Chuyển ngữ: Tiểu Dạ a.k.a Mốc
“Vị phu nhân này có gì phiền lòng sao?”
Ai dè, ngay sau đó a hoàn đi cuối đột nhiên quay đầu, nhìn ta hầu như muốn hòa làm một thể với tảng đá.
Hai người đi trước đương nhiên cũng ngừng bước.
Dù trong tuyệt cảnh vẫn ngoan cố chống cự, ta không trả lời a hoàn kia, chỉ hận không thể chặt chân thoát hiểm, chắp cánh bỏ trốn, lực cánh tay càng lúc càng lớn.
Không ngờ khi cơn đau đớn do mài mạnh mắt cá chân vào đá trôi qua, chợt cảm thấy man mát, thì ra ta đã rút được chân ra một cách thần kỳ.
Ta thản nhiên dùng tà váy che mắt cá chân, điềm nhiên như không dắt Tiêu Nhi đi, ngẩng đầu cười dịu dàng vẫy tay với a hoàn xinh xắn kia.
rồi dẫn Tiêu Nhi tiếp tục xuôi theo sơn lộ tiến về phía trước.
Dù trên mặt vờ như thiên hạ thái bình, chân bước cũng từ tốn khoan thai không nhanh không chậm, có lẽ chỉ có ông trời mới biết ta sợ hãi hoảng hốt tới nhường nào, sống lưng cứng đờ thẳng tắp, tim đập như trống dồn, lòng bàn tay mồ hôi vã đầm đìa.
Đi lên tầm bốn năm bậc đá, nghe thấy một giọng nói thanh thoát lành lạnh hỏi: “Sao vậy?”
Bàn tay nắm lấy Tiêu Nhi bỗng chốc căng thẳng.
A hoàn xinh xắn kia đáp: “Một vị phu nhân dắt con nhỏ lên núi, nô tì thấy sắc mặt phu nhân không tốt, tưởng rằng phu nhân bị vấp chân.”
Y không nói câu gì, cũng không nghe thấy tiếng bước chân rời đi, y trầm mặc trong chốc lát, yên tĩnh tới mức khiến người nghẹt thở.
Không biết lúc này thần sắc người nọ thế nào, có từng hoài nghi? Lòng muốn ngoảnh đầu lại, nhưng không thể ngoảnh lại, cũng không dám ngoảnh lại, chỉ sợ vừa ngoảnh lại sẽ lập tức trúng vu thuật của Ma Vương.
“À~” Cuối cùng y cũng nhẹ nhàng cất lời, “Có vấn đề gì không?”
“Xem ra không có gì đáng ngại, phu nhân nọ đã dẫn con đi xa rồi.” A hoàn cung kính đáp.
Ta nắm tay Tiêu Nhi bước từng bước một trên thềm đá, chân như tượng gỗ vẫn duy trì tư thế thong thả thướt tha giả tạo chậm rãi cất bước, hoàn toàn chẳng hề hay biết mình đã đi tới chốn nào, tai như nhét đầy sợi bông kêu ong ong, Mãi đến khi Tiêu Nhi kéo vạt áo ta, ta mới giật mình dừng chân, đột nhiên quay đầu lại, sơn lộ thanh u, dưới bóng cây rậm rạp um tùm nào có ai, vắng vẻ cô tịch, chỉ còn lại hai cánh hoa mẫu đơn rơi lác đác trên thềm đá xanh, đâu còn nửa bóng người.
Bấy giờ toàn thân ta mới thả lỏng, ngồi xổm xuống ôm chặt Tiêu Nhi, như vừa bừng tỉnh khỏi cơn ác mộng, cảm thấy hạnh phúc có phần không chân thực.
“Mẹ cũng sợ cữu công?”
Ta ngớ ra: “Sợ! Rất sợ…”
Chợt cảm thấy chân nhói đau, ta cúi đầu vén một góc váy lên, giờ mới thấy mắt cá chân mình bị đá sắc cắt chằng chịt, vừa rồi mải dựng một tuyến phòng thủ quanh người nên không mảy may thấy đau, giờ dần dần bình tĩnh lại mới thấy rõ vệt máu chảy ra kia đã đông lại thành màu đỏ sậm.
Người nọ vẫn luôn như vậy, bất luận ta khoác lên mình lân giáp dày cỡ nào, nặng ra sao, phòng bị nghiêm ngặt tự cho rằng đến một giọt nước cũng không lọt, vậy mà sau khi chiến đấu cởi khôi giáp ra mới phát hiện bên trong đã loang lổ vết máu chằng chịt vết thương, y như sở hữu pháp khí thần kỳ, không cần đánh vỡ đâm thủng áo giáp, mà có thể đả thương tới nơi mềm mại sâu kín nhất của đối thủ.
Một đứa con cưng của Ma Vương, người trần mắt thịt như ta có thể không sợ sao?
“Mẹ đừng sợ.
Con có kim bạc, có thể đâm cữu công.” Tiêu Nhi lên tiếng cắt đứt mạch suy nghĩ của ta, từ trong tay áo lôi ra một nắm kim thép dài ngắn dày mỏng không đồng đều đưa cho ta xem, ta nhìn ánh bạc sáng lấp lánh kia, nhất thời chẳng biết nên nói gì.
Sau đó Tiêu Nhi lại lôi từ trong tay áo ra một lọ thuốc trị thương nho nhỏ màu nâu, ngồi xổm xuống, cầm nó trên tay, cẩn thận thoa bột phấn lên mắt cá chân ta.
Tiêu Nhi mới chừng ấy tuổi sao lại luôn mang trong người thuốc trị thương? Ta bỗng túm lấy tay Tiêu Tiêu: “Tiêu Nhi thường xuyên bị thương?”
“Không phải.” Tiêu Nhi ngẩng đầu, khuôn mặt nhỏ nhắn trắng trẻo bụ bẫm lộ vẻ khó hiểu, thấy ta nhìn chằm chằm lọ thuốc trên tay nó, mặt bỗng hiện vẻ khó chịu ương bướng, thu lọ thuốc lại dẩu môi ngoảnh mặt sang chỗ khác.
“Tiêu Nhi.” Ta quay mặt nó lại, nhìn nó: “Nói thật với mẹ.”
Tiêu Nhi cụp mắt nhìn mũi chân mình, sau một lát mới lí nhí ấp úng nói: “Con nếu ban ngày dùng kim bạc đâm cữu công, tới đêm… tới đêm đợi cữu công ngủ say rồi mới bôi chút thuốc…” Giọng nói có vẻ không cam tâm tình nguyện, lời nói có phần khinh thường, coi đó như hành động hàng giặc phản quốc, cuối cùng còn bổ sung thêm một câu: “Một chút, chỉ bôi một chút xíu xíu thôi.”
Nhất thời nỗi lòng ta rối rắm khó diễn tả thành lời, chỉ đưa tay xoa xoa đỉnh đầu Tiêu Nhi…
Đợi đến khi ta khập khà khập khiễng vác cái chân bị thương cùng Tiêu Nhi quay về chùa Bạch Mã, đã xâm xẩm tối, ánh tà dương dát lên ngôi chùa cổ một sắc đỏ u ám, loang lổ mà thê lương, trong chùa từng hàng cây lựu quả lớn sai trĩu cành, chính là “Lựu ngọt Bạch Mã” nổi danh hậu thế.
Ta tiện tay hái một quả ngồi xuống chiếc ghế đá dưới tàng cây chậm rãi bóc vỏ cho Tiêu Nhi ăn, Tiêu Nhi lại không chịu, nhất quyết giành lấy bóc cho ta ăn, ta cười tùy ý nó, nhưng vỏ lựu mỏng hạt lại nhiều, bóc vỏ khó tránh khỏi rơi lả tả trên đất, bèn bảo Tiêu Nhi tới trai phòng trong chùa mượn một cái bát sứ, tránh làm bẩn những viên gạch xanh mà tiểu sư phụ đã quét dọn sạch sẽ.
Trời nhá nhem tối, trong điện vẳng tới tiếng mõ tụng kinh trầm trầm thấp thấp, còn có dư hương từ ngọn nến cháy tàn vấn vít trong chùa, ngửi nhập phế tạng, có loại cảm giác an ủi yên bình mà thiêng liêng, trong lúc đợi Tiêu Nhi lấy bát, ta ngồi dưới cây lựu nhìn đám khách hành hương bái tế cầu nguyện rồi lần lượt rời đi, lòng dẫn tĩnh lặng, có lẽ hôm nay chỉ tình cờ gặp ba người kia, họ cũng giống đám khách hành hương qua lại như mắc cửi này, vì ngưỡng mộ danh tiếng chùa Bạch Mã mà tới hành hương tế bái, vả lại không nghe phong thanh gì chuyện y tới bắt ta hay đoạt lại con.
Nghĩ như vậy, ta chợt cảm thấy mắt cá chân cũng không đau đến vậy, đứng lên đi được hai bước.
Hôm nay, lần trốn thoát hữu kinh vô hiểm hiếm hoi này, không thể không nhắc tới sự che chở của Phật Tổ thần tiên, bái tạ là điều tất nhiên.
Ta vòng tới Thiên Vương điện, châm ba nén hương ngoài cửa điện, bước qua bậc cửa sơn vàng vào trong khấu bái lễ Phật.
Đứng bên hương án là một tiểu hòa thượng tầm tám tuổi, một tay cầm phật châu, một tay gõ kim vu niệm kinh.
Trước hương án, ba cái đệm hương bồ bên trái và hai cái đệm ở giữa đã có khách hành hương quỳ xuống cầu khấn, ta liền chọn một cái đệm bên phải quỳ xuống tham bái.
Bái hai lần, thì thấy vị khách hành hương quỳ ở giữa cạnh ta đã bái xong đứng dậy, chỉ còn lại ta và một vị khách hành hương bên trái.
Ta ngửa mặt nhìn thẳng Phật Tổ nguy nga sừng sững phía trên, lòng thầm khấn vài câu: “Đa tạ Phật Tổ phù hộ”, rồi đứng dậy cắm hương vào lư hương, chắp tay bái hai cái rồi quay người định rời đi, thì nghe thấy tiểu hòa thượng kia nói: “Vị thí chủ này, hương đã cháy hết, chớ để bỏng tay.”
Ta lần theo âm thanh đưa mắt nhìn sang, mới biết vận xấu của mình nhiều đến độ ngay cả Phật Tổ cũng không chở che.
Chẳng biết Nhiếp chính vương đã đi rồi bỗng quay lại từ lúc nào, đang quỳ trên cái đệm hương bồ bên trái kia, đôi tay trắng ngần thon dài chắp một nắm hương thơm, hai ống tay áo trượt tới khuỷu tay rủ xuống, như cánh quạ lẳng lặng nằm rạp xuống.
Gương mặt tựa sứ ngọc phản chiếu ánh nến đang thịnh khắp bốn phía, thành kính tới mức gần như thiêng liêng.
Nắm hương trong tay đã cháy tàn, tro hương lắc rắc trên mu bàn tay, thấp thoáng vài vết bỏng đo đỏ.
“Thí chủ cầu nguyện rất nhiều, tới mức hương đã cháy hết vẫn chưa cầu xong? Sư phụ tôi nói: Cầu nguyện không trọng nhiều, quan trọng là thành ý.
Nhiều mà tham lam, chưa hẳn đã linh nghiệm.” Tiểu hòa thượng kia nói tiếp.
Nghe thấy người nọ hốt hoảng hồi thần, buồn bã nói: “Không nhiều, chỉ có một ý nguyện.” Chợt cười tự giễu: “Chỉ là lặp đi lặp lại nhiều lần, không để ý rằng ngay cả hương cũng cháy hết…”
Ta sững người đứng trước Phật Tổ, như bị ma chú trói thân.
Một vị lão sư phụ mang dầu hạt cải bước vào trong thêm dầu cho Phật đăng, lúc thu hồi chén dầu chậm rãi vân vê chòm râu bạc, nét mặt điềm tĩnh nhìn người nọ, đôi mắt tang thương nhìn thấu thế sự: “Vạn vật trên thế gian đều hão huyền.
Chấp niệm quá sâu chẳng qua là bó buộc chính mình, tự làm khổ mình, liên lụy người liên lụy mình, chưa chắc đã tốt.
Không thể hiểu, không thể ngộ, không thể bỏ, không thể buông, hiểu không thấu, bỏ không được.
Tất cả đau khổ bởi vậy mà sinh ra, như vậy thì sống cũng như chết, nhiều lần đọa xuống ngục A Tì, không thể giải thoát.”
Trong mắt người nọ đầy nét thê lương hoang vu, muôn ngọn đèn vạn ngọn nến nhưng không ngọn nào có thể ánh vào mắt y: “Sư phụ nói rất có lý.
Nhưng, trong trần thế tầm thường, nếu có thể hiểu ‘Không thể hiểu, không thể ngộ, không thể bỏ, không thể buông, hiểu không thấu, bỏ không được’ của mình rốt cuộc là gì thì không phải hạnh phúc chân chính? Ta lại ngu dốt, hai mắt u tối, trộn mắt cá vào châu ngọc, đem ‘Không thể hiểu, không thể ngộ, không thể bỏ, không thể buông, hiểu không thấu, bỏ không được’ của mình hiểu rõ, ngộ ra, từ bỏ, buông tha, hiểu thấu, bỏ được.”
“Tháng năm chợt sắp hết, nhớ nàng người già héo.
Ta vốn ở A Tỳ, nhưng chưa từng đọa ngục…”
“Mẹ, con bóc lựu xong rồi.” Một giọng trẻ con thanh thúy xuyên qua Phật đường tĩnh mịch, xuyên qua hương khói lượn lờ dày đặc, lướt nhanh trong không khí.
Sững sờ trong chốc lát, có người trầm giọng mở miệng: “Tiêu Nhi…? Mẹ…?”
Một làn gió đêm chợt thoảng, phớt qua Tề Vân tháp cổ kính cao vun vút phía đông cửa chùa, Tứ Phương Cung Phật Tháp thờ phụng Xá Lợi nhiều tầng nhiều mái, chuông đồng treo trên mỗi góc mái khẽ đung đưa phát ra tiếng lanh canh, chuỗi chuỗi liên âm, thanh thúy như giọt mưa rơi gõ vào mặt hồ tĩnh lặng gợn sóng lăn tăn.
Có người vội vàng quay đầu lại, lư hương đế nến đèn dầu bị hất đổ từng cái từng cái, rơi vỡ loảng xoảng trên nền đất.
“Là… là nàng sao? Là nàng sao!”
Khoảnh khắc ấy, ma chú chợt rạn nứt, ta lập tức xoay người lại co chân chạy như điên.
Trời đất bỗng quay cuồng, dưới một gốc lựu, có một bàn tay như chiếc kìm sắt từ trên trời rơi xuống siết chặt cổ tay ta: “Là nàng sao?”
Ta điên cuòng cạy bàn tay lạnh lẽo kia ra, vùng vẫy giãy chết.
“Diệu… Diệu Nhi… là nàng thật sao?” Người nọ mạnh mẽ ôm chặt ta vào lòng, ngay sau đó lại dè dặt tới mức gần như kiềm nén, chậm rãi vươn tay ra muốn chạm vào mặt ta, như nói mơ: “Diệu Nhi, nàng còn sống… quả nhiên còn sống, phải không?”
Ta cúi đầu dồn hết khí lực toàn thân cắn cái tay kia, đẩy lồng ngực kia, nghiền cái chân kia, nhưng hoàn toàn uổng công vô ích, người nọ như dây leo bén rễ khảm ta vào lòng, không chịu nhúc nhích dù chỉ một tấc một hào.
Chỉ có một đóa mẫu đơn màu tử đinh hương rớt khỏi tay áo, cánh hoa rơi lác đác trên mặt đất.
“Đừng đi, Diệu Nhi, đừng đi!” Đôi mắt trong veo như nước tới mức gần như hoang vắng không thể phản chiếu kia, lúc này lại cố chấp đem bóng hình hoảng hốt kinh hãi của ta thu hết toàn bộ vào trong đáy mắt, dường như muốn bắt hồn phách của ta, rồi giam cầm trong đôi mắt ấy.
------oOo------