Giống Rồng

Về họ Lý, Tượng Cổ trở về phủ và sai lính tìm hiểu về cô gái khiến hắn ngẩn ngơ khi ở phủ tướng đêm ấy tại Dương tướng phủ. Ngày đêm hắn thẩn thơ, làm văn làm thơ về cô gái ấy, chỉ ước một lần được gặp mặt. Rồi có kẻ mách rằng: “Muốn gặp lại nàng tiên ấy, chỉ cần đến phủ quân sư của Dương Thanh.”

Hắn lập tức rước kiệu lớn, trống kèn khua vang khắp La Thành đến nhà họ Đỗ. Hắn biết nàng là con gái nhỏ Dương tướng, vợ của Sĩ Giao, quân sư hầu cận của họ Dương cũng là tay Áp nha lần trước đắc tội với y. Hắn liền trơ trẽn sai lính đến phủ rước nàng về, Sĩ Giao biết vậy lấy làm hậm hức lắm. Sĩ Giao sai người thế thân cho vợ mình rồi đưa về phủ đô hộ. Họ Lý hồi hộp rồi chăm chút tiếp đón giai nhân. Linh cảm cho hắn thấy có điều gì đấy không đúng như những gì hắn mường tượng ở trong đầu. Hắn cho lính đến bắt cả nhà Đỗ Sĩ Giao rồi ép Dương Thị phải chiều chuộng hắn.

Được tin, Dương Thanh nổi cơn giận, mang quân lính vào thành định hỏi tội họ Lý. Họ Lý sai người thả Đỗ Sĩ Giao, rồi hắn cười nhạt rằng: “Dương tướng quân khỏi lo, chỉ là chút hiểu nhầm giữa ta và Đỗ Tiên sinh.”

Sĩ Giao bẩm báo lại với Dương Thanh tất cả sự việc. Dương Thanh sai người cho gia đình Sĩ Giao trở về Ái Châu. Tại đây, Sĩ Giao gặp lại được Tồn Thành và Thủ Trừng.

Từ bấy giờ, Lý đô hộ lại càng sợ Dương Thanh hơn khiến hắn tâm thần bất an, lúc nào hắn cũng mơ mơ màng màng việc giữ được Dương Thị nhưng hắn lại giật mình nghĩ đến Dương Thanh. Hắn lao vào gái gú, hoan lạc để quên đi sầu não, buồn phiền. Việc Giao Châu thì họ Lý giao hết quan dưới, hầu cận.

Trở lại tình hình Giao Châu lúc ấy, Lý đô hộ bắt bọn Man Hoàng dọc sông Đà, sông Cái phải cống nộp nào là sừng ngà, da cọp, sơn hào biết bao nhiêu là là thứ. Bọn tù trưởng các châu cơ mi ở Hoàng Man động ngày càng căm ghét họ Lý kia, lại bị bọn Nam chiếu mua chuộc nên lúc nào cũng nhăm nhe có ý đồ xấu. Tượng Cổ càng thêm lo lắng. Nhiều lần triệu hồi Dương Thanh về La Thành nhưng ông không tuân. Tượng Cổ mới sai lính gửi cho Dương Thanh một lá thư rằng:

“Tượng Cổ ta trước sinh ra quyền cao chức trọng, bị bon quan tham nhiễu loạn triều đình khiến ta mất chức quan, triều đình lừa lọc đuổi ta về An Nam này. Ta chỉ mong có người hiểu ta nhưng xem ra chỉ có mình Dương Thanh hiểu. Ta cũng chỉ vì bách tính mà hành xử thôi. Cũng là vì bọn quan dưới nhiễu nhách dân lành, chia rẽ mọi người. Cả ta và Dương tướng quân cũng bị cuốn vào ấy. Nay ta khẩn thiết mời tướng quân vì bách tính An Nam, và cũng vì danh dự người Nam, vì hai chữ nghĩa dũng của Tướng quân mà trấn áp bọn Man Hoàng cứu nhân dân bách tính Giao Châu. Xin tướng quân rộng lòng xoi xét tâm can.”

Dương Thanh đọc xong lá thư mà cười lớn: “Đúng là bọn tiểu nhân, phen này ta thề sẽ diệt được bọn ngươi.”

Tên lính đưa thư nghe được liền chạy về phủ đô hộ báo với Tượng Cổ khiến hắn mừng lắm. Đêm ấy, bọn Man Hoàng áp sát phong Châu và huyện Thái Bình, Tượng Cổ mở rộng cổng thành phía nam để quân Dương Thanh vào thành chuẩn bị nghênh địch. Hắn chắc bẩm rằng có uy vũ của Dương tướng quân nên phần thắng thuộc về mình, hắn cho mời tiệc rượu ca hát để mừng công. Bất ngờ cả trăm tên lính bao vây phủ đô hộ, một tiếng ngựa hí vang trời làm hắn giật mình. Một vị tướng quân trên lưng con huyết mã, mặt đầy uy nghiêm oai dũng bước vào cửa phủ. Tượng Cổ dang rộng tay, chạy vội về phía Dương tướng mà khua tay múa mép:

- Dương tướng quân đã đến rồi. Có Dương tướng quân ở đây, Giao Châu không lo bị phá rồi. Tiệc này ta mở để khao tướng sĩ. Xin mời Dương tướng quân xuống ngựa nâng ly, và mời mọi người chúc Dương tướng quân thắng trận trở về.

Dương Thanh quắc mắt nhìn họ Lý và đám quan lại, một mũi tên bắn ra, Tượng Cổ nằm sấp dưới sàn máu lênh láng. Bọn vũ nữ hoảng loạn chạy ra ngoài phủ, riêng đám quan lại dưới trướng, Dương Thanh cho lính vào giết gọn từng tên. Bọn hầu cần, gia nhân, lính tráng chống cự quyết liệt nhưng không sao cưỡng lại sức mạnh của đoàn quân người nam của Dương Thanh. Biết tin xấu xảy đến với quan đô hộ, bọn lính từ các huyện Long Biên, Chu Diên lập tức kéo về La Thành nhưng bị Chí Liệt chặn đánh tan tác bên bờ Đông sông Cái. Lính tráng thì hàng, tướng sĩ thì tẩu thoát về phương Bắc.

Khi đó, tại châu Ái, bọn Đoàn Uyển, Tồn Thành, Do Độc thấy Giao Châu có biến lớn lại biết được người anh em Sĩ Giao đang ở Ái Châu. Tồn Thành cho gọi Sĩ Giao đến Nhật Nam.

Sĩ Giao mừng rỡ gặp lại Tồn Thành sau gần ba năm xa cách, biết bao là chuyện. Tồn Thành bày tỏ sự mến mộ với Thiên thanh tướng và mong muốn được cùng Sĩ Giao về Tống Bình để cùng góp sức cứu dân. Sĩ Giao vui lắm, lại nói: “Mưu tầm mưu, kế tầm kế, ngày diệt trừ họ Lý báo thù cho Đỗ Gia trang đã gần đến rồi.”

Dương Thanh gửi cho Sĩ Giao một lá thư mật hẹn ngày hội quân tại Tống Bình. Ngay trong đêm Dương Thanh giết chết viên quan sứ tại Tống Bình, Sĩ Giao cùng với Tồn Thành dẫn hơn tám trăm lính và hai chục thuyền lớn đi dọc bờ biển từ Ái Châu đến cửa Ba Lạt ngược dòng sông cái vào đất Chu Diên đánh thẳng vào cửa ngõ đất Hiến, lại cho thuyền xuôi dòng Luộc sang đất huyện Ninh Hải, châu Lục ra sức đánh giết bọn quan quân chống cự quyết liệt tại đó. Đám lính nghe danh tiếng Dương Thanh mà ra hàng hết loạt. Viên quan họ Lý năm nào chạy trốn đến Hải Môn thì bị Do Độc truy sát mang thủ cấp về tế tại bãi sông cửa Nam Triệu.

Tròn ba năm, kể từ ngày định mệnh ấy, Sĩ Giao cùng Tồn Thành trở lại mảnh đất năm nào những người dân xứ chài ấy còn í ới gọi nhau từ sớm đi bắt cá tôm. Bọn trẻ chạy lon ton dưới những dàn lưới còn nguyên mùi cá. Những khoảnh khắc ấy cứ ùa về trong những câu chuyện của con người đã ăn trực nằm chờ nơi này, chờ ngày thay đổi đất Giao Châu này. Chỉ còn lại đây những nấm mồ xanh mướt cỏ, những căn nhà trống toác còn vương lại trên đó là cát sông và những dấu vết sương gió của thời gian.

Hai người đang uống rượu dưới ánh trăng vằng vặc của ngày hè tháng sáu thì có một tên lính vội vàng chạy đến báo với Sĩ Giao:

- Bẩm Đỗ tướng quân. Ngoài kia có một gã hung tợn, tóc rối bù xù đang đòi vào doanh trại để gặp tướng quân. Chúng tôi hỏi thì hắn ta gào thét lên rồi cứ đi thẳng vào. Hắn khỏe quá, chúng tôi không thể cản lại hắn được.

Tồn Thành sửng sốt:

- Ở đâu? Người ở đâu đến?

Chẳng nói chẳng rằng, Sĩ Giao lên ngựa và chạy ra phía cổng doanh trại. Dưới lập lòe ánh lửa trại, Sĩ Giao thấy một gã to lớn, tay bắp cuồn cuộn tựa mây, đôi chân sưng sững như chân voi nham nhở những bùn đen còn dính lại đang khô dần. Chiếc khố ướt sũng vẫn còn vương vẩn cá tôm. Mặt hắn có vết bớp lớn chiếm trọn nửa khuôn mặt bên phải. Một mắt hắn hằn nguyên vết chém của đao kiếm. Sĩ Giao có chút e dè:

- Nhà ngươi là ai? Là người hay quỷ?

Hắn gầm gào lên một cách hung dữ như quỷ Sa tăng trong truyền thuyết, tay hắn cầm cây gậy bằng gỗ nghiến gồng mình bẻ nó gãy tan tành khiến mọi người khiếp sợ. Tồn Thành cầm cây thương trên tay một tên lính xông thắng tới chỗ hắn. Cây thương lao vun vút rẽ khói, bụi cát mờ mịt mà gã hung dữ kia vừa dập tung lên.

Hắn lại gào lên một tiếng “Giết” thật lớn rồi đạp tung cây thương của Tồn Thành, cây thương gãy làm tư. Do Độc bấy giờ cưỡi ngựa từ phía cổng quân doanh đến cầm kiếm chém thẳng vào người hắn. Lưỡi kiếm sáng loáng lia một cái thật ngọt qua khuôn mặt đầy thẹo của gã khiến mái tóc xõa xượi của hắn cụt lủn, máu trên khuôn mặt hắn chảy ra thành dòng. Tồn Thành cầm hai mảnh gãy của chiếc thương vừa gãy, giọng giận dữ hỏi gã:

- Nhà ngươi có phải là…

Sĩ Giao đưa ánh đuốc lại gần khuôn mặt hắn. Từng giọt máu lẫn giọt mồ hôi nóng rừng chảy từ mắt trái của hắn xuống cuốn trôi đi những bụi bùn còn vương. Khuôn mặt hắn dần hiện ra khiến Sĩ Giao giật mình, thốt lên:

- Tồn Thăng!

Hắn lại gầm gào, hét lớn:

- Giết!

Tồn Thành lúc này, ném đôi chuôi thương xuống dưới đất tiến lại gần. Thành hạ giọng:

- Ngươi là Tồn, Tồn…

Máu chảy trên khuôn mặt hắn lẫn bụi cát khiến con mắt còn lại của hắn giật giật lên. Gã xông thẳng vào đám lính, vác từng người lên rồi ném thẳng vào lều trại. Bọn lính tráng thấy thế đều lùi ra cả. Chỉ có Sĩ Giao tiến lại gần, ân cần hỏi han hắn. Hắn liền nhe răng dữ dằn như để đe dọa Sĩ Giao. Sĩ Giao quẳng bộ giáp xuống rồi xé tan chiếc áo đang mặc trên người. Hắn sững người lại, mắt chằm chằm nhìn vào hông phải của Sĩ Giao.

- Là em rồi. Tồn Thăng ơi. Đúng là em rồi. –Sĩ Giao nấc lên trong nghẹn ngào.

Gã mặt thẹo bỗng sụp xuống, mắt hắn nhắm nghiền. Tồn Thành liền hét lớn lên:

- Các ngươi còn không dìu quân sư cùng em ta vào doanh trại.

Do Độc thu kiếm lại, hỏi Tồn Thành:

- Người ta vừa chém là em của các anh?

Có tiếng xe ngựa từ phía doanh trại phía tây đến, tiếng lanh lảnh của đứa trẻ:

- Cha ơi! Trừng con sáng nay thấy chú Thăng ở bãi sông cùng với cá có sừng.

Trên xe ngựa bước xuống là Thủ Trừng và Dương Thị cùng đám người tùy tùng. Đám lính và Sĩ Giao đương dìu Thăng vào trong chỉ ngoái đầu ra nhìn qua rồi nhanh chóng lấy nước lau rửa người cho Tồn Thăng.

Tồn Thành ôm lấy Trừng sốt sắng chạy vào trong trướng. Tồn Thành gầm gào:

- Các người mau mau ninh cho ta một niêu gà tần và một niêu canh cá.

Nói rồi, Do Độc tiến vào. Với y thuật của con trai Lý Lang Mộc, tuy có chút gượng gạo nhưng Độc đã gột sạch vết thương và bó lại cho Thăng. Độc quấn lấy một miếng da dê đắp thuốc lá trên khuôn mặt của Thăng. Chỉ trong vòng ba ngày, vết thương đã liền, chỉ có con mắt bên trái nay đã khép hẳn một nửa bên ngoài cạnh thái dương.

Độc nói với Thành rằng: “Vết thương của Thăng khá sâu, lại thêm những vết thương ngày trước khiến khuôn mặt của Thăng chẳng thể trở lại bình thường được. Em là người khiến anh ta ra như thế này. Tội này xin các anh cứ trách phạt.”

Thành cười lớn sáng khoái:

- Cũng may là Do Độc kiếm thuật quả là đáng nể phục nên bọn ta mới nhận ra được Thăng. Nếu chẳng phải vì nhát kiếm ấy, mái tóc vẫn che đi khuôn mặt ấy thì ta đã giết chết em ta hay sao. Ta trách em làm sao đây?

Do Độc lại nói:

- Nếu các anh không trách phạt em thì em xin bằng mọi giá sẽ chữa khỏi cho Tồn Thăng. Thăng là em của anh Tồn Thành thì cũng có nghĩa là anh của Do Độc em.

Chỉ đúng một ngày sau, Lý Lang Mộc đã có mặt tại doanh trại. Sĩ Giao bấy giờ mừng lắm. Vội vội vàng vàng, Sĩ Giao bái kiến Lý tiên sinh. Lý Lang Mộc chẳng ngồi nghỉ ngơi, chưa một ly trà đã khẩn trương xem dò vết thương của Tồn Thăng. Xem dò vết thương một lượt, Lý Lang thở phào nhẹ nhõm:

- Thật may mắn cho người anh em này. Anh ta chỉ là sức quá kiệt mà như thế này thôi. Hãy cứ tiếp tục vắt nước cháo và cho anh ta uống canh. Chỉ ngày mai là anh ta tỉnh dậy. Thuốc đắp mặt cũng chỉ giờ dậu ngày mai là tháo ra được.

Y lời Lão Lý nói, sáng sớm ngày hôm sau Tồn Thăng tỉnh lại. Do Độc liền sai bọn lính đi kéo cá dưới sông lên, mua rượu trong dân, đãi khao cả đoàn quân.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui