Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ ba:
Núi Tiên Du, Đại hổ giương nanh vuốt.
Phủ Tống Bình, Đại thiền sư cứu người.
Chương 3.3 Mầm thạch long
Ngày đẹp cuối tháng tám, Đỗ Đại nhận lệnh về huyện Chu Diên nhậm chức. Sĩ Giao ngồi dưới gốc thị chùa Kiến Sơ nhìn về núi thiêng ấy mà thở dài. Chí Liệt hỏi:
- Thù nhà nợ nước đã trả. Quân sư sao vẫn thở dài?
- Chẳng giấu gì huynh tướng. Từ ngày Đỗ Gia Trang bị thảm sát, tám anh em chúng tôi chia đôi ngả đường. Sĩ Giao tôi, huynh trưởng Đỗ Đại, em trai Sĩ Hoàng cùng tâm phúc Đỗ Dụng ngược dòng Vân Cừ thì bị cướp. Đỗ Đại cùng ta chạy về được Giao Châu, lấy đất Luy Lâu làm ruộng, chài lưới nơi sông Cái, sông Thiên Đức cho đến nay cũng đã quá ba năm. Sĩ Giao may mắn được qua lại La Thành, ra vào trị sở Tống Bình. Lúc nguy nan lại được chủ công cứu giúp. Nay nghĩ về Đỗ Dụng và em trai thiếu may mà thấy buồn thay.
- Chí trai muôn phương vùng vẫy. Sinh ly tử biệt biết mấy thì. Quân sư chớ phiền lòng. Cùng ta lên núi Tiên Du vãn cảnh kiếm vui chăng?
Sĩ Giao cùng Chí Liệt thúc ngựa đến núi ấy, ngắm cây hoa, cây liễu làm vui. Trên đoạn đường về, hai người gặp đám hòa thượng đang cùng kéo mấy xe gỗ nặng trĩu, lại cả đá thạch kỳ quái. Chí Liệt dừng lại hỏi đám ấy:
- Chẳng hay những thứ này các tăng chở đi đâu?
- Chúng tăng đi từ Tiên Du mang về Đại tự hương Phù Đổng. Núi ấy nhiều dị thảo kỳ hoa mọc trên đá, sư phụ kêu chúng tôi tới đó mang về.
Sĩ Giao đi một vòng quanh đám tăng nhìn thấy tảng đá dáng hình như đầu Rồng, lại có hai cây mọc ra như râu Rồng. Thạch diện có những nếp đỏ kỳ quái như văn tự cổ. Sĩ Giao hỏi đám tăng ấy:
- Đá này các tăng lấy ở đâu?
- Bọn tăng tôi lên đỉnh núi Tiên Du lấy xuống. Xưa có toán cướp ở đó dân chúng quanh đó chẳng ai dám lên núi ấy. Nay nhờ ơn Dương tướng quân diệt bọn ấy mà chúng tăng mới lên núi ấy kiếm về.
- Chẳng hay các tăng có thể tặng hai chúng tôi tảng đá này. Ta tặng các tăng một con ngựa đỡ sức kéo.
Đám tăng ấy bàn bạc một hồi, nói với Sĩ Giao:
- Hai vị thông cảm cho chúng bần tăng. Hay là hai vị cùng chúng bần tăng về Đại tự, trụ trì đồng ý thì sẽ tặng cho hai vị.
Hai người đi theo đám tăng ấy đến Đại tự kia, như đoán được trong đầu thì đúng là Đại Đường Nam tự. Sĩ Giao đứng xuống ngựa nhìn lại cảnh chùa một hồi lại hỏi:
- Có phải là Đại Đường Nam tự do vương tử Lý Đạo Cổ dựng chăng?
Có người bước từ hữu viên đại sảnh bước ra, giọng trầm mặc:
- Đại Đường Nam tự chính đây. Vương tử Đạo Cổ nơi xa không hay, quan sứ Tượng cổ chẳng còn thây. Chẳng phải hai người ngày nạp phật của Đại tự đã tới đây.
Chí Liệt giọng nói vang vang:
- Bọn giặc ấy, chữ vương tử nghe mà trướng tai.
Đám hòa thượng bảo nhau chạy vào hậu viên, chỉ còn lại vị cao tăng mặt đẹp như phật kia ở lại cùng hai vị tướng quân. Vị tăng ấy nói:
- Chốn phật môn, không phân biệt kẻ mạnh người yếu. Đức Phật từ bi có đức hiếu sinh mở lòng đón nhận mọi lòng thành.
Chí Liệt tức giận, mặt đỏ phừng phừng, tay nắm chặt dây cương quay ngựa ra phía cửa tự. Chí Liệt quay mặt lại mà hỏi:
- Ta nghe nói nhà ngươi là Đại thiền sư đệ tử của Bách Trượng Hoài Hải, tinh thông kinh phật, ngày ngày giảng giải đạo lý cho chúng dân phật tử. Cớ nào lại mê kỳ hoa dị thảo, sai đám tăng đi lên núi cao mà tìm kiếm thứ ấy.
- Nam mô a di đà phật. Phật tổ chứng niệm. Bần tăng đầu nào có tâm vị kỷ mê muội. Nơi ấy muôn thú chim muông hãi hùng đám giặc cướp, cỏ cây hoa lá chốn ấy cũng vì thế mà sinh ra kỳ dị. Chúng tăng mang chúng về đây chẳng có lòng khác, chỉ mong hướng chúng đến bản thiện như khi chúng được sinh ra, ấy rồi lại trả chúng về với nơi ấy cho muôn thú, chim muông có bạn có bầu.
Chí Liệt nói:
- Ra là như vậy. Ấy thế mà đám tăng đi lấy đá kia nói về hỏi sư ngươi đồng ý mới tặng cho ta đá ấy. Thế cớ làm sao?
- Đám đệ tử ấy là mong hỏi ý Phật. Tâm trong sáng Phật ý nghiêng lòng. Nay thấy Tướng quân khảng khái, tính tình bộc trực lại không mang xà tâm. Ý Phật đã nghiêng, mời hai vị tướng quân mang đá ấy về.
Như lời đã nói, Sĩ Giao tặng cho tự ấy một con ngựa khỏe. Hai người mang đá ấy về La Thành. Dương Thanh lấy làm kỳ lạ hỏi Sĩ Giao:
- Các ngươi mang mấy trăm lính đi bắt giặc cướp. Nghe rằng cũng hao tổn vài phần sức lực sĩ tướng.
Sĩ Giao bẩm lại:
- Giặc dữ trong thành, đồn trú thì dễ đánh. Bọn trộm gà cướp chó thì không đáng để bàn. Bọn cướp này tổ chức bài bản, kỷ luật nghiêm minh lại hung tợn hơn quân tướng nhà Đường gấp đến vài lần, lấy một mà địch được năm sáu, chém giết chẳng chút nương tay. Quân sĩ vừa trải qua chiến đấu ác liệt, bọn ấy lại dựa địa hình, thời tiết mà cản bước quân ta. Cũng vừa xảy ra chuyện hương Phù Đổng nên thành ra mới vậy. Mong chủ tướng minh xét.
Dương Thanh nghe Sĩ Giao phân trần cho là phải lẽ nên không dò xét. Sĩ Giao bàn
tiếp với họ Dương:
- Sĩ Giao thấy rằng. Đám người đến Đại tự hương Phù Đổng kia, chẳng phải bọn
tiểu nhân tầm thường. Chí Liệt thiếu chủ cũng đã nhìn thấy và báo lại cho chủ công. Mong chủ tướng sớm cho tra xét tránh hậu họa.
Dương Thanh cười lớn:
- Quân sư quá lo lắng rồi. Ta đã phái người giả làm chúng đệ tử để dò la tình hình. Chẳng hay viên đá này là như thế nào?
- Bẩm chủ tướng cùng thiếu chủ. Đá này bề ngoài có vẻ thô ráp xấu xí. Nhưng để ý kỹ một chút, dưới lớp ráp thô này là ngọc bích nảy mầm ra cây tạo thành râu rồng. Ấy là điềm lạ thứ nhất. Chủ tướng xem hình dạng nó, phía trên nhô cao như sừng của loài rồng, đôi mắt chính đây hai ụ lồi to, chỉ cần bóc lớp màng đá này ra sẽ là hai con mắt xanh ngọc. “Long Diện” lại có sọc thắng kẻ xuống đến “Long khẩu”, chính là chỗ này, ấy là mũi rồng. Mà rồng là biểu trưng của vương quyền. Chẳng phải chính là điềm báo tốt cho chủ công?
Dương Thanh nhìn lại viên đá ấy một lượt, hỏi Sĩ Giao:
- Có lẽ là Long Thủ, ấy nhưng lại có những nét nguệch ngoạc màu đỏ phía chính diện này có vẻ giống chữ viết của tiền nhân. Theo quân sư thì ta nên để viên đá này nơi nào?
- Phía cổng nam La Thành, đi hướng về hương Phù Đổng chừng hai trăm bước có kênh nước chẳng rõ nguồn từ đâu, có tự bao giờ nước trong vắt chảy vào trong lòng đất quanh năm không thấy cạn. Tiểu nhân nghe dân gian có huyền tích rồng trẫm mình chốn ấy mà tạo thành dòng nước ấy. Nay có đầu rồng chốn này, chọn ngày lành tháng tốt mời nhà sư đến, soạn sửa lễ vật, sai mười tám trai tráng trong thành ra ấy mà dâng lễ làm tế nhập thân cho rồng. Long này ngự ở cổng Nam La Thành vừa hợp với phận của chủ tướng.Ý rằng chủ công là người Nam, tổ tông lại ở phía nam đất ấy. Rồng phía nam ấy chính là ứng vào người đó.
Dương Thanh cười lớn. Hỏi Sĩ Giao:
- Chẳng hay mời sư thầy nơi nào? Ta có đọc chút thiên văn, thiên tượng nhưng vẫn muốn hỏi quân sư chọn ngày thế nào?
- Bẩm chủ công. Nay chủ công nắm Giao Châu, Đường triều xa xôi ngày một ngày hai chưa thể đến ngay, nhưng ắt sẽ đến nên không thể để lâu. Tiểu nhân bấm được ngày mùng tám canh ngọ là ngày hoàng đạo. Nhân dịp ấy mà thử lòng bọn tăng nhân Đại tự hương Phù Đổng.
- Quân sư thật hợp ý ta. Hai ngày nữa, Chí Liệt cùng quân sư soạn sửa lễ vật, chọn lấy lính tráng mà làm lễ tế. Nghe rằng từ Hát môn xuôi dòng Đáy chừng ba chục dặm đường, phía hữu ngạn có đất gọi là Phụng Châu, nơi ấy lại có thợ đục đá giỏi nhất. Sĩ Giao sai người mời người ấy về để tạc đá Long Thủ. Về phần sư thầy, ta cũng định mời đám tăng ở Đại tự hương Phù Đổng để xem lòng dạ bọn chúng thế nào.
Lại nói những ngày Chí Liệt diệt cướp ở núi Lạn Kha, Dương Thanh sai Triệu Hoằng cho người đóng giả kẻ học đạo về chùa Đại Đường ấy mà do thám tình hình để báo cáo lại cho Dương Thanh. Triệu Hoằng bản tính tham lam, yêu vàng bạc châu báu nên mấy tên quan lại ngày trước dưới trướng Lý Tượng Cổ đút lót cho hắn mỗi người mấy lượng vàng để được về chùa ấy nghe ngóng.
Nghe tiếng chùa ấy lớn, gỗ, gạch sơn ngói đều được rát vàng, thếp bạc, lại có vị cao Tăng tu ở đấy, nên đám dân chúng, con buôn khắp Giao Châu này về lễ lạc thật nhiều. Thấy như miếng thơm ngon nên càng có nhiều kẻ tranh nhau xin đi tới đó. Triệu Hoằng nhận lời, phái đi cả thảy bảy người. Được hai ngày, kể từ ngày Chí Liệt dẫn viện quân hai trăm lính đến Tiên Du, ba người bị chùa ấy từ chối không nhận làm phật tử, không cho nghe giảng kinh phật.
Triệu Hoằng bẩm báo lại cho Dương Thanh, Dương Thanh cho gọi ba người ấy đến dò hỏi:
- Các ngươi làm việc gì sai trái nơi cửa chùa mà để chùa ấy không nhận.
Có tên người mập mạp, da trắng bủng beo tiến lên mà bẩm:
- Bẩm chủ công. Chúng tôi tới chùa ấy cả thảy bảy người. Sau khi khai danh báo tên thì được một nhà sư nói giọng Quỳnh Châu dẫn ra một lối sau chùa dặn dò. Nói rằng chùa nhỏ, phật tử đông, xin chúng tôi về, sau này có dịp thì tới báo danh lần nữa.
- Hay bọn ấy tham của đút lót mà các ngươi không cho tiền bọn ấy?
Một tên dáng thư sinh bẩm lại:
- Triệu Đại nhân có dặn dò chúng tiểu nhân nhưng khi ở chùa, bốn người kia được nhận vào chùa thì nói lại với chúng tiểu nhân là không cần phải đút lót cho bọn ấy. Sau khi biết không được vào chùa học kinh, tiểu nhân cũng có gặp riêng vị sư ấy đút lót cho chút tiền nhưng vị ấy không nhận. Lại nói, có nhận tiền cũng không thể giúp được.
Ngày hôm sau, lại có một tên trốn khỏi chùa ấy về báo lại cho Triệu Hoằng. Hoằng bẩm lại với họ Dương. Dương cho gọi kẻ ấy lên. Giọng nói tên này không phải người Tống Bình, mặt mũi thâm tím như vừa mới bị đánh đập, Dương Thanh hỏi hắn:
- Nhà ngươi dò la tin tức gì chăng? Mặt mũi tại sao lại ra như thế?
Hắn lấm lét mặt, giọng run run:
- Bẩm Thiên thanh tướng quân. Bọn chúng nhiều kẻ không ăn chay, uống rượu, lại luyện võ suốt ngày. Đêm qua, tiểu nhân còn nghe được bọn chúng thì thầm to nhỏ thì bị bắt đánh cho thâm tím mặt mũi. Cũng may có vị tiểu hòa thượng cứu giúp nên mới chạy được ra ngoài.
- Nhà ngươi là người ở đâu? Tên họ là gì? Làm việc gì ở Tống Bình.
- Bẩm tướng quân. Tiểu nhân họ Ngô, tên Dụ, thân mẫu sinh tiểu nhân vào ban ngày nên vẫn gọi là Nhật Dụ, hiện đang là đốc mã Giao châu. Được giao quản lý số lượng trâu ngựa vùng Giao Châu này. Tiểu nhân sinh ra tại đất Đường Lâm. Tổ tiên ngày trước người quận Nam Hải, đất Phiên Ngung của Việt Vương thời chiến quốc, đến Ái Châu cầy cấy đến nay cũng được năm đời.
- Ra là thế. Ngươi có sợ chết không?
- Bẩm chủ tướng. Làm người ai chẳng sợ chết. Tiểu nhân cũng có gia đình, trên cha mẹ già, lại chưa lập gia thất, càng không muốn chết.
- Sao lại phụng sự dưới trướng tên ác nhân Tượng Cổ?
- Là phận tôi tớ, tiểu nhân không dám bàn.
- Ta nghe lời người khác nói Triệu Hoằng ăn đút lót của mấy người đến Đại tự hòng kiếm lợi vậy? Ngươi nghĩ làm sao?
- Là chủ tướng xin chủ công chớ vì những lời rèm pha mà nghi kị kẻ dưới.
- Nhà ngươi có hay không đút lót cho Triệu Hoằng. Hắn nói với ta nhà ngươi lòng dạ thật thà. Nhưng hắn lại sợ ngươi là người từng dưới trướng Tượng Cổ nên cũng có phần e dè.
- Nếu là Triệu đại nhân có lòng nhận của đút lót thì kẻ nào hám lợi cũng nhìn thấy điều ấy mà đút lót. Còn phận làm tôi tớ, tiểu nhân chỉ làm theo lệnh trên.
- Thế trên ngươi còn có ai?
- Bẩm chủ tướng! Trên tiểu nhân còn có Liễu tá đại nhân Đặng Khả.
Dương Thanh nghĩ một lúc, cười lớn:
- Là tên Liễu tá giữa chợ La Thành, một mình mắng chửi hai thằng cháu của
Tượng Cổ mà tên quan sứ ấy chẳng thể làm gì được? Ngươi làm đốc mã, động cơ gì muốn đến nơi Đại tự ấy.
Tên ấy lúm khúm bẩm lại:
- Là Đặng đại nhân nói với tiểu nhân. Lần này đến ấy, có cơ may thì tiểu nhân sẽ trúng lớn. Ấy thế mà tiểu nhân xin đi.
Dương Thanh mặt nghiêm nghị, nói lớn:
- Ta biết dạ nhà ngươi rồi. Thưởng cho ngươi hai lượng bạc. Cho nhà ngươi lui. Hễ có gặp họ Đặng ấy thì chuyển lời cho hắn như vậy là hòa vốn rồi.
Thấy dáng vẻ cậu ta có vẻ đường hoàng, trả lời những câu hỏi của Dương Thanh đâu ra đấy, đáo để đến kinh ngạc, Thanh lấy làm mến mộ lắm.
Dương Thanh hỏi Triệu Hoằng về cái tên Nhật Dụ này. Hoằng cho biết, ngày hôm trước, Dương Thanh sai Triệu Hoằng đi dò la Đại Đường tự thì Đặng Khả đại nhân có đến giới thiệu cậu ta cho Hoằng. Cậu ta năm nay mới tròn mười lăm mà dáng người vạm vỡ lớn hơn những thiếu niên tuổi ấy, tinh thông tính toán từ khi lên mười, được cha cho theo học ông thầy người Trung Nguyên tại hương Sơn Ổi, huyện Quân Ninh, Ái Châu. Nghe nói ngày trước, đất ấy có ông thầy người Trung Nguyên đến, thấy đất linh ứng mà mở lớp dạy học. Sau này học trò nơi ấy có vị tiến sĩ làm tới Tể phụ Đường triều thời Bố Cái Phùng Hưng.
Dương Thanh trộm nghĩ "Tuổi trẻ mà đã có tài, sau này ắt có tương lai sáng lạn. Hy vọng trời giúp ta, cho ta nhiều hơn những nhân tài như vậy."