” lão kêu con chó. “Tao mà rớt miếng xà bông thì cho mày tha hồ đuổi.”
“Ném quần áo của ông ra đây,” chị Calcet nói vọng vào. “Suzy với tôi sẽ cọ sạch các vết bẩn rồi vá lại những chỗ thủng và rách cho.”
Chị bắt tay vào xử lí mớ quần áo cũ của lão Armand. Chị phơi chúng lên hàng rào và đập bụi. Chị cùng Suzy gột càng sạch càng tốt những vết ố bẩn. Evelyne cũng tìm được việc để làm là chải lại cái mũ bê rê tả tơi của lão.
“Và ông ấy có thể mang đôi giày cất trong xe nôi,” Paul nói. “Đám gypsy với con đã sửa lại cái đế bằng đồng lá rồi, ông ấy tha hồ mà ngạc nhiên.”
Họ có thể nghe thấy tiếng xuýt xoa rên rỉ từ trong lều vẳng ra. Rồi cả tiếng Jojo rên ư ử.
“Ồ, không khéo ông cháu lại hắt nước sôi lên người thì nguy to,” Suzy nói.
“Không khéo Jojo lại ăn miếng xà bông mất rồi,” Evelyne nói.
Thế rồi họ kinh ngạc nhìn thấy một con vật lạ lùng thất thểu từ trong lều bước ra. Nó ướt lướt thướt nhưng trắng lóa cả mắt. Đó chính là Jojo, có điều hình như mới bị rớt vào hũ bột.
Suzy tóm ngay lấy nó trước khi nó kịp lăn trên cát. “Nó màu trắng này, mẹ!” con bé ngạc nhiên reo lên. “Nó đúng là một con chó trắng.”
Con bé lấy một miếng giẻ sạch và lôi con chó đến bên đống lửa. Nó lau tới lau lui cho con chó thật khô. Bộ lông dài của Jojo bồng bềnh như tơ.
Còn Evelyne thì cứ ngơ ngác hỏi “Jojo đâu rồi? Jojo đâu mất rồi?”
Paul mang quần áo và giày vào cho lão Armand. Khi ông lão từ trong lều bước ra thì trông cũng lạ chẳng kém gì Jojo. Giống bộ lông con chó, bộ râu quai nón của lão cũng trắng và tơ. Mà lão cũng có vẻ sượng sùng.
Suzy có vẻ khoái hàm râu của lão. “Để cháu tỉa râu cho ông,” nó đề nghị.
Lão Armand ngoan ngoãn ngồi xuống tấm bê tông và Suzy lấy cái kéo của mẹ ra bắt tay vào việc. Nó nhắp kéo, cắt cắt, tỉa tỉa.
“Cháu cắt lẹm mất một miếng ở giữa,” con bé nói, “vậy nên đành phải làm lẹm luôn hai miếng cho cân.” Nó chú mục cắt thêm mấy nhát. Nó xoay hết bên này sang bên kia, vừa xoay vừa cắt. Cuối cùng cũng thấy hài lòng.
“Trông ông rất oai,” chị Calcet thán phục nhận xét.
“Cứ như tài tử điện ảnh,” Suzy tấm tắc đế theo mẹ.
“Việc gì ông lại phải ăn mặc đàng hoàng như thế để xin một chân đẩy xe ở chợ Halles chứ?” Paul hỏi. “Trông người ta đâu có thế.”
“Chà chà chà!” Lão Armand lên giọng. “Cháu tưởng ta thèm làm những việc thấp kém như vậy hay sao, hả?”
“Ông định làm cảnh sát ạ?” Evelyne hỏi.
“Ồ, không,” lão đáp. “Cháu không nhớ Cha Giáng sinh bạn ta nói có ông nào đó cần người gác đêm à? Đó chính là công việc dành cho ta. Cả ngày nghỉ ngơi rồi tối đến lượn vài vòng quanh một tòa nhà nào đó. Mà một khi đã huấn luyện được Jojo rồi thì ta chả phải làm gì hết.”
“Nhưng nếu thế thì ban đêm chả ai nhìn thấy ông cả,” Suzy thất vọng. “Người ta sẽ không thấy bộ râu sành điệu của ông mới tiếc chứ.
Lúc đi qua chỗ mở ở hàng rào, nghĩ đến chuyện đó lão Armand lại bật cười. Rồi lão ngoắc Jojo. “Lại đây nào, nhóc,” lão gọi. “Một phần công việc đó là của mày đấy.”
Lão chậm rãi đi về phía cửa hàng Louvre. Cái đế giày bằng đồng nện lách cách xuống mặt sỏi và nhựa đường. Lão không muốn vội đi làm tí nào. Lạy trời, không! Có thể lão sẽ đổi ý vào giây phút cuối cùng.
“Nào, tên cái ông đang tìm người gác là gì ấy nhỉ?” lão hỏi Jojo. “Hừm! Hừm! Camille đã không còn ở đấy nữa rồi. Ngài... ngài... A, nhớ rồi. Latour! Ngài Latour!”
Tiếng chân lão gõ nhanh hơn, còn con chó có bộ lông trắng bồng bềnh thì chạy theo bên chân lão.
Phố Rue de Rivoli lại tấp nập như tổ ong. Mấy người này vẫn chưa mua đủ những thứ mình cần cơ à? Nhưng những trang trí Giáng sinh thì đã bị dẹp hết. Bây giờ cánh hàng rong đang rao bán Năm Mới.
Lão Armand đỡ Jojo qua cánh cửa kính mà cửa hàng rất hãnh diện. Lão bước đến trước một cô bán hàng.
“Ngài Latour có đây không ạ?” lão hỏi.
“Ông ấy đang ở trên gác lửng,” cô kia đáp. “Ồ, không. Ông ấy xuống đây rồi. Ngài Latour! Ngài Latour!”
Lão Armand quay lại và mặt đối mặt với gã trực tầng kênh kiệu. Ý nghĩ đầu tiên của lão là chụp lấy con Jojo mà chạy trở lại qua cánh cửa kính ra ngoài. Nhưng ngài kênh kiệu kia lại không nhận ra lão.
Lần hồi rồi lão Armand mới mẻ cũng nói được ra lời. “Ông Camille làm việc ở đây dạo Giáng sinh có nói với tôi rằng ngài đang cần tìm một người gác đêm, thưa ngài,” lão lên tiếng.
Ngài Latour vỗ trán cố nhớ lại điều gì. Ngài cứ phân vân nhìn lão Armand chòng chọc.
“Ồ, phải, một người bạn muốn có ai tin cậy được trông coi tòa nhà của ông ấy,” ngài đáp. “Nhưng hình như tôi đã gặp ông ở đâu rồi thì phải? Mặt ông trông quen quen.”
“Có lẽ ta cùng xem một buổi hòa nhạc,” lão Armand nói. “Vậy bạn ngài đã tìm được người chưa ạ?”
Ngài Latour vẫn không thôi nhìn lão. Ngài trông thấy Jojo. Mặt ngài rạng ra. “Hình như tôi đã nhớ ra rồi,” ngài nói. “Đó là một buổi thi chó ở đâu đó.”
“Có lẽ vậy,” lão Armand đáp. “Jojo đã giành nhiều dải băng xanh ở đấy rồi. Nhưng mà công việc...”
“Ừ nhỉ,” ngài Latour nói. “Để tôi ghi địa chỉ cho ông. Cũng không xa đây lắm. Đến hỏi ngài Brunot!”
Ngài lấy một cái bao gấp nhỏ trên quầy và bay bướm viết địa chỉ. Ngài đưa nó cho lão Armand. “Ngay gần phố Rue de l’Opera ấy,” ngài nói.
Lão Armand nhét cái bao vào túi rồi vội vàng ra khỏi cửa hàng kẻo tay trực tầng sực nhớ ra. Lão băng qua đường, đi qua dãy cột của Theatre-Francais với những bức tường và trụ đỡ bám đầy bụi. Lão nhìn ra quảng trường, nơi những cây tiêu huyền thì trơ trụi còn hai đài phun nước thì cạn khô.
“Chỗ này sang xuân mà để ta ngả lưng thì tuyệt cú mèo,” lão bảo Jojo. Ngay từ giờ lão đã mường tượng ra hàng cây xanh tươi và tiếng nước phun rồi.
Một bà mặc áo lông, mũ gắn lông chim đang đi dạo trên phố Rue de l’Opera với một con chó xù. Con chó xù khoác áo choàng kẻ ô màu xanh với những chiếc giày cổ lông. Nó dừng lại hít ngi Jojo như muốn nói, “Mình đã gặp nhau ở buổi thi chó nào chưa ấy nhỉ?” Nhưng bà kia đã lôi tuột nó đi.
Lão Armand đi trên phố Rue de l’Opera một cách hiên ngang vì đôi giày của lão phát ra tiếng kêu khác thường. Hai bên là những cửa hàng thời trang với những quầy kính trang trí để câu khách giàu. Ngay cuối đường là rạp hát opera kì vĩ với mái vòm xanh dương, cùng những pho tượng tuyệt tác trên nóc.
Lão Armand rút cái bao ra xem. Rồi lão quẹo vào ngay nhánh rẽ tiếp theo. Đó là một con phố hẹp, kín đáo và các cửa hàng hai bên khiêm tốn hơn hẳn các cửa hàng ngoài đường Rue de l’Opera.
Lão đọc con số trên cái bao. Lão so nó với con số trên mái vòm bằng gỗ của một cánh cổng xiêu vẹo.
Lão bước vào một khoảnh sân lát gạch tồi tàn. Nó bị vây bọc giữa những bức tường trống của ba tòa nhà cao. Qua năm tháng chúng được dặm vá bằng những viên gạch khác màu. Một bức tường cũ và xập xệ đến nỗi phải chống bằng các cột gỗ lớn. Thẳng từ cổng vào là một bức tường thấp được chia thành những gian hàng nhỏ thậm chí còn tồi tàn hơn cả ngoài con phố nhỏ kia nữa.
Và không xa lối vào là một gian nhỏ gắn kính xây ốp vào tường. Có hai ông từ trong đó đi ra. Một ông đi qua gian hàng chào bán linh kiện radio cũ. Ông kia, một người cao lòng khòng đeo mắt kính, thì tiến thẳng về phía lão Armand.
“Ông có thể cho biết ông Brunot ở đâu không ạ?” Lão hỏi, tay giật vội cái mũ bê rê trên đầu xuống.
“Ông đang nhìn ông ấy đây,” ông kia trả lời pha chút dí dỏm.
Thế là lão Armand mới đưa cho ông kia cái túi có ghi địa chỉ và giải thích mục đích của mình. “Tôi muốn được làm công việc gác đêm, thưa ông,” lão nói, “nếu chỗ đó còn trống. Mắt tôi tỏ như mắt mèo trong đêm tối vậy.
Ông kia sửa lại. “Không phải chúng tôi cần người gác đêm,” ông nói, “mà cần người trông coi mọi thứ cơ. Ông biết đấy, một người đáng tin cậy để giao chìa khóa cho khách thuê, phân phát thư báo và đổ rác hàng ngày.”
Lão Armand chớp chớp mắt. Rõ ràng đó không phải là thứ lão nhắm đến. Công việc này xem ra cũng phải động tay động chân mất rồi.
Ông Brunot nhận thấy vẻ do dự của lão. “Thực ra chúng tôi cần một người có gia đình,” ông nói.
Câu đó lập tức đưa lão Armand trở lại với hoàn cảnh của mẹ con nhà Calcet. “Ồ, tôi cũng có gia đình, thưa ông,” lão nói. “Ba đứa trẻ và mẹ chúng. Ông phải trông thấy mấy đứa cháu của tôi mới được. Không khéo chúng lại thó mất trái tim ông đấy.”
Ông kia có vẻ hài lòng. Thậm chí ông còn gãi tai Jojo. “Cả con chó nữa,” ông kia thêm vào cho đủ gia đình của lão Armand. “Tên ông là gì nhỉ?”
“Armand Pouly,” lão Armand đáp ngay không chút bối rối. “Mà tôi chẳng phải là đứa ngại việc đâu.”
“Công việc cũng không phải vất vả gì,” ông Brunot nói, “có điều cũng tù túng. Chính vì thế mà người làm trước mới bỏ đấy.”
“Ồ, tôi cũng bị gia đình cầm tù rồi,” lão Armand nói.
“Mà lương cũng thấp,” ông Brunot nói thêm, “nhưng đó là vì tính cả tiền nhà vào nữa.”
“Có nhà nữa à?” lão Armand ngẩng phắt lên hỏi.
“Ngay phía sau cánh cửa này thôi,” ông kia nói. Ông dẫn lão Armand vào gian phòng gắn kính và đi xuống cầu thang. Ông mở một cánh cửa khác. “Ba phòng,” ông nói tiếp. “tất nhiên là nhỏ thôi, cũng hơi thiếu ánh sáng, nhưng được cái khô ráo và trong bếp có nước máy.”
Ông Brunot bật ngọn đèn tù mù và lão Armand lần lượt xem xét từng phòng, cứ như lão đặc biệt kĩ tính trong chuyện gia đình của mình sẽ sống ở đâu.
Sơn trên tường đã bong và vài món đồ gỗ đã sờn đến tận lõi. Trong bếp thì lò bị rỉ sét, còn tấm nhựa lót sàn đã có nhiều chỗ rạn nứt và bạc phếch. Nhưng nhìn một hồi thì các phòng dường như biến đổi ngay trước mắt lão.
Cứ như có phép màu, những bức tường sáng hẳn ra trong lớp sơn mới. Những tấm rèm đăng ten hiện trên các khuôn cửa sổ nhỏ cao. Lão cẩn thận đặt bước như thể để khỏi làm xô những tấm thảm dệt sẽ thay thế cho lớp nhựa lót sàn.
Mặt bàn nứt nẻ biến mất bên dưới lớp khăn kẻ ô. Suzy đang ngồi ở đó học bài. Bếp lò reo lách tách khi chị Calcet đứng đó khuấy nồi súp. Còn đằng kia thì Evelyne đang leo lên chiếc ghế cao nhìn ra cửa sổ. Paul đang chơi với Jojo ngoài sân.
“Không phải các bức tường và đồ đạc làm nên một ngôi nhà,” lão Armand bảo ông Brunot. “Cứ phải là một gia đình mới được.” Đoạn lão nói thêm. “Ngài Latour bảo tôi nói với ông rằng ngài rất tín nhiệm tôi.”
“Nhìn qua một cái cũng đủ biết ông là người tỉnh táo và siêng năng rồi, Pouly,” ông Brunot nói, “và với tôi thế là ổn rồi. Ông nghĩ ngày mai liệu đã chuyển đến được chưa? Thực ra cũng không tốn bao nhiêu thời gian của tôi, nhưng tôi vẫn muốn rảnh sớm để còn chuẩn bị đón Năm Mới.”
Năm Mới! Đêm mai đã là giao thừa rồi. Năm Mới sẽ chứng kiến mẹ con nhà Calcet và chính lão bắt đầu một cuộc sống mới.
“Chiều nay chúng tôi có thể đến luôn, thưa ông,” lão Armand nói. “Mẹ lũ trẻ hôm nay nghỉ một buổi. Vả lại chúng tôi cũng chả có của chìm của nổi gì nhiều để mà chuyển.”
Ông Brunot giải thích một số phận sự của lão Armand. Các chìa khóa treo trong phòng kính. Đó là khóa của các phòng bên trên dãy cửa hàng. Bảo đảm không để khách mang chìa khóa ra ngoài. Đêm đến khóa cổng, sáng mở ra. Có lẽ bà nhà sẽ giúp một tay về mặt chìa khóa và khách thuê phòng. Những công việc thế này cần đến phụ nữ. Chính vì lí do đó mà ông Brunot đã không nhận hai người mới đây tới xin việc.
Ồ, gì chứ cái này thì chị Calcet quá hợp. Sắp tới chị có thể bỏ việc ở tiệm giặt để ở nhà trông nom bọn trẻ và những người thuê phòng. Chị sẽ có cách riêng để kiếm sống. Như vậy chắc chị sẽ vui.
Hai người bắt tay. Lúc ra về, lão Armand nhận thấy khúc thân uốn lượn của cây đậu tía ở góc sân. Sang xuân, một gốc to như thế này dư sức trổ hoa che kín mấy bức tường tăm tối. Cái sân sẽ trở thành một khoảnh vườn.
Cuối cùng lão đã trên đường trở về nơi mẹ con nhà Calcet đang chờ. Jojo vui vẻ sủa nhặng xị với chân lão như thể chính mắt nó cũng đã thấy những căn phòng và khoảnh sân sẽ thế nào trong tương lai.
Lão Armand rảo bước. Lão ngẩng cao đầu làm chóp râu cằm cứ chĩa ra phía trước. Lão vươn vai trong chiếc áo choàng đã vá cẩn thận. Lão không còn là một lão lang thang nữa. Lão đã là một người lao động của Paris.