Hải Âu Phi Xứ


Tối hôm ấy, Mộ Phong đến ngồi giường anh hỏi:
- Anh Hòa, hôm nay anh làm gì thế? Làm gì mà ngẩn ngẩn, ngơ ngơ để Vũ Thường nó hoảng lên vậy?
Mộ Hòa nằm từ chiều đến giờ vẫn không buồn dậy, chàng thờ ơ đáp:
- Thế à? Cô ấy bị giật mình thật hả?
- Sao lại không? Nó cứ hỏi em mãi là tại sao anh có vẻ ngớ ngẩn như vậy? Em bảo nó là anh hàng ngày cũng bình thường lắm, không hiểu sao hôm nay vừa thấy nó là anh lại kỳ quặc thế chứ. Anh Hòa, có chuyện gì thế? Anh tưởng Vũ Thường là ai?
Mộ Hòa buồn phiền trả lời:
- Anh có tưởng gì đâu, chỉ tại anh mệt quá, nên choáng váng nhìn lầm.
- Vậy thì anh xin nghỉ việc mấy hôm đi?
Mộ Hòa nhìn lên trần:
- Vũ Thường là bạn của em à?
- Vâng.
- Từ bao giờ thế?
- Cỡ một tháng nay.
Mộ Hòa đưa tay lên gối đầu, tiếp tục nhìn lên trần nhà:
- À thì ra thế? Thế cô ấy ở ngoại quốc mới về đây học à?
- Ở ngoại quốc? Làm gì có chuyện đó. Cha mẹ Vũ Thường đều ở Đài Loan cả mà. Nhà cô ấy giàu lắm, em thường đến nhà Vũ Thường chơi, ở gần đây thôi, đường Nhân Nghĩa đó. Nhà nó là biệt thự hai tầng, có cả vườn hoa, lớn hơn gấp hai nhà chúng ta đấy, như cung điện của nhà vua. Vũ Thường là con một nên được cha mẹ nuông chiều vô cùng.
- Ông bố cô ấy làm gì?
- Hãng du lịch. Nghe nói còn có mấy chi nhánh ở ngoại quốc nữa. Hiện nay tại núi Dương Minh, ông có một biệt thự hình như tên là Nhàn Vân thì phải.
- Ông bố cô ấy tên gì?
- Cái đó làm sao biết được? Em làm sao điều tra tổ tông tám đời của người ta được?
Mộ Phong ngừng nói, nhìn Hòa một lúc rồi đột nhiên kêu lên:
- Anh Hòa, anh thích nó phải không? Ngay từ đầu là em đã thấy ngay mà. Vậy mà đòi giới thiệu, anh lại bảo không cần, mà bây giờ lại hỏi tới hỏi lui đủ thứ hết. Cho anh hay, tán nó không phải dễ đâu, nó có hàng tá bạn trai đấy.
Mộ Hòa đột ngột ngồi dậy:
- À thì ra là cô ấy. Mộ Phong, có phải Vũ Thường là đứa bạn biết hát của em đấy không?
- Vâng, tuy không bằng ca sĩ nhưng nó hát cũng tới lắm.
- Vũ Thường mới vào học trường em niên khóa này à?
- Nói giỡn hoài, nó vào đây học từ năm thứ nhất đến nay chứ.
Mộ Hòa ngẩn người ra, chàng nhảy xuống giường, hai tay vuốt nhanh mái tóc rồi bước ra cửa. Mộ Phong ngạc nhiên gọi theo:
- Anh Hòa, anh đi đâu đấy?
- Đi làm.
Ra đến phòng khách, chàng đụng đầu với mẹ, bà Du giữ chàng lại:
- Nghe em con nói con không được khỏe, sao không nằm nhà lại đi đâu nữa đây?
- Đến tòa báo.
- Xin phép nghỉ một hôm không được à?
Mộ Hòa khó chịu:
- Con có bệnh hoạn gì đâu mà ở nhà làm gì?
Bà Du ngạc nhiên:
- Cái thằng này thật là. Thôi vậy thì ăn cơm rồi đi!
- Con không ăn.
Mộ Hòa vừa dứt câu là đã đến cửa, chỉ một lúc có tiếng xe nổ máy và nhỏ dần. Bà Du đứng trong phòng khách vẫn không hết ngạc nhiên, quay đầu lại bà thấy Mộ Phong đứng nơi cửa trông theo. Bà hỏi:
- Con biết anh con làm sao không? Ai làm nó giận thế?
Mộ Phong đáp:
- Con có biết gì đâu, từ chiều tới giờ con thấy anh ấy điên điên làm sao ấy. Con sợ anh Hòa dám bị bệnh thần kinh lắm đó mẹ.
- Đừng nói bậy, không nên con!
- Có lẽ ông ấy yêu con Vũ Thường rồi mẹ ạ.
- Như thế cũng hay. Con nhớ tạo cơ hội cho chúng nó gặp thường xuyên nhé con.
Mộ Phong nhún vai:
- Nếu mỗi lần anh Hòa gặp Vũ Thường lại dở dở ương ương như vậy thì không gặp tốt hơn. Mẹ không thấy ban nãy anh Hòa đã làm cho người ta ngượng đến độ nào à? Anh ấy cứ hỏi mãi mấy câu lẩm cẩm khiến con đứng một bên còn thấy ngượng nữa là nó.
Bà Du vẫn nuôi hy vọng:
- Nhưng đây là đứa con gái đầu tiên mà nó chú ý đến phải không?
- Mẹ cứ mơ mộng mãi. Đám bạn trai của Vũ Thường có thể sắp hàng từ Đài Loan đến Mỹ, nó đâu thèm để ý đến ông anh gàn dở của con.
- Nói vậy chớ anh con cũng có cái hay của nó chứ.
Mộ Phong cười ngất:
- Mẹ nào chẳng khen con hay. Nhưng với chúng con, khi lựa chọn bạn trai, chúng con kén kỹ lắm chứ. Ngang hàng cũng không được mà yếu quá cũng không được.
Bà Du cười theo:
- Mẹ thật chẳng hiểu tụi chúng bay bây giờ thế nào cả, mẹ thấy anh Hòa của con chọn bạn gái cũng thế. Bướng quá cũng chê mà hiền quá cũng không thích.
- Nhưng mẹ cứ yên tâm đi, rồi có ngày ông anh quí của con sẽ chẳng chê cái gì tuốt tuột.
- Thật không? Tao nghi quá. Mà con nhìn thái độ hôm nay của thằng Hòa xem, nó làm như bận rộn lắm, nhưng không biết bận rộn cái gì!
Thật vậy, mấy hôm liền Mộ Hòa đi đâu biệt tăm. Sáng vừa thức dậy đã bỏ đi, mãi đến tối mò mới bò về nhà. Mọi người không ai thấy mặt chàng cả. Tối hôm ấy, sau khi về nhà, chàng hối hả dùng mấy miếng cơm là đặt đũa xuống, định bỏ đi. Ông Du Bộ Cao nhịn không được, gọi:
- Mộ Hòa!
Mộ Hòa đứng lại.
- Cha gọi con có việc chi?
- Mấy hôm nay có việc gì mà bận rộn thế? Có án mạng à?
- Không, nhưng con có tí việc riêng.
- Chuyện riêng à?
Ông Du mở to mắt nhìn Hòa như vừa khám phá một chuyện lạ, ông không ngờ cả Hòa mà cũng có chuyện riêng.
- Chuyện gì vậy con?
Mộ Hòa bối rối:
- Chuyện của con mà, cha cần gì phải biết.
Đáp xong chàng cười hì hì rồi lại bỏ đi mất. Ông bà Du chỉ còn biết ngồi nhìn nhau. Ông Du bảo vợ:
- Thằng Hòa lúc này làm gì mà bí mật thế?
- Em có biết gì đâu, chỉ thấy nó tối nào cũng đi lòng vòng trong phòng miệng lẩm bẩm cái gì Hải Âu bay về phương đông, phương đoài. Có lẽ nó đang học làm thơ.
- Trời ơi!
Mộ Phong kêu lên:
- Anh ấy đọc Hải Âu à? Vậy thì nguy rồi.
Ông bà Du lo lắng:
- Cái gì? Làm sao con?
- Có lẽ anh Hòa mắc bệnh thần kinh rồi đấy. Hôm trước vừa nhìn thấy Vũ Thường là anh ấy hỏi người ta có biết hát bản Hải Âu không, khiến người ta phải ngơ ngác. Bây giờ lại lẩm bẩm Hải Âu thì chắc chắn vì làm việc quá sức nên anh ấy bị bệnh Hải Âu rồi đấy!
Bà Du e ngại nhìn con gái:
- Hồi nào tới giờ mẹ có nghe nói chứng bệnh nào gọi là bệnh Hải Âu đâu? Bệnh này phát sinh từ lúc Vũ Thường đến nhà chơi, vậy thì mẹ thấy có lẽ chỉ có Vũ Thường mới trị nổi cơn bệnh đó thôi.
Ông Du cười to:
- Ồ! Thì ra chỉ vì một đứa con gái. Tôi khuyên bà đừng bận tâm lo lắng gì cả, nếu quả thật chỉ vì đàn bà thì không có gì gọi là lạ cả.
Bà Du không hiểu:
- Ông nói thế là thế nào?
Ông Du chậm rãi kể:
- Hồi anh mới gặp em, nửa đêm hôm ấy anh đã ra ngồi dưới gốc cây cười tình với trăng sao.
Bà Du mắng yêu chồng:
- Quỷ này, già không nên nết. À, mà chắc bị di truyền, hèn gì chẳng cha nào con nấy!
Mọi người cười xòa, và sự bất thường của Mộ Hòa cũng bay mất theo tiếng cười. Nhưng với Mộ Hòa, chàng vẫn bận rộn. Sáng đi đến tối mịt mới về, cả hai tuần lễ như vậy Hòa mới có vẻ trở lại bình thường.
Nhưng chàng lại thích ngồi một mình yên lặng suy nghĩ.
Chiều hôm ấy, vừa trở về, bước vào cửa là Mộ Hòa đã giật mình.
Vì nơi phòng khách, Vũ Thường và Mộ Phong đang ngồi bên nhau uống cam vắt. Trước mặt họ còn có gã con trai cao cao gầy gầy. Họ đang bàn luận điều gì mà có vẻ sôi nổi lắm.
Sự có mặt của Mộ Hòa cắt ngang câu chuyện. Mộ Phong đứng dậy giới thiệu:
- Đây là Du Mộ Hòa, ông anh của tôi; còn đây là anh Lưu Chấn Nghi. Lưu Chấn Nghi là bạn của em, còn Dương Vũ Thường chắc khỏi cần phải giới thiệu chứ?
Du Mộ Hòa liếc nhanh về phía Vũ Thường, hai ánh mắt chạm nhau, Vũ Thường nhoẻn miệng cười, gương mặt hồn nhiên như chim đỗ quyên, như hương xuân phảng phất, nhưng vẫn còn chút ít nghi ngờ. Nàng chưa quên cái buổi gặp gỡ đầu tiên. Mộ Hòa hiểu, chàng quay sang Chấn Nghi, anh chàng đang đưa tay ra bắt:
- Lâu nay có đọc bài của anh, biết anh lâu mà đến bây giờ mới gặp người.
Mộ Hòa bắt tay và quan sát người bạn mới. Mày sậm mắt to, cằm nhỏ, mũi cao, cũng khá đẹp trai. Mái tóc dài nhưng không rối, áo choàng khoác ngoài, bên trong là chiếc sơ mi màu trứng gà. Sinh viên trường Mỹ Thuật, Mộ Hòa không rõ thành tích nghệ thuật của hắn, tuy nhiên nhìn dáng dấp bên ngoài trông cũng có vẻ nghệ sĩ lắm đấy chứ. Mộ Hòa chỉ phật ý một điều là anh chàng khách sáo quá, không thích hợp vớp cách ăn mặc tí nào cả.
Chàng vừa cười vừa bắt tay Nghi:
- Đừng gọi tôi là anh, cứ gọi tên tôi không cũng được, tôi thích gọi như thế - Lưu Chấn Nghi và Dương Vũ Thường.
Khi đọc đến tên Vũ Thường, cổ họng chàng nghẹn lại. Đưa mắt nhìn Vũ Thường, chàng hỏi:
- Tôi có cắt đứt nguồn hào hứng của các bạn không?
Cử chỉ của Vũ Thường thật cởi mở:
- Có gì hào hứng đâu, tụi này đang nghe anh Nghi kể lại chuyện anh ấy bị cảnh sát hốt.
Mộ Hòa ngạc nhiên hỏi Chấn Nghi.
- Tại sao bồ bị cảnh sát hốt? Mong rằng đó không phải chuyện trầm trọng.
Chấn Nghi đưa tay sờ lên tóc, nói với Mộ Hòa:
- Thì cũng tại mái tóc của tôi này. Anh Hòa, anh thử nhìn xem mái tóc tôi có gì không phải đâu? Thời buổi bây giờ thanh niên đều để tóc dài, tại sao chúng tôi không có quyền để chứ? Để tóc dài có ngăn cản sự tiến bộ hay tự do cá nhân của ai đâu? Anh Hòa, anh là người mới xuất ngoại trở về, chắc anh cũng thấy người ngoại quốc đều để tóc dài hết phải không?
Mộ Hòa liếc nhanh về phía Vũ Thường, xong lên tiếng:
- Tôi chỉ mới đi một vòng Đông Nam Á thôi, vì vậy tôi thấy chỉ có thanh niên ở Hương Cảng mới để tóc dài, còn thanh niên Thái Lan và Tân Gia Ba đều để tóc ngắn.
Rồi Mộ Hòa nhìn Vũ Thường hỏi:
- Phải không cô?
Vũ Thường cười, lắc đầu:
- Đừng hỏi tôi, vô ích, tôi chưa hề sang Thái Lan cũng như Tân Gia Ba mà.
Mộ Hòa quay đầu lại nói với Chấn Nghi:
- Tôi thấy để tóc dài cũng chẳng có gì trở ngại, nhưng vấn đề vệ sinh sạch sẽ cũng quan trọng. Để tôi chỉ bồ một phương pháp để tóc dài mà cảnh sát không có quyền hốt.
Chấn Nghi thích thú:
- Cách gì đấy anh Hòa?
- Bồ để tóc dài một chút, xong chải cao lên, lấy kẹp kẹp lại, xong cột khăn lên.
- Làm thế chi vậy?
- Mình hoài cổ mà, bồ không thấy trên những bức họa xưa, tóc tai ông bà người nào cũng dài cả sao. Tóc dài đến độ họ phải dùng khăn vấn lên. Mái tóc ngắn ngắn của chúng mình chỉ có mười mấy năm lịch sử thôi. Thuở xưa trừ người Mãn Thanh bím tóc không kể, còn bất cứ một ai kể cả Khổng Tử cũng để tóc dài cơ mà.
Lưu Chấn Nghi khoái chí ôm đầu:
- Đúng rồi, tôi ngu quá không nghĩ đến lý do này để cãi lại mấy ông cảnh sát.
Mộ Hòa lắc đầu:
- Tôi thấy không nên cãi với cảnh sát. Vấn đề đúng hay sai tùy theo quan niệm sống của mỗi người. Nếu mình đem lý lẽ trên ra cãi với cảnh sát, họ hỏi lại phụ nữ thời xưa bó chân, bây giờ có nên bó chân không thì cậu nghĩ sao?
Chấn Nghi bối rối:
- Ồ, còn rắc rối đó nữa chứ?
- Thực ra thì tóc dài tóc ngắn gì cũng được cả, đó là thời trang mà. Tất cả những thời trang này đều do Tây Phương mang lại, ngay cả lối cắt tóc ngắn cũng thế, lúc Âu Châu đang thịnh hành mốt này thì triều Mãn Thanh của xứ ta cũng vừa bị lật đổ nên chúng ta theo Tây Phương với phong trào cải cách luôn đấy. Bồ nghĩ xem trong lúc cả nước để tóc dài mà cắt tóc ngắn cũng vào bót cảnh sát ngồi như thường. Chuyện vui đấy hả? Mốt tóc cũng giống như những chiếc váy thời trang của quý bà vậy, lúc thì dài thoòng, lúc lại cụt ngủn. Chỉ có mái tóc của tụi này là không thay đổi, sáu mươi năm vẫn vậy.
Chấn Nghi thích chí:
- Đúng rồi, thế tại sao chúng ta không chạy theo mốt?
- Chúng ta không theo kịp thời đại không phải chỉ ở mái tóc thôi, mà ngay cả những vấn đề khác như giáo dục, thiết kế đô thị, giao thông. Còn tóc tai chỉ là chuyện nhỏ, nhỏ đến độ không đáng nói tới.
Chấn Nghi ngỡ ngàng:
- Nhưng mà anh Hòa, anh chấp nhận hay phản đối chuyện để tóc dài?
Mộ Hòa cười:
- Cá nhân tôi thì tôi không phản đối cũng không chấp nhận. Tôi nghĩ là chỉ cần giữ gìn cho sạch sẽ, còn tóc ngắn dài là tùy thích. Tôi chủ trương làm thế nào cho kiến thức người dân cao, không mù quáng a dua theo Tây Phương là được, cũng như đừng để cho thành phố toàn một loại hippy. Cảnh sát quá cứng rắn trong việc bắt mấy ông tóc dài về bót cũng không phải, vì để tóc dài đâu phải là một cái tội.
Lưu Chấn Nghi kêu lên:
- Thế tại sao anh không viết một bài đưa vấn đề đó lên báo?
Mộ Hòa đùa:
- Tôi sợ không ai thèm đọc một bài như vậy. Bồ không thấy trên truyền hình, trên phim ảnh người ta chiếu cảnh mấy ông tóc dài bị cắt tóc sao? Viết chi để phiền nhiễu, vả lại tôi cũng không để tóc dài mà.
Mộ Phong và Vũ Thường cười to. Mộ Phong chưa hề thấy thái độ châm biếm cao độ của ông anh mình như thế này bao giờ. Trước mặt Mộ Hòa, Chấn Nghi chỉ là một tên cù lần, thế mà hắn vẫn không chịu thua, cứ lên tiếng gọi:
- Anh Hòa ơi!
Mộ Phong dằn không được, đứng dậy:
- Anh Nghi, anh tôi đã bảo cứ gọi tên nhau cho thân mật, anh làm gì cứ gọi anh ơi, anh hỡi mãi làm tôi cũng sốt ruột. Theo tôi thấy chuyện tóc dài của anh không đáng mang ra thảo luận. Ai muốn để thì để, nhưng tôi thấy anh để tóc ngắn có vẻ đẹp hơn.
Chấn Nghi thích thú:
- Thế à? Vậy thì mai tôi sẽ đi cắt tóc ngắn.
- Không ngờ Mộ Phong lại có biện pháp khá hơn mấy ông cảnh sát nhiều.
Vũ Thường vừa cười vừa nói khiến Chấn Nghi đỏ cả mặt.
Mộ Hòa nhìn Vũ Thường, cô bé hôm nay mặc áo ngắn tay màu đỏ, chiếc mini jupe màu đen, giữa là một thắt lưng bằng da to tướng, chân mang giày cổ àu đỏ. Trông nàng thật hồn nhiên, thật tươi tắn. Mái tóc ngắn ôm lấy khuôn mặt ử ng hồng, hai mắt đen nháy, nụ cười lúc nào cũng gắn trên môi. Đúng là một mẫu nữ sinh viên lý tưởng. Nhưng Mộ Hòa vẫn không nhìn thấy một ít bóng dáng nào của Diệp Khanh với Hải Âu ngoài khuôn mặt thật giống. Mộ Hòa nhìn Vũ Thường mà lòng thẫn thờ. Đột nhiên Vũ Thường ngẩng đầu lên, nàng bắt gặp cái nhìn ngây dại của Hòa.
- Vũ Thường hớt tóc ngắn từ bao giờ thế?
Vũ Thường không nghĩ ngợi đáp nhanh:
- Từ kỳ nghỉ mùa đông năm rồi. Làm sao anh biết lúc trước tôi để tóc dài?
Mộ Hòa cười:
- Tôi chỉ đoán như vậy thôi. Tại sao lại cắt ngắn, để tóc dài chẳng đẹp hơn không? Nghĩ cũng lạ, đàn ông thì thích để tóc dài, trái lại đàn bà ưa tóc ngắn hơn.
Vũ Thường trề môi:
- Tôi đâu thích cắt. Mẹ tôi bảo tóc tôi xõa dài không đẹp tôi mới cắt đấy chứ.
Mộ Hòa nhíu mày:
- Đời bây giờ mà kiếm một người con gái biết vâng lời cha mẹ như cô kể cũng khó lắm!
Vũ Thường liếc nhanh Mộ Hòa:
- Anh ngạo tôi à?
Mộ Hòa cười:
- Đâu có, Vũ Thường đừng nghĩ lầm như vậy. Vũ Thường, cái tên nghe đẹp quá chứ. Vũ là lông vũ, Thường là áo, như thế cô là loài chim à?
Vũ Thường quay sang Mộ Phong:
- Ông anh của bà mang người ta ra làm trò cười, bà lại thản nhiên như vậy. Được rồi, từ rày về sau tôi chẳng thèm đến đây nữa đâu.
Mộ Phong nhìn bạn, rồi lại nhìn anh, nàng cười không nói gì cả. Trong khi Mộ Hòa cúi thấp người xuống, cười nói:
- Đừng giận, làm chim có gì xấu đâu? Có thể bay về phương đông, rồi lại sang phương tây, bay khắp góc biển chân trời, muốn đến đâu thì đến, còn gì hơn? Không phải tôi chế cô đâu. Tên cô hay thật, tôi cũng thích làm chim lắm, tiếc là ông bô, bà bô đã lỡ đặt tôi tên Mộ Hòa, bằng không tôi thích được gọi là Mộ Bàng, Mộ Hạt hay Mộ Âu hơn. À! Tôi đang chọn thêm ình một bút hiệu đây, cô thấy trong ba tên Mộ Bàng, Mộ Hạt, Mộ Âu, tôi nên chọn tên nào?
Vũ Thường suy nghĩ một lúc nói:
- Mộ Âu đi, cái tên vừa hay vừa có ý nghĩa.
Mộ Hòa tán đồng ngay:
- Hay thật, cô chọn thật đúng ý tôi. Mộ Âu vậy.
Mộ Phong hết nhìn Vũ Thường lại nhìn Mộ Hòa, nàng nhìn thấy trên mặt Thường vẻ trìu mến và trên mặt Hòa sự vui tươi. Đây là lúc thích hợp nhất để cô em gái trổ tài. Đứng dậy Mộ Phong nói:
- Anh Hòa, hôm nay tốt trời quá phải không anh? Ban nãy Vũ Thường đề nghị đi bơi thuyền ở hồ Bích Đầm, thế mà bị câu chuyện của anh làm quên mất. Bây giờ anh mời tụi này đi bơi thuyền nhé. Đến tối dùng cơm luôn, được không?
Vũ Thường tựa người vào ghế lơ đãng. Hòa vỗ nhẹ lên vai em gái:
- Tôi biết cô lại dở trò móc túi tôi. Cô biết hôm nay tôi mới lãnh lương nên trút túi tôi đây mà. Thôi được rồi, đã mang danh là anh thì không nên kêu ca phải không? Xong rồi, chúng ta đi chứ.
Mộ Phong trừng anh. Người ta nói giúp chẳng cám ơn còn cắn trả một phát. Được rồi, bây giờ có Vũ Thường tôi tha cho đấy, chốc nữa sẽ biết!
Thừa lúc vào phòng lấy đồ, Mộ Phong nói nhỏ với anh:
- Anh hôm nay lên quá nhỉ. Được rồi, tối về sẽ thanh toán sau.
Mộ Hòa cười không đáp, mắt chàng dán chặt lên người Vũ Thường.
Vũ Thường đã đứng lên, mọi người bắt đầu đi. Mộ Hòa cố ý đi sau để ngắm Vũ Thường, chiếc lưng thon nhỏ, chân dài, một thân hình khá quen thuộc. Chàng đột ngột gọi lớn:
- Diệp Khanh!
Vũ Thường vẫn thản nhiên bước tới, không quay đầu lại. Chỉ có Mộ Phong giật mình hỏi lại anh:
- Anh gọi ai đấy?
Mộ Hòa bực mình:
- Gọi quỷ!
Mộ Phong bước chậm lại, đến bên anh nói nhỏ:
- Làm gì thì làm, đừng dở chứng lên kỳ lắm!
Mộ Hòa cười:
- Cô cứ an tâm, tôi bảo đảm mà.
Trời nắng tốt, thật ấm. Những tia nắng chói lọi nung sôi tấm lòng hăng hái tươi trẻ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui