Giỏi Văn Không Khó

1. Sách đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc học văn?

Con đường học văn bao gồm hai chiều, một là đọc, hai là viết.

ĐỌC để lấy thông tin, để hiểu thêm về kiến thức, để cảm, để rung động và VIẾT là để trút hết những gì mình đã đọc, đã cảm ra (Theo sự nhào nặn riêng của mình), để rồi thứ ấy lại trở thành sản phẩm đọc cho người khác.

Nếu bạn bỏ đọc thì bạn sẽ viết gì?

Viết những thứ ở trong lòng bạn sao? Liệu rằng những gì bạn có đã đủ? Đã sáng suốt chăng?

Không đâu, dù muốn dù không, bạn phải nạp vào rồi mới viết ra được. Đọc là quá trình vô cùng cần thiết gắn liền với viết và gắn liền với việc học văn.

Vậy nên, nếu bạn hỏi mị 'Em không đọc gì cả em có thể học giỏi văn không?'

Mị xin trả lời 'Không em ạ ^^'

Nhưng, nếu bạn hỏi mị 'Em không đọc những quyển sách mà chị giới thiệu được, em có thể giỏi văn không?'

Tất nhiên mị sẽ gật đầu 'Được chứ, được chứ, vấn đề của em chỉ là tìm một loại sách phù hợp với mình thôi ^^.'

2. Với bạn sách là gì?

Hãy nhắm mắt lại và nghĩ về 'sách'. Thứ đầu tiên hiện lên trong tâm trí bạn là gì?

Đừng nói với mị là sách giáo khoa nhé XD

Hay mấy quyển ngôn tình?

Hay mấy thể loại như 'Nghĩ giàu làm giàu', 'Đắc nhân tâm'?

Dù thứ hiện lên trong đầu bạn là gì, thì mị xin khẳng định với bạn một điều rằng, tất cả chúng chỉ là một phàm trù nhỏ trong 'sách' mà thôi.

Sách có rất nhiều loại: Sách chuyên ngành, sách giải trí, sách thường thức, sách giáo khoa.

Có những loại sách rất khô khan, vừa nhìn là ngán rồi. Nhưng cũng có loại sách mang đến cho bạn những điều vô cùng thú vị, có sách chỉ toàn màu và hình vẽ nữa ^^.

Dù là sách gì, khi bạn đọc nó và thu nhặt được kiến thức nhất định thì đều là sách có ích.

3. Ý nghĩa thực sự của việc đọc sách.

Mục đích mà chúng ta đọc sách không phải là để Ctrl C những gì viết trong đó rồi paste vào bài văn, mà là nắm được, hiểu được kiến thức mà tác giả muốn truyền tải.

Đọc sách cũng giống như ngắm tranh vậy, đừng cố vẽ lại bức tranh đó trên giấy, bạn chẳng nhận lại được gì đâu, hãy cứ rung động với những đường nét mĩ lệ ấy thôi.

Đừng đem khoe với người khác bạn đọc bao nhiêu sách – Nếu bạn thực sự có kiến thức sâu rộng thì tự thân nó sẽ toát ra bên ngoài. Khoe ra lại dở, vì càng khoe, người ta lại càng cảm thấy bạn chẳng đọc qua cuốn sách nào mới chết :P

Thêm một điều nữa là, đừng lúc nào cũng lấy lý thuyết trong sách ra rồi khăng khăng. Thực ra bạn cứ nghĩ đơn giản thế này, sách cũng chỉ là sản phẩm của quan niệm cá nhân. Các công trình khoa học mà chúng ta luôn công nhận cũng vậy, chỉ là nghiên cứu được nhiều người thừa nhận chứ không phải là nghiên cứu đúng nhất. Biết đâu trong tương lai xa, các nhà khoa học lại phát hiện ra những quy luật mới nữa thì sao? Không có thứ gì là tuyệt đối cả.

Vì vậy, đọc để biết, đọc để ngẫm chứ không phải đọc để làm theo, để tin theo một cách mù quáng rồi đánh mất ý kiến của mình.

Cũng giống như việc bạn đọc cái này của mị vậy :P Đừng đặt nặng quá. Hãy cứ đọc để thưởng thức, nếu bạn thấy phù hợp thì bạn làm, còn không thì thôi.

Trở lại với việc đọc sách, khi bạn đọc nhiều sách thì bạn sẽ có một số kiến thức nhất định. Theo như tác giả của cuốn 'Tôi tài giỏi bạn cũng thế' thì, điều ấy tạo cho bạn những liên kết nơ-ron (neurone).

Càng có nhiều liên kết nơ-ron về lĩnh vực nào, bạn sẽ càng dễ dàng học hỏi cũng như trở nên xuất sắc trong lĩnh vực ấy.

Với văn, để học giỏi, bạn cần phải tạo thật nhiều liên kết nơ- ron về văn học, nghệ thuật.

Vậy, làm cách nào?

4. Đọc những thứ liên quan đến văn học, nghệ thuật nói chung.

Không cần đọc sách giáo khoa hay sách chuyên ngành khô khan, bạn có thể giỏi văn chỉ với việc đọc truyện tranh, xem phim và nghe nhạc ;)

Không đùa đâu, nghiêm túc đấy.

Quan trọng là bạn có học hỏi, có suy ngẫm về những gì mình đọc hay không, hay chỉ đơn thuần xem nó là công cụ giải trí lúc buồn chán.

Để giỏi thì phải động não. Chỉ cần bạn chịu suy nghĩ thì dù bạn đọc sách gì, bạn cũng đều sẽ thu lượm được kiến thức.

Dưới đây là list những bộ truyện tranh liên quan đến văn học mà mị từng đọc qua, nếu bạn hứng thú có thể xem thử.

- Tóc nâu – Saito Chiho.

Đây là một bộ truyện tranh khá cẩu huyết -_- nói về cuộc đời của thi sĩ Puskin, người được mệnh danh là 'Mặt trời của thi ca Nga'. Sau này khi lên cấp ba, bạn sẽ học bài 'Tôi yêu em' của ông. Thơ tình nhé, vô cùng lãng mạng. Đối với những thiếu nữ có tâm hồn mộng mơ thì thôi rồi XD.

Đọc truyện này, bạn sẽ có cái nhìn mới mẻ hơn về cuộc đời của Puskin. Puskin trong truyện là một chàng thi sĩ đẹp trai, si tình nhưng vẫn có lý tưởng vô cùng cao đẹp. Tiếc là tình yêu trao nhầm người :v mị chẳng thích nữ chính chút nào.

- Mặt nạ Thủy Tinh – Glass Mask, Glass no kamen.

Đây là bộ truyện gắn liền với tuổi thơ của 8x, 9x bọn mị :"> hihi đến giờ vẫn còn chờ đợi tập cuối đây, mị nhớ lần đầu mị đọc nó là năm mị học lớp ba, lúc đó nó có tên là 'cô bé chăm chỉ'.

Đây là bộ Shoujo nổi tiếng của Nhật, có thể xem nó là tác phẩm manga kinh điển. Truyện kể về một cô bé mồ côi cha, sống cùng mẹ ở một tiệm mì. Dù nhan sắc tầm thường, đểnh đoảng nhưng cô bé lại có tài năng thiên bẩm về diễn xuất.

Xuyên suốt bộ truyện, các bạn sẽ được tiếp xúc với hàng loạt tác phẩm văn học kinh điển của thế giới như: Bốn cô con gái nhà bác sĩ March, Đồi gió hú, Giấc mộng đêm hè,... Những tác phẩm ấy lồng vào truyện dưới dạng những vở kịch mà cô bé tham gia diễn xuất. Qua đó bạn sẽ biết thêm về những tác phẩm lớn ấy, sau này đem lên lớp thể hiện với cô giáo hay đưa vào bài văn làm dẫn chứng cho thêm độ 'sâu' thì cũng rất oki.

Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên tìm hiểu kĩ về chúng :"> Có thể tìm đọc 'Đồi gió hú' thử. Mị nhớ lần đầu mị đọc 'Đồi gió hú' là năm mị học cấp 2, đó là do mị xem truyện này, rồi tò mò mà tìm đọc thử. Sau này vào lớp chuyên, tự nhiên cô hỏi về tác phẩm ấy thế là được dịp 'tuông như suối' he he, nhờ vậy mà ghi được điểm đẹp trong mắt cô.

- Swan Lake – Hồ Thiên Nga.

Âm nhạc và văn học luôn song hành cùng nhau. Trong văn có nhạc, trong nhạc lại có văn. Để hiểu thêm về văn học, bạn cũng nên tìm hiểu về âm nhạc và những ngành nghệ thuật khác. Swan Lake tuy không cho bạn những kiến thức trực tiếp về văn học, nhưng lại nói về bộ môn ballet ít nhiều gắn kết với âm nhạc, văn học nói chung. Đọc tác phẩm này, bạn sẽ có thêm những kiến thức về ballet như: Những điệu ballet, những trường phái ballet, những động tác ballet cơ bản, những vở ballet kinh điển... Quan trọng hơn, bộ truyện này đào sâu khía cạnh rung cảm của người nghệ sĩ, nhờ đó mà bạn có thể hiểu rõ hơn về cách thức sáng tạo nghệ thuật cũng như con đường sáng tạo của người nghệ sĩ.

- Nodame Cantabile

Đây là một bộ manga về âm nhạc, cũng như Swan Lake, nó không liên quan nhiều đến văn học nhưng có thể cho bạn hiểu thêm về quá trình sáng tạo, quá trình thăng hoa nghệ thuật của người nghệ sĩ.

Như đã nói phía trên, âm nhạc liên quan mật thiết đến văn học, vậy nên đọc truyện này bạn sẽ được chìm vào thế giới của những bản sonata, chìm vào thế giới âm nhạc rộng lớn, lay động của Mozart, của Beethoven.

Đấy, các bạn thấy không? Không phải cứ truyện tranh là auto nhảm, auto 'kimochi', truyện tranh cũng thuộc phạm trù nghệ thuật, các họa sĩ truyện tranh vẫn cố gắng mang đến những điều tuyệt vời và nhân văn cho độc giả. Vấn đề là bạn phải biết chọn lựa cho mình những bộ truyện tốt ^^.

5. Nếu bạn không thích truyện tranh? Dễ thôi, cứ trực tiếp đọc tác phẩm gốc.

Có những tác phẩm được đưa vào chương trình giảng dạy chỉ với một đoạn trích ngắn.

Có bao giờ bạn tìm đọc cả tác phẩm ấy chưa?

Ví dụ như đọc đoạn 'Đôn Ki-hô-tê đánh nhau với cối xay gió', có khi nào bạn đã tò mò mà tìm đọc cả tác phẩm 'Đôn Ki-hô-tê'?

Hay đọc bài 'Tĩnh dạ tứ' của Lý Bạch, rồi thử tìm một quyển tuyển tập thơ Đường để nghiền ngẫm?

Nếu chưa thì hãy thử xem :">

Hãy tưởng tượng như bạn đang xem một quyển ngôn tình vậy XD.

Thực tế, việc đọc tác phẩm gốc rất có ích cho học văn. Học văn thú vị thế mà, bạn được tiếp xúc với những câu chuyện, những nhân vật và ngôn từ chứ không phải là công thức khô khan, xoắn não, vui thế còn gì?

Đừng áp lực khi học văn quá, cứ nghĩ đơn thuần là đang thưởng thức nghệ thuật mà thôi. Nghe cô giảng bài như nghe nghệ sĩ trình diễn, đọc thơ, ngâm thơ như thi sĩ thực thụ, đọc tác phẩm văn học kinh điển như đọc ngôn tình XD. Hãy cứ suy nghĩ mới mẻ như thế thì bạn sẽ thấy quá trình học văn thú vị lên trăm lần đấy.

Nếu bạn lười đọc, thì vẫn còn con đường khác cho bạn lựa chọn nè.

Bạn có thể nghe nhạc hoặc xem phim cũng được :">

Nhiều tác phẩm lớn, kinh điển đã được chuyển thể thành phim rồi. Như 'Tắt đèn' của Ngô Tất Tố hay 'Lão Hạc' của Nam Cao ấy. 'Tắt đèn' được chuyển thể thành phim, lấy tên là 'Chị Dậu' còn Lão Hạc và Chí Phèo thì được chuyển thể với cái tên 'làng Vũ Đại ngày ấy' nhé ^^.

Hoặc là, bạn có thể nghe nhạc. Nhiều bài thơ của các tác giả lớn đã được phổ thành nhạc rồi, ví dụ như bài 'Viếng lăng Bác' của tác giả Viễn Phương hay bài 'Mùa Xuân nho nhỏ' của Thanh Hải.

Chỉ cần nghe qua, chỉ cần xem qua, tìm hiểu qua thôi là bạn đã có được một chút gắn kết với văn rồi :"< Đơn giản lắm đúng không?

Hãy học một cách chủ động, học bằng nhiều hình thức khác nhau. Nếu không thể học qua sách thì mình học qua phim ảnh tài liệu, qua trò chơi, qua câu đố... Chỉ cần bạn muốn học thì sẽ có vô vàn cách để học.

Tất nhiên, sau cùng, mị vẫn khuyên bạn đọc sách ^^, vì sách là nơi chứa lượng kiến thức lớn nhất.

Học bằng nhiều cách nhưng cũng cố gắng rèn luyện việc đọc một tí.

Đây cũng là kinh nghiệm tự học của mị.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui