Chuyển ngữ: Tiểu Dạ a.k.a Mốc
Hai ngày sau, ông chủ Tần liên tục tới hỏi ý ta, theo cách nói của ông ấy, thì vị khách quan kia thành tâm hỏi ý kiến, nguyện trả giá cao để gánh hát biên soạn lại vở kịch kia thành kết thúc vui vẻ hòa thuận.
Ta cho rằng chuyện này rõ thật hoang đường, thiên hạ đều đã có được trong tay, hà tất phải so đo với một vở kịch lưu truyền trên phố? Bèn không thèm để ý.
Cách một ngày ta nhận được thư của Tống Tịch Viễn do chim bồ câu đưa đến: “Sắp trở về, chớ hoảng.
Không được bước chân ra khỏi nhà.”
Cơ hồ bước trước bước sau, chỉ kém nửa ngày, thư của phụ thân cũng tới: “Đang tìm cơ hành sự, đoạt lại cháu trai.”
Vốn vì chuyện lướt qua vai Tiêu Nhi mà lòng buồn vời vợi, cộng thêm sợ bị Nhiếp chính vương phát hiện, mấy ngày nay ta ngồi hay nằm đều trằn trọc không yên, một phong thư ngắn ngủi của phụ thân, chỉ vỏn vẹn vài chữ mà khiến lòng ta khoáng đạt thư thái, trong lúc suy tư, đột nhiên nảy ra một kế.
Lần này Nhiếp chính vương rời kinh có lẽ không muốn gióng trống khua chiêng để mọi người biết, người ta phái đi dò la báo lại, nói rằng y vẫn chưa đặt chân vào hành cung Viên Hữu dưới chân Mang Sơn, mà âm thầm ở trong một khách điếm gần Đức Hưng tửu lâu.
Trong thành Lạc Dương ngoại trừ tin đồn tiểu thế tử thất lạc, hình như cũng không ai biết Nhiếp chính vương đã lặng lẽ vào thành.
Quan phủ vẫn đang tìm kiếm đứa trẻ tóc trái đào, đủ thấy quan viên địa phương Lạc Dương còn chả hay biết gì cả.
Xưa nay y luôn thừa hành “đại ẩn ẩn vu thị”, khách điếm là chốn ngư long hỗn tạp khách tới khách lui, có lẽ để che đậy tai mắt người khác.
Nhưng, đã là chốn ngư long hỗn tạp, thừa nước đục thả câu là cơ hội không thể tốt hơn.
Hiện giờ y đã tìm thấy Tiêu Nhi, đợi ít hôm nữa đâu lại vào đấy thì sẽ rời khỏi thành Lạc Dương, cơ bất khả thất thời bất tái lai, [1] hành sự không nên chậm trễ, tối nay ra tay chính là thời cơ tốt nhất! Ta lập tức đem những dự tính trong lòng nói cho mấy tên gia đinh Tống Tịch Viễn lưu lại mà thực chất là tử sĩ, sau một canh giờ, bản đồ phòng trọ của Duyệt Phúc khách điếm đã trình trước mặt ta.
Chuyến này Nhiếp chính vương dẫn theo mười tám người, Vương gia và Tiêu Nhi ở một phòng, Tiêu Nhi ở phòng trong, còn Vương gia ở phòng ngoài, ngoài ra thị vệ chia nhau ở trong bốn phòng trái phải trước sau, quây kín thành một chiếc thùng sắt.
Vả lại những thị vệ này toàn là cao thủ, mà bản thân Vương gia thân thủ cũng phi phàm, nếu để tử sĩ lẻn vào đối đầu trực tiếp, thì không có cơ thắng, chỉ có thể nhân lúc hỗn loạn mà thôi.
Đã muốn gây rối loạn, có một phương pháp tất nhiên không thể hay hơn…
Phóng hỏa!
Nhưng, ta chỉ muốn đoạt lại Tiêu Nhi, không muốn đả thương người.
Hỏa này phóng thế nào, do ai phóng, phóng chỗ nào, mỗi một bước đều phải suy tính kỹ càng.
Quan trọng nhất chính là làm thế nào dụ Nhiếp chính vương rời khỏi Tiêu Nhi.
Vừa nghĩ tới đó, bỗng nhớ tới vở kịch thần tiên kia.
Kỳ thực kịch bản đã sắp sẵn một kết thúc hạnh phúc viên mãn rồi, chẳng qua ta không muốn diễn mà thôi, nếu Nhiếp chính vương đã cố chấp muốn sửa đổi kết thúc, vậy thì thỏa mãn ý nguyện của y đi.
Tới tối, ông chủ Tần được lời của ta vui mừng hớn hở đi trả lời người nọ, cũng mời y tối nay tới Đức Hưng lâu xem vở kịch mới dàn dựng, xem có hợp với ý nguyện của y không.
Dùng nó làm mồi chẳng biết có dụ y rời đi được không.
Mà ngày ấy nhìn thái độ của y khi biết Tiêu Nhi muốn ở lại gánh hát học diễn kịch, tuyệt đối không tán đồng, có lẽ nếu y đi xem nhất định sẽ không đưa Tiêu Nhi đi theo.
Tiêu Nhi giống ta, thích đồ ngọt, đặc biệt là điểm tâm, trước kia hàng tối sau khi Tiêu Nhi ăn cơm tối xong, khoảng chừng sau đó một canh giờ ta luôn bảo đám a hoàn đưa một đĩa điểm tâm mềm xốp tới sương phòng, Tiêu Nhi còn có thể ăn hai ba khối điểm tâm xốp giòn, các di nương nói như vậy không tốt, sẽ làm răng trẻ con bị sâu, ta cũng từng thử không cho Tiêu Nhi ăn điểm tâm buổi tối nữa, Tiêu Nhi rất ngoan ngoãn, không quấy phá, nhưng đôi mắt nó rơm rớm khó nén thất vọng, làm ta không nỡ, chưa đầy hai ngày liền khôi phục lại.
Hai năm qua, không biết thói quen này của Tiêu Nhi đã sửa chưa.
Nếu chưa sửa thì vừa hay, tới lúc đó bảo tử sĩ giả trang thành tiểu nhị trong điếm đưa bánh ngọt tới, trong điểm tâm có kẹp tờ giấy ta tự tay viết, Tiêu Nhi thông minh lanh trí, biết chữ từ khi còn rất nhỏ, chắc chắn xem sẽ hiểu.
Vả lại, Tiêu Nhi mặc dù tuổi nhỏ đã khôn ngoan, nhưng cũng rất cảnh giác láu cá, nếu không phải tờ giấy ta tự tay viết nhất định không chịu phối hợp.
Một khi nó giãy giụa chống cự, tất sẽ thu hút sự chú ý của thị vệ canh cửa.
Cho nên, chuyện chiếc bánh ngọt này rất quan trọng.
Trong gian phòng đó có một cái cửa sổ ở đằng sau, vì lầu cao mà cửa sổ lại dốc, Vương gia có lẽ không cho rằng Tiêu Nhi dám trèo xuống từ cửa sổ đó, cho nên bên dưới cũng không bố trí phòng thủ.
Tới lúc đó tử sĩ sẽ leo lên chờ bên ngoài cửa sổ, chỉ đợi Tiêu Nhi nhìn thấy tờ giấy mở cửa sổ chui ra, lập tức bế Tiêu Nhi rời khỏi đó, nhân tiện phóng hỏa trong phòng.
Trong phòng Tiêu Nhi xảy ra hỏa hoạn, khách điếm đại loạn, thị vệ Vương gia dù trấn tĩnh cỡ nào, chắc chắn sẽ không nghĩ ra trước tiên phải tới hậu viện để điều tra, nhất định là sẽ nhảy vào trong phòng Tiêu Nhi tìm kiếm nó.
Những tử sĩ bảo vệ Tiêu Nhi lúc đó sẽ nhân lúc trời tối hỗn loạn lặng lẽ đưa Tiêu Nhi rời khỏi khách điếm mà không bị phát hiện.
Kế hoạch này vòng vèo kết nối móc ngoặc với nhau, nếu ở giữa có một vòng chệch khỏi dự liệu của ta, thì tất xảy ra sơ sót sắp thành lại bại.
Sự tình liên quan tới Tiêu Nhi ta yên tâm cỡ nào, cuối cùng lại coi thường lời khuyên bảo trong thư của Tống Tịch Viễn, trà trộn trong đại sảnh tầng trệt khách điếm, vờ uống trà nhưng thực ra đang quan sát tình thế.
Nhưng, ta đã xui xẻo nhiều năm rồi, vận xui đã đạt tới trình độ cực cao ngay cả ông trời cũng không dám xem lướt, cuối cùng rủ lòng thương xót, chuyến hành sự này thuận lợi không ngờ, mỗi một bước đều như dự tính của ta, không mảy may sai sót.
Đến khi nhìn thấy ánh lửa bừng lên từ cửa sổ lầu hai, mũi bắt đầu sặc khói, trái tim treo lơ lửng nơi cổ họng cuối cùng cũng quay về lồng ngực, mới hơi yên lòng.
Những ngày gần đây trời khô hạn, đã mười ngày không mưa, đúng dịp trời hanh vật khô, lưỡi lửa kia nhảy khỏi phòng Tiêu Nhi liếm thẳng xà nhà, thang gỗ, lan can chạm trổ, xuôi theo gió tây nhanh chóng lan rộng.
Vì ta chọn thời gian hành sự không phải lúc đêm khuya, lúc này chưa tới giờ Tuất, khách trọ đều chưa đi ngủ, ngửi thấy mùi cháy khét nồng nặc như vậy, đều chen lấn tông cửa xông ra ngoài.
Nhất thời trong điếm đại loạn.
Thị vệ canh giữ ngoài phòng Tiêu Nhi cùng với những người ở mấy phòng chung quanh quả nhiên dốc toàn lực xông thẳng vào trong phòng Tiêu Nhi, không hề nghi ngờ đi tìm kiếm chỗ khác.
Ta thấy sự đã thành, liền lôi từ trong tay áo một chiếc khăn nhúng vào nước trà, bịt kín mũi miệng theo hai ba người đang chạy bạt mạng rời khỏi điếm.
Ai dè, vừa đến cửa điếm, suýt nữa đâm đầu vào một người, khi ngẩng đầu nhìn kỹ, đúng khoảnh khắc đó, ta như thấy một đạo sấm sét giáng thẳng vào thiên linh cái nơi chóp trán, một luồng khí lạnh từ lòng bàn chân chảy ngược lên trên, lạnh thấu xương, tức thì toàn bộ hô hấp tắc nghẽn, trong tai vang lên một tiếng trầm đục, trước mắt trắng xóa.
Thì ra, ông trời chưa bao giờ tính thiên vị ta…
“Vương… Chủ thượng cẩn thận!” Thị vệ đứng bên cạnh chìa tay đỡ lấy người nọ.
Sắc mặt người nọ trắng bệch, đôi mắt đen lay láy ngập tràn lo lắng, lướt qua mặt ta mà như không thấy nghiêng người sang một bên: “Mau, đỡ ta vào trong!”
“Tuân lệnh!” Thị vệ kia chìa tay tách ta ra, không mấy để ý đỡ cánh tay người nọ bước vào trong điếm.
Ta bị vận xấu vận may đột nhiên nối đuôi nhau ập tới làm cho hoàn toàn ngơ ngác, trong ánh lửa, nhìn người nọ lướt qua vai ta mà không thể tin nổi, nhìn không chớp mắt.
Y thấy ta? Y không thấy ta?
Ánh lửa ngút trời, sáng rừng rực rọi khắp bốn phía rõ như ban ngày, ta cúi đầu nhìn tay mình, những đường chỉ tay rất mảnh ban ngày không thấy rõ giờ phút này dưới ánh lửa chói lọi đã không còn chỗ trốn, vô cùng rõ ràng… Huống chi là một người ngay trước mặt mình? Một người chết đáng ra đang nằm trong quan tài.
Trừ phi…
Ta quay đầu, nhìn xuyên qua đám người hỗn loạn, chỉ thấy trong phòng ăn khách điếm Triển Việt dẫn mấy tay thị vệ vội vã đi từ trên lầu xuống ôm quyền nói với y gì đó, sắc mặt y trầm xuống, mở miệng nói một câu.
Ta đứng đối diện y, nhìn khẩu hình đó, chỉ có ba chữ: “Tìm cho ta.”
Nháy mắt thị vệ lại tản ra khắp mọi ngóc ngách khách điếm bắt đầu tìm kiếm, bao gồm cả hậu viện.
Chỉ có một thị vệ đứng cạnh bảo vệ y.
Chợt thấy Vương gia quay đầu nói với hắn câu gì đó, thị vệ kia do dự giây lát rồi cũng lĩnh mệnh rời đi.
Chỉ còn lại một mình Nhiếp chính vương đứng giữa đại sảnh, mày cau chặt, sắc mặt tái xanh, dường như lo lắng muôn phần nhưng không thể tự mình xuất trận, tay chậm rãi nắm chặt thành quyền đấm xuống chiếc bàn vuông bên cạnh.
Tiểu nhị đang chạy qua chạy lại như con thoi trong phòng ăn khách điếm gánh nước dập tắt lửa, thấy toàn bộ người trong khách điếm đều đã rời đi, chỉ có mình y không hiểu sao đứng giữa đại sảnh, bèn đến gần hình như khuyên y rời đi, bị y từ chối thẳng thừng.
Tiểu nhị kia lắc lắc đầu chẳng thèm để ý đến y nữa, nhấc thùng lên chạy đi xách nước.
Ta cứ thế đứng ngoài cửa cách y cả sảnh đường, đối diện y mà y như không hề thấy ta, hai mắt nhìn thẳng phía trước, đôi đồng tử đen lay láy như mực, trông như điểm sơn, khí thế bức người.
Nhìn kỹ, lại trống rỗng sâu không thấy đáy, hoang vu không một vật.
“Meo…” Một bóng trắng không biết từ đầu nhảy tót lên, nổi bật giữa mảng đỏ rừng rực.
Chớp mắt, bóng trắng kia nhào thẳng vào lòng người nọ.
Người nọ run rẩy toàn thân, đưa tay sờ cái râu ngắn cũn cỡn trên má con mèo trắng, thốt lên “Tiêu Nhi!” rồi quay phắt người, bước về phía con mèo con vừa bổ nhào tới.
Dọc đường nghiêng nghiêng ngả ngả, đụng vào cái bàn vấp phải cái ghế đâm vào góc tường… Như một đứa trẻ con loạng choạng tập đi, chỉ dựa vào đôi bàn tay thon dài trắng ngần lần mò…
Không nhìn thấy! Y không nhìn thấy gì hết…
Đôi mắt mất đi ánh sáng?!
Ý nghĩ này đột nhiên ùa vào lòng, đầu ta chớp mắt trống rỗng…
Khi hoàn hồn lại, y loạng chà loạng choạng đẩy cửa một gian sương phòng, một luồng khói bụi cuồn cuộn thoát khỏi sự trói buộc xô cửa lao ra, ánh lửa nhảy múa hư hư ảo ảo, y lại không hề do dự nhấc chân bước vào trong đó.
Ta nhắm mắt, xoay người định đi, bước vội hai bước, nhưng cuối cùng dừng chân lại.
Ta chỉ muốn tìm về con trai mình, không muốn đả thương người, huống chi lại là một người mù… Dù sao y cũng không thấy ta, cắn chặt răng, ta xoay người lại, nhảy vào gian phòng ánh lửa hừng hực đó.
Trong phòng khói bụi phả thẳng vào mặt khiến ta gần như không thể mở mắt, đợi ta gắng gượng thích ứng mở mắt ra, đã thấy người nọ vừa hô “Tiêu Nhi!” vừa muốn vươn tay chạm vào một chiếc tủ bị lửa thiêu hừng hực.
Lòng ta kinh hãi, bước nhanh tới trước túm lấy khuỷu tay y, hai tay cầm chặt cánh tay y muốn lôi y ra khỏi chỗ nguy hiểm này, nào ngờ y chẳng hề cảm kích, thoáng cái giãy khỏi tay ta, cảnh giác nói: “Ai vậy?” Tay còn lại chớp mắt đã đặt bên thân, hình như vận lực chờ tấn công.
Giờ ta mới nhớ ra, y luôn mang ám khí bên mình, người mù lỗ tai rất thính, mặc dù y không thể nhìn thấy, nếu muốn ném ám khí dồn ta vào chỗ chết chẳng qua chỉ là một cái nhấc tay.
Mà ta không thể mở miệng, một khi mở miệng y nhất định sẽ nghe ra manh mối.
Nhất thời rơi vào thế khó xử, ngẩng đầu chợt thấy một thanh xà ngang bị lửa thiêu đứt, lung lay chực đổ sắp sửa rớt xuống.
Ta không rảnh nghĩ nhiều, túm chặt tay y dùng toàn bộ sức lực kéo y qua đây.
Xà ngang rớt xuống rầm rầm, sượt qua người hai chúng ta, nện thật mạnh xuống mặt đất, một tràng tiếng ầm ầm vang lên.
Người nọ cầm lấy tay ta hơi cứng lại, bỗng dưng vặn ngược tay ta lại, gần như muốn nghiền nát xương tay ta, có lẽ vì tiếng động lớn kinh người thình lình xảy ra kia.
“Ngươi là ai?” Câu chất vấn sắc bén cùng tiếng lửa lép bép lại truyền tới, chân y như mọc rễ cắm sâu vào lòng đất, dáng vẻ trang nghiêm nếu không có được câu trả lời yên lòng đầy thuyết phục thì tuyệt đối không dời nửa bước, sắc mặt càng tái nhợt, gần như trong suốt.
Ta nhất thời nôn nóng không biết phải làm sao, đành lật bàn tay y, dùng đầu ngón tay viết vào lòng bàn tay: “Tôi bị câm.”
“Câm…?”
Nhìn sắc mặt y, hoàn toàn không biết y tin hay không tin.
Chỉ cảm thấy khi ta thu bút lòng bàn tay y hơi run run, nhưng chân vẫn không chịu nhúc nhích.
“Con! Ta muốn tìm Tiêu Nhi!” Giọng y khàn khàn, lời nói vừa nôn nóng vừa cố chấp.
Chẳng còn cách nào khác, ta đành viết vào lòng bàn tay y: “Chỗ này không có ai.” Viết xong ta mặc kệ y đồng ý hay không, cắm cúi kéo tay y rời khỏi đó.
Lần này, y không phản kháng nữa, có lẽ y tin, mặc ta nắm chặt tay y dắt ra ngoài.
Ta sợ đụng độ Triển Việt, dẫn y ra cửa sau khách điếm, vừa cẩn thận lách qua những chướng ngại vật trên cầu thang góc nhà, vừa sợ y không nhìn thấy đường bị vấp, băng qua con hẻm, cách Đức Hưng lâu khoảng chừng trăm bước, xác nhận chỗ này an toàn không còn gì đáng ngại, muốn buông tay y ra.
“Ngươi…” Không biết y định nói gì, vội vàng mở miệng, nhưng có lẽ vừa rồi bị sặc khói trong khách điếm, cổ họng khó chịu, lời vừa rời miệng bắt đầu ho khù khụ.
Ta thấy y cau chặt mày ho rất khó chịu, quyết định tiễn Phật tiễn tới Tây Thiên, bèn chìa tay ra vỗ vỗ lưng y, muốn giúp y thuận khí.
Vừa vỗ hai cái, ngay lập tức, tay bỗng khựng lại dừng giữa không trung.
Đằng đó, Tống Tịch Viễn chẳng hiểu đã đứng đấy từ bao giờ nét mặt phong trần mệt mỏi, trên cẩm bào nhuốm đầy bụi đen không còn nhận ra màu gốc, áo bào bị lửa đốt rách mấy lỗ trông vô cùng nhếch nhác, trong tay là một thanh lợi kiếm, nhíu mày mím môi đứng cách ta chừng năm bước có dư, thần sắc cổ quái nhìn ta trừng trừng.
Bỗng nhiên, khóe miệng y nhênh nhếch đầy mỉa mai, quay đầu sải bước rời đi.
Ta im lặng cúi gằm đầu, Nhiếp chính vương đứng bên cạnh chẳng hiểu từ lúc nào đã ngừng ho lặng lẽ cầm lấy tay ta.
Đột nhiên, cảm thấy cổ tay còn lại bị siết chặt, Tống Tịch Viễn vừa rời đi chẳng biết từ lúc nào đã lộn trở lại, một tay cầm kiếm, một tay túm chặt lấy tay kia của ta, không nói không rằng lôi ta đi.
Một thoáng giằng co.
Nhiếp chính vương hai mắt trống rỗng, phản chiếu ánh lửa xa xăm, nhưng dường như có một ngòi lửa ẩn trong đáy mắt chậm rãi thức tỉnh, lòng bàn tay lạnh ngắt, rịn đầy mồ hôi, có lẽ y lo lắng tìm không thấy Tiêu Nhi, nên vô thức nắm chặt tay trái ta.
Tống Tịch Viễn vẻ mặt ngang bướng, nhìn thẳng vào mắt ta, khóe miệng nhênh nhếch, đôi môi khô khốc, nứt ra mấy đường, lòng bàn tay nóng bỏng sắp bốc cháy, lực nắm tay phải ta càng lúc càng mạnh.
Xa xa không biết trẻ sơ sinh nhà ai giật mình tỉnh giấc lúc đêm khuya, tiếng khóc nỉ non cắt bầu trời đêm, thể hồ quán đỉnh [2] đánh thức ta khỏi cơn bóng đè, ta lắc lắc tay trái, muốn thoát khỏi sự kiềm chế của Nhiếp chính vương.
“Đừng đi…” Nghe thấy y mở miệng ngăn lại, giọng nói không hiểu sao lại kích động hoảng hốt.
Sao lại không đi? Chẳng lẽ đợi Triển Việt tới tìm y vạch mặt ta sao? Chẳng lẽ đợi y đoạt lại Tiêu Nhi của ta?
Ta sốt ruột hung hăng giẫm lên bàn chân y, nghe thấy y bị đau hít một hơi lạnh, nhân lúc lực trên tay hơi lỏng, ta giật mạnh tay trái mình ra, nào ngờ y vẫn không chịu buông tha, lại với tới, túm lấy tay áo ta.
Trên tay dùng lực, chỉ nghe thấy “Xoẹt!” một tiếng vải xé rách vang lên, trong lúc giằng ra lại xé rách một đoạn cổ tay áo, tay trái nhất thời thoát khỏi gông cùm xiềng xích, vì dùng lực quá mạnh, chúi người về bên phải té nhào vào người Tống Tịch Viễn.
Tống Tịch Viễn lạnh lùng liếc ta một cái, vòng qua eo ôm ta lên, nhảy vài cái đã hòa vào màn đêm…
~~~~~o0o~~~~~
Chú thích:
[1] Cơ bất khả thất thời bất tái lai: chỉ thời cơ hiếm có, phải nắm thật chắc, không thể để mất.
[2] Thể hồ quán đỉnh: dịch nghĩa tưới sữa tươi lên đầu, trong phật giáo Phật giáo có nghĩa là: truyền thụ trí tuệ; giúp người triệt để giác ngộ hay chợt có giác ngộ.
------oOo------