Hai Ông Chồng Cũ Một Vở Diễn FULL


Chuyển ngữ: Tiểu Hạ a.k.a Habin
Chỉnh sửa: Tiểu Dạ a.k.a Mốc
 
Nếu cửa hôn sự đầu tiên của ta có thể nói là ly kỳ thì cửa hôn sự thứ hai của ta lại càng ly kỳ hơn nữa.

Khi ấy, ta vừa mất đi danh xưng “Bùi phu nhân” quay về Thẩm gia mới được mấy ngày, đúng dịp tết Đoan Ngọ, tiểu đệ đệ tám tuổi của ta khóc lóc ầm ĩ nằng nặc đòi ra ngoại thành xem đua thuyền rồng, các di nương thì không mấy mặn mà với cái trò đua thuyền ấy nên không muốn ra ngoài mà ở nhà chơi mạt chược, bọn hạ nhân sợ bên ngoài phố xá người đông như nêm nhỡ có điều gì không hay xảy ra với tiểu thiếu gia thì bọn họ có mấy cái mạng cũng không thể gánh nổi, trọng trách lớn như vậy, kẻ nào cũng hoảng hốt vội chối đây đẩy, vì vậy cuối cùng chỉ có một mình ta lương thiện, ức chế không chịu nổi tiếng khóc om sòm ồn ào của tiểu đệ đệ nên lôi xềnh xềnh nó ra khỏi cửa đi xem đua thuyền rồng.

Được rồi, kỳ thực là ta xúi giục tiểu đệ đệ gào khóc ầm ĩ đấy.

Bởi vì phụ thân nói ta hôm nay không còn giống với ta ngày trước nữa, tốt nhất là đợi sóng yên bể lặng thận trọng một chút sẽ tốt hơn, thế là thuận miệng phụ thân cấm không cho ta ra khỏi cửa luôn, hôm nay thừa dịp phụ thân vắng nhà, đúng là cơ hội ngàn năm có một.
Chẳng ngờ, chuyến đi chơi này… quả nhiên xảy ra sơ xuất, chỉ có điều người đen đủi không phải là tiểu đệ đệ mà lại là ta…
Ngày tết Đoan Ngọ, người ta nhóm lửa cháy bừng bừng tận trời xanh, hai bên bờ sông Vấn Thủy[1] hoa quỳnh nở rộ, cánh hoa tinh thuần một màu trắng chồng chất tầng tầng lớp lớp rợn ngợp, nhưng mà dày hơn, đông hơn so với hoa quỳnh lại chính là đám đông nhung nhúc chen lấn ở hai bên bờ sông, không khí tưng bừng náo nhiệt làm tăng ý chí chiến đấu của mọi người, người người nhà nhà đều dốc lòng chen vào bằng được.
Mặc dù Thẩm gia có cho bố trí một đài cao riêng trên bờ sông Vấn Thủy nhưng ta cho rằng quan sát từ xa thì làm sao mà chân thực bằng nhìn cận cảnh được, vì thế ngay lập tức kéo tuột tiểu đệ đệ gắng hết sức vượt qua muôn vàn khó khăn mà chen lấn thành công trong đám đông hỗn loạn kia.
Đợi đến khi hai tỷ muội ta chen đến bên bờ sông, cuộc đua đã diễn ra được hơn nửa, lúc đầu sáu con thuyền chạm trổ đầu rồng song song cùng tiến vào cuộc đua giờ phút này đã bắt đầu thấy sự chênh lệch khoảng cách rõ ràng, tiếng trống như sấm hòa quyện cùng tiếng hàng ngàn đợt sóng cuồn cuộn vỗ vào mạn thuyền, một con thuyền rồng vảy bạc xa xa vượt lên dẫn đầu, nước phía sau đuôi thuyền bị quẫy động dữ dội, hình ảnh mái chèo như kiếm sáng loáng vung lên không trung rồi chém xuống mặt nước.

Ở nghịch thủ[2] của con thuyền một người dày dặn kinh nghiệm ngồi làm chỉ huy vừa tính toán tốc độ sao cho có lợi nhất vừa đôn đốc thuyền viên cầm chắc mái chèo đi đúng phương hướng, đằng sau người chỉ huy, ở thân thuyền có hai hàng thuyền viên đồng thời hò la khẩu hiệu, tiếng hò la rung động trời đất cộng thêm vào đó là tiếng cổ vũ tiếng thúc giục của mọi người từ hai bên bờ sông, âm thang vang vọng tới tận chân trời.
Thế nhưng ta đột nhiên lại cảm thấy nhàm chán, đã là so tài thì đương nhiên chẳng phân biệt tuổi tác, vai vế, người tranh ta đoạt, người tiến một tấc thì ta phải tiến hai tấc, kẻ tám lạng người nửa cân gay go quyết liệt đua sức đua tài nghẹt thở tới những phút cuối cùng như vậy thì mới gọi là ngoạn mục, còn cuộc đua ngày hôm nay thực lực quá chênh lệch, vừa nhìn liền biết ngay đội nào thắng đội nào thua, chẳng còn gì là hồi hộp thú vị nữa, vì thế ngay lập tức có chút lơ đãng, chẳng hiểu những cô nương đứng xung quanh mình vì cái gì mà hưng phấn đến mức vẫy khăn hò hét như điên.
“Tỷ phu!”
Ta đang ngẩn người ra, thình lình nghe thấy tiếng kêu ngạc nhiên của tiểu đệ đệ vang lên bên tai ta, ta kinh hãi, sau lưng bắt đầu đổ mồ hôi lạnh ròng ròng, nhìn theo hướng ngón tay mập mạp của tiểu đệ đệ, ở cuối khúc sông có dựng một đài cao, trên đài đột nhiên xuất hiện một vài vị đội mũ ô sa, tất cả đều là quan viên lớn nhỏ ở thành Dương Châu, có người bụng phệ béo ục béo ịch lại có người râu tóc bạc trắng, mấy vị quan đó đều túm tụm vây chặt một người, tóc mai gọn gàng, yên tĩnh, thanh cao mẫu mực như thế không phải là Bùi Diễn Trinh thì là ai được nữa?
Ta đang định xoay người nói rõ ràng với tiểu đệ đệ rằng: “Vai vế có thể tùy tiện gọi loạn nhưng tỷ phu không thể tùy tiện gọi được.” Đang lúc ta chuẩn bị dạt dào giảng giải cho tiểu đệ đệ nhà mình thì đột nhiên vị cô nương bên cạnh hét lên một câu: “Tam công tử thắng! Tam công tử thắng rồi!”
Quay đầu nhìn lại, quả nhiên chiếc thuyền rồng vảy bạc đã cán đích, trên mũi thuyền người chỉ huy dáng vẻ uy nghiêm mạnh mẽ tiến lên dễ dàng rút lá cờ thắng lợi, lá cờ tung bay trong gió lộng, người đó lại thong thả quay trở lại thuyền.
Trong chốc lát tiếng trầm trồ khen ngợi, tiếng vỗ tay tán thưởng từ bốn phương tám hướng ùn ùn dậy sóng trong biển người, các cô nương đứng xung quanh ta càng vẫy khăn lụa điên cuồng hơn, thét chói tai cái gì mà “Tam công tử!” “Tam công tử!!!!” gào đến lạc cả giọng, ta thực sự không hiểu được mấy vị cô nương khuê các này ngày thường luôn nũng nịu e thẹn lấy khăn che mặt ngượng nghịu thế mà bây giờ cứ như thể cô nào cô nấy đều uống vài chục tô to tiết gà, hăng máu nhiệt huyết sôi sùng sục như vầy.

Nhóm cô nương bắt đầu xô đẩy nhau, chen lấn nhau, cuối cùng đám đông cuồng loạn này kéo theo cả kẻ vô tình bị mắc kẹt ở giữa là ta đây, rồng rắn đi về phía đài cao ở cuối khúc sông kia.
Ta còn chưa kịp hoảng sợ thì đã bị người ta kéo theo lên bờ đê cao ngất, hoa mắt chóng mặt sau đó nghe “Tõm!” một tiếng, ta liền giống như một cái bánh quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài bị quẳng xuống lòng sông Vấn Thủy.
“Nguy rồi! Có người rơi xuống nước!”
Nước sông mát lạnh từng đợt từng đợt dâng lên nhấn chìm ta mà ta thì hoàn toàn… thờ ơ… Bởi vì ta không biết bơi nên ngoài việc mặc kệ cho dòng nước xô đẩy ra ta đây thực sự bất lực không biết phải làm gì trong hoàn cảnh này…
Ngay thời khắc then chốt, ta còn tưởng phen này mình sẽ phải thay thế cái bánh đi cúng Khuất đại phu [3] là cái chắc thì một cánh tay đột nhiên nắm lấy eo ta kéo lên sau đó ôm ta vào bờ.
Ta hơi thở mong manh, miễn cưỡng mở hai tròng mắt toàn nước là nước nhưng chỉ thấy mông lung một đôi mắt tràn đầy ý cười, môi mỏng mở ra, hàm răng trắng bóng đều tăm tắp phun ra một câu: “Cô nương ngưỡng mộ Tống Tam ta chính là lẽ thường, chỉ có điều… tình cảm cuồng nhiệt sâu đậm tới mức nhảy sông tự vẫn như thế này thì ta biết phải báo đáp ra sao đây?”
Trong đầu ta “Oành!” nổ một tiếng, chướng khí dâng lên tận yết hầu, ho sặc sụa vài cái mới hoàn toàn tỉnh táo lại.
“Diệu Nhi?!” Lúc này, đám đông xung quanh bỗng tách ra, Bùi Diễn Trinh bước nhanh tới, mặc áo gấm nhanh chóng đứng trước mặt ta, chẳng nói chẳng rằng kéo ta từ trong lòng cái tên Tống Tam gì gì đó vào lòng hắn.
Tiểu đệ đệ chẳng hiểu đã đứng bên cạnh từ lúc nào, ngoan ngoãn ngẩng đầu mau mồm mau miệng chào Bùi Diễn Trinh: “Tỷ phu!”
Đám người nhất thời mắt chữ O mồm chữ A xúm đông xúm đỏ lại, ta nhất thời cảm thấy thà rằng đi bầu bạn với Khuất đại phu còn tốt hơn…
Bùi Diễn Trinh ôm ta ngồi xe ngựa đi thẳng về Thẩm gia, lại còn lờ đi vẻ mặt kinh hoàng của các di nương, một mạch ôm ta từ cửa chính vào tới tận sương phòng, mãi cho đến khi nha hoàn thay quần áo khô cho ta, lang trung đã kê đơn thuốc đầy đủ cho ta, y mới chịu rời đi.
Ta nằm trên giường ngay đơ như một xác chết, mặc niệm chừng một trăm lần “Khuất đại phu” mới mê man ngủ thiếp đi.
Ngày hôm sau, một lời đồn đáng sợ ngang trời xuất thế ——— đại tiểu thư Thẩm gia, cựu phu nhân của Bùi đại nhân, Thẩm Diệu, chỉ mới phòng đơn gối chiếc mấy ngày mà tâm đã bất tịnh, mến mộ vị Tống Tam công tử danh nổi như cồn lừng lẫy khắp thành Dương Châu này, tại cuộc đua thuyền Đoan Ngọ vì muốn Tam công tử để mắt tới mình mà không tiếc mạng sống nhảy sông tự vẫn.
Vì những tin đồn thất thiệt chủ yếu chỉ nhằm mục đích thỏa mãn trí tò mò giải trí cho người khác mà thôi, ta đây cũng không muốn chấp nhặt chuyện vặt vãnh ấy của tục nhân nhưng mà người ta đâu có được như ta, tam sao thất bản, trời nhá nhem tối cả nhà quây quần bên mâm cơm, tiểu đệ đệ liên tục hỏi ta: “Diệu Diệu tỷ, Tống Tam là một người hay là ba người ạ?”
Lời nói của con người thật đáng sợ, miệng nhiều người xói chảy vàng.[4] Ta ai oán một câu, quả thực là khiến người ta không thể không thở vắn than dài, đến mức khóc không ra nước mắt… Vị Tống Tam này là người bán nước tương hay là vị hoa hoa công tử lão nương đây còn chẳng biết gì cả.

Ở đâu ra mà mến với chả mộ được cơ chứ???!!!!
Lại mấy ngày nữa qua đi, một sớm tinh mơ, sau bao ngày đi thu tiền hàng mối làm ăn ở Hàng Châu cuối cùng phụ thân ta đã trở về, người bảo bọn nha hoàn dựng ta dậy rồi đưa ta tới phòng khách còn nhấn mạnh là có khách quý tới chơi.
Vừa mới bước vào phòng, ta liền thấy ngay một người nghiêng người ngồi bên cạnh phụ thân ta, mặc nguyệt nha bạch sam đính sợi kim tuyến thêu hoa văn tinh xảo, cài trâm ngọc bích rực rỡ, từ trên xuống dưới một bộ thế gia công tử.

Trong sảnh cơ man nào là hòm to rương nhỏ chồng chất lên nhau làm ta chốc lát bối rối không biết đặt chân ở chỗ nào để đứng cho vững.
Phụ thân ngẩng đầu lên vừa thấy ta liền gọi to: “Diệu nhi!”
Vị công tử kia vừa nghe thấy vậy liền quay đầu lại, mí mắt khẽ cong lên, sau đó hướng về phía ta mỉm cười một cái.
Nụ cười này nhìn rất rất… quen mắt, kỳ lạ là quen mắt thế nào mà ta vừa nhìn lại đột nhiên sinh ra cảm giác bị sặc nước, chẳng hiểu đã gặp người này ở chỗ nào rồi nhỉ?
“Diệu nhi, mau tới đây, phụ thân giới thiệu cho con, hôm nay đến đây chính là vị đại đương gia, Tam công tử của Tống thế bá của con đấy, tuổi trẻ đầy hứa hẹn nha!” Phụ thân khuôn mặt hồng hào, quay đầu hướng người nọ giới thiệu: “Còn đây là tiểu nữ, Diệu nhi.”
Vị công tử kia nhấp một ngụm trà rồi thong thả đặt xuống, nói: “Thẩm thế bá quá khen rồi, tiểu chất hổ thẹn không dám nhận ạ.” Ngay sau đó đứng lên, chỉnh lại ống tay áo, cúi người chắp tay thi lễ với ta: “Thẩm tiểu thư, tiểu sinh xin hữu lễ.

Nhiều ngày không gặp, hy vọng tiểu thư vẫn khỏe chứ?”
Một đạo sét kinh sợ đột ngột giáng xuống đầu ta, cuối cùng thì ta cũng nhớ ra tên tiểu bạch kiểm nhìn cực kì quen mắt này là ai rồi.

Tống Tam, Tống thiếu gia, ở Giang Nam người người nhà nhà đều biết rõ: “Mười cửa hàng thì bảy là của Thẩm gia, còn lại đích thị Tống gia.” Câu ấy có nghĩa là nếu trên một đoạn đường nếu có cả thảy mười cửa thì bảy trong số đó thuộc Thẩm gia chúng ta còn ba cửa hàng còn lại chính là sản nghiệp của Tống gia, cách kiến giải trên tuy có phần đúng có phần hơi phóng đại nhưng đồng thời đánh giá phiến diện, chưa thấy hết được toàn cục, nhìn con báo không phải chỉ nhìn vào những đốm trên người con báo đó.

Chẳng qua là ta chưa từng nghĩ tới tiểu bạch kiểm làm ta suýt sặc nước mà chết hôm đó ngày hôm nay tới tận đây chính là chủ nhân tương lai của Tống Gia — Tống Tịch Viễn!
“Sao? Hiền chất đã gặp tiểu nữ rồi à?” Phụ thân cũng đặt chén trà xuống, vẻ mặt tò mò hỏi.

Phụ thân quanh năm buôn ngược bán xuôi đến bây giờ mới được về nhà, không biết chuyện là lẽ đương nhiên, nghe ông vừa hỏi như vậy ta xém chút nữa thì sặc trà.
Vị Tống thiếu gia kia hai mắt tràn ngập ý cười, liếc mắt nhìn ta một cái rồi thân mật vui vẻ đáp lời phụ thân ta: “Đúng vậy thưa bá bá.

Tại cuộc đua thuyền rồng tết Đoan Ngọ, Thẩm tiểu thư không cẩn thận rơi xuống nước, vừa may tiểu chất nhìn thấy, lập tức cứu lên bờ ạ.”
“Hả? Diệu nhi đang yên đang lành sao con lại rơi xuống nước vậy? Mau tới đây để ta nhìn một cái xem nào!” Phụ thân vừa nghe lập tức kéo ta tới trước mặt xoay trước xoay sau ngó trái ngó phải một hồi, xác định ta không có việc gì mới cực kì nghiêm túc nói với ta: “Còn không mau cảm tạ ân công!”
Ta mặt mày tối sầm, nếu không phải tại đám cô nương nhao nhao chen chúc loạn cả lên đòi xem mặt vị Tống tam thiếu gia này thì ta làm sao mà bị đẩy cái “bùm” xuống nước được? Thời buổi nay kẻ gian lộng quyền, đầu xỏ gây tai họa cũng biến thành ân công…
“Còn đứng ngây ra đó làm gì! Con còn chưa mau qua đây cảm tạ!” Phụ thân vỗ vỗ vào lưng ta thúc giục.
Thôi được rồi, đuổi được cái tên tiểu bạch kiểm này đi càng sớm chừng nào thì càng tốt chừng ấy, ta cúi người rất trịnh trọng: “Diệu nhi xin cảm tạ ơn cứu mạng của Tống công tử.”
Vị Tống tam kia cười híp cả mắt, thấy ta miễn cưỡng hành lễ cũng nhiệt tình đáp lại, vội đỡ lấy tay ta, ngăn ta hành lễ, vẻ mặt hưởng thụ nói: “Thẩm tiểu thư không cần đa lễ.

Đây là việc Tống mỗ nên làm mà.” Sau đó quay lại nói với phụ thân ta: “Thẩm bá bá, hôm nay tiểu chất đến đây không vì mục đích nào khác chính là muốn hướng ngài cầu hôn.”
Vì vậy ta lại bị sặc một ngụm trà nữa.
Vị Tống công tử kia cũng không thèm ngoảnh lại nhìn ta, mặt mày hớn hở say sưa nói: “Lại nói, tiểu chất cùng Thẩm tiểu thư cũng được coi là thanh mai trúc mã, năm đó Thẩm bá bá tổ chức đại thọ tám mươi cho cụ cố tổ, tiểu chất may mắn được phụ thân dẫn đến đây chúc mừng, ngày ấy ở trong viện tiểu chất đã nhìn thấy Thẩm tiểu thư, nhớ lại hình bóng mỏng manh tinh tế như cành mai cầm trong tay một cây kẹo hồ lô đỏ tươi của Thẩm tiểu thư lúc ấy, hình ảnh ấy thật sự rất thanh khiết và đáng yêu, khiến cho Tịch Viễn vừa thấy đã khắc sâu vào tâm trí, không sao có thể quên được, đến nay ký ức vẫn còn mới mẻ như mới xảy ra hôm qua thôi.”
Ta đột nhiên cảm thấy choáng váng, trong đầu hiện lên một đống Khuất đại phu đứng xếp thành hàng dài, lần lượt từng người từng người nhảy tõm xuống sông…
Thanh mai trúc mã… Thằng cha này, thiệt biết cách làm người ta “nghẹn ngào” không biết nói thế nào mới phải đây?
Đã thế nói cái gì không nói hắn lại chọn ngay đại thọ tám mươi tuổi của ông nội ta mà nói, lúc ấy ta bất quá mới chỉ có ba tuổi, hoàn toàn chỉ là một tiểu nha đầu tròn tròn mũm mĩm chớ gì mà mỏng manh tinh tế như cành mai! Còn Tống Tịch Viễn nhìn bộ dạng xem chừng cũng chỉ hơn ta vài ba tuổi chứ mấy, một đứa trẻ mập mạp sáu tuổi gặp một đứa trẻ mập mạp khác ba tuổi cầm kẹo hồ lô ấy thế mà có thể xuân tâm nở rộ ư?!
Rốt cuộc là do hắn trưởng thành quá sớm hay là do chuỗi hồ lô trong tay ta lúc ấy quá hấp dẫn khiến cho hắn điên đảo đến mất hồn như vậy, ta không khỏi trầm ngâm suy nghĩ.
Tống Tịch Viễn hiển nhiên không thấy ta trầm tư suy nghĩ sâu xa đến nỗi cơ mặt cứng ngắc lại nên hắn tiếp tục nói: “Cho đến tận ngày hôm qua, khi tiểu chất nhảy xuống sông Vấn Thủy cứu tiểu thư lên bờ, thấy rõ dung nhan của tiểu thư hết sức quen thuộc, gặp gỡ lần này mà lại có cảm giác thân thiết như thể đã gặp qua trăm ngàn lần, sau đó trở về, tiểu chất ngày cũng như đêm lúc nào cũng âu sầu thương nhớ, trong mộng chỉ thấy hình bóng của tiểu thư, Thẩm tiểu thư đúng là người kiếp trước đã cùng Tịch Viễn định khế ước giai nhân trước đá tam sinh!”
Ta… hối hận rồi, bao nhiêu thứ trong bụng sắp ói ra đến nơi rồi, biết thế này lúc đó sao không ôm theo một tảng đá bên người để dứt khoát chìm nghỉm dưới lòng sông cho rồi….
Tống Tịch Viễn vẫn tiếp tục dạt dào nói những lời có cánh, vẻ mặt thẳng thắn mãn nguyện khiến cho người ta vô cùng khinh bỉ: “Tịch Viễn đối với Thẩm tiểu thư có thể nói là gặp gỡ lần đầu mà đã quen thân, gặp lại càng thêm rung động!”
Phụ thân quả nhiên cũng không thể nghe thêm được nữa, bàn tay đập đét xuống mặt bàn một cái, quyết đoán nói: “Hiền chất không cần nhiều lời!”
Nói rất hay! Phụ thân thực sự nên một chưởng đánh chết tên tiểu tử này đi, ta cảm giác được thức ăn trong bụng từ ngày hôm qua đang ùng ục sôi trào đều muốn nôn mửa ngay ra ngoài rồi.
Phụ thân lại nói: “Đây nhất định là duyên phận! Vì hiền chất đã cứu sống Diệu nhi, ân tình sâu nặng này lão phu hôm nay đền đáp đầy đủ bằng cách gả Diệu nhi cho ngươi! Mong rằng hiền chất sẽ không ghét bỏ Diệu nhi vì đã từng hứa gả cho Bùi đại nhân.”
Hả??????
“Sao lại có thể ghét bỏ được cơ chứ, tiểu chất chỉ hối hận, hối hận bản thân mình sao không cầu hôn Thẩm tiểu thư sớm hơn hai năm, để Thẩm tiểu thư vô duyên vô cớ chịu nhiều tủi thân oan ức ở Bùi gia…” Tống Tịch Viễn lại nhìn ta, vừa thương xót vừa bi ai, bộ dạng hận lúc đó không thể thay ta gả cho Bùi Diễn Trinh.
Ta cảm giác được ngày mình thành tiên cũng không còn xa nữa…
Vì ngay sau đó, cửa nhân duyên thứ hai của ta liền cứ như vậy rối tinh rối mù đánh bậy đánh bạ mà thành.
Tống Tịch Viễn, cái tên này ngày thường nhìn cũng tàm tạm, dáng vẻ phong lưu phóng khoáng, quý công tử trẻ tuổi tiền nhiều, chỉ cần hắn không mở miệng ra thì ta cũng miễn cưỡng có thể chịu được, nhưng hễ cứ mở miệng là một tràng giang đại hải khiến ta không thể nào chịu siết, đành phải âm thầm lẩm nhẩm mặc niệm “Khuất đại phu phù hộ… Khuất đại phu phù hộ…” trên dưới một trăm lần trong lòng.
~~~~~o0o~~~~~
Chú thích
[1]Vấn Thuỷ: tên sông ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
[2]Nghịch thủ: Một giống chim ở nước, giống như con lô tư mà lông trắng, tài liệng không sợ gió, người ta thường vẽ hình nó ở đầu thuyền cho nên gọi cái thuyền là nghịch thủ 鷁首.

Có khi viết là dật thủ 艗首.
[3]Khuất Nguyên, tên Bình, biệt hiệu Linh Quân (340 TCN – 278 TCN) là một chính trị gia, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng của Trung Quốc.

Ông là người trong hoàng tộc nước Sở, làm chức Tả Đồ cho Sở Hoài Vương.

Ông học rộng, nhớ dai, giỏi về chính trị, lại có tài văn chương.

Lúc đầu ông được vua yêu quý, sau có quan lại ganh tài ông, tìm cách hãm hại.

Vua Sở nghe lời gièm pha nên ghét ông.

Ông âu sầu, ưu tư viết thiên Ly Tao để tả nỗi buồn bị vua bỏ.
Nguồn gốc của tết Đoan Ngọ:
Truyền thuyết Khuất Nguyên: Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên.

Ông là vị trung thần nước Sở và còn là nhà thơ, nhà văn hoá nổi tiếng của Trung Quốc.

Tương truyền ông là tác giả hai bài thơ Ly Tao và Sở từ, nổi tiếng trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong với hoạ mất nước.

Do can ngăn vua Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 5 tháng 5.

Dân làng ở đó đã mang những thuyền đến giữa dòng sông để cố gắng cứu vớt nhưng không thành.

Để cho cá và các linh hồn của ma quỷ không lại gần được thi thể của ông họ đã đánh trống và vẩy nước bằng các mái chèo của họ.

Sau đó để tưởng nhớ, tỏ rõ sự tiếc thương một người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh xuống cúng Khuất Nguyên.
[4]nguyên chỉ dư luận có sức mạnh ghê gớm, sau nói trăm người ngàn ý, xấu tốt lẫn lộn
 
------oOo------


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui