Chương 12: Vợ chồng chẳng nên than[1]
[1] Trích trong bài Bạch đầu ngâm của Trác Văn Quân. Điệp Luyến Hoa dịch thơ.
Ngày mùng Một Tết, tiếng pháo nổ râm ran khắp vườn ngự uyển. Có lẽ đối với các cung phi quen sống trong tịch mịch và các cung nữ rảnh rỗi chán chường, ngày hôm nay quả thật là một dịp vui vẻ, khoan khoái.
Đứng dậy ra khỏi cửa, Bội Nhi đã hớn hở ôm chiếc áo choàng lông hạc màu đỏ thẫm, bên trong lót the mỏng và da cáo trắng chạy lại định khoác lên cho tôi. Chiếc áo lông hạc này được dệt bằng sợi se từ lông hạc, tay rộng váy dài, một màu trắng muốt, mềm mại phấp phới. Chiếc áo này là do Nội vụ phủ đặc biệt dâng tặng tôi hồi năm ngoái.
Tôi đưa mắt chăm chú nhìn vẻ hớn hở của Bội Nhi rồi lạnh lùng hỏi lại: “Ngươi thấy chiếc áo choàng này phù hợp sao?”
Ả bị vẻ mặt của tôi trấn áp, không biết làm sao, đành nhìn sang Cận Tịch cầu cứu.
Cận Tịch đích thân chọn một chiếc áo choàng lông màu mật ong khoác lên cho tôi, rồi đặt một chiếc lò ấp có hoa văn kim tuyến vào tay tôi, rồi đỡ tôi ra ngoài.
Ngày cả cung hội hợp, tôi không cần ăn diện quá nổi bật. Nhất là lần đầu tiên bái kiến Thái hậu, người tôi luôn thành tâm kính trọng, thì giữ thái độ khiêm tốn, nhún nhường là hay nhất.
Tuyết vừa ngừng rơi, nơi ở của Thái hậu, Di Ninh cung, ngói lưu ly cùng hành lang bạch ngọc chạm trổ lấp lánh tỏa ánh sáng huy hoàng dưới ánh bình minh, khiến người nhìn sinh lòng ngưỡng mộ.
Theo đội đứng thành hàng giữa các hậu phi ăn mặc gấm hoa rực rỡ, tôi chợt cảm thấy có chút hồi hộp. Vào cung hơn một năm, đây là lần đầu tiên tôi chính thức bái kiến Thái hậu, ngắm nhìn bà ở khoảng cách gần thế này.
Giọng lanh lảnh đặc trưng của nội giám đã gọi đến tên tôi, tôi hít một hơi thật sâu, bước ra khỏi hàng, hành đại lễ ba lần, quỳ chín lần dập đầu, miệng hô: “Thái hậu phượng thể an khang, phúc trạch vạn năm.”
Thái hậu nhìn xuống tôi, mỉm cười. “Nghe nói Hoàng thượng rất thích nhà ngươi, ngẩng lên cho ta xem thử.”
Tôi vâng lời ngẩng lên, ánh mắt cung kính.
Ánh mắt Thái hậu thoáng dừng lại một lát trên người tôi, Hoàng hậu ngồi bên vội thưa: “Chân Tiệp dư rất biết điều, tính tình cũng ôn hòa.”
Thái hậu nghe vậy chỉ khẽ gật đầu. “Ngươi tên là gì?”
“Thần thiếp tên Chân Hoàn, lần đầu tiên bái kiến Thái hậu, xin Thái hậu nhận thêm đại lễ của thần thiếp, thần thiếp vui mừng khôn xiết.” Nói xong, tôi lại vái lạy thêm lần nữa.
“À…” Thái hậu trầm ngâm một lát rồi chú ý quan sát tôi một lúc. Ánh mắt của bà rõ ràng rất ôn hòa, bình tĩnh, nhưng tôi lại cảm thấy hình như bà có thể nhìn thấu cả tim gan tôi, bất giác cảm thấy bất an, đỏ mặt cúi đầu, không biết nên làm gì mới phải.
Lúc tôi ngẩng lên, Thái hậu đã tươi cười bảo: “Được lắm, đứa bé này đúng là hiểu chuyện.”
Tôi cúi đầu, ngoan ngoãn thưa: “Thần thiếp còn ít tuổi chưa quen với quy củ trong cung, cũng may có ân đức của Thái hậu bảo hộ, Hoàng thượng khoan hòa, Hoàng hậu và các tỷ tỷ lại chịu khó chỉ dẫn cho thần thiếp nên mới không đến nỗi thất lễ.”
Thái hậu gật gù. “Chả trách Hoàng thượng yêu thương ngươi, ai gia cũng rất hài lòng.” Nói xong, bà lệnh cho cung nữ ban thưởng lụa là, trang sức cho tôi.
Tôi dập đầu tạ ơn, Thái hậu đột nhiên lên tiếng hỏi: “Ngươi có biết viết thư pháp không?”
Tôi hơi bất ngờ, đang định trả lời thì Hoàng hậu đã đáp thay: “Tiệp dư rất mực tài hoa, hẳn là cũng thành thạo thư pháp.”
Thái hậu đưa mắt về phía Hoàng hậu, Hoàng hậu không dám nói thêm gì nữa.
Tôi thưa: “Thần thiếp chỉ biết chút ít về thư pháp, nét chữ còn vụng về, chỉ e không vừa mắt Thái hậu.”
Thái hậu mỉm cười hòa nhã. “Biết thư pháp là tốt rồi, có rảnh thì thường xuyên đến Di Ninh cung làm bạn với ai gia, giúp ai gia sao chép kinh văn.”
Tôi cảm thấy vui sướng, vội thưa: “Chỉ cần Thái hậu không chê bỏ thần thiếp vụng về, thần thiếp nguyện tận tâm hầu hạ Thái hậu.”
Nụ cười của Thái hậu càng rõ, quỳ ngay trước mặt Thái hậu nên bà vừa cười, tôi đã nhìn thấy ngay. Thái hậu vẫn còn ở tuổi trung niên, nhưng không biết là do không để ý giữ gìn nhan sắc hay vì lý do gì khác mà bà trông có vẻ tiều tụy hơn những nữ nhân cùng tuổi khác nhiều, nếp nhăn nơi khóe mắt chi chít như đuôi cá. Có lẽ là tôi hoa mắt, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại cảm thấy nụ cười giữa bao châu ngọc, gấm vóc đó lại phảng phất vẻ bi thương và mệt mỏi khó diễn tả thành lời.
Từ ngày Mười bốn tháng Giêng, lòng tôi tràn đầy chờ mong và hy vọng, khó khăn lắm mới đợi đến sáng sớm ngày Mười lăm, vừa mới canh tư tôi đã tỉnh giấc, không sao ngủ được nữa. Cận Tịch bị tôi làm kinh động, cười bảo: “Tiểu chủ dậy sớm thế, trời chưa sáng mà. Chân công tử dù gì cũng phải đi bái kiến Hoàng thượng trước, sau buổi trưa mới có thể sang trò chuyện với tiểu chủ được.”
Tôi ôm gối, ngồi trong chăn, ngẫm nghĩ một lát rồi bảo: “Đúng là còn quá sớm. Chỉ là nghĩ tới chuyện từ khi vào cung đến giờ, ta chưa được gặp ca ca lần nào, nơi biên cương khổ sở, lạnh giá, trong lòng lo lắng không yên.”
Cận Tịch thưa: “Tiểu chủ ngủ thêm một lát nữa đi, như thế đến trưa mới tỉnh táo được.”
Tôi “ừ” một tiếng nhưng trong lòng nôn nóng sốt ruột, trằn trọc mấy lượt, cuối cùng cũng chẳng ngủ an giấc.
Khó khăn lắm mới đợi được đến buổi trưa, tôi chợt nghe thấy giọng Lưu Chu vui vẻ cất lên bên ngoài: “Công tử đến rồi!”
Tôi vừa định đứng dậy nghênh đón thì Cận Tịch vội ngăn lại: “Tiểu chủ không thể đứng dậy, như thế không phù hợp với lễ nghi.” Tôi đành ngồi ngay ngắn như cũ. Sau đó, ba, bốn cung nữ nội giám tranh nhau vén rèm, miệng không ngừng chúc tụng: “Chúc mừng tiểu chỮ” Ca ca rảo bước tiến vào, hành lễ quân thần xong, tôi mới dám đứng dậy, cố nén lệ, cất tiếng gọi: “Ca ca…”
Mấy năm không gặp, mặt ca ca đã có thêm nhiều nét phong trần, thần thái cương nghị hơn nhiều, hào khí bừng bừng, chỉ có ánh mắt nhìn tôi là vẫn tràn đầy bao dung và yêu thương hệt như thuở tôi còn ở chốn khuê phòng.
Tôi cùng ca ca ngồi xuống rồi lệnh cho người dâng bữa trưa lên, ca ca bảo: “Khi nãy Hoàng thượng đã giữ ta cùng dùng bữa trưa ở Giới Thọ đường rồi.”
Tôi lấy làm lạ. “Hoàng thượng cùng dùng bữa trưa với ca ca ư?”
“Đúng vậy. Hoàng thượng đối xử với ta rất hòa nhã, phần nhiều là vì sủng ái muội.”
Tôi ngẫm nghĩ một lát hiểu ngay lý do, chỉ tủm tỉm cười. “Hôm nay là Tết Nguyên tiêu, ca ca cùng ăn một chén bánh trôi với muội vậy.”
Bánh trôi trong cung được làm rất khéo, nhân bằng kẹo mật trộn với cánh hoa hồng, vỏ bánh láng mịn, nước chè rắc chút nhị hoa quế. Tôi đích thân bưng một bát bánh trôi đặt trước mặt ca ca. “Đóng quân ở biên cương vừa khổ sở vừa lạnh giá, hẳn chẳng có món ăn gì ngon lành, hôm nay ca ca để muội thỏa lòng chăm sóc ca ca vậy!”
Ca ca cười bảo: “Ta thì không sao, chỉ là lúc nào cũng lo lắng muội không quen với cuộc sống trong hậu cung. Giờ chính mắt nhìn thấy Hoàng thượng đối xử với muội rất tốt, ta cũng yên tâm rồi!”
Tôi mím môi, cúi đầu. “Tốt hay không tốt thì sao chứ, thế nào cũng là ân điển của Hoàng thượng cả.”
Chuyện phiếm hồi lâu, ca ca đột nhiên im lặng, tỏ vẻ ngần ngừ. Tôi thấy lạ, cuối cùng ca ca cũng mở miệng: “Trước khi vào cung, phụ thân có dặn dò ta một chuyện, muốn muội quyết định…” Ca ca dừng lại, không nói tiếp.
Ca ca rút ra một tờ giấy, trên đó có viết vài ba cái tên của nữ nhân, đằng sau là xuất thân, gia tộc và tuổi tác. “Phụ thân đã chọn ra mấy người này, giờ chỉ cần muội quyết định mà thôi!”
Tôi hơi giật mình. “Muội không hề quen mấy vị tiểu thư này, sao quyết định được cơ chứ?”
“Phụ thân bảo muội muội hiện giờ đã là tần phi bên cạnh Hoàng thượng rồi, dù gì cũng phải nhờ muội quyết định mới được.”
Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi bảo: “Cũng đúng. Nếu như do muội quyết định thì cũng mang lại vinh dự cho nhà họ Chân chúng ta.” Nói xong, tôi cười khúc khích, tinh nghịch hỏi ca ca. “Ca ca vừa ý người nào thì muội sẽ chọn người đó.”
Ca ca lắc đầu, ánh mắt sững lại nhìn chiếc khăn gấm trong tay tôi. “Ta chẳng đặc biệt để ý đến ai cả.” Ánh mắt của ca ca chuyên chú, nhưng giọng nói run run, tôi nghi hoặc cúi xuống nhìn kĩ, chiếc khăn gấm trong tay tôi là do Lăng Dung thêu tặng mấy hôm trước. Ở giữa chiếc khăn thêu hình một cụm trúc đào lơ thơ, hoa rơi lất phất màu hồng phai, bốn góc là hoa văn tứ hợp như ý màu vàng nhạt, đường kim mũi chỉ thật khéo léo, tinh tế.
Tôi trong lòng kinh hãi, lập tức nhớ lại những chuyện trước đây bèn bình tĩnh mỉm cười, hỏi: “Ca ca hình như rất thích hoa trúc đào?” Tôi bèn chỉ vào tên của một nữ nhân trong danh sách – Tiết Thiến Đào. “Vị Tiết tiểu thư này xuất thân thế gia, hiểu lễ nghĩa, lúc còn ở nhà muội đã từng nghe danh, ca ca thấy thế nào?”
Nụ cười của ca ca có chút xa vắng. “Phụ thân muốn muội lựa chọn, ta sao có thể phản đối cơ chứ?”
Tôi ép mình trấn tĩnh lại. “Đó là thê tử của ca ca, sao ca ca lại không có ý kiến riêng của mình cơ chứ?”
Ca ca cầm chiếc thìa bạc, khẽ g keng một tiếng lên chiếc bát sứ, chậm rãi đáp: “Có ý kiến thì sao chứ? Ta nhớ muội từng không cam tâm vào cung làm phi tần, hiện giờ chẳng phải vẫn hết sức vui vẻ hay sao? Có ý kiến hay không thì kết cục cũng như vậy. Nói thực lòng, ta chẳng hề quen biết nữ nhân nào trong danh sách này cả, chọn ai cũng như nhau.”
Tôi chợt lạnh người, sảnh chính ấm áp như mùa xuân nhưng dường như không thể chống lại được hàn ý trong câu nói của ca ca. Tôi liền đảo mắt ra hiệu, Cận Tịch hiểu ý, lập tức cười, thưa: “Tiểu chủ đã lâu lắm rồi không được gặp công tử, e là có nhiều lời cần tâm sự, bọn nô tỳ xin cáo lui vậy!” Nói xong, nàng ta dẫn theo mọi người thỉnh an rồi lui ra.
Lúc này tôi mới thay đổi sắc mặt, quẳng chiếc khăn trên tay xuống bàn rồi mỉm cười, lên tiếng: “Tài thêu hoa của Lăng Dung càng lúc càng khéo léo. Lúc đi tránh nóng, nàng ta từng tự tay thêu một bức hoa đào liền cành dâng cho Hoàng thượng, Hoàng thượng rất yêu thích.”
Ca ca ơ hờ “ừ” một tiếng, như thể chẳng mấy quan tâm, chỉ bảo: “Lăng Dung tiểu chủ là con gái nhà huyện thừa, dòng dõi không cao, có được ngày hôm nay hẳn không dễ dàng gì.”
Tôi quan sát sắc mặt của ca ca hồi lâu, cảm thấy yên lòng, bèn lên tiếng hỏi: “Khi nãy ca ca nói như vậy là đã có người trong lòng rồi phải không? Nếu có thì cứ để cho Hoàn Nhi nói với cha, hẳn không phải là việc khó khăn gì.”
Yên lặng hồi lâu, ca ca đáp lời tôi: “Không có!” Ca ca dừng lại một chút rồi tiếp: “Tiểu thư nhà họ Tiết cũng được lắm…” Giọng của ca ca hơi trầm. “Thiến Đào, tên rất hay, thuận vợ thuận chồng.”
Đang nói chuyện, tôi chợt để ý thấy có bóng người mảnh dẻ thấp thoáng bên ngoài cửa sổ, không biết đã đứng đó được bao lâu. Tôi ngờ là Hoán Bích, bất giác có phần gằn giọng, hỏi vọng ra: “Ai ở bên ngoài đó?”
Rèm gấm vén lên, một bóng người yểu điệu tiến vào, mỉm cười, đáp: “Muội định ghé chơi, ai ngờ lại nghe Cận Tịch bảo rằng Chân công tử đang ở bên trong. Muội định cho người đặt chậu thủy tiên xuống rồi ra về, ai ngờ tỷ tỷ đã nhìn thấy muội rồi.” Nàng ta quay sang ca ca tôi, nói: “Đã lâu không gặp, Chân công tử vẫn khỏe chứ?”
Ca ca vội đứng dậy hành lễ rồi mới dám ngồi xuống.
Là Lăng Dung, tôi thoáng giật mình, trộm nghĩ nếu lỡ nàng ta nghe được những lời khi nãy thì khó tránh khỏi đau lòng, bất giác khuôn mặt lộ vẻ gượng gạo. Nhưng tôi vẫn liếc mắt chăm chú quan sát sắc mặt của bọn họ xem có gì khác lạ hay không.
Lăng Dung vẫn tỏ vẻ bình tĩnh, chỉ là trước mặt đàn ông nên thái độ có phần dè dặt. Ca ca cũng giữ lễ trước mặt tần phi, không dám tùy ý ngẩng đầu, nói chuyện. Nhìn hai người họ không có gì khác lạ cả.
Nhưng cứ ngồi trơ ra, dè dặt như thế thì gò bó quá, bầu không khí chùng hẳn xuống. Bên trong rèm gấm, bách hòa hương nhàn nhạt lan tỏa, khói mờ lượn lờ vấn vít tỏa ra từ chiếc lò Bác sơn bằng vàng ròng hết tụ lại tán, cảnh vật trước mặt trở nên mờ ảo, không thật chút nào.
Tôi đành tìm chuyện để nói: “Ca ca ăn thêm một chén bánh trôi nữa nhé, đừng để đói bụng.”
Ca ca đáp: “Không cần đâu. Hôm nay răng của ta hơi nhức một chút, bớt ăn đồ ngọt thì tốt hơn.”
“Vậy hiện giờ ca ca đang dùng thuốc gì, cứ để đau răng như thế mãi thì không tốt đâu.”
Ca ca mỉm cười ôn hòa. “Muội không phải không biết, ta là đấng nam nhi nhưng lại sợ nhất chuyện uống thuốc đắng, thà cứ để đau như vậy còn hơn.”
Lăng Dung đột nhiên nhắm mắt hít khẽ một hơi rồi dịu giọng thốt: “Trong các nguyên liệu dùng để phối chế Bách hòa hương có một loại gọi là Đinh tử hương, được chế từ nụ hoa tử đinh hương, ngậm trong miệng có thể làm giảm đau răng, chẳng những không đắng miệng mà còn thơm ngát, hay là công tử thử dùng xem sao.”
Ánh mắt của ca ca như vô ý lướt qua mặt của nàng ta rồi lên tiếng: “Đa tạ tiểu chủ!”
Lăng Dung khẽ run rẩy rồi mỉm cười, tự giễu: “Vừa từ bên ngoài vào đây, vẫn còn cảm thấy lạnh.” Nói xong, nàng ta hỏi thăm ca ca vài câu rồi lên tiếng cáo từ: “Trong cung của Lăng Dung vẫn còn vài chuyện cần giải quyết, xin cáo từ.”
Tôi thấy nàng ta đi rồi mới ngồi xuống, khẽ khuấy khuấy chiếc thìa bạc trong tay, chiếc thìa cứng chạm vào bánh trôi mềm nhũn, chẳng thể nào dùng sức nổi. Tôi tủm tỉm cười. “Ca ca bằng lòng tiểu thư nhà họ Tiết thì tốt rồi, không biết khi nào thì tổ chức hôn lễ, khi đó Hoàn Nhi nhất định sẽ tới chúc phúc cho ca ca!”
Ca ca mỉm cười như hoan hỷ lắm nhưng tôi chẳng thấy vẻ mặt của ca ca có gì vui vẻ. Ca ca đáp: “Chắc là chưa tổ chức ngay được đâu. Ba ngày tới ta phải quay trở lại biên cương rồi, Hoàng thượng cho phép ta ba tháng lại quay về báo cáo một lần.” Ánh mặt trời mùa đông nhàn nhạt rọi lên thân hình anh tuấn, cường tráng của ca ca, tỏa hào quang lờ mờ.
Tôi không tìm được câu nào để nói về chuyện hôn nhân của ca ca nữa, đành chuyển chủ đề: “Hoàng thượng đã dặn dò ca ca hết rồi phải không?”
Ca ca nghe tôi hỏi vậy, ánh mắt không còn vẻ uể oải, chán nản khi nãy nữa, nghiêm túc trả lời tôi: “Thần vâng theo ý chỉ của Hoàng thượng, dù chết cũng chẳng sờn lòng.”
Tôi gật đầu. “Có câu nói này của ca ca thì muội và Hoàng thượng cũng yên tâm rồi. Nhữ Nam vương và nhà Mộ Dung không phải là hạng hiền lành gì cho cam, ca ca ngàn vạn lần phải cẩn thận ứng đối.” Giọng tôi có chút nghẹn ngào: “Đừng nói dù chết cũng không sờn lòng nữa, đang dịp tết nhất, ca ca cố ý muốn làm muội đau lòng có phải không?”
Ca ca âu yếm vén tóc mai lòa xòa trên trán tôi. “Vẫn còn làm nũng thế à, hệt như ngày xưa vậy, chẳng trưởng thành hơn chút nào. Được rồi, ca ca hứa với muội, sẽ không để mình xảy ra chuyện gì đâu.”
Tôi phì cười thành tiếng. “Ca ca sắp cưới chị dâu rồi, Hoàn Nhi sao có thể không trưởng thành được chứ!” Tôi thunụ cười, lấy ra một cuộn giấy, đưa cho ca ca: “Nếu có chuyện gì bất ngờ thì lập tức dùng bồ câu đưa bức thư này ra ngoài, sẽ có người tiếp ứng.”
Ca ca trầm giọng: “Được rồi!”
Tuy là người nhà nhưng cuối cùng cũng e quy củ trong cung, không thể ở lại quá lâu. Tôi đích thân tiễn ca ca ra tận cửa Thùy hoa, không kìm được mắt đỏ lên, nhưng cố gắng không nhỏ lệ. Ca ca dịu giọng khuyên nhủ: “Ba tháng nữa nói không chừng chúng ta lại được gặp mặt mà.” Ca ca đưa mắt liếc qua đám cung nữ nội giám xung quanh, nhỏ giọng nhắc nhở: “Trước mặt nhiều người như vậy, đừng mất bình tĩnh quá!”
Tôi gật gật đầu vâng theo: “Muội không thể ở bên làm vui lòng cha mẹ, xin ca ca để ý an ủi cha mẹ, dặn dò Ngọc Dao, Ngọc Nhiêu phải biết nghe lời.” Cổ họng tôi nghẹn lại không sao nói tiếp được, quay người không dám nhìn bóng lưng ca ca rời đi.
Lúc quay trở về cung, tôi chợt nhìn thấy hai chậu thủy tiên đặt trước sảnh, bèn thuận miệng hỏi: “Là Lăng Dung tiểu chủ vừa đưa đến khi nãy sao?”
Tĩnh Thanh cung kính thưa: “Vâng ạ!”
Tôi thoáng trầm ngâm rồi hỏi: “Lúc đến thì Lăng Dung tiểu chủ đứng đợi ở bên ngoài bao lâu?”
Tĩnh Thanh thưa: “Không lâu đâu ạ, chỉ được một chốc thì tiểu chủ người đã lên tiếng hỏi ai ở bên ngoài.”
Lúc ấy tôi mới cảm thấy an tâm, nhưng vẫn giận dữ mắng: “Càng ngày càng hồ đồ, gặp chuyện như vậy mà cũng không chịu vào báo tin sớm!”
Tĩnh Thanh không khỏi ấm ức thưa: “Lăng Dung tiểu chủ bảo không muốn ảnh hưởng đến buổi gặp gỡ của tiểu chủ và thiếu gia cho nên mới không cho bọn nô tỳ vào báo tin.” Cô ả thấy tôi cau mày bèn không dám biện bạch gì thêm.
Sau đó, tôi có khéo léo dò xét nhưng vẫn thấy Lăng Dung giữ thái độ như thường ngày, hầu hạ Huyền Lăng, trò chuyện với tôi, khiến tôi không khỏi cảm thấy mình đã quá đa nghi.
Ngày tháng trôi qua yên ả, ca ca sau khi quay về bèn lập tức đến Tiết phủ cầu hôn, việc hôn nhân dần được sắp xếp đâu vào đó.