Hãy Chăm Sóc Mẹ


“Đã tối thế này rồi sao còn phải bịt mắt nó rồi mới mang đi hả mẹ?” cô con gái thứ vừa lẽo đẽo chạy theo sau vừa hỏi. Mặc cho tôi giải thích rằng nếu không làm như vậy thì con chó sẽ tìm được đường quay về nhà, cô con gái vẫn có vẻ chưa hiểu ra.
“Nhưng trời đã tối thế này rồi cơ mà?”
“Ừ, trời có tối thì vẫn phải làm vậy.”
Con chó mẹ biết đứa con của mình không còn nữa nên suốt ngày rên rỉ đau đớn, cơm cũng chẳng buồn ăn. Nó phải ăn cơm mới có đủ sữa cho đàn chó con bú để còn lớn lên chứ. Cảm thấy cứ để mặc con chó mẹ thế thì nó sẽ chết mất, tôi mang con chó con về đặt lại bên cạnh chó mẹ, phải đến khi đó con chó mẹ mới chịu ăn cơm trở lại. Con chó ấy sống ở phía dưới cái thềm kia.
Chà, tôi không biết sẽ phải ngừng dòng hồi tưởng đang nảy nở như chồi non mùa xuân về mọi nơi trên mảnh đất này ở đâu nữa. Mọi thứ tôi đã lãng quên chợt ùa về. Từ những bát cơm trên kệ bếp tới những hũ lớn hũ bé đựng gia vị, từ những bậc thang gỗ nhỏ hẹp dẫn lên gác xép tới những cây bí ngô bò um tùm phía dưới rồi leo lên bò tường đất.
Ông không nên để nhà cửa đóng băng như thế.
Nếu khó khăn quá thì hãy bảo cô con dâu thứ giúp đỡ xem sao. Nó luôn thu dọn nhà cửa rất cẩn thận cho dù ngôi nhà đó không phải của mình. Nó có khiếu trong mấy việc này lắm, lại chu đáo và chân thành. Dù vẫn đi làm nhưng nhà cửa lúc nào cũng sạch bong mà thậm chí không có người giúp việc. Nếu thấy chăm nom nhà cửa khó khăn quá thì hãy nói với nó một câu. Để tôi bảo ông, nó mà động tay vào thì đồ cũ cũng trở thành đồ mới. Ông có nhớ vợ chồng nó đã thuê một ngôi nhà gạch ở khu tái định cư như thế nào không, chủ ngôi nhà ấy không hề sửa chữa gì cả, chính cô con dâu nhà mình đã tự tay trộn xi măng để sửa sang lại ngôi nhà. Một ngôi nhà sẽ trở nên đẹp đẽ hay xa lạ tùy thuộc vào người sống trong ngôi nhà ấy, tùy thuộc vào sự chăm sóc của chủ nhân. Khi mùa xuân đến, hãy trồng hoa ngoài sân nhé, cả cọ rửa sàn và sửa sang lại cái mái đã hỏng vì tuyết nữa.
Mấy năm trước, lúc bố của Hyong-chol say rượu, khi có người hỏi nhà ở đâu, ông đã nói rằng nhà mình ở phường Yokchon. Mặc dù Hyong-chol đã rời khỏi phường Yokchon hai mươi năm rồi. Trong trí nhớ của tôi phường Yokchon đã trở nên rất mơ hồ. Ông là người không bao giờ biểu lộ cảm xúc cho dù là vui hay buồn. Khi Hyong-chol mua được ngôi nhà đầu tiên của nó ở phường Yokchon trên Seoul, ông cũng không nói gì nhiều, nhưng tôi biết từ trong sâu thẳm, ông rất tự hào. Đó là lý do tại sao trong những lần say rượu ông quên lãng căn nhà này mà lại gọi tên căn nhà đó, căn nhà mà một năm chúng ta tới làm khách có ba hay bốn lần và chỉ ngủ lại một hoặc thỉnh thoảng là hai đêm. Ước gì ông cũng nghĩ đến ngôi nhà này theo cách đó. Trong góc sân trước hay ở sân sau của ngôi nhà này, dù tôi không trồng thì năm nào những bông hoa nhỏ xíu cũng đua nhau nở rực rỡ, đẹp mãi cho đến tận khi tàn. Trong sân trước, dưới thềm và sân sau, luôn có thứ gì đó tụ hội, đến rồi đi rồi chết. Chim chóc đậu trên dây phơi như thể đang giặt giũ phơi phóng, chúng vui đùa nhảy nhót ríu ran. Tôi thực sự nghĩ rằng một căn nhà sẽ dần trở nên giống với những con người sống trong đó. Tôi như vẫn thấy đàn vịt sống trong ngôi nhà này quác quác quanh sân và đẻ trứng khắp nơi. Tôi như vẫn thấy một ngày nắng đẹp, tôi mang một cái khay mây đựng củ cải thái lát mỏng phơi khô hoặc khoai sọ luộc ra đặt trên bức tường đất. Cảnh tượng cô con gái thứ phơi đôi giày thể thao trắng tinh sạch bong như mới dưới ánh nắng chợt vụt qua trước mắt tôi. Cô con gái lớn luôn thích ngắm nhìn bầu trời in hình trong giếng nước. Tôi như vẫn thấy hình ảnh Chi-hon đang múc nước bên bờ giếng thì ngưng lại nhìn xuống mặt nước, hai tay chống cằm.
Đã ở lại lâu quá rồi... Bây giờ tôi phải đi thôi.
Mùa hè năm ngoái khi bị bỏ lại một mình trên ga tàu điện ngầm Seoul, tôi chỉ nhớ được những chuyện hồi tôi lên ba tuổi. Lãng quên tất cả mọi thứ, điều duy nhất tôi có thể làm lúc ấy là bước đi. Bản thân tôi cũng không biết mình là ai nữa. Tôi cứ bước và bước. Tất cả mọi thứ đều mờ ảo. Cái sân nhà mà tôi thường chạy nhảy nô đùa hồi ba tuổi chợt hiển hiện trong tâm trí tôi. Lúc người cha bôn ba khắp nơi để đào vàng và khai thác than đá trở về, tôi mới lên ba. Tôi đi xa hết mức có thể. Tôi cứ bước đi giữa các tòa chung cư, trên những con đường đồi đầy bụi rậm và cả trên sân bóng. Tôi muốn đi đến đâu khi cứ cất bước mãi thế này? Có lẽ nào tôi muốn tới cái sân mình vẫn thường nô đùa dạo lên ba? Sau khi bố tôi trở về, sáng sáng ông lại đi bộ mười dặm đến làm việc tại công trường xây dựng nhà ga xe lửa mới. Bố tôi đã gặp tai nạn gì? Tai nạn gì mà khiến ông phải giã từ cuộc sống này vậy? Người ta kể rằng khi láng giềng đến báo ẹ tôi về tai nạn của bố, tôi đang chạy nhảy vui đùa ngoài sân. Tôi vẫn cứ chơi đùa khi thấy mẹ tôi loạng choạng chạy đến nơi xảy ra tai nạn với sự giúp đỡ của hàng xóm, gương mặt mẹ tái mét. Thấy tôi cười đùa ngoài sân, có người đi ngang qua bảo rằng, “Bố chết rồi không biết mà vẫn còn cười được, đúng là đứa trẻ dại ngơ dại nghếch,” rồi phét vào mông tôi. Với duy chỉ một ký ức ấy, tôi cứ lững thững bước đi cho đến khi kiệt sức ngồi bệt xuống lề đường.
Kia rồi.
Mẹ đang ngồi trên thềm ngôi nhà tối tăm nơi tôi sinh ra.
Mẹ ngẩng mặt lên nhìn tôi. Khi tôi sinh ra, bà tôi đã có một giấc mơ. Một con bò cái lông vàng đang vươn vai, nó vừa thức giấc, khuỵu gối đứng lên. Bà tôi nói rằng tôi sẽ rất giàu nghị lực, vì tôi được sinh ra giống hệt như con bò dùng hết sức để đứng thẳng dậy. Bà còn nói rằng tôi nên được chăm sóc cẩn thận vì tôi sẽ trở thành nguồn vui bất tận. Mẹ nhìn xuống chỗ mu bàn chân của tôi bị đôi dép lê màu xanh cứa sâu. Xương lộ cả ra ngoài vết thương trên chân tôi. Khuôn mặt mẹ méo xệch đi vì buồn bã. Khuôn mặt ấy chính là khuôn mặt tôi trông thấy lúc nhìn vào cái gương ở tủ quần áo sau khi tôi sinh đứa con chết yểu. Ôi con tôi, mẹ thốt lên rồi dang tay ra. Mẹ cho hai tay vào nách tôi cứ như thể ôm đứa trẻ vừa mới chết vào lòng. Mẹ tháo đôi dép lê màu xanh ra khỏi chân tôi và đặt hai bàn chân của tôi lên đầu gối mẹ. Mẹ không cười. Mà cũng không khóc. Mẹ có biết không? Con cũng luôn cần mẹ trong suốt cuộc đời mình.
Phần kết | Chuỗi tràng hạt hoa hồng
Mẹ mất tích đã chín tháng rồi.
Cô đang ở Italia. Ngồi trên bậc đá cẩm thạch nhìn ra quảng trường St. Peter của Tòa thánh Vatican, cô ngắm cây cột hình tháp được mang từ Ai Cập đến. Người hướng dẫn viên du lịch trán đẫm mồ hôi đang gào lên, “Xin mọi người hãy tập trung đến chỗ này,” và hướng dẫn mọi người trong đoàn của cô đứng vào chỗ râm mát dưới bậc thang, nơi có những biểu tượng hình nón khổng lồ. “Chúng ta không được phép nói chuyện trong các viện bảo tàng hay thánh đường. Vì vậy, tôi sẽ cung cấp cho quý vị thông tin về những thứ quan trọng trong bảo tàng trước khi chúng ta vào tham quan. Tôi sẽ đưa ỗi vị một cái tai nghe, quý vị hãy cài nó vào tai.”
Cô nhận tai nghe từ người hướng dẫn nhưng không cài lên tai. Người hướng dẫn tiếp tục, “Nếu quý vị không nghe thấy gì từ tai nghe thì có nghĩa là quý vị đứng cách xa tôi quá. Vì có rất nhiều người nên tôi không thể để ý đến từng người được. Quý vị phải ở trong tầm nghe được tiếng của tôi thì tôi mới có thể giới thiệu đầy đủ cho quý vị được.”
Cô treo tai nghe lên cổ rồi đi vào nhà vệ sinh để rửa tay. Mọi người trong đoàn nhìn theo cô khi cô sải bước vào nhà vệ sinh. Cô rửa tay trong bồn rửa và khi mở túi xách lấy khăn lau tay, cô nhìn chằm chằm vào lá thư đã nhàu nát của cô em gái gửi ình để ở bên trong. Đây là lá thư cô đã lấy ra từ trong hòm thư ở căn hộ của mình ba hôm trước, đúng vào ngày cô cùng bạn trai rời Seoul. Một tay cầm cái túi du lịch có gắn bánh xe, đứng trước cửa nhà, cô đọc tên cô em gái viết trên phong bì. Từ xưa đến giờ, đây là lần đầu tiên cô nhận được thư từ em gái. Mà đây còn là một lá thư tay chứ không phải email. Cô định mở bức thư ra xem nhưng nghĩ thế nào lại cất vào túi xách. Có lẽ cô nghĩ nếu đọc lá thư đó thì cô sẽ không thể lên máy bay với bạn trai mất. Cô bước ra khỏi nhà vệ sinh và lại ngồi xuống với cả đoàn. Nhưng thay vì đeo tai nghe lên, cô lấy lá thư của cô em gái ra cầm trên tay một lát rồi bóc phong bì thư.
Chị.
Hôm em tới chỗ mẹ ngay sau khi em từ Mỹ trở về, mẹ cho em một cây hồng nhỏ cao tới đầu gối em. Hôm đó em đến lấy đồ đạc gửi ở nhà mẹ. Mẹ bị té xỉu trong khu chứa đồ bên cạnh nhà kho, nơi cất giữ bếp ga, tủ lạnh và bàn ăn của em. Mẹ nằm sóng soài ở đó, chân tay rủ cả ra. Mấy con mèo nhà hàng xóm mà mẹ hay cho cơm đang ngồi xung quanh mẹ. Em vội vàng ra lay mẹ, mẹ mở mắt như thể vừa ngủ dậy, nhìn em và mỉm cười. Mẹ nói, “Đứa con gái thứ hai của tôi về rồi đây!” Mẹ bảo với em là mẹ không sao cả. Giờ thì em biết khi đó mẹ không còn tỉnh táo, nhưng mẹ vẫn khăng khăng rằng mẹ không sao cả. Rằng mẹ đang vào nhà kho để mang cơm ấy con mèo. Mẹ vẫn giữ nguyên xi mọi thứ em gửi trước khi em đi Mỹ. Ngay cả đôi găng tay cao su mẹ cũng không động đến, cho dù trước khi đi em đã bảo mẹ cứ dùng. Mẹ kể là trong một lần nhà có giỗ, mẹ đã tính dùng cái bếp ga xách tay nhưng rồi lại thôi. Sao mẹ lại không dùng? Em hỏi mẹ thế thì mẹ nói, Để khi con về, mẹ có thể trao lại cho con mọi thứ còn nguyên vẹn như khi con đi.
Khi em đã chất hết đồ lên xe tải, mẹ ngượng nghịu cầm một cây hồng đi vòng ra từ phía sau nhà, nơi mẹ cất giữ tất cả những chum gia vị. Rễ cây bọc một nắm đất đặt trong túi ni lông. Mẹ đã mua cái cây đó cho em mang về trồng ở khoảnh sân ngôi nhà em mới chuyển đến. Cái cây còn quá nhỏ, em tự hỏi không biết đến khi nào cây hồng này mới cho quả. Nhưng quả tình, em không muốn mang cây hồng về. Nói là nhà có sân nhưng đó đâu phải nhà của em, vả lại em cũng nghĩ không biết ai sẽ chăm sóc cho cái cây đó. Như đọc được ý nghĩ đó của em, mẹ bảo, “Con sẽ thấy cây hồng cho quả ngay thôi; đến bảy mươi năm còn trôi qua vèo vèo nữa là.”
Thấy em vẫn không định mang nó theo, mẹ bảo, “Như thế để khi mẹ không còn nữa, mỗi lần hái quả hồng là con lại nhớ đến mẹ.”
Dạo đó mẹ bắt đầu hay nói câu “Khi mẹ chết...” thường xuyên hơn. Chị cũng biết đấy, từ lâu rồi câu nói đó đã trở thành vũ khí của mẹ. Đó là thứ vũ khí duy nhất của mẹ khi con cái làm những việc mẹ không vừa lòng. Em không biết bắt đầu từ lúc nào, nhưng mỗi khi không tán thưởng việc gì, mẹ lại bảo, Đợi mẹ chết rồi hãy làm thế. Dù chẳng chắc liệu cây hồng nhỏ đó có sống sót được hay không, em đặt nó lên xe tải chở về Seoul rồi chôn gốc của nó xuống đất sâu tới đúng chỗ mẹ đã đánh dấu trên cây. Sau đó, khi lên Seoul, mẹ bảo em trông cái cây sát tường quá, nên chuyển ra trồng chỗ khác. Từ đó mẹ thường xuyên hỏi em đã chuyển cái cây chưa. Em cứ bảo chuyển rồi, mặc dù chưa chuyển. Mẹ muốn em chuyển cây hồng ra cái khoảng trống rộng trong sân mà em đã dự định khi nào mua được ngôi nhà này thì sẽ trồng một cái cây thật to ở đó. Thực sự em không hề nghĩ mình sẽ chuyển cái cây non mới chỉ có hai nhánh, cao chưa chạm đến thắt lưng mình ra trồng ở chỗ đó, nhưng em vẫn trả lời, Vâng mẹ ạ. Trước khi mẹ mất tích, bỗng dưng ngày nào mẹ cũng gọi điện cho em mà hỏi, “Con đã chuyển cái cây ra trồng ở chỗ đó chưa?” Mỗi lần như thế em chỉ bảo, Hôm sau con sẽ chuyển.
Chị ơi. Phải đến tận hôm qua em mới cõng thằng út trên lưng ra đón taxi đến So-orung để mua dụng cụ và phân bón thực vật. Em đào hố đúng chỗ mẹ chỉ rồi đánh cây hồng ra trồng ở đó. Em không thấy hối hận chút nào vì không nghe lời mẹ, chẳng chịu chuyển cây hồng khỏi bức tường, nhưng em thực sự ngạc nhiên khi đánh cái cây lên. Lần đầu tiên mang cây hồng lên đây, rễ của nó trơ trụi tới mức em cứ phải nhìn chăm chăm, nghi ngờ rằng đám rễ thậm chí không thể phát triển trong lòng đất, nhưng lúc em đào cái cây lên để chuyển đi, bộ rễ của nó đã cắm sâu vào lòng đất; đan cài vào nhau. Em vô cùng ấn tượng với sự sống bền bỉ của nó khi nó xoay xở tồn tại đươc trên mảnh đất cỗi cằn như thế. Có phải mẹ cho em cây hồng bé xíu là để em có thể chứng kiến tán lá của nó ngày một sum suê và cành nhánh của nó ngày một đan dày? Phải chăng mẹ có ý bảo với em rằng nếu muốn nhìn thấy cây đơm hoa kết trái thì phải chịu khó chăm sóc cho nó? Hay có lẽ chỉ đơn giản là vì mẹ không có tiền để mua cây to? Lần đầu tiên em thấy yêu thích cây hồng đó. Em không còn hoài nghi liệu cây hồng này có ngày cho quả hay không nữa. Em lại nhớ tới câu mẹ nói, “Sau khi mẹ đi rồi, mỗi lần cầm quả hồng lên ăn thì con sẽ nghĩ đến mẹ.”
Chị có nhớ có lần chị đã bảo em kể cho chị nghe những chuyện về mẹ mà chỉ mình em biết không? Em đã nói là em không biết gì về mẹ cả. Tất cả những gì em biết là mẹ đang mất tích. Cho đến bây giờ vẫn vậy. Đặc biệt em không biết sức mạnh của mẹ ở đâu mà ra. Thử nghĩ mà xem. Những việc mà người khác không làm được thì mẹ đều tự mình làm cả. Em cho rằng vì thế mà mẹ ngày một cạn kiệt đi. Cuối cùng mẹ trở thành con người không tìm nổi nhà của bất kỳ đứa con nào của mình. Em thấy mình thật là lạ, mặc dù mẹ bị mất tích nhưng vì còn phải cho con cái ăn uống, chải đầu cho chúng và đưa chúng đến trường nên em đã không thể đi tìm mẹ. Chị có nói rằng gần đây em đã thay đổi nhiều, không giống với những người mẹ trẻ khác ngày nay, chị bảo một phần nhỏ trong em hơi giống với mẹ, nhưng chị ơi, dù gì đi nữa, em không nghĩ mình có thể giống được mẹ của chúng ta. Kể từ khi mẹ mất tích, em cứ nghĩ mãi, liệu mình đã là đứa con gái tốt của mẹ chưa? Liệu em đã làm được cho các con mình những việc mẹ đã làm cho em chưa?
Em biết một điều. Em không thể làm được như mẹ. Cho dù em có muốn đi chăng nữa. Mỗi khi cho con ăn, em rất hay nổi cáu. Em cảm thấy gánh nặng, em cảm giác như con cái níu chân mình. Em yêu các con lắm, nhiều lúc em cảm động ứa nước mắt khi nghĩ không biết có thật mình đã sinh ra chúng không, thế nhưng em không thể trao cả cuộc đời mình cho con cái giống như mẹ đã làm được. Trong từng hoàn cảnh, em luôn làm hết sức vì các con, thậm chí em còn có thể hiến dâng cho chúng đôi mắt của chính mình nếu chúng cần, nhưng em vẫn không phải là mẹ. Em cứ mong đứa út mau khôn lớn. Nhiều khi em nghĩ chính con cái đã kìm hãm cuộc đời mình. Khi nào đứa út lớn thêm một chút nữa, em sẽ gửi cháu đến nhà trẻ hoặc thuê người về trông cháu để em còn phải làm việc của em nữa chứ. Nhất định em sẽ làm như vậy. Vì em cũng phải có cuộc sống của riêng mình nữa. Khi nhận ra suy nghĩ này ở bản thân, em tự hỏi sao mẹ có thể làm được những việc mẹ đã làm, và khi đó em mới biết rằng mình không thực sự hiểu mẹ. Dù chúng ta cứ nói là hoàn cảnh sống của mẹ khiến mẹ chỉ có thể nghĩ về chúng ta đi nữa, sao chúng ta có thể nghĩ về mẹ ở cương vị một người mẹ suốt cả cuộc đời như thế cơ chứ? Dù đã làm mẹ, em vẫn có rất nhiều mơ ước của riêng mình và vẫn nhớ không sót một chuyện gì về thời thơ ấu, thời niên thiếu cũng như thời thiếu nữ của mình, thế nhưng tại sao ngay từ đầu chúng ta chỉ luôn nghĩ về mẹ như là một người mẹ mà thôi? Mẹ đã không có cơ hội theo đuổi những ước mơ của mình, luôn phải một thân một mình đối diện với mọi sự bạc đãi của thời đại, đói nghèo và khốn khổ, và mẹ không thể làm được gì cho số phận buồn thương của mình ngoài gánh chịu nó và vượt qua nó, sử dụng tối đa mọi khả năng của bản thân để sống hết cuộc đời, dâng hiến toàn bộ thể xác và tâm hồn mình cho cuộc đời ấy. Tại sao em chưa từng mảy may nghĩ tới những ước mơ của mẹ?
Chị...
Em đã muốn vục mặt vào cái hố em đào để trồng cây hồng. Em không thể sống giống như mẹ, vậy thì có lẽ nào mẹ lại muốn sống như thế? Sao em chưa một lần nghĩ được như vậy khi mẹ còn ở bên chúng ta? Là con gái của mẹ mà em còn chẳng hay biết gì như thế thì chắc mẹ phải cảm thấy cô đơn biết chừng nào khi ở trước những người khác. Thật bất công khi mẹ đã phải hy sinh tất cả cho chúng ta nhưng chẳng có một ai hiểu được mẹ cả.
Chị. Chị có nghĩ chúng ta sẽ lại được ở bên mẹ dù chỉ một ngày thôi không? Chị có nghĩ em sẽ lại có thời gian để hiểu mẹ nữa không, để lắng nghe những câu chuyện của mẹ, để an ủi ước mơ xưa mẹ đã chôn vùi ở đâu đó trong dòng thời gian? Không cần một ngày, chỉ cần cho em vài giờ đồng hồ thôi cũng được, em sẽ nói với mẹ rằng em yêu tất cả những gì mẹ đã làm, em yêu người mẹ đã hoàn thành được tất cả những công việc đó, em yêu cuộc sống của mẹ, một cuộc sống mà không còn ai nhớ nữa. Rằng em tôn thờ mẹ...
Chị, chị đừng bỏ rơi mẹ, hãy đi tìm mẹ chị nhé...
Em gái cô chắc đã không thể viết ngày tháng hoặc lời tạm biệt ở cuối bức thư. Trên trang giấy có những vết ố hình tròn, có lẽ em gái cô đã khóc, khi viết. Cô nhìn chằm chằm vào những điểm ố vàng ấy hồi lâu rồi gấp lá thư lại cho vào túi xách. Có khi trong lúc em gái cô đang viết thư thì đứa con út đã vơ lấy cái gì đó ở dưới gầm bàn cho vào miệng rồi ra túm lấy hông mẹ và cất giọng ngọng nghịu hát bài Gấu mẹ... rồi đu lên người mẹ. Cô em gái hẳn đã nhìn thằng bé với vẻ mặt u sầu rồi hát theo con, gầy gò! Đứa con trai nhỏ không hiểu được tâm trạng của mẹ nên cứ ngoác miệng ra cười toe toét, và nói, Gấu bố rồi chờ đợi mẹ phụ họa tiếp. Em gái cô nước mắt lưng tròng, đế lời con, béo ị! Có lẽ em gái cô đã không thể viết lời tạm biệt vì phải chơi đùa với con. Có lẽ đứa trẻ đã túm chặt lấy chân mẹ rồi cố leo lên nhưng rồi lại ngã lăn quay và bập trán xuống sàn nhà. Thằng bé sẽ khóc òa lên nức nở. Nhìn thấy vết bầm tím lan rộng trên làn da mỏng manh của đứa bé, có lẽ những giọt nước mắt cố kìm nén của em gái cô bỗng dưng trào ra.
Sau khi cô gấp lá thư lại cất vào túi xách, giọng nói nhiệt tình của người hướng dẫn vọng đến tai cô. “Thứ đặc sắc nhất của viện bảo tàng này chính là bức họa Chúa tạo ra Adam trên trần nhà nguyện Sistine mà chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng vào cuối buổi hôm nay. Danh họa Michelangielo đã treo mình trên xà của cái trần đó suốt bốn năm để thực hiện bức bích họa này, thế nên đến cuối đời mình, thị lực của ông ấy kém tới mức nếu không ra ngoài trời thì không thể đọc chữ hay xem tranh được nữa. Bích họa được làm từ vữa, thế nên người họa sĩ phải hoàn thành trước khi lớp vữa khô lại. Nếu họ không thể hoàn thành trong một ngày khối lượng công việc thông thường phải làm trong một tháng thì lớp vữa sẽ khô cong và họ sẽ phải làm lại từ đầu. Vì ông ấy phải treo mình trên không suốt bốn năm trời như thế, tôi nghĩ cũng là dễ hiểu khi ông ấy gặp vấn đề về cổ và lưng trong suốt phần đời còn lại.”
Việc cuối cùng cô làm ở sân bay trước khi lên máy bay là gọi điện về cho người bố ở dưới quê. Sau khi mẹ mất tích, bố cứ đi đi về về giữa Seoul và ngôi nhà ở quê, nhưng từ độ sang xuân bố đã về sống hẳn dưới nhà. Ngày nào cô cũng gọi điện cho bố vào buổi sáng, cũng có khi vào buổi tối. Điện thoại vừa đổ một hồi chuông là bố cô nhấc lên ngay như đã chờ đợi cuộc gọi ấy từ lâu lắm. Bố sẽ nói tên cô trước cả khi cô kịp lên tiếng. Trước đây mẹ cũng luôn đoán ra cô mỗi khi cô gọi điện về nhà như thế. Trong khi đang nhổ cỏ ở luống hoa ngoài sân, nghe thấy chuông điện thoại reo là mẹ bảo ngay với bố, “Ông nghe điện thoại đi, Chi-hon gọi đấy!” Nếu cô có hỏi, “Sao chỉ cần nghe chuông điện thoại là mẹ có thể đoán ra ai đang gọi thế,” mẹ sẽ nhún vai bảo, “Chỉ là... mẹ tự nhiên biết được thôi.” Giờ đây sống một mình trong ngôi nhà trống vắng không có mẹ, bố cũng có thể biết chắc là cô đang gọi, ngay từ tiếng chuông đầu tiên. Cô nói với bố rằng có thể cô sẽ không gọi điện trong một thời gian vì ở bên Roma mà gọi về thì cô lại phải tính xem có làm bố thức giấc không. Như thể chẳng để ý cô đang nói gì, đột nhiên bố cô bảo rằng lẽ ra bố phải đưa mẹ đi phẫu thuật viêm màng phổi.
“Mẹ con cũng bị đau mũi nữa sao?” cô hỏi mà giọng như nghẹn lại, bố cô kể cứ mỗi khi thời tiết thay đổi là mẹ cô lại không thể ngủ được vì ho. Bố cô còn nói thêm, “Đó là lỗi của bố, tất cả là tại bố. Vì bố mà mẹ con không có thời gian chăm sóc chính bản thân mình.” Nếu phải ngày nào khác thì có lẽ cô đã bảo, “Bố, đó không phải là lỗi của ai cả,” nhưng hôm ấy những từ “Phải, tất cả là tại bố” cứ thế nhảy ra khỏi miệng cô. Bố cô buông tiếng thở dài nặng nhọc ở bên kia đầu dây. Bố cô không biết rằng cô đang gọi điện từ sân bay.
“Chi-hon à,” mãi một lúc sau bố cô mới lên tiếng.
“Dạ.”
“Bây giờ thậm chí mẹ con cũng không hiện về trong giấc mơ của bố nữa rồi.”
Cô không nói gì.
Sau một hồi im lặng, bố cô lại bắt đầu nhắc chuyện ngày xưa. Bố kể rằng có một hôm, bố mẹ nấu con cá bao kiếm anh cả cô gửi về biếu. Hôm đó, mẹ đào một củ cải còn nguyên lá xanh ở cánh đồng trên núi về, rũ sạch đất cát, dùng dao gọt, cắt thành từng khúc to rồi rải xuống dưới đáy nồi để om con cá bao kiếm, con cá chín đỏ lên cùng đủ loại gia vị. Khi cá chín, mẹ gỡ thịt cá đặt lên bát cơm trắng tinh của bố. Bố cô sụt sịt khi nhớ lại ngày mùa xuân ấy, trong bữa ăn trưa bố mẹ chia nhau con cá bao kiếm mà mẹ đã om buổi sáng, và sau khi ăn uống no nê, hai người cùng vào trong phòng dang tay ngủ trưa. Bố cô nói khi đó bố đã không biết rằng đó là hạnh phúc. “Bố thấy thương ẹ con. Lúc nào bố cũng kêu ca mệt mỏi.” Đó là sự thực. Bố cô hoặc là đi vắng hoặc là ở nhà trong tình trạng ốm đau. Dường như giờ đây bố cô đang rất ân hận về điều đó. Tiếng khóc thầm của người cha già bật lên thổn thức.
“Lúc bố bắt đầu trở nên ốm yếu thì hẳn mẹ con cũng mắc tình trạng tương tự.”
Có phải mẹ thậm chí đã không thể nói ra rằng bà đang đau ốm, phải gạt qua một bên vì sự mệt nhọc của bố cô? Vì phải chăm sóc ọi người trong gia đình, mẹ trở thành người không được phép ốm. Khi bước sang tuổi năm mươi, bố cô bắt đầu phải dùng thuốc huyết áp, khớp xương thì tê cứng, bệnh đục thủy tinh thể cũng xuất hiện. Ngay trước khi mẹ mất tích, bố cô đã phải trải qua hàng loạt ca phẫu thuật khớp xương đầu gối trong suốt hơn một năm trời, rồi lại còn phải phẫu thuật tuyến tiền liệt vì đi tiểu khó khăn. Bố cô từng bị đột quỵ, vì vậy mỗi năm ông phải nhập viện ba lần, mỗi lần lại nằm viện nửa tháng tới một tháng, chu trình ấy cứ lặp đi lặp lại như thế. Lần nào bố nằm viện, mẹ cũng phải ngủ trong bệnh viện. Gia đình cô đã thuê người chăm sóc cho bố, nhưng ban đêm mẹ vẫn phải ngủ ở đó. Khi người giúp việc ngủ qua đêm ở bệnh viện, chừng nửa đêm bố cô đi vào nhà vệ sinh rồi chốt cửa lại và không chịu ra ngoài. Có lần đang ở nhà anh Hyong-chol, nhận được điện thoại của người giúp việc đang hốt hoảng vì không biết phải làm gì trước hành động bất ngờ của bố cô, dù đang lúc nửa đêm, mẹ cô vẫn vội vã đi đến bệnh viện để dỗ dành người chồng đang khóa cửa ngồi trong nhà vệ sinh.
“Tôi đây. Mở cửa đi ông, tôi đây mà.”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui