Hà Thần - Thủy quái dưới cầu

Năm
Những người già sống ở quanh đấy bảo rằng: Việc này không phải là tình cờ, các vị có biết người chết là ai không? Tổ tiên của người thanh niên này chính là vị Tôn thiện nhân nổi danh ở vùng này. Ngày xưa, ông ấy mở một cái Tôn ký tạp phố (tiệm tạp hóa nhà họ Tôn), tạp phố chính là tạp hóa phố (tiệm tạp hóa), người Thiên Tân vệ hay nói tắt, khi nhắc đến Tôn ký tạp hóa phố đã lược bớt chữ 'hóa' đi. Lão chưởng quầy Tôn ký tạp phố cả đời chuyên môn tích đức làm việc thiện, quét rác không làm hại con sâu cái kiến, khi bắt được con rận nào trên người cũng không đành lòng bóp chết, năm nào cũng đến Bàn Đào Cung trong miếu Đẩu Mẫu tám tay để thắp hương. Khi ấy, hậu điện Bàn Đào Cung rất lắm chuột, hội chùa năm nào chúng cũng lén đến ăn dầu thắp đèn gặm sáp nến. Người trông coi hương khói trong miếu không buông tha, có ý định diệt sạch đám chuột nhắt đó. Biết được điều này, lão chưởng quầy Tôn ký tạp phố khuyên nhủ người trông coi hương khói tha cho những con chuột một đường sống. Chúng cắn hỏng bao nhiêu ngọn nến ăn vụng mất bao nhiêu dầu thắp, khoản thiệt hại này sẽ do lão chưởng quầy Tôn ký tạp phố hoàn trả gấp bội cho ông ta. Bởi vậy, đến giờ, khi con cháu của Tôn gia tạp phố chết dưới ao tro, có một con chuột già đã từng chịu ân năm xưa đã dẫn Thần sông Quách sư phụ tới tận nơi, nếu không thì ai có thể tìm ra tử thi ở một nơi khuất nẻo như thế này? Theo truyền thuyết dân gian, Hồ Hoàng Bạch Liễu Khôi là ngũ đại gia, chuột là Khôi gia trong số đó. Trên thực tế, chuột ở trong miếu quanh năm, ai dám nói chúng không một chút linh tính nào?
Khi nói xong, mọi người lại bắt đầu bàn tán lan sang thuyết mê tín nhân quả. Quách sư phụ đã tự mình biết thế nào là ăn trái đắng, nhìn thấy lão Lương xanh cả mặt, ông ta vội vàng bảo đám đông đừng nói đến chuyện này nữa. Nhưng, những người kia vẫn tiếp tục sôi nổi bàn luận không dứt, còn nói đến một vụ án trâu kêu oan xảy ra vào thời nhà Thanh. Có một nông dân do tranh chấp với người khác nên bị sát hại, hung thủ đã chôn xác anh ta ở một vùng đất hoang, hiếm người qua lại. Thủ phạm chắc mẩm thần không biết quỷ không hay, nhưng đâu ngờ, toàn bộ quá trình giết người vùi xác đều bị con trâu mà người nông dân dắt theo chứng kiến từ đầu đến cuối. Sau này, mỗi lần người nhà anh nông dân dắt con trâu đó đi cày ruộng, hễ đi qua chỗ chôn xác là nó lại quỳ xuống đất chảy nước mắt, quất mạnh thế nào cũng không chịu đi. Cảm thấy hành động đó của con trâu khác thường, mọi người đào đất lên thì tìm ra xác người bị sát hại, vì vậy báo án với quan. Khu vực gần miếu Đẩu Mẫu tám tay, trước kia xác thực có chuyện trâu kêu oan, hiện giờ lại xảy ra chuyện như thế này cũng chẳng phải là điều gì kỳ lạ hiếm có cả.
Nghe xong, Lão Lương không vui ra mặt. Nhưng ông này không muốn tốn nước bọt với những người kia, nên gọi riêng Quách sư phụ ra một chỗ. Ông này bảo, theo dấu hiệu cho thấy, xác chết dưới ao tro rất có thể là do không may trượt chân rơi xuống, bị bùn hút chặt chân mà chết đuối. Thời tiết quá nóng, xác chết đã phân hủy cao độ, nguyên nhân cụ thể ra sao còn phải đợi tiến hành kiểm tra thi thể xong mới biết được, ít nhất ba ngày sau mới có kết quả. Đối với câu chuyện đội vớt xác hút thuốc đoán oan mà Quách sư phụ đã đề cập tới lúc trước, ông này vẫn cảm thấy khó có thể tin được, cho rằng tư tưởng mê tín đã bén rễ thâm căn cố đế trong đầu Quách sư phụ, làm sao có thể từ thuốc lá nhìn ra người chết có âm khí và oán khí được đây? Ông này yêu cầu Quách sư phụ thực hiện việc đốt thuốc đoán oan ngay tại đây một lần, thử xem phương pháp mê tín đã lưu truyền tại đội vớt xác mấy trăm năm đến cùng là ra làm sao. Nói như rồng leo, làm như mèo mửa, những kẻ chỉ biết khua môi múa mép nói cái gì mà chẳng một tấc lên đến trời, chưa hẳn đã có bản lĩnh thật sự nào.
Lão Lương làm vậy là muốn bắt chẹt Quách sư phụ ngay tại trận. Ông này cho rằng xem thuốc đoán oan là việc hoàn toàn không có khả năng, bèn nảy ra ý định, đang lúc đông người như thế, nhân cơ hội ọi người tận mắt chứng kiến những điều như thế này chung quy lại chỉ là thủ đoạn mê tín của xã hội xưa.
Quách sư phụ làm sao không rõ ý định của đồng chí lão Lương. Bình thường, công an đường thủy chỉ có trách nhiệm tìm kiếm xác chết trôi, không bao giờ thắc mắc người đó chết như thế nào, nhưng sự việc hôm nay có liên quan đến bản thân một cách kỳ lạ, ông ta phải đứng ra lãnh trách nhiệm. Nghe thấy lão Lương nói như vậy, ông ta không có cách nào từ chối được nữa. Nhưng khi sờ đến túi áo mới nhớ ra không mang theo thuốc, ông ta đành quay sang xin lão Lương một điếu.
Lão Lương có một bao Tiền Tiến, một loại thuốc lá rất phổ biến thời kỳ mới giải phóng. Ông này móc thuốc ra đưa cho Quách sư phụ rồi hỏi: "Lão Quách, loại thuốc này có được không?" Nhưng ý tứ trong câu hỏi của ông này thực ra lại là: "Đợi lát nữa cái thủ đoạn mê tín đó của ông mất linh thì đừng có trách tôi đã đưa ình loại thuốc không tốt."
Lúc trước, ông này đã nghe Quách sư phụ nhắc tới câu chuyện, mỗi khi vớt được một cái xác trôi sông đã trương phềnh bốc mùi phân hủy, đội tuần sông chỉ cần hút một điếu thuốc là có thể nhìn ra người này có oan tình hay không, bởi vì người chết có âm khí, nếu chết đuối dưới nước thì chính là đột tử, còn bị kẻ khác giết chết rồi mới vứt xác xuống sông là chết oan. Hai loại âm khí này khác nhau, âm khí nặng là có oan tình, khác nhau ở chỗ có phải chết dưới sông hay không. Lúc hút thuốc quan sát khói là có thể phân biệt được loại âm khí nào, đây dường như là điều quá thần kỳ, lão Lương kiên quyết không tin.
Quách sư phụ nhận lấy điếu thuốc, trả lời: "Chẳng cần biết ngon hay không ngon, cứ thuốc lá là được." Đánh diêm châm thuốc, sau đó ông ta ngồi xổm bên cạnh xác chết, hút hết hơi này đến hơi khác, mắt không một lần nhìn đến cái xác chết trôi đó.
Lão Lương nghĩ thầm, hút như thế và mình bình thường hút thuốc đâu có khác gì nhau, vậy mà nhìn được ra âm khí hay sao? Ông này bèn hỏi Quách sư phụ: "Thế nào rồi? Có nhìn ra cái gì không?"
Quách sư phụ không đáp lại một câu, chỉ liên tục rít thuốc. Sau khi hút hết điếu thuốc đó, ông ta đứng lên bảo lão Lương: "Có oan khí, chuẩn xác là bị kẻ khác giết chết rồi mới vứt xác xuống ao."
Những người đứng xem xung quanh lập tức xôn xao bàn tán ầm ĩ một trận. Ai cũng chỉ mới được nghe kể vị sư phụ già của đội tuần sông biết xem thuốc đoán oan, nhưng chưa một người nào được tận mắt nhìn thấy. Hôm nay được thấy Quách sư phụ chỉ ngồi xổm bên cạnh tử thi hút hết một điếu thuốc, sau đó đứng lên phán rằng có oan tình, quả thực là thần kỳ.
Lão Lương kín đáo lắc đầu, trong lòng tự nhủ: "Giả thần giả quỷ, tôi đã nhìn chằm chằm vào ông ngồi bên cạnh tử thi hút thuốc, nhưng nào có thấy ở đâu có oan khí?"
Xác chết trôi vớt từ dưới ao lên nhanh chóng được đưa đi kiểm nghiệm. Sau đó, lão Lương quấn lấy Quách sư phụ hỏi: "Vừa rồi thật sự là ông đã nói mò?"
Quách sư phụ bảo: "Tôi không hề lừa gạt một chút nào. Năm xưa, vị sư phụ già của đội tuần sông đã truyền lại phương pháp này, chuyên dùng để xem sông âm khí của xác chết trôi, mười trường hợp ít nhất có thể xem chuẩn đến chín. Chỉ có điều, nhà nước có luật lệ của riêng mình, phương pháp dân gian này của chúng không thể đưa ra công khai được, chỉ đành âm thầm tự công nhận trong lòng mà thôi."
Lão Lương thốt lên: "Bậy, nếu hút điếu thuốc có thể phân biệt được người chết có oan khí hay không, thế thì còn cần đến công an và pháp y làm gì?"
Quách sư phụ nói: "Đội vớt xác năm sông của chúng tôi, hàng năm vớt được không biết cơ man nào là xác chết, những sự việc thế này đã thấy rất nhiều, qua thời gian dài đã tổng kết ra được một vài phương pháp dân gian, trên không nói cho cha mẹ, dưới không truyền cho con cái, ai cũng không thể dạy, chỉ có thể truyền từ sư phụ xuống đồ đệ, chỉ đời nọ tiếp nối đời kia truyền miệng ghi nhớ trong lòng."
Lão Lương rất cố chấp: "Nếu ông không nói cho rõ ràng, rốt cục xem thuốc lá nhìn ra oan tình là như thế nào, tôi sẽ không thể nào tin ông được, đành phải phán xét ông làm vậy là hành nghề mê tín dị đoan."
Tranh cãi đến đây, Quách sư phụ không còn biện pháp nào đối phó, bất đắc dĩ đành phải nói rõ toàn bộ cách xem thuốc đoán oan cho lão Lương biết. Khi hút thuốc bên cạnh xác chết, không phải ông ta xem hình dạng khói thuốc ra làm sao, bởi dù có phun mây nhả khói cũng không thể nào nhìn thấy âm hồn.
Sáu
Lão Lương nói: "Ông coi, tôi đã bảo là hút thuốc bên cạnh xác chết cũng chẳng nhìn thấy cái gì, thế này không phải giả thần giả quỷ thì là cái gì?"
Quách sư phụ bảo, lúc hút thuốc thì đúng là không nhìn thấy được ma quỷ thật, nhưng vẫn có thể nhìn ra có oan tình hay không, chuyện gì đã xảy ra. Thiên Tân vệ là nơi chín con sông đổ vào biển, hố ngầm phân bố dày đặc tại nơi các nhánh sông giao nhau. Xác chết trôi xuất hiện trên sông, nguyên nhân không chỉ riêng bởi chết đuối do bơi lặn mà chết kiểu gì cũng có. Từ thời Thanh mạt cho đến nay, xã hội đói kém loạn lạc, các lộ bang phái mọc lên san sát như cây rừng, trộm cướp như rươi, giết người ném xác xuống sông chẳng phải là điều xa lạ gì. Đội vớt xác thì cả ngày chẳng làm gì khác ngoài việc làm bạn với những cái xác trôi sông đó. Mặc dù không quan tâm đến việc phá án, nhưng họ nhìn thấy xác chết trôi sông quá nhiều, cho nên đã tổng kết ra không ít kinh nghiệm, ví dụ như xem thuốc đoán oan này chẳng hạn. Không nhất định phải cần đến khói cuốn, năm xưa còn cách đốt phù giấy vàng, chỉ cần là những vật cháy sinh ra tro là được, hoặc là tàn thuốc, hoặc là tàn tro, hoặc là tàn hương, dùng chỗ tro đó vãi lên thân thể người chết, xem chúng bám vào được bao nhiêu, nếu bám vào nhiều là âm khí nặng, âm khí nặng chứng tỏ có oan tình.
Âm khí là thứ khó mà giải thích, cũng không thể nào miêu tả được, có lẽ chỉ có thể cảm nhận được, nhưng nhìn không thấy sờ không được. Đội vớt xác bảo âm khí nặng, là muốn nói xác chết trôi đương nhiên có oan. Còn nếu như chết rồi mới vất xác xuống sông, lúc ấy hơi thở người đó đã tuyệt rồi, khác hẳn với người bị chết ngộp dưới nước. Tuy nhiên, thời điểm dưới sông xuất hiện xác chết trôi, đa phần là vào những ngày nóng, phát hiện ra sớm còn dễ phán đoán, phát hiện ra muộn thì xác chết đã phân hủy, không tài nào còn nhận diện được nữa. Vào thời nhà Thanh, quan phủ rất vô trách nhiệm, cứ vớt được xác chết trôi thì trước hết để mặc người của đội tuần sông đội xem qua một lượt, nếu nhìn ra có oan thì mới đi báo quan. Những vị sư phụ của đội tuần sông dần dần đã lần mò tổng kết ra được một vài kinh nghiệm, coi như là một anh khám nghiệm tử thi nửa mùa rồi. Họ lấy tàn thuốc tàn tro vẩy lên thân thể xác chết trôi, từ đó có thể nhìn ra có oan hay không. Nói là có oan, thực ra là muốn nói người đó đã chết trước khi rơi xuống nước. Ngày xưa ai mà chẳng mê tín, nếu nói thẳng tuột là có oan hay không có oan thì chẳng có ai tin nổi, phải nói là âm khí nặng thì mọi người mới thật tâm tin tưởng.
Ng.uồ.n .từ. s.it.e .Tr.uy.en.Gi.Cu.ng.Co..c.om. Kể từ thời dân quốc trở đi, ngành tư pháp dần dần hoàn thiện, những phương pháp dân gian như thế này rất ít được dùng đến. Nguyên lý bên trong ra sao, Quách sư phụ không thể giải thích rõ ràng, bởi sư phụ chưa bao giờ giảng giải cho ông ta biết, nhưng biện pháp này đích thực là chuẩn xác.
Nghe Quách sư phụ nói xong, lão Lương rốt cục đã hiểu ra ngọn ngành, ông này bảo: "Sau này có lẽ ông nên thu lấy vài đồ đệ, rồi truyền lại những kinh nghiệm và phương pháp dân gian của đội vớt xác lại cho họ, như vậy sẽ có trợ giúp rất lớn đối với công việc phá án của chúng ta. Nhưng ông không thể tiếp tục nói âm khí oan tình này nọ nữa, tất cả những cái đó đều xuất phát từ thói mê tín thời phong kiến."
Trao đổi xong câu chuyện về việc xem thuốc đoán oan, lão Lương lại cùng với Quách sư phụ đề cập tới cái xác đã nhung nhúc giòi trắng dưới ao tro. Sau khi khám nghiệm tử thi xong, người ta đã phát hiện ra, nạn nhân chết do bị kẻ khác dùng một vật sắc bén nện vào gáy, sau khi cướp sạch tài sản trên người, hung thủ đã vứt xác xuống ao tro. Từ khi giải phóng đến nay, những vụ án mạng giống thế này đã xảy ra bảy tám lần, xét theo hung khí và thủ đoạn gây án, tất cả là do cùng một thủ phạm thực hiện. Hung khí là một vũ khí bằng sắt rất sắc bén, nhưng không phải búa, bởi búa bổ vào đầu người sẽ tạo ra vết thương theo chiều dọc, nhưng những vết thương này lại chạy theo chiều ngang. Người ta phán đoán, có lẽ hung khí là búa thợ mộc chuyên dụng. Vật dụng này giống hình cái búa, một đầu bị tán dẹt thành hình mỏ vịt, đầu bên kia giống như đầu búa, cán bằng gỗ. Từ trăm năm trước đã có những vụ ăn cướp bằng búa thợ mộc, bắt đầu xảy ra ở quan ngoại Hắc Long Giang. Bình thường, chỉ đến lúc nửa đêm hung đồ mới chọn những chỗ hoang vắng ít người để ra tay, nhân cơ hội người đi đường phía trước không để ý, nhanh chóng áp sát từ phía sau, vung búa thợ mộc nhè vào gáy người đó mà giáng. Thủ đoạn này vô cùng tàn nhẫn, còn được gọi là "Đóng tụt đinh", so với đánh ngất người khác để cướp bóc thì nguy hiểm hơn nhiều, bởi vì búa thợ mộc vừa sắc bén vừa nặng, người bị nện vào đầu không chết cũng thành tàn phế, không kịp kêu lên một tiếng thì đã đổ gục xuống rồi. Những người đi lại một mình giữa đêm khuya chẳng một ai là người có tiền, hung thủ chỉ cướp đoạt được một vài vật đáng giá. Có khi trên người nạn nhân còn không có lấy một xu, chỉ vẻn vẹn mang theo hai cái bánh nướng, nhưng không ngờ chỉ vì hai cái bánh nướng đó lại phải trả giá bằng tính mạng. Bởi vậy mới nói, kẻ cướp bằng búa thợ mộc bị người ta căm hận nhất, bắt được hung thủ thì dù có mang ra phanh thây xé xác vẫn chưa hả hết giận. Sau này do ảnh hưởng, thợ mộc càng ngày càng ít sử dụng loại búa này để làm việc, còn rất ít những vụ án liên quan đến hung khí này phát sinh, không ngờ sau giải phóng khơi khơi lại còn có kẻ cầm búa thợ mộc đi ăn cướp. Tuy rằng nhân viên công an đã nắm được manh mối về hung khí, nhưng vẫn không thể tìm ra xuất xứ của nó, bởi vậy vụ án này đã lâm vào ngõ cụt. Lão Lương biết Quách sư phụ quen thuộc với tình hình địa phương, cho nên lần này lại nhờ đến ông ta hỗ trợ.
Quách sư phụ đã từng nghe nói đến một vụ cướp bằng búa thợ mộc. Đó là câu chuyện đồn đại từ ngày xưa, người ta kể trước kia ở địa phương nọ phát sinh một vụ án liên quan đến búa thợ mộc, toàn bộ thợ mộc của vùng đó đều bị lây ảnh hưởng xấu. Để tránh hiềm nghi, đám thợ mộc không dám tiếp tục dùng búa thợ mộc để làm việc nữa. Cho nên, cho tới bây giờ, búa thợ mộc đã là vật dụng rất hiếm gặp, nhưng nhìn chung không thể nào đi lục soát từng nhà một. Ông ta nhận lời lão Lương sẽ lưu tâm dò hỏi tìm kiếm. Trên đời này không có vụ án mạng nào không tìm được hung thủ, bất kể là hắn có lẩn trốn bao nhiêu lâu, cuối cùng vẫn sẽ tìm ra được. Giữa nửa đêm con chuột trong miếu Đẩu Mẫu đến gõ cửa, dẫn ông ta tới ao tro tìm được tử thi, ai dám nói đây không phải là âm hồn báo oan?
Bảy
Dù trong đầu có ý nghĩ này nhưng Quách sư phụ không dám nói với lão Lương, mà từ lúc đó trở đi chỉ bắt đầu lưu ý dò hỏi.
Ngài đừng thấy khoảng cách giữa Thiên Tân và Bắc Kinh gần như vậy mà lầm, phong tục của dân chúng hai nơi này khác xa nhau. Đơn cử một ví dụ, thành Bắc Kinh gọi đám người xã hội đen là gọi 'ngoạn chủ', còn Thiên Tân vệ gọi là 'ngoạn nháo'. Mặc dù cùng bắt đầu bằng chữ 'ngoạn' để ám chỉ đám người dấn thân vào lăn lộn trong xã hội, nhưng chỉ khác nhau một chữ đã tạo ra sự chênh lệch rất lớn, đồng thời cũng đã thể hiện ra đặc điểm của cư dân hai địa phương. Những kẻ rỗi việc ầm ĩ tụ tập đi khắp nơi vớt con giống ở Thiên Tân vệ nhiều vô số kể. Bọn họ thích tham gia náo nhiệt, chỉ sợ thiên hạ không loạn. Mùa hè năm 1953, người ta tìm thấy một xác chết trương nhung nhúc giòi dưới ao tro. Theo phán đoán của cơ quan công an, người này kẻ cướp bị sát bằng búa thợ mộc. Sau khi Quách Đắc Hữu của công an đường thủy phát hiện ra, cơ quan công an đã phát động quần chúng cung cấp manh mối. Một sự việc rất đỗi bình thường, sau khi bàn ra tán vào đã không còn như lúc ban đầu. Ai cũng bảo đây là vụ trọng án giết người bằng búa thợ mộc, bởi vậy không tránh khỏi thêm mắm thêm muối, miêu tả đến độ vô cùng máu tanh nghe rợn cả người. Thậm chí, họ còn đặt cho hung thủ gây án biệt danh là "Thợ mộc", còn bảo nhau rằng, tên "thợ mộc" này tâm địa tàn nhẫn ra tay độc ác, hành tung xuất quỷ nhập thần, điều ra bao nhiêu công an cũng bắt không được hắn, mãi đến khi chuột tiên trong miếu Đẩu Mẫu kêu oan, dẫn Thần sông Quách Đắc Hữu đến ao tro mới tìm ra tử thi. Quách Nhị gia là ai chứ, là "Thần sông" đấy, ông ta mà ra tay thì không có án nào không phá được, thời gian lộng hành của "Thợ mộc" coi như đã chấm dứt, sớm muộn gì cũng sẽ rơi vào tay Thần sông Quách Đắc Hữu.
Tại sao các loại hình khúc nghệ như bình thư tướng thanh (hát hài hước châm biếm) lại có đất diễn ở Thiên Tân như vậy? Nguyên nhân chỉ vì dân chúng bản địa luôn thích nghe những câu chuyện cũ đầy màu sắc truyền kỳ, bất kể là thật hay giả, cho dù đó chỉ là lời đồn, chỉ cần kể ra khiến người nghe kinh sợ là được. Thực ra lão Lương chỉ một lần nữa nhờ Quách sư phụ giúp đỡ thẩm tra những manh mối có liên quan, nhưng một đồn mười, mười đồn trăm, khắp nơi đâu đâu cũng bảo Quách sư phụ quyết tâm phá vụ án ăn cướp bằng búa thợ mộc. Lời đồn thật đáng sợ, nói cứ như là thật, khiến cho toàn bộ những vị sư phụ và phụ việc nghề mộc ai nấy đều cảm thấy bất an, nháo nhào tìm tới tận cửa, thanh minh với Quách sư phụ về sự trong sạch của mình. Toàn bộ gia đình cả già lẫn trẻ kéo nhau đến khóc lóc kể lể: "Thợ mộc chúng tôi có gây thù chuốc oán với ai đâu cơ chứ!"
Lại nói tiếp, bởi khắp nơi đồn đại Thần sông Quách Đắc Hữu quyết tâm phá vụ án ăn cướp bằng búa thợ mộc đã khiến cho hung thủ thực sự trở nên sợ hãi. Thượng hạ tây đông ở đâu mà không nhắc tới danh hiệu này, những người sống ở thập kỷ bốn mươi năm mươi có ai là không biết tới "Thần sông"?
Kẻ cướp bằng búa thợ mộc họ Bạch, sống ở gần nhà ga phía bắc, tầm ngoài ba mươi chưa đến bốn mươi, tên đầy đủ là Bạch Tứ Hổ. Trước kia hắn làm đồ tể giết mổ lợn bò, nhưng đường sáng không chịu đi, lúc nào cũng nhăm nhăm đâm đầu vào nẻo đường tà. Cách đây vài năm, khi đi ngang qua khu chợ lậu bán đồ cũ, hắn nhìn thấy trong một gánh hàng bày bán ở vỉa hè bán một cây búa đầu bẹt, người chủ hàng cũng không biết đó là cái gì. Bởi gia đình đã từng mở tiệm quan tài, thường đứng bên cạnh xem thợ mộc làm việc, cho nên hắn mới nhận đó là búa thợ mộc. Đồng thời, hắn cũng đã từng nghe nói đến, năm xưa ngoài quan ngoại có kẻ dùng búa thợ mộc đánh người cướp của. Cây búa bình thường băm bổ không tiện tay bằng búa thợ mộc, 'đóng lút đinh' là một phát ăn ngay không để lại người sống. Lúc ấy hắn bèn bỏ tiền ra mua, nhét vào trong lồng ngực, nhân dịp trời còn chưa sáng, ra bờ sông đánh gục một người, cướp được một bó hàng da, còn xác thì đạp xuống cống ngầm. Thời bấy giờ đang là lúc chiến tranh, chẳng ai quan tâm đến việc này. Bạch Tứ Hổ nếm đến mùi ngon ngọt, thường xuyên đến vùng ngoại ô 'đóng lút đinh', lúc thì cướp được tiền, lúc thì cướp được một chút lương thực, nhưng cũng có lúc ra về với hai bàn tay trắng.
Cái tên Bạch Tứ Hổ này bình thường ăn không nên đọi nói không nên lời, không làm được cái gì ra hồn, khi ra ngoài không dám giao tiếp với ai. Tướng mạo hắn xấu xí, có vẻ trung thực, nhưng tính cách rất hèn nhát, ai bắt nạt ai khi dễ thì chỉ biết ghi hận trong lòng, hiếu sát thành tính. Cứ mỗi lần giết heo mổ trâu, trước tiên hắn thường tra tấn chúng cho đã tay rồi mới giết chết. Dù lần nào hắn cũng chọn thời điểm trời còn chưa sáng để ra tay giết mổ gia súc, nhưng căn phòng dùng để giết mổ heo luôn phát ra tiếng kêu thảm thiết cho đến tận hừng đông mới ngừng, khiến cho những người ở quanh đó lúc nào cũng giống như bị tra tấn tinh thần. Không ai dám mua thịt, hắn dần dần hết sạch tiền vốn. Không còn đường mưu sinh, hắn bèn dựa vào búa thợ mộc "đóng lút đinh" cướp bất cứ thứ gì để chống chọi qua ngày.
Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, nội thành thực thi chế độ quân quản. Quân quản ra tay đối phó với các phần tử làm nguy hại đến trật tự trị an, cần bắt sẽ bắt, cần xử bắn sẽ xử bắn. Toàn bộ các bang phái lưu manh, du côn đầu đường xó chợ, hút thuốc phiện và kỹ nữ hành nghề trước giải phóng đều phải đi cải tạo, tình trạng an ninh tốt hơn trước kia rất nhiều. Nhưng những đêm không trăng gió lỡn, Bạch Tứ Hổ vẫn dám dắt búa thợ mộc vào người đi ra ngoài gây án. Mùa hè năm 1953, xác chết đang phân hủy mà Quách sư phụ tìm thấy dưới ao tro phía sau miếu Đẩu Mẫu, cũng là tác phẩm của kẻ này, nhưng hắn không cướp được cái gì của nạn nhân. Tên Bạch Tứ Hổ này là kẻ hung đồ lớn mật liều mạng, tâm địa tàn nhẫn ra tay độc ác, không coi công an ra cái gì, tự cho rằng mình gây án không theo quy luật, sẽ không bị bất cứ ai tìm ra. Nhưng khi nghe thấy người ta đồn ầm lên Thần sông Quách Đắc Hữu quyết điều tra vụ cướp bằng búa thợ mộc, hơn nữa, trước giải phóng hắn đã được nghe kể lại Quách sư phụ lợi hại như thế nào, lại nhớ tới thuyết nhân quả báo ứng, trong lòng không tránh khỏi hốt hoảng sợ hãi. Đêm đến hắn không tài ngủ yên, lúc nào cũng có cảm giác như mình đang bị người khác theo dõi. Chỉ cần gió thổi cỏ lay quanh đâu đây, hắn đã giật mình cho rằng Thần sông Quách Đắc Hữu dẫn công an tìm tới tận cửa rồi.
Năm 1954 vừa đúng dịp vận động tiến hành quét sạch phản động, toàn thành lùng bắt với quy mô lớn. Hội quân quản, dân binh, đội tuần phòng, toàn bộ đều hành động. Trên đường cái, cứ cách mười bước lập một trạm năm bước lập một đồn, nhà nào cũng phải đăng ký hộ khẩu, bố cáo dán khắp nơi, tra xét nghiêm ngặt những thành phần khả nghi không rõ lai lịch, toàn bộ những việc đó chỉ là để nhằm truy bắt thủ phạm dã man ăn cướp bằng búa thợ mộc.
Nhưng xét theo tình hình lúc bấy giờ, công an làm mọi cách vẫn không thể nào truy tìm được Bạch Tứ Hổ. Kẻ này có tướng mạo xấu xí, là người rất dễ lẫn vào giữa đám đông, khi ra ngoài lại chẳng giao tiếp với ai, xưa nay chỉ biết nhịn nhục cho người ta bắt nạt, rặn cả ngày cũng không dám đánh một phát rắm. Một người như vậy, có ai dám nghĩ là hung thủ chuyên ăn cướp bằng búa thợ mộc? Quách sư phụ vẫn tiếp tục tiến hành công việc của đội vớt xác, ngày nào cũng tất bật chạy đi chạy lại giữa nhà và cơ quan, đâu còn thời gian mà bận tâm đến việc phá án. Nhưng chỉ riêng Bạch Tứ Hổ là có tật giật mình, hắn càng nghĩ càng thấy sợ, rồi từ sợ lại sinh ra hận, biến Quách sư phụ trở thành cái đinh trong mắt cái gai trong thịt, cả ngày chỉ ru rú ở trong nhà không dám tiếp tục đi gây án. Lại nói tiếp, năm 1954, ngày mùng bốn tháng năm âm lịch, trước tết Đoan Ngọ một ngày, nhà nào cũng gói bánh chưng, Bạch Tứ Hổ thật sự không chịu yên được nữa. Đêm khuya nằm trên giường trằn trọc mãi mà không tài nào ngủ được, hắn thì thào trao đổi với vợ: "Hai ngày nay tâm thần tôi bất an, chỉ sợ sắp gặp chuyện không may. Tôi nghĩ mình sẽ không chịu phó mặc cho họ Quách đến tận nhà bắt nữa, đã không làm thì thôi, nếu đã làm thì dứt điểm một lần cho xong, tôi sẽ đến tận nhà hắn giết chết hắn, sau này một nhà ba người chúng ta sẽ được yên ổn mà ngủ, bà thấy có được hay không?" Vợ hắn nằm bên cạnh không nói câu gì, Bạch Tứ Hổ lại hỏi: "Bà không nói gì có nghĩa là đã đồng ý với tôi rồi phải không?" Vợ hắn vẫn nằm im không hề nhúc nhích, cũng chẳng thể nào có thể mở miệng nói chuyện, bởi vì người phụ nữ này không phải là người sống.
Tám
Tên cướp bằng búa thợ mộc Bạch Tứ Hổ, trong nhà cũng có vợ có con, nhưng một nhà ba người chỉ có hắn là người còn sống, vợ hắn là người chết còn đứa con là yêu quái, ngoại trừ Bạch Tứ Hổ không ai có thể nhìn thấy đứa trẻ này.
Tôi sẽ nói qua một chút ngọn nguồn tại sao lại như vậy. Mấy năm trước, Bạch Tứ Hổ bắt gặp một cô gái ngoài đường, giữa đêm hôm khuya khoắt cô ta chỉ đi ra ngoài có một mình, trong lúc đang đi đường thì bị Bạch Tứ Hổ dùng búa thợ mộc đánh gục. Bạch Tứ Hổ càng nhìn càng thấy cô gái này vừa mắt, đâm ra hối hận sao mình lại đập chết cô ta, nhất thời sinh ra ý niệm ma quỷ, cho xác cô ta lên xe đẩy về nhà. Nhà hắn ở nơi rất hẻo lánh, trời còn chưa sáng, những hộ gia đình quanh đó không thể nào phát hiện ra. Khi về đến nhà, hắn thấy gương mặt xác chết vẫn tươi tỉnh như lúc còn sống, phía sau gáy cũng không có máu chảy ra, giống như đang chìm vào giấc ngủ vậy. Bạch Tứ Hổ đã ngoài ba mươi, còn chưa lập gia đình, bèn coi đó là vợ leo lên giường gạch ôm người chết ngủ. Những lúc không ngủ, hắn nói chuyện giải buồn với xác chết. Hàng ngày, hắn hầm nước thịt đút cho xác chết, lau người, chăm sóc như vợ của mình. Nói ra kể cũng lạ, cô gái này rõ ràng đã chết rồi, thế nhưng không hề có mùi thối, lại còn có thể bón được nước hầm, dân gian gọi trường hợp này là 'hoạt thi'. Qua mấy tháng sau, bụng hoạt thi càng ngày càng phình to ra, rõ ràng là đã có bầu, nhưng chưa đủ tháng đã sinh rồi, sinh ra một cái tử thai, nhưng bản thân hắn thì ngày nào cũng đóng cửa ở trong nhà nựng nịu, còn đặt cho cái tên mụ là Tiểu Hổ, cứ như là thật sự có một đứa bé đang chạy khắp nhà vậy.
Nửa năm sau, trên người cô gái này bắt đầu có mùi, nước thịt hầm cuối cũng cũng không bón được nữa. Trước kia, gọi là "Hoạt tử nhân" bởi khi ấy người ta không biết đến khái niệm người sống thực vật là thế nào, cứ có sao nói vậy gọi theo cách này. Sau khi xác thực đã chết hẳn, Bạch Tứ Hổ vẫn không nỡ mang xác cô gái đi chôn. Nhưng mùi thối của xác chết không thể che dấu được, trời thì lại nóng, xác chết bốc mùi càng ngày càng nặng, chẳng được mấy ngày nữa, những gia đình ở xung quanh sẽ lũ lượt kéo đến. Trong lúc đang không biết làm cách nào, hắn chợt nghĩ ra một kế sách. Hắn đi mua một loạt túi muối lớn cõng về nhà, tiến hành ướp xác cô gái. Khi nhìn thấy, tất cả hàng xóm láng giềng chỉ nghĩ rằng Bạch Tứ Hổ thích ăn mặn. Thiên Tân vệ ở ngay cửa biển, từ xưa đã là cái nôi sản xuất muối nên chẳng có một ai cảm thấy kỳ quái. Ướp xong, tử thi đã không còn bốc mùi gì nữa, nhưng hắn không thể tiếp tục thân mật được nữa, bởi vì quá mặn, mặn đến mức có thể hại chết người khác.
Bởi đầu óc không bình thường nên Bạch Tứ Hổ mới coi xác chết này như vợ của mình, lại còn tưởng tượng ra một đứa con. Một nhà ba người đóng cửa quây quần chung sống, hàng xóm xung quanh không một nhà nào có thể phát giác ra. Giữa nửa đêm, hắn nổi lên ý định giết người, đến lúc hừng đông bảo với vợ: "Bà ở nhà trông con cẩn thận, tôi đi tìm họ Quách. Nếu không đục được một cái lỗ trên đầu của hắn, sau này chúng ta sẽ sống không yên ổn. Đến lúc về tôi sẽ mua bánh chưng cho hai mẹ con ăn."
Tự lẩm bẩm một mình xong, hắn đứng dậy mặc quần áo vào, bắt đầu bận rộn làm việc nhà. Mùng năm tháng năm âm lịch tết Đoan Ngọ, thời ấy còn giữ nguyên tập tục xưa, bên cạnh cửa nhà nào cũng treo cỏ hao, bởi vì tiết trời dần dần nóng lên, treo cỏ hao với mục đích xua đuổi trùng độc. Dân chúng bện cỏ hao thành dây thừng, phơi khô rồi đốt lên, có thể xua muỗi trừ tà ma. Ngày xưa có câu nói rất phổ biến "Đoan ngọ không mang theo cỏ hao, chết biến thành yêu quái" .
Trước kia, mỗi khi đến tết Đoan ngọ, người ta còn ngâm rượu hùng hoàng, dùng rượu đó để vẽ hổ cho trẻ con. Người ta dùng rượu hùng hoàng làm mực, vẽ lên trán trẻ con một cái chữ Vương (王), hơn nữa còn khuyên tròn ở miệng mũi tai mắt, bởi nghe nói làm như vậy cũng có thể phòng ngừa côn trùng. Đồng thời cắt giấy đỏ thành hình năm loài vật độc, dán lên những chỗ như cửa sổ góc tường; Đó chính là 'ngũ độc chỉ', dân gian còn gọi là 'trừ ngũ độc'. Năm loài vật độc bao gồm bò cạp, rết, rắn, cóc, thạch sùng. Tùy thuộc vào từng vùng, năm loài vật độc lại khác nhau. Ngoại trừ khoảng thời gian giữa thanh minh cốc vũ năm loài vật độc này sinh sôi nảy nở ra, nếu trong nhà có trẻ con, người ta phải nhờ những bà đỡ già dùng tơ năm màu tết thành các loại như Tiểu tống tử (bánh chưng), Tiểu bề tử (lược dày), Tiểu lão hổ rồi đeo lên cổ cho chúng. Bạch Tứ Hổ cũng làm theo tập tục của tết Đoan ngọ, dán giấy cắt hình năm loài vật độc trong nhà, thậm chí còn vẽ hổ cho cả đứa con hoàn toàn không có thật nữa. Đến xế chiều mới xong việc, hắn nhét búa thợ mộc vào sau lưng rồi lập tức đi tìm Quách sư phụ.
Nhưng vừa đến đầu hẻm hắn lại quay về nhà. Đừng thấy lúc trước Bạch Tứ Hổ tàn nhẫn thẳng tay 'đóng lút đinh' mà lầm, lần này hắn tuyệt không dám ra tay, trong lòng ngập tràn sợ hãi, ủ rũ quay trở về. Lúc ấy vừa mới xế chiều, trời vẫn chưa tối hẳn, nhưng cửa nhà đã đóng kín, cũng chẳng đốt đèn, trong phòng tối om om. Hắn ngồi ở góc tường ôm đầu khóc ồ ồ, túm lấy tóc, thật lực dứt hết nhúm này đến nhúm khác, tràn ngập oán hận, vừa hận vừa sợ lại kèm cả uất ức, lồng ngực như sắp nổ tung. Chỉ cầu được sống yên ổn nhưng sao lại khó như vậy, không may bị tên họ Quách kia bắt được, vợ và con sẽ ra sao bây giờ?
Xác cô gái trên giường gạch đột nhiên mở miệng nói: "Đồ vô dụng, một việc cỏn con như vậy mà cũng không có gan!"
Chín
Giọng nói của xác cô gái rất nhỏ, có lẽ bởi vì rất nhiều năm không hoạt động, thanh quản và lưỡi cực kỳ cứng.
Bạch Tứ Hổ trợn mắt há hốc mồm, run rẩy sợ hãi rất lâu sau mới nói được thành lời: "Cuối cùng bà cũng chịu nói chuyện với tôi rồi!"
Ngài sẽ cho rằng, đầu óc Bạch Tứ Hổ không bình thường, xác cô gái nói chuyện chỉ là do chính bản thân hắn tự tưởng tượng ra? Không phải, hắn thực sự nghe thấy trong phòng có người nói chuyện. Tôi và ngài là người ngoài càng nghe càng thấy sợ, nhưng Bạch Tứ Hổ lại không sợ những thứ đáng phải sợ. Khi nghe thấy câu nói đó, hắn ngồi ở trong góc nhà nhìn trừng trừng không chớp mắt, suy đi tính lại cân nhắc tới đủ mọi khả năng. Vì vợ con, cuối cùng hằn cũng hạ quyết tâm, dắt búa thợ mộc vào người ra khỏi nhà, chạy một mạch đi tìm Quách sư phụ. Trước giải phóng hắn đã nghe nói đến tên tuổi Quách sư phụ, nghe nhiều đến mức chai cả lỗ tai. Trước đó hắn đã nghe ngóng kỹ lưỡng, cũng đã nhìn tận mắt mặt mũi dáng người. Đến khi Quách sư phụ đi ca đêm, hắn lặng lẽ không phát ra tiếng động bám sát phía sau, chờ đến lúc tới nơi vắng vẻ một búa hạ gục ông ta.
Quách sư phụ không hay biết gì về tình thế nguy hiểm của mình, tan tầm là đạp xe về nhà. Giữa tiết Đoan ngọ, là thời gian năm loài vật độc cùng xuất hiện, đến khi trời tối chẳng còn mấy ai đi ngoài đường, bởi vậy ông ta không thể nào ngờ tới Bạch Tứ Hổ lại bám theo phía sau.
Bạch Tứ Hổ không lường trước được Quách sư phụ lại đi xe đạp. Hắn đành phải guồng hai chân mà chạy, cực kỳ chật vật đuổi theo. Được một lúc thì tới một con đường vắng vẻ, quanh đó không thấy một bóng người, đúng là cơ hội thuận lợi có thể ra tay, hắn thở hồng hộc chạy rướn lên, vung búa thợ mộc, nhằm thẳng vào gáy Quách sư phụ mà nện thẳng cánh. Thế nhưng, do hắn đuổi theo mệt đứt hơi, chân nặng như đeo đá, phát ra tiếng động bịch bịch.
Khi nghe thấy tiếng bước chân đuổi theo sau, Quách sư phụ cứ nghĩ là có người quen chạy tới tìm mình. Ông ta quay lại nhìn, hóa ra lại là một gã đàn ông mắt to mày rậm, bên vành tai trái dường như có một vết thâm tím, tay đang giơ ột vật gì đó chạy bổ từ phía sau tới. Nhìn thấy ông ta ngoái lại, người đó hoảng hốt quay đầu bỏ chạy. Quách sư phụ vẫn còn chưa hiểu nổi có chuyện gì xảy ra. Dưới ánh đèn đường mờ ảo, ông ta chỉ kịp nhìn thấy hình như đối phương đang cầm một cái búa thợ mộc. Trong lòng chợt giật đánh thót, ông ta suy đoán chắc kẻ này là nghi phạm cướp giật bằng búa thợ mộc, vội vàng đạp xe đuổi theo, nhưng đến lúc ấy chẳng biết người đó đã chạy đi đường nào.
Không đề cập tới Quách sư phụ nữa, giờ nói tới Bạch Tứ Hổ. Vào ngày tết Đoan Ngọ, hắn bám theo sau Quách sư phụ, khi tới đoạn đường vắng định ra tay, đâu biết được đối phương đột nhiên quay đầu lại. Bởi đã mang sẵn tâm lý sợ hãi, đến khi bị Quách sư phụ nhìn thấy, hắn kinh sợ vội vàng bỏ chạy. Khi chạy về đến nhà, chốt then cửa xong, hắn tự cho rằng chỉ một hai ngày nữa nhất định sẽ có người tìm tới tận cửa bắt mình. Hắn hối hận đến mức ngẩn ngơ, nhưng lại không tự trách mình, mà đổ hết lỗi cho Quách sư phụ. Càng nghĩ càng hận, hắn ngồi phịch xuống đất ghè đầu bình bịch vào vách tường.
Nhà của Bạch Tứ Hổ là căn phòng cổ được thừa hưởng từ cha ông, có từ lâu lắm rồi, không dưới năm sáu mươi năm. Mặc dù chỉ là nhà dân chúng bình thường, nhưng nó lại được xây dựng rất bề thế, ba gian nhà một chính hai phụ, nếu bớt đi một gian phụ thì vừa khéo cân đối một phòng khách một buồng ngủ. Cửa vào nằm ở gian chính, hai gian buồng nằm hai bên cánh, nền phòng được lát bằng gạch xanh theo kiểu Hải mãn. Nền những ngôi nhà cổ không láng xi-măng, toàn bộ đều được lát bằng gạch, nhưng không phải lát theo cách bình thường mà tất cả gạch lát nền đều dựng thẳng đứng, lát như vậy được gọi là Hải mãn. Bởi vì gạch dựng thẳng đứng nên tiết diện nhỏ, diện tích chịu lực không đáng kể, khó mà lún xuống, hơn nữa cũng không sợ bị ngấm nước mưa, có thể bảo tồn được rất nhiều năm. Tuy vậy, lát theo kiểu Hải mãn tốn gạch hơn rất nhiều so với cách bình thường. Mặc dù hai gian phòng của nhà Bạch Tứ Hổ không lớn, nhưng toàn bộ vật liệu đều đồng nhất, nền phòng và bốn vách tường được lát bằng cùng một loại "Ma chuyên". Ma chuyên tức là gạch cổ, lúc trước chúng ta đã từng đề cập đến. Trước kia, Thiên Tân vệ có rất nhiều lò gạch, hơn nữa đa phần thuộc quyền quản lý của quan phủ, chuyên nung loại gạch lớn để xây thành. Năm 1900, liên quân tám nước đồng minh ép buộc triều đình nhà Thanh dỡ bỏ thành lâu tường thành Thiên Tân, có không ít người đã nhặt gạch dỡ ra từ tường thành, chất lên xe đẩy về nhà xây phòng ở. Lúc ấy, người ta coi gạch xây thành cổ như bảo bối, bởi vậy mới có câu nói cửa miệng -- "Dùng gạch dỡ ra từ thành cổ xây tường, tường không đổ". Đa phần mái nhà được lợp bằng ngói xanh, theo kiểu âm dương đan xen, còn dùng cả than chì quét lên lên trên.
Nghe nói, tổ tiên nhà Bạch Tứ Hổ mở tiệm bán quan tài được vài đời, đến lúc ấy đã tích cóp được ít tiền, cho nên khi xây nhà dựng cửa đã chia làm hai viện nội ngoại, còn xây cả tường ở cửa vào để làm bình phong, ngoại viện quay ngang dài, nội viện thẳng hẹp, theo hướng bắc ngoảnh về nam, nhà giữa chỉ có ba gian. Bởi vì khi ấy vẫn còn chế độ phong kiến, phòng xá thứ dân chỉ giới hạn ba gian năm mái, không được phép dùng đấu củng* hay vẽ hoa văn, đó là những điều cấm kỵ của xã hội này.
* một loại kết cấu đặc biệt của kiến trúc Trung Hoa, gồm những thanh ngang từ trụ cột chìa ra gọi là củng và những trụ kê hình vuông chèn giữa các củng gọi là đấu.
Hai bên nhà chính là nhĩ phòng, bố cục như vậy được gọi là "Cánh ô sa", mang hàm nghĩa thăng quan phát tài. Khi truyền đến đời hắn, tiệm quan tài đã tiệt đường kinh doanh, nhà cửa chỉ còn lại vẻn vẹn hai gian nhà trệt nhỏ, tổng diện tích áng chừng hai mươi mét vuông, nằm ở phía bắc của một con hẻm nhỏ, còn tất cả những gian phòng cũ còn lại đã nhiều lần bị phá dỡ sửa lại, bố cục phòng ốc sân sướng trong ngõ nhỏ đã hoàn toàn biến đổi. Phòng ở của mấy người Bạch Tứ Hổ là một gian giường gạch choán hết nửa, xác cô gái được đặt trên giường gạch, phủ kín chăn. Giữa nửa đêm ngày tết Đoan Ngọ, hắn ngồi phệt dưới đất một mình ở gian ngoài than khóc, đúng lúc ấy xác cô gái trên giường gạch đột nhiên mở miệng hỏi: "Họ Quách đã chết chưa?"
Nhiều năm nay, Bạch Tứ Hổ có một thói quen, ở bên ngoài không hé răng nói một câu, hễ về đến nhà có chuyện gì là sẽ tuôn ra hết với xác cô gái này. Nghe thấy thế, hắn lập tức thở dài, bảo: "Đừng hỏi nữa, tôi đi theo tên họ Quách kia được một quãng, đang định thẳng tay nện cho hắn một búa. Có ngờ đâu cái thằng đó rất cảnh giác, vừa nghe thấy tiếng bước chân của tôi là ngoái đầu lại nhìn tôi, tôi. . . tôi nhất thời khiếp đảm, không dám xuống tay, đã thế còn để hắn nhìn thấy mặt. Ôi, có lẽ cuộc sống như hiện nay của chúng ta sắp chấm dứt, không tới hai ba ngày nữa, quan quân nhất định sẽ tìm tới tận cửa bắt tôi, tôi không nỡ lìa xa bà và con, tôi cũng không muốn dựa cột ăn kẹo đồng."
Xác cô gái lại mở miệng ra bảo: "Ta chỉ cho ngươi một cách, ngươi cứ làm theo những gì ta nói, đảm bảo ngươi sẽ bình an vô sự, lại còn thực sự có thể dồn cái tên họ Quách kia vào chỗ chết, ngươi cứ làm như thế,... như thế,. . ."
Kể cũng lạ, cô gái trong nhà Bạch Tứ Hổ đã chết tới năm sáu năm, tử thi được ướp bằng muối, mấy năm nay vẫn nằm im trên giường gạch không nhúc nhích, lúc bấy giờ lại đột nhiên mở miệng nói chuyện, thế chẳng phải là gặp quỷ hay sao? Ả ta đã chỉ cho Bạch Tứ Hổ cách gì? Đây cũng là một nút thắt, chúng ta cứ đặt nó ở đây đã, để đến hồi sau phân giải.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui