Hào Khí Anh Hùng


Mang trong người tố chất thiên bẩm của kẻ học võ, sớm tinh thông thập bát ban võ nghệ, suốt mấy năm vừa qua, thằng bé chỉ chú tâm vào luyện vô tướng quyền pháp. Ngày nào cũng vậy, thằng bé cùng lão Tiếu Phong dành phần lớn thời gian bên thác nước. Khi thì hai bên qua chiêu, khi thì ngồi nghe lão Tiếu Phong giảng giải về các môn phái, các chiêu thức, tuyệt học trong võ lâm. Truyện vua Lê Hoàn với thần binh Thế Thiên kiếm đại phá quân Tống, rồi huyền thoại Dương Thanh Quang, trưởng môn Tản Viên phái độc kiếm phá thất đại tà phái hay sự tương đồng trong kiếm chiêu Bắc Sơn phái và Tản Viên phái. Những thứ đó như có ma lực, hút hồn thằng bé, khiến nó càng hăng say khổ luyện. Vô tướng quyền pháp cũng đã lĩnh hội được năm sáu phần.
Một tối nọ, tại khoảng sân trước căn nhà bên bờ suối, lão Tiếu Phong cùng năm người bọn Quách Văn Vi và thằng bé quây quần bên đống lửa bập bùng, treo trên đó là một con lợn nòi to vật vã. Nó chính là thành quả chuyến đi săn ban chiều của mấy người. Con lợn được quay vàng lên, tỏa mùi thơm phức. Mỡ còn đang chảy xuống sèo sèo trên những thanh củi.
Để thưởng thức món đặc sản này, cũng cần có thứ rượu ngon. Đó chính là một chum rượu cần lớn, thứ “láu xá” của người Thái. Nguyên chum rượu này là của một tay động trưởng trong vùng, được Quách Văn Vi mang về rồi nhờ thằng bé ngâm tận đáy sâu của hồ nước dưới chân con thác, nơi nó cùng lão Tiếu Phong luyện võ hơn một năm nay. Rượu thơm nồng trái cây rừng, cay nhưng có chút ngọt ngọt, uống đến đâu thì ngấm đến đó nhưng lại rất êm.
Mọi người cùng nhau thưởng thức bên đống lửa. Tuy nhiên, Khúc Thị Hiền lại chối không uống rượu như mọi khi. Quách Văn Vi liền hỏi:
- Sao vậy cô Hiền. Rượu ngon vậy sao không thử vài ngụm cho biết. Không phải khi nào chúng ta cũng có cơ hội thưởng thức chúng đâu.
Khúc Thị Hiền đáp:
- Từ nay, em sẽ không uống rượu nữa.
Vốn chỉ có mình mình là gái, lại sống chung với toàn nam giới xung quanh nên Khúc Thị Hiền có chút khí khái của đàn ông. Từ trước tới nay, chưa một lần nào thị từ chối như vậy. Điều này khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên. Quách Văn Vi lại gặng hỏi:
- Thế là sao cơ.
Giang Thất Long nói:
- Hay là cô không được khỏe.
Chỉ thấy thị khẽ cúi mặt, hai má ửng hồng. Cao Duy Tài liền nói đỡ cho vợ mình.
- Mọi người. Sở dĩ Hiền không uống rượu nữa bởi vì… Hiền đã có mang.
Mọi người lúc này mới vỡ nhẽ. Giang Thất Long cười ha hả nói lớn:
- Hóa ra là vậy. Cô Hiền có mang, sao chú không nói sớm. Chuyện vui như vậy để đến giờ mới nói là sao.
Quách Văn Vi cũng được thể trách móc:
- Đúng vậy, chuyện lớn như vậy mà giấu thì thật đáng phạt. Phúc, vào trong lấy mấy cái bát lớn ra đây
Nói đoạn, y liền đánh vỡ lắp đậy chum rượu, rót đầy vào hai cái bát lớn rồi đưa cho Cao Duy Tài:
- Chú Tài, đây là hình phạt cho vợ chồng chú. Vợ chú thôi không uống thì chú gánh cả.
- Được, lỗi này em xin nhận- nói rồi Cao Duy Tài uống một mạch hết hai bát rượu.
Quách Văn Vi lại rót đầy rượu vào năm cái bát, đưa cho lão Tiếu Phong, Giang Thất Long, Cao Duy Tài và thằng bé mỗi người một bát, miệng nói lớn:
- Nào chúng ta hãy uống mừng cô chú ấy nào.
Lão Tiếu Phong thì nói:
- Vậy là chốn cô sơn này lại có thêm một thành viên nữa rồi.
Cả bốn người cùng uống một mạch hết bát rượu, duy chỉ có thằng bé là tửu lượng còn thấp nên chưa thể một hơi hết ngay. Quách Văn Vi lại rót rượu, miệng vẫn thao thao vô cùng phấn khích:
- Nếu đợt này cô Hiền mà sinh con trai thì từ nay, thằng Phúc sẽ có thêm sư đệ, còn nếu cô Hiền sinh con gái thì càng hay, chúng ta sẽ cho hai đứa chúng nó kết duyên vợ chồng. Như vậy chẳng phải rất tuyệt sao.
Mọi người đều tán đồng, cho thế là phải. Khúc Thị Hiền lúc đầu mới nghe đến chuyện hôn phối thì có chút gì đó không ưng, bởi Trần Văn Phúc là thằng bé mồ côi, lại hơn con mình đến mười bốn tuổi. Tuy nhiên trong lòng cũng rất thương thằng bé, từ lâu đã luôn coi nó như con vậy nên nhất thời cũng chẳng biết phản ứng ra sao.
Mấy gã đàn ông thì uống rượu hết từ bát này sang bát khác, chẳng mấy chốc chum rượu đã sắp cạn. Vừa uống, Giang Thất long vừa nói:
- Coi bộ cô Hiền tối nay chắc không đi cùng anh em chúng tôi rồi. Tứ Dạ Thánh vậy là chỉ còn có ba gã đàn ông hà.
Cao Duy Tài đáp:
- Đúng vậy, tối nay sẽ chỉ có ba anh em chúng ta đi thôi.
Nguyên bốn người họ, từ ba năm trở lại đây cứ định kỳ hai tuần một lần, đêm tối đột nhập vào các dinh thự của các tên vương tước, quan tham, động trưởng trong vùng, lấy trộm tiền bạc, ngọc ngà rồi đem ban phát cho dân nghèo quanh vùng. Chính vì vậy mà họ được dân nghèo vùng sơn cước gọi là Tứ Dạ Thánh.
Thằng bé nhanh nhảu nói xen vào:
- Thế thì cho cháu đi theo với. Cháu đi thay cô Hiền cho.
Ba người Quách Văn Vi, Giang Thất long, Cao Duy Tài đều hướng ánh mắt về thằng bé. Chưa ai kịp lên tiếng thì lão Tiếu Phong đã đáp:
- Không được. Cháu hãy còn bé.
Lão Tiếu Phong từ trước tới nay vốn luôn trọng hiệp nghĩa, việc trộm cắp đêm hôm quyết không làm. Ban đầu lão cũng phản đối bốn người bọn Giang Thất Long làm việc này, nhưng sau vì nghĩ đến cuộc sống cơ cực của dân nghèo nên cũng xuôi lòng, tuy không lên tiếng ủng hộ nhưng cũng không tỏ lời phản đối, lại còn truyền dạy cho Khúc Thị Hiền và Cao Duy Tài một vài bài võ để tiện khi dùng.
Thằng bé đáp:
- Nhưng cháu còn giỏi võ hơn cả cô Hiền và chú Tài. Hai cô chú đi được thì cháu sợ gì.
Quách Văn Vi nhèm nhèm hơi say bênh thằng bé:
- Ông à. Cứ để thằng Phúc đi với chúng cháu. Khắp vùng này không mấy ai làm gì được nó đâu.
Giang Thất Long nói:
- Đúng vậy.
Đang trong lúc nâng nâng, lại có mấy người Vi, Long xin hộ nên lão Tiếu Phong cũng ậm ừ đồng ý:
- Thôi, cũng được. Tùy mấy người. Ta đi ngủ đây.
Lão liền đứng dậy, đi vào trong căn nhà tranh. Thằng bé vui sướng, miệng cười toe toét, hai mắt híp lại.
Giờ tý đêm hôm đó, thằng bé cùng với ba người Vi, Long, Tài từ ngôi nhà tranh bên suối cưỡi ngựa đi về phương bắc. Quách Văn Vi hỏi Giang Thất Long:
- Anh Long, tối nay chúng ta đi đâu đây.
Giang Thất Long đáp:
- Hôm nay có thằng Phúc, chúng ta đi gần thôi. Hãy vào gia môn tên tri phủ. Chỗ thú vị như vậy nên để thằng bé thử qua.
Thế là bốn người phi ngựa lướt nhanh xuyên qua cánh rừng u tịch, đến một trấn nhỏ trong vùng. Trong trấn có dinh thự của tên quan tri phủ, khuôn viên rộng cả ngàn trượng vuông, có tường cao bao bọc xung quanh.
Bốn người nhún nhẹ, nhảy qua tường rào, đáp xuống sân trong khu dinh thự. Vừa phóng tầm mắt quan sát cảnh vật xung quanh, thằng bé không khỏi ngỡ ngàng. Trước mặt nó là một căn nhà thật lớn, với dãy nhà ngang rất dài. Tuy đang đêm trời tối, nhưng nó vẫn có thể thấy được căn nhà sừng sững hiện ra dưới ánh trăng mờ ảo. Thằng bé cùng với ba người nhẹ nhàng tới gần, ẩn mình sau những chậu si cảnh trước thềm. Giang Thất Long khẽ bảo hai người Quách Văn Vi và Cao Duy Tài phân ra, đến các phòng khác trong khu dinh thự.
Trước cửa chính của căn nhà lớn chỉ có hai tên lính tốt đứng gác, trông có vẻ đã vô cùng mệt mỏi. Giang Thất Long nói nhỏ vào tai thằng bé:
_ Cháu hãy giúp hai tên này ngủ tới sáng đi.
Nghe lời, thằng bé lập tức sử dụng bộ pháp, di chuyển một cách vô cùng nhẹ nhàng ra sau hai tên lính rồi bất thình lình đánh mạnh vào gáy chúng, khiến hai tên lăn vật ra, bất tỉnh. Hai người lập tức đẩy cửa, tiến vào trong. Căn nhà lớn này chính là phòng khách, nơi tên tri phủ chuyên dùng để tiếp đón quan trên cũng như những kẻ lắm tiền nhiều của. Thằng bé tròn mắt nhìn những đồ vật được bày đặt trong căn phòng. Một bộ bàn ghế trạm trổ hình rồng, phượng, bộ ấm chén bằng gốm xanh hay một tượng rồng nhỏ bằng ngọc thạch. Từ trước tới nay, thằng bé chỉ quen sống trong căn nhà tranh nhỏ bên bờ suối, ngay cả hình ảnh thưở bé có sang giàu nó cũng không nhớ, lên được chứng kiến những thứ đồ sang trong và đắt giá trước mắt không khỏi khiến nó thích thú. Thằng bé cứ mải mê ngắm nghía hết thảy mọi thứ xung quanh. Giang Thất Long liền gọi nó.
-Phúc. Vứt con rồng đó vào đây.
Vừa nói, y vừa giơ một chiếc túi vải màu đen, dài trừng ba gang. Thằng bé liền bỏ con rồng ngọc đang cầm trên tay vào trong túi. Giang Thất Long cũng nhanh tay thu lượm mấy bức tượng bằng ngọc khác, rồi những bức phù điêu bằng đồng. Miệng y nguyền rủa:
- Mấy tên tham quan này, chỉ suốt ngày lo đường vơ vét của dân. Hôm nay chúng ta sẽ đem hết chỗ này trả lại cho dân chúng.
Sau nửa canh giờ khua khoắng hết căn phòng, thằng bé cùng Giang Thất Long trở ra ngoài, cẩn thận đóng cửa lại như cũ. Cùng lúc đó, Hai người Cao Duy Tài và Quác Văn Vi cũng trở lại. Quách Văn Vi nói:
- Tên khốn quan này, đến đi ngủ hắn cũng đem tiền lên ngủ cùng. Thê thiếp còn không gần hắn bằng tiền.
Vừa nói, y vừa lắc lắc một túi vải đen nặng trịch nghe rõ tiếng loẻng xoẻng của đống tiền đồng.
Cao Duy Tài mỉa mai:
- Sau này hắn mất, với chỗ tiền này phải đến chục người khiêng quan tài mất.
Rồi bốn người nhanh chóng vọt tường ra ngoài, thúc ngựa rời khỏi thị trấn. Trước lúc đi không quên để lại một tiếng hí ngựa thật dài. Lúc này trong phủ đang nhốn nháo hết cả lên. Gia nhân, lính tốt đốt đuốc, hối hả truy tìm kẻ trộm cắp.
Ra khỏi trấn, bốn người nhanh chóng vào mấy thôn, bản xung quanh, chia ỗi nhà dăm chục đồng, bỏ qua khe cửa sổ. Cũng nhờ ít tiền đó mà dân chúng trong thôn không lâm vào cảnh khốn đói trước thuế má hà khắc của tên tham quan. Lâu dần, trong dân truyền tai nhau về bốn vị tiên, đêm xuống hạ phàm ban phát của cải, cứu khổ cứu nạn. Công việc hoàn thành khi trời tờ mờ sáng. Trên con đường trở về ngôi nhà tranh bên bờ suối. Giang Thất Long nói:
- Khoảng ba bốn ngày nữa, anh em ta lại sang Khâm Châu một phen. Đợt này mấy bức tượng ngọc này có gia lắm đấy.
Nguyên mấy bức tượng ngọc là đồ ăn trộm của quan, không thể bán trong vùng được, lại cộng thêm hai ba vụ trước đó, cũng đến cả chục bức, vì vậy phải sang bên đất Tống, bán chúng ấy tên chơi tượng ngọc bên đó.
Nghe thấy sang đất Tống, thằng bé nói:
- Thế thì hay quá. Nhất định phải cho cháu đi theo đấy.
- Tất nhiên rồi- Cao Duy Tài đáp- còn có cả cô Hiền của cháu nữa. Đã lâu rồi chúng ta không đi thăm thú nơi đâu.
Thằng bé thích thú lại nói:
- Thế thì rủ cả ông cháu đi luôn. Cả nhà ta chưa đi đâu bao giờ.
Giang Thất Long chối:
- Không được. Ông ấy không đi đâu.
Thằng bé tò mò hỏi:
- Sao vậy hả bác?
Giang Thất Long đáp:
- Thì cháu không để ý thấy ông ấy không đi đâu bao giờ à. Ngoài ngày giỗ hai cụ, ông ấy về xuôi thắp hương ra thì còn lại chẳng thấy cất bước đi đâu. Quanh năm chỉ sống tại Vạn Cốc sơn mà thôi.
- Ờ. Bác nói cháu mới để ý. Đúng là suốt mấy năm nay ông chỉ rời khỏi Vạn Cốc sơn có đôi ba lần. Nhưng vì sao lại thế ạ?
Giang Thất Long đáp:
- Thế cháu hay nên đỉnh núi, cháu có biết ngôi mộ trên đó là của ai không?
- Cháu không biết. À, mà hình như ông rất hay lên đó. Có khi cháu thấy ông lên ấy cả chiều luôn.
Thằng bé nhớ lại buổi chiều hôm nọ. Nó tìm lão Tiếu Phong cả một hồi không thấy đâu. Đành phải luyện võ một mình, nó bèn tập cước lực bằng cách chạy bộ lên đỉnh núi. Bây giờ, với công sức tu luyện mấy năm giời, thằng bé có thể chạy phăng phăng một mạch lên đỉnh núi rồi lại chạy xuống cả hai, ba chục lượt mà không thấy mệt. Vì vậy chỉ sau ít thời gian, nó đã lên tơi đỉnh. Nhưng bất ngờ là tại đây, nó gặp lão Tiếu Phong. Nó thấy lão ngồi bên một ngôi mộ cũ, tay cầm bầu rượu, trầm lặng nhìn về phía xa cuối trời. Ngôi mộ đó có ở đây từ rất lâu rồi, từ trước khi thằng bé có mặt ỏ đây. Trên bia mộ thấy mờ nhạt những nét chữ, có vẻ như được viết bằng máu hay mực gì đó, nhưng không con đủ rõ để đọc nữa. Lão từ từ nhấm từng ngụm rượu. Nơi cuối trời, đôi chim nhỏ đang trao lượn vờn mây. Thằng bé tiến lại gần lão, chậm rãi nói.
- Ông à. Thì ra ông ở đây, làm cháu tìm ông mãi.
Lão Tiếu Phong như trở lại với hiện thực, quay sang mỉm cười hiền hòa. Thằng bé lại nói:
- Lúc cháu lên đây, thấy ông ngồi đây cứ là lạ thế nào ý.
Lão đưa mắt nhìn phía chân trời và nói:
- Cháu thấy phong cảnh nơi đây thế nào. Có đẹp không.
Thằng bé nhanh nhảu đáp:
- Đẹp ông ạ. Ông ơi, thế mộ này của ai thế.
Câu hỏi đem dến cho lão Tiếu Phong chút sắc thái lạ lùng. Lão ngoái đầu nhìn lên về bia mộ rồi nhìn sang thằng bé. Ánh mắt đầy bí ẩn. Rồi lão đứng dậy, bước đi và nói:
- Chúng ta xuông núi học võ nào.
Thái độ lạ của lão Tiếu Phong khiến thằng bé cảm thấy khó hiểu. Từ trước đến nay lão luôn rất quan tâm yêu thương thằng bé, luôn chiều theo các đòi hỏi của nó, vậy mà giờ một câu hỏi đơn giản như vậy mà lão cũng không trả lời. Hay là lão không biết. Nó có cảm giác lão không muốn nó để ý tới ngôi mộ thì đúng hơn. Vì vậy, nó lẳng lặng bước theo lão xuống núi.
Giang Thất Long nói:
- Đúng vậy. Bởi đó chính là mộ của người thiếu nữ, người tình của võ lâm tam kỳ Tiếu Phong. Cũng chính vì lẽ đó mà nhân sĩ giang hồ không một ai hay biết về tung tích của người.
Thằng bé không khỏi bất ngờ. Lâu nay, nó vẫn luôn thắc mắc về ngôi mộ trên đỉnh núi, nhưng lần đó hỏi lão Tiếu Phong thì lão không trả lời. Lần này biết đượ danh tính ngôi mộ kia, nó nghĩ: “ Thì ra đó là mộ người tình của ông. Thể nào hôm đó ông có thái độ kì quặc đến vậy.” Thằng bé tò mò hỏi tiếp:
- Nhưng tại sao ông lại không đi đâu vậy. Chẳng nhẽ là vì ông không muốn xa ngôi mộ đó.
Câu hỏi có phần ngây thơ của thằng bé khiến mọi người cũng cảm thấy thích thú. Cao Duy Tài giải thích:
- Có lẽ, trên giang hồ không mấy người si tình như ông ấy. Chỉ vì tình yêu mà ông ấy từ bỏ cuộc sông tung hoành bốn bế, danh tiếng ở đời để về chốn cô sơn heo hút này. Cốt để hằng ngày được bên người con gái trong lòng mình. Ông ấy không đi lại trên giang hồ nữa theo chú cũng bởi ông không muốn đám hào kiêt võ lâm kéo đến, mất sự thanh tịnh cô quả của chốn này.
Thằng bé lại hỏi:
- Nếu vậy tại sao ông lại sống cùng chú cháu mình.
Cao Duy Tài đáp:
- Do duyên số thôi cháu ạ. Ông ấy cũng già rồi, có chúng ta sẽ bớt cô đơn, bớt nhớ người. Cái này cháu không hiểu đâu.
Quả thật thằng bé không hiểu gì cho lắm. Chuyện tình cảm con người đối với nó còn mới lạ hơn mấy bộ quyền pháp mới.
Quách Văn Vi nói thêm vào:
- Nếu không vì một chữ tình, thì chú Tài và cô Hiền cũng đâu có ở đây cơ chứ.
Câu nói đó khiến Cao Duy Tài có phần man mác buồn. Đã mấy năm rồi, từ ngày quyết tâm bỏ nhà đưa Hiền ra đi tìm hạnh phúc đôi lứa đến nay, chàng chưa về thăm cha mẹ được một lần. Không biết cha mẹ có được mạnh khỏe không? Chàng thấy mình là một đứa con bất hiếu, chẳng báo đáp được công ơn dưỡng dục sinh thành, lại mang biết bao buồn tủi lo lắng cho hai người. Nhưng không làm vậy, mãi mãi chàng và Khúc Thị Hiền không đến được với nhau. Cái môn đăng hộ đối ở đời, sao lắm trớ trêu! Không có nó, hai người đã có thể đường đường chính chính đến với nhau rồi. Cao Duy Tài đưa mắt trông về vầng trăng cuối trời, lòng cầu chúc cha mẹ nơi quê nhà được bình an.
Khi mặt trời lên lưng trừng núi, bốn người cũng đã về tới căn nhà nhỏ. Lúc này, Khúc Thị Hiền đang giặt đồ bên bờ suối, còn lão Tiếu Phong thì đã đi đâu mất.
Bốn người vào trong nhà, lấy ít thịt lợn rừng nướng ra ăn cho đỡ đói.
Giang Thất Long nói:
- Lát ta xuống chợ, kiếm con ngựa khác cho thằng Phúc. Con ngựa hôm nay nó cưỡi già quá rồi, đi sang đất Tống đường xa không tiện. Thằng Phúc có muốn đi cùng bác không.
Vừa nghe thấy được xuống chợ bản của người Mường, thằng bé hứng trí hẳn lên. Nó nhai dối giả miếng thịt rồi nói:
- Hay quá. Lại được xuống chợ chơi. Hì. Cháu thích nhất là xem thổi khèn. Nghe nó cũng hay như thổi sáo vậy.
Cao Duy Tài xoa đầu thằng bé và nói:
- Thế thức cả đêm không mệt sao. Lại muốn đi tiếp à.
Thằng bé khoái trí nói:
- Không, cháu chỉ thấy thích thôi chứ chả thấy mệt gì cả.
Giang Thất Long thêm vào:
- Lúc ở trong nhà tên quan huyện, nó làm loạn hết cả lên. Chả có thứ gì trong phòng là nó không động vào.
Thằng bé chun mũi cười đáp:
- Hì. Trong nhà ấy cái gì cũng quý giá cả. Cháu chưa thấy bao giờ.
Quách Văn Vi thì giận dữ nói:
- Cái thằng cẩu quan đáng chết ấy, chỉ biết hà hiếp, ăn chặn của dân mà thôi,
Cao Duy Tài nói thêm:
- Nghe nói, hắn còn nhận tiền bạc, châu báu của đám quan Tống để bán rẻ đất đai của Đại Việt ta. Chốn biên ải, luật vua phép nước không tới, hắn mặc sức hoành hành mà có ai làm gì được đâu.
Quách Văn Vi đập bàn tức giận nói:
- Hừ. Tên cẩu quan đó, rồi có ngày tôi băm xác nó ra làm ba mới hả dạ.
Giang Thất Long thì cười xòa, nói:
- Chú Vi, không cần phải bực bội thế. Giả như chú có giết tên cẩu quan đó thì hôm sau lại có một tên khác lên thay, lại cố mà vơ vét của dân cho bằng cái chức quan đó. Chú cứ trông ta thì rõ. Ta vừa giết chết một tên thì có một tên khác đến, còn bạo ngược gấp chục lần. Hắn cho binh lính lùng xục ta suốt cả tuần giời, mấy người bao che cho tôi đều bị hắn cho đánh đến chết. Thân ta thì phải bỏ trốn sang đây. Đấy chú xem có được gì không nào.
Quách Văn Vi nói:
- Nhưng mà tức mắt lắm. Chẳng nhẽ bọn chúng cứ được ung dung hưởng thụ trên xương máu của dân. Không ai có thể trừng trị được chúng sao.
Cao Duy Tài đáp:
- Có. Khi nào luật vua phép nước thấm tới đây, ắt lũ tham quan vô lại này sẽ bị trừng trị.
Giang Thất Long gật đầu tán dương:
- Đúng vậy. Chỉ cần một minh quân cai trị thì dân chúng ắt được an lạc thái bình. Chúng ta cũng không cần phải đi trộm cắp đêm hôm nữa.
- Cũng chỉ mong sớm có ngày minh quân lên ngôi thôi- Quách Văn Vi đáp.
Kết thúc câu truyện, Giang Thất Long cùng với thằng bé cưỡi ngựa xuống chợ bản. Vào phiên chợ, người người qua lại nhộn nhịp, tấp lập. Những cô gái dầu quấn khăn tráng, cổ đeo vòng bạc, mặc vấy thổ cẩm trang trí họa tiết xanh đỏ trông vô cùng dịu dàng và xinh đẹp, chẳng khác nào các nàng tiên trên trời cả. Ở đây người Mường bán đủ thứ hàng, từ con dao tới cái cày, đến con dê, con ngựa. Nói chung là mọi thứ cần cho cuộc sống đều có thể đem ra mua bán,trao đổi.
Hai người ghé vào một khu bán ngựa. Ngựa ở đây đủ các thể loại, từ nâu đến trắng, từ cao đến thấp, ngựa bên ta cũng có mà bên Tống cũng đủ. Nói chung là vô cùng phong phú, mà con nào trông cũng nhanh nhẹn, gân guốc.
Giang Thất Long quay sang nói với thằng bé:
- Cháu thích con nào thì cứ chọn.
Thằng bé liền đưa mắt đảo một lượt. Bao nhiêu là ngựa. Con nào thằng bé cũng thích. Nhưng nó đặc biệt ấn tượng với một con ngựa màu trắng, tầm trung, lông bờm dài mượt, hai măt rất có thần, đang nhìn chằm chằm vào nó. Con ngựa thì phì phì từng hơi đều đặn, bước từng bước chậm rãi.
Sau một hồi ngắm nghía kĩ càng, thằng bé chỉ tay vào con ngựa và nói:
- Bác ơi, cháu thích con này.
Giang Thất Long trông theo hướng tay chỉ của thằng bé, ngắm nghía một chút rồi nói:
- Chọn khá lắm. Con này giống Việt, không cao nhưng nhanh và bền sức, rất có tướng. Xem ra là con tốt nhất ở đây rồi.
Rồi y tiến tới đặt giá với tên chủ ngựa. Sau một hồi mặc cả, cộng với việc các con ngựa già thì hai người vẫn phải mất thêm một quan tiền.
Giang Thất Long nói với thằng bé:
- Đây, ngựa của cháu đây. Cẩn thận, con này tướng khí cao ngạo, khó cưỡi lắm đấy.
Thằng bé liền nhận dây cương từ tay chủ ngựa. Nó nhìn con ngựa với vẻ thích thú, đưa tay vuốt vuốt lông bờm. Con ngựa thở phi phì vài hơi, ngoái đầu giằng cương,chân trước bới lên mặt đất mấy hồi, ra điều coi khinh chủ nhỏ:
Giang Thất Long nói lớn:
- Phúc, chúng ta về thôi.
Nói rồi y thúc ngựa quay đầu bỏ đi. Thằng bé liền leo lên ngựa. Con ngựa hí lên một tràng dài, rồi tung hai vó sau đá hậu vài phát. Thằng bé cố nắm chắc giây cương, một tay ôm ghì vào cổ, hai chân kẹp chặt hai bên mạng sườn con ngựa, cố gắng không để nó hất rơi. Rồi nó giật mạnh giây cương, thúc mạnh hai chân, cố gắng thuần phục con ngựa. Con ngựa hung hăng lại hí lên một hơi dài rồi phi nhanh về phía trước. Khi thì không chịu đi, khi thì phi hết tốc lực, khiến thằng bé cảm thấy vô cùng tức giận. Nhưng càng tức giận, thằng bé càng quyết tâm thuần phục cho bằng được con ngựa cao ngạo này. Nó càng ghì chặt hai chân vào mình ngựa, hai tay quất mạnh giây cương vun vút, miệng hét lớn:
- Đi nào.
Con ngựa như cuồng phong lao đi một mạch trên con đường mòn lưng trừng núi. Nó đã bỏ lại Giang Thất Long một đoạn khá xa rồi.
Phía xa con đường nhỏ hẹp này, có một nam tử cao lớn, đầu đội nón, đeo mặt nạ đen đang cưỡi ngựa hướng về phía thằng bé. Con ngựa của thằng bé cứ bung hết sức mà chạy, nhắm thắng vị nam tử kia lao đến, như muốn hất tung gã lên. Quá cấp bách, thằng bé lấy hết sức bình sinh thu dây cương về. Con ngựa khó trị lồng lên, hai vó trước đạp không. Vị nam tử trước mặt thấy tình huống nguy cấp bèn tung người lên không, lộn một vòng ra sau lưng thằng bé. Kì lạ thay, con ngựa trắng mà thằng bé đang cưỡi như có thâm thù với người đó vậy, liền sử dụng đòn hồi mã thương, tung hai vó sau nhắm thẳng mặt đạp tới. Tình huống vô cùng nguy hiểm. Thằng bé ngồi trên quá bất ngờ, không kịp làm gì, chỉ biết lắm chặt dây cương cho khỏi ngã. Nhưng thật bất ngờ là vị nam tử lại ung dung vung song chưởng lên đỡ trực diện vào thế đá tới. Quả thật những điều diễn ra trước mắt khiến thằng bé không thể ngờ được. Ở đời lại có người có chưởng pháp nhanh và cương mãnh như vậy, tựa hồ có thể khai sơn lấp biển. Nó cứ ngây người ra. Còn con ngựa thì bị bức về phía trước. Nhưng cái chất ngang tàng của nó thì như dũng tướng ngoài chiến trường. Ngay lập tức, nó quay ngoắt lại, chồm lên, hí vang trời, múa vó dương oai. Nào ngờ con người bí ẩn kia như không hề trông thấy, đứng bất động một chỗ. Đối với thằng bé, nó cảm thấy một nguồn chân lực hùng hậu tiềm ẩn trong con người trước mặt, cái cảm giác như thế đứng trước mặt nó là lão Tiếu Phong vậy. Dường như con ngựa ngang ngạnh cũng cảm thấy điều tương tự. Sau khi chồm lên, nó bỗng trở lên im lặng, có phần sợ sệt, bốn vó loạn bước. Cái uy thần dũng của bậc võ giả trước mặt đã trấn áp được ngạo khí của nó. Thằng bé thắng cương lại, luống cuống nói:
- Người không sao chứ .
Con người bí ẩn kia không đáp lại, chỉ từ từ tiến về phía ngựa của mình rồi thúc ngựa bỏ đi. Đến khi người đó đã khuất bóng sau sườn núi mà tim thằng bé vẫn còn đập thình thịch. Nó thầm nghĩ:" May mà không có chuyện gì xảy ra. Không thì đến cả mình cũng không xong với lão ấy mất. Tất cả cũng chỉ tại con ngựa hoang này mà thôi". Rồi nó nói :
- Sao, mày còn thích lồng lên nữa không.
Con ngựa như thay đổi hẳn, không còn hung hăng như trước. Đúng lúc này thì Giang Thất Long phóng ngựa đuổi tới. Vừa tới nơi, y hỏi ngay:
- Sao, đã thu phục được nó chưa.
Dường như y không được chứng kiến cảnh tượng ban nãy. Thằng bé lấy lại bình tĩnh, trả lời:
- Tốt rồi bác ạ. Không ngờ cái giống này khó bảo đến thế.
Giang Thất Long cười vui đáp:
- Hà. Ngựa tốt phải có chút khí phách chứ. Cái giống này có đi cả ngày cũng không cần nghỉ đâu. Thôi ta về nào.
Thế là hai người thong dong cưỡi ngựa ra về. Trong tâm trí thằng bé vẫn hiển hiện về con người bí ẩn kia.
Hai ngày sau, năm người lên đường sang đất Tống, chỉ còn duy nhất có lão Tiếu Phong là ở lại.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui