Giống Rồng

Giống Rồng

Tác giả: Nguyễn Khai Quốc

Hồi thứ sáu:

Thành Đại La, Lý Nguyên Gia lo ốm.

Đất Đằng Châu, Tồn Thành đấu anh tài.

Chương 6.2 Đỗ đô úy gặp nạn

Bớt lo lắng với đám sĩ tướng Tống Bình, mối lo của Hỷ lại dồn về các châu quận phía nam, vùng đất phía tây Tống Bình. Nguyên Hỷ cho người gửi thư lệnh thứ sử các châu Trường, Ái viện quân từ phía nam, các đạo quân từ các châu phía tây.

Thứ sử Trường Châu Đỗ Cảnh Tung nhận được tin báo liền dâng tám nghìn binh mã cùng hai mươi chiến thuyền điều đến cửa Đại An hô hào, lại cho người của Nguyên Hỷ tận mắt trông thấy uy dũng quân sĩ Trường Châu. Tên tay sai họ Liễu trở về báo cho Nguyên Hỷ, Nguyên Hỷ lấy làm mừng liền phong thêm đất Võ An châu cho Bính.

Thứ sử Võ An châu là Trần Hưng nghe vậy điều năm nghìn quân ra cửa Ba Lạt hướng thẳng Trường Châu toan đánh người em họ Đỗ Cảnh Tung. Bấy giờ có người nói với Nguyên Hỷ, Hỷ lệnh cho Hưng trở về đất Gia Viễn đánh úp nghĩa quân người nam từ phía sau, phong thêm đất Chu Diên, Yên Hưng, Lục Châu. Bấy giờ Hưng mới yên.

Đoàn Uyển nắm Ái Châu nhận lệnh hiệu triệu của họ Lý, lòng dạ lo lắng vội gọi các quan đến bàn. Lê Khoan bấy giờ là huyện lệnh huyện An Thuận chạy ngựa đến phủ thành bàn với Uyển:

- Tồn Thành hai năm nay nắm binh lính ngoài xa, không chịu nghe lệnh thứ sử. Nay lại biết hắn cùng Chí Liệt đánh Giao Châu mãi không thể thắng. Nay Tống Bình có lời hiệu triệu thứ sử các châu xem ra là để thử lòng vậy. Nếu ta tiếp tục để Tồn Thành nắm binh bên ngoài như vậy, Đỗ Cảnh Tung đã thuận theo ý Nguyên Hỷ mà soạn binh mã e rằng Ái Châu sẽ nguy mất. Lại thêm các Châu Hoan, Ái, Phúc Lộc, đất Hoành Sơn sau khi Dương Thanh mất Giao Châu không lúc nào không loạn. Chi bằng triệu hồi binh mã, một mặt để tỏ lòng với Nguyên Gia, mặt khác là để tránh hậu họa từ Tồn Thành.

- Nhà ngươi biết rõ lòng dạ của Đỗ tướng quân rồi. Hắn sao có thể bỏ tên Sĩ Giao mà đi cho được. Nhà ngươi có kế gì hay chăng.

- Chẳng phải gia quyến hắn còn ở Ái Châu hay sao.

- Ý nhà ngươi là…

- Chính vậy. Thà để dao trong bếp còn hơn là treo phía ngoài cho kẻ khác kè vào cổ ta.

Lúc bấy giờ, ở đất Hiến, Đỗ Tồn Thành cùng Chí Liệt nhiều lần đánh quân triều đình ở Tống Bình, thắng thua nhiều vô kể. Sĩ Giao bàn với hai người:

- Phủ đô hộ từ lúc tướng chủ bị kẻ dưới hãm hại đến giờ cũng đã ba lần thay sứ. Chúng ta kinh qua hết nạn đói, lũ lụt, dịch cúm, dịch tả… cũng hơn hai mùa giá rét. Bấy lâu khiến dân tình đói khổ, lầm than. Nay có viên đô hộ mới, muốn thử lòng đám châu mục, thứ sử mà sai bọn người đó điều binh để dẹp sạch cái gai trong mắt Tống Bình. Đất châu thổ nhỏ hẹp, lại không có thành trì kiên cố. Đám người Hoan Diễn theo ta nay cũng bỏ chúng ta chạy về đất phía nam mưu lợi cá nhân. Bốn phía nay đã theo lệnh của quân Triều đình, không những không giúp chúng ta mà có kẻ đã bắt đầu tấn công lại. Nay có ý xin thiếu chủ rút quân về phía tây. Ta sẽ dọc theo dòng sông Đáy chiếm đất huyện Vũ Bình, đoạt thành Đỗ Động, còn hơn một vạn quân đóng trại từ đấy về đến núi Tản Viên.

Chí Liệt như bừng tỉnh trong cơ mê muội:

- Quả là cao kiến. Dạo gần đây ta có nghe nói đất huyện Vũ Bình đám người Liêu Gia Trang quay lại đất đó tìm giết tên tướng giữ thành là Thi Nguyên để báo thù.

Tồn Thành cũng hưởng ứng:

- Đúng vậy. Chúng ta không có nhiều thành trì kiên cố, dẫu có muôn vạn quân thì cũng rất dễ bị tổn thương. Chỉ có điều đất châu thổ phì nhiêu, ta bỏ đất ấy đi thì cũng hơi uổng phí vậy.

Sĩ Giao cắt lời:

- Tồn Thành chớ lo nghĩ. Đất châu thổ đã mấy mùa nước lên dân chúng cũng đã di tản. Dấu chân ngựa của đám quân triều đình đi đến đâu là đất đó chẳng lấy một bóng người. Phía nam Tống Bình, đất bỏ hoang đã lâu. Lại thêm đất Vũ Bình tiếp giáp đất Phong Châu, Đường Lâm cùng các châu cơ mi lớn nhỏ vốn chẳng ràng buộc nhiều bởi chính quyền Tống Bình. Thành trì dọc theo Đà Giang xuôi đến đất Phong châu đều dễ thủ khó công. Phía đông đất đó là khoảng đất màu mỡ mà đám quan lại Tống Bình thường không hay để ý đến. Ta mang nhân nghĩa tới đất ấy, ắt sẽ được lợi nhiều hơn là hại vậy.

Nhìn vẻ mặt Tồn Thành còn phân vân, Chí Liệt vỗ vai chắc nịch:

- Nếu Tồn Thành còn e ngại về đám binh lính Ái Châu của chú thì sau khi lấy được Đỗ Động chú hãy mang hết lính Ái Châu giao lại cho Đoàn Uyển. Đất Ái Châu trước là do họ Đỗ nắm quyền, Uyển kia bất trung, bất nghĩa, bất hiếu trắng trợn mà cướp. Há lẽ người họ Đỗ như chú lại chịu nhục về dưới trướng hắn.

Sĩ Giao nhìn vẻ mặt Tồn Thành tỏ ra giận dữ, liền kéo tay Tồn Thành ra phía ngoài. Sĩ Giao lôi từng ngón tay đang còn nắm chặt chuôi kiếm. Hơi ấm từ bàn tay Sĩ Giao khiến vẻ mặt Tồn Thành bớt nhăn nhó. Bấy giờ Sĩ Giao mới ghé tai:

- Kẻ sĩ hùng chớ có vì nóng giận mà hỏng hết mọi chuyện. Biết nhẫn nhục mới là người hay. Chú hãy nghe ta làm theo như ý chí chú mách bảo.

Đêm đó, Tồn Thành tự mình cầm hai nghìn quân Ái Châu tập kích quân triều đình đóng tại phía tây bắc huyện Chu Diên, đốt trại lính quân Đường. Tướng quân Đường là Triệu Cam đón quân của Tồn Thành từ phía bờ sông đánh tan, lính Ái Châu chết hơn một nghìn người. Chạy đến đầm Dạ Trạch, có thần miếu Tồn Thành chạy tới đó mà ẩn mình. Triệu Cam thúc quân mã đuổi theo đến bờ sông Nhị thấy có đôi vợ chồng mặt mày khôi ngô, giọng nói thuần khiết. Cam hỏi:

- Giặc đánh quân ta có chạy qua đây. Hai người có trông thấy chúng hay chăng?

Người vợ đáp lời:

- Tướng quân hãy đi về phía đông, nếu thấy con nước, kẻ địch ắt ở chỗ đó. Cứ rong trống lên thì kẻ địch tự chạy ra. Tướng quân cho quân cởi bỏ mũ giáp, lấy hai mươi lính dùng lá cây chuối mặc lên người khi đó địch tự nộp mạng mình dâng cho tướng quân.

Cam theo lời người con gái kia nói. Đi về phía đông cách sông Nhị chừng năm chục thước, có tên lính thụt người xuống hố sâu. Bọn lính kêu la om sòm. Một tay đốc mã chạy đến bẩm lại với Cam:

- Đúng như lời ả ta nói. Phía này có con nước.

Triệu Cam bước lần từng bước dò dẫm. Hắn lấy kiếm khua khua đám bèo tấm, có con cá vảy sáng rực nổi lên. Cho là điềm lành, hắn ngoái lại nhìn hai vợ chồng còn đang đứng ở gần miếu cạnh sông. Cô vợ gật đầu ra ám hiệu cho Triệu. Cam xuống ngựa tay chạm vào chú cả, một luồng sáng phát ra từ phía bàn tay khiến Triệu Cam co giật. Phó tướng của Cam là Lã Thầm liền lấy dao ngắn đâm chết cá, ném xuống đầm nước, đám bèo bỗng nhiên tản ra, dòng nước trong vắt, đầm đìa mưa phùn trên mặt. Lã Thầm cho lính khua trống thì đám bèo lại dày trở lại, có bóng người cùng ánh sáng le lói hắt ra từ phía bên bờ đông của đầm.

Đầm nước rộng mênh mông, không biết cách nào để qua bờ đó cho nhanh. Lã Thầm bàn với Cam cho quân chặt chuối lấy mũi giáo đóng thành bè. Trong hai khắc, cả chục chiếc bè được đóng xong. Phía bên kia bóng người bên đó vẫn luẩn quẩn dường như không tìm thấy lối ra. Triệu Cam tiếp tục cho người đánh chiêng trống uỳnh oang. Những bẹ lá chuối được cắt thành những trang phục kỳ quái quấn lên người đám lính triều đình. Cam sai hai mươi lính mặc cùng nhảy lên bè vội vã chống chèo qua bên kia đầm nước.

Tới nơi, có một kẻ đứng bên bờ nhảy ra. Đám lính kinh hãi, người đó liền trầm mình xuống đầm nước. Chỉ trong chốc lát các bè chuối tự tách nhau ra. Bọn lính cố gắng dùng sức để ghép lại những cây chuối mà không sao giữ được. Trời bỗng nhiên gió lớn, ánh đèn từ phía bờ đông phụt tắt. Ánh lửa từ những cây đuốc lớn của quân Tống Bình xô vào nhau ngã tùm tùm xuống đầm. Triệu Cam lệnh cho đám quân quay trở lại. Sau nửa canh giờ, Cam dạt được vào bờ. Hắn rút kiếm hòng lùng hai vợ chồng kia. Đến cạnh miếu, soi lên cửa miếu có đề chữ “Đền Hóa” lại có bia khắc chữ cổ. Có tên lính biết chữ ấy đọc cho Cam:

“Hùng Vương đời thứ mười tám, Đức Thánh Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa, Hồng Vân Công chúa hóa tại đầm Nhất Dạ. Công đức muôn đời kể xiết.”

Có tiếng vọng vang vang như tiếng chuông lớn phát ra từ phía khuôn hồ trước miếu. Lã Thầm hô hoán đám quân:

- Là thần nhân họ Chử cùng nhị vị phu nhân giáng thế. Đã đắc tội. Mau mau mà chạy.

Triệu Cam cùng Lã Thầm hộc tốc chạy về đất Long Biên bỏ mặc đám lính toán loạn chạy khắp phía. Trời tờ mờ sáng, đám quân Tống Bình không một bóng, chỉ còn lại giáp áo cùng vũ khí ngổn ngang.

Bầu trời vần vũ, mây đen kéo đến ùn ùn như những cột khói đốt nương. Gió lốc nổi lên khiến đổ rạp cây cối xung quanh. Chỉ chừng nửa canh giờ, trận mưa lốc tàn ngay. Có ông lão đi qua đầm, nhìn vào miếu gọi vọng vào:

- Có cao nhân nào trong miếu. Sao còn ẩn nấp chưa ra.

Tồn Thành mặt mũi cay nhèm, tay còn dụi mắt bước ra. Nhìn xung quanh rũ rượi thảm thê, chàng liền cất tiếng hỏi han:

- Không hay bão tố khi nào mà cây cối ngã đổ.

- Vị tướng quân mặt vuông, trán rộng, mày cọp mắt trâu. Nhìn khí phách quả thật dị thường. Vừa xong có cơn lốc quét qua mà ngài không hề hay biết hay sao.

- Đêm qua khi tới miếu này, thân xác mệt mỏi, tay chân rụng rời chỉ lo mạng sống chẳng vẹn toàn. Sáng nay tỉnh dậy người nặng như cõng núi, mắt nhắm chặt như đổ keo, tai ù ù như sấm rền bên cạnh. Chẳng hay gió lốc, bão mưa.

Từ phía sau ông lão có đám người áo quần rách rưới, tay cầm mảnh gãy giáo thương lầm lũi hướng về chỗ Thành. Đầu óc chàng còn đang choáng váng, chưa nhận hết chuyện đang diễn ra. Có một tên chạy đến, mặt mày nhem nhuốc, tay đầm đìa máu đỏ, nước mắt lưng tròng:

- Tướng quân. Anh em đã chết phân nửa. Số còn lại chỉ còn hơn một nghìn đã lui về doanh trại. Đêm qua tướng quân dẫn chúng tôi chạy tới đây thì mất dấu. Sáng nghe người làng kể lại có đám binh mã chạy đến đây. Nghĩ rằng tướng quân không qua khỏi. Gặp tướng quân ở đây, đám chúng tôi thật thấy mừng.

- Cả nghìn anh em chết mà mừng nỗi chi. Các ngươi không bị đám quân Tống Bình đuổi giết hay sao.

- Bẩm tướng quân. Khi qua đoạn đầm này. Không hiểu sao đám người ngựa đó lại quay đầu không đuổi nữa. Thế nên chúng tôi mới quay lại tìm ngài.

Lão ông chống gậy, tay vuốt râu cằm cười lớn:

- Chẳng phải hồng phúc từ Đức Thánh Chử hay sao. Vị tướng quân hãy quay lại.

Tồn Thành quay lại thấy phía trước mặt là tường miếu uy nghi, cổ kính. Có bức tường cao hai thước được đôn từ dấu tích thành cũ. Phía trước miếu có lầu chuông lớn khắc họa tiết chim hạc, người cổ xưa sinh hoạt hàng ngày. Giữa lầu chuông và sân miếu là hồ bán nguyệt, nước xanh biếc soi bóng những tán lớn bủa quanh. Ba tòa điện tuy nhỏ nhắn mà khí chất vượng sung tỏa ra bốn phương khiến chàng không khỏi bỡ ngỡ.

Chàng hỏi ông lão, lão ông chỉ nhắc khéo đấy là cung điện của thần nhân. Phía trong là tượng cá chép lớn, cùng pho tượng cao lớn đầu mang nón, tay chống gậy độ thế nhân gian. Đỗ Tồn Thành sai người vào làng mua trầu cau cùng hoa quả dâng nên miếu nén nhang thơm. Khói nhang nghi ngút bay lên, có hình chàng trai khôi ngô tuấn tú cùng hai cô gái xinh đẹp, mỗi người một vẻ hiện lên. Tồn Thành gọi người làng vào hỏi thì làn khói tan mất.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui