Cr art: weibo @饼饼大战贰狗叭
Chương 12: Niêm phong cất giữ
Dịch: CP88
Mang đi nơi khác không xin phép không sao nhưng vui lòng ghi rõ tên dịch giả hoặc dẫn link. Đây là sự tôn trọng tối thiểu bạn nên làm dành cho dịch giả. CP88 xin chân thành cám ơn!
***
Vừa hồi cung thì ta bệnh nặng một trận, vật vã khổ sở, hết nhẹ lại trở nặng, đến tận qua Tết mới rốt cuộc khỏi hẳn.
Trong lúc bệnh, Triệu Kỳ viết cho ta rất nhiều thư, xếp đống trên bàn.
Ta bảo Ngọc Tuyền xếp vào rương khoá lại -- đặt cùng với chỗ thư mười mấy năm trước hắn viết cho ta, cất trong nhà kho ở hậu viện.
"Về sau lại có thư của Phúc Vương gửi đến thì cứ thế mà làm." Ta dặn dò Ngọc Tuyền.
"Sư phụ không xem ạ?"
"Thôi."
Y muốn nói lại thôi, cuối cùng vẫn nghe theo ý ta.
Sau đó Triệu Kỳ lại viết thư rất lâu, Ngọc Tuyền luôn đặt chúng trên bàn ta, ta đều không mở ra đọc, qua một thời gian, y chỉ đành mang thư cất đi.
Lặp lại như thế.
Không biết bao lâu.
Ta đã không nhớ rõ lắm ngày tháng chính xác nữa.
Có thể là ngày đông năm đó, có thể là ngày đông năm năm sau.
Tóm lại là bắt đầu từ một ngày đông giá rét, ta không còn nhận được thư từ Cam Châu gửi về nữa.
Níu kéo nhau trong đầm lầy nhỏ, chi bằng buông tha, mỗi người tìm đến đất trời rộng lớn của riêng mình.
Sớm cắt đứt tất cả, ai cũng thoải mái tự do.
Ắt hẳn hắn cũng có thể hiểu.
Sẽ không oán ta.
*
Bởi vì Thái Tử còn nhỏ tuổi, Hoàng Đế và cha nuôi nán lại Kinh thành thêm sáu bảy năm.
Thái Tử được chăm sóc dạy dỗ cẩn thận, cho đến tận lễ đội mũ, Triệu Hú truyền ngôi vị Hoàng Đế cho Thái Tử.
Triệu Hoàn đăng cơ, trở thành Hiền Đế, niên hiệu Trạch Xương.
Khắp nơi hân hoan chúc mừng.
Cam Châu cũng phái người đến, vẫn là vị đường đệ Quận Vương kia của Triệu Kỳ. Mười lăm năm trước hắn đến Kinh thành vẫn còn trẻ trung, mà giờ mái tóc đã điểm bạc.
Ngày đó mưa nhỏ, tuy có người hầu che ô cho hắn, nhưng đi qua quảng trường rộng của điện Hoàng Cực, bả vai đã bị ướt mưa.
Ta gặp hắn ở ngoài điện Hoàng Cực, hỏi: "Phúc Vương vẫn khoẻ chứ?"
"Vương gia đang tuổi tráng niên, thân thể vô cùng tốt. Đứng trước ba hàng trước sau quân Tác-ta vẫn không hề chùn bước." Hắn cười ha hả nói với ta, "Tuy Vương gia không thể đến Kinh, nhưng cũng có gửi lời chúc Đại Đoan hưng thịnh trường tồn."
Nói xong thì rời đi, bước chân có hơi tập tễnh.
Sau khi ta và Triệu Kỳ chia xa, đây là lần duy nhất gặp được người liên quan đến hắn.
*
Tháng ngày sau đó giống như trời mưa nhỏ hôm ấy, nhỏ vụn trôi qua.
Đoàn thuyền lớn neo ở cảng Ninh Ba một lần nữa treo cờ, Triệu Hú và cha nuôi chuẩn bị quay lại Nam Dương.
Ngày cha nuôi đi, ta đến bến đò sông Thông Châu tiễn biệt.
Chúng ta im lặng cả một đường, cho đến tận khi y sắp lên thuyền.
"Phương Kính." Y nói với ta, "Triệu Hú đã giao phó xong giang sơn này, không còn vướng bận gì nữa, lần này chúng ta rời đi... sẽ không quay lại."
"Con biết." Ta nói, gắng gượng khiến giọng mình như bình thường, "Cha nuôi bị kéo vào vũng bùn này đã nhiều năm, cuối cùng cũng có thể hoàn toàn tự do, biển rộng trời cao tuỳ cho người rong ruổi. Hài tử thực lòng vui vẻ."
"Chuyến này đi không biết bao giờ mới có thể gặp lại. Lo lắng trong lòng ta, cũng chỉ còn mình con." Y lại nói.
"Con rất tốt." Ta đáp, "Đại Đoan hiện tại đang trong khung cảnh ca múa thái bình, quyền lực cũ mới luân phiên, ổn định cát lành, cũng là may mắn của bách tính. Cha nuôi không cần bận tâm."
"Cũng chính bởi vì thế ta mới lo lắng. Cực thịnh tất suy, vận mệnh của Đại Đoan đã đạt đến đỉnh cao, tiếp theo ắt có nội loạn. Có lẽ là mười năm, có lẽ hơn mười năm... Lúc này tuy rằng yên bình, nhưng bão táp lại đang âm thầm tích tụ trong bóng tối. Tương lai... sẽ không phải đều là chuyện tốt lành." Y khẽ lắc đầu, "Ta và Hú nhi rời đi. Phổ Dĩnh cáo lão hồi hương... Người có thể bảo vệ con cũng chỉ còn lại Tô Dư Khánh. Nếu như có điềm báo gì, nhất định phải nghĩ cho bản thân, dù đang trên đỉnh cao thì lúc nên từ bỏ hãy từ bỏ."
Ta đáp "vâng" một tiếng.
"Hài tử xin ghi nhớ, cha nuôi lên đường bình an." Ta thở dài một cái thật sâu.
"Phương Kính." Y lại gọi ta.
"Cha nuôi còn gì căn dặn ạ?"
Ta cho rằng y còn muốn dặn dò gì đó, cung kính chờ nghe.
Y hỏi ta: "Phương Kính, ta chưa từng hỏi con chuyện này. Trong lòng con, có phải vẫn luôn coi ta như phụ thân thân sinh mà cung phụng?"
Hô hấp của ta ngừng lại.
Y nhìn thấu tâm tư nhỏ nhiều năm qua của ta rồi.
Y lại truy hỏi: "Phải không?"
"Con không thể không... không thể không kính yêu người như phụ thân thân sinh." Ta không dám nhìn y, miễn cưỡng cười cười, "Người từng là nghĩa phụ của Thiên Tử, con biết con thế này đi quá giới hạn thế nào... Có thể gọi người một tiếng 'cha nuôi' đã là rất mạo phạm rồi. Người có tấm lòng nhân từ, không trách cứ con..."
"Phương Kính." Y ngắt lời ta. "Triệu Hú bầu bạn cùng ta nhiều năm, đã sớm không còn mối quan hệ kia. Ta chỉ muốn nói con không cần gọi ta là cha nuôi nữa..."
Ta liền vội vàng đáp: "... Là con lỡ lời. Cha nuôi... Phó tiên sinh đừng trách..."
"Ta không tức giận." Phó Nguyên Thanh nói, "Phương Kính, con nhìn ta. Ngẩng đầu nhìn ta."
Ta ngẩng đầu, có hơi bất an nhìn y.
Y thật không tức giận, ôn hoà nói: "Con nói ta có ân với con, nhưng một đường này, con lại vì ta mà làm quá nhiều. Còn mười năm tiếp theo đây, vận mệnh của Đại Đoan, hưng thịnh của quốc gia, bách tính có ăn có mặc, người ta sẽ nói là công lao của triều thần, mà con hết lòng hết sức, cũng chỉ có thể nhận về toàn bộ chỉ trích, một mình gánh vác tất cả mắng mỏ lăng mạ. Phương Kính, ta chỉ tặng con một trái mộc đào(*), con lại báo đáp ta bằng ngọc quý. Ta nên cám ơn con mới đúng."
(*) trái nhỏ hơn trái mộc qua, chua và chát
Nói xong, y sửa sang lại vạt áo, ôm quyền cúi người một cái thật sâu.
Ta sợ tới mức vội vàng tiến lên đỡ dưới cổ tay y: "Cha nuôi, người như thế này thật sự là muốn lấy mạng con."
"Ta muốn hỏi con, Phương Kính... Ta dưới gối không con không cái, cũng không có truyền thừa. Con có bằng lòng... gọi ta một tiếng phụ thân?"
"Con... con có thể sao?" Ta hỏi y, "Con cũng có thể sao?"
"Phải." Y nói, "Đây là vinh hạnh của ta."
Ta ngây ngốc nhìn y một hồi lâu, chỉ cảm thấy trái tim bị bóp một cái chua xót nhói đau, rồi lại bị vui sướng tràn vào lấp đầy, cho đến khi có âm thanh báo hiệu từ con thuyền phía xa truyền đến, ta mới chợt bừng tỉnh, vén vạt áo quỳ xuống, dập đầu với y ba cái, gọi: "Phụ thân."
Y đáp một tiếng, đỡ ta đứng dậy.
"Phụ thân." Ta lại gọi y.
Ta lấy tay áo che mặt, nhưng nước mắt đã trào ra, ướt đẫm cả vạt áo: "Rất cám ơn người."
Y cười nói: "Đó cũng là lời ta muốn nói."
*
Ta đứng ở bến đò nhìn theo đoàn thuyền chở y và Triệu Hú rời khỏi Thông Châu, rất nhanh thôi bọn họ sẽ xuôi theo Đại Vân Hà đến Ninh Ba, sau đó đi về hướng nào đó mà ta không biết.
Không quay về nữa.
Nhưng lần này ta không cảm thấy bất an, ta biết ở rất xa ngoài biển khơi rộng lớn kia có người thân của ta, có phụ thân của ta.
Kỳ lạ thật.
Chỉ một tiếng phụ thân, đời người dường như bỗng được trải thành một đoạn ký ức đã qua, có chỗ dựa vô hình, có dũng khí không cần sợ hãi bất cứ điều gì nữa.
Phó Nguyên Thanh thật quá từ bi.
Tại một khắc này, thành toàn cho một đời trôi nổi của ta.
*
Ta về đến Tử Cấm Thành, bảo Ngọc Tuyền tìm rất lâu, tìm được chiếc chìa khoá đã bị quên lãng kia, mở chiếc rương đóng một lớp bụi dày, lấy thư của Triệu Kỳ ra, đặt trên chiếc bàn nhỏ dưới hiên cẩn thận đọc.
Giấy viết thư đã ố vàng, cảm giác như chạm vào sẽ vỡ thành mảnh vụn.
Bắc Xuyên, hôm nay ta đón sinh nhật hai mươi tám tuổi trên đường đi...
Ta lớn tuổi rồi, mắt không còn tốt, phải đeo kính, lại đặt thư dưới ánh sáng ngoài trời mới có thể miễn cưỡng nhìn rõ chữ viết đã phai màu.
Những dòng chữ quen thuộc vừa hiện ra trước mắt, tựa như cùng một khắc đó sống dậy, biến thành Triệu Kỳ của những năm qua.
Trở thành bóng dáng mà ta có gắng niêm phong cất giữ trong nơi sâu nhất của kho ký ức.
Mà đến lúc này, bừng tỉnh nhận ra khoảng cách với lần trước ta và hắn gặp mặt, đã trọn vẹn mười năm.