Giấc Mộng Đế Hậu


Trong lịch sử trải dài trăm năm của Chung quốc, đây là lần đầu tiên triều đình ra lệnh duyệt quân công khai trước dân chúng. Hàng vạn quân binh chia thành hai đội tập trung ngay trước cổng thành. Hứa Sơn đứng ngay giữa hai hàng quân này, trên người y khoác bộ áo giáp Kình thiên màu đồng, chân đạp yên ngựa Xích Mã, khí thế ngút trời không gì sánh bằng.
Tông đế từ từ tiến về phía y, Hứa Sơn xuống ngựa nghênh đón. Tông đế tự tay rót rượu vào chung, rồi trước sự ngạc nhiên của ba quân, y rút thanh kiếm treo ngang hông Hứa Sơn ra và tự chém một đường dài vào cánh tay mình.
Máu theo cánh tay nhỏ vào chung rượu, rượu trắng lập tức hóa đỏ. Y nâng ly rượu ngang trước mặt Hứa Sơn, nói lớn
"Trẫm kính khanh một chung, hôm nay kiếm của khanh đã nhuốm máu trẫm, thì ngày sau phải tắm máu địch."
Hứa Sơn nâng chén uống cạn.
"Thần quyết không làm nhục sứ mệnh."
Nói xong, y leo lại lên lưng ngựa, chỉ thanh kiếm dính đầy máu lên trời, quát lớn
"Các binh sĩ nghe rõ, hôm nay kiếm của bản tướng quân đã nhuốm máu rồng, thì sau này phải được tắm máu địch. Chung quốc vạn tuế, Thủy thần vạn tuế, Tông đế vạn tuế."
Thanh Nguyên cũng rút kiếm chỉ thẳng lên trời, hô
"Vạn tuế."
Hàng vạn binh sỹ cùng nhau rút kiếm chỉ trời
"Vạn tuế, vạn tuế."
Dân chúng đứng trên thành cũng hòa nhịp hô vang "vạn tuế".
Lòng quân dân vạn người như một, sĩ khí hào hùng dâng cao tận trời.
Hứa Sơn thúc ngựa hướng về phía Bắc, hô "Xuất phát."
Lệnh vừa ban ra, cả vạn quân chỉnh tề hướng về phía Bắc mà tiến.
A Thuận vội bôi sang dược cầm máu cho Tông đế, vết thương chảy máu ròng ròng nhưng y không hề nhíu mày lấy một cái. Trong mắt y hiện giờ chỉ còn hình ảnh là cờ đỏ sẫm một bên thêu hình rồng một bên thêu chữ Chung quốc đang tung bay phấp phới trong gió.
Cũng ngay lúc này, có một đội quân khác cũng đang rục rịch tiến quân về Hạo thành. Sau một tháng hành quân liên tục không ngừng nghỉ, cuối cùng đã đến được rừng Mộc Xuyên. Chỉ cần vượt qua khu rừng này, đi thêm mười ngày sẽ đến được Hạo thành.
Lúc này sắc trời đã ngả về chiều, cả đội quân dừng chân trước bìa rừng..
Phó tướng Mộc Hữu nghiêng người hỏi vị đại tướng bên cạnh
"Tướng quân, khu rừng này vừa rậm vừa lắm dã thú, chúng ta có nên tiến vào không?"
Phương Hữu Chí đưa mắt thăm dò hoàn cảnh xung quanh rồi nói
"Nơi này có người sinh sống hơn nữa lại rất gần Hạo thành, nếu cắm quân tại đây e sẽ có người phát hiện. Tốt nhất hãy nên vào rừng thôi."
Vừa dứt lời, hắn liền thúc ngựa chạy vào rừng, phó tướng thấy vậy bèn ra lệnh binh sĩ tiến vào rừng cắm quân. Các binh sỹ ai nấy đều mệt mỏi bèn nhanh chóng dựng lều đốt lửa ăn vội nắm lương khô rồi đi nghỉ ngay. Có hơn vạn người đang cắm quân trong rừng thế mà ngoài tiếng kêu rú của các loài dã thú ra thì không hề có một âm thành nào. Chỉ có ánh lửa lập lòa của những binh sĩ gác đêm soi sáng một vài góc rừng.
Trong lều của tướng quân, Phương Hữu Chí cùng các phó tướng đang bàn bạc việc quân.
"Bên vương gia có tin tức gì không?" hắn hỏi.
Một vị phó tướng thân cận với họ Phương trả lời
"Bẩm, hắn dặn chúng ta phải đẩy nhanh lộ trình hành quân, trước mùng một tháng sau phải tới cổng thành, không được để sơ sót."
Phương Hữu Chí vừa nghe xong bèn nhíu mày tỏ vẻ suy tư.
"Lúc đầu nói là mùng sáu, bây giờ lại sửa thành mùng một, vậy chẳng phải chỉ còn tám ngày thôi sao? Tại sao phải hành quân gấp rút như vậy?"
Người kia ngập ngừng nói tiếp
"Tướng quân, lúc thuộc hạ vào trấn có nghe người ta nói rằng quân Hoa Đông vừa mới xuất phát rời Hạo thành cách đây vài ngày. Theo lộ trình thì khi chúng ta tới kinh thành vào mùng một, quân Hoa Đông chỉ mới đi được hơn trăm dặm. Một khi quân ta tiến vào thành, chắc chắn Tông đế sẽ lệnh cho Hứa Sơn điều quân về kinh ứng cứu. Nếu quân Hoa Đông hành quân cách xa kinh thành, thì Hứa Sơn có thể lấy cớ về không kịp mà bỏ mặc tên cẩu hoàng đế. Nhưng bây giờ quân của hắn cách kinh thành không xa, hắn bắt buộc phải điều quân về kinh. Đối đầu với Hoa Đông, quân ta tất sẽ bại trận. Thuộc hạ nghĩ, hắn đột nhiên muốn chúng ta điều quân gấp rút về kinh là để làm kẻ chết thay cho ba vạn quân Liêu Đông trên tay hắn.."
Phương Hữu Chí vừa vớ vò rượu một hơi hớp cạn vừa nói
"Chớ để những lời này lọt ra ngoài, để binh sỹ biết sẽ gây họa. Bây giờ chúng ta đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, chỉ còn cách đi nước nào hay nước đó thôi. "
Vừa nói dứt lời, đột nhiên bên ngoài vang lên tiếng ngựa chạy lập cập, cùng âm thanh vũ khí va vào nhau. Tiếng trống của binh sĩ gác đêm vang lên. (khi có dịch tấn công thì binh sĩ phải đánh trống bào hiệu.)
"Địch đang tập kích."
Trong lúc mọi người trong lều còn đang ngơ ngác thì một viên phó tướng đã lập tức áp tai xuống mặt đất.
"Tướng quân, theo tiếng động cho thấy có ít nhất một vạn con ngựa đang chạy đến đây."
Nghe xong, ai nấy đều xanh cả mặt. Phương Hữu Chí chớp lấy cây đao và mặc vội bộ giáp rồi lao ra khỏi lều.
Tiếng ngựa chạy chợt im bặt. Bên ngoài bầu trời tối đen như mực, các binh sỹ giương cung hướng về phía trước, nhưng không ai thấy rõ kẻ địch đang ở đâu.
"Đốt lửa lên." Phương Hữu Chí quát lớn.
Ánh lửa vừa được đốt lên, nhìn rõ kẻ địch trước mặt, hắn liền run lẩy bẩy cả người.
Toàn quân đang bị vây hãm tứ phía. Trời quá tối dù có đốt lửa lên cũng không thể thấy được mặt mũi kẻ địch. Nhưng dựa vào bóng chân ngựa cùng với tiếng động ngựa chạy có thể phán đoán được quân số địch. Nếu mỗi một tên cưỡi một con ngựa, thì trong khu rừng này có ít nhất gần năm nghìn quân. Nhưng điều đáng sợ hơn cả là lá cờ thêu chữ Kỳ, cho thấy đây là quân của Kỳ vương. Nghĩa là hành tung của họ đã bị triều đình phát hiện.
Kỳ vương cưỡi ngựa tiến về phía trước. Từ trên lưng ngựa, hắn ngạo nghễ nhìn xuống đội quân ô hợp đang co cụm phòng thủ.
"Trong số các ngươi, ai là Phương Hữu Chí mau bước ra."
Đợi một lát vẫn không thấy ai bước ra.
Kỳ vương chỉ thẳng cây thương về phía Phương Hữu Chí. Hai ánh mắt giao nhau trong bóng tối, trong mắt Kỳ vương là sự kiêu ngạo, còn họ Phương chỉ tràn đầy nỗi sợ.
"Trên trán ngươi có ba nốt ruồi. Vậy ngươi chính là Phương Hữu Chí. Mang danh đại tướng quân mà sao hèn nhát thế?"
Phương Hữu Chí nhanh chóng trấn tĩnh lại, hắn cất giọng hỏi
"Chẳng hay có việc chi mà Kỳ vương lại đích thân hạ giá quang lâm?"
Kỳ vương nhếch mép ra vẻ khinh thường, nói
"Bổn vương vâng lệnh triều đình đến thu phục đám phản loạn các ngươi. Khôn hồn thì mau buông kiếm đầu hàng"
Phương Hữu Chí hừ một tiếng rồi tuốt kiếm ra, hắn chĩa mũi kiếm vào Kỳ vương và nói
"Đã đến đây thì ta đây cũng chẳng mong giữ được mạng về. Các anh em, được chết dưới kiếm của Kỳ vương dù sao cũng vinh quang hơn chết già trên núi, đúng không?"
Thấy đại tướng đã rút kiếm, tất cả các binh sỹ cũng đồng loạt rút kiếm hướng về phía địch, tất cả cùng mang tư thế sẵn sàng liều chết.
Phía bên kia, binh sỹ của Kỳ vương cũng đồng thời tuốt kiếm, chỉ cần một bên hành động khinh suất thì chắc chắn sẽ có máu đổ.
Trong tình cảnh nghìn cân treo sợi tóc đó, Kỳ vương bình thản nhảy xuống ngựa, đi về phía Phương Hữu Chí.
Sợ hắn có ý đồ bất chính với họ Phương, tất cả các binh sĩ cùng xoay kiếm chĩa về phía y. Kỳ vương thong dong bước đi như không giữa những thanh kiếm sắc bén.
Hắn nắm lấy mũi kiếm của Phương Hữu Chí, giật mạnh một cái, thanh kiếm tuột khỏi tay họ Phương, rồi bị Kỳ vương vứt sang một bên. So với một Kỳ vương sức mạnh phi thường thì một Phương Hữu Chí không đáng là gì.
"Họ Phương ngươi sống trong rừng lâu quá nên cũng hồ đồ mất rồi. Bình vương chỉ xem ngươi là kẻ thế mang để đói phó với Hứa Sơn, còn ngươi thì lại bán mạng vì hắn, có đáng không? Nếu bây giờ các ngươi chịu đầu hàng thì....."
Kỳ vương chưa nói xong thì Phương Hữu Chí đã nhanh tay rút thanh kiếm của viên phó tướng bên cạnh, kề vào cô Kỳ vuong.
"Ngươi không cần nói thêm nữa. Triều đình các ngươi đều là đám lòng lang dạ sói. Ta sẽ không tin các ngươi."
Kỳ vương mặt không biến sắc quơ lấy mũi tên của một binh sỹ chĩa vào ngực họ Phương, y đáp
"Đừng tưởng bổn vương không biết ngươi đang tính toán gì? Có phải ngươi nghĩ rằng thiên hạ này sớm muộn gì cũng là của Bình vương, nếu liều chết quyết chiến thể hiện lòng trung thành thì sau này sẽ được phong làm nhất đại công thần? Nhưng bổn vương nói cho ngươi hay, ngươi đừng mơ mộng hão huyền.Ngoài bìa rừng này có một vạn quân triều đình, ở đây thì có một vạn quân của bổn vương. Cứ cho hôm nay chúng ta cùng "lưỡng bại câu thương" (hai bên cùng chết), thì Tông đế vẫn còn năm vạn quân Hoa Đông, cùng hai vạn quân Liêu Đông. Trong khi trong tay Bình vương chỉ còn ba vạn quân. Ngươi nghĩ hắn sẽ có phần thắng sao?Bình vương bây giờ chỉ còn là con cá nằm trên thớt, các ngươi còn muốn phò tá hắn sao? Thánh thượng nhân từ, không muốn thấy cảnh sinh linh đồ thán, nên đã truyền khẩu dụ rằng chỉ cần các ngươi đầu hàng triều đình thì sẽ tha mạng. Còn nếu vẫn chấp mê bất ngộ thì diệt toàn quân, tru di tam tộc."
Kỳ vương vừa nói xong, binh sĩ đã bắt đầu dao động, bàn tán. Trước giờ họ đều sống trong rừng núi, vồn không hiểu thế sự, nên rất dễ bị dao động. Phương Hữu Chí thấy tình thế không ổn thì vội trấn an các binh sỹ.
"Ngươi đừng hòng gạt ta, nếu thực sự bên ngoài còn một vạn quân, cớ sao lại không điều vào rừng? Lòng dân hướng về Bình vương, sao hắn có thể thất bại? Hơn nữa, quân Hoa Đông chỉ nghe lời sai khiến của Hứa gia, Hứa Sơn sao lại dễ dàng hai tay dâng không cho Tông đế? Các binh sỹ đừng nghe những lời sằng bậy của hắn, ngươi muốn chúng ta không đành mà hàng ư, sao có việc dễ dàng thế?"
Bất thình lình, không để họ Phương nói dứt câu, Kỳ vương lại một lần nữa giật lấy thanh kiếm trong tay hắn. Nhưng lần này y không vứt xuống đất, mà lại xoay ngược cầm lấy chuôi kiếm, rồi chém một phát vào cô họ Phương. Phương Hữu Chí không kịp kêu lên tiếng nào đã ngã gục, chết không kịp nhắm mắt. Các binh sĩ khiếp sợ nhìn Kỳ vương, mới một khắc kiếm còn kề ngay cổ hắn, một khắc sau hắn đã dùng ngay thanh kiếm đó chém chết người.
Phó tướng Mộc Hữu tức giận giơ kiếm lên xông vào.
"Ngươi phải đền mạng cho tướng quân."
Kỳ vương mặt không đổi sắc, không đánh trả, chỉ chậm rãi cất giọng
"Bổn vương mà mất một cọng tóc nào thì cha mẹ già cùng hai nhi tử của ngươi sẽ cùng bồi táng đấy A Lan Kháp Mộc Hữu."
Mộc Hữu khựng người lại, quả nhiên không dám manh động nữa. Kỳ vương tiếp tục chĩa thanh kiếm tanh mùi máu về phái ba quân, gằn từng chữ.
"Bổn vương cho các ngươi hay, thiên hạ này là của Tông đế, không ai có thể thay đổi được. Phương đại tướng quân của các ngươi là một cô nhi, không thân không thích, nên tất nhiên hắn có thể xem cái chết như hồng trần. Nhưng còn các ngươi? Các ngươi đang phạm phải tội mưu đồ làm phản. Chỉ cần các ngươi chĩa kiếm sai chỗ thì cả tộc sẽ phải chôn cùng.Bổn vương cho các ngươi một cơ hội cuối cùng, chỉ cần buông kiếm đầu hàng thì bổn vương sẽ tha ột mang. Còn nếu không, thì một vạn quân của bổn vương sẽ huyết tẩy nơi này. Còn một vạn quân ngoài bìa rừng, sẽ lùng bắt diệt sạch cả nhà các ngươi."
Kỳ vương vừa nói xong, đã nghe tiếng "Keng" vang lên, một binh sỹ đã buông kiếm.
Mộc Hữu hét lớn
"Ngươi làm gì đấy, còn không mau nhặt kiếm lên. Xác tướng quân còn chưa lạnh mà ngươi đã dám phản phúc vậy sao?"
Binh sỹ đó sợ sệt khóc nậc
"Ta gia nhập tòng quân cũng chỉ vì muốn kiếm tiền trị bệnh ẫu thân. Ta không muốn chết, ta không muốn liên lụy mẫu thân."
Có một người thì tất sẽ có người thứ hai, người thứ ba. Dần dần đã có hơn nửa binh sĩ buông kiếm đầu hàng.
"Phó tướng, đầu hàng thôi. Muốn hưởng phú quý thì cũng phải giữ được cái mạng."
Mộc Hữu tuyệt vọng nhìn đội quân mà hắn và Phương Hữu Chí đã vất vả gầy dựng. Bề ngoài tưởng chừng rất hùng mạnh, nhưng thực chất chỉ là đám ô hợp mặc áo giáp. Chưa đánh trận nào đã buông kiếm đầu hàng.
Cuối cùng, hắn cũng phải đầu hàng, hắn quỳ xuống cúi thấp đầu nói
"Ta đầu hàng chịu trói, vương gia muốn chém giết sao thì tùy, chỉ mong người tha cho người nhà chúng ta."
"Những lời bổn vương đã nói ra, tuyệt không nuốt lời. Chỉ cần các ngươi chịu làm theo lệnh của bồn vương, thì chẳng những người nhà các người được xá tội, mà các ngươi còn có cơ hội giữ mạng về đoàn tụ với họ."
Mộc Hữu vội ngẩng đầu lên
"ý của vương gia là....?"
Kỳ vương đỡ hắn dậy, đặt thanh kiếm đã chém chết Phương Hữu Chí vào tay hắn và nói
"Bổn vương chưa từng đặt chân đến nơi nay, Phương tướng quân chưa chết, các ngươi cũng chưa từng đầu hàng triều đình. Cứ y theo lộ trình mà hành quân đến Hạo thành. Chỉ cần vào thời khắc quyết định thì nên biết chĩa kiếm vào phía nào. Nhớ lấy, cơ hội chỉ có một, chĩa sai hướng thì đừng trách bổn vương vô tình."
Mộc Hữu ngẫm một lúc bèn hiểu ngay ý của y, hắn lại nhanh chóng quỳ xuống.
"Thuộc hạ biết phải làm thế nào, xin vương gia yên tâm. Cung tiễn vương gia."
Kỳ vương quay người leo lên lưng ngựa, chạy một mạch. Chủ tướng đã rút, quân của hắn cũng dần rút theo.
Tiếng ngựa chạy rầm rập như muốn giẫm nát khu rừng, dù quân Kỳ vương đã rút một lúc nhưng vẫn nghe tiếng ngựa hí vang văng vẳng.
Trời dần sáng hẳn, Mộc Hữu ra lệnh binh sỹ rút trại xuất phát.
Kỳ vương vừa thúc ngựa chạy như tên bay, vừa quay ngược ra sau quát
"Chạy nhanh lên, nhất định phải ra khỏi rừng trước khi trời sáng."
Ở phía sau, hơn một trăm mã phu (người điều khiển ngựa) ra sức quất liên tục vào cả đàn ngựa, khiến chúng giật nảy thân lên hý lồng lộn. Phải chạy điên cuồng suốt một khắc mới ra khỏi khu rừng sâu thăm thẳm.
Lúc này trời đã sáng hẳn, Lâm Hiệp thúc ngựa tiến về đám mã phu và nói
"Các ngươi mau chóng phân tán đàn ngựa, làm cho cẩn thận vào. Tuyệt đối không được hé lộ nửa chữ, nếu không bổn vương sẽ khiến các ngươi vĩnh viễn không thề nói chuyện được."
Đám mã phu vội chia ra mỗi người dẫn một đàn ngựa phi về các hướng khác nhau.
Sau khi đàn ngựa được dẫn đi hết, "đội quân vạn người" của Kỳ vương chỉ còn vỏn vẹn hơn nghìn người. Đấy mới là quân số thực sự của hắn.
Kỳ vương hỏi
"Liệu có thể tin tưởng đám mã phu này không? Sao không diệt khẩu toàn bộ, Lâm Hiệp ngươi biết mềm lòng từ lúc nào thế?"
Lâm Hiệp lắc đầu bảo
"Đây là khẩu dụ của thánh thượng. Cùng một lúc chết nhiều mã phu như vậy tất sẽ sinh thị phi, chi bằng cứ thuận theo tự nhiên."
Kỳ vương vừa nghe là khẩu dụ của Tông đế bèn không thắc mắc gì nữa. Đoạn, hắn lại thở dài thán phục
"Hoàng huynh quả là liệu sự như thần. Chả trách huynh ấy bảo rằng đội quân này không đáng sợ. Hóa ra chúng chỉ là tòa thành không chân, gió vừa thổi là sập."
Lâm Hiệp không đáp lời, y cho bố trí người trà trộn vào đội tư binh nọ rồi xoay đầu ngựa hướng về Hạo thành mà phóng như bay, Kỳ vương thong dong thúc ngựa theo sau.
A Thuận đi đầu dẫn đường, phía sau là Nguyễn trạng nguyên và tân thủ linh ngự lâm quân Lương Thuật. Nguyễn Thiệu Quang vừa đi vừa âm thầm quan sát người đàn ông cao to đang bước bên cạnh. Tuy thủ lĩnh ngự lâm không được nghị sự trong triều, nhưng lại có vị trí chính trị quan trọng. Quân ngự lâm đảm nhân trọng trách bảo vệ hoàng cung, nơi đầy rẫy các vương hầu hoàng tộc tôn quý, chỉ cần sơ sẩy làm phật ý họ, thì chắc chắn sẽ có đầu rơi máu chảy. Vì thế, thân là thủ lĩnh ngự lâm, phải vừa có bản lĩnh toan tính chu toàn đủ bề, vừa phải hiểu rõ tận gốc cây ngọn cỏ trong cung. Lương Thuật mười sáu tuổi đã gia nhập Ngự Lâm quân, tính ra đã sống trong cung gần hai mươi năm, thái độ ôn hòa, cung cách làm việc cẩn trọng. Trong vòng hai mươi năm đấy, đã bốn vị thủ lĩnh lần lượt bị hạ bệ, nhưng địa vị của phó tướng Lương Thuật thì vẫn vững như bàn thạch. Lương Thuật, trên được Lữ Phương tin tưởng, dưới được thuộc hạ kính ngưỡng. Vì thế, khi Tông đế tước quan mão của Lữ Phương (mong các bạn nhớ được lí do) và tiến cử Lương Thuật ngồi vào ghế thủ lĩnh, triều thần xem đó là lẽ hiển nhiên. Ngay cả Dung gia cũng không ra mặt chống đối, bởi Dung quốc công vẫn đinh ninh rằng Lương Thuật trung thành với Dung gia. Nhưng hóa ra Lữ Phương đã tự nuôi ong tay áo mà không hay biết, Lương Thuật lại là nội gián của Tông đế. Phát hiện việc này, khiến Nguyễn trạng nguyên vừa ngạc nhiên vừa thán phục Tông đế.
Sở dĩ hắn ngạc nhiên là bởi trước đây, Tông đế từng gán một tội danh "có lẽ có"* để giáng chức Lữ Phương, rồi điều một võ tướng Hàn Long lên thay thế. Người này vừa tại vị được hai tháng, đã bị Ngự sự vạch tội thông dâm với cung nữ trong hậu cung, cuối cùng dẫn đến mất mạng. Không tìm được người thay thế, Tông đế đành ngậm cục tức vào bụng, trả lại Ngự Lâm quân cho Lữ Phương. Sau đó nhiều năm, Tông đế không đả động đến Ngự lâm quân nữa, người người đều cho rằng y đã "thúc thủ vô sách" (bó tay), Dung gia cũng dần buông lơi cảnh giác. Nhưng hóa ra Tông đế không phải vô năng, mà là đang dùng kế Giương đông kích tây. Một mặt y lợi dụng Hàn Long để làm suy yếu sự cảnh giác của Dung gia, mặt khác lại âm thầm thu phục Lương Thuật, bố trí hắn thành phó tướng. Tông đế ẩn nhẫn nhiều năm, cuối cùng y đã "thần không biết quỷ không hay" đoạt lại Ngự Lâm quân từ trong tay Dung gia. Điều đáng khâm phục hơn, là đến tận bây giờ Dung gia vẫn chưa biết lòng trung thành của Lương Thuật hướng về ai, vẫn nhất mực tin tưởng gả. Dung quốc công là lão cáo già, còn Bình vương thì "hành sự đa nghi vi chủ"( lúc nào cũng nghi ngờ), hẳ đã không tí lần điều tra thân phận Lương Thuật mới dám dùng, vậy mà vẫn bị lừa. Thế mới biết cái bẫy của Tông đế được sắp xếp công phu, tỉ mỉ như thế nào.
Mải mê suy nghĩ, đi một lúc thì đã đến trước tẩm cung của Tông đế. A Thuận dừng lại nghiêng mình nhường lối cho hai người đi vào.
Bước vào trong điện, thấy Tông đế đang ngồi đọc thư báo của Kỳ vương, cả hai người cùng quỳ xuống hành lễ.
Tông đế vừa phất tay miễn lễ vừa hỏi
"Thế nào rồi?"
Lương Thuật khom người đáp
"Bẩm, bệ hạ tiên đoán như thần. Bình vương quả thực mưu đồ dùng Ngự Lâm quân khống chế hoàng cung. Đêm qua y đã sai người đưa mật tin đến lệnh cho thần phải thay toàn bộ Cấm vệ quân ở những cung điện trọng yếu bằng quân của y."
Tông đế nhướn mi lên, sắc mặt lạnh nhạt nói
"Gồm những điện nào?"
"Bẩm, gồm các điện Hòa Ái, điện Thánh Hiền, điện Liêm Chính, điện Thanh Tâm của Hiền phi, điện Mộc Loan của Dương quý nhân, điện Tô Liên của Tiêu trung tần (Tiêu Lam), điện Tàng Kinh các, điện Thái Sử (là cung điện dành riêng cho các Thần triều Ngự sử ghi chép những biến cố xảy ra trong cung), bệ hạ, tiếp theo thần phải làm sao ạ?"
Nguyện trạng nguyên nghe xong thì tái cả mặt mũi. Điện Hòa Ái, Liêm Chính, Thánh Hiền - ba cung điện huyết mạch này là nơi sinh hoạt, nghị sự của Tông đế, không chế ba nơi này khác nào muốn mưu phản diệt đế.
Trong khi Nguyễn Thiệu Quang sợ chết khiếp, Tông đế thì lại bình thản kì lạ.
"Khanh cứ tuân theo lệnh y mà hành (hành động) thôi."
Lương Thuật vội quỳ xuống dập đầu nói
"Bệ hạ, đây tuyệt đối là hạ hạ sách, khác chi kề đao vào cổ người. Nếu bệ hạ có mệnh hệ gì thần biết ăn nói sao với muôn dân thiên hạ đây,xin bệ hạ tam tư (suy nghĩ lại)."
Tông đế mân mê bộ đồ trà trên bàn, tỏ vẻ không màng
"Tự trẫm biết sắp xếp, khanh không cần lo lắng. Cứ làm theo lời trẫm là được."
Lương Thuật thấy vẻ mặt này của y, bèn tự trách bản thân lắm chuyện, hắn lặng lẽ đứng sang một bên, không nói thêm gì nữa.
Tông đế lại quay qua hỏi Nguyễn Thiệu Quang
"Nguyễn khanh gia, khanh làm xong thứ đó chưa?"
Nguyễn trạng nguyên vội rút chiếc hộp giấu kỹ trong ống tay áo ra, kính cẩn dâng lên.
Tông đế mở hộp ra, bên trong là Chung tỷ (giống Ngọc tỷ của Trung Quốc, là một kiểu mộc thời xưa, được xem như ấn ký của vua) bằng ngọc, giống y đúc Chung tỷ truyền quốc trên Tông đế đang dùng. Y cầm hai khối ngọc tỷ thật giả lên, so sánh hồi lâu không tìm ra điểm khác lạ, bèn hỏi
"Rốt cuộc Chung tỷ này có gì khác với Chung tỷ thật của trẫm."
Họ Nguyễn đáp
"Bâm, bệ hạ thử dùng Chung tỷ giả và Chung tỷ thật cùng đóng một lúc xem sao ạ."
Tông đế làm theo, dùng hai khối Chung tỷ đóng lên cùng một tờ giấy, Trên tờ giấy hiện lên hai dấu mộc, hai dấu đều là hình rồng, chính giữa là chữ Chung.
"Bệ hạ, ngón chân út của con rồng trên Chung tỷ giả đã bị râu của chính nó che khuất mất. Trở thành rồng bốn ngón, còn trên Chung tỷ thật, rồng có đủ năm ngón."
Tông đế giương tấm giấy dưới ánh nến soi sét thật kỹ thì phát hiện quả thật dưới móng vuốt chi trên của con rồng thiếu mất một ngón chân, Chung tỷ giả được điêu khắc vô cùng công phu. nếu không có người chỉ điểm, hẳn không có người phát hiện chi tiết khác biệt này.
Tông đế ngả người dựa vào Long ỷ, nét mặt giãn hẳn ra, lộ vẻ nhu hòa
"Khối Chung tỷ này của khanh điêu khắc quá tỉ mỉ, ngay cả trẫm cũng thật giả lẫn lộn thì làm sao Bình vương phân biệt được."
Nguyễn Thiệu Quang nói vài lời tạ ân sáo rỗng, Tông đế càng ngắm Chung tỷ giả càng thích thú.
Họ Nguyễn thấy long nhãn vui vẻ thì gánh nặng trong lòng vài tháng này cũng được vơi bớt.
Theo thông lệ những tân khoa trạng nguyên vừa vào triều thường được phong chức thất phẩm Hàn lâm học sỹ dạy học tại Quốc Tử giám .Nhưng Nguyễn Thiệu Quang thì khá, hắn được phong chức Lục phẩm Tư Thiên Lệnh, cai quản điện Thái Sử.
Triều thần dè bĩu rằng họ Nguyễn cưới được Uyển Quân quận chúa về làm vợ, "thê bằng phu quý" (chồng sang nhờ vợ), nên mới được Tông đế ưu ái, chỉ mình hắn biết được sự sủng ái này chứa đựng nhiều mưu mô phức tạp.
Chung tỷ của hoàng đế là vật tượng trưng cho quyền lực tối thượng của chính bản thân hoàng đế. Chung tỷ còn được coi là quốc bảo, nên được cất giữ nghiêm ngặt, truyền từ đời này sang đời khác. Muốn củng cố tư cách hoàng đế của mình, các vua chúa dù là cướp ngôi hay được nhường ngôi, thường tìm cách chiếm cho được "ngọc tỷ truyền quốc".
Trên đời này, ngoại trừ chính bản thân Tông đế và một số người thân tín ra, chỉ còn một người duy nhất được chạm tay vào Chung tỷ, đó chính là Tư Thiên Lệnh cai quản điện Thái Sử.
Bởi theo thông lệ mỗi năm nam, điện Thái Sử phải biên soạn xong một quyển Nội Ký (đây là một quyển sổ sách ghi lại những việc sinh hoạt của vua và các sự kiện trong cung) để lưu giữ trong Văn Miếu.
Để ngăn các vị hoàng đế tìm cách xóa bỏ những điều không hay về mình trong Nội ký, Thái tổ hoàng đế đã ra lệnh rằng, điện Thái Sử phải tự tay đóng Chung tỷ vào Nội ký rồi mới trình lên vua.
Nói cách khác, ngoài trừ hoàng đế chỉ có Tư Thiên Lệnh được sử dụng Chung tỷ.
Cách đây một tháng, điện Thái Sử đã viết xong quyển Nội ký thứ một trăm, Nguyễn Thiệu Quang chính là người trực tiếp cầm Chung tỷ đóng vào đấy.
Nắm bắt cơ hội này, Bình vương bèn tìm đến hết đe dọa đến dụ dỗ, bắt hắn phải mô phỏng khối Chung tỷ thật, đúc thành một khối Chung tỷ giả
Thế là Tông đế bèn tương kế tựu kế lệnh hắn tạo ra một khối Chung tỷ khiếm khuyết để đánh lừa Bình vương.
Thiên hạ cho rằng hắn lợi dụng Uyển Quân để tiến thân, mà không ngờ rằng chính Tông đế đã cố tình gả Uyển Quân cho hắn, để có cái cớ đường đường chính chính phong hắn làm Tư Thiên lệnh, hòng gài bẫy Bình vương.
Chỉ riêng việc giữ khối Chung tỷ giả cũng đủ để khép Bình vương vào tội mưu phản.
Nguyễn Thiệu Quang càng nghĩ càng hoảng loạn. "Chim chết bỏ nõ, bắt được thỏ thịt chó săn", nếu Bình vương chết, chắc chắn họ Nguyễn sẽ là người đầu tiên lót đường.
"Chúng có nói chừng nào sẽ thả Uyển Quân không?"
Đang miên man suy nghĩ đột nhiên nghe Tông đế cất giọng khiến hắn giật nảy mình vội đứng thẳng người đáp
"Bẩm, chúng bảo : một tay giao vật, một tay thả người."
Tông đế buông bút xuống, thở dài bảo
"Lần này đành để Uyển Quân chịu thiệt, sau này việc thành, trẫm sẽ không quên phần phu thê khanh."
"Tạ ơn thánh thượng."
Đoạn, Tông đế dừng một chút rồi tỏ vẻ hứng thú hỏi tiếp
"Nếu một ngày trẫm bắt khanh phải hy sinh Uyển Quân vì đại cục, khanh sẽ làm thế nào?"
Cả Lương Thuật lẫn Thiệu Quang đều thừ người ra trước câu hỏi quá đường đột của Tông đế. Chần chừ suy nghĩ một lúc, hắn đáp
"Bẩm thà bất nghĩa với thê tử, quyết không bất trung với vua."
"Vậy nếu là mẫu thân của khanh thì sao?"
Họ Nguyễn nhíu chặt mày, cắn răng đáp
"Bẩm, vậy đành bất hiếu với mẫu thân."
Ánh mắt đầy thâm ý của Tông đế xoáy sâu vào Thiệu Quang, như muốn chọc thủng lớp vỏ bọc của hắn. Đột nhiên, y bật cười, cười xong lại phất tay cho lui, khiến họ Nguyễn càng thêm thấp thỏm lo âu.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui