Ở đây có nhiều thông quá.
Sao lại có một khu dân cư như thế ở trong thành phố này chứ? Nó ẩn mình rất sâu. Mấy ngày trước ở đây có tuyết rơi phải không nhỉ? Tuyết còn đọng trên cành cây ngọn lá. Trước nhà con, mẹ thấy có ba cây thông. Hình như ông ấy đã trồng mấy cái cây này ở đây để ẹ ngồi thì phải. Ồ, mẹ không tin là mình lại đang nói về ông ấy rồi. Mẹ sẽ gặp con trước rồi sau đó đi gặp ông ấy. Mẹ sẽ làm như vậy. Mẹ nghĩ mình nên làm như vậy.
Với mẹ, các căn hộ và phòng đơn thân mà anh chị em con sống trông cứ giống nhau như lột vậy. Thật rối cả trí, chẳng biết nhà nào là của đứa nào nữa. Sao mọi thứ lại giống nhau đến thế? Sao cả mấy đứa nó lại sống trong không gian giống nhau như vậy? Mẹ nghĩ giá bọn nó sống trong những căn nhà có vẻ bề ngoài khác nhau thì hay biết mấy. Trong nhà mà có kho hay gác xép thì chẳng thú vị lắm sao? Chẳng phải sẽ rất tuyệt nếu sống trong một ngôi nhà có chỗ này chỗ nọ cho lũ trẻ trốn à? Con thường trốn trên gác xép để tránh phải làm những việc vặt mà các anh sai. Ngày nay ngay cả ở nông thôn, những tòa chung cư hao hao giống nhau cũng mọc lên như nấm. Gần đây con có trèo lên nóc nhà ta mà xem không? Từ đó con có thể nhìn thấy tất cả những tòa chung cư cao tầng mới mọc lên trong thị trấn đấy. Hồi con còn nhỏ, làng ta thậm chí chưa có tuyến xe buýt chạy qua. Ở nông thôn mà thay đổi thế thì ở cái thành phố hối hả này mọi thứ còn phải tệ hơn bao nhiêu. Ước gì không xuất hiện những tòa chung cư cao tầng giống nhau đến vậy. Chúng giống nhau tới mức mẹ chẳng biết đằng nào mà lần nữa. Mẹ không thể tìm thấy nhà anh trai con mà cũng chẳng tìm ra căn hộ của chị gái con. Đó là tình cảnh của mẹ lúc này. Trong mắt mẹ thì những ngôi nhà ấy giống nhau từ cái lối vào, giống nhau đến cả cánh cửa, thế mà mọi người vẫn xoay xở tìm được đường về nhà, ngay cả vào lúc nửa đêm. Ngay cả bọn trẻ.
Nhưng con lại sống ở đây, chỗ này đẹp lắm.
Mà đây là đâu nhỉ? Phường Puam, quận Chongno, thành phố Seoul... Đây là quận Chongno ư? Quận Chongno... À, thì ra đây là quận Chongno! Khi lập gia đình, ngôi nhà đầu tiên anh cả con sống là ở quận Chongno đấy. Phường Tongsung của quận Chongno. Anh cả con từng nói, “Mẹ ơi, đây là quận Chongno. Cứ mỗi khi viết cái địa chỉ này là con lại thấy thật hãnh diện. Chongno là quận trung tâm của Seoul. Và giờ đây con đang sống ở đó.” Anh con còn nói thêm rằng cuối cùng một anh chàng nhà quê cũng bước chân được vào quận Chongno, thế đấy. Anh con bảo tuy là ở Chongno nhưng nó sống trong một dãy nhà tập thể nằm chênh vênh trên một ngọn đồi dốc đứng hình như có tên là Naksan. Khi leo được lên trên đó mẹ tưởng mình không thở nổi nữa. Khi ấy mẹ nghĩ, “Trời ơi, sao lại có một nơi như thế ở thành phố này cơ chứ, trông còn thôn dã hơn cả quê mình!” Thế nhưng giờ đây mẹ cũng phải nói lại đúng cái câu ấy về nơi con đang sống thôi. Sao lại có một nơi như thế ở thành phố này cơ chứ.
Năm ngoái, khi gia đình con trở về Seoul sau ba năm sinh sống ở nước ngoài, con đã vô cùng thất vọng vì với số tiền hiện có con thậm chí không thể thuê được căn nhà chung cư mình từng sống trước đây, con đành phải tìm đến ngôi làng này. Nơi này chẳng khác gì một ngôi làng ở nông thôn, ở đây có quán cà phê, có bảo tàng mỹ thuật, nhưng cũng có cả máy xát gạo nữa. Mẹ còn thấy người làm bánh gạo bên máy xát. Mẹ đứng xem một lúc lâu vì nó gợi lại trong mẹ những ký ức của ngày xưa. Tết sắp đến rồi sao? Có rất nhiều người đang làm những cái bánh gạo trắng dài bên máy xát. Ở cái thành phố này mà vẫn có một làng làm bánh gạo trắng khi Tết sắp đến cơ đấy! Ngày xưa cứ Tết đến mọi người lại đua nhau chất gạo lên xe ngựa hay xe đẩy mang đi xát để làm bánh gạo trắng. Mọi người cứ thổi phù phù vào đôi bàn tay lạnh giá trong khi chờ đến lượt.
Tuy nhiên sống ở nơi này với ba đứa con thì chắc cũng bất tiện lắm. Con rể phải đi làm tận Sonlong thì đường sá cũng xa xôi quá. Mà xung quanh đây có chợ không nhỉ?
Một lần con có nói với mẹ, “Mỗi lần đi siêu thị con đều mua rất nhiều nhưng vèo một cái đã hết nhẵn chẳng còn thứ gì. Để mỗi đứa được một hộp sữa chua Yoplait thì con phải mua ba hộp. Nếu muốn mua đủ cho ba ngày thì phải mua chín hộp mẹ ơi! Chết sợ mất thôi. Con cứ mua cả đống rồi lại hết vèo.” Con dang cánh tay ra như muốn nói với mẹ là nhiều vô kể thứ. Nhà có ba đứa trẻ thì đó âu cũng là chuyện đương nhiên.
Cậu con trai cả của con, má ửng đỏ vì giá rét, toan dựng chiếc xe đạp vừa đi về ngoài cổng thì chợt nhìn chăm chú. Nó đẩy cổng chạy vào gọi tướng lên, “Mẹ ơi!” Con mặc chiếc áo len màu xám tro, ôm đứa út vào lòng rồi mở cửa bước ra.
“Mẹ ơi! Con chim!”
“Con chim ư?”
“Vâng, ở trước cửa nhà mình đấy!”
“Chim gì hả con?”
Đứa lớn không trả lời con mà chỉ ngón tay về phía cổng. Con kéo chiếc mũ của cái áo rét trùm lên đầu đứa út đang ôm trong lòng cho nó khỏi rét rồi bước ra cổng. Con chim có màu xám tro đang nằm xõa cánh trên nền đất trước cổng. Những chấm đen lốm đốm chạy suốt từ đỉnh đầu đến tận đầu cánh con chim. Hai cánh của nó đã hoàn toàn cứng đơ. Mẹ có thể thấy con đang nghĩ tới mẹ khi con nhìn con chim. Phải nói là xung quanh nhà con có rất nhiều chim chóc. Sao lại có nhiều chim đến thế nhỉ? Lũ chim đi tránh đông đang bay lượn phía trên nóc nhà con mà không kêu một tiếng.
Mấy ngày trước con thấy một con chim ác là lạnh run cầm cập đậu dưới gốc cây mộc qua trước cửa nhà, nghĩ chắc nó đang đói bụng, con đi vào trong bóp vụn một miếng bánh bọn nhỏ ăn còn thừa rồi ra rải dưới gốc cây mộc qua. Lúc ấy chắc con cũng đang nghĩ về mẹ. Nghĩ về chuyện ngày xưa khi mùa đông đến, khi những con chim đậu trên mấy cành cây hồng khẳng khiu trụi lá, mẹ vẫn thường bốc một nắm gạo cũ ra rắc dưới gốc cây cho chúng ăn. Vào tối hôm con vứt mấy mẩu bánh cho con chim ác là ấy, có đến hơn hai chục con chim khác bay đến đậu dưới gốc cây mộc qua. Thậm chí còn có một con chim có cánh to bằng bàn tay của con. Từ hôm đó ngày nào con cũng rắc mẩu bánh dưới gốc cây mộc qua cho bầy chim đi tránh đông đói rét. Nhưng con chim này lại đang nằm phủ phục ở trước cổng nhà con chứ không phải ở dưới gốc cây mộc qua. Mẹ biết tên loài chim đó. Đó là con chim choi choi. Thật kỳ lạ. Chim choi choi đâu có bay lẻ đàn, vậy tại sao nó lại nằm ở đây chứ? Loài chim này phải bay ở gần biển mới đúng. Mẹ đã từng thấy loài chim này ở Komso, nơi ông ấy sinh sống. Mẹ đã nhìn thấy những con chim choi choi tìm kiếm thức ăn trong thảm bùn ngoài bờ biển khi thủy triều xuống.
Con cứ đứng tần ngần mãi trước cổng nhà, đứa lớn lắc lắc tay con. “Mẹ ơi!”
Con im lặng.
“Nó chết rồi ạ?”
Con vẫn mím chặt miệng. Con nhìn chằm chằm vào con chim, nét mặt tối sầm.
“Mẹ ơi! Con chim chết rồi hả mẹ?” Đứa con thứ hai cũng chạy lại hỏi vì thấy ồn ào bên ngoài, nhưng con cũng không trả lời.
Chuông điện thoại reo vang.
“Mẹ ơi! Bác gái gọi.”
Đó là Chi-hon. Con đón lấy ống nghe từ đứa con thứ hai.
Khuôn mặt con đầy u ám. “Nếu chị đi thì sẽ thế nào đây?”
Chắc là Chi-hon lại đi máy bay. Nước mắt đã chảy vòng quanh mắt con. Mẹ nghĩ đôi môi con cũng đang run rẩy. Đột nhiên con hét vào ống nghe, “Mọi người thật quá quắt... quá quắt không chịu nổi!” Con ơi, con đâu phải người như vậy chứ. Sao con lại to tiếng với chị mình như thế?
Nói rồi con thậm chí còn dập bộp điện thoại. Chị con từng làm thế với con và cả với mẹ nữa. Ngay lập tức điện thoại lại đổ chuông. Con nhìn chiếc điện thoại một lúc, rồi khi thấy nó vẫn không ngừng reo, con nhấc ống nghe lên...
“Chị à, em xin lỗi.” Giọng con giờ đã bình tĩnh trở lại. Con im lặng nghe chị con nói ở bên kia đầu dây. Rồi mặt con đỏ bừng lên. Con lại hét lên, “Cái gì? Santiago? Một tháng?” Mặt con đỏ gay.
“Bây giờ chị hỏi em xem chị có thể đi không ư? Chị đã quyết định đi tại sao còn hỏi em? Sao chị có thể làm như thế?” Bàn tay cầm ống nghe của con run run. “Hôm nay có một con chim chết trước cửa nhà em. Em có linh cảm xấu. Có lẽ đã có chuyện gì đó xảy ra với mẹ! Tại sao chúng ta vẫn chưa tìm thấy mẹ chứ? Tại sao? Làm sao chị có thể bỏ đi được? Sao mọi người lại như thế chứ? Sao đến cả chị cũng đi như thế? Chúng ta chẳng biết mẹ ở đâu trong cái lạnh căm căm này, thế mà tất cả mọi người đều thích gì là làm cho bằng được.”
Con ơi, bình tĩnh nào. Con phải hiểu cho chị chứ. Sao con lại nói thế khi mà con cũng biết rõ chị con đã thế nào trong suốt mấy tháng qua?
“Cái gì? Chị muốn em quan tâm đến chuyện này ư? Em ư? Chị nghĩ em còn làm gì được với ba đứa trẻ này? Chị đang chạy trốn đúng không? Bởi vì chuyện này làm chị mệt mỏi chứ gì? Chị lúc nào cũng thế thôi.”
Con ơi, sao con lại làm thế? Có vẻ như con vẫn đang làm tốt mọi việc mà. Con lại dập điện thoại đánh rầm và òa lên nức nở. Đứa út cũng lại khóc theo mẹ. Mũi nó đỏ tấy. Trán cũng đỏ ửng lên. Thấy thế đứa con gái cũng khóc theo. Thằng con trai lớn mở cửa phòng mình bước ra, nhìn chằm chằm cả ba mẹ con đang khóc lóc thảm thiết. Chuông điện thoại lại vang lên. Đang khóc nhưng con vẫn vội vàng nhấc ống nghe.
“Chị...” Nước mắt đã tuôn trào trên mặt con. “Chị đừng đi! Đừng đi chị nhé!”
Cuối cùng chị con cố dỗ dành an ủi con. Không ích gì, thế nên chị con bảo sẽ đến. Con đặt ống nghe xuống và gục đầu ngồi im lặng. Đứa út leo lên ngồi trong lòng mẹ. Con ôm nó vào lòng. Đứa con gái cũng lại gần vuốt ve má mẹ. Con vỗ vỗ vào lưng con gái. Thằng cả nằm giải bài tập toán về nhà trước chỗ con ngồi để làm con vui. Con xoa xoa đầu nó. Chi-hon đến, đẩy cổng bước vào nhà. “Nào, Yun ơi!” Chị gái con đón lấy đứa út từ tay con. Đứa bé sợ người lạ nên oằn mình thoát khỏi vòng tay chị con để trườn về phía mẹ.
“Ra với bác tí nào,” Chi-hon nói, và khi chị con cố vuốt ve đứa bé thì nó khóc òa lên. Chị con vội vàng trao đứa bé cho con. Khi đã được ngồi trong lòng mẹ, đứa bé quay ra cười toe toét với bác nó, nước mắt còn lấp lánh trên mi. Ái chà! Chị con bẹo yêu vào má đứa bé. Hai chị em con cứ ngồi như vậy, không ai nói gì. Mặc dù đã phải đi ngần ấy đoạn đường đầy tuyết để đến đây vì không an ủi được con qua điện thoại, nhưng lúc này đây chị con không nói gì. Chi-hon trông rất buồn thảm. Khuôn mặt chị con sưng húp, đôi mắt to giờ chỉ còn bé như sợi chỉ. Trông có vẻ như đã suốt một thời gian dài chị con không ngủ được.
“Chị có định đi nữa không?” con hỏi chị, phá vỡ hồi lâu yên lặng.
“Chị không đi nữa.” Chị con nằm sấp xuống mặt ghế xô pha như vừa trút được một gánh nặng. Chị con mệt đến mức không nhúc nhích được nữa. Tội nghiệp quá. Chị con chỉ làm ra vẻ cứng rắn nhưng thực ra lại rất mềm yếu. Con sẽ làm gì, có tự làm mình kiệt sức như vậy không?
“Chị ơi! Chị ngủ à?” con lay vai Chi-hon một lát rồi vỗ khẽ. Con nhìn chằm chằm người chị đang ngủ ngon lành. Ngay từ khi còn nhỏ, cho dù có cãi nhau thì hai chị em con cũng nhanh chóng im lặng. Khi thấy hai đứa to tiếng, mẹ sẽ vào mắng ấy câu, thế là hai đứa liền đi ngủ, bàn tay nắm chặt. Con đi vào trong phòng lấy chăn ra đắp cho chị. Chị con cau mày. Chi-hon thật bất cẩn quá. Sao chị con có thể lái xe suốt cả chặng đường đó trong tình trạng buồn ngủ như vậy chứ?
“Chị ơi, em xin lỗi...” con thì thầm, thế là chị con mở mắt ra nhìn con.
Rồi chị con lẩm bẩm như nói một mình, “Hôm qua chị đã gặp mẹ của anh ấy. Nếu bọn chị lấy nhau thì bà ấy sẽ là mẹ chồng chị. Mẹ anh ấy sống với cô con gái lớn. Chị gái anh ấy đang kinh doanh một tiệm ăn nhỏ có tên là Swiss. Chị ấy sống độc thân. Mẹ anh ấy vóc dáng nhỏ nhắn và rất nhẹ nhàng. Bà theo chị ấy đi khắp mọi nơi, gọi con gái mình là Chị. Chị anh ấy cho bà ăn, đưa đi ngủ và tắm giặt cho, và lúc nào cũng nói, Mẹ thật là ngoan, thế nên bà mới gọi con gái mình là Chị. Chị anh ấy nói với chị rằng nếu vì mẹ chị ấy mà chị vẫn chưa kết hôn thì đừng ái ngại. Chị ấy sẽ tiếp tục sống cùng với mẹ và đóng vai một người chị. Vào tháng Một, khi năm mới bắt đầu chị ấy sẽ đưa mẹ đến viện dưỡng lão để đi du lịch, chỉ khi đó chị mới phải tạt qua chăm sóc bà trong lúc chị ấy vắng nhà. Chị gái anh ấy nói rằng hai mươi năm qua chị ấy luôn dùng tiền kiếm được từ kinh doanh nhà hàng để đi du lịch trong suốt tháng Một. Chị ấy thấy thoải mái lắm, dù mẹ chị ấy sống cùng và gọi chị ấy là chị. Chị ấy cười thật tươi và nói rằng bà mẹ đã nuôi dưỡng chị đến tận bây giờ, những gì đã xảy ra chẳng qua chỉ là sự hoán đổi vị trí mà thôi, điều đó cũng rất công bằng.”
Chị con ngừng kể rồi lặng lẽ nhìn con. “Kể cho chị nghe về mẹ đi.”
“Về mẹ ư?
“Ừ, điều gì đó về mẹ mà chỉ mình em biết ấy.”
“Mẹ tên là Park So-nyo. Sinh ngày 24 tháng 7 năm 1938. Người thấp, tóc muối tiêu, gò má cao, hôm đi lạc mặc áo khoác trắng, bên trong là áo sơ mi màu xanh da trời, váy xếp nếp màu be. Nơi bị lạc...”
Chị con lim dim mắt rồi nhắm hẳn, giấc ngủ đã kéo đến.
“Em không biết gì về mẹ. Chỉ biết mẹ đang bị lạc,” con nói.
Đã đến lúc mẹ phải đi nhưng sao chân không bước được. Mẹ đã ngồi đây suốt cả ngày rồi.
Ôi không.
Mẹ đã biết chuyện này rồi sẽ xảy ra. Đây là một cảnh sẽ diễn ra trong vở hài kịch. Chao ôi, thật là hỗn độn. Trong tình huống như thế mà con vẫn cười được sao? Đứa con trai cả của con đứng đó vừa đội cái mũ lên vừa nói với con điều gì đó. Thằng bé nói gì thế nhỉ? Cái gì? À, nó muốn đến sân trượt tuyết. Con bảo với thằng bé là không được. Con nói với nó, “Vì gia đình ta mới chuyển về đây, con còn chưa theo kịp bạn bè ở lớp, thế nên con phải học cùng với bố trong suốt kỳ nghỉ này. Có như thế mới đảm bảo khi quay lại trường con có thể bằng bạn bằng bè. Nếu không thì con sẽ tiếp tục vô cùng vất vả ở trường.” Trong lúc con đang nói chuyện với đứa lớn thì đứa út đang chập chững đi của con suýt nữa đã nhặt những hạt cơm rơi dưới gầm bàn cho vào miệng. Chắc hẳn tay con có mắt. Con đang nói chuyện và nhìn thằng cả, nhưng tay con vẫn chộp được cục cơm lấm bụi từ tay thằng út. Đứa bé chực khóc, nhưng rồi lại đu lên chân con. Theo phản xạ tự nhiên con túm lấy cánh tay của đứa con nhỏ đang sắp ngã, tuy nhiên miệng con vẫn giảng giải cho thằng lớn chuyện tại sao phải chịu khó học hành. Thằng lớn có vẻ như không nghe lời con nói mà cứ đảo mắt nhìn quanh rồi gào lên, “Con muốn đi! Con ghét chỗ này!” Đứa con gái thứ hai chạy ra khỏi phòng nó mà gọi ới lên, “Mẹ ơi!” Con bé lẩm bẩm, “Tóc con rối tung hết cả. Một lát nữa con phải đến trường rồi, mẹ tết tóc lại cho con đi.” Giờ thì bàn tay con đang tết lại tóc cho cô con gái. Trong khi đó miệng con vẫn tiếp tục giảng giải cho cậu con trai lớn.
Ôi chao, cả ba đứa đều đang bám chặt lấy con. Con gái của mẹ, cùng một lúc con đang phải nghe cả ba đứa trẻ nói. Cơ thể con đã thích nghi với những yêu cầu của bọn trẻ. Con đặt đứa bé gái ngồi lên ghế ăn để chải tóc cho nó, trong khi đứa con trai lớn vẫn nằng nặc đòi đi trượt tuyết, con thỏa hiệp bằng cách bảo rằng con sẽ nói với bố thằng bé về chuyện đó, và khi thằng út ngã, con vội vàng đặt cái lược xuống để kéo thằng bé dậy và xoa mũi nó, rồi con lại nhanh chóng nhặt lược lên để chải cho xong mái tóc của đứa con gái.
Đột nhiên con nhìn ra ngoài cửa sổ. Con thấy mẹ đang ngồi trên cây mộc qua. Mắt con chạm vào mắt mẹ. Con lẩm bẩm, “Mẹ chưa bao giờ nhìn thấy con chim đó trước đây.”
Cả ba đứa nhỏ vây quanh con và cùng nhìn mẹ. “Có lẽ nó cùng đàn với con chim đã chết trước cổng nhà mình hôm qua mẹ nhỉ.” Đứa con gái nắm chặt lấy tay con.
“Không phải... Con chim đó không giống như thế.”
“Không đâu, giống lắm mà!”
Hôm qua, mấy mẹ con đã chôn con chim dưới gốc cây mộc qua này. Trong lúc thằng anh đào đất thì đứa em gái hì hục làm một cây thánh giá bằng gỗ. Đứa út thì cứ nhặng xị cả lên. Lúc con cầm con chim lên, vuốt đôi cánh gọn lại và đặt xuống cái hố thằng cả đã đào sẵn thì đứa con gái lẩm bẩm trong miệng, “Amen!” Xong xuôi, đứa con gái gọi điện đến văn phòng kể cho bố nó nghe cặn kẽ chuyện chôn cất con chim. Nó nói với bố, “Bố à, con còn làm cho con chim một cây thánh giá bằng gỗ nữa đấy!”
Cây thánh giá gỗ đã đổ sập trong cơn gió.