Hai Lần Tuyết Phủ Thăng Long

Đêm qua, nàng đã tìm thấy được quyển nhật kí của thân xác này. Thì ra, nữ nhân này là Công Anh Thư, em gái của người tên Công Anh Võ. Gia đình ở quê học thức nức tiếng một vùng, cha của nàng cũng là thầy đồ. Anh của nàng cả đời mong được đến kinh thành ứng thí, nhưng chẳng may bạo bệnh qua đời, nên nàng thay anh trai lên kinh rồi đỗ đạt làm trợ giáo ở Quốc tử giám.

Nếu theo tính toán của nàng, giả sử Anh Lâm cho nàng trở về một nghìn năm kể từ năm 2084, thì năm nay là năm 1084, thời nhà Lý. Nhưng quả thực nàng không nhớ rõ đây là thời vua nào, năm này sẽ có sự kiện gì.

Trời ạ, thân xác này lại còn cải nam trang làm thầy giáo, dạy toàn là con vua cháu quan, chẳng phải lộ ra sẽ bay đầu hay sao?

Sáng nay tiết trời lạnh quá, nàng vừa bước ra khỏi phòng đã bị một làn gió lạnh buốt đập vào người. Cái rét này không thua kém cái rét mùa đông nghìn năm sau đâu.

Vừa quay sang, nàng đã thấy Dương Đức cũng vừa bước khỏi phòng. Hôm nay y mặc quan phục của Quốc Tử giám, khoác thêm chiếc áo choàng dày trên vai, trông ấm áp thật. Y quay sang, cúi đầu chào nàng. Tú Anh liền đáp lễ.

-Thầy Anh Võ không lạnh sao?

-À...

Chỉ là nàng không biết cái nào trong đống quần áo ấy là áo choàng nữa.

-Hôm trước tôi lỡ tay đem đi giặt cả rồi.

Y lặng ngẫm một chút rồi đi trở vào trong phòng, đem ra một chiếc áo choàng cũng dày như vậy, y hệt như của y.

-Mỗi trợ giáo đều được phát ba chiếc, may là tôi vừa mới được phát, vẫn chưa dùng, thầy khoác lên tạm vậy.

Nàng bối rối nhận lấy, rồi nhìn y gật đầu chào rồi quay đi. Người này thật lịch thiệp, nom vẫn còn trẻ mà đĩnh đạc thật.

Nàng lầm lũi đi theo hướng y, tiếng cửa gỗ mở, nam nhân hôm qua nàng gặp lúc vừa về đến đây bước ra, cũng choàng áo choàng như Dương Đức.

-A, thầy Anh Võ hôm nay đi trễ thế. Bình thường gà chưa gáy đã đến học đường rồi.

Nàng biết đây là Trợ giáo Trương Gia Kính, người bạn thân nhất của nàng suốt một năm nay dạy ở Quốc tử giám. Tính ra ở thời đại này, nàng chỉ chừng hai mươi tuổi.

Hai mươi tuổi mà đi dạy người ta rồi, cừ thật. Những ngẫm cũng đúng, người ở đây vòng đời của họ khá ngắn, tuổi thọ trung bình chắc chỉ tầm năm mươi, hai mươi tuổi như nàng đi dạy cũng là hợp lý. Dẫu sao chức nàng đang giữ cũng là trợ giáo, giống như giáo sinh thực tập mà thôi. Qua những trang nhật kí đó, nàng thấy Công Anh Thư này là người có học thức sâu rộng vô cùng.

-Ô, áo choàng mới thế, của tôi sờn cả rồi.

Nàng khoác lên vai cho đỡ rét, nhìn về phía Dương Đức đã đi xa.

-Là thầy Dương Đức cho đấy.

Gia Kính hơi bất ngờ.

-Thầy từ lúc nào mà thân với thầy Dương Đức thế?

Nàng hơi tò mò, đi trên đoạn đường lát đá.

-Sao thế, không được thân với thầy ấy à?

Gia Kính xoa cằm suy nghĩ, rồi nhìn quanh.

-Thầy ấy kì lạ lắm, cứ lầm lũi một mình, chẳng trò chuyện với ai, thậm chí là né tránh.

Chắc là người hướng nội rồi.

-Nghe đâu, mấy hôm trước có bài luận giảng ở Khuê Văn Các, thầy ấy nhất định không đi, sống chết cãi lại Tư nghiệp*.

*Tư nghiệp là chức quan tương đương với hiệu trưởng ngày nay-thời Lý.

-Thật sao?

Thầy ấy chống đối gay gắt như vậy, hẳn là có lí do. Dương Đức cũng vừa mới đến Quốc tử giám kia mà.

Nàng vừa đi vừa trầm mặc. Thôi thì, để nàng tìm hiểu xem lí do đằng sau là gì vậy. Nếu được, nàng muốn dùng thời gian ở đây của mình để giúp Dương Đức trở thành một Giáo thụ* tài ba.

*Giảng viên

*

Hôm nay nàng mới biết là mình dạy tứ thư - đại học, trung dung, luận ngữ và Mạnh Tử, lớp học của nàng là những giám sinh* con nhà đại quý tộc, tầm mười mấy tuổi đã đỗ qua kì thi Hương. Đều là những thiếu niên công tử con nhà quyền quý có gia thế hiển hách.

*Học trò của Quốc tử giám.

Tú Anh tan lớp, nhìn giám sinh của mình cúi đầu hành lễ rồi rời khỏi căn phòng lộng gió.

Bây giờ mới gần hết buổi sáng, nàng lướt mắt ra khoảnh sân qua ô cửa sổ bị gió buốt cuốn bay những trang sách, đã thấy Dương Đức đứng trong phòng ở đình đối diện, dường như là đứng nhìn một cái gì đó. Y đứng rất lâu, rất trầm tư. Chàng trai này lúc nào cũng như gió mùa đông, lạnh lẽo, im lìm.

Tú Anh bước chân vào gian phòng châm hương, làm người ta thấy ấm áp vô cùng. Nghe động, Dương Đức quay đầu, cúi chào nàng.

-Thầy đang đọc câu đối sao?

Dương Đức gật đầu, y chắp tay nhìn hai câu đối treo trên cao, cũng chính là câu đối chạm trên tứ trụ của Văn Miếu môn.

-Đông, tây, nam, bắc do tư đạo
Công, khanh, phu sĩ, xuất thử đồ.

(Đông, tây, nam, bắc cùng đạo này (đạo Nho)
Công, khanh, phu sĩ xuất thân từ đường này)

Người này, trăn trở về Nho Giáo sao? Y cố ý nhấn mạnh về Nho giáo, cũng như ánh mắt lo toan của y đổ lên ý đồ của câu đối này.

-Ý thức hệ của Nho Giáo và Phật giáo không giống nhau, có phải điều này làm cho thầy Dương Đức lo lắng không?

Dương Đức hơi cau mày, người này hiểu y nghĩ gì sao?

-Từ thời Thái tổ bệ hạ đã sùng đạo Phật, Phật giáo đã ăn sâu vào tiềm thức của bách tín, Nho giáo lại là vừa được bệ hạ đưa vào khoa cử, ta cũng chỉ vừa có Trạng Nguyên đầu tiên, có phải thầy lo lắng cho tương lai của Nho giáo không?

Nàng cũng chỉ là suy luận dựa trên những kiến thức về lịch sử của mình. Nhà Lý lập nên Quốc tử giám, đến nay mới là vị vua thứ tư, nàng đoán Quốc tử giám cũng vừa lập không lâu, nền móng Nho giáo vẫn chưa vững chắc.

Dương Đức xoay hẳn người lại về phía nàng, ánh mắt dường như mệt mỏi.

-Thầy nghĩ, tương lai của Nho giáo có thể sẽ trở thành một tư tưởng lâu dài không?

-Đạo Khổng với mục đích xây dựng một xã hội hài hòa, trong đó con người biết ứng xử theo lẽ phải, đất nước thái bình, thịnh vượng, có nền tảng đạo đức giáo dục con người, nhất định sẽ trở thành hệ tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến xã hội Đại Việt.

-Thầy có niềm tin đến vậy sao?

Y có đôi mắt buồn, và dường như luôn mệt mỏi, có phần sợ hãi.

-Nhất định.

Dường như y vẫn nặng nề vô cùng, y quay đi, thở dài kín đáo. Lẽ nào chuyện này có liên quan đến chuyện y từ chối Tư nghiệp đến luận thư văn ở Khuê Văn Các? Vì y đang lo lắng cho vận mệnh của Nho giáo?

-Dĩ nhiên, muốn đạt được điều gì cũng đều phải đấu tranh.

Nàng nhún vai, đi lại chỗ y, cũng nhìn lên câu đối treo trên cao. Dương Đức nhìn sang nàng, nhìn sang Anh Võ trợ giáo dáng người nhỏ nhắn, da mặt trắng như sứ và đôi chân mày lá liễu tuyệt đẹp.

-Tôi nhất định sẽ đấu tranh.

Nàng nhìn vào mắt y, thấy được những lo toan của vị trợ giáo trẻ tuổi.

-Muốn thay đổi một hệ tư tưởng đã ăn sâu vào tiềm thức của bách tín không phải là chuyện một hai năm, có khi phải mất cả đời. Thầy nhất định không được bỏ cuộc.

Tiếng trống da vang lên to như sấm, Tú Anh quay đi, Dương Đức vội đằng hắng rồi thoát khỏi đôi mắt sáng như sao kia.

Nàng cười khẽ.

-Tôi phải lên học đường rồi.

Chẳng đợi cái chào của y, nàng đã đi mất. Dương Đức cau mày đứng lại, lòng dường như được an ủi phần nào.

****

Tú Anh cùng Gia Kính trò chuyện rôm rả, vừa vào phòng ăn đã thấy các trợ giáo trẻ khác cùng đang tụm lại xem một thứ gì đấy. Tính ra những trợ giáo trẻ như nàng chỉ được dạy những người trẻ thôi vừa đỗ thi Hương thôi, còn các Giáo thụ, Trực giảng mới có quyền dạy những những người cao thứ bậc sau kì thi Hội.

Cho nên những học sĩ trẻ này đều giống như những sinh viên ở thời đại của nàng vậy, cũng tụ tâp đùa vui.

-Làm gì thế?

-Thầy Gia Kính lại đây xem đi!

Nàng tò mò nhếch mắt vào đám đông đang giữ lấy một bức tranh.

Gia Kính dáo dác nhìn quanh rồi tụm vào đám người.

-Là ai thế?

Tú Anh thấy Dương Đức ngồi một mình, liền đến bàn lấy bát đi lại chỗ đối diện ngồi xuống cùng y. Dương Đức hơi bất ngờ, có lẽ là lần đầu có người chịu ngồi gần y.

-Thầy không đến xem với bọn họ sao?

-Thầy cũng không đến xem mà.

Y cười khẽ. Nàng càng cảm thán. Người này cũng có lúc cười lên như thế, thật sự là anh tuấn vô cùng.

-Sao thầy bỗng dưng đỏ mặt thế? Uống rượu sao?

Nàng xua tay, rót một chén trà.

-Là đệ nhất mỹ nhân kinh thành! Tiểu thư Lê Ý Vi, nghe đâu là mối tình đầu của tất thảy công tử quyền quý nhất của thành Thăng Long này.

Dương Đức hơi sặc, y ngước mắt nhìn đám người bu đen đặc. Tú Anh hiếu kì quay lại, nhìn Gia Kính say mê ngắm nhìn.

-Anh Võ! Lại đây xem!

Nàng xua tay. Nàng ngắm mình là đủ rồi, không cần ngắm thêm mỹ nhân.

-Có ăn được đâu mà bàn tính chi ghê thế?

Dương Đức lúc này mới ho sặc sụa, y nhìn Tú Anh chăm chăm. Chết mất, nàng chắc lại lỡ lời rồi. Nàng cười trừ nhìn những nam nhân kia rồi vỗ tay một cái.

-Ý tôi là, người ta là thiên kim tiểu thư, chúng ta xem hình ngắm chơi cũng chả chết ai mà đúng không nào!

Gia Kính à lên rồi lại kéo mọi người về bàn luận. Nàng ôm mặt quay lại cặm cụi ăn cơm. Dương Đức vẫn chưa rời mắt khỏi nàng, nét mày có chút khó hiểu.

-Thầy không ăn đậu bắp à?

Y nhìn nàng thích thú gắp từng đũa đậu bắp vào chén, ngước mắt hỏi y.

-Thầy nên ăn đậu bắp nhiều, da mặt sẽ trắng lên đấy.

Y ngỡ ngàng. Người mẹ y nhớ mong cũng đã từng nói với y như vậy.

-Thầy sao thế?

Nàng ngước lên, nhìn đôi mắt một mí trầm uất đi. Y lắc đầu, rất nhanh đã lấy lại vẻ lạnh lẽo cố hữu.

-Không có gì.

-Lát nữa ăn xong, chúng ta đi ngay đi.

Nàng ngoái đầu, thấy bọn họ bàn bạc gì đấy xôn xao.

-Gia Kính, mọi người định đi đâu thế?

-À, dẫu sao ngày mai cũng không lên lớp, tối nay các thầy định sẽ ra Cầm quán thưởng trà.

Nàng à lên, rồi nhìn sang Dương Đức.

-Hay là, thầy cũng đi đi.

Dương Đức chẳng nghĩ ngợi đã lắc đầu. Nàng hạ giọng.

-Thật ra, để mà có thể xây dựng Nho giáo phát triển, thầy sẽ cần nhiều người đồng hành. Các thầy ấy cũng là người học đạo Khổng, nên kết làm bằng hữu để cùng tiến lên.

Y thở dài, không nói không rằng mà lẳng lặng ăn cơm. Nàng mím môi nhìn y, tên này chắc chắn là một tên hướng nội chính hiệu rồi. Hắn định mới năm giờ chiều về phòng đóng cửa đi ngủ sao?

Gia Kính đập cửa phòng Tú Anh ầm ầm, gọi nàng mau ra để cùng đi. Chuyện là chẳng biết số trời ngược nàng hay sao mà vừa về đến đây, nàng đã đến kì rồi. Tú Anh nửa muốn ở nhà để tránh bại lộ, nửa muốn đi để nhìn xem thời đại này rốt cuộc trông ra sao. Cuối cùng nàng cũng lục được dải vải bông dùng trong kì nguyệt sự mà Công Anh Thư hay dùng. Thật là khó chịu biết mấy, nàng mãi mới dám ra khỏi phòng.

Vừa đi ra, nàng đã cắm đầu chạy để không bị đám người Gia Kính bỏ lại, liền đâm sầm vào một thân ảnh cao lớn. Tú Anh ôm trán trông lên, đã thấy Dương Đức quay lại, y mặc thường phục, viên lĩnh màu đồng sang trọng, đôi mắt một mí nhìn xuống nàng.

-Thầy Dương Đức, thầy cũng đi sao?

Y đằng hắng, rồi chắp tay sau lưng đi về phía cổng.

Cả nhóm đếm Cầm quán, tiếng đàn đã văng vẳng vọng khắp nơi. Gia Kính liền chỉ lên cao.

-Chúng ta lên lầu kia đi.

Dương Đức đứng lại, nhìn xung quanh rồi lặng đi. Tú Anh đi ngang qua, y đã nói lại.

-Tôi ngồi ở đây.

Nàng bối rối nhìn Gia Kính đã đi lên lầu cùng mọi người, còn Dương Đức thì trầm mặc xốc lại y phục ngồi xuống chỗ rũ màn ở góc. Đúng là mẫu người hướng nội mà, toàn tìm góc không người mà ngồi thôi.

Thấy Tú Anh đi lại ngồi gần mình, Dương Đức thấy vui trong lòng, y rót một tách trà cho nàng.

-Nói thầy đi cùng với họ để làm bạn với họ, thầy lại tách ngồi riêng thế này.

Dương Đức không nói, chỉ lẳng lặng nghe cầm.

-Lê Ý Vi tiểu thư quả là xuất chúng hơn người. Tiếng cầm khi thanh thoát khi trầm ấm, quả là khó ai bì kịp!

Nàng mới giật mình nhìn lên đài cao giữa hồ nước. Thì ra bọn người Gia Kính rủ nhau đến đây để ngắm mỹ nhân nổi tiếng đó à. Thật là...

Dương Đức nhấp một ngụm trà.

-Thầy biết đàn không?

Bỗng dưng nàng lại hỏi, khiến Dương Đức có chút bối rối.

-Tôi biết.

Nàng gật gù, xem ra ở thời này người ta đa tài thật. Bỗng Dương Đức tinh ý nhận ra ngón tay nàng vốn dĩ rất trắng, lại lem nhem mực rồi.

-Tay thầy bị vây mực sao?

-À, chỗ này à. Mực ở đây tốt thật đấy, tôi tẩy mãi mà không ra.

Nàng phì cười nhìn ngón tay út mình lem nhem mực. Cứ nghĩ bút cũng khô nhanh như ở hiện đại nên cứ tì tay lên, kết quả là tẩy mãi không ra nên ngón út cứ đen xì.

Y gật gù, rồi như sực nhớ ra, rút trong vạt áo ra một ống nhỏ bằng gỗ mài bóng.

-Thầy cứ đeo cái này vào ngón út, sau này viết chữ sẽ không bị vây lên tay nữa.

Tú Anh mừng rỡ đón lấy nó. Tốt quá, nàng không phải khổ sở vì mực lem nhem trên tay nữa rồi. Ống gỗ nhỏ vừa ngón tay nàng, trên thân đề chữ Đức.

-Nhưng mà, thầy cho tôi rồi thì thầy còn để dùng không?

-Còn chứ, thầy không cần phải lo.

Tú Anh cười khẽ, nàng cảm tạ y rồi chăm chú nghiên cứu chiếc ống gỗ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui