Đây là câu hỏi của bạn nabati42, mị cảm thấy mình không thể trả lời vắn tắt nó trong phần comment được nên quyết định viết nó ra thành một post riêng. Đây là vấn đề liên quan đến phần 2 của 'Cách học văn hiệu quả' tuy nhiên, nó chỉ là một khía cạnh nhỏ mà thôi. Đáng lẽ mị sẽ chuẩn bị một phần 2 chuẩn chỉnh hơn, nhưng vì lo cho tuyển tập ôn thi trước nên mị sẽ tách nó ra và nói rải rác trong các phần của 'tài liệu thi văn' nhé ^^.
Cách viết một bài văn có chiều sâu... Ái chà, có vẻ đây là vấn đề mà mọi người gặp khó khăn nhỉ? Mị nói về nó theo kinh nghiệm của mị thôi, mọi người thấy hợp lí thì áp dụng còn không thì thôi nhé.
Theo mị thì, một bài văn được cho là sâu sắc, đầy đủ khi đáp ứng đủ ba điều kiện:
1. Giải quyết được luận đề, đáp ứng đúng yêu cầu đề.
2. Văn phong hàm súc.
3. Có những yếu tố mở rộng khiến bài trở nên thú vị, sâu sắc.
Giờ mị sẽ đi vào phân tích từng yếu tố một.
Đầu tiên, yếu tố cơ bản nhất: Giải quyết được luận đề, đáp ứng đúng yêu cầu đề.
Tất nhiên đây là điều các bạn PHẢI LÀM ĐƯỢC nếu muốn có điểm. Chưa cần nói bài bạn hay dở ra sao, bạn phải giải quyết được luận đề và đi đúng hướng thì mới có điểm cơ bản nhé. (Nghĩa là không bị lạc đề đó -_-)
Để giải quyết luận đề, các bạn phải đi qua bốn bước sau:
1. Đọc đề.
2. Đánh giá luận đề và xác định yêu cầu đề, phạm vi kiến thức cần thiết để giải quyết đề.
3. Lập dàn ý.
4. Viết bài.
Mị sẽ dùng ví dụ để giải thích rõ hơn.
Ví dụ chúng ta có đề như sau.
Khi đọc đề, các bạn phải xác định được các thành phần trọng tâm của đề để sau đó tìm ra hướng giải quyết đề đúng đắn. Như đề trên, các bạn phải xác định được yêu cầu của đề. Yêu cầu đề gồm có hai yêu cầu lớn.
1. Đầu tiên, đập vào mắt chúng ta chính là 'Cảm nhận vẻ đẹp của hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau' --> vậy suy ra, yêu cầu đầu tiên chính là cảm nhận vẻ đẹp của hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ mà đề cho sẵn.
2. Ở cuối đề, chúng ta đọc được thêm một yêu cầu nữa: 'Từ đoạn thơ trên, anh/chị liên hệ với hình tượng người nông dân - nghĩa sĩ Cần Giuộc trong tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu để thấy rõ sự kế thừa và đổi mới trong cảm hứng yêu nước của văn học Việt Nam.'
Trong phần yêu cầu thứ hai này, chúng ta phân ra được hai yêu cầu nhỏ hơn nữa:
a. Liên hệ với hình tượng người nông dân - nghĩa sĩ Cần Giuộc.
b. Thấy rõ sự kế thừa đổi mới trong cảm hứng yêu nước của văn học Việt Nam.
Nói cho đơn giản thì, đây là một dạng đề cảm nhận lồng ghép với so sánh, đối chiếu và phân tích một vấn đề văn học.
Cảm nhận là cảm nhận đoạn thơ Tây Tiến. So sánh, đối chiếu là so sánh đối chiếu hình tượng người lính Tây Tiến với hình tượng người nghĩa sĩ Cần Giuộc. Phân tích là phân tích sự kế thừa và đổi mới trong cảm hứng yêu nước của văn học Việt Nam - Mà nói cho rõ hơn là văn học thời kì trước cách mạng tháng 8/1945 và văn học thời kì sau cách mạng tháng 8/1945.
Đánh giá đề: Không phải dạng vừa đâu -_- Cẩn thận không tạch như chơi.
Như vậy thì, phạm vi kiến thức mà bạn cần sử dụng trong đề này tối thiểu là phần kiến thức về Tây Tiến và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Đó, bước đầu tiên khi đọc đề thì bạn phải xác định được hướng làm bài và phạm vi kiến thức mà mình phải sử dụng.
Sau khi đánh giá được đề rồi, tìm thấy hướng đi rồi thì các bạn bắt tay vào lập dàn ý. Dàn ý ở đây không phải là dàn ý dài miên man như các bạn từng biết đâu. Dàn ý ở đây là dàn ý ngắn gọn, chỉ bao gồm vài gạch đầu dòng, ghi một vài ý chính, một vài dẫn chứng quan trọng nhất mà bạn nghĩ là phải đưa vào đề.
Ví dụ.
1. Mở bài: Giới thiệu về Tây Tiến và đoạn thơ mà đề yêu cầu cảm nhận. Nội dung chính của đoạn thơ đó.
2. Thân bài:
a. Cảm nhận đoạn thơ Tây Tiến.
b. Liên hệ với hình tượng người nghĩa sĩ Cần Giuộc.
c. Tổng hợp những điểm giống và khác nhau giữa hai hình tượng, từ đó làm rõ sự kế thừa và đổi mới trong cảm hứng yêu nước của văn học Việt Nam từ giai đoạn trước 8/1945 đến sau 8/1945
d. Liên hệ một số tác phẩm khác để bài văn thêm chiều sâu (không cần liên hệ nhiều, nói ngắn thôi, miễn trọng tâm là được.
3. Kết bài: Khẳng định lại luận đề. Ca ngợi đoạn thơ Tây Tiến, ca ngợi người nghĩa sĩ Cần Giuộc và nhấn mạnh sự kế thừa cũng như đổi mới trong cảm hứng yêu nước của văn học Việt Nam.
Đấy, dàn ý của các bạn là thế này. Dù nó không quá chi tiết nhưng nó chỉ cho bạn hướng đi rằng bạn nên bắt đầu từ đâu, đi đâu và kết thúc như thế nào. Và nhờ có nó mà bạn sẽ không bao giờ bị lạc đường nữa. Giả như bạn không kịp giờ thì cũng nhờ nó bạn biết được mình sẽ lọc bỏ cái nào không cần thiết để tiết kiệm thời gian. Rất tiện lợi đúng không?
Có dàn ý sơ lược rồi thì các bạn bắt tay vào viết bài. Tất nhiên, dàn ý sơ lược chỉ đặt ra cho bạn một con đường, còn việc hoàn thiện bài viết hoàn toàn là tư duy của bạn. Ở mỗi đề bài cụ thể sẽ yêu cầu cách viết cụ thể, các bạn phải áp dụng kiến thức mà mình đã học vào để làm. Vì đây là một bài hướng dẫn chung nên mị chỉ có thể nói theo cách giản lược cho các bạn mà thôi.
Yếu tố thứ hai: Văn phong hàm súc.
Đây là yếu tố tương đối quan trọng. Để được điểm cao, đương nhiên văn của bạn không thể lủng củng và rối loạn được rồi. Bạn đừng viết câu quá dài. Đừng cố gắng viết câu hoa mỹ. Trước tiên cứ viết sao cho câu của bạn rõ ràng đã. Quan trọng là phải khiến cho người khác hiểu được ý mà bạn muốn nói.
Thật ra nghị luận là loại văn yêu cầu bạn phải thuyết phục được người khác. Bạn đưa ra luận điểm và dẫn chứng để chứng minh một vấn đề, tuy nhiên, mục đích của việc chứng minh đó là để thuyết phục giáo viên. Vì vậy, trước khi khiến bài văn của mình trở nên hoa mỹ, bạn phải làm cho bài văn của mình có tính thuyết phục đã. Để có sự thuyết phục đó thì lối viết gãy gọn, hàm súc là hoàn toàn cần thiết.
Sau khi đáp ứng được yêu cầu rõ ràng, thuyết phục rồi, bạn có thể tập luyện để viết văn hay hơn bằng cách sử dụng những biện pháp tu từ như điệp, ẩn dụ, từ láy... Để khiến bài viết của bạn thêm hoa mỹ. Tất nhiên nếu bạn có thể, còn không, cứ giữ nguyên sự rõ ràng cũng đã đủ để bạn có điểm rồi.
Yếu tố cuối cùng: Đưa những yếu tố mở rộng khiến bài của bạn thêm sâu sắc.
Các bạn thấy tên của yếu tố này có quen không? Đúng vậy, nó chính là mục d của dàn ý giản lược trên kia.
Với mị, đây là cách mà mị dùng để ghi điểm với giám khảo. Thật sự mị cảm thấy, trong bài văn của mị, phần này là mị mạnh nhất :'3
Vậy, yếu tố mở rộng là gì?
Đó là phần thể hiện sự hiểu biết của bạn về văn học, về nghệ thuật, về lịch sử địa lí hoặc về xã hội. Đó là phần kiến thức mà bạn có được trong quá trình đọc sách, bạn chọn lọc đưa vào bài văn, biến nó trở thành một phần mở rộng để vừa tăng tính thuyết phục cho bài viết của bạn, vừa mở cho người đọc thấy một tầm nhìn rộng hơn.
Ví dụ trong đề thi bên trên, phần kiến thức mở rộng mà bạn nên đưa vào chính là hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn trước 8/1945 và sau 8/1945. Từ sự khác biệt về lịch sử, về xã hội của hai giai đoạn đó mà cảm hứng sáng tác của Quang Dũng và Nguyễn Đình Chiểu cũng khác đi. Như trước 1945, xã hội Việt Nam còn nhiều rối ren, lực lượng chính trong xã hội là nông dân, đó là buổi đầu mất nước, đầy đau thương, u buồn. Thế nên hình tượng người nghĩa sĩ Cần Giuộc tuy bi tráng đấy, nhưng vẫn khiến người ta cảm thấy u ám, đen tối, giống như tia sáng bị lụi tắt vậy. Còn sau 1945 - Giai đoạn mà Quang Dũng sáng tác Tây Tiến, đất nước lúc này đã khởi sắc rồi. Dù chúng ta chưa hoàn toàn độc lập nhưng tình hình đã khả quan hơn rất nhiều. Chúng ta có Đảng lãnh đạo, chúng ta có sự đồng lòng nhất trí từ mọi tầng lớp nhân dân. Chúng ta phấn khởi và tiến lên, lực lượng chính trong xã hội cũng đa dạng với công nhân, nông dân, trí thức... Thế nên trong Tây Tiến mới có một câu thơ đầy mộng mơ trữ tình 'Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm' đấy thôi!
Đó, các bạn cứ vận dụng những kiến thức mà mình học bên lịch sử và địa lí để viện dẫn vào, làm cho bài có chiều sâu thêm.
Hoặc, đôi khi, bạn có thể dẫn thêm những đoạn trích/thơ trong các tác phẩm khác cũng được. Hoặc bạn cũng có thể đưa thêm những câu danh ngôn/châm ngôn hay, ý nghĩa mà bạn sưu tầm. Quan trọng là kiến thức mở rộng mà bạn đưa vào phải liên quan đến luận đề và góp phần khiến cho bài viết của bạn thêm thuyết phục nhé. Chứ đang chứng minh vấn đề A mà viện dẫn kiến thức vấn đề E, F thì sẽ bị đánh là lạc đề đấy :"(