Hàn Môn Trạng Nguyên

Mãi đến khi trời tối sẩm, Thẩm Khê mới được gọi ra ăn cơm.

Thẩm gia không chia ra hộ riêng, phòng phía Tây của gian chính đặt hai chiếc bàn lớn, trên mặt bàn bát tiên vuông vắn phủ một lớp sơn màu đỏ sẫm, có lẽ do thời gian đã lâu, nước sơn đã rất nhạt, chỉ còn lại những vết sơn mờ.

Hai chiếc bàn mộc mạc cũng khá lớn, đừng nói là đám nhóc con, cho dù là hơn hai mươi người lớn ngồi vào cũng miễn cưỡng đủ chỗ.

Hai chiếc bàn này vốn được dùng để bày thêm chỗ khi Thẩm gia mở tiệc đãi khách, hiện giờ Thẩm gia đã suy vi, kiểu sinh hoạt xa hoa đó không còn nữa, toàn bộ bàn ghế còn lại đều được cất vào hậu viện, giờ đây cả nhà miễn cưỡng ngồi vừa hai chiếc bàn là được.

Thẩm gia đông người, ngoại trừ Thẩm Minh Quân cha hắn chỉ sinh ra một người con là hắn, Đại bá, Nhị bá, Tam bá và Tứ bá đều sinh ra cả một đám con gái.

Mới đầu, Thẩm Khê còn cảm thấy hàng ngày có nhiều người như vậy cùng ăn cơm thì có chút kỳ quặc, nhưng dần dà cũng cảm thấy quen. Thẩm gia dù gì cũng mới xuống dốc, cho nên vẫn còn giữ khá nhiều nề nếp quy củ, lúc ăn lúc ngủ không được nói chuyện là nề nếp căn bản nhất, bằng không sao có thể chịu nổi cảnh cả một đám người ồn ào cơ chứ.

Với lại, Thẩm Khê ghét nhất chính là Hùng hài tử, lớn cũng chẳng lớn mà nhỏ cũng chẳng nhỏ, bình thường chảy nước mũi liền chùi vào người bên cạnh, trên người hắn còn không ít vết tích nước mũi sau khi khô liền sáng bóng lên, vậy mà còn phải giả bộ như một đứa trẻ ngây thơ không biết gì.

Vốn dĩ lão thái thái ngồi ghế chủ tọa ở một bàn, Thẩm Minh Văn ngồi ghế chủ tọa bàn còn lại, chỉ là hiện tại Thẩm Minh Văn đã vào Các Lâu nên ghế chủ tọa của bàn đó do vợ của Thẩm Minh Văn là Vương Thị ngồi thay.

Cả gia đình xúm lại ăn cơm, kỳ thật cũng không có điều gì kỳ quặc đáng bàn, duy chỉ có một điều Thẩm Khê cảm thấy không quen chính là khi ăn cơm mà phải chú ý quá nhiều quy tắc, không nói tới việc sắp xếp chỗ ngồi theo thứ tự lớn nhỏ, ngay cả đến động tác đơn giản như gắp rau, ăn cơm mà cũng phải nhất nhất tuân theo nề nếp không được vi phạm.

Sau khi hồn phách xuyên việt, Thẩm Khê lần đầu tiên ngồi vào bàn ăn cơm, do tuổi của hắn nhỏ nhất nên phải đợi tất cả mọi người gắp xong mới đến lượt hắn gắp, chỉ là lần đó đũa của hắn vừa thò ra định gắp đồ ăn, tay hắn liền bị mẫu thân quất cho một cái rõ đau, giải thích cho hắn biết khi ăn phải cơm trước rồi mới đến thức ăn sau.

Đương nhiên, những tiểu tiết tương tự như vậy rất nhiều, Thẩm Khê cũng dần dần quen với những nề nếp này, cho tới hiện tại coi như đã thấm nhuần nề nếp gia phong.

Chỉ là bữa cơm ngày hôm nay có chút không giống thường ngày, trước đây khi ăn cơm không ai nói một lời nào, hiện giờ thì tiếng bàn luận bên tai không dứt, nội dung đều xoay quanh chuyện Đại bá bị đưa vào Các Lâu.

Bàn của Thẩm Khê toàn là phụ nữ và trẻ con, trẻ con chiếm đại đa số, lớn hơn một chút là những đứa mười ba mười bốn tuổi, đối với bộ dạng con nít như Thẩm Khê mà nói căn bản là không thể tranh được. Hơn nữa hôm nay đến lượt mẹ của Thẩm Khê phụ trách bếp núc, không ai giúp hắn gắp thức ăn được, chỉ đành dùng ánh mắt cầu cứu hướng tới vợ của Nhị bá đang ngồi ở bên cạnh.

Có điều nhị bá mẫu lại không hề thông cảm cho hắn chút nào, cứ một mực gắp thức ăn cho con gái của mình, như thể sợ chậm chân là không còn gì để ăn vậy.


Mà sự thực thì… chậm chân đúng là chẳng còn gì để ăn.

Mỗi khi Thẩm Khê ăn cơm đều chứng kiến các vị thúc bá, thẩm thẩm, ca ca, tỷ tỷ của mình như vậy, trong lòng thầm nghĩ: - Hóa ra đoạt đồ ăn cũng có thể tao nhã như vậy, mình cứ thế này thì khẳng định chỉ có thể húp canh thừa mà thôi.

Cũng may Thẩm gia tuy hàng ngày đều là cơm canh đạm bạc, nhưng điều an ủi duy nhất chính là, chưa từng để con cháu trong nhà bị đói, cơm ăn được bao nhiêu thì cứ ăn, đây cũng chính là điều mà Thẩm Khê trông cậy vào để mà tồn tại trong mấy năm qua.

Thẩm gia hay làm nhất là món ăn có tên gọi “Bích thủy Thanh long” nghe rất êm tai, nhưng thực chất chỉ là một nồi nước sôi lớn, ở trong rắc một chút hành thái cộng thêm một chút rau dại, đến muối mà cũng cho vào rất ít.

Ở một thời đại mà không có công nghiệp, kinh tế quốc gia, đặc biệt là nguồn thu ngân sách, muối chiếm một tỷ trọng rất lớn.

Vì vậy, việc sản xuất và buôn bán muối đều do quan phủ lũng đoạn, mỗi cân muối có giá hai trăm văn tiền là cái giá mà không phải bách tính bình thường có thể tùy tiện tiêu xài được. Hàng ngày Thẩm Khê đều phải gắng gượng uống cái gọi là “Bích thủy Thanh long” này, đồng thời trong lòng thầm nhủ, khi nào có tiền, nhất định phải ăn muối cho đã một phen.

Lão thái thái hừ lạnh một tiếng, lật đật đứng lên, tức giận nói:

- Quy củ của tổ tông, cũng chính là lời dạy của thánh nhân, lúc ăn ngủ không được nói chuyện, tất cả im miệng cho ta, có chuyện gì ăn xong rồi nói.

Mọi người nghe vậy, không ai dám nói thêm lời nào. Thẩm Khê đưa lên miệng một cọng mộc nhĩ tươi non, cũng chẳng quan tâm có ngon hay không, nhai nhai vài cái, rồi nuốt vào trong bụng.

Không khí lại yên tĩnh như trước đây, Thẩm Khê là người đầu tiên ăn no, đặt đôi đũa một cách chỉnh tề xuống bên cạnh cái bát, ngồi yên lặng.

Một lát sau, mọi người đều ăn xong, Chu Thị, tam bá mẫu, tứ bá mẫu của Thẩm Khê ở trong bếp, vốn đã miễn cưỡng ăn lửng dạ, nhanh nhẹn thu dọn bát đũa, lau sạch mặt bàn, lúc này mới lần lượt ngồi xuống bên cạnh Thẩm Khê.

Thẩm Khê cười khổ không ngớt, kiếp trước hắn là cô nhi, sau khi có việc làm cũng chưa từng lập gia đình, cả đời chưa biết cái mùi vị của họp gia đình nó như thế nào, lần này thì tốt rồi, hai ba mươi người tập trung lại họp gia đình, coi như là đã được mở rộng tầm mắt.

- Mẹ, nghe nói nhà ta định bồi dưỡng cho một người đi học, có thật vậy không? Nhị bá là một người khá láu cá, hay tranh giành lợi ích, tranh tiên hỏi trước.

Lão thái thái cười dài gật gật đầu nói: - Cái này vẫn phải xem ý tứ của các ngươi thế nào, nếu các ngươi đồng ý, liền cho một đứa nhỏ lên huyện để đi học.


- Mẹ, chuyện này con đồng ý, tuy gia cảnh nhà chúng ta mấy năm nay không được tốt lắm, nhưng cũng không thể để xuống dốc như vậy mãi. Con chưa từng đi học, nhưng cũng hiểu đạo lý muốn ăn thịt gà thì phải ấp trứng, nếu không bồi dưỡng đám tiểu bối, sau này chúng ta sẽ không có ngày ngóc đầu lên nổi, trừ phi đại ca huynh ấy có thể trúng cử, bằng không cả nhà chúng ta sẽ ngày càng xuống dốc… Chúng ta hiện tại chịu khổ một chút, không hề gì. Tứ bá Thẩm Minh Tân tiếp lời nói.

Lão thái thái nghe vậy gật đầu nói: - Đạo lý mà con nói, mọi người đều hiểu, có điều để bồi dưỡng một đứa trẻ thì không phải là chuyện một sớm một chiều, càng kéo dài lâu, chỉ e các con lại oán thán trong lòng. Ta cũng già rồi, sức khỏe yếu đi nhiều, một khi bệnh tật rồi chết đi, mấy đứa các con liệu có thể gắng gượng được không, toàn gia trên dưới liệu có giữ được đoàn kết và hòa thuận hay không, sao có thể biết được đây?

Chu thị tuy là người đanh đá, nhưng lại cực kỳ tôn trọng lão thái thái, chỉ thấy nàng đứng dậy, cung kính nói: - Mẹ, con và nhà con cũng đồng ý, đám nhỏ nếu quả thật là có hy vọng, thân làm trưởng bối chịu một chút khổ cực nào có đáng gì.

Lão thái thái vui mừng nói: - Tốt, các con có ai không đồng ý không? Nếu không có, việc này cứ quyết định như vậy đi!

Mọi người im lặng không nói, lão thái thái thấy vậy có chút vui vẻ: - Thẩm gia vốn là dòng dõi nho gia, gia sản của tổ tiên để lại cũng chỉ còn lại gian nhà lớn này và mấy chục mẫu ruộng, ngoài một chút sách mà tổ tiên để lại, Thẩm gia chúng ta cũng không có tay nghề gì khác, cũng không cần thiết phải đi học những ngón nghề đó.

- Những năm qua, cả nhà sống nghèo khổ, tới đời của Vĩnh Trác, việc đi học gần như bị đứt đoạn, điều này không thể được… Muốn làm quan và nở mặt với đời, cần phải cho đám trẻ đến trường tư học, phải tốn tiền, cho nên nuôi một đứa trẻ đi học là việc không hề dễ dàng! Có điều, nếu không đi học, những sách vở mà tổ tiên truyền lại không có đất dụng võ, tổ tiên trên trời có linh hẳn sẽ không thể yên lòng!

Mọi người vẫn trầm mặc như trước, lẳng lặng nghe lão thái thái nói.

Chỉ thấy lão thái thái lắc lắc đầu, than nhẹ một tiếng nói tiếp: - Ta quyết để lão đại đi thi công danh lần thứ hai, nếu trong vòng sáu năm mà không đỗ, liền ở nhà dạy đám trẻ trong nhà đọc sách, thuận tiện làm chút từ thiện, để cho đám nhỏ trong thôn đến học cùng, biết được ít chữ nghĩa. Mấy đứa dâu các con, tuổi vẫn còn trẻ, hẳn là còn sinh cho Thẩm gia thêm những đứa trẻ khác, sau này được học từ nhỏ, khẳng định có thể khá hơn những đứa trẻ khác…

Nhị bá Thẩm Minh Hữu nói: - Nương thân, con cảm thấy đại ca đích thực có thể thi đỗ đấy, tuy nhiên thế sự vô thường, đám nhỏ trong nhà chúng ta cũng đủ khiến cho đại ca mệt rồi, huống chi lại còn thêm cả đám trẻ con trong thôn suốt ngày lêu lống? Tốt hơn là để đại ca chỉ dạy đám trẻ trong nhà chúng ta thôi, để tập trung tinh lực tốt hơn…

- Hừ!!!

Thẩm Minh Hữu còn chưa dứt lời, lão thái thái đã hừ lạnh một tiếng: - Ta đã nói rồi, Thẩm gia là một gia tộc lớn, tuy rằng chúng ta đây chỉ là một chi tách ra, nhưng một chi tách ra này cũng phải có tính kế thừa, chúng ta từ nay chẳng lẽ chỉ ngang với một dòng họ bình thường thôi sao? Đại tộc phải có phong thái của đại tộc, răng có gãy cũng phải nuốt vào trong bụng, giúp đỡ bà con lối xóm, có gì mà không thể?

- Nương thân, con còn một chuyện không biết có nên nói hay không?

Nhị bá vừa nói xong, tứ bá liền tiếp lời, sắc mặt có chút ngưng trọng, muốn nói lại thôi.


Lý thị không nhịn được nói: - Nói đi, có lời gì cứ việc nói. Nếu hôm nay không nói hết, sau này khó tránh khỏi trong nhà nảy sinh mâu thuẫn!

Tứ bá nghe vậy, bèn hít vào một hơi thật sâu nói: - Nương thân, con trước giờ vẫn không hiểu, thế hệ của đại bá, đám vãn bối chúng con đáng lẽ không nên nghị luận, hơn nữa lão nhân gia cũng đã mất hơn mười năm rồi… Nhưng có một số chuyện không nói ra thì cảm thấy buồn bực trong lòng, chi này của chúng ta nếu đã tách ra rồi thì coi như xong, hà tất còn mang cái mác danh môn vọng tộc làm gì?

- Năm đó tuy con chỉ có hơn mười tuổi, nhưng cảnh tượng nhà chúng ta bị đuổi đi vẫn còn rõ mồn một trước mắt, cả nhà chúng ta, chịu đói chịu khổ, đến một nơi lạ lẫm là thôn Đào Hoa này, mất vài ngày để sửa sang nhà cửa, lại mất hơn nửa năm để khai khẩn đất vườn hoang hóa… Chúng ta nên yên phận làm một nhà nông, sao cứ phải làm Thẩm gia này nọ?

- Nương thân, chúng ta sớm đã tách ra rồi, năm đó, đại bá chỉ trong một đêm tiêu hết cả nghìn lượng vàng, còn chúng ta? Đến gạo còn không có để mà ăn, làm gì có…

- Bang!!!

Thẩm Minh Tân còn chưa dứt lời, liền bị một tiếng đập bàn rất mạnh của lão thái thái cắt ngang, chỉ thấy lão nhân gia run rẩy đứng lên, chỉ vào Thẩm Minh Tân, cương quyết nói:

- Ngươi còn biết mình là con cháu của Thẩm gia sao? Chiếu theo gia quy, chỉ cần dòng trưởng không ra gì, con cháu các chi khác liền có tư cách làm gia chủ của Thẩm gia!

- Hơn nữa chọn con cả hay chọn người tài, xưa nay vẫn đều mâu thuẫn, anh cả con bác ngươi lần trước đích thân tới đây mang roi chịu tội, việc này coi như là cho qua, còn mang hận trong lòng mãi làm gì?

- Đại bá của ngươi trời sinh tính tình phóng đãng, Thẩm gia ở trong tay ông ta đã tan nát cả, nhưng phận làm con cháu như các ngươi, không nên nghĩ tới việc ghi hận ông ấy, mà nên nghĩ tới việc làm thế nào để chấn hưng gia nghiệp của Thẩm gia!

Những lời của lão thái thái nói ra đầy khí phách, mọi người im lặng, không dám nói thêm, Thẩm Minh Tân vội vàng nhận lỗi: - Là con không tốt, sau này con không dám nói những lời như vậy nữa.

- Ngay cả nghĩ cũng không được nghĩ đến nữa, càng nghĩ càng hận, càng nghĩ đến lại càng khó chịu. Lão thái thái mặt lạnh như tiền quát lớn.

Tứ bá mẫu Phùng Thị trừng mắt nhìn chồng mình một cái, vội vàng tiến lên đỡ lấy lão thái thái, vỗ nhẹ phía sau lưng bà nói: - Nương thân, lão nhân gia người đừng nên tức giận nữa, tướng công chàng không phải cố ý khiến nương thân tức giận đâu, người tức giận ảnh hưởng đến sức khỏe thì không hay, mau ngồi xuống, bình tâm tĩnh khí nào.

Lão thái thái cũng không nhiều lời, lại ngồi xuống ghế, nghỉ ngơi trong chốc lát lại rồi mới nói: - Vừa rồi ta đã nói qua, việc tuyển người trong đám trẻ để đi học, các ngươi đừng quá lo lắng, qua vài năm nữa, nếu đại lang không trúng cử, liền trở về dạy học cho bọn nhỏ, còn nếu trúng cử, vậy thì tốt rồi, đến lúc đó sẽ cho toàn bộ bọn trẻ đến trường học.

Thẩm Khê nghe được những lời này, trong lòng cũng không hề vui mừng.

Đợi khi Đại bá thi xong hai lần thi Hương, lúc đó đã là chuyện của sáu năm sau, sáu năm phải sống ở nơi thôn dã này, đến lúc đó mà muốn đi học, thì đã quá muộn rồi.

Lối thoát duy nhất hiện tại chính là phải nắm được cơ hội trước mắt này.


Nhị bá mẫu tròng mắt đảo như rang lạc, hỏi: - Không biết trong lòng mẹ đã chọn ai chưa?

Lão thái thái nghe vậy, khẽ lắc đầu: - Nhân tuyển thì cũng có, nhưng cũng biết các ngươi khó mà chấp nhận, hơn nữa các ngươi đều vô cùng coi trọng chuyện này, lão thái thái ta không thể chuyên quyền, thôi thì cứ để cho các ngươi thảo luận đi, kết quả thế nào nói với ta một tiếng là được.

Lão thái thái dứt lời liền gục đầu xuống nhắm mắt lại, không nói thêm câu nào.

Trong lòng Thẩm Khê lo lắng, không biết trong hồ lô của lão thái thái đang bán thuốc gì, nhưng lại không thể lên tiếng, chỉ đành lẳng lặng ngồi ở trên ghế.

Hiện trường có chút yên lặng một lát, nhị bá mẫu Tiền Thị bèn lên tiếng trước: - Ta thấy ngũ lang nhà ta cơ trí mẫn tiệp, nhất định là người hợp với việc đọc sách.

Lời của bà ta vừa dứt, tứ bá mẫu Phùng Thị liền không vui, lập tức phản bác: - Nhị tẩu à, đám hài tử nhà chúng ta đều rất thông minh, đám trẻ nhà chúng ta không có đứa nào ngốc cả, chị thấy có đúng không?

Tiền Thị nghe vậy, cũng không hề tức giận, cười hắc hắc gật đầu không nói.

Tam bá mẫu Tôn Thị thấy bọn họ có vẻ hòa hợp, trong lòng cuống lên, lay lay ông chồng ở bên cạnh, muốn chồng nêu ý kiến, có điều tam thúc Thẩm Minh Đường tính tình nhút nhát, bảo sao hay vậy, lập tức cười ha hả vài tiếng, gãi gãi đầu: - Đúng! Đúng! Đúng!, nói không sai, trẻ con nhà chúng ta làm gì có đứa nào ngốc…

Tôn Thị ngày thường quả thật nhát gan, nhưng lúc này vì tương lai của con mình, chỉ đành gắng gượng nói: - Ta… Ta cảm thấy tứ lang nhà ta cũng rất tốt, mọi người có thể nhường cho tứ lang nhà ta lên huyện để học không? Chỉ cần tứ lang được đi học, cho dù cả đời này làm trâu làm ngựa cho mọi người, ta cũng không một lời oán hận.

Nhìn bộ dạng tam bá mẫu vốn dĩ nhút nhát mà cũng đỏ mặt tía tai cố gắng tranh luận, trong lòng Thẩm Khê cảm động vô cùng, thật đáng thương cho tấm lòng của cha mẹ trong thiên hạ!

Có điều Thẩm Khê hiểu rõ, không phải là hắn muốn tranh bằng được, bằng vào học vấn của hắn thì chẳng cần phải tranh giành. Nhưng nếu muốn có cơ hội để vươn lên thì phải đi ra khỏi cái thôn này, nếu không thì dù có học vấn thế nào cũng chỉ có thể làm nông, chỉ đành có lỗi với những người này, đợi hắn công thành danh toại, đương nhiên sẽ không bạc đãi người nhà của mình.

Đang lúc Thẩm Khê trầm tư, tứ bá mẫu Phùng Thị nắm lấy mép váy, thần thái có chút bàng hoàng, nhưng lại kiên định, chỉ thấy hai mắt của bà ta rưng rưng, nghẹn ngào nói:

- Thưa hai chị, cầu xin hai người, hãy để cho lục lang đi học đi, lục lang từ nhỏ đã muốn đi học, cầu xin hai người… cầu xin hai người, chỉ cần lục lang sau này có thể nở mày nở mặt, nhất định sẽ đối đãi với hai người như mẹ đẻ vậy.

Nhìn thấy bộ dạng khóc lóc của Phùng Thị, tam bá mẫu Tôn Thị tròng mắt cũng đỏ hoe, lập tức tiến đến đỡ lấy bà, nhưng cũng không khoan nhượng: - Muội muội, không phải chúng ta không coi trọng tình cảm, con ai mà chẳng phải mình dứt ruột đẻ ra? Chúng ta đều là phận làm mẹ, tâm tình của muội ta có thể hiểu được, nhưng…

Lời của bà còn chưa dứt, nhị bá mẫu Tiền Thị hừ lạnh một tiếng, giọng điệu có chút không vui: - Ta cũng làm mẹ trẻ con, ta cũng hi vọng con mình có tiền đồ, ai mà chẳng hi vọng con mình đi học thi đỗ làm quan, khiến tổ tông được rạng rỡ? Ai mà chẳng muốn như vậy, Hừ!, thật đúng với câu, con phải khóc thì mẹ mới cho bú, trẻ mà không không khóc thì chỉ có đói bụng.

Lời vừa dứt, mọi người đều trầm mặc.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận