Lại kể về Trần Văn Phúc. Sau khi bị người đàn bà kia hạ độc, chàng được một ông lão lạ mặt cứu thoát và đem đi. Khinh công của lão cao siêu tuyệt đỉnh, chỉ thoáng chốc, cả hai đã rời khỏi trấn nhỏ, dừng chân bên một hồ nước lớn cách đó năm dặm về phương nam. Lão thả Trần Văn Phúc nằm trên thảm cỏ trước túp lều tranh, rồi đến bên mặt hồ, vươn vai hít thở. Trời thu, gió heo may nhè nhẹ, mang theo hơi nước, đem lại cho ta cảm giác mát lạnh, khoan khoái vô cùng. Nó khiến Trần Văn Phúc quên đi sự phát tác của chất độc. Chàng hít một hơi dài sảng khoái, rồi nghĩ: " Không biết lão là ai, tại sao lại cứu mình?"
Lão nhân quay lại, tiến về phía Trần Văn Phúc, giọng oang oang nói lớn:
- Này thằng nhóc, ngươi là ai, có quan hệ thế nào với lão Tiếu Phong.
Câu hỏi khiến Trần Văn Phúc giật không khỏi giật mình. Rốt cục ông lão là ai, tại sao lại nhắc đến lão Tiếu Phong, thậm chí còn biết chàng có quen biết với lão. Chàng đắn đo một lát, rồi giả vờ ậm ờ:
- Lão nói Tiếu Phong là ai cơ? Tôi đâu có biết?
Lão lập tức chặn lời:
- Ngươi đừng có dối ta. Võ công ngươi sử dụng khi nãy chẳng phải là Vô tướng quyền pháp đó sao. Trên đời này, ai chẳng biết Vô tướng quyền pháp là tuyệt nghệ của Tiếu Phong Tam kì.
Những lời lão nói hoàn toàn đúng sự thật. Nó khiến Trần Văn Phúc bối rối. Lão Tiếu Phong quy ẩn giang hồ đã lâu, một lòng muốn được yên tĩnh ở chốn thâm sơn cùng cốc, không muốn dây dưa đến chuyện giàng hồ. Vì vậy, dù biết khó chối bỏ quan hệ, Trần Văn Phúc vẫn phải giả ngơ:
- Lại Vô tướng gì gì nữa. Lão toàn nói những điều lạ hoắc. Tôi nghe mà không hiểu.
Câu trả lời khiến lão giận dữ, túm lấy vạt áo ngực Trần Văn Phúc và nói lớn:
- Cái thằng nhóc này, vậy chứ ai dạy võ công cho nhà ngươi?
Trần Văn Phúc đáp:
- Ông nội tôi.
Lão lại hỏi:
- Thế ông nội ngươi là ai? Hãy dẫn ta đến gặp ông ấy.
Trần Văn Phúc đáp.
- Không được, bởi ông tôi đã...
Chàng định nói là ông đã mất, nhưng trong đầu chàng bỗng ùa về những kí ức của tuổi thơ, hình ảnh ông bà hiền hòa và ấm áp. Ông chàng giờ không biết còn hay mất, nếu còn thì cũng độ tuổi lão nhân trước mặt. Chàng tần ngần ra một hồi, ánh mắt chất chứa bao sầu niệm, rồi đáp:
- Tôi không thể dẫn lão đi gặp ông tôi được. Bởi giờ tôi cũng không biết ông tôi ở đâu.
Vẻ mặt buồn rười rượi của Trần Văn Phúc càng khiến cho lão nhân kia bực tức. Lão hất mạnh chàng ra, giận dữ nói:
- Thằng ranh, rốt cuộc ngươi vẫn không chịu nói.
Lão đứng phắt dạy, dang rộng hai tay, ngửa mặt lên trời kêu than:
- Ta đã đợi gần hai mươi năm trời, chỉ mong có ngày đánh bại lão. Vậy mà lão như con rùa rụt đầu, bao năm nay luôn trốn tránh ta. Lĩnh Nam tam kì mà như vậy sao.
Rồi lão lao khoảng trống phía trước, thi triển cước pháp một cách điên loạn. Cước của lão như cuồng phong bão táp, kình phong phát ra tứ phía, bá thế vô song.
Trần Văn Phúc nằm trên bãi cỏ chứng kiến mà kinh ngạc mười phần. Từ trước tới nay, chàng chưa thấy ai võ công lại kì lạ như vậy. Người ta lấy quyền làm trọng, nhưng lão chỉ dùng cước, đôi tay bỏ không, mà cước pháp lại vô cùng mạnh mẽ và khoáng đạt, từ đó toát ra một khí thế cuồng ngạo, như muốn bứt ra, phá vỡ vạn vật xung quanh. Trần Văn Phúc thầm thán phục: " Cước pháp lợi hại quá. Đến dùng đại đao thì uy lực cũng chỉ vậy mà thôi."
Sau một hồi múa cước, lão nhân thét lên một tiếng, rồi đứng lặng người trên bãi cỏ. Tình trạng đó diễn ra một hồi dài, khiến Trần Văn Phúc đôi phần sợ hãi. Nhưng lúc này, chàng không để ý nhiều tới lão nhân nữa, mà đang cố sức chịu đựng cơn đau cũng như cái nóng rát mà Sinh Tử dược phát tác. Toàn thân chàng đỏ ửng, mạch máu căng phồng dưới lớp da, giống như khi Lương Thàng Vương trúng độc. Cơn đau khiến chàng quằn quại trên đám cỏ, mắt hoa lên, thấy trời đất quay cuồng quanh mình.
Lão nhân kia thấy vậy cũng không màng cứu chữa. Lão vào trong căn nhà tranh, lấy ra một bầu rượu, uống liền một hơi rồi nói:
- Độc ngươi trúng là Sinh Tử dược, trên đời này không có thuốc giải. Ngươi hãy ở đó mà chờ chết đi.
Rồi lão lại ra ven hồ ngồi uống rượu, bỏ mặc Trần Văn Phúc phía trong.
Tối đến, lão bầy ra trước mặt Trần Văn Phúc một con gà nướng bọc trong lá sen, rồi ngồi bên cạnh, uống rượu một mình.
Lúc này, cơn đau không còn dữ dội như ban chiều nữa, Trần Văn Phúc nói:
- Lão Tiếu Phong có hận thù gì với lão sao mà khiến lão phải chờ đợi gần hai mươi năm vậy?
Lão đưa mắt nhìn chàng, rồi lại uống một ngụm rượu, sau đó mới trả lời:
- Ta với lão có cuộc hẹn tỉ thí phân tranh cao thấp. Gần hai mươi năm qua, ta bỏ mặc tất cả người thân, gia đình, sống một mình tại đây chỉ để chuyên tâm luyện võ. Vậy mà khi ta luyện thành, lão lại biến mất không tăm tích.
Lão quay sang nói với Trần Văn Phúc:
- Ngươi nói xem, lão có đúng là con rùa rụt đầu không. Nói lời rồi lại thất tín, liệu lão có xứng là anh hùng trong thiên hạ không.
Rồi lại ngửa mặt lên trời, cười lớn:
- Tiếu Phong, ngươi là một con rùa, một con rùa tam kì. Hahaha
Lão cứ nói như thể là chửi. Điều này khiến Trần Văn Phúc không kiềm chế được bản thân. Chàng hét lên:
- Không nói nữa.
Câu nói khiến lão nhân kia im bặt ngay tức khắc. Rồi lão cười đầy đắc ý:
- Ngươi thú nhận rồi đấy nhớ. Nói cho ta biết, lão Tiếu Phong đang ở đâu.
Lúc này, Trần Văn Phúc mới biết mình mắc mưu. Chàng ngẫn ra không biết nói sao cho phải. Cuối cùng, chàng đành thừa nhận:
- Đúng vậy, lão Tiếu Phong là người đã dạy võ công cho tôi. Nhưng tôi không thể dẫn lão đến gặp được.
Lão nhân kia sấn tới:
- Tại sao?
Trần Văn Phúc đáp:
- Bởi lão Tiếu Phong đã quy ẩn từ lâu, về ở nơi thâm sơn cùng cốc, không muốn bị ai quấy rầy.
Lão nhân bực tức nói lớn:
- Lại là quy ẩn. Anh hùng trong võ lâm kẻ nào cũng vậy. Nói thẳng ra là trốn tránh thất bại để bảo vệ cái uy danh của mình. Lão Tiếu Phong của ngươi cũng vậy, chỉ vì một chữ tam kì mà thôi.
Trần Văn Phúc cãi lại:
- Không phải. Ông tôi từ lâu đã không màng đến hai chữ tam kì nữa rồi. Ông tôi từ bỏ giang hồ cũng chỉ vì....
Đến đây, chàng dừng lại, không nói tiếp nữa. Chàng không muốn tiết lộ chuyện riêng của lão Tiếu Phong.
Lão nhân kia gạn hỏi:
- Vì sao?
Trần Văn Phúc thản nhiên trả lời:
- Không vì sao cả. Đơn giản là ông tôi muốn vậy.
Lão nhân kia lại cả giận quát lên:
- Hừ. Thằng ranh này. Rốt cục là ngươi vẫn quanh co. Có phải lão Tiếu Phong sợ ta đến mất mật, nên bảo với ngươi đi đâu cũng phải giữ mồm giữ miệng, đúng không?
- Không phải. Mà tại sao lão cứ phải tìm ông tôi để đấu võ. Chẳng lẽ võ lâm lĩnh nam hết người cho ông đấu rồi sao. Tam kì vẫn còn hai người nữa mà, hay là lão sợ họ.
Trần Văn Phúc vừa đáp vừa có ý châm chọc. Lão nhân kia nghe thấy vậy liền khua tay nói lớn, giọng điệu đầy kiêu ngạo:
- Thằng ranh, không biết chớ nói bừa. Bất cứ ai trong tam kì đối với ta đều không có gì đáng sợ cả. Chẳng qua là ta đã có lời hẹn với lão Tiếu Phong. Một khi cước của ta chưa đánh bại được quyền của lão, thì ta còn chưa xuất hiện trên giang hồ. Ngươi thấy đấy, lão bắt ta phải đợi ở đây bao nhiêu năm nay, khiến cho Cuồng phong tam thập lục cước của ta có tuyệt diệu mà không được ai biết tới.
Nhắc tới Cuồng phong tam thập lục cước, Trần Văn Phúc mới nhớ tới màn biểu diễn lúc chiều của lão. Chàng tỏ vẻ thán phục và nói:
- Cước pháp của lão quả xứng là tuyệt nghệ của võ lâm. Uyển chuyển nhịp nhàng mà đầy cương mãnh. Chỉ cần cái khí thế khai sơn lấp hải của nó thôi cũng đủ làm đối thủ phải kinh sợ rồi.
Được mấy câu tán dương, lão nhân khoái trí:
- Ngươi thấy vậy sao?
Trần Văn Phúc gật đầu:
- Đúng vậy. Tôi chưa từng nghe ông tôi kể về ai đó trong giang hồ mà lại chỉ dùng cước như lão. Nay được chứng kiến lại càng không thể tin nổi. Chiêu số biến ảo như quyền, như chưởng vậy.
Lão nhân lại đắc trí hỏi tiếp:
- Vậy chứ ngươi xem cước của ta với quyền của lão Tiếu Phong, ai thắng ai?
Ngẫm nghĩ một lát, Trần Văn Phúc đáp:
- Cước pháp thiên về đánh xa, còn quyền thì lại có ưu thế trong cận chiến. Trong mấy chiêu đầu, cước có thể lợi dụng sức mạnh để chiếm ưu thế, nhưng về sau, sợ rằng không thể thắng nổi quyền.
Những lời chàng nói cũng chính là nguyên lí dĩ đoản chế trường rất phổ biến trong việc dụng binh nơi trận mạc. Hồi bé, chàng từng được lão Tiếu Phong kể về điều này cũng như việc áp dụng nó trong võ thuật ra sao, nay chỉ vận vào mà nói ra nên có phần mau lẹ.
Nghe thấy vậy, lão nhân kia chịu nhận kém, ha hả cười và nói:
- Thằng ranh, không hổ là hậu bối kế tục của lão Tiếu Phong, mới xem ta thi triển cước pháp có một lần mà đã thấy rõ ưu nhược điểm cước của ta. Điều này ta cũng đã tính tới. Vì vậy, bên cạnh Cuồng phong tam thập lục cước, ta còn sáng tạo thêm Lưu thủy bộ pháp, để bổ khuyết cho cước pháp. Ngươi hãy xem đây.
Nói rồi lão liền biểu diễn ngay. Lão vừa mới nhấc chân, thân hình đã lướt đi trên thảm cỏ, ngụy dị vô cùng. Rồi lão chuyển thế, hai chân bước gấp, toàn thân xoay tròn như chiếc lá trong cơn gió xoáy, phiêu bồng vô định. Trần Văn Phúc quan sát, có cảm giác một dòng nước chảy trước mặt vậy, đúng với tên gọi Lưu thủy của nó. Chàng để ý kĩ thì thấy trong bộ pháp này, điều đặc biệt là các bước chân có biên độ không quá lớn, rất nhanh, bước theo đồ hình bát quái. Điều đó khiến thân hình lưu động hơn, khó nắm bắt hướng di chuyển. Vừa ngẫm mà lòng không khỏi trầm trồ, thán phục.
Sau khi biểu diễn bộ pháp xong, lão nhân tiến tới chỗ Trần Văn Phúc, hỏi:
- Thằng ranh. Ngươi thấy thế nào?
Trần Văn Phúc ngập ngừng đáp:
- Bộ pháp rất tuyệt, bổ khuyết cho cước pháp thì thật ảo diệu vô cùng. Nhưng để so với Vô Tướng quyền pháp thì thật rất khó nói. Ai thắng ai thua còn chưa biết được.
Lão nhân lại hỏi:
- Ít ra cũng không ở thế hạ phong chứ.
Trần Văn Phúc đáp:
- Có thể nói là như vậy.
Câu nói phần nào khiến lão vừa lòng. Lão hăm hở nói:
- Vậy chứ lão Tiếu Phong hiện giờ đang ở đâu. Ta nhất định phải đấu với lão một trận mới được. Để cho người đời biết được sự lợi hại của cước pháp.
Đúng lúc này, độc tính của Sinh Tử dược lại bùng phát. Trần Văn Phúc cắn răng chịu đau, nhăn nhó đáp:
- Chuyện đó có giết chết tôi cũng không nói.
Thái độ khăng khăng cự tuyệt đó khiến lão nhân kia rất tức giận. Nhưng vì thấy chàng đang trúng kịch độc, lại vừa được chàng khen vài câu, lòng đang nâng nâng lên chỉ hơi nặng giọng nói:
- Thằng ranh này, ngươi nhất quyết thế nào cũng không nói. Độc ngươi trúng là Sinh Tử dược, nội trong ba ngày nữa chắc chắn mất mạng, ta giết ngươi làm gì cơ chứ. Ngươi là kẻ duy nhất biết chỗ ở của lão Tiếu Phong, ta cũng muốn cứu ngươi lắm nhưng rất tiếc là loại độc này vô phương cứu chữa. Lão quỷ Vạn Độc Vương ngày xưa hạ độc hằng trăm người, nào có ai sống sót đâu. Chi bằng hãy nói cho ta biết chỗ ở của lão Tiếu Phong cũng như cha mẹ ngươi, rồi khi ngươi chết, ta sẽ mang xác ngươi về đó, chết đỡ cô độc.
Trần Văn Phúc lặng im không nói, chỉ cắn răng chịu đau. Nhưng trong lòng chàng còn tổn thương hơn gấp bội. Cha mẹ chàng gặp nạn mà chết, đâu còn để gửi thân chàng về.
Vừa mới từ biệt lão Tiếu Phong không lâu, quê nhà còn chưa được thấy mà đã phỉ bỏ mạng nơi này. Sự trẻ trung trong tâm hồn càng khiến chàng thêm run sợ.
Đêm hôm đó, lão nhân kia bỏ chàng ở lại trong túp lều, còn lão ra ngủ trên chiếc thuyền chài. Một mình trong bóng tối u tịch, khiến cho cho lòng người trở lên yếu mềm. Trần Văn Phúc từng nghe lão Tiếu Phong kể về Vạn Độc Vương và Sinh Tử dược. Nhưng chàng không muốn tin rằng mình đã trúng Sinh Tử dược. Chàng cố vận khí trị độc, nhưng chỉ thấy thêm bội phần đau đớn. Lão Tiếu Phong từng dạy chàng rằng, nam nhi ở đời phải coi cái chết như không. Và thâm tâm chàng cũng luôn cảm nhận cuộc đời thật nhỏ bé, mong manh. Bởi cha mẹ hai người đã chết ngay trước mặt chàng. Nhưng giờ đây, khi phải đối diện với cái chết, sao lòng chàng lại hoang mang, run sợ đến vậy. Cũng bởi một nỗi quê nhà chưa thấy mặt, cha mẹ vẫn còn nơi hoang sơn cô quạnh. Trong tâm trí của chàng trai trẻ như chàng chưa chuẩn bị cho việc phải chết. Mà cũng có ai ngờ được là mình sẽ phải chết khi tuổi mới đôi mươi đâu. Những hình ảnh của cha mẹ, ông bà thưở ấu thơ mờ nhạt ùa về trước mắt chàng. Tiếp đó là cô Hiền, lão Tiếu Phong, bác Vi… cùng căn nhà tranh bên suối. Chàng đưa mắt trông theo tia sáng mạp mờ trên khe cửa. Rồi sáng mai, lão nhân tóc bạc kia sẽ bước vào đây, nhặt xác chàng mang ra ngoài chôn. Nhiều năm sau, mùa đông lạnh lẽo tới, bên mặt hồ mênh mông, rồi sẽ chỉ có một nấm mồ trơ trọi với gió. Cái chết, nỗi cô đơn cứ đằng đẵng đeo bám tâm trí chàng trong đêm tối miên man.