Chương 10: Sân vắng hoa quế nở
Tiểu Liên Tử và Tiểu Doãn Tử thấy tôi dễ dàng bỏ qua cho Hoán Bích như vậy thì chẳng hiểu vì sao, đến Cận Tịch cũng thắc mắc không thôi. Cũng may là Hoán Bích càng thêm phần chăm chỉ, cẩn thận hầu hạ tôi nên bọn họ không tiện dèm pha.
Một ngày nọ, cuối cùng Cận Tịch cũng không kìm nén được, nhân lúc không có ai bên cạnh liền hỏi tôi: “Tiểu chủ không định xử trí gì với Hoán Bích cô nương hay sao?” Nàng ta chần chừ một thoáng rồi nói tiếp: “Chỉ e nếu giữ lại ả ta bên người tiểu chủ thì chẳng khác nào nuôi ong tay áo.”
Lúc này cảnh thu cực thịnh, trăm hoa ngoài đình viện sớm đã điêu tàn. Vòm cây xanh ngắt bị gió hong khô, ửng lên màu vàng nhàn nhạt, đến hòn giả sơn và lối đi lót đá xanh cũng nhuộm một lớp sương khói vàng kim mơ màng. Những gốc hoa quế do Hoàng hậu cho trồng nhân dịp tôi tiến cung năm ngoái đã nở rộ, tỏa hương thơm ngào ngạt, cả Đường Lê cung như tắm trong mùi hương ngọt ngào, say đắm lòng người. Tôi đang uể oải nằm nghiêng trên chiếc giường nhỏ kê ở hành lang trước tẩm điện, trên người đắp chiếc áo choàng lông mềm lót gấm màu đỏ sẫm, từ đó nhìn ra xa có thể trông thấy cảnh Lưu Chu, Hoán Bích dẫn theo đám cung nữ bận bịu ướp quả hải đường vừa hái để làm mứt ở ngoài đình viện.
Tôi cúi đầu nhấp một ngụm rượu hoa quế rồi chậm rãi đáp: “Nếu ta muốn trừ khử nó thì có thể mượn tay của Hoa Phi. Chỉ là nói cho cùng, nó vẫn là người hầu cận của ta, tình cảm thân thiết với nhau từ nhỏ đến lớn vẫn chưa nỡ dứt.” Thấy Cận Tịch lẳng lặng không đáp, tôi bèn nói thêm: “Nó biết quá nhiều chuyện của ta, nếu đuổi tận giết tuyệt, chỉ e sẽ ép nó vào tình cảnh chó cùng dứt giậu. Hiện giờ ta đã chặn đường lui của nó, lại hứa hẹn ban cho nó thứ mà nó khao khát nhất, hẳn là sẽ trấn áp được nó.”
Cận Tịch thưa: “Tiểu chủ nếu đã chắc chắn như vậy thì nô tỳ cũng an tâm rồi!”
Tôi cười nhạt. “Thực sự ta cũng chẳng dám hoàn toàn tin tưởng nó. Nó cho rằng ta phát hiện được chuyện hôm đó là nhờ vào mật hợp hương, chứ không ngờ rằng ta sớm đã cho người theo dõi hành tung của nó. Hiện giờ, Tiểu Liên Tử vẫn ngầm để ý đến nó theo lệnh của ta, nếu nó tiếp tục sinh lòng phản bội thì đừng trách ta vô tình.”
Cận Tịch mỉm cười, thưa: “Nô tỳ trước giờ cứ nghĩ tiểu chủ quá thiện lương, sẽ đưa đến mối họa về sau. Nay xem ra là nô tỳ quá lo xa rồi!”
Tôi mỉm cười nhìn nàng ta. “Cận Tịch, nếu nói về chu đáo, hiểu chuyện thì trong số đám người hầu cận, chẳng ai bằng được ngươi. Chỉ là ta trước giờ vẫn không rõ, ta và ngươi mới ở chung chưa tới một năm, vì sao ngươi lại hết lòng trung thành với ta như vậy?”
Cận Tịch chỉ mỉm cười, ánh mắt bình thản. “Tiểu chủ có tin vào duyên phận giữa người với người không, nô tỳ thì tin đấy!”
Tôi phá lên cười. “Đó cũng có thể gọi là một lý do hợp lý.” Tôi nhìn sang nàng ta. “Mỗi người đều có lý do xử sự của riêng mình, vì bất kỳ lý do gì, chỉ cần ngươi trung thành với ta là được.”
Tôi khẽ ngáp một cái, từ khi Hoa Phi bị Huyền Lăng trách mắng, Phùng Thục nghi dần thân thiết với tôi hơn, đằng sau lại có Hoàng hậu nâng đỡ, địa vị của tôi và Lăng Dung dần được ổn định. Tuy nhiên, Hoa Phi ở trong cung nhiều năm, thế lực mọc rễ đâm sâu, gia tộc của nàng ta cũng không thể coi thường. Nhất thời trong cung hình thành hai thế lực đối lập nhau. Hai bên chẳng ai thua ai, nhờ vậy hậu cung vẫn duy trì được vẻ ngoài bình tĩnh và an ổn.
Riêng chuyện của My Trang vẫn không tìm được chứng cớ, chừng nào chưa tìm được Lưu Bản, My Trang vẫn chưa được thả ra. Cũng may có tôi và Phùng Thục nghi ra sức bảo vệ, Phương Nhược cũng ngầm để ý nên tình hình của tỷ cũng không đến nỗi khổ sở lắm.
Gió thu đã bắt đầu hiu hắt, tấm áo đơn mỏng manh không đủ sức ngăn hơi lạnh lướt qua người. Nhưng làn hơi lạnh mơn trớn không khiến người ta cảm thấy lạnh lẽo, mà thoáng đem lại cảm giác thoải mái, bình yên. Mùi hương thanh tân, ngọt ngào của hoa quế tựa như mưa rơi lất phất, khẽ khàng, dìu dịu, lượn lờ vấn vít nơi đầu mũi, khiến người ta như say như mê. Tôi ung dung nằm ngủ dưới cửa sổ phía tây, tóc mây đen nhánh xõa nhẹ bốn bề, vô số đóa hoa quế li ti tỏa hương ngào ngạt khẽ rơi xuống mái tóc của tôi.
Tôi mới ngủ được một lát thì có tổng quản Nội vụ phủ là Khương Trung Mẫn đích thân đến thỉnh an. Sau khi Hoàng Quy Toàn bị xử phạt, Khương Trung Mẫn được cử lên thay, một tay lo liệu đủ mọi chuyện trong Nội vụ phủ. Hắn đương nhiên biết nguyên cớ mình được đề bạt, bèn cư xử hết sức ân cần, thân thiết với mọi người trên dưới trong Đường Lê cung, hận không thể móc tim mình ra để báo đáp ơn đề bạt của tôi.
Lần này hắn đến đây với vẻ hưng phấn hơn hẳn thường lệ. Hắn cẩn thận, rón rén bưng theo một chiếc khay, bên trên được phủ kín một lớp gấm đỏ thẫm. Tôi bất giác mỉm cười. “Món quý giá gì mà ngươi phải rón ra rón rén bưng đến như thế?”
Hắn cười đến tít cả mắt, thưa: “Hoàng thượng đặc biệt ban cho tiểu chủ đấy, tiểu chủ nhìn qua là biết ngay!”
Trên chiếc khay mạ vàng đặt một đôi cung hài bằng gấm rực rỡ, ánh châu lấp lánh hoa cả mắt. Đến Cận Tịch thấy nhiều biết rộng mà cũng nhìn đến ngẩn cả người.
Đế hài làm bằng ngọc thuộc loại ngọc Lam Điền nổi tiếng, màu xanh biếc óng ánh, chạm vào bề mặt vừa tinh mịn vừa ấm áp, bên trong có lót các loại hương liệu quý hiếm, mũi hài khâu một viên minh châu Hợp Phố bằng ngón tay cái, vừa to vừa tròn nhẵn, lấp lánh khiến người ta nhìn mà hoa cả mắt. Hai bên hài thêu hoa văn hoa sen uyên ương bằng chỉ tơ xỏ đá quý nhiều màu và những hạt ngọc trai nhỏ bằng hạt gạo. Chưa kể đến số châu báu kia, hài được làm từ gấm Tứ Xuyên thêu hoa văn nổi nạm vàng, gấm Tứ Xuyên trước giờ đều được xưng tụng là: “Gấm hoa dệt xong, sắc tươi sóng lượn[1]”, huống gì còn là gấm Tứ Xuyên có thêu hoa văn nổi nạm vàng. Một trăm nữ nhân Tứ Xuyên cặm cụi thêu ba năm ròng mới được một tấm, nên loại gấm này hết sức xa hoa, quý giá, một tấc giá trị bằng cả đấu vàng. Trước giờ nữ nhân trong cung muốn được sờ tới nó cũng chẳng dễ dàng gì. huống hồ là hoang phí dùng để làm hài cơ chứ!
[1] Trích trong Văn tuyển – Tả tư – Thục đô phú. Nguyên tác: Bối cẩm phỉ thành, trạc sắc giang ba. Loại gấm này sau khi dệt xong, đem ngâm xuống Cẩm Giang, màu sắc hoa văn đẹp hơn hẳn, nếu ngâm vào loại nước khác thì không được như vậy.
Tôi vui vẻ nhận lấy, bất giác mỉm cười. “Đa tạ Hoàng thượng ban thưởng! Chỉ có điều không biết loại gấm Tứ Xuyên này có được từ đâu, ta nhớ Tứ Xuyên đã tiến cống gấm đoạn từ hồi tháng Hai, chỉ cung của Hoàng hậu và Thái hậu mới có, muốn có thêm phải đợi đến tháng Hai năm sau.”
Khương Trung Mẫn dập đầu, thưa: “Thế mới chứng tỏ sự sủng ái đặc biệt của Hoàng thượng dành cho tiểu chủ. Thanh Hà vương gia rời cung du ngoạn, đến Tứ Xuyên gặp được gấm đoạn hoa văn mới dệt xong, bèn từ ngàn dặm xa xôi cho người lặn lội đưa trở về, chỉ có mỗi một tấm này thôi. Hoàng thượng bèn lệnh cho cục Châm công làm ngày làm đêm để tạo ra đôi hài này.”
Tôi ồ lên một tiếng, giờ mới nhớ ra sau lần gặp tình cờ ở hồ Thái Dịch, Thanh Hà vương bèn rời cung du ngoạn, tính toán thời gian cũng đã hơn một tháng rồi. Vậy cũng tốt, nếu để y thường xuyên ra vào cung, tôi sẽ hay nhớ đến chiếc túi gấm của y, nhớ đến chút tình tha thiết mà tôi phải từ chối.
Y chưa hề mở miệng thổ lộ với tôi nhưng tôi sợ, sợ thứ tình cảm khó dò và đầy hổ thẹn đó phát sinh.
Do vậy, tôi thà khuất mắt trông coi còn hơn. Không chỉ Sơn Quỷ, mà đến Ly Tao, Cửu Ca, Tương phu nhân của Khuất Nguyên tôi cũng không động đến.
Cũng mong mọi chuyện tựa cuốn sách bị phủ bụi thời gian, không để tôi biết nhiều, hiểu nhiều hơn nữa.
Thế nhưng cuối cùng tôi vẫn không khỏi sinh lòng khao khát được chiêm ngưỡng cảnh mưa đêm rả rích ở núi Ba thuộc vùng đất Thục mỹ lệ, bởi tôi chỉ có thể giam mình trong góc hoàng cung, nhìn lên bầu trời vuông vắn giới hạn bởi bốn bức tường, cầm quyển thơ của Lý Nghĩa Sơn mà mộng mơ thầm lặng.
Chỉ trong giây lát tôi đã mỉm cười đứng dậy, vì nhìn thấy Huyền Lăng rảo bước tiến vào từ sau lưng Khương Trung Mẫn. Trông bộ dạng y rất vui vẻ, thấy tôi đang cầm ngắm nghía đôi hài ngọc, bèn cười, nói: “Nàng mang vào cho trẫm xem thử đi!”
Tôi đi xuống nhà sau, cởi đôi giày tơ ra, mang đôi hài ngọc vào. Huyền Lăng cười, nói: “Tuy đôi chân của nữ nhân không thể cho bất cứ ai ngoài phu quân nhìn thấy, nhưng nàng cũng không cần phải cẩn thận như vậy!”
Tôi cúi đầu cười, hỏi: “Nhìn có đẹp hay không?”
Y khen ngợi không ngớt lời: “Đúng là rất vừa chân của nàng, xem ra trẫm không dặn dò lầm rồi!”
Tôi ngẩng đầu hỏi lại: “Gì cơ?”
Y ôm tôi vào lòng, nói: “Trẫm lệnh cho người ở cục Châm công làm đôi hài dài bốn tấc hai phân, quả nhiên là vừa khéo.”
Tôi nghiêng đầu ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi: “Thần thiếp hình như chưa hề nói cho Hoàng thượng biết kích thước đôi chân của thần thiếp mà.”
Y phá lên cười. “Trẫm chung gối với nàng biết bao đêm, sao không biết được cơ chứ!” Y dừng lại một thoáng. “Trẫm còn đặc biệt dặn dò người thêu ở Tú viện thêu hình uyên ương…” Y im bặt không nói thêm gì nữa.
Tôi ngoảnh đầu đi, gió luồn qua cửa sổ, tia lạnh mỏng manh trong không khí đã thấm hơi thu, thân hình khẽ run rẩy, tôi đã hiểu tấm lòng của y dành ình.
Không phải là tôi không cảm động. Từ sau khi đi thăm My Trang trở về, tôi trong lúc hữu ý vô tình đã trở nên xa cách với y, y hẳn là đã cảm nhận được.
Y khẽ hôn lên tai tôi, thở dài, hỏi: “Hoàn Hoàn, trẫm đã làm nàng không vui rồi phải không?”
Bên ngoài cửa sổ, mấy chiếc lá phong mỏng manh còn sót lại màu vàng rực, thi thoảng có vài điểm lốm đốm màu đỏ sẫm, nhìn ra xa hơn là bầu trời cao vút không biết đâu là tận cùng. Tôi hạ giọng thưa: “Không đâu, Hoàng thượng không hề khiến thần thiếp đau lòng.”
Mắt y lộ một tia kinh hoàng, tựa hồ vừa sợ hãi vừa sốt ruột, y nắm chặt lấy tay tôi. “Hoàn Hoàn, trẫm đã nói rồi, khi trẫm và nàng ở riêng với nhau thì nàng có thể gọi trẫm là tứ lang, nàng đã quên rồi sao?”
Tôi lắc đầu. “Hoàn Hoàn lỡ lời rồi. Hoàn Hoàn chỉ là cảm thấy sợ hãi.”
Y không nói thêm gì nữa, chỉ ôm siết lấy tôi, hơi ấm từ thân thể y xua đi chút hơi lạnh đầu thu, y dịu dàng an ủi: “Nàng đừng sợ. Trẫm đã hứa gì với nàng thì nhất định sẽ thực hiện đúng như vậy. Hoàn Hoàn, trẫm sẽ bảo vệ nàng.”
Trăn trở nhớ lại hoa hạnh ngày hôm ấy, những lời thủ thỉ bên gối, lời hứa hẹn bên trong Ngự thư phòng, tim tôi như được cơn gió xuân ấm áp dịu dàng lướt qua, suýt rơi nước mắt.
Cuối cùng tôi cũng kìm được không nhỏ lệ, vươn tay ôm lấy thân hình cao lớn, ấm áp của y.
Có lẽ tôi thực sự là người đặc biệt, là trường hợp ngoại lệ trong lòng y. Nếu trong bao nhiêu sự sủng ái đó có chút ít yêu thương, thế cũng là đáng giá lắm rồi!
Đợi đến đêm dài sương nặng, tôi khoác áo đứng dậy. Dải ngân hà tỏa hào quang lấp lánh, giữa đêm lặng càng thêm rõ ràng, tựa như những viên kim cương vụn lấp lánh đầy trời. Hào quang sáng rỡ đó suýt khiến người ta suýt soa thán phục. Huyền Lăng dịu dàng ôm lấy tôi, cùng tôi khêu sáng cặp nến rực rỡ ở cửa sổ phía tây. Y tình cờ nhắc đến Thanh Hà vương: “Ở kinh đô trời trong sao sáng, trong thư của lục đệ lại kể rằng ở đất Thục mưa dầm, cũng may y nghỉ lại ở núi Ba, cảnh mưa đêm vô cùng mỹ lệ, cũng coi như bõ công đi đường vất vả.”
Tôi tủm tỉm cười không đáp, chỉ ngồi tựa vào lòng của Huyền Lăng. Bao giờ song tây cùng khêu nến, kể chuyện đêm mưa chốn núi Ba[2], đó vốn là hai câu thơ đẹp đẽ và lãng mạn, Huyền Lăng yên lặng không nói gì, người hơi cúi xuống, bóng đổ dịu dàng, hòa làm một với bóng của tôi. Trong chớp mắt, tim tôi mềm lại, không muốn tiếp tục nhớ nhung đến bóng hình lay lắt của ai đó đang đắm mình trong đêm mưa ở núi Ba, trên người phảng phất mùi hương đỗ nhược. Tôi tự an ủi bản thân: Có lẽ Huyền Lăng cũng yêu thương tôi thực lòng.
[2] Bài Dạ vũ ký bắc của Lý Thương Ẩn. Nguyên tác: Hà đương cộng tiễn tây song chúc, khước thoại ba sơn dạ vũ thì.
Năm đó mùa đông đến rất chậm, đến tận giữa tháng Mười hai, sau mấy trận tuyết lớn ào ạt tới tấp mới có cảm giác mùa đông giá lạnh. Tuyết lớn liên miên mấy ngày không dứt, tựa như lông ngỗng bay phất phơ. Tôi đứng trước cửa sổ ngắm cảnh tuyết thật lâu, mắt đã có phần váng vất, bèn quay người nói với Huyền Lăng: “Tứ lang vốn có ý muốn trồng mai trắng ở Đường Lê cung, chỉ tiếc khi tuyết rơi xuống thì lại hòa cùng với tuyết trắng, không nhìn ra được nữa.”
Y thuận miệng đáp: “Vậy thì có khó gì, nếu nàng thích mai đỏ, trẫm sẽ sai người chuyển mấy gốc Ngọc nhị đàn tâm ở Ỷ Mai viên đến cung của nàng.” Y dừng bút, ngẩng lên nói: “Ôi chao! Chẳng phải nàng ép trẫm chú tâm sao chép thơ văn ư, sao lại mở miệng nói chuyện làm trẫm phân tâm cơ chứ!”
Tôi bất giác phá lên cười, nói: “Ở đâu lại có người xấu xa như thế, tự mình không chịu tập trung thì thôi, còn đổ thừa cho kẻ khác.”
Y nghe vậy bèn cười, nói: “Nếu không phải đánh cờ thua nàng ba ván hồi đêm qua thì hôm nay cũng không đến nỗi phải ở đây chịu phạt rồi!”
Tôi dịu giọng thỏ thẻ: “Tứ lang nhất ngôn cửu đỉnh, sao có thể nuốt lời trước một nữ tử nhỏ bé như thần thiếp cơ chứ!” Tôi ngồi xuống, dịu dàng mỉm cười. “Được rồi, chẳng phải thiếp đang may y phục cho chàng để làm quà dịp đông chí hay sao?”
Y khẽ vuốt ve mái tóc của tôi. “Vậy thì trẫm không nuốt lời nữa, vì tấm lòng của nàng, trẫm có sao chép thêm ba lần nữa cũng chẳng sao.”
Tôi cười khúc khích rồi liếc xéo y. “Đấy là chàng tự nói đấy nhé, đừng có mà hối hận!”
Suốt cả ngày hôm đó, y vì tôi mà sao chép toàn bộ thi phú ca ngợi hoa mai qua các triều đại. Tôi ngồi bên cạnh y, tự tay may cho y chiếc áo lót dùng để mặc vào buổi đông.
Bên ngoài, tuyết như bông như tơ, lả tả buông rơi không một tiếng động. Đám người hầu sớm đã bị đuổi ra ngoài, hai người chúng tôi ngồi kề vai nhau, chiếc đỉnh lớn bằng vàng ròng chạm hoa đặt trên mặt đất đang thắp Bách hòa hương, làn hương miên man bất tuyệt như dải lụa mỏng, âm thầm lan tỏa khắp các ngóc ngách trong noãn các. Bách hòa hương bao gồm Trầm thủy hương, Đinh tử hương cùng hai mươi mấy loại bột hương liệu, sau đó vẩy rượu vào ềm, hòa thêm mật ong trắng mới chế thành, chuyên sử dụng trong những tháng đông lạnh giá. Nếu ngửi kỹ sẽ phát hiện ra mùi hương này ấm áp say người. Thêm vào hơi nóng từ giường lò và lò sưởi tỏa ra, noãn các càng thêm phần ấm áp, ngạt ngào, cứ như đang ở giữa biển hoa Thượng Lâm uyển vào dịp tháng Ba vậy.
Bách hòa hương đã được sử dụng từ thời Tam quốc nhưng phương pháp chế tạo đã bị thất truyền từ lâu, ngay cả trong cung cũng rất hiếm gặp. Loại hương sử dụng ở Đường Lê cung này do một tay Lăng Dung tạo nên. Phụ thân của Lăng Dung là An Bỉ Hòe trước khi làm quan từng kinh doanh hương liệu, tìm được rất nhiều phương pháp chế tạo hương bí truyền. Lăng Dung biết tôi trước giờ thích hương nên thường hay ghé qua cung của tôi cùng nhau nghiên cứu, bàn luận say sưa. Sau mấy lần làm thử, nàng ta mới tìm ra được phương pháp chế tạo Bách hòa hương.
Bên trong noãn các, cửa sổ hướng nam đều to rộng, dán giấy trong suốt để ánh tuyết trắng tinh bên ngoài có thể rọi vào, còn sáng sủa hơn cả sảnh chính nữa. Noãn các lúc này vô cùng yên tĩnh, có thể nghe thấy tiếng lách tách của than Hồng la thượng hạng trong chậu than, hơi nóng tỏa ra bừng bừng, đến tiếng tuyết rơi lất phất bên ngoài tựa hồ cũng nghe thấy được.
Giường lò trong noãn các rất ấm, khiến người rịn mồ hôi, tôi may áo quá lâu, các ngón tay bắt đầu nhơm nhớp, sợ mồ hôi làm bẩn gấm đoạn vàng của vua, tôi bèn gọi Tinh Thanh bưng nước đến rửa tay.
Tôi quay sang cười nói với Huyền Lăng: “Áo trong thì có thể giao cho Hoàn Hoàn cắt may, chỉ là hoa văn rồng cuốn thêu bên trên thì thiếp phải từ chối thôi. Tài thêu thùa của Hoàn Hoàn thực tình không bằng An Mỹ nhân, hay là bảo nàng ta đến thêu giúp, vậy có được không?”
Huyền Lăng đáp: “Đúng là a đầu già mồm, đã tự mình nhận lấy việc may áo mà chỉ làm một nửa, còn lại thì đẩy cho người khác. Trẫm không muốn có ai khác nhúng tay vào đâu.”
Tôi cười khúc khích. “Thiếp phải nói rõ từ trước, nếu đường kim mũi chỉ quá thô ráp, mặc vào không thoải mái thì không được trách Hoàn Hoàn tay chân vụng về đâu đấy!”
Tôi cầm lấy khăn lông từ tay Tinh Thanh lau khô tay rồi nhúng khăn tay, vắt khô dâng cho Huyền Lăng lau mặt. Y lại không chịu đưa tay đón lấy, chỉ cười nói: “Nàng làm đi!”
Tôi đành bước lại gần, cười nói: “Được rồi, hôm nay thiếp sẽ làm tiểu cung nữ hầu hạ Hoàng thượng, như vậy có được hay không?”
Y không nhịn được phá lên cười. “Đồ nghịch ngợm tinh ranh!”
Y viết chữ đã lâu, nơi thái dương rịn mồ hôi, tôi cẩn thận lau khô cho y rồi khuyên: “Đổi một bộ y phục khác nhé, chiếc áo bào này có vẻ dày quá!”
Y nắm lấy tay tôi, mím môi cười. “Chỉ mải lo chép cho nàng, không để ý là nóng hay không nóng nữa.”
Tôi bất giác nóng bừng hai tai, liếc sang Tinh Thanh rồi đáp: “Có người hầu ở kia kìa, chẳng biết xấu hổ gì cả!”
Tinh Thanh cố giấu đi ý cười trên mặt, quay đầu vờ như không thấy. Y chỉ cười phì một tiếng rồi theo Tiểu Doãn Tử vào phòng trong thay y phục.
Tôi bước ra trước án, lấy những bài thơ Huyền Lăng đã chép xong xếp lại ngay ngắn để qua một bên. Đang cúi đầu xem xét, tôi chợt nghe thấy tràng cười khúc khích trong trẻo như tiếng chuông bạc vang lên bên ngoài cửa.
Đang định bước ra xem thử, tấm rèm gấm nặng nề đã được vén lên, một luồng gió lạnh kéo theo tiếng cười giòn giã đã luồn vào nhà. Thuần Nhi ôm một bó mai đỏ, tươi cười đứng trước mặt tôi, không giấu được vẻ hoan hỷ và đắc ý trên mặt, cao giọng khoe khoang: “Chân tỷ tỷ, Thuần Nhi vừa ghé qua Ỷ Mai viên hái mấy cành mai đỏ này, tỷ tỷ nhìn xem có thích hay không?”
Nàng ta xông vào nhanh như cơn gió khiến Cận Tịch đuổi sát theo sau sốt ruột đến tái cả mặt, nàng ta vẫn chẳng để ý gì, giẫm chân xoa tay thở phì phò. “Cung của tỷ tỷ ấm áp thật đấy, bên ngoài lạnh đến đông cứng cả người.”
Tôi chưa kịp ra hiệu cho nàng ta nhỏ giọng thì Huyền Lăng đã từ phòng trong bước ra. Thuần Nhi vừa nhìn thấy Huyền Lăng đã giật bắn mình nhưng chẳng hề sợ hãi. Đôi con ngươi tròn xoe chẳng khác gì hai giọt thủy ngân đen nằm giữa lớp thủy ngân trắng, đảo một vòng, rồi nàng ta tươi cười hành lễ: “Hoàng thượng thấy hoa mai thần thiếp hái cho tỷ tỷ có đẹp hay không?”
Huyền Lăng vẫn thường gặp Thuần Nhi trong cung của tôi, hơn nữa tính tình nàng ta ngây thơ, phóng khoáng nên y cũng chẳng trách móc, chỉ cười, nói: “Nàng quả thật có lòng. Tỷ tỷ của nàng vừa mới than thở muốn đi ngắm mai đỏ, nàng đã mang đến ngay rồi!” Nói xong lại cười. “Thuần Thường tại dường như đã cao lên không ít rồi đấy!”
Thuần Nhi nghiêng đầu thưa: “Hoàng thượng quên rồi sao, năm tới thần thiếp tròn mười lăm tuổi.”
Huyền Lăng đáp: “Không tệ, lúc Chân tỷ tỷ của nàng vào cung thì cũng mới mười lăm tuổi thôi!”
Tôi xen vào: “Đừng mải mê nói chuyện thế, Thuần Nhi cũng mau phủi hết tuyết bám trên người đi, nếu không lát nữa bị cảm lạnh, rồi lại vừa uống thuốc vừa khóc đấy!” Trong lúc nói chuyện, Cận Tịch đã đón lấy chiếc áo choàng lông lót gấm đỏ sẫm của Thuần Nhi. Chỉ thấy thân hình vốn nhỏ nhắn của nàng ta nay đã cao lên không ít, áo ấm màu đỏ son tôn lên vóc dáng cân đối, hoa văn trên y phục thêu bằng chỉ màu vàng cọ, xanh lục sáng, xanh dương khiến cả người nàng ta nhìn thật xinh xắn vui mắt. Thêm vào khuôn mặt bầu bĩnh, trông nàng ta hết sức đáng yêu.
Nàng ta không hề sợ Huyền Lăng, thoải mái cười đùa. Huyền Lăng cũng thích vẻ ngây thơ, hồn nhiên của nàng ta. Tuy chưa được Huyền Lăng sủng hạnh nhưng cũng đã khá quen mặt với y rồi.
Thuần Nhi mỉm cười, ngọc thạch màu xanh biếc đính ở hoa tai lay động như giọt nước tí tách. “Tỷ tỷ không phải có chiếc bình sứ trắng hoa văn hình băng sao, dùng nó để cắm hoa mai là hợp nhất.” Nàng ta vừa cười hì hì vừa chạy đi lấy chiếc bình để cắm hoa.
Hoa mai Thuần Nhi hái về hoặc nụ tròn như hạt châu hoặc vừa hé nở hai, ba cánh, cành nhánh khỏe khoắn đầy sức sống, sắc hoa đỏ hơn son, mùi thơm trội hẳn hương lan huệ, nhìn qua vô cùng đẹp đẽ. Ba người chúng tôi cùng ngắm nghía, bình phẩm hồi lâu, Thuần Nhi mới chịu ngồi xuống chiếc ghế đôn nhỏ gần chậu than, phía trước có đặt mấy món điểm tâm. Mắt nàng ta sáng lên, từ từ chọn những món mình thích, bỏ vào miệng.
Tôi hầu Huyền Lăng ăn lót dạ xong bèn đứng bên cạnh y, giúp y gọt bút mài mực. Gian phòng ấm áp, y chỉ mặc bộ y phục bằng gấm vàng có hoa văn rồng uốn khúc màu xanh khổng tước giản dị, càng tôn lên khuôn mặt trắng trẻo như ngọc, tựa như công tử của gia đình phú quý bình thường. Chỉ có chiếc thắt lưng bằng gấm thêu vàng có khóa bằng bạch ngọc mới thể hiện địa vị tôn quý của bậc quân vương. Tôi cũng khoác bộ y phục mặc ở nhà, áo ngắn bằng nhung màu hồng trân châu có thêu hoa, tóc chải sơ sài kiểu Đọa mã buông lơi như muốn xõa tung, cắm xiên một chiếc thoa dẹt bằng vàng ròng, không dùng thứ châu báu nào khác, yểu điệu đứng bên cạnh y, giúp y chấm bút lông vào mực đen cho đến khi thấm đẫm. Huyền Lăng cầm lấy chiếc bút từ tay tôi, vừa viết được hai, ba chữ, ngẩng lên đã thấy lưng bàn tay tôi có vương một ít mực nước, bèn thuận tay lấy chiếc khăn trên án lau giúp cho tôi. Bộ dạng tự nhiên, cứ như thể đã quen tay từ lâu lắm rồi.
Tôi chỉ cụp mắt, duyên dáng mỉm cười, cũng không mở miệng nói gì.
Thuần Nhi đang ngậm nửa miếng bánh bơ ngào đường, nửa miếng còn lại cầm trong tay quên cả ăn, chỉ đưa mắt ngẩn ngơ ngắm nghía thần thái của tôi và Huyền Lăng, hồi lâu sau, nàng ta phá lên cười, vỗ tay nói: “Thần thiếp lúc đầu nghĩ mãi không ra vì sao bộ dạng của Hoàng thượng ở bên cạnh tỷ tỷ trông thật quen mắt, thì ra tỷ tỷ và tỷ phu của thần thiếp ở nhà cũng giống như vậy. Một người mài mực, một người viết chữ, cả nửa ngày trời yên lặng chẳng nói tiếng nào, thần thiếp nhìn mà buồn chán đến phát khiếp…”
Thấy nàng ta nói năng chẳng biết giữ mồm giữ miệng, tôi hơi ngượng ngùng, vội ngắt lời: “Thì ra muội buồn chán đến phát khiếp à, cũng là do tỷ và Hoàng thượng không thèm để ý đến muội. Được rồi, để tỷ mài mực xong sẽ sang trò chuyện giải sầu với muội.”
Thuần Nhi ngẩng lên, còn định nói tiếp, tôi bèn vội bước qua rót trà cho nàng ta. “Ăn nhiều đồ ngọt như vậy, uống chút nước cho trôi xuống đã.”
Ở góc bên kia, Huyền Lăng lại lên tiếng can thiệp: “Hoàn Hoàn, nàng thật là… Sao không để cho Thuần Nhi nói hết lời cơ chứ!” Y vui vẻ nhìn sang Thuần Nhi. “Nàng cứ nói tiếp đi!”
Tôi giậm chân giận dữ, ngượng ngùng quay đầu không thèm để ý đến bọn họ nữa. Thuần Nhi được Huyền Lăng ủng hộ, càng thêm phần hào hứng, kể: “Tỷ tỷ và tỷ phu của thần thiếp tuy không nói chuyện với nhau nhiều nhưng lại rất gần gũi, chẳng bao giờ giận dỗi cả. Mẹ thần thiếp bảo đó gọi là… gọi là…” Nàng ta vắt óc cố nhớ lại, cho đến khi mặt mày đỏ tía thì mới nghĩ ra, hào hứng reo lên: “Đúng rồi, mẹ của thần thiếp bảo đó là ‘niềm vui chốn khuê phòng’.”
Tôi nghe xong, vừa xấu hổ vừa giận dỗi, quay đầu mắng. “Thuần Nhi còn nhỏ tuổi, cũng không biết nghe được những lời đùa bỡn thế này ở đâu, cứ nói hươu nói vượn mãi.” Tôi quay sang trách Huyền Lăng: “Hoàng thượng cứ dễ dãi với muội ấy như vậy thì ngày càng làm muội ấy ngông cuồng.”
Thuần Nhi không khỏi cảm thấy oan ức, bĩu môi cãi: “Muội nói bậy khi nào chứ, rõ ràng mẹ của muội nói cơ mà. Hoàng thượng, người nói xem, thần thiếp có nói bậy hay không?”
Huyền Lăng phá lên cười, suýt gập mình xuống án, luôn miệng an ủi: “Đương nhiên là không rồi! Nàng nói bậy gì chứ, rõ ràng là nói rất hay!” Nói xong bèn kéo tay tôi. “Trẫm và Tiệp dư đúng là như vậy đấy!”
Bàn tay y rất ấm, giữ chặt lấy những ngón tay của tôi. Tôi tủm tỉm cười, trong lòng vừa ấm áp vừa vui sướng.