Giấy Sống


Hoắc Chấn Diệp vừa ngồi xổm xuống, đã nhìn thấy có một mảng màu đỏ thẫm tràn ra qua khe cửa giống như vết nước bị rò rỉ vậy.
Hắn vội lùi về sau một bước, “Đầu Bự, mau phá cửa!”
Loại cửa gỗ này rất chắc chắn, dùng những thanh gỗ dài chêm vào kẽ hở, không thể dùng sức để phá được.

Cuối cùng bọn họ phải nhờ đến sự giúp đỡ của những người hàng xóm, mới dỡ được cánh cửa.

Bên trong tiệm may, máu chảy lênh láng khắp nơi.

Hai người ngã trên mặt đất, một người ở trước cửa, một người ở bên cạnh quầy hàng. 
Đầu Bự vọt vào trong kiểm tra.

Chảy nhiều máu như vậy, đoán chừng người này cũng không sống nổi.
Quả nhiên người ở gần cửa đã chết rồi.

Anh ta đi đến bên cạnh quầy, ngồi xổm xuống định kiểm tra mạch đập và nhịp tim của người kia.

Nhưng mới định đưa tay ra, ánh mắt liếc qua sau quầy hàng bèn kêu lên một tiếng đầy hoảng hốt, ngã ngửa ra ngồi bệt xuống sàn nhà.
Hoắc Chấn Diệp vội vàng móc súng chạy vào, giơ súng lên chĩa về phía quầy hàng.
Một người đàn ông mặc áo dài đang ngồi dưới quầy hàng.

Trên cổ ông ta quấn một chiếc thước dây, tay cầm cây kéo to.
Những người đang xúm xít trước cửa vì tò mò, nhìn thấy Hoắc Chấn Diệp móc súng thì đều la hét bỏ chạy.
Người ngồi dưới quầy hàng đang dùng cây kéo, tự cắt phá da thịt của mình từng nhát lại từng nhát.
Mắt ông ta trợn trừng nhìn Hoắc Chấn Diệp và Đầu Bự, miệng thì mấp máy lẩm bẩm: “Không cho đi được, không cho đi được.”
Đầu Bự bị cảnh tượng đột ngột này làm cho sợ hãi, bò dậy dùng dùi cui đánh người này một gậy.

Đối phương không hề né tránh, giống như hoàn toàn không nhìn thấy vậy, sau đó trợn mắt rồi ngã ra đất.
Các cảnh sát chạy tới, áp giải người kia về đồn trước rồi khiêng hai thi thể về theo.
Đầu Bự đưa bọn họ ra xe, trở lại nói với Hoắc Chấn Diệp: “Người kia là thợ may Diêm, hai người học việc là do ông ta giết, vết thương trên cổ trùng khớp với cây kéo.”
“Anh còn biết cái này cơ à?” Hoắc Chấn Diệp hơi ngạc nhiên.
Đầu Bự gãi đầu nói: “Ông nội tôi từng làm quan pháp y thời triều Thanh.”
Hèn gì anh ta lại biết chữ, cũng không thấy buồn nôn khi trông thấy những xác chết này.

Đám thịt vụn bị thợ may Diêm cắt phá, rơi vãi khắp sàn nhà cũng do Đầu Bự thu dọn.
Đầu Bự hỏi: “Liệu có phải, thợ may Diêm chính là người đã giết chết thợ may Chu không? Do ghen tị ông ta làm ăn khá hơn mình?”
Giày da của Hoắc Chấn Diệp giẫm phải vết máu.

Hắn bỏ hai tay vào trong túi quần, nhấc chân lên nhìn xem có bị dính nhiều máu hay không, có phải trở về thay đôi giày da khác hay không.
Nghe Đầu Bự nói vậy, hắn ngẩng đầu nhìn những chiếc áo treo trên tường: “Không đâu, việc làm ăn của ông ta khá hơn so với thợ may Chu.”
“Làm sao cậu biết?”

“Quần áo trong tiệm của thợ may Chu đều là loại rộng rãi đơn giản, còn xường xám trong tiệm của thợ may Chu đều rất yểu điệu, kiểu dáng cũng mới mẻ.” Loại xường xám mỏng manh bó sát này đa phần là các cô gái nhảy, kỹ nữ hay mặc, con gái nhà lành không ai mặc vậy ra đường.
Trong tiệm của thợ may Diêm gần như treo kín loại này, khách hàng chính của ông ta là những cô gái đó.

Bọn họ có nhiều tiền trong tay, lại thích chạy theo mốt thời thượng, thường xuyên thay đổi kiểu dáng mới thì đương nhiên cũng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
“Đó là mối liên hệ giữa vụ án thứ nhất và vụ án thứ hai.

Vụ án của ông chủ Vương là do người học việc giết người.” Đầu Bự tổng kết.
“Lại có người chết rồi.

Tôi thấy không cần đợi quá lâu đâu, nói không chừng tối hôm nay là sẽ bắt được tên học việc đó thôi.

Đến lúc ấy, sẽ biết có phải là gã giết hay không.”
Mắt thấy đã sắp hoàng hôn, Hoắc Chấn Diệp vội vã trở về nhà, hắn không muốn để cho Bạch Chuẩn vào miếu một mình.
Đầu Bự gật đầu: “Vậy thì tốt.

Khi nào thợ may Diêm tỉnh lại, tôi sẽ gọi điện thoại cho cậu.”
Hoắc Chấn Diệp đưa mắt nhìn cửa tiệm một lần cuối, bên trong treo đầy các loại vải vóc thêu thùa đầy màu sắc, phát sáng rực rỡ dưới ánh nắng chiều. 
Bạch Chuẩn đi qua đi lại, mắt thấy mặt trời sắp xuống núi mà họ Hoắc kia vẫn chưa trở về.
Ngay lúc Bạch thất gia mất hết kiên nhẫn, mở cửa tính đi thì nhìn thấy “họ Hoắc” kia chạy từ ngoài hẻm vào, trong tay xách một túi đồ to.

Nhìn thấy Bạch Chuẩn, cười nói: “May mà đuổi kịp.”
Bạch Chuẩn quay phắt đi, nói với vẻ mặt thiếu kiên nhẫn: “Nhanh lên, đừng làm lỡ thời giờ.”
Hoắc Chấn Diệp hí hửng, đẩy xe lăn của Bạch Chuẩn đi về miếu Thành Hoàng.

Càng đến gần miếu đôi trời càng tối, lúc đến cửa miếu Bạch Chuẩn trông thấy một gánh hàng rong bán rượu nếp nóng hôi hổi.
Hoắc Chấn Diệp khom người xuống bảo: “Tôi biết chắc chắn cậu vẫn chưa ăn gì, ăn một bát trước nhé?”
Người bán hàng rong đã chờ sẵn.

Vị thiếu gia này mua liền một lúc cả gánh hàng, lại còn cần cả trứng gà, bánh trôi nước, bảo anh ta chuẩn bị trước nguyên liệu rồi gánh đến miếu Thành Hoàng.
“Tôi đã nếm thử rồi, mùi vị cũng không tệ, cho cậu thêm hai quả trứng nhé?”
“Anh tưởng tôi đang ở cữ đấy à?” Bạch Chuẩn lườm nguýt: “Thêm một quả thôi.”
Trứng gà là thêm vào ngay lúc ăn, lòng đỏ được chọc thủng chảy ra, cắn một miếng lập tức trượt vào trong miệng.

Rượu mọng thì ngọt lừ, bánh trôi thì mềm mại.

Bạch Chuẩn ăn một bát, ngay cả nước cũng uống sạch trơn.
Hoắc Chấn Diệp bảo người bán hàng rong chờ ở đây, đến khi trời sáng lại làm thêm một bát nữa.
“Vâng vâng, lúc nào cậu muốn ăn thì gọi với ra ngoài một tiếng là được.”
Bạch Chuẩn ngồi trên ghế bập bênh.


Hoắc Chấn Diệp cởi Âu phục ra treo ở bên cạnh, xắn tay áo tiếp tục vẽ pháp y.

Tượng thần đã bắt đầu thành hình, mới buổi tối mà áo bào đã phát sáng lấp lánh.

Đến lúc được khiêng đi diễu hành trên đường phố, không biết sẽ hoành tráng đến mức nào.
Thân thể Bạch Chuẩn trở nên ấm áp, khoé miệng cậu thả lỏng, chìm vào trong giấc mộng.

Cảnh vật trước mắt không thay đổi, cậu vẫn ở trong miếu Thành hoàng, chỉ có điều không thấy Hoắc Chấn Diệp nữa.
Cậu lập tức đứng dậy, bước mấy bước đến trước bàn thờ thần, thắp nhang kính thần.
Nhang cháy xong, trên bàn thờ xuất hiện một cây kim treo lơ lửng.

Chẳng chờ Bạch Chuẩn nhìn rõ, cây kim đã biến mất, cậu lập tức tỉnh lại.
Hoắc Chấn Diệp đang ngậm cây bút trong miệng, đứng ở trên một chiếc kệ cao bằng tre, nhìn cậu cười nói: “Ngủ thêm một lát đi.”
Bạch Chuẩn khẽ nhăn mày, đây là lần đầu tiên không có một chỉ thị rõ ràng.

Cậu suy nghĩ một lúc, ngồi dậy hỏi hắn: “Hôm nay anh gặp phải vụ án gì?”
Có người chết thì chắc chắn đồn cảnh sát sẽ biết.
Hoắc Chấn Diệp vẫn đang ngậm bút, tay cũng không ngừng lại mà vẫn vẽ từng nét từng nét của chiếc áo lụa, nói rằng: “Có hai người thợ may mới chết, ngày mai tôi còn phải đến đồn cảnh sát hỏi khẩu cung.”
“Hỏi được gì thì báo cho tôi biết.”
Hoắc Chấn Diệp bật cười, bút rơi xuống quần áo hắn, tạo thành một vệt mực màu trên bộ Âu phục xám bạc.

“Cậu lo lắng cho tôi sao?”
“Không phải.”
“Tôi cứ cho là vậy đi.” Hoắc Chấn Diệp bật cười, tiếp tục vẽ pháp y.

Vẽ đến khi quen tay hắn cũng không cảm thấy khó nữa, chỉ có điều cánh tay cứ phải nâng lên liên tục, ngay cả hắn cũng không chịu nổi.
Chẳng trách ban ngày Bạch Chuẩn vẫn luôn có dáng vẻ mèo lười xó bếp.
“Sao bỗng dưng cậu có hứng thú với vụ án vậy?”
“Ngày mồng sáu tháng sáu là lễ Thiên Huống, tất cả thợ may trong thành phố sẽ đến miếu Thành Hoàng phơi áo dâng kim.” Đây cũng không tính là nói dối, “Thợ may chết tất nhiên phải hỏi đến.”
*Lễ Thiên Huống (trời ban), là một ngày lễ truyền thống của Trung Quốc diễn ra vào ngày mồng sáu tháng sáu âm lịch, có nhiều tên gọi và truyền thuyết khác nhau về nguồn gốc của lễ này.

Hiện nay tuy đã mai một dần nhưng một số nơi vẫn duy trì những tập tục trong lễ này như tích trữ nước, phơi các loại quần áo màu sắc sặc sỡ, phơi sách, phụ nữ về nhà mẹ đẻ, tắm cho người và vật nuôi, cầu trời nắng, cầu bình an…
“Vậy được, ngày mai tôi sẽ nghiêm túc xử lý vụ án này.”
Ngày hôm sau, mới sáng sớm Hoắc Chấn Diệp đã đi rồi.

Bạch Chuẩn vẫn còn ngủ trên giường.

Thấy cậu chưa tỉnh, Hoắc Chấn Diệp tóm lấy con hoàng tước và mang theo.

Con hoàng tước nhỏ há mỏ nhưng không thể phát ra âm thanh.

Nó dùng sức muốn thoát ra khỏi bàn tay của Hoắc Chấn Diệp, bay đến bên cạnh con sẻ Chỏm Đỏ.
Hoắc Chấn Diệp chạm vào cái đầu xù lông của nó, bảo: “Mày thế này là không được rồi.

Mày xem, mày tặng nó hoa hồng có tác dụng gì không? Phải tặng gạo kê trộn lòng đỏ trứng.”
A Chiếp như bừng tỉnh, nó dùng mỏ mổ lên đầu ngón tay của Hoắc Chấn Diệp một cách thân mật.
“Ha ha, mày đúng là con chim cơ hội.

Được rồi, tối nay lúc về nhà tao sẽ chuẩn bị cho mày một ít.”
Hoàng tước nhanh chóng nhảy lên vai Hoắc Chấn Diệp.
Thợ may Diêm đã tỉnh lại.

Tuy rằng tỉnh nhưng ông ta cũng điên rồi.
“Hoắc thiếu gia, tôi dẫn cậu đi xem vậy.” Thực sự thì Đầu Bự không biết phải diễn tả thế nào.
Thợ may Diêm đang quay lưng về phía song sắt, bôi từng lớp từng lớp gì đó trên bức tường phòng giam.

Ánh đèn trong nhà giam quá mờ, nhìn không rõ ông ta đang viết hay vẽ.
“Ông Diêm?” Hoắc Chấn Diệp nói chuyện với thợ may Diêm qua cánh cửa phòng giam.
Thợ may Diêm không có phản ứng, ông ta không ngừng vẽ lên bức tường, trong miệng lẩm bẩm: “Ông Tần muốn may tỳ bà khâm, tỳ bà khâm tôn vòng eo; Tố cô nương muốn may song khâm viền Như Ý…”
Hoắc Chấn Diệp nhíu mày, tiến lên phía trước một bước.

Lúc này hắn mới thấy thợ may Diêm căn bản không hề dùng bút để vẽ, mà là dùng đầu ngón tay của chính mình để vẽ nên kiểu dáng của các loại nút áo xường xám.

Đầu ngón tay ông ta bị xước ra chảy máu.
“Ông ta tự cắn đấy.” Đầu Bự lùi về sau nửa bước, khi máu trên ngón tay đông lại, ông ta sẽ tiếp tục cắn.
Lúc này Hoắc Chấn Diệp mới hiểu thế nào là ông ta bị điên rồi.
Không thể moi được tin tức hữu dụng gì từ thợ may Diêm, hai người học việc cũng đã chết bởi cây kéo của ông ta.

Hoắc Chấn Diệp cau mày bảo: “Đầu Bự, anh để ý cẩn thận nhé, xem ông ta còn nói gì nữa.”
“Tôi biết rồi, Hoắc thiếu gia.” Nói xong Đầu Bự cười nói: “Hôm qua tôi đã tóm được người rồi.”
Là tên học việc nhà thợ may Vương.

Gã nghe nói rằng trên đường Cẩm Tú lại xảy ra hai vụ án mạng nữa, thì đến đêm bèn trèo cửa sổ mò vào phòng bà chủ, lập tức bị bọn họ tóm được.
Còn chưa bị đánh trận nào gã đã khai hết sạch, nói mình không hề rời khỏi Thượng Hải, còn bà chủ thì thường xuyên ra ngoài vụng trộm với gã.

Hai người này cùng nhau tính kế giết chết ông chủ Vương.
Bọn họ nghe nói thợ may Chu chết, bèn lập tức nắm lấy cơ hội.

Giống như vụ án người đẹp Hoa Quốc vậy – nếu là giết người hàng loạt, cảnh sát sẽ không thể tra ra bọn họ.

Chỉ cần nhẫn nại thêm một tháng, bán hết đồ đạc đi là hai người sẽ cao chạy xa bay.
Không ngờ trong phút chốc bị Hoắc Chấn Diệp nhìn thấu.
Hoắc Chấn Diệp nhìn phòng giam lần nữa, nói: “Lấy ít giấy bút cho ông ta vẽ.” Nếu đầu ngón tay bị hỏng, cho dù ông ta khỏi bệnh điên cũng không thể làm xường xám được nữa.
Vụ án nhà họ Vương đã được phá nhưng vẫn còn chưa biết rốt cuộc hai vụ án Chu, Diêm có mối liên hệ hay không.
“Chẳng phải đã bắt được gã học việc lớn nhất của nhà họ Chu hay sao? Lôi gã ta ra tra hỏi xem thế nào.”
Gã học việc đầu của nhà họ Chu bị đánh cho một trận, mặt mũi sưng vù, sợ hãi run lẩy bẩy: “Tôi đã khai hết rồi, mấy ngày đó thầy Chu vẫn luôn làm xường xám, ngay cả cơm cũng phải đưa đến cửa phòng.”

“Bình thường quan hệ của thợ may Diêm và thầy cậu thế nào?”
“Bình thường quan hệ không tốt lắm, nhưng mấy ngày trước thợ may Diêm đột ngột mang một tấm vải đến cho thầy tôi, ông ấy cực kỳ mừng rỡ.”
Thợ may Diêm có tay nghề làm xường sám vô cùng giỏi, bất cứ chất liệu vải nào vào tay ông ta cũng có thể biến thành một chiếc xường xám thích hợp nhất với chủ nhân của nó.
Có kỹ nữ trong kỹ viện Trường Tam, mang đến cho ông ta một miếng vải ren từ nước Pháp.

Loại chất liệu ren này thông thường được dùng để may Âu phục, nhưng thợ may Diêm đã sử dụng loại tơ lụa mỏng nhất để làm lót trong cho vải ren và may cho cô ta một chiếc xường xám ren dài.
Kể từ đó thợ may Diêm lập tức nổi danh, trở thành người thợ may được các cô kỹ nữ trong kỹ viện Trường Tam tranh nhau săn đón để may đồ mới.
Thợ may Chu vẫn luôn muốn so bì hơn thua với thợ may Diêm, thợ may Diêm thì thầm chê cười ông ta không biết tự lượng sức.

Vậy tại sao thợ may Diêm lại bất ngờ tặng vải cho ông ta chứ?
“Là loại vải gì vậy?”
“Thật là một tấm vải đẹp.” Người học việc nhớ đến mảnh vải đó, trên mặt xuất hiện vẻ si mê, “Một mặt trắng một mặt đỏ, vừa nhẹ vừa mỏng, giống như lụa điện quang vậy.”
Lụa điện quang 电光绸: một loại tơ lụa được xử lý điện quang trên bề mặt nên rất bóng mịn.
Thợ may Chu thấy gã học nghề nhìn lén tấm vải, thì nổi cơn thịnh nộ.
“Ông ấy nói chất liệu tốt như vậy phải đích thân làm, thậm chí còn không cho phép chúng tôi nhìn.” Người học việc vừa nói vừa khóc.

“Tôi thật sự không có giết người.”
Hoắc Chấn Diệp dùng bút gõ lên bản ghi chép lời khai, hỏi Đầu Bự: “Các anh có thấy tấm vải đó không?”
Đầu Bự lắc đầu: “Không, hiện trường trên bàn trống trơn.”
“Thợ may Diêm có nói tấm vải đó là từ đâu đến hay không?”
Người học nghề suy nghĩ rất lâu.

Hôm đó khi thợ may Diêm mang tấm vải đến, tinh thần của ông ta rất uể oải.

Ông ta bảo là muốn tặng tấm vải này cho thợ may Chu, thợ may Chu còn chuẩn bị rượu thịt mời thợ may Diêm, nhưng ông ta đã vội vã đi khỏi.
Nhiều ngày sau đó, thợ may Diêm không hề mở cửa, nghe nói là bị bệnh.
“Ông ta nói… nói là một cô nương trong kỹ viện Trường Tam mang đến cho mình.”
Ra khỏi phòng thẩm vấn, Hoắc Chấn Diệp bèn hỏi Đầu Bự: “Gần đây bên kỹ viện Trường Tam có xảy ra chuyện gì không?”
Đầu Bự cười: “Hoắc thiếu gia à, ở nơi đó dù có cô gái nào chết cũng sẽ không báo án đâu.” Chết thì chết, kéo đi chôn rồi thôi.

Làm gì có người sẽ báo án cho kỹ nữ, kỹ viện còn phải tiếp tục đón khách nữa.
Xem ra dù thế nào cũng phải đến kỹ viện Trường Tam một chuyến.

Hoắc Chấn Diệp cảm thấy da đầu căng thẳng, hắn mua một hộp điểm tâm mang về.
Bạch Chuẩn đang tưới hoa ở trong sân.

Cậu tưới hoa giống như là chơi đùa vậy, lúc vui vẻ thì tưới nhiều một chút, lúc mất hứng thì chỉ vẩy cho hai giọt.
Hoắc Chấn Diệp có chút căng thẳng, hỏi cậu: “Ngày mai cậu có rảnh không?”
“Làm gì?”
“Tôi mời cậu dạo chơi kỹ viện Trường Tam một chuyến.”
Bạch Chuẩn xách bình tưới hoa, nheo mắt nhìn hắn.
_______________
Tác giả có lời muốn nói:
Ghi lại lần đầu hẹn hò của Hoắc Thất và Bạch Thất – dạo chơi kỹ viện.
Thím Lưu: Tiểu thiếu gia, sao cái tốt thì cậu không chịu học! Chẳng phải đã nói là mời Bạch tiểu thư đi xem phim sao?HẾT CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI TÁM.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận