Hải Đường Say Ngủ Thụy Mỹ Nhân


Đông chí, tuyết lả tả vương đậu khắp chốn nhân gian thâm cùng ngõ hẻm, tê tái ám cả vào nơi lòng người.

Hồ ly nhỏ đợi chàng tiều phu dưới gốc hoè già.

Hoa triêu nhan tím biếc giăng lối đến nẻo sáo nhị chùng quanh.

Chàng tiều phu chân chất ngân nga làn điệu phong dao hoài niệm.

Quái lạ, khác hẳn với hình dung công việc lao lực nơi miền sơn cước thâm u, chàng tiều phu dáng người dong dỏng, nước da trắng ngần, đôi mắt đen láy, môi đỏ tựa hoa, mi mục như tranh, tóc đen vấn cao tựa mực sơn hoạ đồ.

Tiết tháng mười hai đông tảo cứa từng cái rét ngọt buốt sương gieo của rừng già vào làn da nõn hồng mỏng mảnh, tựa như phủ thêm một tầng lụa màu son lả lơi trên nước da óng ánh.

Quanh năm tần tảo sớm hôm, lạ thay, chàng tiều phu lại mang dáng hình uyên nho văn nhã, thư sinh đạo mạo, ra dáng con nhà hiền nhân sớm được tu thân theo sách thánh hiền từ thuở thiếu thời.
Ngặt nỗi, dẫu dung mạo đẹp đẽ, mắt cười tựa trăng, thanh âm uyển chuyển, xử thế khôn ngoan, tính tình điềm đạm, nhưng lại chỉ sinh ra làm phận phàm phu tục tử, không có mệnh xoay chuyển càn khôn, trả nợ tang bồng.
Chàng thiếu niên tiều phu mặt ngọc mày ngài, my mục cong cong, gió trăng xiêu đổ, tâm tính thiện lương, dù cho cuộc sống có khó khăn, đi đâu cũng lấy việc giúp đỡ người khác mà làm trọng.

Chỉ tiếc, chàng thiếu niên vừa sinh ra đã ngước đôi mắt to tròn nhìn quanh phía thâm sơn cùng cốc.

Cái thai hoang khiến người đàn bà bạc mệnh nào đó thấy hổ thẹn từ tận trong cốt tủy cõi lòng mà nỡ làm nghiệp ác – bỏ rơi đứa trẻ tự mình nhọc công chín tháng mười ngày hoài thai.

Chàng thiếu niên lớn lên, lấy núi rừng làm bạn, muông thú làm tiêu dao, nay đây mai đó kiếm sống qua ngày.

Một dạo xuống núi, chàng gặp cụ già khổ sở nằm vất vưởng bên mé con suối chảy xiết.

Bên vai cụ vẫn còn một vết thương máu chảy ròng ròng, loang từng vệt đỏ sẫm tanh nồng.

Thương tình, chàng dìu cõng cụ bước qua, đưa cụ về lán nhỏ tạm bợ của mình mà chăm sóc.

Khi cụ tỉnh lại, hỏi ra mới biết, cụ bị đám sơn tặc tấn công.

Chàng xót xa, mời cụ ở lại tĩnh dưỡng mấy hôm nữa.

Cụ già cảm động, nhưng kiên quyết mình phải đi, chỉ để lại cho chàng thiếu niên mấy lời dặn dò:
“Cậu trai, tôi thấy cậu tướng mạo đoan trang, mắt phượng mày ngài, tuy là nam nhân nhưng sắc sảo lạ thường, hoa nhường nguyệt thẹn.

Phận đời phàm tục khó ai đoán biết trước được tương lai.

Nhưng già trông, ước chừng mai này ắt cậu làm nên nghiệp lớn.

Trúc non chờ thời, tre xanh khéo đợi, đến năm mười sáu tuổi, cậu sẽ gặp tiên nhân cải mệnh.

Nhưng phải lưu ý gắng giữ tâm trong.

Dung mạo cậu tú sắc khả san, theo sách cổ, hải đường say ngủ thụy mỹ nhân, tương lai nở rộ, nếu không phải mỹ nhân thì cũng là danh sĩ.

Dẫu vầy, nếu là mỹ nhân, cũng chưa biết gặp mệnh Điêu Thuyền hay Đát Kỷ.

Sau này gặp lại, già vẫn mong cậu trở thành danh sĩ.

Hoạ chăng là yêu cơ khuynh quốc khuynh thành, hậu kì mệnh khổ khó đoán.

“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”, xin cậu nhớ cho, chớ làm hư hỏng tâm điền vì vạn điều cám dỗ mà rước lấy kết cục bi ai.”
Nói đoạn, lão già để lại cho chàng một tập sách cũ, dặn chàng tu chí học hành.

Đó là sách dược cổ, báu vật quý hiếm, có nhiều bài thuốc hay, khuyên chàng lấy đó mà trau dồi trí đức, học tập thành tài, kiếm lấy cái nghề, trước giúp mình, sau trợ dân.

Chàng thiếu niên đẹp xinh vốn sáng dạ, thi thoảng vẫn hay nhân dịp xuống núi giao củi mà chạy sang làng bên nghe lỏm đồ thư suốt bao năm, cộng thêm bẩm sinh thông tuệ, đến nay cũng coi như tạm đọc vỡ nghĩa chữ thánh hiền, mấp mé bước chân đến trước cửa Khổng sân Trình.

Nay có sách hay gối đầu, chàng càng tu chí học hành, dần dà, bên cạnh nghề đốn củi, chàng còn biết hành nghề bốc thuốc, tiếng lành đồn khắp một vùng gần xa, ngày càng có nhiều người tìm đến nhờ chạy chữa, đời sống cũng tạm coi là khấm khá hơn trước.
Gió thoảng thời trôi, sơn trà nở, sơn trà tàn, rồi nở.

Thoáng cái, tuổi mười sáu, mười bảy của cậu thiếu niên bước đến dịu dàng tựa hương đầu mùa.

Buổi ấy xuống núi chở củi, gặp ráng chiều buông lơi phủ màu nhá nhem, cảnh sắc vốn dĩ phải hết sức yên tĩnh thanh tịnh lại từ đâu giương lên tiếng chi hô náo loạn của một đám người:
“Có yêu quái! Có yêu quái! Giết chết nó đi! Thứ yêu ma quỷ quái! Bảo sao cái làng này chẳng bao giờ được yên ổn.

Cũng tại mày!… Cho mày chết,! Chết!…”
Toán chi hô báo nháo làm kinh động cả một miền quê bình lặng vốn ảm đạm bao ngày, có lẽ là do dồn tụ sự phẫn uất của bao con người lam lũ khổ ải vì cái đói quắt queo đã lâu.

Làng Lân Dương dưới chân núi vốn nghèo khổ xơ xác, lại thường có sơn tặc lộng hành.

Người ta rỉ tai nhau, địa chí làng này nằm ở chân ngai của một bậc sơn tiên, khiến ngài phật ý nên quanh năm giáng nạn để con người biết chừng.

Vậy nhưng, ngay cả khi người làng đã gom góp sạch sẽ của nả làm một lễ tế đàn thật long trọng, lập điện thờ sơn tiên, thì tình thế cũng chẳng khả quan lên là bao.

Lúc ấy, lại có giai thoại khác ra đời, rằng ngôi làng này đã bị thần linh quên lãng từ lâu nên bốn mùa yêu ma lộng hành ngang ngược.

Nhưng người dân trong làng không dám chuyển đi, phần vì họ đã nghèo đến kiệt quệ, làm sao dám mơ đến trời hửng nắng hồng ở xứ người xa thẳm; phần khác, tổ tiên, cha mẹ họ còn nằm tại đây, sao cháu con dám cả gan mà li hương cho được.

Chẳng biết có yêu ma quỷ quái thật không, hay chỉ là vọng ngôn của dân gian khổ ải.

Nhưng đau đớn cuộc đời trần thế đã bức tử những con người ấy đến mức không còn chút lí trí nào.

Thi thoảng họ sẽ đẩy một người phụ nữ bị hồ nghi là yêu tinh lên đoạn đầu đài, dăm ba bảy bận, họ lại điên cuồng truy giết một con vật nào đó xấu số bị phỏng đoán là hiện thân của ma quái.

Chuyện này cũng dần chẳng còn lạ trong tâm trí của chàng thiếu niên.
Vậy nhưng ma xui quỷ khiến thế nào, hôm nay, chàng lại vọng mắt lưu luyến tới búi lông tròn nhỏ xám xịt lấm lem bùn đất pha sắc đỏ hồng của máu mủ ứa ra – đang chịu trận từng đòn giáng đau đớn của gậy gộc lên thân mình.

Đó là thứ bị dân làng kháo nhau là hồ ly.
Hồ ly? Mười sáu năm qua, chàng chưa hề nghe qua vùng đất này có hồ ly, đến nỗi dường như với người thiếu niên trẻ, nó chỉ là một truyền thuyết dân gian xưa cũ để doạ nạt trẻ nhỏ.
Vốn dĩ xuất phát từ sự hiếu kì, sau khi nhìn thấy dáng vẻ nhỏ bé đau đớn kia lại thật sự động tâm xót thương, chàng rảo bước đến chỗ đám người náo loạn:
“Xin các trưởng bối dừng tay, có sự tình gì mà cớ sao đánh đuổi loài vật nhỏ bé này?”
“Y Vân tiên sinh chớ để hình dáng nó phỉnh lừa! Đây đích thị là hồ ly, giết nó là trừ hại cho dân chúng.

Ngôi làng này xơ xác ắt vì nó mà ra.”
Từ ngày chuyển sang hành nghề bốc thuốc, lại cật lực tự học nay đó mai đây, chàng thiếu niên nhỏ không những cứu được người, mà còn giúp dạy trẻ trong làng vỡ lòng mặt chữ, tuổi nhỏ tài cao, tinh thông sách lược, được người khắp vùng vô cùng kính nể, gọi hai tiếng “tiên sinh”.

Dẫu vậy, chàng vẫn nhớ nguyên lời dặn của “sư biểu” vô danh năm xưa, không lấy danh làm kiêu, biết lấy tình làm trọng, cũng chẳng muốn từ bỏ nghề đốn củi hái thuốc năm xưa – như một cách tự nhắc nhở mình về quá khứ khổ hạnh.
Y Vân rũ rèm mi rủ xuống, mắt phượng dịu dàng dùng ánh nhìn vuốt ve con vật nhỏ
Con vật nhỏ cuộn tròn thành một nắm lông bết bùn và máu, hơi run nhẹ rên ử ử.

Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, chàng cúi người, đưa đôi bàn tay trắng ngần như hoa tuyết mà vuốt ve lớp lông mỏng manh loang lổ máu đào, tựa như hoa huyết trên lụa mịn Tô Châu.
Mắt đen trong ngần, mi rủ mày cong, không ai nhìn ra biểu tình của chàng thiếu niên, chỉ thấy động tác tay rất mực ôn nhu mà ve vuốt.

Xung quanh cũng tự khắc mà lặng lẽ như tờ.
“Các vị trường bối, xin nghe ta giải thích.

Ta từng trông qua trong sách cổ về con vật này.

Đây gọi là Hy Chân, không phải hồ ly.

Con vật này khi lớn lên sẽ mọc vuốt và sừng, mài ra có tác dụng điều chế thuốc rất tốt.

Đây là con vật lành, lại giúp được bách gia, ta không nên đuổi giết.

Nếu các vị đồng ý, xin cho ta thu nhận con vật này về săn sóc, sau này hẹn ngày báo đáp ơn huệ của các vị trưởng bối.”
Người học thức lên tiếng như vậy, dân làng cũng không dám làm thêm chuyện khó dễ.

Có người ban đầu cự nự, mà sau đó nể tình danh nghĩa của Y Vân tiên sinh, đành nhắm mắt chấp thuận.

Dù sao cũng không ai kì thực biết đích xác hồ ly là gì, càng không biết Hy Chân là ai.

Đều là phàm phu thô lỗ quanh năm chân lấm tay bùn, vẫn là nên nghe người có chữ giảng giải.
Chàng thiếu niên ôm con vật nhỏ nằm cuộn tròn trong lòng, vuốt ve đốt xương sống gầy gò của nó.

Con vật run rẩy, nhưng một lúc sau, dường như cảm nhận được hơi ấm an toàn, hồ ly nhỏ cuộn mình trong vòng ôm ấm áp hương thơm thảo mộc ôn nhu, ngủ thiếp đi.
Phải, nó là hồ ly, và cái tên Hy Chân cũng chỉ là lời bịa tạm của Y Vân trong lúc túng quẫn, cốt để giải cứu được con vật nhỏ này.

Chàng không biết nó, nhưng cũng không đành lòng nhìn con vật nhỏ nhắn đáng thương này chịu hành hạ.
Từ ngày khấm khá hơn, Y Vân cất được một ngôi nhà tranh nhỏ trong rừng, phong cảnh thanh sạch, suối mát reo vui, muông thú hiền hoà.

Dường như đây là đặc ân duy nhất của sơn thần dành tặng vùng đất nơi đây.

Căn nhà nhỏ nhưng tiện nghi ấm cúng, xung quanh phần lớn là sách mà trong quá trình du lãng chàng thu thập được khắp nơi.
Đưa con thú nhỏ về nhà, chàng đốt lửa, nấu một ít cháo nhạt, bỏ thêm chút thảo dược, đợi bón cho con vật có bộ lông xám nhạt mà chàng chưa biết là loài thú nào.

Chàng nhẹ nhàng lấy khăn ấm lau sạch từng phần bùn máu dính kết trên lông con vật, lấy thuốc và băng vải lại những phần vết thương hở.

Bùn cặn và máu đông được lau đi, con vật nhỏ hiện ra với một sắc xám đục như sương, mắt to nhắm nghiền, trông có vẻ giống cáo nhưng lại có mắt hạnh tròn xoe tựa cún con, ngơ ngác nhìn chàng.
Không giống cách mà trong sách miêu tả hồ ly, nhưng lại rất đang yêu.

– chàng nghĩ.
Chàng dém lại chăn thành một cái ổ nhỏ cho nó, quyết định gọi nó bằng cái tên mấy hôm trước tình cờ nghĩ ra – Hy Chân.

Con vật nhỏ bình an nằm trong chiếc ổ ấm áp, bên bếp lửa than hồng củi đỏ, chiếc đuôi lớn bông xù lông tựa như chiếc chổi mềm mượt mà, thôi thúc người ta ve vuốt xoa vỗ cả ngày.

Nhân lúc con vật vừa được bón cho chút cháo, đang yên vị nằm trong ổ ấm, chàng tranh thủ lật mở các thư tịch cũ, tìm thông tin.
Theo những gì Y Vân tìm được, có vẻ con vật này đúng là hồ ly.

Có điều, khác hẳn với miêu tả quái dị yêu nghiệt của sách cổ, Hy Chân của chàng thực sự rất hiền lành, đôi mắt không hẹp dài mà tròn xoe, cái bụng cong cong, chân nhỏ ngắn ngắn nhưng hữu lực, cơ thắt rõ ràng – đích thị là một chú hồ ly nhỏ ham chơi hiếu động mà cũng thật hiền ngoan.
Có nó nơi này bầu bạn cũng tốt – Y Vân thầm nhủ.
Mấy ngày sau, hồ ly nhỏ Hy Chân bắt đầu khoẻ lại.

Khác với hình dung của Y Vân, hồ ly nhỏ này kì thực hơi nhát người.

Cả ngày chỉ ngồi ở góc phòng, rụt rè tròn xoe mắt nhìn chàng, ngơ ngác giương đôi đồng tử màu hổ phách trong veo nhìn ngắm thiếu niên mỹ mạo diễm hằng.

Trông hồ ly nhỏ chao ôi là ngốc.

Y Vân sớm biết hồ ly nhỏ đã tỉnh giấc từ lâu, len lén ở một bên mà nhìn trộm mình, nhưng chàng vẫn nén cười, giữ cơ mặt thả lỏng mà đọc sách bên ánh lửa nhập nhoạng.
Ngọt lửa nhảy múa như tạo ra những quầng sáng đang khiêu vũ reo vui, dịu dàng véo từng chút một vào trái tim đơn thuần của hồ ly Hy Chân.
Tên loài người kia đẹp quá đi, đẹp hệt như những người trong hồ tộc vậy.
Tất nhiên là đẹp hơn cả mình nữa rồi – hồ ly Hy Chân tủi thân rũ mắt nhìn xuống, tội nghiệp như chú cún nhỏ đuôi rủ.

Y Chân vừa đọc sách, nhưng khoé mắt thực ra đã lưu luyến liếc nhìn hồ ly nhỏ từ lâu.

Thoáng thấy cái đuôi bông xù đang ngoe nguẩy bỗng nhiên rũ xuống, cái đầu nhỏ gục sang một bên, thiếu niên hơi tò mò, cũng thêm phần vô thức lo lắng sốt ruột.

Hồ ly nhỏ vẫn còn mệt sao? Đau chỗ nào? Hay là buồn chán? Hay là ta tranh thủ đưa hồ ly nhỏ ra ngoài chơi cho khuây khoả? Dù sao Hy Chân thoạt trông vẫn còn nhỏ mà đã phải chịu biến cố đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần như vậy, có lẽ tiểu hồ ly vẫn còn rất sợ hãi con người.

Nói đoạn, Y Chân kê kẹp đánh dấu trang sách vừa đọc rồi gấp nó lại, để qua một bên.

Chàng bước từng bước nhẹ nhàng về phía hồ ly nhỏ, cái bóng của chàng theo sự nhảy múa của ánh lửa trong phòng mà loang màu trên bức vách.

Tiểu hồ ly nhỏ sợ hãi, nhanh chóng chúi một bên thân vào sát góc tường, đến mức cả thân cuộn thành một cục lông tròn xoe, cái đầu rúc chặt tưởng như biến mất trong búi nhỏ.

Đôi tai nó rất nhạy, nó nghe được âm thanh tiếng bước chân dù rất nhẹ nhàng của chàng thiếu niên đang đi về phía này.

Hắn đã biết ta tỉnh dậy rồi sao? Biết thế không nên nhìn trộm mà phải giả ngủ say càng lâu càng tốt, nhân cơ hội hắn không để ý mà trốn khỏi nơi này.

Dù sao cũng chẳng biết tên loài người kia có ý đồ gì với mình.

Hắn sẽ nấu chín mình lên để ăn hay sao? Hay tên lang băm kia sẽ chế biến mình thành thuốc như hồi trước hắn nói với dân làng? Đúng như mọi người trong hồ tộc đã nói, con người quả thực rất tàn nhẫn và xấu xa.

Mình không nên trốn đến nhân gian làm gì, thật khổ cực.

Hồ ly nhỏ tủi thân trách phận, rưng rưng phát khóc, suýt nữa bật thốt lên thành tiếng thút thít huhu.
Y Vân trông thấy cảnh tượng như vầy, bất đắc dĩ vô thức nhoẻn miệng cười, khẽ lắc đầu, bộ dạng nuông chiều cực điểm.

Hy Chân nhút nhát, chàng biết, nhưng không ngờ nhát gan đến mức này.

Ở đây ngót mươi ngày, con vật nhỏ vẫn chưa một lần nào mở lòng với chàng.

Có lẽ tổn thương do con người gây ra cho nó là quá lớn.
Nghĩ đến đây, chàng thoáng nhíu mày, mặt ngọc phảng phất nén đau lòng.

Chàng tiến tới góc phòng, nơi hồ ly nhỏ đang nằm, nhưng không hề ngay lập tức chạm vào nó.

Y Vân dừng lại, ngồi bên cạnh hồ ly nhỏ một lúc, lát sau mới nhè nhẹ đưa ngón tay yêu kiều trắng tuyết mơn trớn bộ lông hồ ly.

Tận hưởng cảm giác từ xúc giác truyền đến thật dễ chịu.
“Ta sẽ không hại em.”
Hồ ly nhỏ vẫn bất động.

Y Vân cũng không nói thêm gì.

Tính chàng vốn kiệm lời, lại không hay giao hảo, trước nay chỉ sống có một mình nên không biết phải chăm sóc, đối xử hay an ủi người khác thế nào cho tốt.

Chàng chỉ có thể làm theo bản năng trong lòng, tựa như một thứ tình cảm yêu mến nguyên thủy sẵn có mách bảo chàng dành riêng cho con vật nhỏ này.
Đến khi bàn tay chàng cảm thấy được cơ thể hồ ly bắt đầu mềm duỗi ra, hô hấp bình thản, chàng mới dịu dàng bế nó lên, ôm vào lòng.
Chóp mũi hồ ly nhỏ vấn vương mùi hương thảo mộc sạch sẽ, pha chút hương hoa hải đường thoang thoảng, khói sương lãng đãng, giai nhân thoáng cười.
Tiểu hồ ly ngơ ngẩn mất rồi, mắt hổ phách tròn xoe ngơ ngẩn ngóng nhìn.
Người này đẹp quá, đẹp hơn tất cả những người ta từng gặp ở hồ ly tộc.
Người này tốt quá, tốt hơn tất cả những người ta từng gặp ở cả hồ tộc lẫn nhân gian.
Người này trong trẻo quá, thanh khí tựa hương hoa, không mảy may vẩn đục.

Đẹp thay, đẹp thay…
Hồ ly hạ quyết tâm, bỏ trốn đành đợi sau này, tạm thời ở lại nơi đây với giai nhân.

Dù sao giai nhân cũng rất tốt bụng, nấu cháo cho mình ăn thật ngon.

Cứ như vậy, xuân đến, đông qua, hạ đỏ, thu vàng, hồ ly với giai nhân bầu bạn.

Cảnh sắc quan san nên thơ.
Ban ngày, giai nhân đốn củi, hái thuốc, hồ ly lon ton chạy theo đánh hơi thảo dược quý hiếm.

Chiều tối, giai nhân xuống núi bán củi, chữa bệnh cho người dân.

Hồ ly ngây ngốc chờ đợi chàng trong góc bàn nhỏ, gối đầu lên vạt áo chàng để lại tối qua, hương hoa hải đường luẩn quẩn mơ màng theo vào mộng đẹp.
Đến tối, giai nhân trở về, hồ ly tỉnh giấc đã có cơm ngon canh ngọt nóng hổi sẵn chờ.

Hồ ly vui vẻ quyến luyến dụi lông vào trong lòng giai nhân.
Giai nhân cười nhẹ, thanh âm trong veo, gió xuân đùa.
Cứ vậy, cho đến một ngày, giai nhân vẫn như cũ trở lại nhà tranh vào chiều tối, nhưng trong ánh mắt thoáng heo hút mênh mông.
Đến tối, giai nhân ôm hồ ly trong lòng, ngồi bên cửa sổ ngắm trăng rừng.

Giai nhân hiếm khi phá lệ cất lời:
“Hy chân, hôm nay ta đến làng bên bốc thuốc, trên đường đi gặp một đám người kèn trống tưng bừng, mặt mũi hoan hỉ, kiệu hoa đỏ tươi tám người khiêng cao.

Hỏi ra mới biết, đó là “đám cưới”.

Ta hỏi bô lão, “đám cưới là gì?”.

Bô lão trả lời: “Đám cưới là tục để hợp thức cho tình cảm trai gái yêu nhau.” Ta lại hỏi, “thế nào là yêu?” Bô lão trả lời: “yêu là luyến ái một người, mong muốn ở bên một người, thấy vui vẻ vì một người, muốn hy sinh vì một người, vì một người mà sẵn lòng đồng cam cộng khổ, bách niên giai lão, sinh con đẻ cái, cháu chắt đầy đàn.

Đó là lẽ thường của nhân gian.”
Ta lại hỏi, thế nào là “lẽ thường của nhân gian”, bô lão càng ân cần giảng giải: “Lẽ thường nhân gian có rất nhiều, ví như nam nhân phải nghe thuyết Vũ hầu mà lấy làm hổ thẹn, biết tu chí lập thân, gầy dựng nghiệp lớn, bước lên chốn quan trường, phò trợ minh quân, giúp sức cho trăm gia bách tính, trả nợ tang bồng.

Đó mới xứng là nam nhân…”
“Hy Chân ơi, ra là vậy, ta xa lạ với lẽ thường của nhân gian.”
Giai nhân vọng mắt xa xăm, mặt đẹp sáng ngời, ánh nhìn phiêu diêu lả lướt dường như lúc nào cũng có sóng tình, nhưng cũng trực tràn xa cách khoáng dật, lạnh nhạt thoát tục, tựa như thiên tiên.
Lần đầu tiên, hồ ly cảm thấy bất an khi nằm trong lòng giai nhân.
“Hy Chân ơi, giá mà em hiểu được những điều ta nói.”
“Hy Chân à, hoá ra trước nay ta chưa từng làm người.”

“Hy chân à, giá mà… giá mà, em cũng là người…”
Giai nhân thoáng sửng sốt khựng lại, không nói nữa.
Hoang đường.

Vô vọng.
Tiểu hồ ly gục đầu trong vòng ôm của giai nhân, trầm mặc.
Đêm ấy, giai nhân mơ một giấc mơ.

Trong mơ, tiểu hồ ly đến trước mặt chàng, nói chuyện:
“Y Vân, chàng muốn danh vọng, ta sẽ cho chàng thi quan đỗ trạng.

Chàng muốn tiến về phía náo nhiệt nhân gian, ta sẽ đưa chàng đến kinh thành phù hoa.

Chàng muốn ái tình nhân thế, ta sẽ cho chàng ái tình khắc cốt.

Y Vân, sức ta tuy chẳng là bao, nhưng chỉ cần chàng muốn, ta sẽ cho chàng.”
“Y Vân, công đức chàng, ta ngàn đời báo đáp.

Tiếc không thể bên cạnh dài lâu, đành hẹn ngày tương ngộ.

Chỉ tha thiết mong ngày tháng sau này, khi đã võng lọng kiệu ô về thăm cố hương, hi vọng chàng quá bộ qua ngôi đền nhỏ dưới gốc hoè già phía Tây, lại ngâm cùng ta một chén rượu.

Ta chờ.”
Nói đoạn, hồ ly cúi đầu bái tạ kính cẩn rồi xoay người đi mất.
Sáng sớm hôm sau, nắng xanh hanh nhạt, tiết nguyên tiêu vừa qua, lá phong vàng sắc rơi đầy thềm hiên lồng lộng.

Chỉ có chỗ hồ ly nhỏ nằm nay đã trống trải, gió thổi đầy hoa.

Năm ấy, tân văn trạng nguyên tuổi trẻ tài cao, mười tám tuổi đăng quang danh giá, mắt phượng mày ngài, mặt đẹp tựa hoa, tú sắc khả san, ngọc thụ lâm phong, lại anh trí hơn người, tinh thông văn sử, thành thạo y dược, mỹ từ miêu tả không bút nghiên nào sao kể xiết.
Khắp vùng kinh thành truyền tai nhau, tân trạng nguyên lọt vào mắt xanh của công chúa, được hoàng thượng tuyển làm phò mã.

Ngày đăng quang võng lọng về làng cũng là ngày hỉ kiệu kèn trống cùng đèn đuốc rợp trời.

Khắp chốn mừng vui, quốc gia đại sự yên ấm trăm bề, đất trời vì nhân tài xuất danh mà hoan hỉ.

Bách gia trăm họ khởi cuộc mừng vui, xiêm áo tưng bừng, hội hè liên miên, pháo hoa rạng rỡ một dải non san.
Chỉ có thấp thoáng đằng xa một bóng người thanh niên cao lớn thô kệch, mặc áo vải rách, mũi vá lung tung, đầu rối tóc loạn, chỉ bừng sáng một đôi đồng tử phổ phách tròn to mơ hồ khán vọng về phía kinh thành nhiệt huyết; lẳng lặng đứng đó tại một góc, bỏ mặc nhân gian, nơi đèn đuốc đã gần tàn.
***.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui