Chương 11: Đêm mưa núi Ba
Ba ngày sau đó, Thường tại Phương Thuần Ý được Hoàng thượng lâm hạnh. Ngày mùng Chín tháng Mười hai năm Càn Nguyên thứ mười ba, Thường tại Phương thị được thăng làm Lương viện, Mỹ nhân Sử thị được thăng làm Quý nhân, ban hiệu Khang. Khí thế của tôi theo đó cũng như nước lên thuyền lên, dần dần ép sát Hoa Phi.
Từ khi tôi giả bệnh, Thuần Nhi và Sử Mỹ nhân đều phụng chỉ rời khỏi Đường Lê cung để phòng bệnh. Sau khi tôi khỏe lại, Huyền Lăng cũng chẳng hạ lệnh cho bọn họ quay về. Đường Lê cung rộng lớn như vậy chỉ có một mình tôi ở, cứ mãi như vậy thì cũng không ổn. Hiện giờ hai người họ đều được thăng vị, Thuần Nhi tính tình ngây thơ, tôi bèn tính toán gọi Thuần Nhi dọn trở lại điện tây để dễ bề chăm sóc. Còn về Sử Mỹ nhân, tôi chẳng mấy có thiện cảm với nàng ta, thêm vào đó, nàng ta đã thất sủng ba năm trời, nay mới được tấn phong, lại có thêm vinh dự được ban hiệu, nhất thời dương dương tự đắc, lúc nào cũng xoắn xuýt nịnh nọt tôi, khiến tôi bực bội không sao tả được.
Tôi bèn bẩm với Hoàng hậu, gọi Thuần Nhi dọn tới ở chung. Huyền Lăng vốn thường xuyên nghỉ lại ở Đường Lê cung, Thuần Nhi ở đó thì sẽ có thêm nhiều cơ hội được gặp Hoàng đế, thế nên chuyện này cũng khiến bao người đỏ mắt ghen tỵ.
Huyền Lăng yêu thích tính tình trẻ con, ngây thơ của Thuần Nhi, tuy không thường xuyên sủng hạnh nàng ta nhưng cũng không hề ép buộc nàng ta phải tuân theo quy củ trong cung. Hoàng hậu và Phùng Thục nghi trước giờ cũng rất mến Thuần Nhi, giờ thấy nàng ta được sủng hạnh tấn phong, ai nấy đều không khỏi mừng cho nàng ta. Huyền Lăng cũng chiều theo ý thích của nàng ta, chỉ cần không quá khác người là được. Nhất thời y không khỏi có chút lãnh đạm với Lăng Dung.
Lăng Dung tựa hồ cũng chẳng mấy quan tâm đến ân sủng nhiều hay ít. Ngoại trừ nỗi lo canh cánh vì My Trang bị giam lỏng thì tình cảm giữa mấy người chúng tôi lại càng thêm thắm thiết.
Mọi chuyện cứ thế yên ả trôi qua suốt mấy chục ngày trời. Lần kế tiếp gặp lại Huyền Thanh thì đã là ngày cuối cùng của năm Càn Nguyên thứ mười ba, đêm Giao thừa. Hôm nay cũng là ngày cả cung đình vui vẻ tổ chức yến tiệc.
Ngày này năm ngoái chính là ngày tôi thực sự gặp gỡ Huyền Lăng, vì cố lẩn tránh y nên đã chạy cuống cuồng trên vĩnh hạng phủ đầy băng tuyết. Nghĩ đến chuyện này, khóe môi phảng phất hương rượu của tôi bất giác nở nụ cười vui sướng.
Mấy tháng trời Huyền Thanh rong chơi nơi đất Thục cũng là thời gian tôi và Huyền Lăng tình ý khăng khít không rời. Dẫu Huyền Lăng cư xử bạc bẽo với My Trang nhưng đối với tôi, y vẫn rất thương yêu, rất chiều chuộng.
Huyền Thanh vừa từ đất Thục quay về, vẻ phong trần, mệt mỏi còn vương trên đôi mắt sáng mà chưa bị cảnh phồn hoa thịnh vượng của kinh đô tẩy sạch, đọng lại thành nét ôn hòa, trầm lặng của nụ cười trên môi. Lúc này, y đang ôm vò rượu ngồi bên cạnh Thái hậu, thao thao miêu tả phong cảnh đất Thục với mọi người, nào là đường núi hiểm trở dẫn lên kiếm các núi Tử Đồng, đập sông Đô của Lý Băng, phong cảnh tráng lệ của dãy Tần Lĩnh, đường đến đất Thục gian nan như lên trời, Thiên Phật Nham với các tượng khắc á nguy nga, Hoán Hoa cư nơi Đỗ Phủ từng ở lại…
Đó đều là những cảnh đẹp trong sách mà tôi từng mơ mộng, khát khao được nhìn thấy. Cách miêu tả của y hết sức sinh động, giọng nói rủ rỉ êm tai khiến người nghe như đang tận mắt chứng kiến cảnh vật vậy.
Mọi người đều bị thu hút bởi câu chuyện của y, quên cả rượu thịt không thèm động đến. Riêng tôi thì không mấy tập trung, thỉnh thoảng mới có vài ba câu lọt vào tai, phần lớn thời gian đều tập trung nhớ lại những câu văn tả cảnh trong sách, để so sánh với lời miêu tả chân thật của y.
Thực ra y ngồi ở bên cạnh Thái hậu, cách chỗ tôi ngồi rất xa. Ở chốn vàng ngọc xa hoa này, những kiến thức tai nghe mắt thấy của y tựa như dòng suối mát bất ngờ đối với nữ nhân cung đình, khác hẳn với quãng đời khuê các thuở xưa và bao mưu tính tranh giành hiện tại.
Thái hậu tuy lắng nghe rất hứng thú nhưng vào mùa đông này, chứng bệnh chảy nước mắt khi ra gió của bà lại phát tác, nhìn mọi thứ càng lúc càng mơ hồ. Huyền Lăng sốt ruột bèn ra lệnh cho ngự y ở Thái y viện đến hầu hạ chẩn bệnh tại Di Ninh cung của Thái hậu. Đáng thương thay cho Ôn Thực Sơ, vừa chữa bệnh xong cho Hộ quốc công đã phải ngựa không dừng vó, chạy tới cung của Thái hậu để hầu hạ. Thái hậu không tiện ngồi lâu, xem xong pháo hoa liền quay trở về.
Thái hậu vừa đi thì mọi người cũng thoải mái đỡ câu nệ hơn hẳn. Huyền Lăng gọi tôi đến ngồi cạnh y rồi nói: “Nàng vốn rất thích nghe những chuyện này, khi nãy ở xa quá e là nghe không được rõ, hay là bảo lão lục kể lại một lần nữa nhé?” Nói xong lại liếc mắt, mỉm cười nhìn sang Huyền Thanh. “Ngươi có chịu không?”
Huyền Thanh thoáng nhìn sang tôi rồi tủm tỉm cười, thưa: “Hoàng huynh đã muốn có được nụ cười của giai nhân, thần đệ sao dám keo kiệt vài ba câu nói cơ chứ!”
Tôi bèn xua tay. “Khi nãy thần thiếp nghe rất rõ ràng, không cần Vương gia kể lại lần nữa đâu. Vương gia cứ kể tiếp đi!”
Huyền Thanh ngồi ngay ngắn rồi thuật lại tình cảnh bị mưa thu giữ chân ở núi Ba: “Mưa thu triền miên mười mấy ngày liền, khó tránh trong lòng bực dọc. Ai ngờ cảnh mưa đêm ở núi Ba lại mỹ lệ như vậy, khiến cho thần đệ vì nó mà lưu lại suốt mấy ngày. Mưa sớm ở Hồng Xuân Hiểu Vũ[1] trên Nga Mi, như mưa mà chẳng phải mưa, biêng biếc ướt áo người[2], mưa phùn mênh mang trên Ly giang tựa sương mù giăng tỏa, mưa ở Nam Hồ Gia Châu là mưa bụi lất phất, khói mỏng tràn hồ, còn mưa trên Tây hồ lại là trời tạnh, long lanh hồ đã đẹp, mưa phùn, mịt mịt núi càng xinh[3]. Chỉ có mưa đêm ở núi Ba là tựa như nỗi lòng của người bạn cũ, bồi hồi rả rích bên song cửa, nếu không phải là bộc bạch nỗi buồn ly biệt thì là an ủi nỗi ưu hoài.”
[1] Hồng Xuân Hiểu Vũ vốn là Thiên Phật thiện viện, bởi ngoài cửa có trồng ba cây xuân (thầu dầu) đỏ nên còn có tên là Hồng Xuân tự. Bước vào chùa sẽ thấy ngay bốn chữ lớn Hồng Xuân Hiểu Vũ để miêu tả cảnh sắc của nơi này. Hồng Xuân Hiểu Vũ được xếp là một trong mười đại thắng cảnh ở Nga Mi.
[2] Nguyên tác: Tự vũ bất kiến vũ, không thúy thấp nhân y. Lấy ý từ câu: Sơn lộ nguyên vô vũ, không thúy thấp thân y của Vương Duy.
[3] Bài thơ Ẩm hồ thượng sơ tình hậu vũ của Tô Thức, dịch thơ Nguyễn Hiến Lê.
Tôi mỉm cười, cúi thấp đầu, hỏi: “Vương gia có nhìn ra trời mưa, đứng khêu nến nơi cửa sổ phía tây để cảm nhận nỗi lòng của người xưa không?”
Ánh mắt y chỉ dừng lại một thoáng trên khuôn mặt tôi rồi lập tức bình thản mỉm cười, đáp: “Song tây cùng khêu nến mới là chuyện vui đắc ý, tiểu vương chỉ có một mình, làm thế thì có gì thú vị chứ! Không bằng đắp chăn nghe tiếng mưa rơi, trọn đêm mộng đẹp.”
Tôi mím môi, gật đầu. “Vương gia đúng là có nhã hứng thật. Nhưng như thế thì sẽ không thể thấu hiểu được cái hay của: ‘Bao giờ song tây cùng khêu nến’ mà Nghĩa Sơn từng nhắc đến.”
Nụ cười của y thoáng nhạt. “Nghĩa Sơn ở núi Ba có Cẩm Sắt[4] để mà nhung nhớ, tiểu vương thì lại có thơ rượu để giải buồn.” Ánh mắt y hơi nghiêm lại. “Tiểu vương không biết thế nào là song tây cùng khêu nến, nhưng có thể nằm mơ, bắt chước Trang Sinh mộng thấy hồ điệp vậy.”
[4] Có người cho rằng Lý Thương Ẩn viết bài thơ Cẩm Sắt để tiếc thương ái thiếp của Lệnh Hồ Sở tên là Cẩm Sắt, nhưng điều này không đúng vì khóc mướn thương vay thì không thể có giọng thơ chân thành như thế. Có người cho là ông viết để khóc thương người vợ yêu của ông là Vương thị (con của Vương Mậu Nguyên) nhưng cũng không lấy gì làm chắc chắn. Phần đông cho là ông viết (sáu bài Vô đề và bài Cẩm Sắt) là để tiếc thương hai nàng Phi Loan và Khinh Phượng. (Theo Chế Lan Viên – Lời nói đầu cuốn Từ Tống)
Tôi giơ tay áo che miệng, mỉm cười với Huyền Lăng. Huyền Lăng bèn lên tiếng: “Trang Sinh mộng sớm mơ hồ điệp[5], không biết là Trang Sinh say đắm hồ điệp hay là hồ điệp cố ý muốn quyến rũ Trang Sinh đây?”
[5] Trích trong bài Cẩm Sắt của Lý Thương Ẩn.
Tôi hơi cúi đầu rồi lại ngước mắt mỉm cười, ánh mắt trong sáng không chút lay động. “Hồ điệp có lẽ không phải cố ý muốn xuất hiện trong giấc mơ của Trang Sinh đâu.”
Huyền Thanh không nhìn tôi, nói tiếp: “Có lẽ là Trang Sinh muốn nằm mơ thấy hồ điệp đấy!”
Huyền Lăng nhìn y với vẻ hứng thú. “Sao lại nói vậy?”
Huyền Thanh chỉ đáp lại bằng một câu: “Ban ngày thương nhớ thì đêm đến phải mơ thấy thôi!”
Huyền Lăng bất giác vỗ tay cười lớn. “Thì ra là Trang Sinh thầm thương hồ điệp rồi!”
Huyền Thanh chỉ mỉm cười thản nhiên, cứ như chuyện chẳng liên quan đến mình. “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu. Có lẽ hồ điệp chính là thục nữ trong lòng của Trang Sinh đấy. Hoàng huynh thấy thế nào?”
Huyền Lăng uống cạn chung rượu. “Từ nhỏ đọc sử bàn luận văn chương, phụ hoàng lúc nào cũng khen ngươi có ý tưởng mới lạ.” Nói xong nhìn sang tôi. “Nàng thông thạo thi thư nhất, ý nàng thế nào?”
Tôi chỉ mỉm cười, khéo léo trả lời: “Hồ điệp là lý tưởng của Trang Sinh, thục nữ là ước mong của quân tử.” Tôi khẽ ngâm nga: “Quan quan kia tiếng thư cưu, bên cồn hót họa cùng nhau vang dầy[6]. Nhưng ước mong mà không được thỏa lòng, trăn trở chẳng vui.” Tôi cười khẽ. “Đối với người mà nói, lý tưởng chẳng thiết thực như hiện thực có thể nắm chặt trong lòng bàn tay.”
[6] Bài Quan thư 1 trong Kinh thi của Khổng Tử, dịch thơ Tạ Quang Phát. Nguyên tác: Quan quan thư cưu, tại hà chi châu.
Mặt y thoáng lộ vẻ gượng gạo và buồn bã, nhưng sau đó lại nhanh chóng trở lại bình thường. Tim tôi đập thình thịch, chỉ sợ câu nói của mình không được thỏa đáng, có khi còn khéo quá hóa vụng.
Tôi chỉ muốn nhắc nhở y đến đó mà thôi. Cũng có thể y vốn không cần tôi nhắc nhở. Y thông minh như vậy, từ giọng điệu của tôi là có thể hiểu được rõ ràng rồi. Nhưng nếu không làm như vậy, trong lòng tôi chẳng có cách nào yên ổn được.
Hiện giờ tôi ở bên cạnh Huyền Lăng rất tốt, dẫu tôi chỉ là một trong những nữ nhân được y sủng ái nhưng tấm lòng của y đối với tôi không hề có chút khinh nhờn.
Tôi chỉ dám hy vọng có thể sống yên ổn trong hậu cung này.
Tôi hiểu rất rõ rằng, cuộc đời của y hoàn toàn khác của tôi. Vận mệnh của tôi đã được an bài là một trong số rất đông nữ nhân ở chốn hậu cung. Năm tháng của tôi sẽ phải chống chọi với hàng ngũ má phấn môi son giữa bốn bức tường cung sơn đỏ. Suốt cuộc đời, tôi chỉ biết cô độc lần bước trên con đường dài dằng dặc đó, cho đến khi tôi bị những mỹ nữ trẻ trung đè bẹp. Chờ đợi tôi vĩnh viễn chỉ có hai con đường: được sủng ái hoặc là thất sủng.
Đối với y, cuộc đời của y quá sức tuyệt vời, tựa như phủ đầy gấm vóc, chỉ mới hé lộ một góc nhỏ, có quá nhiều điều chưa biết và cơ hội, hơn hẳn những gì mà tôi có.
Hơn nữa, cuộc sống của tôi đã có quá nhiều thăng trầm, gian khổ. Y đối với tôi chỉ là một việc ngoài ý muốn, lại là một việc ngoài ý muốn hết sức tốt đẹp nhưng vô cùng nguy hiểm, tôi thà tránh xa để giữ mình còn hơn.
Đối với tôi, an toàn mới là điều quan trọng nhất.
Hoàng hậu ôn hòa mỉm cười. “Trong hậu cung này, luận tài năng thì Chân Tiệp dư hẳn là kẻ đứng đầu, chỉ mình nàng ta là có thể đối đáp trơn tru với lục vương. Nếu đổi lại là bản cung thì chắc chẳng biết nên mở miệng nói gì.”
Phùng Thục nghi cũng cười. “Đúng thế thật, nói thẳng ra, thần thiếp còn chẳng rõ là Vương gia và Tiệp dư muội muội đang nói chuyện gì nữa. Cái gì mà hết hồ điệp rồi lại Trang Sinh, thục nữ. Thần thiếp càng nghe càng mơ hồ.”
Dưới tấm trải bàn, Huyền Lăng đưa tay siết nhẹ tay tôi, lên tiếng: “Bọn họ đang bàn luận về Trang Tử và Thi kinh.”
Tôi mỉm cười dịu dàng với y. “Hoàng thượng anh minh.”
Hoàng hậu nghiêng đầu lệnh cho cung nữ bưng rượu sau lưng: “Hoàng thượng, Vương gia và Chân Tiệp dư đàm luận lâu như vậy chắc cũng khát rồi, đem rượu mà Chân Tiệp dư chuẩn bị ra rót đầy chung đi!”
Cung nữ vâng lệnh bước lên châm rượu. Chung rượu làm bằng ngọc trắng muốt không tì vết, rượu màu vàng kim trong suốt, mát lạnh.
Tôi kính rượu Huyền Lăng, Hoàng hậu rồi mới mời Huyền Thanh. Huyền Thanh không vội uống mà tập trung nhìn kỹ, ngửi thử vài lượt rồi quay sang nhìn Hoàng hậu.
“Là rượu hoa quế.” Huyền Lăng giải thích. “Trẫm và Tiệp dư cùng nhau hái hoa quế vừa nở vào mùa thu này để cất rượu.”
Trước mặt mọi người, Huyền Lăng nói về tôi bằng giọng điệu hết sức thân mật khiến tôi cảm thấy xấu hổ, lờ mờ cảm nhận được sau lưng có bao ánh mắt sắc bén đang chĩa vào người. Tôi bèn chậm rãi nói thêm: “Dùng gạo nếp để cất rượu, khi xong thì lấy nhị hoa quế phơi khô, tẩm sương cho vào rượu, lại thêm một chút kẹo mật. Uống vào vị ngọt mềm, lâng lâng mà không say.” Tôi nói chuyện để làm giảm đi cảm giác thẹn thùng. “Cách làm đơn giản, rượu ngon lại không hại sức khỏe. Nếu Vương gia thích thì có thể thử tự cất rượu để dùng.”
Tào Tiệp dư ngồi bên dưới đột nhiên nở nụ cười quyến rũ, thưa: “Trong bữa gia yến, rượu hoa quế ngọt thanh cũng rất vừa miệng. Nhưng ở đây còn có các vị Vương gia tham dự, nếu dùng Mao Đài, Huệ Tuyền, Đại Khúc hay là rượu bồ đào của Tây Vực để chiêu đãi thì sẽ phù hợp hơn.” Nàng ta có ý ám chỉ, rượu mà tôi tiếp đãi các Vương gia và mệnh phụ không được chu đáo, không thể hiện được phong độ vốn có của hoàng gia.
Có người đã lộ vẻ trào phúng và khinh miệt trong ánh mắt, chỉ chờ chứng kiến cảnh xấu mặt của tôi. Tôi chỉ mỉm cười ôn hòa như thường lệ, giải thích: “Chiến sự ở tây nam vẫn chưa ổn định, từ khi Thái hậu và Hoàng thượng tiết kiệm chi phí để cung cấp thêm quân nhu cho tiền tuyến, hậu cung đương nhiên phải noi gương của Thái hậu và Hoàng thượng. Dùng rượu hoa quế do Hoàng thượng đích thân cất thay cho các loại rượu quý giá để ban cho quý tộc, không chỉ thể hiện tấm lòng của Hoàng thượng, mà còn cho thấy hoàng thất gắn bó như một.”
Tào Tiệp dư hòa nhã cười, khen: “Muội muội đúng là thông hiểu lòng người, chu đáo, cẩn thận!”
Tôi mỉm cười tươi như hoa. “Tỷ tỷ quá khen rồi, nếu nói về thông hiểu lòng người thì muội muội sao bằng được tỷ tỷ cơ chứ?” Tôi chợt nhìn sang Nhữ Nam vương phi Hạ thị, cất tiếng hỏi: “Vương gia liều mạng nơi chiến trường, vì quốc gia mà tiêu diệt địch nhân, đúng là niềm tự hào của Đại Chu ta. Hẳn là rượu hoa quế mà tần thiếp cho người gửi sang cũng đã đến nơi rồi phải không?”
Hạ thị khom người, thưa: “Đa tạ Tiệp dư tiểu chủ! Rượu đã đến nơi, Vương gia chia cho các tướng sĩ, chư tướng đều cảm kích Hoàng thượng và Tiệp dư có lòng nghĩ đến bầy tôi, sĩ khí thêm phần hăng hái.”
Tôi đáp: “Khổ công cho Vương phi thật. Biên cương khổ lạnh, loại rượu này uống vào không say, sẽ không ảnh hưởng đến chiến sự nhưng cũng giúp giữ ấm, xua lạnh. Tháng Tám hoa quế thơm, coi như cũng góp phần xua bớt nỗi nhớ quê của tướng sĩ.”
Hạ thị thưa: “Đúng vậy!”
Huyền Thanh đột nhiên lên tiếng: “Vì sự anh minh trời ban của Hoàng thượng, vì tinh thần anh dũng giết giặc của tướng sĩ, mời chư vị cùng uống cạn chung này!” Nói xong, y đứng dậy, ngẩng đầu uống một hơi cạn chung, dùng tay áo lau vết rượu trên môi rồi cao giọng khen: “Rượu ngon!” Y vừa nói xong, bầu không khí dịu lại, hòa hợp như trước.
Tôi thấy thời cơ đã đến bèn đưa mắt ra hiệu cho Hoàng hậu. Hoàng hậu yểu điệu đứng dậy, nâng chén: “Thần thiếp cùng các vị muội muội ở hậu cung chúc Hoàng thượng phúc thọ lâu dài, giang sơn thái bình, hạnh phúc!”
Mọi người nâng chén nói cười, vô cùng nhiệt.
Trong lúc bận bịu, tôi tranh thủ liếc nhìn sang Huyền Thanh lộ vẻ biết ơn, cảm tạ y đã giải vây cho tôi. Y chỉ mỉm cười thản nhiên, tự rót tự uống.
Huyền Lăng hỏi nhỏ vào tai tôi: “Trẫm lệnh cho nàng gửi rượu để thăm hỏi chư tướng khi nào vậy?”
Tôi nhìn sang y, mỉm cười thưa: “Hoàng thượng bận bịu quốc sự, chẳng lẽ không thể để thần thiếp chia sẻ vất vả với người được sao?” Tôi dừng lại một thoáng, càng hạ thấp giọng, không để ai khác nghe thấy. “Hoàng thượng cần phải ổn định lòng quân, ban ân đương nhiên là việc của Hoàng thượng, không cần ai khác làm giúp.”
Y vẫn giữ vẻ mặt bình tĩnh nhưng khóe môi bất giác cong lên, để lộ nụ cười mỉm hài lòng. Dưới gầm bàn, mười ngón tay y và tay tôi đan vào nhau.
Tựa như có làn gió xuân tháng Tư lướt qua tim tôi, tôi hơi rùng mình, mặt ửng hồng, mỉm cười cúi đầu.
Nhưng chuyện vẫn chưa chấm dứt ở đây. Điềm Quý nhân đột nhiên lên tiếng châm chọc: “Tiệp dư tỷ tỷ hô hào tiết kiệm, thế thì đương nhiên là tốt rồi. Nhưng nghe nói tỷ tỷ có một đôi hài ngọc làm từ gấm Thục thêu hoa, nạm đầy châu báu, xa hoa không ai bì kịp. Không biết muội muội có may mắn được xem qua một lần hay không?”
Huyền Lăng lườm nàng ta một cái, chậm rãi lên tiếng: “Trẫm nhớ trẫm cũng từng ban cho nàng không ít châu báu, cũng quý giá, xa hoa lắm!”
Lời vừa mới dứt, Thuần Nhi vừa ăn bánh ngọt xong, vỗ tay xen vào: “Đó là do Hoàng thượng yêu thương Tiệp dư tỷ tỷ nên mới ban cho tỷ ấy, đương nhiên là càng quý giá, xa hoa càng tốt. Hoàng thượng đã thích đến như vậy thì làm gì mà chẳng được. Hoàng thượng, người nói xem có đúng hay không?”
Tính tình Thuần Nhi còn trẻ con, nói năng không biết lựa lời, tôi sốt ruột đến biến sắc mặt. Nhất thời mọi người đều lộ vẻ ngạc nhiên, nhưng muốn chặn họng người khác thì chẳng còn lý do nào tốt hơn, mạnh mẽ hơn thế nữa. Cũng may là có Thuần Nhi, chứ người khác đời nào chịu thốt ra những lời như vậy chứ!
Huyền Lăng âu yếm nhìn sang Thuần Nhi. “Trẫm thích nhất là cái tính nghĩ gì nói nấy của nàng.”
Thuần Nhi nghe vậy thì đương nhiên là rất đắc ý.
Mặt Điềm Quý nhân nửa xanh nửa trắng, ngượng ngập không biết phải nói gì nữa. Thế mà Thuần Nhi vẫn còn muốn ép đến cùng. “Điềm Quý nhân, Quý nhân thấy ta nói vậy có đúng không?”
Điềm Quý nhân không dám nổi giận, dù gì cũng đang ở trước mặt Hoàng thượng, địa vị của Thuần Nhi lại hơn hẳn nàng ta, đành trả lời: “Phương Lương viện nói không sai.”
Tôi kín đáo lườm Thuần Nhi một cái, lộ vẻ trách móc, ra hiệu cho nàng ta đừng nói thêm gì nữa. Nàng ta chẳng thèm để ý, chỉ mỉm cười duyên dáng với tôi rồi cắm đầu thưởng thức món ngon trước mặt.
Tôi chỉ biết cười khổ, a đầu Thuần Nhi này thật là… không có cách nào hạn chế được nàng ta cả, thế mà Huyền Lăng lại chiều chuộng nàng ta quá thể. Nhưng thái độ không kiêng nể gì thế này chỉ e là không đem lại điều tốt lành cho nàng ta.
Tôi thầm lắc đầu.
Nhưng Thuần Nhi tựa hồ chẳng chịu nghe lời khuyên bảo của tôi. Có sự chiều chuộng của Huyền Lăng và sự bảo hộ của tôi, nàng ta chẳng sợ gì cả, mà cũng không nghĩ đến chuyện phải sợ ai đó.
Sau khi gia yến kết thúc, tần phi lần lượt lui xuống. Huyền Lăng một mình nghỉ lại trong Nghi Nguyên điện. Ngày mai là mùngột, y còn phải đối mặt với lễ tế trời rườm rà vất vả, rồi sau đó cùng người của hậu cung đi bái kiến Thái hậu.
Đêm khuya yên ắng, bên ngoài noãn các, tuyết mềm mại vẫn lất phất buông rơi. Tôi nằm co người trong chăn gấm dày cộm, vừa mềm vừa thơm, hơi thở đều đều của Cận Tịch trong giấc ngủ say nhè nhẹ vẳng vào tai. Đêm quá tĩnh mịch, khiến lòng người không sao yên ổn được.
Dưới cửa sổ phía tây, cặp nến vẫn tỏa ánh sáng lấp lánh. Tôi và Huyền Lăng từng đứng đó khêu nến ngắm sao. Song tây cùng khêu nến, tôi chợt nhớ ra một chuyện, khi nãy trong bữa tiệc, người cùng nhau kể chuyện núi Ba với tôi lại là Huyền Thanh.
Thế nhưng song tây ở ngay trước mắt, núi Ba lại ở ngoài ngàn dặm xa xôi. Tôi chỉ biết giữ chặt lấy điều trước mắt, sẽ không bao giờ bỏ gần tìm xa.