Giải Mật

Cái chết của ông Tây
bắt đầu từ cổ họng, có thể là trả thù sự nghiệp giải mộng mà ông ta yêu
mến suốt đời, nói tóm lại, cái miệng lưỡi khéo hót có ích suốt đời, mà
hoạ cũng bởi cái miệng quạ đen nói trơn tuột chuyện âm dương. Từ khi
chuẩn bị viết di chúc cho ông Lily, ông ta đã mất tiếng, không nói được
nữa, điều ấy củng làm ông ta dự cảm được cái chết đang đến gần, mới dặn
lại những chuyện về sau của Sâu Đầu To. Trong những ngày câm lặng, cứ
mỗi buổi sáng, Sâu Đầu To lại đặt nơi đầu giường ông ta một chén trà hoa lê pha đậm nhạt tuỳ theo mùa, ông tỉnh lại trong thoang thoảng hương
thơm, trông thấy những cánh hoa lê trắng nở dần trong nước, lòng cảm
thấy bình an. Nước trà hoa lê tự chế đã từng là thứ thuốc xua đi những
chứng bệnh của ông ta, thậm chí ông thấy mình thọ như vậy cũng là bởi
cái thứ trà đơn giản này. Nhưng khi ông thu thập những cánh hoa hoàn
toàn là việc nhàn rỗi, hoặc bởi màu trắng tình khiết và dịu dàng của hoa lê đã hấp dẫn và thức tỉnh nhiệt tình của ông, ông thu lượm chúng, phơi chúng nơi mái hiên, phơi khô, rồi cất chúng nơi đầu giường, trên bàn
viết, đồng thời ngửi hương thơm của hoa khô, tưởng như giữ bên mình mùa
hoa đua nở.

Bởi chỉ còn một mắt, đôi chân không còn nhanh nhẹn,
ngày nào cũng ngồi yên một chỗ, lâu ngày không tránh khỏi táo bón, những lúc nghiêm trọng ông có cảm giác sống không bằng chết. Đầu đông năm ấy, chứng táo bón lại tái phát, ông vẫn dùng biện pháp cũ, buổi sáng ngủ
dậy uống một bát to nước lã đun sôi, sau đấy uống tiếp, những mong một
cơn đau bụng kéo đến. Nhưng lần táo bón này rất ngoan cố, ông uống nước
liền mấy ngày, cái bụng vẫn lặng im, không có phản ứng gì, khiến ông cảm thấy đau khổ và tuyệt vọng. Buổi tối hôm ấy, ông đi cắt thuốc ở thị
trấn về, nhân lúc còn tối, ông uống cạn bát nước đã chuẩn bị trước khi
ra ngoài, vì uống quá nhanh, cuối cùng ông mới thấy nước có vị lạ, đồng
thời có rất nhiều cặn cùng trôi tuột vào dạ dày, khiến ông thấy khang
khác. Ông thắp đèn lên xem, thấy trong bát là những cánh hoa lê khô được nước làm sống lại, không biết do gió thổi rơi vào hay là chuột tha vào. Trước đấy, ông chưa từng nghe nói hoa lê khô có thể làm nước uống, ông
thắc thỏm không yên chờ đợi vì chuyện này mà có thể dẫn đến những chuyện gì khác, thậm chí ông chuẩn bị cho cả cái chết. Nhưng không chờ ông sắc thuốc, ông cảm thấy bụng nhân nhẩn đau, tiếp theo là những cơn đau dữ
dội như ông mong muốn. Ông biết, việc lành đã đến, sau một tràng trung
tiện, ông đi nhà vệ sinh, lúc ra người cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm.

Trước đấy, mỗi lần cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái chính là lúc bắt đầu viêm
ruột, sau khi hết táo bón, thông thường kéo theo vài ngày đi ngoài, có
gì đó như sự chuyển hoá ngược lại. Nhưng lần này ra khỏi vòng quái dị
rất bi thảm, không xảy ra những triệu chứng bất thường hoặc một điều gì
không thích hợp, có thừa sự bí hiểm, hình ảnh nước hoa lê lại hiện lên
trong đầu ông ta. Sự việc bắt đầu thật ngẫu nhiên và sai lầm, kết quả
biến thành sự xếp đặt khéo léo của số phận. Từ đấy về sau, ông bắt đầu
ngày nào cũng pha nước hoa lê như thể người ta pha trà để uống, càng
uống ông càng cảm thấy ngon. Nước hoa lê trở thành ân thưởng cho số
phận, khiến cuộc sống già yếu của ông thêm phần say sưa và đời thường.
Hàng năm cứ đến mùa hoa lê, ông lại cảm thấy vô cùng sung mãn và hạnh

phúc, ông thu nhặt từng bông hoa lê thơm ngát, giống như thu lượm cuộc
sống và sức khoẻ của mình. Vào lúc sắp chết, ngày nào ông cũng nằm mơ,
trông thấy hoa lê nở trong nắng, rơi rụng trong gió mưa, như bảo rằng
ông mong Thượng đế đưa ông đi cùng với hoa lê.

Vào một buổi
sáng, ông gọi Sâu Đầu To đến, bảo lấy giấy bút, viết câu này: Sau khi
tôi chết mong được chôn cùng hoa lê. Đến tối, ông lại gọi Sâu Đầu To đến bên giường, bảo lấy giấy bút, ghi lại nguyện vọng chuẩn xác: Tôi sống
trên đời tám mươi chín năm, mỗi năm một bông hoa, chôn cùng tôi tám mươi chín bông hoa lê. Sáng sớm hôm sau, một lần nữa ông gọi Sâu Đầu To vào, lấy giấy bút, ghi lại nguyện vọng chính xác hơn: Hãy tính, tám mươi
chín năm có bao nhiêu ngày, có bao nhiêu ngày chôn theo tôi bấy nhiêu
bông hoa lê. Có thể, sự sợ hãi hoặc mong đợi cái chết làm cho ông trở
nên hồ đồ, ông ghi lại nguyện vọng chính xác đến độ phức tạp, nhất định
ông quên rằng mình chưa dạy cho Sâu Đầu To biết tính toán.

Tuy
chưa học, nhưng những phép cộng trừ đơn giản nó có thể làm được. Đó là
chi tiết cuộc sống, một phần của đời thường, đối với một đứa trẻ ở tuổi
đi học, không học cũng có thể biết. Ở một góc độ nào đó, Sâu Đầu To cũng đã được học và được tập làm cộng trừ, bởi hàng năm cứ đến mùa hoa lê,
ông Tây sau khi thu nhặt hoa rơi, chắc chắn bảo Sâu Đầu To đếm, đếm rõ
ràng, ghi lên tường, hôm sau lại bảo nó đếm, ghi tiếp lên tường. Như
vậy, sau một mùa hoa khả năng đếm và cộng trừ của Sâu Đầu To, gồm cả
khái niệm lẻ, chục, trăm, nghìn, vạn đều được huấn luyện ở một mức độ
nhất định. Nhưng cũng chỉ đến vậy. Lúc này nó phải dựa vào một chút bản
lĩnh, cùng với lời ghi trên bia đã được ông Tây xác định - trên đó ghi
đầy đủ ngày sinh và địa điểm - tính số ngày mà ông ta sống. Vì trình độ
có hạn, nó phải mất rất nhiều thời gian, mất đúng một ngày mới tính ra.
Trong nhá nhem, Sâu Đầu To đến bên giường, nói với ông Tây kết quả mà nó đã tính ra. Ông Tây không còn đủ sức gật đầu, chỉ bóp bàn tay nó một
cách tượng trưng, và nhắm mất lần cuối cùng. Cho nên, đến nay Sâu Đầu To có tính đúng hay không, khi nó thấy ông Tây nhìn những phép tính của
nó, lần đầu tiên nó cảm thấy quan hệ giữa con người này với nó, sự quan
trọng đối với nó, bởi thế nó thấy hồi hộp, sợ hãi.

Những con
tính viết kín ba trang giấy, tuy không đánh số trang, nhưng khi ông Lily trải rộng các trang giấy ra, lập tức hiểu ngay đâu là trang đầu tiên.
Trang đầu tiên viết như thế này:

Một năm: 365 (ngày)

Hai năm: 365 + 365 = 730 (ngày)

Ba năm: 365 + 365 + 365 = 1.095 (ngày)


Bốn năm: 1.095 + 365 = 1.460 (ngày)

Năm năm: 1.460 + 365 = 1.825 (ngày)



Nhìn những dãy số, ông Lily biết Sâu Đầu To chưa biết làm phép nhân, không
hiểu phép nhân, cho nên chỉ có thể làm theo cách thủ công. Như vậy, nó
cứ luỹ kế, cho đến tám mươi chín lần ba trăm sáu mươi lăm, ra con số
32.485 (ngày), rồi nó lấy con số này trừ đi 235 (ngày), cuối cùng được
kết quả 32.232 (ngày).

Sâu Đầu To hỏi: “Cháu tính như thế có đúng không?”

Ông Lily nghĩ, thật ra tính như thế không đúng, vì trong số tám mươi chín
năm, không phải năm nào cũng đủ ba trăm sáu mươi lăm ngày. Ba trăm sáu
mươi lăm ngày là cách tính theo lịch Tây, cứ bốn năm lại có một năm
nhuận, thực tế là ba trăm sáu mươi sáu ngày. Nhưng ông lại nghĩ, thằng
nhỏ này mới mười hai tuổi, có thể luỹ kế chính xác quả là không đơn
giản. Ông không muốn làm nó buồn, nên nói là đúng, hơn nữa còn ngỏ lời
khen:

“Có điểm này cháu làm rất đúng, ấy là cháu tính theo năm,
rất khéo. Cháu nghĩ, nếu không tính như thế, cháu phải trừ năm đầu và
năm cuối không đủ số ngày, bây giờ cháu chỉ cần tính năm cuối cùng là
được rồi, cho nên gọn hơn rất nhiều.”

“Nhưng bây giờ cháu có cách tính đơn giản hơn.” Sâu Đầu To nói.

“Cách nào?”

“Cháu không biết gọi là gì, bác xem nhé.”

Nói rồi, Sâu Đầu To lấy mấy trang giấy ở đầu giường, đưa cho ông Lily xem.

Những trang giấy này bất luận lớn hay bé, tính chất, và cả nét chữ đậm nhạt,
rõ ràng không như những trang giấy vừa rồi, chứng tỏ không phải viết

cùng một ngày. Sâu Đầu To nói, nó làm những con tính này sau ngày mai
táng ông Tây. Ông Lily lật giở ra xem, bên trái vẫn là những phép tính
cộng, nhưng bên phải là những phép tính rất thần bí, nó như sau:

Một năm: 365 (ngày). 1 = 365 (ngày)

Hai năm: 365 + 365 = 730 / 365.2 = 730 ngày

Ba năm: 730 + 365 = 1095 / 365. 3 = 1095 (ngày)

Khỏi phải nói, dấu chấm khó hiểu kia chính là dấu nhân, chẳng qua nó không
biết, cho nên dùng cách ấy để biểu thị. Giống như thế, nó tính cho đến
năm thứ hai mươi, từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, hai cách tính được
thay đổi vị trí trước sau, phép nhân trước, phép cộng sau, theo như dưới đây:

21 năm: 365.21 = 7665 (ngày)/7300 + 365 = 7665 (ngày)

Ông Lily chú ý, dùng phép nhân để tính ra con số 7665 đã được sửa chữa, con số trước đó hình như 6565, về sau năm nào cũng sửa, phép nhân để trước, phép cộng để sau, đồng thời dùng phép nhân để tính ra con số ấy có đôi
chỗ phải sửa, sửa cho đúng với số của phép cộng, nhưng hai mươi năm
trước (từ năm thứ nhất đến năm thứ hai mươi) con số dưới phép nhân không bị sửa chữa, nói lên hai điều:

Thứ nhất, hai mươi năm đầu nó
chủ yếu dùng phép cộng để tính, dùng phép nhân là để tham chiếu, không
hoàn toàn độc lập, từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, nó dùng phép nhân để
tính, phép cộng viết ra chỉ có tác dụng thử lại phép nhân.

Thứ
hai, hồi ấy nó chưa nắm vững cách làm phép nhân, thỉnh thoảng có chỗ
sai, cho nên mới có hiện tượng sửa chữa. Nhưng về sau sửa chữa bớt dần,
điều này chứng tỏ nó dần dần nắm vững cách làm phép nhân.

Cứ như vậy tính cho đến năm thứ bốn mươi, bỗng nhảy luôn đến năm thứ tám mươi
chín, dùng phép nhân và được con số 32485 (ngày), sau đấy bớt đi 253
(ngày), được tổng số 32232 (ngày), nó khoanh tròn con số nhằm gây chú ý, cuối cùng nổi bật lên một con số đứng riêng ra.

Sau đấy còn một bản nháp nữa, trên đấy là các phép tính rất rối, nhưng ông Lily xem và
biết nó đang tính, tổng kết quy luật phép nhân. Cuối cùng, quy luật được liệt kê rõ ràng ở cuối trang giấy. Ông Lily nhìn và bất giác miệng đọc
theo: một một được một, một hai được hai, một ba được ba, hai hai được
bốn, hai ba được sáu, hai bốn được tám, ba ba được chín, ba bốn mười
hai, ba năm mười lăm, ba sáu mười tám...

Một dãy phép nhân không sai.

Đọc xong, ông Lily vừa mặc nhiên lại vừa ngơ ngác nhìn thằng nhỏ, trong
lòng lẫn lộn cảm giác vừa khó hiểu, vừa lạ lùng, không chân thật. Trong
căn nhà yên tĩnh hình như vẫn còn dư âm tiếng ông đọc, ông ngẩn ngơ lắng nghe, những cảm thấy một sự dễ chịu và nhiệt thành đang lan toả, ngay

lúc ấy ông có dự cảm không thể không đưa đứa nhỏ này đi. Ông nghĩ bụng,
vào những năm tháng chiến tranh liên miên, tất cả những việc thiện không phù hợp thực tế chỉ có thể đưa lại phiền hà cho bản thân, nhưng đứa nhỏ này là một thiên tài, nếu mình hôm nay không đưa nó đi, chắc rằng sẽ
hối hận suốt đời.

Trước kì nghỉ hè kết thúc, ông Lily nhận được
điện của tỉnh cho biết, trường đã khôi phục việc học hành, mong ông sớm
về lại trường, chuẩn bị khai giảng năm học mới. Tay cầm bức điện, ông
nghĩ, có thể không làm hiệu trưởng, nhưng không thể bỏ rơi sinh viên,
vậy là ông gọi quản gia đến, bảo anh ta chuẩn bị hành lí để lên đường,
cuối cùng ông đưa tiền cho anh ta. Người quản gia cảm ơn, nghĩ rằng ông
thưởng cho mình.

Ông Lily nói: “Tiền này không phải cho anh, mà đưa để anh lo liệu công việc.”

Người quản gia hỏi: ‘Thưa ông, ông định làm gì ạ?”

Ông Lily nói: “Đưa cho Sâu Đầu To, bảo nó ra phố mua vài bộ đồ.”

Người quản gia nghĩ mình nghe nhầm, anh ta đứng ngẩn người.

Ông Lily nói: “Làm xong việc, anh sẽ được thưởng.”

Mấy hôm sau, người quản gia xong việc, anh ta đến lĩnh thưởng, ông Lily nói: “Anh chuẩn bị cho Sâu Đầu To, ngày mai đi với tôi.”

Người quản gia lại tưởng mình nghe nhầm.

Ông Lily phải nói lại một lần nữa.

Sáng hôm sau, trời vừa tảng sáng, chó trong khuôn viên đã sủa vang. Chó con
nọ sủa con kia cũng sủa theo, chỉ lát sau tiếng chó sủa ầm ỹ khiến cả
chủ và tớ đều thức giấc, đứng trong cửa sổ nhìn ra ngoài, theo ngọn đèn
trong tay người quản gia, những cặp mắt sau cửa sổ đều kinh ngạc tròn
xoe, bởi mọi người thấy Sâu Đầu To mặc bộ đồ mới, tay xách cái va li của ông Tây vượt biển đưa về, lặng lẽ từng bước theo chân ông Lily, vẻ sợ
sệt, giống như một con ma vừa đến trần gian. Vì kinh ngạc, nên mọi người không dám khẳng định những gì mình trông thấy là thật, cho đến khi
người quản gia đưa tiễn người đi rồi quay lại, nghe người quản gia nói
mọi người mới tin những gì mắt mình trông thấy là sự thật.

Lại
có thêm nhiều nghi vấn: Ông chủ đưa nó đi đâu? Đưa nó đi làm gì? Sâu Đầu To còn về nữa không? Tại sao ông chủ tốt với Sâu Đầu To như thế? Vân
vân và vân vân.

Người quản gia có hai cách trả lời.

Với chủ anh ta nói: “Không biết.”

Với người làm anh ta nói: “Có ma mới hiểu nổi.”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận