Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Tháng tám năm nay vẫn còn mưa ngâu rả rích mấy ngày. Hôm nay trời mới hửng nắng, không khí ấm áp dễ chịu hơn. Lưu bá qua nhà chơi, cha mang bàn ghế ra sân, gió chiều thổi vào mát rượi. Đang nói chuyện thì thấy Nguyễn bá đi đến. Từ hôm bá ấy tặng nhân sâm, cha càng coi trọng bá ấy hơn. Ba người chào hỏi nhau rồi cùng ngồi vào bàn. Nương đã nướng khô mực, cá lóc, tôm và để bình rượu nhỏ trên bàn. Cha và Lưu bá đều ít uống rượu, nhưng cũng nhâm nhi vài chén lúc rãnh rỗi hay lễ tiệc.

– Mời Nguyễn huynh!

– Không cần khách sáo vậy.

– Lúc trưa đệ ghé thăm Lý đệ, đệ ấy đỡ nhiều rồi, có thể ngồi dậy ăn cơm rồi.

– Ta cũng có đến thăm hôm kia, từ từ sẽ khoẻ, chỉ là …. haiz.

Cả ba người đều trầm mặt, ai cũng không nỡ nói đến tương lai của Lý Trám. Mất một chân đi lại rất khó khăn, kế sinh nhai thì tính làm sao? Lý Sao còn nhỏ quá, vài năm nữa mới có thể tự nuôi thân.

– Nghe nói da con sấu đó bị rách nên bán không được giá, hơn mười quan, tiền thuốc thang xong cũng hết.

Lưu bá chắt lưỡi nói. Cha quay sang hỏi:

– Nguyễn huynh qua có chuyện gì sao?

– Cũng có, hôm trước ta thấy trong nhà đệ có mấy món đồ lạ, thấy tiện dụng nên định hỏi là đệ làm sao? Có bán không?

Cha và Lưu bá đều ngạc nhiên, rồi cha cười vui vẻ hỏi:

– Huynh nói kệ, móc sao?

– Là cái nào? Sao ta không thấy?

Lưu bá nhìn vào nhà hỏi, ông qua đây thường xuyên mà có thấy gì lạ đâu. Thế là cha vui vẻ dẫn hai người vào trong nhà xem móc quần áo, kệ treo tường, ghế đẩu.

– Nguyễn huynh mang về dùng, rất tiện lợi. Ta sẽ làm thêm cái khác.

– Ta thật thích, nhưng không thể lấy không.

Cha xuống bếp hỏi ý nương, bàn bạc xong cha nói giá cho Nguyễn bá rồi hẹn ngày giao đồ. Bình ca cười hớn hở, hắn không ngờ có người thích và muốn mua mấy đồ này.

– Nương, mấy cái này mang lên chợ bán được không?

An ca hỏi, tuy nhiên mấy món này lớn, nặng nên khó mang theo. Nhà Lưu bá có ghe, chợ phiên nào cũng làm lái đến chợ chắc được. Mai nói ý tưởng này với a An, hắn gật đầu rất nhanh.

Sáng hôm sau cha sang nhà Lưu bá hỏi ý của bá ấy. Có việc bán dầu đường cho Tiêu Ân nên cả nhà rất nhanh quyết định chuyện giao Lưu bá bán mấy món đồ. Đương nhiên là nhà mình bán giá ‘sĩ’ để nhà Lưu bá bán giá ‘lẻ’ ở chợ Sông Lớn. Lưu bá và Tương huynh đi theo cha về nhà, xem các món đồ, ước lượng làm sao xếp lên ghe, che mưa nữa.

Chưa đến ngày chợ phiên thì nhà Lưu tam thúc vào, dọn dẹp miếng đất nhà cũ của Lưu bá, bắt đầu dựng nhà mới. Buổi chiều Mai đang xem mấy khay trứng vịt trong lò, cô đang tính xem ngày nào có thể soi tìm trứng không phôi (trứng vữa – không có con) loại bỏ.

– Tứ thẩm có nhà không?

Cúc tỷ đứng dậy ra sân xem.

– Tam bá mẫu, tìm nương cháu sao?

– A Cúc à? Còn nhớ bá mẫu?

Giọng người đàn bà cao, sang sảng cùng tiếng bước chân đi vào. Nương cũng đứng dậy ra đón, Mai đậy lò ấp trứng, ngồi xuống sạp tre. Chuyện nhà nàng nuôi đàn gà rừng có vài nhà biết. Có người hỏi thăm, có người bĩu môi chê cười nên cô dặn người nhà không nói bên ngoài chuyện ấp trứng vịt này.

– Tẩu đến chơi, bên đó dựng chòi xong chưa?

– Chưa xong, nhà thím hơi nhỏ hả, có phòng cho a Bình cưới vợ chưa?

– Chưa có, a Bình còn hai ba năm nữa, lúc dựng nhà vội vàng nên không làm lớn được.

– À, lúc đó mùa nắng, giờ ta lo trời mưa bùn lầy. Quần áo giày đền dơ không như ở làng chài, dính cát rửa là xong.

Lưu tam bá mẫu lưu loát so sánh điều kiện ở đây và làng chài, nào là nhiều muỗi, bùn lầy, nhà cửa xa nhau không biết nói chuyện với ai.

Mai và Cúc tỷ vừa đương đệm vừa nghe, nương ừ, à vài câu, không biết bà qua đây làm gì? Phàn nàn sao?

– Vườn bên kia ít rau, nhà thím chắc có nhiều, cho ta một ít làm bữa được?

À, cuối cùng nói lý do chính rồi, mà sao bá mẫu không mang rổ theo, xin rau xin rổ luôn à? Nương đứng dậy nói được rồi dẫn bá ấy ra vườn, cái này có tính là sai lầm rồi không? Vì sau khi bá mẫu về, Mai ra vườn hái rau thì thấy vườn rau ‘tan nát’.

– Nương ơi, ai phá vườn rau vậy?

– Haiz, chọn cái này chê cái kia,

Nương không trả lời mà lầm bầm rồi thở dài. Lúc a Vĩnh từ nhà lang y về, Mai kéo hắn ra sân vườn nói:

– Ca làm hàng rào, trồng cây che lại vườn cây thuốc.

Hai anh em nhìn vườn rau bên kia mà thật giận, a Phúc nghe nói cũng chạy ra. Hắn nhíu mày rất giống cha nhìn buồn cười, Mai phì cười nói:

– Đệ lấy rổ, tỷ nhặt rau dập cho gà ăn.

– Dạ.

Mấy anh em cắt rau bị dập, nhặt mấy ngọn rau non rớt xuống đất, đám gà rừng không chê, mổ tóc tóc. Người nhà nông ghét nhất là người ta phá vườn rau ao cá. Ăn bao nhiêu không tiếc mà tiếc nhất là hái rồi để đó không ăn. Giống như ở hiện đại, mấy ban trẻ ở thành phố về quê. Cứ ào vô vườn trái cây hái hết trái già trái non mà đâu có muốn ăn, chỉ hái cho đã tay. Thiệt là họ không chăm sóc nên không biết công sức người ta bỏ ra cực khổ như thế nào.

Hôm trước Trương bá mang tám mươi văn đến cho a Phúc, thật ra là trả tiền hai con gà của hắn, cha không nhận vỗ đầu a Phúc nói:

– Con trai út đệ biếu Lý thúc, Lý ca dưỡng bệnh, đúng không con?

A Phúc hiểu chuyện gật gật đầu, mím mím môi mỏng, đúng là trẻ con. Mỗi ngày hắn cho gà ăn đều đếm tới đếm lui không chán, như sợ mất thêm con nào hắn sẽ đau lòng.

Mấy hôm sau Mai và a Phúc chống ghe lườn qua nhà tứ Mi. Trong lòng ghe là hai con vịt nước cha đặt bẫy được. Nhà Lưu bá rất bận rộn giúp Lưu tam bá dựng nhà bên kia. Nhà Mai cũng giúp nhưng chỉ có cha và Bình ca qua mấy ngày khi dựng cột, kèo.

Chỉ có tứ Mi và ngũ Mi ở nhà, mấy đứa nhỏ neo ghe rồi vào nhà sau chơi. Ngũ Mi hơn hai tuổi đã biết quấn sợi đay, tay nhỏ xoay xoay trục gỗ nhìn thật đáng yêu. Mai thấy miếng lót giày và sợi đay đan dở trên sạp tre nên hỏi tứ Mi

– Muội biết đan giày rồi?

– Muội mới học làm, đế giày cứng quá.

– Muội giỏi ghê, tỷ chưa làm thử nữa.

– Đâu có, tỷ với Vĩnh ca mới giỏi, cha nói tỷ biết trị thương, cứu mạng Lý thúc.

Chuyện Vĩnh ca biết trị thương đã lan ra bên ngoài, người ta nói a Vĩnh bỏ qua Mai vì xưa nay rất hiếm nghe nói có nữ lang y. Người ta nghĩ Mai giúp anh trai thôi. Vậy càng tốt, cô không nên ra mặt.

Ngồi chơi một lát hai chị em về, có chiếc ghe neo ở cầu nước, nhà có khách. A Phúc nhảy lên cầu nước, giúp buộc ghe lườn. Vừa đi lên thấy Sinh ca cùng Bình ca đang dìm hai cây gỗ sao ngâm xuống rạch. Sinh ca đến, vậy bà ngoại đến rồi? Mai không nhớ rõ bà ngoại, cô chỉ gặp bà hai lần lúc nhỏ nên không có ấn tượng.

Trong nhà cha ngồi bàn tròn tiếp chuyện ông lão có gương mặt hơi dài, chòm râu ngắn đã có sợi bạc, tóc vấn quấn khăn đen nghiêm chỉnh. Trên bộ ván là bà lão gương mặt tròn tròn, miệng nhai trầu, đôi mắt rất tinh anh, nương và Cúc tỷ ngồi sau bà.

Bà thấy hai chị em, ngoắc tay gọi:

– Mai nhi, a Phúc, lại đây với ngoại, lớn quá rồi!

Hai đứa khoanh tay chào ông bà ngoại rồi tiến về bộ ván gần bà ngoại. Ông ngoại nhìn nghiêm túc nhưng lúc cười nhìn Mai lại rất ‘đẹp trai’.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui