Giấc Mộng Sói Vương

Loài sói ở khắp mọi nơi trên thế giới đều có một tập tính chung, ấy là tụ lại thành bầy trong những ngày đông giá buốt, lúc bình thường thì sống một mình. Giờ đang vào tiết trời xuân đào liễu biếc xanh, bầy sói ở núi tuyết Streca lại tản ra theo thuộc tính tự nhiên của chúng. Từ có thành không, bầy sói tỏa đi mọi nẻo trên thảo nguyên Ga Marr mênh mông rộng hơn 500 dặm dưới ngọn núi tuyết.

Phía sau khối nham thạch hình rẻ quạt bên hồ nước thấp hình móng ngựa ở cực Đông Bắc của thảo nguyên Ga Marr có một con sói cái đang nằm, dáng hình lẻ loi của nó đổ dài dưới ánh chiều tà. Nó nằm ở đó, không hề nhúc nhích suốt từ trưa tới giờ và vẫn kiên nhẫn chờ đợi mấy tiếng ròng, những mong có một con hoẵng hay một con sơn dương nào đó tới bên hồ uống thứ nước chua mặn. Khi ấy, nó chỉ cần lao ra tấn công bất ngờ là có thể thưởng thức một bữa tối ngon miệng. Vị trí ẩn náu của nó thật không tồi chút nào, vừa kín gió lại có thể nhìn từ trên cao xuống, con mồi nào bước tới thật khó thoát khỏi nanh vuốt của nó.

Con sói cái này tên gọi Tử Lam. Sở dĩ nó mang tên ấy là vì đám lông đen trên cơ thể nó ánh lên một màu tím sậm hiếm thấy, còn đám lông dưới bụng lại là một màu trắng thuần khiết. Nó sở hữu một thân hình uyển chuyển, khi chạy trông nó hệt như một màn sương tím bồng bềnh trôi. Cứ xét theo tiêu chuẩn thẩm mĩ của loài sói thì Tử Lam rất xinh đẹp. Nhưng lúc này, vóc dáng mảnh dẻ của nó đã trở nên nặng nề bởi cái bụng lùm lùm như chiếc trống. Ở đó có những sinh mệnh nhỏ bé đang cựa quậy. Phải, Tử Lam đang mang thai và sắp đến kỳ sinh nở.

Hoàng hôn, cả khu rừng bị bao phủ bởi một lớp sương mỏng, phía sau là ngọn núi tuyết cao vút tầng không, phía trước là bãi cỏ với những loài hoa dại muôn hồng nghìn tía và một dòng suối róc rách chảy qua người Tử Lam. Đám cây bụi trước mặt bỗng đụng đậy phát ra tiếng lạo xạo dù không có gió. Tử Lam mừng thầm trong bụng, chắc hẳn phen này con mồi đã tới, các dây thần kinh của nó bắt đầu căng ra, nhưng khi nhìn kĩ lại nó mới thấy, trong bụi cây lúp xúp đó chẳng hề có bóng dáng của một con hoẵng hay con dê rừng nào cả mà là một con rắn mai gầm đang bò, miệng ngoạm một con chim trà.

Loài sói ghét cay ghét đắng rắn độc, nếu không nói là sợ chúng.

Tử Lam lòng đầy thất vọng.

Sói tuy là loài vật ăn thịt dữ dằn nhưng lại có tình mẫu tử mãnh liệt. Mang thai lần đầu, Tử Lam cũng giống như tất cả những con cái khác trong giới tự nhiên, kể cả con người, mỗi khi bảo bối trong cơ thể bướng bỉnh hay tinh nghịch đạp mẹ, nó cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ và cảm giác diệu kì bởi sắp được làm mẹ. Hơn thế trong lòng nó lúc nào cũng canh cánh nỗi lo về vận mệnh tương lai của những sinh linh bé nhỏ chưa chào đời. Nó lo không biết bảo bối có thể bình an chào đời hay không; lo rằng liệu các con yêu của nó có thể tránh được sự tấn công của những kẻ thù tự nhiên như thợ săn, hổ báo, lợn rừng… hay không. Sói tuy là con vật tinh anh của thảo nguyên Ga Marr, là kẻ mạnh nơi rừng sâu núi thẳm, suốt đời chỉ biết đến việc tàn sát đẫm máu, nhưng khi còn non yếu, răng chưa mọc đủ, nanh vuốt chưa sắc nhọn thì rất dễ trở thành mục tiêu tấn công của các loài động vật ăn thịt khác.

Đối với Tử Lam mà nói, việc các con yêu có thể bình an chào đời hay không nằm ngoài khả năng của nó, bởi xét cho cùng, loài sói vẫn là sói, không có những biện pháp đỡ đẻ hoàn thiện như loài người, tất cả đều phụ thuộc vào số mệnh. Còn như việc có thể bảo vệ sói con tránh khỏi sự tấn công của những kẻ thù tự nhiên thì một phần phụ thuộc vào số mệnh một phần phụ thuộc vào sự bảo vệ nghiêm cẩn của mẹ, việc này cũng còn xa vời lắm, không cần quá nóng vội. Vấn đề cấp bách trước mắt là làm sao có đủ sữa cho con bú. Mà muốn có đủ sữa nuôi con thì nó phải được ăn đầy đủ.

Nghĩ đến cái ăn, bụng nó lại sôi ùng ục. Sớm nay nó mới chỉ ăn một con gà choai choai và thức ăn ấy đã tiêu hóa hết từ lâu. Từ khi mang thai, nhu cầu ăn của nó lớn khủng khiếp, lúc nào cũng cảm thấy ăn không no, cái đói luôn réo gào trong bụng. Thời gian này nó thật xui xẻo, chẳng khi nào vớ được những món khoái khẩu như dê rừng, hoẵng hay hươu. Có lúc nó vất vả mai phục cả một ngày trời mà chỉ bắt được một con nhím hay một con thỏ, miễn cưỡng phải cho vào miệng; có lúc còn thê thảm tới mức phục từ sáng tới tối bên hồ nước mà chẳng được gì, đói bụng quá đành dùng móng vuốt bới hang bắt chuột để lót dạ.

Sói chẳng phải mèo, nó rất ghét mùi vị thịt chuột.

Tử Lam biết rất rõ, việc phủ phục chờ mồi hoàn toàn phụ thuộc vào vận may. Thường thì loài sói không khi nào dùng cách săn mồi ôm cây đợi thỏ ngu xuẩn như vậy. Chúng phải tới thảo nguyên Ga Marr mênh mông để chủ động tấn công con mồi, ở đó có từng bầy dê rừng, hươu và linh ngưu. Nhưng việc đuổi bắt con mồi trên đồng cỏ bằng phẳng không chướng ngại đâu phải dễ! Bất kể loài động vật ăn cỏ, bản tính nhu nhược và không có khả năng phản kháng thật đấy, song chúng lại rất cẩn thận và cảnh giác, hơn nữa tốc độ chạy của chúng không hề thua loài sói. Ngay một con sói đực tráng kiện cũng khó có thể đuổi bắt một con dê rừng trưởng thành, huống hồ Tử Lam lại đang mang thai, sắp đến kỳ sinh nở. Nó đã thử tới thảo nguyên bao la săn mồi đôi ba lần nhưng đều thất bại cả, đến một sợi lông dê cũng không ngoạm nổi. Chẳng còn cách nào khác, bởi những con sói non trong bụng đã trở thành gánh nặng với nó, ảnh hưởng tới tốc độ chạy và khả năng săn mồi của nó.

Có lần, nó đuổi bắt một bầy linh ngưu trên thảo nguyên chưa đuổi kịp linh ngưu thì nó gặp phải một con báo kim tiền đang đói. Báo kim tiền cũng là loài động vật ăn thịt hung hãn như nó, thấy nó mang bụng lặc lè và hành động chậm chạp bèn lao tới; nếu lúc đó bản năng sinh tồn trong cơn nguy cấp của nó không nhạy bén khiến nó nhảy ngay vào một khe đá hẹp thì e rằng nó và những bảo bối trong bụng sớm biến thành đống phân mà con báo đó thải ra rồi. Giả như lúc này đây, Tử Lam có được một trợ thủ, một người bạn đồng hành thì có lẽ tình hình đã khác nhiều lắm, chẳng những nó không sợ báo kim tiền mà còn có thể tới thảo nguyên đuổi bắt dê rừng, hươu hoẵng tùy thích.

Nghĩ tới đây, Tử Lam lại bắt đầu nhớ tới sói đực Hắc Tang. Hắc Tang quả là một người bạn đời lý tưởng, Hắc Tang có bộ lông đen óng mượt, màu đen tượng trưng cho sức mạnh và khả năng chinh phục; Hắc Tang có thân hình vạm vỡ, cơ bắp cuồn cuộn và một bộ não thông minh. Ở Hắc Tang có phong thái đặc biệt của một con sói đực khiến Tử Lam say mê điên đảo. Những chú sói non đang chờ ngày ra khỏi bụng mẹ chính là huyết mạch mà Hắc Tang để lại trong mình Tử Lam. Hồi tưởng lại những tháng ngày tương thân tương ái với Hắc Tang, cuộc sống của Tử Lam khi đó ngọt ngào biết bao! Khi ấy, thời gian sao mà trôi nhanh đến thế! Ngay cả lúc đói lòng cùng Hắc Tang đuổi bắt một con thỏ, Tử Lam cũng thấy đó dường như là một sự tận hưởng tuyệt diệu. Không, vào quãng thời gian hạnh phúc ấy, chúng chẳng mấy khi để mắt tới thỏ mà thích đuổi bắt những con hươu cái đang mang bầu trên thảo nguyên hơn. Cái khối thịt chưa hình thành trong bụng hươu ấy có mùi vị đến lạ. Hễ thấy mục tiêu là Hắc Tang và Tử Lam lập tức hành động, chúng phối hợp với nhau thật ăn ý, dường như không bao giờ phải thương thảo trước với nhau về cách bắt mồi, cũng không cần phải tru lên để gọi đồng loại. Chỉ cần một hành động ám thị nhẹ nhàng như dựng tai hay vẫy đuôi là đôi bên đã hiểu thấu lòng nhau, chúng có thể chọn cách tấn công con mồi bằng việc đuổi bắt hai bên phải trái hoặc kẹp trên kẹp dưới hoặc giương đông kích tây, hoặc ẩn nấp trong bụi cỏ để hư trương thanh thế.

Ài, Tử Lam thở dài một hơi đầy thương cảm, nếu Hắc Tang còn sống thì tốt biết mấy. Hắc Tang rất hiểu Tử Lam, vào khoảnh khắc nó sắp sinh nở, chắc chắn Hắc Tang sẽ trung thành và tận tụy ở bên cạnh nó, khi nó buồn sầu, Hắc Tang sẽ dùng chiếc lưỡi thô ráp của mình liếm dọc sống lưng của nó, khi nó đói, Hắc Tang sẽ tới thảo nguyên mênh mông tìm mồi. Hắc Tang không những có thể giúp nó xua tan cảm giác cô đơn đáng sợ mà còn có thể giúp nó giải khuây. Rồi khi nó sinh con ra, Hắc Tang với trách nhiệm của một người cha, sẽ cùng nó bảo vệ và nuôi dưỡng sói con trưởng thành, ngày tháng mới yên bình và tiêu dao làm sao! Nhưng tất cả chỉ là mộng tưởng. Bởi Hắc Tang đã chết. Thi thể Hắc Tang có lẽ đã bị lũ chim kền kền ăn hết từ lâu, hoặc giả đã bị lũ kiến đầu đỏ tha sạch rồi. Tử Lam còn nhớ như in nơi Hắc Tang gặp nạn. Đó là một thung lũng có tên Quỷ Cốc, rải đầy những viên đá lởm chởm và một vài bụi cỏ lạc đà hiếm thấy, trông giống hệt như một nhà mồ gớm ghiếc.

Thiếu sự bầu bạn và bảo vệ của Hắc Tang, Tử Lam không dám tới thảo nguyên để săn mồi. Nó sắp tới kỳ sinh nở, cơ thể yếu ớt, nếu thêm phần mệt mỏi e rằng sẽ đẻ non mất.

Trời mỗi lúc một tối, đám cây bụi lúp xúp ở gần và thảo nguyên mênh mông phía xa xa dần trở nên mờ ảo, cuối cùng bị bóng đêm nuốt chửng. Chỉ có ngọn núi tuyết phía sau lưng Tử Lam là ánh lên sắc màu bàng bạc trong màn đêm xanh sẫm. Niềm hi vọng trong lòng Tử Lam đã nguội lạnh hoàn toàn. Kinh nghiệm mách bảo nó rằng, khi trời tối thì những loài động vật ăn cỏ nhát gan sẽ không dám mon men tới hồ nước thấp nữa. Ài, xem ra đêm nay nó lại phải bóp bụng để vượt qua cơn đói rồi.

Tử Lam thở dài nhấc tấm thân mệt mỏi buồn bã rời khỏi hồ nước, trở về hang động nơi nó náu thân.

Hang động của nó nằm dưới chân ngọn núi tuyết Streca. Cái hang này miệng hẹp bụng rộng, cửa hang được che khuất bởi đám dây cuốn chằng chịt nên rất kín đáo, thật là một nơi lý tưởng cho loài sói. Tử Lam nằm trong hang một lúc lâu nhưng không tài nào ngủ được bởi cái đói đang cào xé ruột gan nó.

Nếu chỉ vì bản thân mình thì Tử Lam còn có thể chịu đựng được, đằng này trong bụng nó lại có mấy chú sói con. Là một người mẹ, nó không cam lòng để các con chịu chung sự xui xẻo của mình, nhịn đói cùng mình. Đám sói con trong bụng cứ đạp từng hồi chừng như phản kháng cái đói. Tử Lam thấy lòng quặn thắt, bứt rứt vô cùng. Nó dùng móng vuốt trước sờ sờ những núm vú trước ngực. Những núm vú không săn chắc cũng chẳng căng đầy. Cơ thể hao gầy và không đủ dinh dưỡng khiến bầu ngực của nó khô đét. Đối với những loài động vật có vú mà nói, bầu sữa chính là suối nguồn sinh mệnh. Nó mong sao suối nguồn sinh mệnh của mình có thể không ngừng tiết ra dòng sữa thơm lành để nuôi dưỡng những bảo bối của nó thành những con sói khỏe mạnh và cường tráng. Mà từ sâu thẳm trong tâm can mình, nó còn có một niềm khát khao mãnh liệt khác, nó ước ao một trong những đứa con mà nó sinh ra có thể giành được ngôi vị Sói Vương hiển hách. Niềm khao khát của nó sáng rõ và mãnh liệt tới mức không một gập ghềnh trắc trở nào trên con đường đời có thể làm nó lụi tắt. Bởi xét đến cùng, niềm mơ ước ấy cũng chính là di nguyện chưa thành hiện thực của Hắc Tang.

Đúng thế, Hắc Tang đã nói rất rõ với Tử Lam về giấc mộng trở thành Sói Vương của mình. Đương nhiên, bất kì một con sói trưởng thành có tài nào đều có thể vinh quang ngồi lên bảo tọa Sói Vương. Chỉ có điều, Hắc Tang nghĩ tới ngôi vị cao quý đó nhiều hơn những con sói khác, niềm khao khát của nó mãnh liệt hơn những con sói khác. Để biến giấc mộng của mình thành hiện thực, suốt hai năm ròng rã, khi tất cả đã chìm trong đêm khuya tĩnh mịch, Hắc Tang lại âm thầm tới bên tảng đá hoa cương rắn chắc, mài móng vuốt của mình lên đó. Rồi nó điên cuồng cắn vào vỏ cây. Nó luyện tập khổ sở như thế để móng vuốt của mình càng thêm sắc nhọn. Tử Lam vô cùng ngưỡng mộ sự can đảm và nghị lực của Hắc Tang. Trong cảm nhận của Tử Lam, Hắc Tang bẩm sinh đã có phong thái của một Sói Vương nên đương nhiên Hắc Tang sẽ bước lên ngôi vị đó. Đương kim Sói Vương Lạc Giáp nổi tiếng hung hãn và có sức khỏe dẻo dai hiếm thấy, xét về thể phách, Hắc Tang với Sói Vương Lạc Giáp một chín một mười, nhưng Hắc Tang trí tuệ hơn người, đầu óc linh hoạt hơn Lạc Giáp rất nhiều. Kiểu mạnh thực sự phải mạnh cả về thể lực và trí tuệ. Còn Lạc Giáp chỉ là một kẻ cơ bắp nở nang mà đầu óc thì đơn giản. Những khi tìm con mồi giữa bãi tuyết rộng mênh mông, không hiểu sao nó lại ra lệnh cho bầy sói tru lên đồng thanh, từng trận gió ngược ào ào thổi qua chốn đồng không khiến những âm thanh của bầy sói vang đi rất xa, có khác nào hồi chuông cảnh báo những con mồi? Đến con dê từng chậm chạp nhất cũng sớm biết đường chạy mất tung tích. Lần khác, Lạc Giáp còn ngu đần tới mức hạ lệnh cho bầy sói tấn công lều trại của thợ săn ngay giữa ban ngày, đúng là một hành động giống như thiêu thân lao vào lửa, khiến mấy con sói đực to lớn phải mất mạng oan uổng. Nếu Hắc Tang là Sói Vương, chắc chắn sẽ không bao giờ làm những chuyện xuẩn ngốc như thế.

Tử Lam thấy rằng, việc Hắc Tang thay thế vương vị của Lạc Giáp là trên thuận ý trời dưới hợp lòng sói. Tử Lam đương nhiên là đồng minh đáng tin cậy nhất của Hắc Tang. Chúng đã bàn bạc với nhau kế hoạch hành động ở một nơi vắng vẻ, chúng sẽ lợi dụng một đêm khuya mưa to gió lớn, Tử Lam sẽ giả bộ kinh hãi bởi tiếng sấm sét, muốn nép mình vào Lạc Giáp, Lạc Giáp theo tiếng gọi của lòng ham hư vinh sẽ mở lòng mình để che chở và an ủi Tử Lam. Chính vào giây phút Lạc Giáp bịn rịn Tử Lam và hoàn toàn mất đi khả năng tập trung ấy, Hắc Tang sẽ lợi dụng tiếng mưa gió sấm chớp đi vòng ra phía sau Lạc Giáp, lạnh lùng cắn đứt chân phải sau của Lạc Giáp. Khi đó, dù những người bạn trung thành của Lạc Giáp có nghe thấy động tĩnh mà xồ ra chống lại Hắc Tang đi nữa cũng đã muộn, bởi một con sói bị què chân không thể đứng vững trên ngôi vị Sói Vương. Chủ ý này của Hắc Tang và Tử Lam quả là tuyệt diệu và kín kẽ vô cùng. Vào lúc Hắc Tang và Tử Lam chuẩn bị thực hiện âm mưu của mình thì Hắc Tang bỗng gặp nạn ở thung lũng Quỷ Cốc. Sọ của Hắc Tang bị xuyên thủng bởi răng nanh của một con lợn rừng. Đáng thương thay cho Hắc Tang, một đời lang kiệt mà cuối cùng lại chết thê thảm như thế!

Tử Lam còn nhớ như in khi con lợn rừng ác độc đó bị bầy sói xé tan thành từng miếng thịt vụn thì nó vội chạy tới chỗ Hắc Tang. Hắc Tang nằm đó, trên hòn đá nhuộm đen màu máu sói, bốn chân chổng lên trời, thân xác đã cứng lạnh mà hai mắt vẫn trừng trừng mở, đồng tử ánh lên một thứ ánh sáng sâu thẳm chỉ có riêng ở loài sói. Hắc Tang nhìn trân trân vào tầng không xanh biếc và vầng mặt trời yếu ớt của mùa đông. Cả bầy sói không con nào hiểu nổi tại sao Hắc Tang lại chết không nhắm mắt như thế, chỉ duy nhất một mình Tử Lam thấu tỏ mà thôi. Hắc Tang chết không nhắm mắt bởi hùng tâm tráng chí chưa thành, bởi tâm huyết suốt hai năm trời bỗng tan như bọt bong bóng. Điều Hắc Tang thấm thía nhất khi ở những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình không phải là nỗi đau bởi dòng huyết trong cơ thể đang dần khô cạn, cũng không phải là tiếng thở dài tiếc nuối bởi sắp lìa xa thế giới mà chắc chắn là niềm ân hận lớn lao bởi chưa hoàn thành được giấc mộng Sói Vương mà nó vẫn đêm ngày mộng tưởng. Nỗi di hận đó mãi đọng lại trong mắt Hắc Tang dù thi thể của nó dần trở nên lạnh ngắt.

Tử Lam đứng lặng trước thi thể Hắc Tang hồi lâu. Rồi nó đột ngột cảm thấy một mối giao cảm thần bí với con sói đã khuất, dường như có một bàn tay vô hình nào đó đang dang tay vớt lấy những gì tinh túy nhất trên cơ thể Hắc Tang và cấy vào trong tâm tư của Tử Lam, giống như gieo một hạt mầm vào đầu Tử Lam vậy. Trong bóng đêm mịt mùng, Hắc Tang đã khẩn cầu Tử Lam, dặn dò Tử Lam phải ươm tưới hạt giống này để nó nảy mầm và đơm hoa kết trái.

Đúng thế, Hắc Tang vĩnh viễn không còn trên thế giới này nữa, nhưng trước khi ra đi nó đã để lại những mầm sói mới trong người Tử Lam. Huyết mạch của Hắc Tang sẽ được tái sinh và tiếp tục chảy dưới sự che chở của người mẹ Tử Lam. Giấc mộng và lý tưởng của Hắc Tang sẽ được kế thừa như một lẽ tự nhiên.

Tử Lam hiểu rõ, trong thế giới loài sói không có quy luật cha truyền con nối hay nhường ngôi mà chỉ có thể dựa vào những trận quyết đấu đẫm máu để tranh giành ngôi vị Sói Vương. Một con sói muốn ngồi lên bảo tọa vinh quang đó phải có một thể phách tráng kiện và bản lĩnh hơn những con sói khác. Để có được việc đó, ngoài sự bồi dưỡng khắt khe thì dinh dưỡng khi thơ bé là vô cùng quan trọng. Những con sói thuở nhỏ thường xuyên phải nhịn đói chắc chắn không thể sở hữu một thể phách tráng kiện.

Dựa vào bản năng động vật của mình, Tử Lam cảm nhận nó đang ở rất gần thời khắc sinh nở. Có thể là chiều ngày mai hoặc muộn nhất là sang ngày kia, các con thân yêu của nó sẽ chào đời. Nó không thể chào đón các con bằng bầu sữa khô cạn. Muốn có bầu sữa luôn căng tràn và tuôn chảy những giọt sữa ngọt ngào, nó phải được ăn uống đầy đủ, nhất là trong tuần ở cữ đầu tiên, nếu vẫn cứ phải ăn thịt chuột để chống chọi cái đói thì rất có thể lũ sói con sẽ trở nên yếu ớt và câu nệ tiểu tiết giống như loài chuột. Trong bầy sói ở núi tuyết Streca đã từng xảy ra tình cảnh thê thảm như thế, sói mẹ vì không đủ sữa nên ngậm ngùi nhìn sói con chết đói.

Chưa bao giờ Tử Lam lại thèm một con hươu sống như lúc này. Nó thèm uống những giọt máu nóng hổi, tanh nồng của loài hươu, như thế núm vú của nó sẽ căng mọng; nó thèm được cắn những miếng thịt hươu thơm ngon non mềm, như thế nó sẽ có đủ thể lực để sinh con một cách bình an. Nhưng, biết tìm đâu ra một con hươu bây giờ.

Một ý nghĩ kỳ diệu chợt lóe lên trong đầu Tử Lam. Phía trước trại Lang Bạc cách hang của nó không xa có một chuồng nuôi hươu. Ở đó, cả một đàn hươu lớn đang tung tăng nhảy nhót. Bị kích động bởi ý nghĩ táo bạo của mình, Tử Lam bật dậy, nhảy ra khỏi hang, trèo lên mỏm núi sau hang. Đứng từ trên cao, bóng đêm đen đặc đang trùm phủ khắp mặt đất, chỉ có một vài đốm lửa le lói sáng ở phía thảo nguyên xa xa. Đó chính là nơi con người nuôi hươu. Một đợt sóng cồn lên trong lòng Tử Lam, nó muốn phi tới chuồng hươu ngay lập tức để chứng tỏ thân thủ của mình. Một làn gió đêm mát rượi thổi tới trước mặt Tử Lam. Tử Lam không chịu nổi cái lạnh thấm trong gió, nó làm dịu bớt nhiệt huyết muốn liều mình một phen vừa mới sôi sục của Tử Lam. Tình hình rất khả quan bên trong chuồng hươu là những con hươu mỡ màng, bên ngoài chỉ có một hàng rào bao quanh trong một không gian vô cùng nhỏ hẹp, ngặt một nỗi chuồng hươu được canh gác bởi một gã thợ săn lúc nào cũng lăm lăm cây súng bên mình và một con chó trắng to đáng ghét. Khứu giác và thính giác của con chó đó không thua kém gì loài sói, Tử Lam còn chưa bén mảng tới gần hàng rào thì nó đã sủa lên ăng ẳng, cảnh báo gã thợ săn phải chú ý. Tử Lam nhớ tới hai người bạn Kiệt kiệt và Châu Châu, chỉ vì ham nỗi sướng miệng, muốn ăn trộm một con hươu trong chuồng mà dẫn đến kết cục rất thê thảm, Kiệt Kiệt bị gã thợ săn bắn trúng sọ, còn Châu Châu bị một viên đạn xuyên thủng bụng, não sói trắng đục và máu sói hồng tươi chảy dài trên mặt đất. Chuồng nuôi hươu giống như một nơi tử địa nên bầy sói dù có thèm rõ dãi những con hươu béo mẫm trong chuồng cũng hiếm có con nào can đảm tới gần. Ài, thôi, cố chịu đựng cái đói một chút vậy, ăn tạm thịt chuột qua cơn đói lòng, Tử Lam cúi đầu buồn bã.

Nhưng, khối tâm tình của một người mẹ muốn nuôi con mình khỏe mạnh hơn, cường tráng hơn; nỗi khao khát muốn vun bồi lý tưởng tân Sói Vương và cơn đói không sao kìm nén nổi cùng ùa lên một lúc như một thứ ma lực có sức hấp dẫn mãnh liệt với Tử Lam. Gã thợ săn đó không phải là không có cách đối phó, con chó trắng đó cũng không phải vạn năng; gã thợ săn và con chó ở chỗ sáng, còn Tử Lam ở chỗ tối, như thế rất dễ đánh úp. Đêm nay trời không trăng sao, gió lại thổi ngược, bóng đêm sẽ che chắn cho nó và gió sẽ giúp nó náu thân, thời tiết thật vô cùng thuận lợi; bản thân nó vốn tính cẩn thận, không hành động lỗ mãng như Kiệt Kiệt và Châu Châu, khả năng thành công sẽ rất cao.

Nghĩ tới những điều kiện có lợi, Tử Lam thấy mình tự tin trở lại, trong lòng nó háo hức thực hiện mưu đồ. Đúng thế, bây giờ đi trộm hươu còn hơn là sau khi sinh, bị cái đói thúc bách mà bắt buộc phải lao mình vào chốn nguy hiểm. Lúc đó cơ thể nó còn yếu hơn bây giờ, chắc chắn hành động sẽ khó khăn vất vả hơn, phần trăm thành công cũng thấp hơn.

Cuối cùng, Tử Lam cũng thuyết phục được bản thân.

Tử Lam nhảy xuống mỏm núi, uống một ngụm nước suối mát lành và co bụng lại. Các con trong bụng vẫn rất ngoan, chưa hề có biểu hiện đòi ra ngoài. Tử Lam quay người, vẫy đuôi, cảm thấy mình còn đủ sức lực tới chuồng hươu.

Tử Lam rời khỏi hang, băng mình vào thảo nguyên Ga Marr đen thẫm.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui