Chương 5
Hôm ấy, A Lý Hòa Trác cùng Hàm Hương công chúa đến trước Tử Cấm thành. Cửa cung rộng mở, trống lễ vang hồi. Vua Càn Long, các a ca, cát cát, thân vương, vương công đại thần ra tận trước đại điện đó. Âm nhạc của dân tộc Duy dồn dập. Vua A Lý Hòa Trác cỡi ngựa đi trước, đoàn xe, đoàn ngựa, đoàn cờ, đội nhạc, đội lạc đà, mỹ nữ, vệ binh lần lượt theo sau. Trong đoàn người rầm rộ, hùng hậu đó, điều khiến mọi người chú ý nhất là chiếc kiệu xinh xắn với màu sắc lạ lẫm đầy sắc thái nước ngoài. Chiếc kiệu hình lục giác, ở mỗi góc có một cây trụ vàng, trên đầu mỗi trụ có một đĩa màu xanh viền vàng, còn dưới kiệu thì chẳng có vách. Chỉ che bằng màn voan màu trắng, bên trong kiệu là một cô gái dân tộc Duy mặc áo đỏ, đầu đội mũ lông nhung trắng với khăn che mặt. Cô gái ngồi giữa kiệu, nghiêm trang như một pho tượng, hai người hầu mặc áo tím viền kim ngồi hai bên, khung cảnh đẹp như tranh cổ.
Vua Càn Long không thể không chú ý.
Xe và ngựa dừng lại, A Lý Hòa Trác xuống ngựa. Kiệu cũng dừng, Duy Na và Kiết Na đỡ Hàm Hương xuống kiệu, sau đó, A Lý Hòa Trác, Hàm Hương công chúa và đoàn tùy tùng, tất cả quỳ xuống trước mặt vua Càn Long tung hô:
- Thần A Lý tham kiến hoàng thượng! Chúc hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế!
Ðoàn tùy tùng cũng hô theo:
- Hoàng thượng của chúng ta vạn tuế, vạn vạn tuế!
Vua Càn Long bước tới một bước, phán:
- A Lý Hòa Trác từ xa xôi đến đây cực khổ, không cần phải hành đại lễ.
A Lý đứng dậy, lùi ra xa một bước, dẫn Hàm Hương đến trước mặt vua.
- Ðây là con gái nhỏ của thần, Hàm Hương!
Hàm Hương chấp hai tay trước ngực hành lễ theo đạo hồi nói:
- Hàm Hương xin bái kiến hoàng thượng!
Vua Càn Long chợt nghe quanh mình sực nức mùi hương, người có cảm giác như mình đang đứng giữa cánh rừng hoa thơm ngát. Mùi tổng hợp của hoa nhài và hoa quế. Cái mùi dìu dịu nho nhỏ, khiến người có cảm giác lâng lâng. Chẳng lẽ Triệu Huê nói thật? Ở trong dân tộc Duy xứ Tân cương có một người con gái nổi tiếng là “công chúa của mùi hương”. Ông hiếu kỳ nhìn Hàm Hương, chỉ thấy chiếc khăn che mặt đã che khuất mọi thứ, chỉ chừa đôi mắt. Nhưng cái mạng che mặt đó cũng không che đậy được hết cái đẹp, vì đôi mắt kia trong suốt, xanh thẩm. Cái ánh mắt đó buồn buồn, sâu lắng đang nhìn ông. Cái ánh mắt đó khiến lòng ông xao động. Vua vội lẩn tránh, nói với A Lý Hòa Trác:
- Nầy A Lý Hòa Trác, ngươi đã mang cái gì đến mà tràn ngập mùi thơm thế kia?
A Lý Hòa Trác cúi đầu:
- Dạ không phải, mùi hương đó là từ người con gái thần toát ra, nên cô ấy mới được gọi là Hàm Hương.
Vua Càn Long đã xác nhận được điều mình đoán nên vui vẻ nói:
- À thì ra đây là “Hương công chúa”!
Rồi quay qua phía sau giới thiệu:
- Còn đây là các con trai của trẫm, đằng kia là các vương công đại thần!
Vĩnh Kỳ Nhĩ Khang đứng trong đám đó. Vì Vĩnh Kỳ là huynh trưởng nên phải đại diện cho đám a ca bước ra hành lễ:
- Cung nghinh A Lý Hòa Trác và Hàm Hương công chúa đến đây!
Vua Càn Long lúc đó mới nói:
- Thôi miễn bớt lễ lộc, hãy vào trong dự yến tiệc ta ban đi!
o0o
Tối hôm ấy ở Ðại Hí đài trong hoàng cung, một buổi tiệc lớn được mở ra mời khách, đèn đuốc sáng choang khung cảnh vô cùng náo nhiệt. Trên sân khấu. Dưới là những dãy bàn ăn sắp dài thành hàng. Ðông đủ quan chức trong chiều từ thái hậu, vua, hoàng hậu, các vương phi đến các đại thần đều có mặt đông đủ.
Vua Càn Long, A lý, và các thân vương đại thần được sắp ngồi bàn giữa. Thái hậu, hoàng hậu, lệnh phi… ngồi bàn kế bên, Tịnh Nhi đương nhiên là ngồi cạnh thái hậu. Còn Tử Vy, Tiểu Yến Tử thì ngồi chung với đám cát cát khác, Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang ngồi bên nhóm a ca.
Trên hí đài, vua Càn Long cho diễn vở “đại náo thiên cung”. Tôn Ngộ Không đang ra sức nhào lộn. Trống chiêng đánh inh ỏi, A Lý từ giờ nào đến giờ chưa xem qua vở kịch nào sôi động như vậy nên không ngớt vỗ tay khen ngợi.
Vĩnh Kỳ ngồi kế Nhĩ Khang, thừa lúc mọi người không để ý, hỏi Nhĩ Khang:
- Chuyện của Tịnh Nhi, ngươi sắp xếp ra sao rồi?
Nhĩ Khang có vẻ bực dọc:
- Còn sắp xếp gì nữa, mới nói ra Tử Vy đã nghĩ ngợi lung tung, rồi khóc một trận…
Vĩnh Kỳ thở ra:
- Ðàn bà quả thật khó ứng phó. Ngươi đươc nhiều người để mắt xanh như vậy, đúng ra cô ta phải hãnh diện mới phải sao lại khóc?
- Chuyện đâu đơn giản như vậy? Giả sử như nếu cô công chúa Tân Cương kia mà để mắt xanh đến anh thì liệu Tiểu Yến Tử sẽ phản ứng thế nào?
Câu hỏi của Nhĩ Khang làm Vĩnh Kỳ lúng túng:
- Làm gì có chuyện trùng hợp như vậy? Coi chừng cô ta chú ý đến cậu nhiều hơn đấy.
- Chẳng có chuyện đó đâu. Chẳng lẽ cả hai anh em đều phải đi xa nhà cả ư? Hoàng thượng cũng không chịu. Mà để phòng xa, lần nầy tôi sẽ tránh thật xa sẽ không xuất đầu lộ diện trước mặt họ đâu.
Vở “đại náo thiên cung” đã diễn xong. Diễn viên cúi người, tung hô vạn tuế. Vua Càn Long vỗ tay ra lệnh:
- Thưởng!
Thế là thái giám mang quà đã chuẩn bị sẵn lên phát. Diễn viên đa tạ rồi rút lui. A Lý quay qua nhìn vua Càn Long nói:
- Màn kế tiếp sẽ là màn vũ của tiểu nữ. Ðây là điệu vũ dân tộc của xứ sở hạ thần. Tuy rằng mộc mạc, thô thiển quê mùa, nhưng đó là tấm lòng thành. Xin hoàng thượng tùy tiện xem qua!
Vua Càn Long cười, cũng nôn nóng vì tò mò.
Ban nhạc trước sân khấu đã được thay bằng ban nhạc người Hồi. Những âm thanh lạ lùng làm mọi người chú ý. Rồi trên sân khấu xuất hiện một đám trai tráng người Hồi. Mình trần để lộ những thân hình lực lưỡng. Có người khoác áo lá màu đỏ. Họ bắt đầu nhảy theo tiếng trống, âm thanh dồn dập lôi cuốn. Vũ điệu đầy sức sống khiến mọi người nín thở lắng nghe. Rồi Hàm Hương công chúa xuất hiện trên tay các lực sĩ đó. Cô nàng mặc áo voan trắng, vẫn mang khăn che mặt. Ðến giữa sân khấu mới đặt Hàm Hương xuống và giữa tiếng nhạc, giữa đám thanh niên kia, Hàm Hương như một bông hoa bắt đầu nhảy múa theo điệu nhạc.
Nhạc là sự hợp tấu giữa tiếng trống, tiếng tù, và tiếng đàn với những âm hưởng lạ. Hàm Hương lắc lư người, chiếc khăn voan trắng phất phơ như mây, như tuyết tạo nên một hình ảnh quyến rũ lạ thường nhất là trước những cặp mắt của phái nam.
Thái hậu xem một lúc rồi nói với Tịnh Nhi:
- Loại vũ nhạc của người Hồi khác hẳn với của người Hán. Ta chưa hề xem qua, nên nào có biết nam giới cũng khiêu vũ được.
Tịnh Nhi vừa xem vừa giải thích:
- Bẩm lão phật gia, cách múa của họ như một sự phối hợp, cái “cương” tính của nam và cái “nhu” tính của nữ. Mỗi cái nó đều có cái đẹp riêng của nó. Hai cái phối hợp nhau tạo ra một hình ảnh tương phản đẹp. Chúng ta từng có thành ngữ “nhu thắng cương” đấy. Thái hậu nhớ không?
Hoàng hậu ngồi gần nghe vậy, vuốt đuôi:
- Tịnh Nhi quả là thông minh. Nhờ sự giải thích của cô chúng tôi mới hiểu ra. Hay quá! Hay quá!
Thái hậu nhìn Tịnh Nhi với ánh mắt trìu mến:
- Thì ra với cái điệu múa, mình cũng phải “biết” mới xem được ư?
Tịnh Nhi cười nói:
- Cảm ơn lão phật gia và hoàng hậu nương nương đã ngợi khen.
Thái hậu nhìn Tịnh Nhi rồi bất giác quay qua nhìn Tiểu Yến Tử và Tử Vy so sánh.
Bấy giờ Tiểu Yến Tử đang mê mẩn theo dõi nên nào biết thái hậu đang nhìn mình. Ðến lúc Hàm Hương múa bụng thì Tiểu Yến Tử thích quá nhảy cỡn lên, hét:
- Ồ! Cô nàng công chúa Hàm Hương quả tuyệt vời, vừa đẹp vừa múa giỏi! Xem mê thật!
Tử Vy ngồi cạnh cảnh giác:
- Tiểu Yến Tử! Chị chỉ nên ngồi yên xem, đừng có kích động quá đáng. Thái hậu đang nhìn chị kìa!
Tiểu Yến Tử liếc nhanh về phía thái hậu, rồi bĩu môi nói:
- Cái bà nầy thật kỳ cục. Xem hát chẳng xem, nhìn chúng ta làm gì chứ?
Trong khi Tử Vy bất an, nhất là lúc trông thấy Tịnh Nhi và thái hậu nói gì mà có vẻ rất vui. Trong khi Tiểu Yến Tử ngồi cạnh vẫn vô tư, hít hít một chút, rồi hỏi:
- Này Tử Vy, ngươi có nghe thấy mùi thơm là lạ gì không?
Tử Vy giật mình quay lại:
- Tôi nghe anh Nhĩ Khang nói thì vị công chúa Tân cương này, có nhiều cái nhất lắm. Ðẹp nhất Tân cương, lại được trời phú cho một chuyện đặc biệt đấy là không cần xức dầu thơm, tự thân đã tỏa hương thơm ngát!
Tiểu Yến Tử ngạc nhiên:
- Thật vậy ư?
Tử Vy cười, Tiểu Yến Tử thấy vậy cũng cười theo. Nhưng lúc đó thái hậu đang nhìn qua, thấy hai người cười lại không hài lòng.
Hoàng hậu thừa cơ:
- Bẩm lão phật gia. Hẳn người cũng thấy, ở những buổi tiệc có quốc khách thế này. Ta mới có thể phân định rõ tư cách của cát cát thật sự và cát cát dân gian. Trong khi cát cát thật ngồi ăn nghiêm chỉnh thì cát cát dân gian cười nói luôn mồm, chẳng biết giữ gìn thể thống gì cả.
Thái hậu chỉ ngồi yên. Lệnh phi ngồi gần đó đã nghe, liếc nhanh hoàng hậu một cái. Trong những trường hợp thế này lệnh phi biết có bực chẳng nên lộ ra, có điều người thấy lo lắng cho Tiểu Yến Tử và Tử Vy vô cùng, Trong khi đó vua Càn Long nhìn lên sân khấu một cách mê mẩn, người nói với A Lý:
- Này A Lý Hòa Trác khanh. Trường hợp của công chúa khanh. Trước đây trẫm đã từng nghe Triệu Huê tướng quân nói rồi, nhưng quả thật là tai nghe không bằng mắt thấy. Con của khanh đẹp thật, trẫm xưa nay đã thấy qua biết bao nhiêu người đẹp rồi, nhưng trường hợp của Hàm Hương thì có thể nói là lần đầu tiên, trẫm mới gặp.
A Lý Hòa Trác cười.
- Hàm Hương là con gái cưng nhất của thần đấy, cũng là viên ngọc của dân tộc Duy Ngô Nhĩ chúng tôi. Lúc mới sinh ra, bầu trời đầy mây ngũ sắc, hương thơm tỏa ngát. Theo lời các chiêm tinh gia của nước thần, thì là quý nhân giáng trần đến bộ lạc đấy!
Vua Càn Long nhìn Hàm Hương không chớp mắt:
- Vậy ư?
Lúc đó âm nhạc chợt sống động hẳn lên. Hàm Hương múa nhanh hơn, rồi cô công chúa Hồi này đi đến giữa sân khấu, mọp người xuống chào. Các chàng trai cùng múa cũng giăng hàng ngang, cùng hướng về phía vua Càn Long chào theo, nhạc cũng dứt. Mãi một lúc sau, Vua Càn Long mới chợt choàng tỉnh, vỗ tay cổ võ nhiệt tình. Mọi người thấy vậy vỗ tay theo, Tiểu Yến Tử thì khỏi nói, nhẩy cỡn lên reo hò. Sau đó vua đứng dậy bước lên sân khấu, đỡ công chúa dậy:
- Thôi đứng lên đi, Hàm Hương công chúa!
Hàm Hương đứng dậy, mắt vẫn nhìn xuống. Vua nhẹ nhàng nói:
- Nào ngẩng lên cho trẫm nhìn xem?
Công chúa ngẩng lên, cái đẹp sầu não, hấp dẫn khiến vua Càn Long ngỡ ngàng. A Lý Hòa Trác cũng bước theo lên, nhìn vua nói:
- Bẩm hoàng thượng, để biểu thị sự kính trọng của bộ lạc chúng tôi, nếu bệ hạ thấy thích, thần xin dâng con gái cưng của hạ thần cho hoàng thượng đấy!
Lời của A Lý vừa thốt ra làm cả bàn tiệc đều giật mình. Lệnh phi tái mặt, hoàng hậu tái mặt, đám cung phi lo lắng, cả thái hậu cũng bất ngờ. Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ nhìn nhau, ý nói thì ra là vậy. Trong khi vua Càn Long sau một phút bất ngờ, đã sung sướng nói:
- Nầy A Lý Hòa Trác, khanh nói thật đấy chứ?
- A Lý khúm núm:
- Nếu không phải lòng thành, thì thần đã không phải vượt sông vượt núi, lặn lội mang con gái đến đây.
Vua Càn Long nhìn Hàm Hương lần nữa rồi cười:
- Ha ha ha! A Lý Hòa Trác! Ngươi quả là bạn tốt của ta, đã tặng cho ta một món quà vô giá. Trẫm hứa với ngươi là sẽ hết sức yêu quý, để ngươi thấy là ngươi không phải hối hận về quyết định của mình.
Nói xong ông quay đầu lại gọi:
- Mau mang rượu ra đây!
Thái giám vội vã mang bầu rượu quý lên, rót làm hai ly. Vua đích thân cầm một ly đưa cho A Lý. Hai ly rượu được nâng cao, cụng lại. Vua Càn Long vui vẻ nói:
- Cạn ly nào, từ đây giữa triều đại Thanh và Hồi tộc sẽ không còn động binh đánh nhau, hai bên hòa hoãn như trong một nhà.
A Lý cũng vui vẻ tiếp lời:
- Hòa bình vạn tuế!
Rồi nốc cạn ly rượu, vua Càn Long làm theo:
- Ðúng! Hòa bình vạn tuế!
Hàm Hương đứng yên như tượng, ánh mắt bi thương, chớ chẳng có chút nào vui sướng, Tiểu Yến Tử nhìn cảnh đó ngẩn ra thật lâu, rồi mới bực tức nói:
- Thì ra cô công chúa này lòng tham quá đáng, mắt để thật cao, muốn lấy Hoàng a ma chớ chẳng thèm dòm ai khác!
o0o
Chuyện vua Càn Long thu nhận thêm Hàm Hương khiến cả cung đính bối rối ít nhiều. Dân Hồi, dù có thế nào cũng là phiên bang dị tộc. Làm sao vua, lại có thể nhận một đứa con gái phiên bang vào cung? Thái hậu rất bất mãn, nhưng chẳng nói ra. Hoàng hậu vì vừa ghen vừa hận. Ở trong cung đã lắm kẻ giành người giật rồi. Bây giờ lại thêm một Hàm Hương công chúa? Mà nào chỉ một hoàng hậu? Tất cả các cung phi, cát cát trong triều đình cũng đều cảm thấy bực bội, oán trách. Ðương nhiên trong số người bất mãn đó, Tiểu Yến Tử là bất bình nhất. Tiểu Yến Tử càu nhàu:
- Thật tình tôi chịu, chẳng làm sao hiểu được. Hoàng a ma đã có hai mươi mấy vợ con rồi, còn muốn thêm một Hàm Hương công chúa làm gì nữa? Ðúng là hạng người hiếu sắc! Ðâu có nói sai, bằng chứng là ông ấy vừa trông thấy người ta múa có một chập, là đã động lòng ngay. Sao lại dễ như vậy chứ? Trong khi lệnh phi nương nương lại sắp lâm bồn, sao ông ta lại chẳng quan tâm?
Tử Vy cố gắng biện hộ:
- Chắc tại vì để giải quyết vấn đề của biên cương, nên người phải làm như vậy. Người ta đường xa diệu vợi mang công chúa đến đây, dâng hiến cho Hoàng a ma, không lẽ Hoàng a ma lại chối từ coi gì được?
Tiểu Yến Tử bất mãn:
- Tử Vy! Ngươi đừng có ngu như vậy? Ngươi chẳng thấy Hoàng a ma ư? người chẳng có vẻ gì là từ khước? Vừa nghe A Lý Hòa Trác đề nghị hiến Hàm Hương là ông ta khoái tít lên Tử y ngươi nói đi đàn ông sao kỳ cục vậy? Người nào cũng như người ấy, chẳng phân biệt giai cấp, địa vị xã hội… Gặp ai họ cũng yêu được. Trong khi đó đòi hỏi đàn bà con gái chúng mình phải “chỉ biết có một người thôi”. Ðàn ông có quyền có cả chục bà vợ, nhưng đàn bà chỉ có một chồng, họ bất công như vậy, có phải tức chết đi không?
Tiểu Yến Tử giận thật, bởi vì hôm đó cùng Tử Vy đến thăm lệnh phi. Khi họ vào Diên Hy cung, đã thấy lệnh phi nằm dài trên ghế mệt mỏi, sắc mặt trắng bệch như đang ngã bệnh. Lạp mai, đông tuyết, và các cung nữ khác đang vây quanh.
Tiểu Yến Tử và Tử Vy thấy vậy ngạc nhiên. Tử Vy quan tâm hỏi:
- Nương nương không khỏe ư?
Lệnh phi thở ra nói:
- Mấy hôm rày không hiểu sao mệt mỏi quá, cử động nặng nề, tâm thần cũng khôang thoải mái… ăn lại không ngon, đầu cứ râm râm đau nhức.
Tử Vy nghe vậy đặt tay lên trán lệnh phi, chợt giật mình:
- Nương nương! Hình như người đang bị sốt đấy, có cần gọi thái y đến không? Phải gọi Tuyên thái y đến ngay! Sao chẳng ai gọi?
Lạp mai nói:
- Nương nương không chịu! Người nói chỉ cần nằm nghỉ một chút là khỏe.
Lệnh phi kéo tay Tử Vy lại.
- Ngươi đừng có làm to chuyện, thân thể ta thế nào đương nhiên là ta biết chứ? Chẳng có gì đâu, sốt chẳng qua vì cảm nhẹ. Hiện giờ trong bụng ta có mang, không thể tùy tiện mà uống thuốc. mà có gọi thái y đến thì chỉ cho một vài loại thuốc bổ thôi. Chi bằng đừng báo, tránh thấu tai thái hậu. Rồi có người lại không hiểu cho là ta lại làm mình mẩy để người khác chú ý.
Tử Vy lo lắng:
- Nhưng rủi… nếu có bệnh gì khác thì sao?
Ðông Tuyết nói:
- Cũng tại nương nương không vui, nên không chịu uống thuốc. Hai vị cát cát xin hãy khuyên nương nương giúp giùm đi!
Tiểu Yến Tử nhìn lệnh phi cảm thông, rồi chợt bất bình nói:
- Tôi biết nương nương buồn chuyện gì rồi. Ðừng nói nương nương, ngay chính tôi cũng thấy bực. Cô ta là “Sanh Cương công chúa” gì cũng mặc có được trời phú cho cái gì để cả người thơm phức đi thì cũng kệ cô ta chứ?
Lệnh phi nghe Tiểu Yến Tử lớn tiếng, giật mình:
- Suỵt! Nói nhỏ một tiếng, để không thôi bị rắc rối bây giờ. Chuyện của ta, ta còn không dám nói, ngược lại la lối, rồi có người nghe thấy, lại tưởng ta xúi giục ngươi…
Tử Vy ngồi xuống bên cạnh lệnh phi, nắm lấy tay lệnh phi thật thà nói:
- Nương nương, xin người đừng buồn. Tâm địa nương nương nhân từ, phúc hậu, thì đâu nỡ xử xấu với nương nương, chắc chắn là nương nương sẽ được che chở. Hoàng a ma cũng là người tình cảm, chắc chắn không phụ bạc người đâu. Con biết, nương nương đã có một vị trí rất đặc biệt trong tim người.
Lệnh phi có vẻ cảm động:
- Tử Vy, con thật là một con người trung hậu. Những lời của con vừa qua khiến ta cảm thấy an ủi nhiều lắm. Có điều con phải biết, là đàn bà họ không chỉ muốn một vị trí quan trọng trong tim một người đàn ông, mà họ muốn có một vị trí không thay thế được, đó mới cần hơn!
Cái vị trí không thay thế được, mà lệnh phi vừa nói đó chính là khát vọng của tất cả phụ nữ trên cõi đời nầy. Tử Vy nhìn lệnh phi, nghĩ đến địa vị của bà. Ở nơi cao cao đó họ vẫn là đàn bà, rồi lại nghĩ đến mẹ ruột, lòng chợt nhói đau. Mẹ Vy đã thế nào? Mười mấy năm chờ đợi, thời gian dài đăng đẳng, quả là một sự bất công! Tại sao một ông vua anh minh như Hoàng a ma, vậy mà chẳng chịu suy nghĩ. Ðến đâu reo rắc tình cảm đến đó, rồi phụ bạc một cách vô tình, con người chỉ nghĩ đến bản thân mà chẳng nghĩ đến người khác…
Tử Vy càng nghĩ càng buồn, cố tìm cách để an ủi lệnh phi, nói:
- Con nghĩ đến Hoàng a ma, trước đây đã từng nói khi nhắc đến mẹ con. Ông ấy nói là “là đàn ông cũng có nỗi khổ tâm riêng của họ” vì “xúc động dễ nhưng yêu thì khó”. “Lưu tình dễ nhưng thủ tình nan”. Lúc đó con không hiểu, nhưng bây giờ thì hiểu rồi. Ðại khái là… đàn ông người nào cũng thế thôi.
Tử Vy vừa dứt lời, Tiểu Yến Tử đã la lên:
- Cái gì là xúc động? Thế nào là yêu? Tất cả viện dẫn ra chỉ để bào chữa cho sự trốn tránh trách nhiệm. Trước kia với mẹ Tử Vy ông ấy đã thế, bây giờ với lệnh phi nương thì cũng vậy thôi!
Lệnh phi nghe vậy sợ hãi, bịt miệng Tiểu Yến Tử lại. Tiểu Yến Tử phải gỡ lâu lắm mới lơi tay lệnh phi ra vẫn còn tức Tiểu Yến Tử hỏi:
- Thế mấy hôm rày Hoàng a ma chẳng có đến đây à?
Lệnh phi thở dài:
- Ông ấy đến Bảo Nguyệt lầu còn không kịp, thì giờ đâu mà sang đây.
Tiểu Yến Tử nghe vậy hét lên:
- Ðến Bảo Nguyệt lầu ư?
o0o
Vâng quả là vua Càn Long có mặt ở Bảo Nguyệt lầu, nhưng ông chẳng sung sướng như điều Tiểu Yến Tử đã nghĩ, mà ngược lại ông đang bực dọc. Hay tay chắp sau đít, cứ đi tới đi lui trong phòng khách.
Hàm Hương lúc nào cũng trong bộ trang phục đạo Hồi kín mít, đang đứng nơi cửa sổ. Mắt hướng ra ngoài, yên lặng như tượng. Duy Na và Kiết Na cùng các cung nữ khác đứng cạnh phòng. Phòng đầy vẻ căng thẳng chớ chẳng có gì là hạnh phúc chan hòa. Vua đi tới đi lui một lúc rồi dừng lại, đứng trước mặt Hàm Hương. Xoay mạnh người nàng lại đối diện với mình, lớn tiếng nói:
- Nào hãy nói đi! Ngươi muốn làm cao đến bao giờ nữa? Vào cung đã bao ngày, vậy mà lúc cha ngươi đến gặp, ngươi mới nói chuyện. Còn với trẫm, ngươi chẳng nói một tiếng nào cả, đừng tưởng mình là công chúa dân tộc Duy Ngô Nhĩ, rồi muốn thế nào cũng được. Nếu người còn tỏ thái độ bất phục tùng, thì coi chừng cái đầu ngươi đấy!
Duy Na, Kiết Na và các cung nữ khác thấy thái độ giận dữ của vua đều có vẻ khiếp sợ. Chỉ có Hàm Hương là bình thản, lẳng lặng nhìn vua.
Vua Càn Long lắc mạnh vai Hàm Hương.
- Nói đi chứ? Trẫm chẳng thể nào chịu được cái thái độ yên lặng của ngươi. Nói đi! Có gì ngươi không vừa lòng?
Hàm Hương vẫn yên lặng. Mặt buồn buồn, cái ánh mắt đó ngoài chuyện làm vua giận dữ, còn khiến vua cảm thấy có gì không ổn. Nhưng vua vẫn nhẫn nại.
- Hàm Hương! Đừng trắc nghiệm sự nhẫn nại của ta nữa mà. Ngươi từ Tân Cương đến Bắc Kinh cũng đã lâu rồi. Tân Cương giờ cách đây xa lắm, ngươi có trông ngóng thế nào cũng không nhìn thấy đâu. Nếu thật sự ngươi nhớ nhà, trẫm có thể xây cho ngươi một dinh thự kiểu Hồi để ngươi ở, cho phép ngươi ăn vận theo tập tục nước ngươi, thờ phụng đạo Islam của ngươi và miễn hết những nghi lễ người Mãn. Nhưng ngươi phải tỏ ra thân thiện một chút, chứ xa cách thế này là ta không chịu được.
Hàm Hương vẫn yên lặng. Vua Càn Long bực dọc, cất cao giọng.
- Ngươi có nghe trẫm nói gì không? Nếu không, ta sẽ cho người thông dịch đến, bằng cứ yên lặng thế này, trẫm sẽ không khách sáo nữa đâu. Trẫm có cả mấy chục Phi tần, mà nào có ai cao ngạo như ngươi đâu?
Đến lúc này Hàm Hương không yên lặng nữa, giọng lạnh lẽo:
- Ông không cần gọi thông dịch đến, tôi nghe được hết. Cha tôi đã có ý định hiến tôi cho ông nên đã dạy tiếng Hán cho tôi rất nhiều, vì vậy bất cứ điều gì ông nói tôi hiểu cả.
- Vậy sao ngươi còn muốn làm giá gì nữa?
Vua hỏi, Hàm Hương nhìn thẳng mắt ông nói:
- Tôi xin nói thật với hoàng thượng. Chuyện đến Bắc Kinh lần này, không phải là ý nguyện của tôi, mà là một nguyên nhân khác. Dân tộc Duy Ngô Nhĩ của chúng tôi, bị các người truy sát quá, không có một cuộc sống yên lành. Cha tôi vì sự an nguy của dân tộc mình, không thể không hy sinh tôi. Mà tôi thì cũng vì dân tộc mình, không thể đi ngược lại ý nguyện của cha, ý nguyện an cư của dân tộc. Nên tôi mới đến đây. Nhưng… mặc dù tôi đến, nhưng trái tim tôi thì chưa, nó còn ở phía nam dãy Thiên Sơn kia, vẫn ở bên kia dân tộc tôi.
Vua Càn Long nghe nói ngỡ ngàng, trợn mắt nhìn Hàm Hương.
- Vậy ý ngươi muốn nói là… Ngươi tuy làm theo lời cha đến Bắc Kinh, nhưng chưa sẵn sàng hiến thân cho ta chứ gì?
Hàm Hương thở dài:
- Mặc dù tôi đến đây và sẵn sàng tuân theo lời cha, trao thân cho hoàng thượng. Nhưng tiếc là, trái tim tôi nó có lý lẽ riêng của nó. Tôi cũng không thể sai khiến nó theo ý mình được. Ông có thể chiếm lấy thân xác tôi, điều đó tôi không phản đối. Nhưng bắt tôi phải nói lời ngon ngọt thật lòng thì chưa được. Với tôi bây giờ sống và chết chẳng có ý nghĩa gì cả, người muốn làm gì tôi cứ làm, tôi không phản đối, cũng không phản kháng đâu. Nhưng phải nhớ là đây chỉ có cái xác, người không chiếm được hồn tôi đâu!
Vua Càn Long nhìn Hàm Hương, không hiểu sao chẳng những không giận, mà có cảm giác như nể vì kính trọng, chính cái tình cảm đó khiến ông không còn thấy thích thú để chiếm đoạt. Ông suy nghĩ một chút nói:
- Thôi được! Ngươi nói hơi nhiều đấy. Và nếu ngươi chưa thuận tình, thì ta có chiếm hữu ngươi, thì cũng khác nào như những tên cướp cạn? Được, nếu ngươi không thích, thì ta cũng không miễn cưỡng. Ta sẽ chờ, chờ một ngày nào đó ngươi thuận tình sẽ tính sau.
Vua Càn Long nói xong, quay người bỏ ra ngoài. Nhưng ngay lúc đó, có tiếng thái giám báo:
- Hoàn Châu cát cát! Tử Vy cát cát đến!
Vua Càn Long nghe nói giật mình. Tiểu Yến Tử và Tử Vy đến đây làm gì? Vua còn chưa đoán ra thì Tiểu Yến Tử đã xông vào cửa, phía sau là Tử Vy vừa chạy theo vừa gọi:
- Tiểu Yến Tử quay về đi! Đừng có làm phiền Hoàng a ma mà.
Nhưng Tiểu Yến Tử nào có nghe, xông ngay đến trước mặt vua, chẳng quỳ xuống mà còn lớn tiếng:
- Hoàng a ma! Người đã có Hàm Hương công chúa rồi là quên bẵng đi lệnh phi nương nương ư? Tại sao có thể như vậy được chứ? Cô công chúa này từ nào đến giờ có quen biết gì với Hoàng a ma đâu? Còn lệnh phi nương nương đã sống với Hoàng a ma bao nhiêu năm qua rồi, sao lại…
Nói đến đây, Tiểu Yến Tử tức giận đến cực điểm, quay qua Hàm Hương công chúa nói:
- Cái cô công chúa này, ngoài cái sắc đẹp và tuổi trẻ ra, đâu có chỗ nào hơn lệnh phi nương nương tôi đâu, sao Hoàng a ma lại… Hoàng a ma đã từng dạy con là sống phải thành khẩn, phải có trách nhiệm. Vậy Hoàng a ma thì sao? Hoàng a ma bắt con phải viết bao nhiêu trang “Lễ vận đại đồng” để làm gì chứ?
Vua Càn Long đang bực dọc, đột nhiên thấy Tiểu Yến Tử tự ý xông vào Bảo Nguyệt lầu chẳng xin phép, lại nghe Tiểu Yến Tử chỉ trích, ông nổi cơn thịnh nộ, đập bàn quát:
- Thật là không còn thể thống gì cả! Đây đâu phải là chỗ để ngươi tùy ý xông vào? Mà những lời ngươi vừa nói đâu phải là có thể nói được với ta đâu? Ngươi dám chỉ trích trẫm thì thật là điên rồ!
Tiểu Yến Tử chẳng có vẻ gì là khiếp sợ, đứng ngẩn mặt nói:
- Hoàng a ma! Hoàng a ma bảo con là không ra thể thống, là điên. Bởi vì con “qua đường thấy chuyện bất bình” không dằn được. Đúng! Con chẳng có quyền gì cả. Vâng, nhưng con vẫn cứ thử. Những điều con nói ban nãy, người cho là con bất trung, nhưng người đã bắt con học. Con đã phải nhồi vào đầu bao nhiêu đạo lý, tập trung gồm bốn chữ “Trung hiếu tiết nghĩa”. Vậy mà Hoàng a ma lại phụ lệnh phi, có nghĩa là đã “bất trung” với lệnh phi. Mà không phải chỉ một mình lệnh phi, người còn bất trung với bao nhiêu người đàn bà khác. Tất cả chỉ là một sự khởi đầu…
Vua Càn Long giận run, quát:
- Im mồm!
Tiểu Yến Tử nói:
- Con không im! Đúng ra Hoàng a ma là vua thì phải làm gương cho người khác. Vậy mà không, Hoàng a ma đụng tí là hét, là đem chuyện chặt đầu ra để dọa người khác, làm thế sao khiến người ta phục được chứ?
Vua Càn Long không còn dằn được nữa, thẳng tay tát cho Tiểu Yến Tử một cái. Một cái tát thật bất ngờ. Tiểu Yến Tử cũng không nghĩ là vua sẽ đánh nàng. Cái tát làm Yến Tử lui ra sau, hai tay ôm lấy mặt, mắt mở to nhìn vua. Tử Vy cũng bất ngờ không kém, Hàm Hương cũng vậy. Mãi thật lâu, Tiểu Yến Tử mới lắp bắp nói:
- Hoàng a ma… Tại sao người lại đánh con? Người đánh con ư?
Vừa nói, nước mắt lăn dài, rồi không nói gì thêm nữa. Tiểu Yến Tử quay người chạy vụt đi! Tử Vy nhìn lên, nước mắt lưng tròng.
- Hoàng a ma! Vậy mà con cứ tưởng, người có một trái tim quảng đại nhân từ… Từ lâu con đã ngưỡng mộ, sùng bái người. Tiểu Yến Tử cũng vậy, bởi vì mỗi lần hoàng hậu bắt chúng con phải vả vào miệng là Hoàng a ma can thiệp, không chấp nhận chuyện đó. Thế mà bây giờ, chỉ vì cô công chúa này… Hoàng a ma lại để cái hình ảnh đáng kính của người biến mất đi!
Tử Vy nói xong cũng lặng lẽ bỏ đi.
Vua Càn Long nhìn theo bóng hai đứa con gái mà không biết nói gì, chỉ cảm thấy như mình vừa đánh mất một cái gì đó.
o O o
Tiểu Yến Tử khi bị vua đánh, lòng buồn vô kể. Và không chịu được nỗi đau đó, nàng đã chạy ngay đến Cảnh Dương Cung tìm Vĩnh Kỳ. Tử Vy và Nhĩ Khang cũng có mặt. Tiểu Yến Tử vừa gặp Vĩnh Kỳ đã nói:
- Vĩnh Kỳ huynh! Muội thật thấy hối hận! Muội không cần cái chức danh “Hoàn Châu cát cát” hay quận chúa gì nữa đâu. Muội đến đây để nói với huynh. Thôi muội đi và sẽ không bao giờ quay về cung nữa. Huynh biết vì sao không? Hôm nay, Hoàng a ma đã đánh muội, muội không muốn làm con gái của người nữa, cũng có nghĩa là không làm dâu… Muội và huynh phải chia tay nhau thôi. Huynh hãy tìm một cô vợ khác đi. Tạm biệt!
Tiểu Yến Tử nói xong quay lưng định bỏ đi. Vĩnh Kỳ giật mình, rượt theo, ôm lại.
- Hoàng a ma đánh muội chứ đâu phải huynh đánh mà muội trừng phạt huynh? Nếu muội bỏ đi rồi? Huynh sẽ sống thế nào đây? Hai chúng ta đã được đính hôn, cũng đã thề nguyền với đất trời thì phải sống chết với nhau. Chớ sao chỉ vì một cái tát tai mà quên hết tất cả. Muội làm vậy là không công bằng với huynh!
Tiểu Yến Tử cố vùng vẫy:
- Tôi không biết! Không biết! Tôi chịu hết nổi cái chốn hoàng cung này rồi. Tôi phải đi thôi, nếu phải ở lại đây sớm muộn gì tôi cũng sẽ điên mất, nếu không thì cũng sẽ bị Hoàng a ma giết chết.
Tử Vy vội bước tới khuyên giải:
- Tiểu Yến Tử, không nên như vậy. Chúng ta cần phải bình tĩnh, làm gì cũng không nên xúc động quá. Ngũ a ca nói đúng đấy, tỉ tỉ không nên chỉ vì một cơn giận của Hoàng a ma, mà lại giận cả Ngũ a ca.
Nhĩ Khang cũng khuyên:
- Đúng thế! Đúng thế! Chúng tôi đã vượt qua bao nhiêu gian khổ mới có ngày nay. Đã từng vào sinh ra tử, vậy mà bây giờ lại chẳng chịu đựng một cái tát tai đơn giản sao?
- Nhưng mà huynh làm sao biết, cái tát tai đó nó nghiêm trọng cỡ nào?
Tử Vy gật đầu nói:
- Tôi hiểu! Tôi hiểu! Hoàng hậu nương nương đã mấy lần đánh chúng ta nhưng chỉ khiến ta tức giận thôi, chứ nào đau lòng. Lý do là vì chúng ta không yêu hoàng hậu. Còn Hoàng a ma ra tay, thì cái tát đó như tát thẳng vào tim…
Rồi quay qua Tiểu Yến Tử, Vy tiếp:
- Tiểu Yến Tử này, Hoàng a ma không chỉ làm đau tỉ tỉ, mà còn khiến muội cũng thấy đau.
Tiểu Yến Tử nhìn Vy:
- Vậy thì ngươi ở lại làm gì? Đi với ta đi! Còn người cha của chúng ta, thì cứ để ông ấy làm phò mã “Sanh Cương” đi. Chúng ta không thèm nhìn ông ta nữa. Bởi vì, ông ấy chỉ là một người vô tình. Cả lệnh phi nương nương, ông ấy còn hất hủi được thì bọn mình, ông ấy yêu thích được bao lâu chứ?
Nhĩ Khang nghe vậy, vội nói:
- Tiểu Yến Tử! Cô định quậy nát hết tất cả ư? Chúng ta có được ngày hôm nay, đã phải trải qua biết bao sóng gió mới có được. Vậy thì phải quý một chút chứ. Ai lại đụng tí là đòi chia tay. Vậy là quá đáng!
Vĩnh Kỳ thấy Nhĩ Khang nói trúng ý mình, tiếp:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Huynh sẵn sàng chết sống với muội, kiên định bất dịch với muội, thì tại sao muội chẳng thể vì huynh mà chịu thiệt thòi một chút. Hãy nghĩ lại đi. Huynh thế nào? Sẵn sàng bỏ cả địa vị a ca vì muội. Chúng ta đến tận chân trời góc bể…
Tiểu Yến Tử cướp lời:
- Đúng rồi, huynh đã từng nói thế. Vậy thì bây giờ, huynh có đồng ý cùng muội đi phiêu bạt giang hồ không? Huynh không làm a ca nữa, muội cũng trả lại chức danh cát cát? Nếu có đói khát thì bọn mình đi xin ăn cũng được, đồng ý chứ?
Vĩnh Kỳ nghe nói giật mình:
- Không phải là huynh không chịu. Nhưng mà… Chẳng lẽ tình hình đã nghiêm trọng đến mức độ như vậy rồi ư?
Tiểu Yến Tử gật đầu:
- Đương nhiên là rất nghiêm trọng! Nghiêm trọng vô cùng rồi. Thôi được, huynh không muốn mất cái chức a ca thì thôi, để tôi đi! Đi một mình vậy!
Vĩnh Kỳ giữ chặt Tiểu Yến Tử.
- Làm sao huynh có thể để muội đi được chứ?
Trong lúc Nhĩ Khang lại kéo tay Tử Vy ra ngoài. Vĩnh Kỳ thấy trong phòng không còn ai nữa, nên càng ôm chặt Tiểu Yến Tử, kề sát tai nàng nói:
- Tiểu Yến Tử, nghe huynh nói này, huynh đồng ý với muội, đến một lúc nào đó, nếu huynh thấy quả thật tình hình đã vô cùng nghiêm trọng rồi, thì huynh sẵn sàng bỏ cả chức danh a ca của huynh. Không cần phú quý vinh hoa gì cả, vì tất cả những thứ đó không bằng được nghe tiếng cười của muội. Muội buồn, huynh cũng buồn. Nhưng hiện tại chưa đến mức độ nghiêm trọng như vậy, bọn chúng ta bao gồm Tử Vy, Nhĩ Khang, Liễu Thanh, Liễu Hồng, Nhĩ Thái, Trại Á rồi cả Kim Tỏa nữa. Được gần gũi nhau thế này đã quý, nếu quậy ra liệu có còn được bên nhau nữa không? Nếu muội chẳng quan tâm đến huynh, thì ít ra cũng nên quan tâm đến họ chứ?
Lời của Vĩnh Kỳ làm Tiểu Yến Tử mềm lòng.
- Ai bảo huynh là muội không quan tâm đến huynh? Chính vì huynh mà muội bỏ đi không đành đấy chứ?
Vĩnh Kỳ nghe nói cảm động.
- Ồ! Tiểu Yến Tử lâu quá mới nghe muội nói được một câu dễ thương. Huynh nghĩ, nếu muội còn nghĩ đến huynh thì hãy bỏ qua cho Hoàng a ma một lần. Cũng đừng để cuộc sống riêng tư của ông ấy phá vỡ cuộc sống hạnh phúc của chúng ta. Chuyện đó không đáng muội ạ.
Vĩnh Kỳ nói xong cúi xuống hôn lên mặt Yến Tử.
o0o
Trong khi đó ở trong sân Diên Hỷ cung, Tử Vy và Nhĩ Khang cũng đang nói chuyện, Nhĩ Khang trách.
- Tại sao muội không giữ Yến Tử lại, để cô ta xông vào Bảo Nguyệt lầu đại náo? Muội suy nghĩ kỹ đi. Trong cuộc đời của hoàng thượng, có biết bao nhiêu đàn bà? Chỉ tính trong cung đình thôi, danh chánh ngôn thuận đã có hai mươi lăm bà, còn bên ngoài biết là bao. Mẹ muội là một trong số các người đó, nếu nói hoàng thượng cũng có nhược điểm, thì nhược điểm của ông ấy là “Anh hùng phải lụy mỹ nhân”. Vì vậy nói đi thì phải nói lại. Tiểu Yến Tử đến đó làm rùm beng, không nể mặt hoàng thượng, thì chuyện bị đánh là đương nhiên rồi.
Tử Vy bức rức.
- Làm sao muội không cản? Nhưng huynh cũng biết mà, sức Tiểu Yến Tử rất mạnh, muội giữ không lại. Vả lại Hoàng a ma cũng không phải, vậy mà còn đánh Tiểu Yến Tử. Muội… thì muội cũng hết sức bất bình. Tại huynh không thấy lệnh phi nương nương gầy yếu lại bệnh hoạn. Cái thai trong người hành, phát sốt thế mà Hoàng a ma lại tai ngơ mắt điếc, chẳng thèm hỏi han gì đến.
Nói xong, Tử Vy quay qua nhìn Nhĩ Khang, hỏi:
- Đàn ông thật là độc ác. Đã bắt đàn bà phải sinh con đẻ cái cho họ. Còn hành hạ làm người ta đau khổ. Muội nhìn lệnh phi, bất giác nhớ đến mẹ muội…
Nhĩ Khang nghe nói giật mình.
- Bất luận đàn ông hay đàn bà cũng không có quyền làm cho người khác đau khổ. Vì vậy đến thế hệ chúng ta phải dẹp bỏ cái tập tục không hay đó đi, được chứ?
Rồi nhớ đến chuyện riêng mình, Nhĩ Khang nhìn thẳng Vy nói:
- Lần trước huynh đã nói một phần chuyện với muội…
Tử Vy nghe nói giật mình, hỏi:
- Có phải huynh muốn nói chuyện Kim Tỏa?
- Sao muội biết. Vâng, huynh muốn nói chuyện đó.
Tử Vy lắc đầu:
- Thôi, không được, không được.
- Cái gì mà không được?
Tử Vy nói:
- Huynh không được từ khước! Tâm sự cô ấy thế nào, muội biết rõ mà… Cô ấy đã thích huynh từ lâu. Trước đó huynh đã hứa với muội rồi, huynh nhận cô ấy. Bây giờ không có quyền phủ nhận.
Nhĩ Khang lắc đầu nói:
- Cái chuyện hứa đó là trong lúc quá bối rối. Muội nhớ lại đi, lúc đó muội đang trong tình trạng thập tử nhất sinh. Vì vậy huynh ngoài chuyện “hứa” ra chẳng biết phải làm sao nữa. Nhưng rồi sau một thời gian suy nghĩ. Huynh thấy rằng chuyện nhận Kim Tỏa làm thiếp, là một hành vi bất trung bất nghĩa. Mà muội thấy đấy Hoàng a ma chỉ mới lạnh nhạt lệnh phi nương nương là muội đã bực mình rồi, thì nếu huynh lạnh nhạt muội hay lạnh nhạt Kim Tỏa thì sao? Hoàng thượng còn bị kết tội là dụng tình không chuyên rồi. Chẳng lẽ để huynh lập lại cái tội lỗi đó. Nói thật muội, trong trái tim huynh chỉ có một mình muội, chẳng làm sao dung nạp thêm Kim Tỏa? Cô ấy cùng vào sinh ra tử với chúng ta, thì cứ coi như người một nhà là được rồi. Chúng ta còn phải nghĩ đến hạnh phúc cô ấy chứ? Để cô ấy tự lựa chọn hay hơn!
Tử Vy nghe Nhĩ Khang nói vậy không khỏi giật mình, ngẫm nghĩ.
- Vâng, huynh nói đúng, để muội suy nghĩ lại.
Nhĩ Khang nhìn Vy.
- Thôi được, chúng ta không nhắc đến chuyện đó nữa, nói chuyện của chúng mình hay hơn. Hoàng a ma hôm trước đã cảnh cáo không muốn bọn huynh thường xuyên đến Thấu Phương Trai. Chuyện này cũng vì thái hậu nghi ngờ các muội, trong khi hoàng hậu thì cứ dòm ngó. Vì vậy Tử Vy, huynh thấy thì chúng ta phải cẩn thận chứ không được tự ý hành động như trước. Đối với chuyện Hàm Hương, tốt hơn không nên can thiệp. Đó là chuyện riêng tư của hoàng thượng, có muốn can thiệp cũng chẳng được gì đâu.
Tử Vy suy nghĩ rồi gật đầu.
- Vâng, huynh nói đúng.
Rồi lại suy nghĩ, Vy hỏi:
- Thế còn chuyện của Tịnh Nhi?
Nhĩ Khang lập tức cắt ngang.
- Tịnh Nhi cái gì! Huynh chỉ biết đến mình muội thôi!
Tử Vy nhìn Khang. Ánh mắt thành thật của chàng khiến nàng cảm động, không nói gì nữa.
Sang trang Sau để đọc tiếp