Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Cái ghe lớn năm bản thứ hai được hạ thuỷ rồi. Mấy người lớn thở phào, lau mồ hôi trên mặt, mặc dù có đường ray cũng phải tốn không ít sức. Bảo ca tuy mệt mỏi nhưng trên mặt cũng có niềm vui, hắn cũng tham gia đóng xong một chiếc ghe đó.

Mai là rằm tháng ba, hơn mười ngày nữa a Sao đến giao tổ ong nên cha vội vào xưởng làm tiếp mẫu ghe nhỏ để kịp giao. Nắng lên cao, vừa vào giờ ngọ có hai chiếc ghe tiến vào, là nhà nội, có người giúp rồi. Mai còn đang chờ dựng chái nhà và cửa tiệm.

Khách đến cùng ông nội là người ở làng chài phía bên kia Gò Lộc Trĩ. Ông ấy nhìn chiếc ghe mới được hạ thuỷ chăm chú. Mai châm bình nước để An ca mang lên mời khách, ông nội vừa nói chuyện vừa dẫn đoàn khách đi một vòng quanh xưởng. Cuối cùng là ra cái ghe mới. Nhị bá và Vinh ca không đi theo mà vô xưởng làm, a Bảo hớn hở ra mặt. Lần đầu tiên hắn xa nhà lâu như vậy, thấy cha và ca vào không khỏi vui mừng, hỏi đủ chuyện ngoài làng chài.

An ca từ nhà trên chạy xuống:

– Người ta mua cái ghe mới rồi, còn hỏi thăm mẫu ghe nhỏ đang đóng nữa đó.

Yeah! Từ lúc qua Tết giờ cái ghe này là cái đầu tiên bán ra, ai nghe cũng đều vui mừng. Ngũ cô nghĩ nghĩ nói:

– Tẩu, mình tặng khách cặp vịt được không? ở ngoài đó ít có vịt.

– Được, muội lựa con lớn chút.

Đàn vịt này đã nuôi qua năm tháng, có con đã đẻ trứng rồi (ở đây người ta gọi là rớt hột). Trong bầy có gần hai chục con trống, bự nhất đàn. Nương nói cần khoảng mười con là được nên ngũ cô cùng a Phúc dí bắt hai con vịt trống lớn, trói chân để An ca mang đi.

Khách vui vẻ nhận vịt. Ông nội cũng nở mày nở mặt, có qua có lại mới toại lòng nhau. Khách vội về nên không ở lại ăn cơm, người con trai đi theo cầm chèo mới còn thơm mùi gỗ lướt nhẹ trên nước, nhanh chóng chèo đi.

Bữa cơm trưa chia hai bàn, có thêm món thịt vịt kho xả, có thêm trứng vịt luộc. Bây giờ chuyện gà vịt, ấp trứng do ngũ cô lo liệu, có a Phúc theo bắt còng, vớt bèo cho chúng ăn. Hai cô cháu quanh quẩn, rù rì với nhau làm ngũ cô mất dần ưu thương trên mặt.

Ông nội không nghỉ ngơi mà bắt tay dựng chái nhà luôn, ông nói:

– Mấy hôm trước có thương lái đến mua nước mắm ở mấy làng. Họ còn dặn tháng mười một đến mua tiếp, ta tranh thủ còn về nhà làm. Nhà Ngân huynh bên kia nhờ bán nước mắm mới đủ tiền mua ghe mới đó.

Người dân ở đây dù làng chài hay trong ruộng đều biết làm nước mắm từ cá. Ở biển thì dùng cá cơm hay mấy cá nhỏ khác, miệt đồng thì mùa nước nổi có cá linh, cá sặc, cá lóc. Một số thương lái sẽ đến mua nhưng trước giờ không đều. Họ cũng không báo trước nên nhà nào còn trữ nhiều thì bán, nhà nào không có đành chịu.

Ông hơi dừng chút rồi nói:

– Cha thấy cái ghe nhỏ bán mười hai quan được đó.

– Ông nội, ghe nhỏ này sợ không đi biển được, nó nhẹ quá không chịu được sóng lớn.

Bình ca lên tiếng, hắn là người cùng Mai vẽ và tính toán ván ghe. Mai đã nói hết các điểm lợi hại trong đó.

– Ông nội biết. Có thêm một chiếc ghe là có thêm kế mưu sinh, trong nhà có cái ăn. Làm ra cho ai dùng cũng tốt.

Chuyện dựng chái nhà và cửa tiệm do ông nội chỉ huy Bảo ca và An ca làm. Người khác đều bị ông kêu lo làm trong xưởng. Lúc ghép ván ghe nhỏ ra hình ra dạng xong ai cũng ngạc nhiên nhìn nó.

Nó rất khác so với kiểu ghe thông thường, bề ngang gần thước rưỡi, bề dài chưa đến tám thước mà bề cao hai thước. Bên trong ghe gác ván từng tầng, ván cao nhất sát thành ghe. A Phúc nói nhìn nó giống y chang trứng hột vịt. Cả nhà có vẻ hơi lo lắng, chờ lớp nhựa cây trát kẽ hở khô để hạ thuỷ dùng thử.

Ba người nhà nội không chờ được ghe mới hạ thuỷ mà vội về làng chài. Cha nói sẽ nhắn cho,ông biết chuyện cái ghe nhỏ này. Đàn bà và trẻ em thì đang rộn ràng chuyển đồ sang chái nhà và cửa tiệm. Nương còn nói cha nhờ sư ông xem ngày tốt mới khai trương cửa tiệm.

Tương huynh cuối cùng cũng từ Mỹ Tho về. Bá mẫu mắt đỏ hoe nhìn huynh ấy gầy nhom, đen nhẻm. Huynh ấy qua nhà Mai chào hỏi, nhìn cửa tiệm một lát rồi đi về. Mấy ngày sau bá mẫu khóc nói huynh ấy theo Trần bá đi Trấn Biên rồi. Lưu bá không cho cũng không thể cản được. Trấn Biên đi về cũng gần hai tháng, vậy đến lúc sạ lúa đầu mùa mưa mới về sao?

Ngày tốt tháng này là hai mươi bốn. Lưu bá mẫu biết nương muốn bán mấy món đồ tam Mi, tứ Mi làm rất cảm kích. Bá mẫu tìm được ở đâu miếng vải đỏ, muốn thêu tên cửa tiệm treo phía trước.

– Để người ta biết mà gọi chứ, treo cao chút, ở xa cũng nhìn thấy quán mình.

Bá mẫu rất hào hứng nói. Nhóm đàn bà rất thích chuyện mở cửa quán này, người thì thêu, người thì sắp xếp đồ đạc lên kệ, bện dây thừng làm thành móc treo. Chiều mát trời có thêm mấy thím trong làng nghe nói cũng đến, đương nhiên là Lưu tam bá mẫu cũng qua.

Nói xong chuyện quán thì tam bá mẫu kéo tay nương nhỏ giọng hỏi chuyện a Cúc, thật ra cũng khó giấu được ai. Nương đáp thật là đang chờ ý ông bà nội ở làng chài. Cha có nói với ông nội và nhị bá hôm trước: – A Hùng cũng được, chỉ là gia cảnh đơn chiếc quá. Có chuyện bên sui gia nữa, nhà sui gia cẩn trọng chắc cũng lựa chọn rồi mới lên tiếng. Vợ chồng con cũng đừng vội. Có gì cha nương sẽ nhắn lời vô.

Chuyện mai mối lúc mới dạm lời cũng không thể nhanh được. Đỗ bà mai có đến một lần sau đó, nghe ý nương phân trần thì nói nên như vậy, để bà báo tin bên kia biết.

– Mật ong à, ở đâu nhiều vậy, bán như thế nào?

– Bán mỗi lần một chén nhỏ này, hai mươi văn một chén. Mật này nhà cháu mua ở tận Giá Khê đó, rất ngon.

Mai mua tổ ong nửa quan là một trăm tám mươi văn, rót mật được tám chín chén nhỏ này, nên bán hai mươi văn, Mai còn lời sáp ong. Mọi người không biết Mai giữ lại sáp ong sinh lời nên tự tính thì giá như vậy không mắc. Bình thường chỉ có thể mua cả tổ ong, không ai bán một ít như vầy. Cả tổ ong thì mua không nổi, nhưng một chén sẽ có người mua.

– Sáng mai thím đến mở hàng, nhà cháu tặng thêm sáu hột vịt.

– Thiệt không?

Thím vừa hỏi vừa nhìn nương, dù sao Mai chỉ là đứa nhỏ, lời nói sao đáng tin như người lớn.

– Thiệt, sáng mai thím đến mua đầu tiên, ta còn tặng năm sáu trứng nữa chứ.

– Ha ha, được.

Nhờ ao nước ngọt đào tháng trước và được ngũ cô chăm sóc, đàn vịt rất sung sức. Mỗi đêm rớt hơn bốn mươi hột. Không phải cái nào cũng ấp được. Trứng dư trong nhà ăn nhiều không tốt, nương cho nhà Lưu bá mẫu một ít. Hôm ông nội về cũng mang theo cặp vịt và một rổ lớn trứng gà vịt.

Những nhà không thân mà không có lễ Tết gì cũng không thể tặng cho người ta. Nhân dịp này tặng đi, vừa bán được thêm mật ong vừa tạo giao tình với người trong làng. Hột vịt vào mùa nước thì không hiếm nhưng mùa khô này thì không dễ tìm chút nào.

Tờ mờ sáng ngày hai mươi bốn cả nhà đã dậy, ra vào chuẩn bị. Đầu giờ mẹo, giờ tốt, cha bày mâm cúng có gà luộc,dĩa xôi đậu xanh, ba ly rượu, chén gạo muối, dĩa trái dừa, đu đủ ở phía trước cửa quán cúng. Mặt trời vừa lên, nhang cũng tàn, cha treo vải đỏ thêu chỉ xanh tên quán là Quán Đông Hồ nhìn xa như lá cờ (ở đây gọi là phướng) bay trong gió. Theo thói quen Mai vỗ tay hoan hô, a Phúc nhanh tay vỗ theo làm không khí vui vẻ hơn.

Lưu bá, Lưu bá mẫu dắt tay ngũ Mi đi vào mua một chén mật ong, một đòn đường thốt nốt.

– A, Tẩu mở hàng trước rồi à, ta còn tưởng ta đến sớm nhất chứ.

Nương vui vẻ bán hàng và nói chuyện với thím năm. Đương nhiên là vẫn tặng thím ấy nửa chục hột vịt. Nhà Lưu bá qua mở hàng là tấm lòng, hai nhà từ xưa giờ vẫn như vậy. Nhà Mai đưa qua hột gà hột vịt, bá mẫu sẽ đan giúp nương mấy tấm đệm, mấy cái giỏ. Mấy lúc người lớn đi vắng, An ca và a Phúc sẽ qua lại trông chừng không để nhóm con gái ở nhà một mình.

Hôm nay chủ yếu là những nhà quen đến mua mở hàng, a An đang thu xếp dọn dẹp thì có khách đến. Nhà vị bá mẫu mới dựng xong, ở phía kia Nguyễn gia, ngày mai cúng gác đòn đông nên mua hai con gà, chục hột gà. Nhìn đàn gà con chíp chíp trong lồng tre bá mẫu mua hai chục con làm a An mừng quýnh, tiền bán gà, hột gà là tiền riêng của tụi nhỏ đó.

Lúc sắp dọn cơm, hắn không dằn lòng được đem hộp đựng tiền đã sắp đầy ra đếm, gần bốn quan rồi. Bảo ca không khỏi hâm mộ nhìn, thất thúc thấy hắn như vậy, vỗ đầu nói:

– Ganh tỵ cái gì, học đóng ghe cho giỏi. Biết mỗi chiếc ghe bán bao nhiêu tiền không? Để dành nhiều tiền cưới vợ.

– Gì chứ, thúc cưới trước.

Mọi người cười nghe hai chú cháu chọc nhau.

– Lúc nãy cha xem nhựa trát ghe khô rồi, hôm nay ngày tốt, hạ thuỷ luôn đi.

Mỗi chiếc ghe khi bắt đầu đóng miếng ván đầu tiên và khi hạ thuỷ đều cúng thuỷ thần cầu phù hộ bình an. Lễ cúng không cầu kỳ, đơn giản là trái cây, rượu, gạo muối; long trọng hơn thì cúng con vịt hoặc thịt heo, chè nếp nấu đậu hoặc xôi.

Hai hôm trước dọn bếp nấu sáp ong sang chái phía trong vườn xong Mai đã đúc hết số sáp ong, chờ vài ngày nữa a Sao mang thêm đến. Lần này được mười bốn cặp đèn.

Theo như hẹn thì dì dượng năm đã đến từ ngày rằm, không hiểu sao quá hẹn lâu vậy. Có thể giống như hồi trước Tết, việc buôn bán trên sông cũng không chính xác từng ngày được. Nương và Mai đang xem lại từng cây đèn có bị lỗ mọt hay bụi chưa lọc kỹ không. Lần này làm bán nên nương dùng miếng vải tốt lược cho sạch bụi bẩn, đèn trong vắt, vàng nhạt lại toả hương thoang thoảng, đốt lên sẽ rất tốt cho sức khoẻ. Không khí ở đây vốn trong lành, không ô nhiễm, nếu là ở hiện đại thì đèn này còn giúp lọc không khí nữa.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui