Hà Thần - Thủy quái dưới cầu

Trước năm xảy ra vụ án xác chết ở ngã ba sông đã từng có một trận lũ lụt, theo kinh nghiệm dân gian thì năm ngoái ngập úng năm nay dễ gặp hạn hán kéo dài, cũng vì thế mà trước hè năm nay khí trời khô hạn, ít mưa, người xuống sông bơi lội cũng nhiều hơn năm ngoái đến mấy lần, liên tiếp xảy ra mấy vụ chết đuối, cơ hồ đều là những đứa trẻ choai choai mới lớn không biết nông sâu, tuy nói đường xuống suối vàng không phân biệt già trẻ, nhưng khi chứng kiến cũng khiến người ta phải đau lòng.
Từ khi vớt được xác người đàn bà bị dìm dưới đáy sông, cả thành đều biết, người xuống sông Hải Hà bơi lội thoáng cái cũng vắng hơn rất nhiều.
Vụ án dìm xác xảy ra vào khoảng ngày hai mươi tám tháng sáu âm lịch, là dịp lão Lý cụt đuôi về khóc thăm mộ mẹ, sau đó hơn nửa tháng, Hải Hà lại chết đuối thêm hai người, cả hai đều là người nơi khác mới đến nên không biết chuyện. Lẽ ra người chết đuối dưới sông ít đi thì đội tuần sông phải vui lên mới đúng, thế nhưng cũng vì vậy mà thu nhập liền giảm một khoản đáng kể. Ngày trước, lúc mò xác đều được các nhà từ thiện tặng mấy phân tiền, không có việc làm thì dĩ nhiên cái khoản ấy cũng sẽ không có.
Quách sư phụ sống một thân một mình, trong nhà chỉ có một người anh trai búp bê không ăn không uống, ngoài ra cũng chả có bà con thân thích gì, nhưng ông ta thường xuyên giúp đỡ anh em bạn bè, hàng xóm láng giềng những lúc khó khăn cơ nhỡ, vậy nên trong tay trước giờ chẳng dư ra được mấy đồng, mới đó mà đã thấy hũ gạo trong nhà cạn tới đáy rồi. Cuộc sống càng lúc càng trở nên khó khăn, phải đi kiếm việc làm thêm, giúp người ta lo việc tang lễ, làm thêm hình nộm, vàng mã, kiếm mấy đồng mà sống tạm.
Ông có một đàn em trong đội tuần sông, họ Đinh, gọi là Đinh Mão, tên nhóc này giỏi giang, thông minh lanh lợi, hơn nữa còn có thể thu xếp chuyện làm thêm ở bên ngoài. Một ngày nọ, hai người nhận được một mối lớn, Lâu gia trang ở thành Nam có một vị lão thái gia mới qua đời. Là thân hào địa phương, người ta nhà cao gia nghiệp lớn, muốn cử hành một cái tang lễ thật to thật hoành tráng, thế nên trước tiên mới phải mời thợ dán giấy giỏi nhất thành về. Có lẽ các bạn đều muốn hỏi, thợ dán giấy là thợ làm cái gì?
Nói trắng ra thì chính là làm vàng mã, dựa theo kiến trúc phòng ốc trong nhà mà gấp, dán ra một ngôi nhà bằng giấy, tính ra thì đây cũng là một loại tay nghề, là thứ việc mà người ta không thể tự làm, cũng không thể không nhờ tới thợ dán giấy cho được. Trong lúc gấp giấy còn cần phải niệm thêm mấy câu đại loại như: “Gia đình bình an, tài vận ghé nhà…” Cầu an mà, muốn làm ăn như vậy thì còn phải có hình nộm, vàng mã, nhà cửa bằng giấy, phàm là cái thứ gì đốt cho người chết lúc tang lễ, chỉ cần chủ nhà hô một tiếng, thợ dán giấy đều phải gấp được.
Thầy cả đội tuần sông cũng là tay thạo việc nên hai người Quách sư phụ và Đinh Mão cũng học được không ít bản lĩnh, tay nghề không tệ, buổi tối thì ngồi làm hàng mã, ban ngày lại thành chân chạy việc cho người ta.
Khi phúng điếu, linh đường được bày ra ở giữa phòng, đám con hiền cháu thảo quỳ gối trông linh cữu, bằng hữu thân thích của người quá cố tới thăm viếng không ngớt, nườm nượp cứ như đèn kéo quân. Mà những nhà khá giả ngày trước đối với việc tang luôn rất coi trọng, hai bên cửa ra vào dựng hai cái cổng tò vò thật cao, trên có hoành phi, một bên đề “Thê phong”, bên kia đối lại là “Lãnh nguyệt”, trước cửa còn dựng thêm một cái cổng lớn hơn nữa, trên đề ba chữ "Có đại sự". Rồi nào là cơ man các thứ như người giấy ngựa giấy, còn cả một hàng dài các nhạc công chuyên chơi nhạc hiếu, người về chịu tang người sang phúng viếng đông không kể xiết, thế nên mới có hai người phụ trách đón tiếp chạy việc gọi là "Tín mã". Như hai người bọn Đắc Hữu làm xong các thứ đồ hàng mã, còn phải đi lo chân "Tín mã" cho người ta.
Vậy “Tín mã” là gì?
Hiện tại nói đến tín mã, chắc không còn có mấy ai biết được nữa rồi.
Năm xưa khi những phong tục như vậy còn đang thịnh hành, những nhà giàu xa hoa đều ở trong những tòa đại viện, kín cổng cao tường lại rộng thênh thang, mà theo như quy củ ngày ấy, lúc phúng điếu thì phải sắp xếp hai chân chạy việc, để cho hai gã này đứng canh cổng, một cổng trong một cổng ngoài, trên người khoác áo xanh cổ tròn, hông đeo đai lưng màu đỏ, mặc quần đỏ vải điều, chân mang ủng mỏng để đi lại au lẹ, trên thân còn quấn thêm một cây roi mãng tiên, một người đầu đội mũ đỏ, một người mũ đen. Khi có khách vào cổng lớn, người mang mũ đỏ dẫn đường hô to, giơ tay nhấc chân phải hệt như đang biểu diễn trên sân khấu, dắt khách vào cổng trong. Đến đó thì người đội mũ đen thế chỗ, đưa khách tới bục cúng bái, sau cùng nghi trượng mới chỉ dẫn cho vị này hành lễ dập đầu với bài vị.
Hai chân chạy việc một đội mũ đỏ, một mũ đen này còn được gọi là “Tín mã”.
Thực ra thì lúc cử hành tang lễ có tín mã hay không cũng không sao, nhưng càng là người có tiền thì càng muốn phô trương, không an bài tín mã thì liền cảm thấy như thiếu đi mấy phần khí phái sang trọng, trước không cần phải nói, đến khi có chuyện lại tìm không ra người thích hợp, phải để cho hai tên thợ dán giấy này đi làm.
Mà quả thực là không còn ai thích hợp hơn hai vị ấy nữa rồi, phép tắc không cần phải học, mọi thứ đều thông suốt, tư thế lại càng chuẩn hơn, hai người ra dáng ra vẻ, hò la dẫn đường, bận rộn suốt cả buổi, trừ mấy phân tiền thưởng xứng đáng được nhận, mỗi ngày còn được ăn một bữa lỡ thật ngon, bốn đĩa tám bát thì không cần phải nói, còn có thể nhân tiện uống thêm mấy hơi rượu Thiêu đao tử. Quách sư phụ và Đinh Mão nhận việc xong chẳng khác nào như đang được hưởng thụ mỹ cảm còn sướng hơn là thăng thiên.
Thuở trước, nhà giàu thành Thiên Tân người ta cử hành tang lễ rất chú trọng việc đưa tang, trước đó tất nhiên là phải phúng điếu tiễn người đã khuất, rồi còn có vô số thứ phong tục mê tín khác nữa, mà khi đưa tang thì phải khiêng quan tài để cho người chết được dạo qua bốn cổng thành lần cuối. Trong tiếng khóc than từ sớm tinh mơ, đám phu khuân hòm nâng chiếc quan tài lớn rời khỏi nhà, đây còn được gọi là dời linh cữu, đi đằng trước là người cầm phướn dẫn đường, còn có cả nhạc công, sư tăng hòa thượng niệm kinh, đám con hiền cháu hiếu mặc đồ tang theo ở đằng sau, đoàn người lũ lượt kéo nhau đi lòng vòng một đoạn đường rất dài, sau cùng mới đưa quan tài hạ huyệt nhập thổ. Trong toàn bộ quá trình đưa tang rồi hạ táng, nhất định phải có hai người đi theo rải tiền âm phủ. Xin đừng nghĩ chuyện rải tiền là đơn giản, đây cũng là một phen công phu chứ chẳng chơi, lề luật trong đó không hề ít, người không quen ắt hẳn không thể nào làm nổi.
Án theo lệ cũ, trước khi chuyển linh cữu, quan tài ra khỏi nhà thì phải tung giấy tiền vàng bạc âm phủ một lần, chính là để xua đuổi đám ma cỏ ở bên ngoài, đại loại như các thứ cô hồn dã quỷ, cho ít tiền để đuổi chúng đi thật xa, không bám theo đoàn người. Trên đường đi đưa tang, cứ ngã tư đường, qua sông, rẽ ngoặt, qua cầu, thì nhất nhất đều phải tung tiền âm phủ, đây là phí lót đường, để cho các thứ ma quỷ không quấn lấy mà lạc lối. Người tung giấy tiền vàng bạc nắm lấy một mớ rồi tung lên, trước tiên là phải tung lên thật cao, vung tay là phải hiện ra một đường vòng cung tuyệt đẹp, tung lên nhiều mà không tỏa, đến khi rớt xuống thì mới xòe ra lả tả hệt như “thiên nữ tán hoa”, tán nhưng không loạn. Hơn nữa, đám người vây quanh xem náo nhiệt đều phải lớn tiếng khen hay, như thế mới gọi là thành công.
Quách sư phụ và Đinh Mão thường xuyên lo việc tang lễ, những việc trong đám tang hôm ấy vào tay bọn họ đều xuôi chèo mát mái cả, lại còn giúp thêm luôn chuyện rải tiền. Trước sau là ba ngày bận rộn, nào là dán giấy phết hồ làm vàng mã, nào là chạy chân “tín mã”, tung giấy tiền vàng bạc, tổng cộng được ba phần tiền công, hơn nữa còn được khoản đãi thêm, đây cũng chính là chỗ tốt khi lo việc tang lễ cho người giàu, suốt cả năm e rằng cũng chỉ được dăm ba bận như vậy mà thôi. Theo chân đám đưa tang đến nghĩa địa, hạ quan xong lại trở về thành, xế chiều hôm đó còn kết thúc bằng đại tiệc. Phong tục này đến bây giờ cho vẫn còn tồn tại, bất kể là ma chay hay hôn lễ, xong xuôi đều phải mở tiệc rượu. Ngày cuối cùng luôn cực kỳ thịnh soạn, theo như tập tục truyền thống thì phải có đủ tám bát.
Đến xế chiều chủ nhà liền mở tiệc, quả đúng là tiệc tám bát thịnh soạn nhất, tám bát lớn đựng tám món ăn, dĩ nhiên tùy theo đẳng cấp giàu nghèo mà có sự khác biệt, nhưng nhất định đều phải có tám món còn nóng hổi. Mà tám món ăn do nhà này bày ra cũng coi như là hàng đầu ở thành Thiên Tân rồi, bốn xào bốn hấp, gà vịt thịt cá, hải sâm sò khô tôm hùm, từng bát từng bát bày ra tràn cung mây, bàn tiệc san sát, tha hồ mà ăn.
Những nhạc công, phu khuân hòm, sư tăng, đạo sĩ cùng với quản gia tôi tớ trong nhà lo việc tang sự, tất cả ngồi trong rạp lớn trước cửa mà ăn uống no say. Quách sư phụ và Đinh Mão ngày thường chỉ là quan chức nhỏ ở đội tuần sông, có miếng ăn thì cũng chẳng phải thứ gì hảo hạng, ngày qua ngày cũng chỉ quanh đi quẩn lại ở mấy cái bánh ngô và rau cải trắng mà thôi. Nhưng người ở thành Thiên Tân thì vô cùng sành ăn, ở thành Thiên Tân còn có câu: “Đi cắm đồ để ăn hải sản, cũng không tính là quá tay”. Cái gọi là hải sản, ở thành Thiên Tân chính là để chỉ ba loại: Cua biển, tôm he, cá hoàng hoa. Trước nay quanh năm suốt tháng cũng chỉ có từ dạo tiết Thanh Minh cho đến kỳ Lập Hạ thì ngoài chợ mới có hải sản, mỗi năm chỉ một dịp ấy là mới có để mà ăn, nếu bỏ lỡ thì phải đợi tới năm sau mới có lại rồi, vậy nên dù có nghèo tới đâu, đến dịp đồ biển rộ hàng, dù có phải cởi hết quần áo trên người mang ra tiệm cầm đồ thì cũng phải mua bằng được hai cân hải sản về ăn cho đỡ thèm, người như vậy mới tính là đang sống ở thành Thiên Tân.
Hai người bọn họ thi thoảng giúp người ta lo chuyện tang lễ, cũng nắm lấy cơ hội này mà ăn chùa uống chực, tuy lâu lâu được bữa đỡ miệng nhưng dẫu sao cũng vẫn cảm thấy nhạt mồm. Mà Đinh Mão đúng thật là tuổi nhỏ không có triển vọng, vừa thấy miếng ăn ngon liền không nhịn được mà uống nhiều hơn mấy ly, mắt hoa tai nóng rồi thì miệng mồm cũng không tài nào khép lại được, cũng không quản có quen biết hay là không, cứ rớ phải người là bắt đầu mở mồm như bắn súng liên thanh, đầu lưỡi cứ như thụt mất một khúc, cậu chàng quay sang nói với vị hòa thượng mập ngồi ngay bên cạnh: “Hai ta đúng là người một nhà, không ngoài lý do nào khác, mà là vì quan hệ của chúng ta vô cùng đặc biệt, cháu của vợ tôi chính là em họ của thầy, mà em họ của thầy phải gọi vợ tôi bằng bác!”
Hòa thượng béo cũng uống không ít, lại bị Đinh Mão quay mòng mòng, nhìn không ra cái tên tung tiền âm phủ này là ai, ngạc nhiên hỏi lại: “A di đà Phật, xét cho cùng thì thí chủ có quan hệ thế nào với bần tăng?
Đinh Mão cười nói: “Tôi chính là cha của thầy chứ là ai nữa.”
Hòa thượng béo cả giận: “Ông già thất đức chết tiệt nhà ta đã xanh cỏ từ lâu rồi, thằng nhóc mày là cái thá gì?”
Quách sư phụ đã uống khá nhiều, nhưng cũng may là đầu óc vẫn còn hơi tỉnh táo, nghe Đinh Mão ở đó nói sảng trên đầu người xuất gia thì vội vàng khuyên can, tránh gây ra chuyện xấu hổ mất mặt.
Hòa thượng béo này vốn tên là Lý Đại Lăng, còn có một cái pháp hiệu dễ gọi là Viên Thông, thời nay mà nhắc đến cái tên hiệu như vậy, người biết thì còn hiểu đó là pháp hiệu, kẻ không biết thì cứ ngỡ là đang nói đến “chuyển phát nhanh”*, mà gã ta cũng không phải là đèn cạn dầu, không thuộc dạng hòa thượng “rượu thịt” lai lịch không rõ trà trộn vào trong miếu. Thành Thiên Tân mang dáng vẻ phồn vinh, cũng nuôi không ít kẻ rảnh rỗi hành nghề bất chính, đều là loại ham ăn biếng làm, lúc bấy giờ nhà cửa không có, một mảnh đất cắm dùi cũng không, gia sản hết thảy chỉ có độc bộ quần áo trên người. Dạng người như vậy dù nghèo đến cỡ nào thì nghèo, bộ đồ vía đó chí ít cũng phải ra hình ra dáng tinh tươm, mặc vào ra ngoài đi dạo thì gọi là quần áo đi chơi, từ trên xuống dưới, toàn bộ đều nhờ vào thứ quần là áo lượt mà lừa thiên hạ, nhà cháy cũng không cần lo, chỉ khi nào bị nước bẩn bắn vào làm dơ quần áo trên người thì mới đau như đứt từng khúc ruột. Tỷ như Lý Đại Lăng này, có được một bộ áo cà sa, cạo một cái đầu trọc bóng lưỡng, chấm trên đó thêm mấy vết nhang, gặp phải việc ma chay đưa đám thì giả danh hòa thượng đi tụng kinh cho người ta, kiếm được mấy đồng cũng thuận tiện ăn chùa uống đậu.
Lý Đại Lăng uống đến đỏ mặt tía tai, còn đang định phân cao thấp với Đinh Mão thì lại thấy người bên cạnh khuyên can nhìn có vẻ quen mắt, liền nói: “Ối chà, đây không phải Hà thần Quách Nhị gia đó sao?” Rồi vội vàng đứng dậy, ôm quyền hành lễ.
Quách sư phụ thầm nghĩ tên này rốt cuộc là hòa thượng kiểu gì? Mặc áo sư mà phàm ăn, lại còn ôm quyền thi lễ, hẳn chính là dạng trà trộn vào trong cái tang lễ này rồi, tức thì chào lại, cũng thuận miệng hàn huyên thêm mấy câu với hòa thượng béo Lý Đại Lăng.
Mọi người xung quanh vừa nghe ra là Quách sư phụ ở đội tuần sông, liền rối rít xúm lại mời rượu, đây gọi là “người có tên, cây có bóng”.
N.g.u.ồ.n. .t.ừ. .s.i.t.e. .T.r.u.y.e.n.G.i.C.u.n.g.C.o...c.o.m. Mấy ngày trước ở ngã ba sông mò lên được một thi thể phụ nữ, trên người mọc đầy rong rêu xanh thẫm, bị trói chặt vào một khối sắt, dìm dưới đáy sông không biết đã bao nhiêu năm, chuyện này lan truyền xôn xao khắp thành, cả đàn bà con nít cũng biết, người có mặt ở đây không ai là không nói Quách sư phụ thật có bản lĩnh, không hổ là “Hà thần” phù hộ cho bản xứ bình an.
Quách sư phụ thường ngày giao tiếp tốt, lời nói ra dí dỏm hài hước, liền cuốn đến một đám người vây quanh nghe ông kể chuyện. Tuy nhiên ông cũng sợ nhất là hai chữ “Hà thần” mà người khác đặt ình, nghe xong thì liên tục khoát tay, không dám nhận danh xưng như vậy. Nhìn lại sắc trời không còn sớm, ăn uống cũng no nê, nên được khao thì cũng đã khao rồi, liền xã giao mấy câu với người cùng bàn, xong kéo Đinh Mão đứng dậy cáo từ. Từ Lâu gia trang đi về phía thành Tây, nơi cả hai đang ở không gần, hai người chuếnh choáng hơi men lần mò trên đường đêm, tối lửa tắt đèn thế nào mà lại đi nhầm hướng, không hề hay biết mà bước lạc vào trong một khu nhà rộng lớn. Chỗ này là khu nhà họ Ngụy, hay còn gọi là phần mộ của nhà họ Ngụy, là nơi quái gở nhất ở thành Nam.
Từ khi nhà Thanh sụp đổ tới nay, nội thành được mở rộng trên quy mô lớn, hai bên đường lộ phần lớn đều được trồng trụ giăng đèn điện, khu ổ chuột cho dù không được thắp sáng hiện đại như vậy, nhưng vẫn có thể nhìn thấy đường. Từng cụm, từng khu nhà bị đường sá và ngõ hẻm chia ngang xẻ dọc, cắt ra thành mảng nhỏ. Ngoại trừ số ít những căn nhà cổ trong thành nằm ở hướng Bắc mà quay mặt về Nam, nhà dân và đường xá thành Thiên Tân chả còn chỗ nào phân biệt Đông Tây Nam Bắc rạch ròi như thế cả, đường cái và ngõ hẻm nằm xiên vẹo, người không biết đường mà đi vào liền cứ như thể lạc vào giữa mê cung.
Người khác xứ tới Bắc Kinh hỏi đường, muốn đi đến đâu, đi như thế nào, người Bắc Kinh chỉ đường cũng rất dễ, từ Bắc xuống Nam, người hỏi đường chỉ nghe qua là nhớ, điều này cũng liên quan tới bố cục của thành Bắc Kinh. Thành có bốn mặt tường bao, chín cổng lớn, kiến trúc bên trong đều là từ hướng Bắc quay mặt về Nam, ngoại lệ không nhiều. Nhưng thành Thiên Tân thì khác, anh muốn hỏi đường sao, đừng mơ người Thiên Tân người ta chỉ cho anh rạch ròi Đông Tây Nam Bắc, chả có mấy người phân biệt cho rõ ràng được đâu. Đường nào thì cũng phải ra ngoài thành, đường về Nam ra Bắc cũng phải đi ra ngoài thành, đường sá chạy dọc một đường thẳng tắp, ví dụ như nói đến một cung đường nào đó, tùy theo địa danh mà xem xét, đều nhất định phải có một tuyến thẳng từ Nam chí Bắc. Nhưng phương hướng ở thành Thiên Tân thì lại loạn tùng phèo, đường sá trong thành rối rắm còn hơn xa mạng nhện, tất cả đều là do sông ngòi chằng chịt cùng với các nước phân chia tô giới. Những năm Dân quốc, thành Nam còn chưa có nhiều nhà cao tầng, đèn đường cũng hiếm, cũng may là còn không có ngõ cụt, bất kể anh có muốn đi tới đâu, chỉ cần không lạc mất phương hướng thì sẽ không bị lạc đường.
Quách sư phụ và Đinh Mão bữa nay uống rượu, uống từ xế chiều cho đến tận tối đen mới về nhà, chân nặng như đeo chì, bước ba bước loạn cứ như một, nửa đường đành phải dừng lại chờ tỉnh rượu. Đợi đến khi tỉnh rượu rồi mới phát hiện ra mình đang ngồi ở ven đường lớn, đường sá tối om om, ngoại trừ hai người ra thì chẳng còn ai khác, chung quanh nhà cửa vô số, phòng ốc cao thấp đan xen, bên đường cũng có một cây cột điện, cơ mà đèn đóm đều tắt ngúm. Thoạt nhìn thì vẫn còn ở trong thành, nhưng bốn bề lại tĩnh lặng như tờ, nhà cửa trống không, loáng thoáng có thể ngửi thấy mùi hôi thối của xác chết bốc ra từ đâu đó.
Một khu nhà lớn như vậy mà toàn bộ đều bị ngắt điện, trong nhà ngoài đường tối thui, chỉ có mỗi ánh trăng mông lung từ trên trời chiếu xuống. Dưới ánh trăng mờ mịt, phòng ốc, cây cối và cột điện hiện lên từng đường nét đen ngòm, thậm chí cả tiếng côn trùng râm ran cũng không có, chỉ ngửi được một mùi hôi thối không biết từ nơi nào đưa lại, nghe cứ như là mùi xác thối. Thế nhưng nơi này là ở trong thành, lại còn đang giữa quãng nóng nhất của mùa hè, người dân chung quanh đây lý nào lại để người chết trong nhà đến mức thối um lên như vậy được?
Hai người khó khăn lắm mới có thể tỉnh táo lại, cẩn thận quan sát cung đường cùng với phòng óc xung quanh, đều cảm thấy vô cùng quen thuộc, vừa nhìn thấy cột mốc ven đường liền nhớ ra, chỗ này chính là khu nhà họ Ngụy. Dân gian có câu: “Ma đưa lối quỷ dẫn đường”, hai anh em trong lòng thầm nghĩ chẳng biết là do ma quỷ nào dẫn dắt, kết quả lại chạy tới cái khu nhà họ Ngụy này đây.
Khu nhà họ Ngụy ngày nay là một khu dân cư rộng lớn ở ngoài cửa Nam, ở giữa ngoại thành và nội thành, trước đó khoảng hai, ba mươi năm, nơi đây còn được gọi là Ngụy gia lâu hoặc phần mộ nhà họ Ngụy, vốn là một cái nghĩa trang lớn. Những năm đó nghĩa trang rất nhiều, cũng không có gì là lạ, người chết trong thành thì đem ra ngoài thành hạ táng, người chết trong thôn thì đưa ra ngoài thôn chôn cất, bởi vậy ông bà mới có câu: “Chỗ nào có đất chẳng chôn người”, quanh chỗ người sống ở lúc nào mà chẳng có người chết. Mới đầu thì chôn một vòng quanh thành, nghĩa địa mai táng người chết Đông một cái, Tây một cái, chỗ nào cũng có, rồi vào những năm thời nhà Thanh, việc vận chuyển muối bằng đường thủy vô cùng phát đạt, diện tích thành Thiên Tân cũng không ngừng cơi nới thêm, mọc lên vô số nhà cửa, mà những chỗ ấy trước kia hầu hết toàn là nghĩa địa.
Nói đến khu nhà họ Ngụy là nói đến Ngụy gia lâu, hồi trước là phần mộ của nhà họ Ngụy, sau khi biến thành khu dân cư, mọi người đều kiêng không dám nhắc đến hai chữ “phần mộ” nữa. Lại nói ở đâu thì ở, ở ngay phần mộ nhà họ Ngụy thì làm gì mà không có ma cho được? Vậy nên đổi tên thành “Ngụy gia lâu”, trên thực tế thì chẳng có cái “lâu” cái lầu nào cả, cực chẳng đã mới phải đổi lại thành khu nhà họ Ngụy. Mà những người có tuổi một chút ở dạo ấy, mỗi lần nghe nhắc đến phần mộ nhà họ Ngụy, thứ nghĩ đến trước tiên thường là “Ma treo cổ”.
Lại nói tới chuyện ma treo cổ ở phần mộ nhà họ Ngụy, chuyện này cũng không phải là quá đỗi xa xưa, vào những năm cuối thời nhà Thanh, thành Thiên Tân có một gia đình họ Ngụy, người nhà ấy sống bằng nghề bán bánh hấp, gia cảnh tầm tầm bậc trung, trong nhà có ba anh em, người anh lớn mệnh yểu, đã mất đi từ bé, chỉ còn lại người anh hai và em út chia đều gia sản trong nhà. Người anh hai kế thừa tổ nghiệp, thường vẫn gánh hàng rao bánh hấp dọc đường. Bánh hấp chính là bánh bao hấp, các loại làm từ bột mì, bột gạo, thuở ấy cũng được gọi là bánh hấp. Còn người em út tâm cao chí lớn, không muốn tiếp tục theo nghiệp bán bánh hấp của nhà nên mới đến tiệm vàng học việc, cùng làm đồ trang sức với chủ tiệm. Thợ mộc thợ xây học nghề ba năm là xong, nhưng làm đồ trang sức thì ít nhất cũng phải học mất sáu năm, sau đó còn phải làm không công ba năm cho chủ tiệm, vào thời ấy học việc không phải đóng học phí, khi nào học thành nghề thì ở lại làm công ba năm, xem như là báo đáp ơn thầy.
Người em út học nghề mười năm, khi học xong thì các cách làm ăn buôn bán cũng đầy một bụng, dựa vào tay nghề mình học được mà tự thân mở một cửa hiệu bán đồ trang sức nho nhỏ, cũng nhờ hàng thật giá thật, thành tín đáng tin cậy, kỹ thuật vốn đã tốt lại còn ngày một tốt hơn, dần dà chuyện làm ăn mua bán càng lớn, tiền kiếm được cũng càng nhiều, mấy năm sau liền mở rộng thành tiệm vàng chuyên về đồ trang sức.
Người anh hai làm ăn buôn bán cũng không tệ, cưới được một cô vợ vô cùng hiền lành, hai vợ chồng tự ăn nên làm ra, đi sớm về khuya cực khổ dành dụm được một ít vốn liếng, trước tiên thuê một căn nhà trên đường gần cổng thành, sau đó mở tiệm buôn bán. Ngoại trừ bánh bao hấp gia truyền ra thì còn có các loại mì phở điểm tâm, mặt tiền cửa hàng cũng tăng lên sau trước ba gian, việc làm ăn đúng là bận bịu muốn chết, vì thế mới thuê một người giúp việc, để tay giúp việc này làm tiểu nhị lo chuyện bán hàng ở trước, còn anh hai thì làm bếp ở phía sau. Cửa hàng liền kề với tiệm vàng, trang sức của người em nên cũng dễ bề chiếu cố cho nhau, theo thời gian, cuộc sống cũng ngày một trở nên tốt đẹp.
Ai mà ngờ ngày vui ngắn chẳng tày gang, đến năm Canh tý, quân đội tám nước liên hợp phá tan cửa ngõ Đại Cô* tiến thẳng vào thành Bắc Kinh, thành Thiên Tân đứng mũi chịu sào gặp nạn, loạn binh cướp bóc khắp nơi trên đường, các cửa hàng lớn đều bị cướp sạch. Tiệm vàng, trang sức của người em cũng bị loạn binh vơ vét không còn một mảnh, phía trước cửa hàng cũng bị đốt thành một đống tan hoang, sập tiệm kể từ đó, không tài nào gầy dựng lại được. Hai vợ chồng người em nhất thời quẫn trí, cùng nhau thắt cổ trong phòng, nói trắng ra là hai vợ chồng nhà này không có một cái chết yên lành, chính là ma treo cổ.
Lúc ấy tiệm điểm tâm của người anh hai cũng bị loạn binh cướp bóc, nhưng cũng còn may là chỉ có các thứ thực phẩm điểm tâm nên hao tổn không lớn, vay mượn chắp vá lung tung khắp nơi, cuối cùng cũng gom lại được một số vốn để mà tu sửa lại gian ngoài cửa tiệm, vẫn còn có thể tiếp tục làm ăn. Đến sau này ăn nên làm ra, có tiền mua nhà mua đất, có thân phận nên cũng không thể nào gọi là anh hai được nữa rồi, mà phải xưng là Nhị gia. Ngụy Nhị gia sau khi giàu có vẫn thường xuyên nhớ đến hai vợ chồng đứa em đã thắt cổ tự vẫn, chết quá oan khuất của mình.
Thân là anh em huynh đệ trong nhà, cũng chả khác chi là thịt gân bó vào xương, vẫn có câu “huynh đệ như tay chân, thê tử như y phục”, quần áo mất rồi thì còn có thể mua lại, nhưng tay chân đứt lìa rồi dẫu có muốn cũng mọc chẳng ra. Người sống cả đời, ở bên cạnh không thể không có người thân, cha mẹ chỉ có thể đi cùng anh hết nửa đời trước, vợ con nhiều lắm cũng chỉ theo hết nửa đời sau, chỉ có anh em ruột thịt mới cùng nhau đi đến suốt cuộc đời, vì thế mới gọi là tình như thủ túc.
Ngụy Nhị gia tưởng nhớ huynh đệ của mình, kìm không được mà rơi lệ, trước sau nhiều lần mời cao tăng đến niệm kinh siêu độ vong hồn, còn ra ngoài thành mua một miếng đất có phong thủy tốt về làm nghĩa địa, đem quan quách hai vợ chồng người em cùng với tổ tiên trưởng bối nhà họ Ngụy dời hết cả vào trong mảnh đất này, an táng lại lần nữa.
Nghĩa trang là nền móng của cả dòng tộc, trước phải có gốc rễ thâm sâu thì mới mong con cháu ngày sau hưởng đầy phúc lộc, Ngụy Nhị gia mua miếng đất nghĩa địa này tất nhiên là hy vọng cửa nhà bình an, làm ăn thịnh vượng. Năm đó, nghĩa trang của các gia đình giàu có đều mang tính chất thuộc về sở hữu tư nhân, cho nên miếng đất này mới gọi là phần mộ nhà họ Ngụy, trước mộ phần có nhà thờ tổ, gọi là Từ đường Ngụy gia. Trong khu mộ tùng bách chen nhau, cổ thụ cao ngất, sương khói lượn lờ quanh năm suốt tháng, thi thoảng lại mơ hồ truyền ra thanh âm như rắn động cáo kêu. Khu đất từ Đông sang Tây rộng gần hai dặm, từ Bắc xuống nam dài khoảng ba dặm, là một khu đất lớn, cây cối vô cùng rậm rạp. Vùng rìa Tây Nam có địa thế rất thấp, nối liền một mảnh với vùng trũng phía Nam, giống như một cái đầm lầy mênh mông rộng lớn nhìn không thấy điểm cuối, mà trước đó Ngụy Nhị gia có tìm đến Trương Bán Tiên, là một thầy phong thủy chuyên xem các loại âm trạch dương trạch, Trương Bán Tiên nhìn trúng miếng đất nghĩa địa này, cho rằng phong thủy vô cùng tốt, nào biết sự cổ quái nơi đây còn nhiều hơn.
Phạm vi mấy dặm nơi phần mộ nhà họ Ngụy mọc đầy cổ thụ, tùng xanh bách rủ, trong rừng có không ít hồ ly ẩn náu, sói vàng, nhím gai, chồn hoang chó dại chen chúc, ma quái ẩn hiện, thế mà theo như lời của tên giả thần giả quỷ chuyên lường gạt như Trương Bán Tiên thì tất cả đều là do sự dồi dào linh khí của mảnh đất này mà thành, nếu quả như phong thủy nơi này không tốt thì làm gì có những thứ ấy được? Kết quả là chuyện làm ăn của Ngụy Nhị gia truyền tới đời con thì lại chọc trúng một viên quan lớn, phải bồi thường đến tán gia bại sản, sau lại gặp một hồi dịch bệnh tai ương, cuối cùng nhà tan cửa nát mà tuyệt hậu, phần mộ nhà họ Ngụy kể từ đó liền bị bỏ hoang, biến thành phần mộ vô chủ. Sau đến thời Dân quốc, theo sự mở rộng diện tích của nội thành mà phần mộ nhà họ Ngụy cũng mọc lên vô số mái nhà, địa danh cũng đổi thành Ngụy gia lâu, qua thêm ít năm đổi lại thành khu nhà họ Ngụy, tùng bách rêu phong ngày trước cùng với mộ phần mộ bia cũng không còn, chẳng qua mọi người vẫn quen gọi chỗ này là phần mộ nhà họ Ngụy.
Quách sư phụ và Đinh Mão nhận ra chốn đây chính là khu nhà họ Ngụy, cũng nghe kể hồi đó có chôn ma treo cổ, lại không thể nói rõ là quen thuộc biết bao nhiêu, vì trước kia chỉ mới ghé qua được có mấy lần. Lại đoán chỉ có thể là do uống say nên lỡ bước, không hề hay biết mà sa chân vào chỗ này, nơi đây phần lớn chỉ là chúng bình dân, đường sá ngõ hẹp thì giăng giăng như mạng nhện, trận lũ đầu năm ngoái cũng vùi lấp mất một khoảng lớn nhà cửa chỗ này rồi, bấy giờ trừ vài căn làm chốn nương thân ấy tên ăn mày cùng những người đi nhặt rác, số còn lại đều là phòng ốc ẩm dột nghiêm trọng, mặc dù cũng coi như là ở trong thành, nhưng toàn bộ đều bị ngắt điện cắt nước, mãi chưa đập bỏ.
Quách sư phụ không dám để cho người ta gọi ông ta là Hà thần, không gọi thì còn tốt, vừa mới gọi là Hà thần một phát liền xui xẻo, lúc đầu thầy cả nói quả không sai, ông ta không thể nào không tin vào chuyện này được. Người phải cõng theo tên mà sống, đến uống nước cũng bị dắt răng. Khu nhà họ Ngụy và nhà của hai người bọn họ nằm ở hai hướng trái ngược, đêm hôm khuya khoắt làm thế quái nào đi lạc qua cái chỗ này được?
Quách sư phụ chỉ muốn về nhà thật nhanh, liền cùng Đinh Mão nhắm chuẩn hướng rồi theo đường cái mà đi tới, vẫn cứ cho rằng qua khỏi đoạn đường thuộc khu nhà họ Ngụy là tốt rồi, nào ngờ đường ngang lối tắt ở cái xó này cứ như là quấn cả vào nhau, đông cụt một đường, tây cùng một hẻm, đi tới đi lui rốt cuộc lại vòng một vòng thật lớn rồi quay về chỗ cũ, hai anh em giờ chẳng khác chi quỷ Tây dương xem kinh kịch - đầu váng mắt hoa.
Đinh Mão nói: “Anh, khu nhà họ Ngụy đúng là ma quái, hai ta đi lâu như vậy, đáng lý là phải ra tới ngoài đường lộ rồi mới đúng, thế mà chẳng hiểu sao còn chưa thoát khỏi chỗ này, không lẽ bị oan hồn quấn lấy chân rồi sao?”
Quách sư phụ nói: “Thằng em, đêm hôm khuya khoắt, chớ có nên nói bậy. Đừng nhìn mấy cái nhà này trơ tuênh huếch ra như vậy, trước kia không phải là vẫn có người ở đó sao, đào đâu ra ma?”
Đinh Mão nói: “Sao lại nói bậy, phần mộ nhà họ Ngụy chôn hai con ma treo cổ, chuyện này có phải do em tự bịa ra đâu, trong thành ngoài thành chả ai là không biết.”
Quách sư phụ lại bảo: “Phần mộ nhà họ Ngụy chôn hai con ma treo cổ từ thời còn là nước Đại Thanh kia kìa, bây giờ là cái thời nào rồi? Nếu cứ chỗ nào có mả thì phải có ma, vậy chắc cũng chẳng còn đất nào cho người sống ở. Huống hồ chi người sợ ma ba phần thì ma quỷ cũng phải khiếp lại người bảy phần, hai anh em ta lại là người đàng hoàng, cả đời này cũng chưa từng làm chuyện đâm sau lưng kẻ khác bao giờ, đừng nói là phần mộ nhà họ Ngụy có ma, dù có ma thì nó cũng phải trốn chẳng dám ra gặp hai đứa mình!”
Đinh Mão kiếm cơm ở đội mò xác nên cũng chẳng sợ những thứ không sạch sẽ bao giờ, hắn nói: “Đại ca, em nói mà anh lại không tin, nếu như khu nhà Ngụy gia không có ma, vậy mấy cái thứ trên nóc nhà kia là cái gì?”
Trời hè nóng nực, ban đêm lại càng oi bức, dù có nằm im bất động thì toàn thân cũng phải đổ mồ hôi, mà Quách sư phụ khi nghe xong câu ấy thì cảm thấy sau lưng lạnh toát, lại càng khó hiểu trong lòng, quay sang hỏi: “Thằng em, hơn nửa đêm mà còn nói mấy cái này, mày không thấy sợ hay sao? Trên nóc nhà là mái ngói chứ còn có thể là cái gì được nữa?”
Đinh Mão nói: “Không tin thì anh cứ tự ngẩng đầu lên mà nhìn một cái!”
Quách sư phụ nghe Đinh Mão nói trên nóc nhà có thứ gì đó, ông ta liền ngẩng đầu lên xem. Trên nóc nhà chẳng có ma quỷ gì cả, nhưng dưới ánh trăng soi, có thể loáng thoáng nhìn thấy được mấy tấm kính treo trên mái, mà những căn hộ kế bên cũng có, cũng không phải chỉ một hai nhà không thôi, hễ mười hộ ở đây thì đến tám, chín là treo gương trên nóc. Sau khi các hộ gia đình rời đi hết, những tấm kính này cũng không được tháo xuống mà vẫn cứ treo hoài trên mái nhà như vậy, người dân nơi đây có lý nào lại ăn no rỗi việc đến nỗi không dưng lại vô duyên vô cớ bày ra một loạt kính trận trên nhà mình?
Đinh Mão nói: “Ông anh nhìn thấy chưa? Làm gì có ai lại treo kính lên nóc nhà mình ở như vậy? Ngụy gia lâu hồi trước là mảnh đất chôn người chết, mồ mả hỗn loạn, không có ma mới là chuyện lạ đó. Sớm biết vậy hồi sáng lúc đi đưa tang xong giữ lại chút vàng mã còn thừa trên người thì tốt rồi, nghe nói một khi có người nào đó bị ma quấn chân, chỉ cần ném ra hai nắm giấy tiền vàng bạc để đuổi chúng đi là có thể bình an vô sự.”
Quách sư phụ từng chứng kiến hai nhà nọ ở trong thành xảy ra tranh chấp, suýt chút nữa thì gây ra cả án mạng, mà nguyên nhân dẫn đến việc đó là do có một nhà treo kính trên nóc, nói là do cửa nẻo nhà đối diện xây không tốt, hiên nhà cùng với mái nghiêng thẳng về phía cửa chính nhà họ, hủy luôn cả phong thủy của ngôi nhà, thế nên phải treo kính trên mái để chặn cho tà khí của nhà bên kia quay ngược trở lại, mà cũng chính vì thế nên hai nhà mới gây gổ đánh nhau không ít. Nhưng khu nhà họ Ngụy là một khu dân cư đông đúc, không ngờ nhà nào nhà nấy lại treo kính trên nóc mới quái gở, loại chuyện kỳ quái này đúng là chưa từng thấy qua, thậm chí cũng chưa nghe bao giờ.
Ông ta lại phát hiện những tấm kính này đều được dùng dây thép cột chặt vào mái, nhiều năm không lau rửa nên trên mặt vương đầy tro bụi, kính cũng không phải bằng đồng mà là loại hết sức bình thường, có lành có vỡ. Dựa theo tình trạng này mà nói, cho dù không dùng để trấn ma trừ tà thì cũng là một loại bố cục phong thủy nào đó.
Quách sư phụ quay sang nói với Đinh Mão: “Kính trận chẳng qua cũng để trừ tà hoặc là trợ thế cho phong thủy, bố trí như vậy không nhất định là do đề phòng ma quỷ. Huống chi sau trận lũ năm ngoái thì khu nhà Ngụy gia mới không còn ai ở, trước nay cũng chưa từng nghe chỗ này có chuyện gì bất thường, tao thấy anh em mình tốt nhất đừng nên nghi thần nghi quỷ, đoán mò gì nữa, nếu không thì sau này làm sao còn kiếm cơm ở đội mò xác được cơ chứ?”
Đinh Mão cho rằng Quách sư phụ nói như vậy cũng có lý, kính trận trên mái nhà khu họ Ngụy có lẽ cũng chỉ là một loại phong thủy nào đó mà thôi. Nhưng tình huống lúc này còn có chỗ quái dị, không rõ ràng. Lúc vừa mới đặt chân vào Ngụy gia lâu này đã nghe thấy có mùi xác thối, lý nào là do trộm cướp giết người đoạt mạng, vứt xác trong cái khu không người ở này, lại thêm khí trời oi bức nên đã rữa nát bốc mùi rồi chăng? Người đi qua nơi đây lúc nửa đêm rồi bị lạc đường, không thể nào đi ra ngoài được, nhất định là do oan hồn cản trở.
Quách sư phụ suy nghĩ một chốc, nói: “Mắt thấy mới tin là thật, trước tiên cứ đi qua nhìn xem rồi hãy nói.”
Hai người đúng là gan to mật lớn, lần theo mùi hôi thối mà dò tìm, đã lại thấy bên đường có thứ gì đó trăng trắng một khối ngã dựa dưới chân tường, càng tiến lại gần càng cảm thấy không thể nào ngửi nổi, đến gần hơn nữa mới phát hiện thứ này lại còn có thể nhúc nhích được.
Trong khu dân cư này không có đèn đường, hai người nhìn không ra thứ ở ven đường là cái gì cả, chỉ ngửi được độc một mùi xác thối, ở xa nhìn lại thì đúng là một cục trắng nhởn, đến gần lại phát hiện dường như hãy còn cử động. Muốn tiến lại gần hơn thì không thể không đưa tay bịt mũi, mùi hôi thối bốc lên quá nồng, bước tới thêm hai bước, chỉ cần đưa tay ra là có thể chạm được, cúi xuống nhìn cho rõ thì mới thấy đây chính là một cái xác đã rữa nát và nhung nhúc dòi.
Cả hai vừa nhìn liền cảm thấy thật là buồn nôn, vì trời nóng cho nên dòi bọ đã bò lúc nhúc đầy tấm thân của cái xác này rồi. Hai người đều không nhịn được mà muốn ói, nhưng lại vội vàng lấy tay bịt miệng, bởi vì không nỡ buông tha cho bữa tiệc tám bát, bốn xào bốn hấp, quanh năm suốt tháng cũng không ăn được đôi ba lần, phun ra thì thật là quá đáng tiếc, liền gồng mình mà nuốt ngược trở lại.
Mùi thối ngửi thấy trước đó là bốc ra từ cái xác rữa nát ở ven đường này. Chẳng qua đây không phải xác người chết mà là thi thể của một loài động vật nào đó, nhìn đường nét lớn nhỏ ở bên ngoài thì có thể chính là chó hoang, ước chừng đã thối rữa cũng phải được mấy ngày, ngoài ra thì cũng chẳng có gì đáng để ý, nhưng ở cách đó không xa lại còn có cả hai con mèo đã chết.
Người chết ở ven đường được gọi là “đảo ngọa”*, cũng chính là chết đường chết chợ, nếu như ở trong thành, bất kể là có người nhận hay không, tóm lại đều có người giàu lòng tốt bụng giúp đỡ đưa xác đi chôn, nếu như không ai thèm động tới thì cũng có nhà nước phái người đến lo liệu, kể cả các loại động vật, chó mèo… chết ở ven đường cũng có người thu dọn. Nhưng phần mộ nhà họ Ngụy này chỉ là một khu phòng đổ nhà nát, chẳng biết khi nào thì đập bỏ, không ai sống, chó mèo phơi xác ngoài đường cũng chẳng có ma nào thèm đoái hoài tới, thế nên thối rữa bốc mùi như vậy cũng không có gì là lạ.
Quách sư phụ và Đinh Mão thấy qua là hiểu rõ ràng chuyện gì đang xảy ra rồi, cũng không thèm để ý tới nữa. Lúc này tầng mây trên trời tản đi hết, ánh trăng sáng ngời soi tỏ phòng ốc cùng ngõ hẻm, vừa nhìn là thấy chỉ cần đi thẳng về phía trước, rẽ thêm lần nữa là có thể ra khỏi khu nhà họ Ngụy. Thật không hiểu làm sao khi nãy vòng vèo lâu như vậy mà vẫn không ra khỏi chỗ này được?
Hai người nghĩ đại khái có lẽ là do uống quá chén, hơi rượu còn chưa tan nên đầu óc vẫn cứ mơ mơ hồ hồ, lại thêm mây mù che khuất cả vầng trăng, ven đường thì không có đèn, khó tránh khỏi bị lạc, lúc này tốt nhất là nên thừa dịp trăng sáng mà chạy cho lẹ. Hai anh em vừa nghĩ vậy liền rảo bước đi ngay. Nhưng càng đi, Quách sư phụ càng có cảm giác giống như có thứ gì bám riết theo sau, một mạch cùng đi với cả hai về phía trước, quay đầu nhìn lại thì chả thấy cái quái gì cả, thầm nghĩ: “Hôm nay mình làm sao thế nhỉ, cứ nghi thần nghi quỷ mãi là thế nào?”
Đầu óc Quách sư phụ quay mòng mòng, bất tri bất giác đã chạy tới giao lộ, đi tới đây xem như là đã ra khỏi khu nhà họ Ngụy, nhưng vẫn cứ cảm giác như có thứ gì bám mãi phía sau, lạnh hết cả gáy. Bấy giờ cúi nhìn ánh trăng hắt xuống mặt đất, lại thấy ngoại trừ hai cái bóng của ông ta và Đinh Mão ra, phía sau còn có một bóng đen rất nhỏ, Đinh Mão cũng nhìn thấy được, hai người lấy làm kinh hãi, vội quay đầu ngoảnh lại phía sau, chỉ thấy một thứ nhỏ hơn chó to hơn mèo, đuôi dài lông xù “vèo” một tiếng, thình lình từ sau lưng Quách sư phụ nhảy vọt lên, men theo chân tường mà bỏ chạy nhanh như chớp, thoáng cái đã mất dạng.
Hai người ngây ra tại chỗ, cứ vậy mà trợn mắt há mồm, căn bản không rõ đến tột cùng là chuyện gì xảy ra. Sau bọn họ lại tìm mấy người đặc biệt am hiểu những chuyện như thế này, đem chuyện lạc đường lúc nửa đêm ở khu nhà họ Ngụy, thấy chó mèo chết dọc đường, trên nóc nhà dàn trải kính trận, làm sao đến, đi thế nào, kể rõ mọi chi tiết từ đầu đến đuôi, thì lại nghe người ta bảo khu nhà họ Ngụy trước kia chính là nơi chồn cáo tác yêu tác quái. Năm ấy khi nghĩa địa trở thành khu dân cư cũng không được yên lành, dân cư sống ở đây không hề an ổn, sau nhờ thầy địa lý chỉ điểm, các hộ mới treo kính trên nóc nhà, kính này không phải treo bừa treo bậy, mà mở thành trận pháp đàng hoàng. Những thứ có linh tính lạc vào khu nhà này thường thường sẽ lạc mất phương hướng mà không làm sao thoát ra được, cuối cùng chết ở bên trong, chính vì vậy mà khu nhà họ Ngụy thường xuyên thấy có chó mèo chết lạc. Năm ngoái xảy ra trận lũ cũng có không ít người chết đuối, nghe nói chính là do bày ra kính trận hiểm ác này mà gặp báo ứng.
Sau khi nước lũ rút hết, khu nhà họ Ngụy chỉ còn là một mảng lớn toàn phòng không nhà trống, bình thường bất kể là ngày hay đêm, ai đi ngang qua cũng không gặp phải chuyện, có thể là do Quách sư phụ dạo này bị người ta gọi là “Hà thần” quá nhiều, vậy nên vận rủi cũng đến liên tiếp không ngừng. Người sống gặp lúc dương khí đang thịnh thì cô hồn dã quỷ chẳng dám đến gần, nhưng đến khi vận khí suy giảm, trên ấn đường nhất định chuyển thành màu đen, dương khí cũng vì thế mà suy yếu. Lúc ấy có thể là do một con ly miêu hoặc là hồ ly gì đó thấy dương khí trên người Quách sư phụ và Đinh Mão yếu ớt, liền dùng thuật che mắt để mê hoặc hai người, bám theo sau để trốn ra khỏi khu nhà họ Ngụy. Hay cũng còn có một khả năng khác, thứ ấy bị vây ở khu nhà họ Ngụy không ra được chính là do số kiếp của nó đã tận, núp bên người Hà thần Quách sư phụ mới có thể qua khỏi một kiếp này.
Đến cùng là có chuyện như vậy hay không cũng khó nói, Quách sư phụ ngày đó nghĩ mãi không ra, chuyện qua rồi thì cũng quên đi luôn. Mãi cho đến sau Giải phóng, tầm những năm sáu mươi rồi, có một đêm, tan việc xong ông ta mới cưỡi trên một chiếc xe đạp cà tàng đi về nhà. Khi ấy đã vào tiết lập thu, gió thổi xào xạc, khí trời lành lạnh cũng giống như là đêm nọ, cũng là vào buổi đêm hôm khuya khoắt, đường sá vắng tanh không hề thấy bóng người qua lại.
Cùng ngày hôm ấy ông ta đi vớt xác chết trôi ở sông Hải Hà, bận rộn cả ngày, chút nước gạo cũng chưa có để mà dính răng, đói đến mức bụng cũng dính cả vào lưng rồi, lòng chỉ nghĩ tới chạy vội về nhà lấp bụng bằng bát cơm nóng hổi. Khi đạp đến một đoạn đường dọc theo bờ sông, đột nhiên con xe đạp cà tàng đạp mãi mà không đi, cứ như thể có thứ gì ở phía sau lôi xe ông ta lại, không cho tiến thêm về phía trước.
Quách sư phụ không còn cách nào khác là dừng xe, quay đầu lại nhìn, chỉ thấy ở sau xe có thứ gì đó lông xù chạy vụt đi, chớp mắt đã không còn thấy đâu nữa, cũng không biết là ly miêu ở đâu ra, nhìn có vẻ cũng giống, đường về lại tối đen, nhìn không rõ đến tột cùng là thứ gì.
Lúc này từ đằng sau có một thanh niên cũng đi xe đạp, mặc bộ đồ bảo hộ lao động trong công xưởng, sau xe còn kẹp theo một cái cặp lồng, trông có vẻ là công nhân đi làm ca đêm. Người công nhân trẻ tuổi này đạp xe phóng nhanh, lạng qua bên người Quách sư phụ chỉ để lại một cơn gió, trực tiếp phi thẳng về trước.
Quách sư phụ thầm nhủ trong lòng: “Nhóc con hôi lông, định đi đầu thai hay sao mà phóng bạt mạng như vậy nha?” Ông ta xem lại chiếc xe cà tàng của mình không bị gì cả, đạp lại liền chạy mới leo lên xe tiếp tục đi tới, chợt nghe đằng trước “rầm” một tiếng, giương mắt lên nhìn liền sợ hết cả hồn.
Thì ra là công nhân trẻ tuổi kia phóng xe nhanh quá, lại tự mình lao thẳng xuống sông. Bờ kè bên sông cao nửa thước, tên này phi quá nhanh, đâm luôn vào kè rồi bắn tung cả người, văng thẳng xuống sông, đầu cắm sâu vào tận đáy bùn.
Mạng người quan trọng, há phải chuyện thường? Quách sư phụ không dám chậm trễ, ngay cả quần áo cũng không kịp cởi, quăng cả xe rồi nhảy xuống sông lạnh, liều mạng cứu người công nhân trẻ tuổi này lên bờ. Tai mũi họng anh chàng này ngập tràn bùn sình, sắc mặt xanh mét, lôi lên tới bờ thì đã không còn hơi thở, e rằng chỉ chậm thêm nữa phút nữa thôi là khỏi cứu. Quả thật là mạng lớn mới gặp được Quách sư phụ, đổi là người khác gặp phải tình huống thế này, cho dù có muốn cứu cũng không kịp.
Quách sư phụ đưa người công nhân trẻ tuổi tới bệnh viện, sau khi tình huống ổn định rồi mới hỏi anh ta đã xảy ra chuyện gì, đường rộng đến thế, vì sao cứ nhất định phải phóng thẳng xuống sông? Có phải là làm ca đêm quá mệt, vừa đạp xe vừa ngủ gật? Thật quá nguy hiểm.
Công nhân trẻ tuổi nói đạp đến đó thì căn bản không thấy sông ngòi gì cả, khi ấy anh ta thấy rõ trước mặt là đường, chả hiểu vì sao cưỡi xe đạp tới thì lại rớt xuống sông như vậy.
Bác sĩ y tá trong bệnh viện nghe thế liền cho là thằng nhóc này sợ quá nên hóa hồ đồ, đèn đường sáng trưng, không phải bị quáng gà thì làm sao có thể nhìn sông thành đường cho được?
Ai mà ngờ qua thêm vài ngày, lại có một công nhân làm ca đêm đạp xe rơi xuống sông, lần này không có ai nhìn thấy, đến hừng sáng mới phát hiện trên mặt sông có hai cái chân thò lên, một chân mang giày, một chân không, không hề nhúc nhích. Đợi đến khi vớt được từ dưới sông lên, người này đã hết cứu.
Có một số chuyện khi ấy không ai dám nói, nhưng trong lòng mọi người đều hiểu rõ, không chừng là chỗ này có ma da cần người thế chỗ, dụ người ta phi thẳng xuống lòng sông. Đêm đó nếu không phải xe đạp của Quách sư phụ đột nhiên không đạp được, người rơi xuống sông chết đuối chính là ông ta. Dù cho bản lĩnh của ông ta lớn đến đâu, thủy tính có tốt hơn đi chăng nữa, một khi đầu đã cắm thẳng vào bùn thì đừng mong mà sống. Mặt khác, lúc xe của Quách sư phụ không đạp được, dường như thoáng thấy một bóng đen chạy mất, có lẽ là con vật nhỏ năm đó ông ta cứu được ở phần mộ nhà họ Ngụy vừa quay lại báo ơn.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui