Giảng thực hành nhàn hơn lý thuyết, sau giảng và hướng dẫn đầu giờ, giảng viên sẽ chỉ phải quan sát sinh viên mà không cần phải nói gì nữa cả.
Sinh viên chỉ cần làm theo hướng dẫn, quy trình cũng đã có sẵn trong giáo trình.
Thỉnh thoảng các anh chị lại về phòng bộ môn buôn chuyện chút.
Bộ môn có ba thầy và ba cô, thêm hai chị kỹ thuật viên chuẩn bị dụng cụ và hóa chất.
Chị Duyên đang hoàn tất luận văn sau bảo vệ thạc sĩ nên ít lên lớp.
Có chị Diệu và chị Hiền là thấy thân nhau, suốt ngày chụm đầu thì thầm to nhỏ.
Hai chị có vẻ đều không thích chị Duyên lắm.
- Hôm nay cháu dạy hộ chị Duyên à?
Trúc gật đầu.
Chị Hiền giọng có vẻ không hài lòng:
- Tuần có ba, bốn buổi thực hành mà nay nhờ người này, mai nhờ người kia, chắc lại ốm, đi làm tí là lại ốm.
Trúc vội giải thích:
- Dạ, chị ấy bảo bận đi Hà Nội có việc, không phải ốm chị ạ.
Mọi người bàn tán rôm rả về chị Duyên.
Chú Chương hỏi anh Lam, chị Diệu xem tình hình chị Duyên thế nào, không biết thủ tục ly hôn đã xong chưa vì chú thấy nghi ngờ lắm.
Chú kể có lần đi qua, nghe lén thấy điện thoại cho chồng vẫn ngọt nhạt anh anh em em thế, lại thấy khoe chụp ảnh cả nhà đi chơi du lịch với nhau thì bao giờ mới xong được.
Chị Diệu còn kể chị Duyên sướng lắm, từ bé đã chả phải làm gì nên bây giờ cũng không biết làm gì.
Chị Diệu hơi bĩu môi:
- Móng tay cứ để dài như thế thì làm được gì, nhìn là biết.
Không như chị Diệu, vẫn phải ở cùng bố mẹ chồng, bụng thì to mà mọi việc trong nhà đều phải lo từ A đến Z.
Chị Diệu thở dài, đi sang phòng thực hành.
Chị Hiền giọng thì thào:
- Khổ thân cái Diệu, bụng to như thế mà mẹ chồng không cho giặt máy sợ tốn điện tốn nước, hôm nào cũng chậu quần áo to đùng.
Anh Lam tủm tỉm cười:
- Thôi thôi, mấy cái hồ than thở, để cho em nó còn lấy chồng, cứ dọa thế nó sợ đấy.
Mà Trúc sợ thật, nghe cũng chả muốn chồng con gì nữa, lắm chuyện thật.
Cứ đâm đầu vào xong lại kêu ca.
Thật chả hiểu ra làm sao.
Ngày nào cũng than thở được, sao không nói chuyện thẳng với chồng, với mẹ chồng, cứ mang ra cơ quan giải thích làm gì.
Cuối cùng, chẳng giải quyết được việc gì cả.
Người khác nghe cũng thấy mệt.
Một hôm, sau khi giảng đầu giờ cho sinh viên, Trúc về phòng bộ môn uống chút nước.
Bỗng nghe tiếng chị Diệu oang oang từ hành lang:
- Trúc ơi, em hướng dẫn sinh viên sai hết rồi.
Trúc ngước lên, thấy chị Diệu đã đi đến cửa phòng, giọng vẫn như loa phường, lặp đi lặp lại câu ý.
- Sai thế nào ạ? Em chưa hiểu.
- Đây, em sang phòng thực hành chị chỉ cho.
Nói xong, chị Diệu cau mặt, phăm phăm đi trước, Trúc theo sau.
Công nhận, bà chị khỏe thật.
Bụng to vượt mặt mà đi cứ ngoăn ngoắt.
Đến phòng thực hành, chị Diệu tiếp tục điệp khúc, giọng vẫn tone cao, nghe rất chi là nghiêm trọng:
- Các em ấy đang làm sai hết rồi, sao lại ngâm gelatin mà không đun lên, thế là sai rồi, sai hết rồi.
Sinh viên ngơ ngác, Trúc cũng ngơ ngác:
- Vâng ạ, gelatin phải ngâm chứ, sao lại đun được ạ? Trong giáo trình cũng nói phải ngâm mà chị?
- Em chả chịu đọc giáo trình gì cả, em về xem lại đi.
Trúc không nói gì, hơi hoang mang, chả lẽ lại nhầm được.
Chú Chương thấy ầm ĩ liền sang gọi hai chị em về phòng bộ môn.
Về đến nơi, chị Diệu vẫn giọng nguy hiểm:
- Nó chả chịu đọc giáo trình gì cả, hướng dẫn sai hết cả.
Trúc không nói gì, mở giáo trình ra, tìm lại rồi đọc cẩn thận một lượt, thấy mình nhớ không nhầm chút nào nên mang ra cho chú Chương:
- Chú Chương, giáo trình của bộ môn đây ạ, không hề nói gelatin phải đun lên.
Giáo trình của Đại học cũng nói gelatin không được đun lên vì cấu trúc không bền với nhiệt, cháu không hiểu cháu sai ở đâu?
Chị Diệu vẫn cố chấp:
- Phải đun chứ, từ trước đến giờ vẫn phải đun, em xem kỹ lại giáo trình đi.
- Đây, giáo trình đây chị, chị ra mà xem.
- Không thể nào, em cứ đọc kỹ đi.
Chị Diệu vẫn quả quyết nhưng nhất định không kiểm tra lại hướng dẫn trong giáo trình.
Chú Chương thấy căng thẳng nên giải thích:
- Đúng là gelatin không bền với nhiệt nhưng đun cách thủy dưới sáu mươi độ thì không sao.
Thực hành thôi mà, đun thế cho nhanh trương nở cháu ạ.
Chứ để ngâm cho nó tự trương nở ở nhiệt độ thường thì lâu lắm, hai tiếng chưa trương nở hết, sinh viên không kịp làm mất.
- Vậy ạ, thế thì làm sao cháu biết được ạ, giáo trình của bộ môn không nói phải đun.
Giáo trình đại học cũng nói không bền với nhiệt.
Bọn cháu học cũng không thấy đun như thế bao giờ.
Chị Diệu không nói gì, bỏ sang phòng thực hành.
Trúc thấy khó chịu, lụng bụng:
- Chị Diệu nói thế, sinh viên không hiểu lại tưởng cháu dạy sai.
Anh Lam an ủi:
- Em kệ chị Diệu, chị ấy có bao giờ đọc giáo trình đâu.
Thôi em sang bảo sinh viên bật nồi cách thủy lên cho nhanh, không đợi đến bao giờ bọn nó mới làm xong, sau này còn thi nữa cơ mà, có mà đến tối chưa được về..