Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ mười:
Bá Nam mượn rượu mắng Vương thứ sử.
Chung Đạt giết quan huyện đoạt Tống Bình.
Chương 10.4 Từ chỗ sáng bước vào tăm tối và cái chết
Chung Đạt nghe có quan huyện Tống Bình có thành ý đem theo lễ vật tới diện kiến liền sai người mang thuyền lớn tới rước.
Bãi Quần Thần giữa dòng sông Cái, phía bờ là đất linh thiêng của lão thần nhân Lý Ông Trọng. Chung Đạt cho người bày chõng tre, vải lụa giữa bãi đất cùng Hãn Xương ngồi đàm đạo hồi lâu đến giữa trưa canh ngọ. Sau đó Chung Đạt mời Hãn Xương về trại quân, mang xôi gấc, thịt gà khao đãi toàn quân.
Hãn Xương trông thấy khí thế ba quân của Chung Đạt mà lấy làm kinh hãi, lúi húi vội vàng chạy qua đám quân bước vào lều trại của Chung Đạt. Chung Đại tiếp đón hậu tình, rồi sai người chuẩn bị xe ngựa, lệnh bài để đưa Hãn Xương tới Bạch Hạc hầu chuyện với Phong Châu thứ sử.
Đêm khuya tiếng lang sói gầm vang, trong cơn ngà say, Chung Đạt tiễn Hãn Xương đi về phía tây bắc. Hãn Xương lên chiếc xe ngựa dần xa tiếng trống chiêng, ánh lửa bập bùng. Tiễn người bạn thâm tình bao năm, cầm ly rượu rót xuống mặt đất cát phù sa đỏ ngàu, Chung Đạt cười trong nước mắt:
- Tiễn biệt hảo hữu. Chén rượu cay như lời tạ từ. Tiễn người từ chỗ ánh lửa rọi tới chỗ mịt mù tối tăm.
Bước vào trại, Chung Đạt mải miết từng nét chữ. Canh ba gà gáy nơi làng chài nhỏ bên sông, Chung Đạt cho người gửi lá thư cho quan đô hộ Lý Nguyên Hỷ kể tội, vạch trần bộ mặt của đám quan lại Tống Bình, thể hiện ý nguyện muốt quét sạch Tống Bình.
Chung Đạt khuyên rằng Lý Nguyên Hỷ muốn đầu còn trên cổ thì mau mà bỏ trị sở về bắc, kẻo chẳng còn vẹn nguyên tấm thân. Lời lẽ mỉa mai Chung Đạt ví Nguyên Hỷ như gà nuôi trong lồng bấy lâu, béo tốt, lông mượt đến khi lồng vỡ rách thì bị đám gà khác xông tới mổ xé. Chung Đạt nằm ngủ mê trong trại cười phá lên: "Đồ gà lồng không biết bay".
Quân lính kháo nhau, lời bàn tới các quan trong phủ đô hộ. Ai nấy đều cho đám quân châu Phong trước giờ lấy lụa là, vàng bạc nịnh bợ quan trên, nay lại lật thuyền toan làm phản, không đáng kẻ anh hùng trượng nghĩa. Kẻ nào kẻ nấy sớm lên trị sở mà bàn chuyện đều dâng kế đánh dẹp quân châu Phong.
Nguyên Hỷ ho gà suốt tuần lễ, máu xổ ra đến hai chậu đỏ tươi đã nằm bẹp trên giường bệnh từ lâu. Chờ tin từ Hãn Xương quay về mã mãi chưa thấy, Nguyên Hỷ đành phó mặc cho các quan dưới lo liệu việc quân tình.
Kẻ nói đánh tây, người bàn chinh bắc, người nghị hòa với nam, kẻ muốn chiến đấu diệt đông khiến quân tình đảo loạn hết thảy.
Bấy giờ Hãn Xương tới Bạch Hạc diện kiến thứ sử châu Phong, ba ngày không gặp được họ Vương khiến Hãn Xương thấy trong lòng như nuốt phải than đỏ. Hãn Xương nằm trên gác quán trọ nhìn ra thấy chữ Đỗ treo trên chiếc đèn lồng phía trước một quán rượu phía xa.
Hãn Xương sực nhớ lời Chung Đạt ngày trước có nói rằng tới quán rượu ở cửa phủ phía đông, gặp được cha con họ Đỗ sẽ có tín lộ mà tới được phủ thứ sử. Hãn Xương vội vàng mang theo chút bạc tới quán rượu ở góc phía nam thành Bạch Hạc.
Bước vào phía trong quán rượu, như bao quán rượu nhỏ to khác, tên tiểu nhị đon đả hồ hởi đón khách quý. Lời ra tiếng vào trong quán ầm ĩ không khác chi phường buôn thúng bán mẹt ngoài chợ. Tiếng vàng bạc liểng xiểng, lúc xúc mà không thấy một ánh lấp lánh của những thứ đó phát ra. Kẻ vội vã, người cúi mặt, xì xầm những lời bàn bạc như cánh hát tạp âm.
Hãn Xương mặc chiếc áo đẹp đẽ, bước vào quán rượu toát lên vẻ tôn quý của bậc trưởng giả, cô gái bước ra xua tên tiểu nhị vào trong, giọng nói đon đả:
- Khách quan xin mời vào phía bên trong. Có người đang chờ ngài ở phía trong.
Bước qua bếp rượu vào tới một gian phòng ngập tràn những sổ sách bàn tính lách cách. Nhìn qua khe cửa gỗ mà Hãn Xương cười nhạt lắc đầu. Cô gái quay lại nhắc khéo Hãn Xương nhanh nhanh bước vào phía trong. Một viên công tử đang đứng quay mặt về bức vách mặc áo lụa, đầu chít khăn vàng chữ phúc, tay vắt phía sau cầm chiếc quạt lá cọ trực chờ. Nghe tiếng bước chân từ phía sau, viên công tử quay ra cúi chào Hãn Xương. Hãn Xương ngợ ngợ cúi chào lại vị viên ngoại đó. Hãn Xương lập bập:
- Chẳng hay tên họ vị công tử này là gì? Sao lại biết ta tới đây mà cho gọi vào.
Viên công tử khẽ nhếch mép cười:
- Những kẻ tới đây không phải là tìm tín lộ tới cửa quan hay sao. Thấy vị quan khách đi từ phía quán trọ tới, ta liền sai người nghênh tiếp. Có điều chi thất lễ xin quan khách bỏ quá cho. Ta họ Đỗ tên Nam, tự là Bá Sính, hiệu là Hoàng Y Tín Lộ. Mọi người vẫn gọi ta là Đỗ Hoàng Y. Vị quan khách này nhìn qua bề ngoài chắc hẳn không phải là người đất châu Phong. Đeo lệnh bài, mặc áo lụa bên trong chỉ có thể là huyện lệnh.
Hãn Xương lấy tay ra hiệu gạt lời Hoàng Y:
- Công tử xin khẽ lời cho. Thú thật ta là người của huyện lệnh huyện Thái Bình tới châu Phong đã ba ngày nay tìm gặp thứ sử châu Phong Vương Thăng Triều mà chưa được gặp.
Hoàng Y cười lớn:
- Ngài hãy cứ ngồi xuống đây, uống ly rượu này, ăn chút điểm tâm rồi hãy kể lại sự tình cho ta. Đến đây, bất kỳ ai ở châu Phong đều có thể gặp được. Chỉ có điều…
Hãn Xương rút ra túi bạc, vỗ vào bụng:
- Ta hiểu ta hiểu. Chỉ là cần gặp được họ Vương đó, chắc chắn sẽ không để công tử phải nghĩ suy. Ta ở đây có hai nén bạc đặt làm tin. Xong việc ta sẽ trả thêm cho công tử ba nén nữa.
- Không được. Gặp thứ sử chứ đâu có phải gặp chó gà. Hai nén vàng. Không hơn không kém. Bằng không xin quan khách hãy cứ về quán trọ để đợi gặp thứ sử.
Hãn Xương cắn môi mà rút ra một nén vàng đưa cho Đỗ Nam. Hoàng Y chút thêm hai ly rượu, Hãn Xương nằm ngủ thiếp đi. Khi tỉnh lại đã ở phía trong gian phòng rộng rãi, vật trang trí đơn sơ, bàn ghế gỗ tre mộc mạc. Hãn Xương nhẩm trong bụng rằng mình bị tên kia lường gạt cho tới cái chỗ xơ xác này.
Mở cánh cửa gỗ bằng gỗ lát chắc nịch bước ra phía ngoài, có một ông lão đã trực sẵn ở chỗ đó từ bao giờ tới cúi chào Hãn Xương. Hãn Xương hỏi ông ta đây là đâu. Ông lão nói đây là phủ của thứ sử rồi dẫn Hãn Xương bước qua khuôn viên tĩnh lặng, đất vườn rộng bao la với những gốc tre, cây cọ mọc thành từng lụm dày di dít, cánh cò, cánh hạc đậu trắng sân vườn.
Có vị công tử mặc áo lụa màu xanh, đầu búi củ hành, đi giầy vải đỏ, mặt mũi tuấn tú khôi ngô trông thấy ông lão dắt người đi tới liền gọi lại:
- Này Lão Đỗ, nhà ngươi lại dắt người đi tới điện phủ có việc gì.
Lão cúi đầu, ra hiệu cho Hãn Xương cúi chào vị công tử, lão bẩm lời:
- Bẩm Vương thiếu chủ, người này muốn được gặp Vương thứ sử.
- Vậy à. Lão hãy đi đi.
Hãn Xương đứng đợi ở phía ngoài, Lão Đỗ bước vào trong bẩm với một người đàn ông tuổi chạc tứ tuần, phong thái điềm đạm. Bóng người hắt ra, tiếng thì thầm nhỏ to, Hãn Xương cố rỏng tai nghe nhưng không sao tập trung được. Hãn Xương nhìn theo vị công tử đó quanh đi quẩn lại, cầm sách đọc lại ngẩn ngơ cười, chốc chốc lại quay ra nhìn về phía gian phòng vẫy tay như muốn chào Xương.
Xương liên tục cúi đầu chào từ phía xa. Một lát sau, Lão Đỗ bước ra, tay cầm một thẻ bài dắt Hãn Xương tới phủ điện.
Mùi trầm hương thoang thoảng, chiếc lư đồng nghi ngút khói, đôi hạc đồng đen đứng uy nghi. Thấp thoáng bóng người là vị thứ sử đang ngồi đọc thẻ tre, dùng nghiên bút đọc điểm những bản tấu sớ. Nhìn từ phía ngoài, Hãn Xương lén nhìn vào phía trong.
Lão Đỗ bước tới gần chỗ của vị thứ sử đang ngồi. Thăng Triều đứng dậy, bước ra ngoài gian điện lớn, hai dãy ghế bàn gỗ nghiến, gỗ xoan bạc màu được xếp phẳng phiu thẳng lối. Vương thứ sử ngồi chính giữa, trên bàn chỉ có nghiên bút cùng vài mảnh giấy gió còn vương chút mực, ánh đèn dầu phụng đang lập lòe bỗng tắt phụt khi Hãn Xương theo chân Lão Đỗ bước vào.
Hãn Xương loay hoay tìm cho mình chỗ ngồi, Lão Đỗ xin lui ra. Thăng Triều ánh mắt nhìn ra Hãn Xương, không gian tĩnh lặng, họ Vương hỏi lớn khiến Hãn Xương giật mình ngồi bệt xuống phía bàn cánh tả. Thăng Triều hỏi:
- Nghe tiếng Hãn Xương huyện lệnh Tống Bình đã lâu. Ngài đến mà không báo với ta một tiếng, dẫu gì cũng là mệnh quan triều đình, sao lại đi lối cửa sau tới điện phủ của ta.
Hãn Xương lấy lại bình tâm, ngồi thẳng lưng, đôi tay đặt lên bàn như trẻ học chữ, tay men men chén nước còn nóng nghi ngút. Xương hít hơi thật sâu, nhắm mắt lấy lại khí giọng đáp lời Thăng Triều một cách khảng khái:
- Gặp được Vương Thăng Triều thật là vinh hạnh. Xét về chức tước tại hạ vẫn kém ngài hai bậc. Tại hạ lại là khách, không dám đòi hỏi gì nhiều hơn. Ta báo với đám hầu lại thì được biết Thăng Triều đại nhân đi thăm nom quân tình ở vùng biên ải nên không gặp được. Nay biết tin ngài trở về phủ, nóng lòng muốn gặp nên mới đành phải nhờ chỗ Đỗ Hoàng Y dẫn đường.
Vương Thăng Triều cười lớn, bỗng nghiêm nghị:
- Làm mệnh quan triều đình, lại là sứ của quan đô hộ Nguyên Hỷ tới châu Phong để gặp kẻ tôi mọn như ta thì đâu cần phải lén lút như vậy. Người đời nghe Thăng Triều đối xử với các bậc trưởng giả như vậy thì nào còn mặt mũi với thiên hạ. Không tiếp đón khách quý thật tận tình chu đáo, mong Từ huyện lệnh không để bụng. Ta sẽ xử thật nghiêm đám tôi dưới quyền. Chẳng hay huyện lệnh tới châu Phong có việc gì.
Hãn Xương ngậm chút chè thơm, dõng dạc đáp:
- Nghe nói Châu Phong vì cả giận quan sứ mà động binh đánh tới Tống Bình.
Thăng Triều mặt không biến sắc, giọng nói hào sảng:
-Đánh thì sao, mà không đánh thì sao? Hãn Xương tới đây muốn khuyên giải ta chăng? Hay là ý chủ nhân của Hãn Xương muốn đầu hàng.
Hãn Xương vểnh mặt, vuốt râu, cười Thăng Triều:
"Tại hạ không dám khuyên giải Vương thứ sử. Chỉ muốn bàn vài lời phải trái với Thăng Triều. Đất Phong châu dẫu có hùng mạnh, nhân tài hào kiệt vô số thì cũng chỉ là một mảnh đất nhỏ nhoi ở xứ tây An Nam, đời đời lệ thuộc vào các quan đô hộ, thuế sưu dâng cống cho triều đình.
Quân binh dẫu có đến nghìn, vạn thì cũng chỉ như những sợi tóc trên đầu. Cắt bỏ đi tóc cũ thì tóc khác lại mọc, chỉ là chủ nhân của nó muốn để tóc ấy ra sao. Đầu nấm ngứa thì dùng bồ kết, hoa bưởi, hương nhu đem nấu với nước, gội đi sẽ hết. Nếu có chấy rận thì dùng lược mau để chải. Bằng không gọt đầu bắt hết chấy rận rồi chăm cho lứa tóc mới.
Châu Phong muốn chiếm đất Tống Bình, chẳng phải là muốn triều đình cắt bỏ tóc ấy đi hay sao. Dẫu sao châu Phong xưa nay vẫn trượng nghĩa, tôn thờ trung hiếu. Nay làm ra điều ấy thấy thật hổ thẹn lắm thay."
Vương Thăng Triều chỉ tay vào Hãn Xương, lắc đầu, nhếch miệng cười:
- Nghe nói chỉ vì mái tóc chấy rận mà đô hộ đại nhân Nguyên Hỷ ốm o, thở không ra hơi, nằm thoi thóp chỉ trực chờ ngày ra đi. Xét ra cũng thấy tội thương cho Nguyên Hỷ đó. Thân xác không còn, thì mái tóc có cũng để làm gì.
"Nếu Thăng Triều đã nói như vậy, ta cũng xin thẳng thắn nói với Thăng Triều. Phía tây bắc chây Phong là bọn Nam Chiếu đang lúc cường thịnh, phía tây là dải cao nguyên Ai Lao, đám người đó vốn chẳng ưa miền trung du phía đông. Nếu Thăng Triều mang quân đánh Tống Bình, chẳng phải khiến bọn đó mừng vui hay sao.
Lại nữa, quân đội các châu quận phía nam có để yên cho Vương thứ sử ngài ngồi yên ở đất châu Phong hay không. Phía bắc có Mã Thực ở đất châu Ung, đội quân Kinh Nam, các châu Khâm, Quế, Quảng, Quỳnh mới chỉ hắt xì thôi, e là châu Phong cũng chẳng còn một ngọn cỏ."
- Triều đình thối nát. Các quan lại trong triều còn chẳng quản nổi. Nói chi đến đám quan tướng xứ xa biên ải. Hãn Xương đừng nói thêm lời nào nữa. Nể mặt Hãn Xương là chỗ qua lại với Chung Đạt từ lâu nên ta sẽ tiễn Từ huyện lệnh ra khỏi thành. Mong Hãn Xương về Tống Bình nói với Nguyên Hỷ rằng gỗ vàng tâm xứ nam ta rất nhiều. Nếu không ngại thì Vương Châu Phong ta sẽ tặng cho đô hộ đại nhân làm quà.
Thăng Triều cười lớn ra hiệu cho Lão Đỗ tiễn khách. Những lời trái tai khiến Hãn Xương bực tức bước ra khỏi điện phủ thứ sử châu Phong. Hoàng Y đứng ở phía ngoài đòi số vàng mà Hãn Xương còn chưa trả.
Hãn Xương dùng dằng không trả, Hoàng Y sai người bao vây không cho Hãn Xương bước đi. Hãn Xương tối tăm mặt mũi, đứng giữa vòng vây đám người to lớn, đóng khố, áo trần mà thiên cưỡng rút túi bạc ra. Hoàng Y tiến tới dằn mặt Hãn Xương:
- Là huyện lệnh thì cũng phải như người thường. Định quỵt của bọn này hả? Không xong đâu. Nhà ngươi có giỏi thì về Tống Bình gọi tay sai tới đây.
Hãn Xương hậm hực, phun nước bọt vào mặt Hoàng Y. Hoàng Y cả giận cho đám lâu la xông vào đánh. Sĩ Hoàng từ phía quán rượu bước ra quát lớn:
- Dừng tay. Bọn mày còn định làm ăn nữa hay không? Đừng có như lũ ngu ngốc phường trộm cắp như thế chứ. Tha cho hắn ta. Dẫu sao việc của hắn cũng không thành. Lấy của hắn như vậy là đủ rồi.
Hoàng Y mặt vênh váo, mắt trợn ngược lấy tay lau đi miếng đờm trên mặt. Hoàng y chỉ tay vào mặt Hãn Xương cảnh cáo:
"Ngươi nên nhớ lần này có anh Đỗ Thương nói cho mày đấy nhé. Bọn ta đối xử đẹp với tất cả, không phân biệt dân thường, quan lại. Chỉ cần có tiền, bọn ta sẽ làm được việc cho khách. Chứ không bao giờ làm cái việc trốn chui trốn lủi khi xong việc như thế. Định trốn nợ bọn ta à? Lại còn không chịu nói cho tao từ sớm là việc của ngươi không thành cho ta biết.
Bọn ta đây không hề lấy trên người ngươi thứ gì trong lúc ngươi say rượu, mặc dù có thể giết ngươi, lột hết của cải trên người ngươi. Nhưng bọn ta có uy tín, có nghĩa khí. Nhớ chưa. Ta không chấp với loại áo vải yếu mềm như ngươi. Cút."
Hãn Xương không nói một lời, chạy về phía quán trọ, thu xếp tay nải hành lý, cùng hai tên tùy tùng lên xe ngựa thúc ngựa chạy thẳng về phía đông nam. Hãn Xương nắm chặt tay bụng nguyền rủa đám người châu Phong suốt dọc đường đi. Hãn Xương bấn loạn không biết phải nói điều gì với quan đô hộ Nguyên Hỷ khi trở về Tống Bình. Định bụng tới chỗ của Thi Nguyên, Long Trách nói cho hai người đó trước.
Đoạn đi qua dòng sông Đà về phía đông tới cửa Hát Môn tới trại quân của Long Trạch đóng ở Hoài Đức, Hãn Xương thấy tên tùy tùng nói có một đoàn người ngựa chừng hai chục người chạy từ phía nam tới đứng chặn đường phía trước. Hãn Xương cho xe dừng lại, nhìn về phía xa thấy đám lính mặc giáp phục quân Tống Bình liền hỏi:
- Các ngươi là lính của Long Trạch phải không?
Viên tướng đi đầu tiến tới phía trước, cất giọng hỏi:
- Các ngươi là người của châu Phong tới đây do thám có phải không.
- Các anh em nhầm rồi. Ta là Từ huyện lệnh đây. Mọi người không nhận ra ta sao.
Giọng hét lớn, khuôn mặt lầm lỳ viên tướng đó chạy tới cầm cây đao lớn chém đứt đôi người Hãn Xương. Hai nửa người văng ra hai bên xe ngựa, máu chảy loang khắp xe ngựa. Hai tên tùy tùng hoảng sợ nhảy xuống xe ngựa chạy đi.
Viên tướng đó cầm cây giáo của tên lính đứng cạnh bẻ gãy đôi rồi lao thẳng vút về phía hai tên đó. Một tên trúng mũi thương lăn ra chết, tên còn lại bị cán thương ném trúng chân, thậm thọt nhắm mắt chạy về phía đông. Viên tướng cười lớn:
- Về nói với đô hộ Đại nhân rằng Long tướng quân không muốn đầu hàng bọn châu Phong. Quyết đánh với bọn giặc Phong Châu đó đến cùng.